SỰ THỰC HIỆN CÁC QUYỀN LỢI
Các quyền lợi có được thực hiện mới đem lại sự hưởng thụ cho những chủ thể quyền lợi. Sự thực hiện các quyền lợi của mình có thể bình thản hoặc vấp phải trở lực hay sự đối kháng của người khác. Trong trường hợp thứ hai, thường sinh ra các việc kiện tụng.
I. SỰ THỰC HIỆN BÌNH THẢN CÁC QUYỀN LỢI.
Trong trường hợp thông thường, các chủ thể quyền lợi có thể hoặc hành sử các quyền lợi của mình, hoặc đem các quyền lợi đó truyền cho người khác.
a) Sự hành xử quyền lợi _ Trên nguyên tắc, không ai có thể cấm đoán được sự hành xử một quyền lợi đã được pháp luật hay khách quan pháp công nhận. Thí dụ: Bạn có một miếng đất. Bạn có quyền trồng cây hay xây nhà trên thửa đất ấy thoe ý riêng, mặc dầu cây hay nhà ấy sẽ vô tình ngăn cản các người láng giềng không còn được cái thú đứng trước cửa sổ phóng tầm con mắt ra xa. Sự hành xử một quyền lợi chủ quan chỉ phải chịu giới hạn do luật pháp hoạch định ra mà thôi. Vì vậy nếu đương sự chỉ sử dụng quyền của mình thì không thể làm thiệt hại tới ai cả (Neminem laedit qui suo jure utitur: Anh ta không làm tổn thương ai khi thực hiện quyền của mình). Tuy nhiên, án lệ tại nhiều nước tân tiến hiện nay công nhận thuyết lạm quyền (abus de droit : lạm dụng quyền). Nếu cá nhân sử dụng quyền của mình trong giới hạn pháp luật với một ý muốn hại người khác, họ đã lạm quyền vì sự hành xử quyền lợi ấy trái với tinh thần của luật pháp. Quyền lợi chủ quan phải coi như một nhiệm vụ xã hội, chứ không phải là một quyền để hại người khác. Thí dụ: Bạn có một cái máy phát thanh, không ai cấm bạn sử dụng cái máy ấy, quý hồ vào những giờ nghỉ ngơi hay lúc đêm khuya thanh vắng, bạn đừng cố ý vặn hết sức to để phá rồi một cách khoa học giấc ngủ của các người lân cận. Bạn cũng có quyền xây nhà, trồng cây trên đất của bạn. Nhưng nếu bạn cố tình quấy rối người khác, như trường hợp một chủ đất ở gần sân bay đã trồng những cái sào thật cao vốt làm khó dễ cho các phi cơ khi bay lên hay lúc hạ cánh. Tòa án sẽ coi cách hành sử quyền sở hữu này như một sự lạm quyền. Tuy nhiên, cũng có một vài quyền, nhất là trong luật gia đình, được coi là quyền chuyên quyết (des droits discrétionnaire: quyền tùy ý). Người chủ thể những quyền lợi này được tự ý hành sử như thế nào, tòa án cũng không thể coi là có sự lạm quyền. Thí dụ: Quyền của cha mẹ ưng thuận giá thú của các con. Bất luận cha mẹ từ chối không ưng thuậ giá thú vì lẽ gì, không một tòa án nào có thể coi sự từ chối này như là hành vi lạm quyền. Về sự hành xử quyền lợi, luật pháp còn dự liệu những hạng người vô năng lực không có quyền hành sử: như có người vị thành niên, người đàn bà có chồng, người điên, ngườ đần độn, người hoang phí. Đối với các hạng người này, hoặc giả phải có một người thay mặt để hành sử các quyền lợi như trường hợp người giám hộ các trẻ vị thành niên, hay các người điên, hoặc giả các người vô năng lực được quyền hành xử nhưng phải được phép của một người khác như được phép của người chồng đối với vợ, hay phép của người bảo nhi đối với người đần độn hay hoang phí.
b) Sự di chuyển các quyền lợi: Người chủ thể quyền lợi có thể tự ý mình di chuyển các quyền lợi cho người khác, trừ một vài trường hợp liên quan đến những quyền ngoại sản nghiệp. Người di chuyển được gọi là người phó quyền (auteur: tác giả), còn người thừa hưởng sự di chuyển ấy là người kế quyền (ayant-cause: người kế vị trong nguyên nhân). Tùy theo đối tượng của sự di chuyển là cả sản nghiệp, một phần sản nghiệp hay một quyền lợi nhất định, người kế quyền sẽ có tư cách một người kế quyền bao quát (ayant-cause universel), hay một người kế quyền với danh nghĩa bao quát (ayant-cause à titre universel) hoặc người kế quyền đặc định (ayant-cause à titre particulier). Trong trường hợp thứ nhất và thứ nhì, người kế quyền ngao2i những quyền lợi còn phải gánh vác hoặc tất cả hoặc một phần tiêu sản tương đương với phần tích sản mà mình được hưởng. Đây là trường hợp thông thường mà các người thừa kế được hưởng một phần hay tất cả sản nghiệp của người chết để lại. Trái lại, người kế quyền đặc định chỉ thừa hưởng riêng có sự di chuyển các quyền lợi. Thí dụ: Người mua một tài sản chỉ là người kế quyền của người bán về tài sản ấy. Người kế quyền đặc định này không phải gánh các món nợ của người bán. Một nguyên tắc căn bản trong sự di chuyển quyền lợi là nguyên tắc bảo tồn các quyền lợi di chuyển (principe de onservation des droits transmis). Nói khác đi, người kế quyền chỉ được hưởng thụ các quyền lợi di chuyển trong giới hạn của người phó quyền. Họ không thể có quyền hơn người phó quyền. Nguyên tắc ấy đã được thu gọn trong hai câu tục giao pháp lý la tinh “Không ai có thể di chuyển cho kẻ khác ngoài giới hạn những quyền mình có” (Nemo plus juris ad alium transfrrre potest quam ipso habet) hay “không ai có thể chuyển hữu những thứ gì mà mình không có” (Nemo dat quod non habet). Vì vậy, nếu một người mua lầm một ngôi nhà của một người không phải là sở hữu chủ, tất nhiên không được có quyền gì về ngôi nhà ấy. Và nếu đượng sự bán lại nhà cho kẻ khác, những người chủ sau này, cũng không có quyền gì về ngôi nhà ấy cả.
II. SỰ THỰC HIỆN CÁC QUYỀN LỢI PHẢI ĐỐI TỤNG
Khi gặp một sự đối kháng trong hành sử quyền lợi, không ai có quyền tự xét xử cho chính mình. Trật tự xã hội sẽ bị sụp đổ nếu mạnh ai nấy tranh, như trong thời kỳ thái cổ. Ngày nay, tất cả các sự tranh tụng là phải nhờ Tòa án phân xử. Vậy ta cần biết qua hệ thống các tòa án và đại cương về thủ tục thưa kiện hay sự tố tụng dân sự.
II.1: Hệ thống các tòa án: (356…).
II.2: Đại cương về tố tụng dân sự: Trong tố tụng về dân sự có ba vấn đề chính: 1. Thủ tục kiện; 2. Vấn đề dẫn chứng; 3. Các thời hạn về thủ tục.
II.2.1. Thủ tục kiện: Tố quyền (action: hoạt động) là phương cách mà pháp luật công nhận cho cá nhân để nhờ thẩm phán thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho mình. Người ta thường coi tố quyền như một quyền lợi được diễn dịch ra trước công lý, hay nói khác đi, một quyền lợi đương ở trạng thái động lực. Trong thực tế, tố quyền thể hiện bằng một đơn kiện, hay đơn khởi tố, mở màn cho một vụ kiện. Người đứng đơn khởi kiện là nguyên đơn. Người đối lập là bị đơn. Đơn khởi kiện phải trình nạp tại Tòa án có thẩm quyền. Thẩm quyền của Tòa án phải được xét về hai phương diện:
a) Thẩm quyền đối vật (conpétence ratione materiae): Tùy bản chất của mỗi vụ tranh tụng, thẩm quyền sẽ thuộc một loại tòa án do luật đã xác định như ta đã rõ trong phân đoạn thứ nhất.
b) Thẩm quyền đối nhân hay đối xứ (compétence ratione personae vel loci): Trong loại tòa án có thẩm quyền đối vật, tòa án có thẩm quyền xét việc tranh tụng thường là Tòa án ở nơi cư sở của bị đơn hay nơi nhà đất tọa lạc. Nhận được đơn, tòa án cho ghi vào sổ đăng đường, và cho đòi hai bên đương sự vì đặc điểm của thủ tục dân sự là một thủ tục đối tịch. Hai bên đương sự có thể có luật sư thay mặt hay đích thân ra hầu tòa. Mỗi bên có thể nạp tại Tòa các kết luận trạng (les conclusions) hay đề trạng trình bày quan điểm về quyền lợi của mình và sự yêu cầu. Vì những yêu cầu này dùng làm kết luận cho sự trình bày, nên tờ trình ấy gọi là kết luận trạng hay đề trạng (cũng có khi gọi là lý đoán). Mỗi bên đương sự hay mỗi bên luật sư có quyền đòi được thông tri các kết luận hay đề trạng của đối phương. Tòa cũng có quyền truyền những biện pháp cần thiết như thử hòa giải, điều tra, hay giám định v.v…Khi hai bên đương tụng không còn gì để giải bày hay yêu cầu, tòa sẽ, hoặc đăng đường nghị án, hoặc nghị án trong phòng hội nghị. Bản án có thể được tuyên ngay hay tòa hoãn lại trong một phiên sau để tuyên án (Tòa thường hoãn từ 8 đến 15 ngày).
Ba nguyên tắc quan trọng trong thủ tục hiện tại là nguyên tắc đối tịch, nguyên tắc lưỡng cấp tài phán và nguyên tắc trung lập của thẩm phán.(…369).
II.2.2: Sự dẫn chứng: Dẫn chứng một quyền lợi là tìm cách tỏ cho thẩm phán biết là quyền lợi ấy có thật, hay ít nhất là chắc chắn có. Trong sự dẫn chứng nào cũng có hai vấn đề phải giải quyết: 1. Ai phải dẫn chứng: vấn đề gánh nặng dẫn chứng. 2. Dẫn chứng như thế nào: vấn đề về phương tiện dẫn chứng.
1) Về gánh nặng dẫn chứng:_ Vì thẩm phán đứng trung lập, nên ai nại ra hay yêu cầu sự gì thì phải dẫn chứng điều ấy. Actori incumbit probatio: Nguyên đơn phải dẫn chứng (Nghĩa vụ chứng minh thuộc về nguyên đơn). Ngoài ra, bị đơn muốn kháng biện nguyên đơn, cũng phải dẫn chứng những sự mình nại ra. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các đương tụng không phải dẫn chứng: Đây là những trường hợp đã có sự suy đoán được dự liệu sẵn ở trong luật để bênh vực một vài hạng đương sự. Thí dụ: Các trẻ sinh ra trong thời kỳ giá thú thì là con của chồng. Các sự suy đoán pháp định này căn cứ vào trường hợp thông thường mà kết luận như vậy (plerumque fit: phù hợp toàn diện). Tuy nhiên, tất cả các sự suy đoán không cùng có một giá trị như nhau, mà chia làm hai loại: Các suy đoán thông thường (présomption simple ou juris tantum) và các sự suy đoán bất khả cự tuyệt (présomption irréfragable: giả định không thể bác bỏ). Các sự suy đoán thông thường có thể dùng phản chứng để đánh đổ. Chồng một người đàn bà có thể dẫn chứng là mình không phải là cha đứa bé. Trái lại, đối với các sự suy đoán bất khả cự tuyệt thì không thể dùng một phản chứng nào để đánh đổ. Thí dụ: Các vụ kiện một khi đã được xử chung quyết thì có uy lực quyết tụng (autorité de la chose jugée) giữa các đương tụng, nghĩa là được coi có giá trị như chân lý. Các đương tụng không thể xin kiện lại một lần nữa. Sự suy đoán này có tính cách bất khả cự tuyệt.
2) Các phương tiện dẫn chứng: _ Có thể phân biệt hai loại chứng cứ: Các chứng cứ tiền lập và các chứng cứ hậu thiên.
a) Các chứng cứ tiền lập (preuves preconstituees: bằng chứng được tạo sẵn) là các chứng cứ bằng văn thư hay bút chứng (vì vậy các chứng thư pháp luật cũng có khi gọi là các văn thư cụ chứng (acte instrumentaire: hành động công cụ). Các chứng thư này vốn được tạo lập ra ngay từ lúc chưa có việc kiện, mục đích để chứng nhận sự phát sinh một quyền lợi và để dẫn chứng sau này. Các chứng thư cũng chia ra tư thự chứng thư và công thự chứng thư.
– Tư thự chứng thư (acte sous-seing privé: tài liệu riêng) do các đương sự ký tư với nhau, không có công lại chứng kiến. Các chứng thư này muốn có giá trị phải có chữ ký của đương sự. Nhiều khi vì đương sự không nhận ký, phải so chiếu tự dạng và nhờ giám định viên để kiểm nhận có đúng là chữ ký của đương sự không.
– Công chính chứng thư (acte authentique: hành động xác thực) làm trước mặt một công lại có thẩm quyền, theo hình thức luật định. Công lại này thường là viên chưởng khế nhưng cũng có thể tùy theo trường hợp là hộ lại, thừa phát lại, lục sự v.v…Công chính chứng thư có tín lực hơn tư thự chứng thư. Muốn đánh đổ tín lực của những chứng thư ấy, không phải chỉ dẫn chứng là đủ; mà còn cần phải theo một thủ tục khó khăn và nguy hiểm: Thủ tục đăng cáo giả mạo. Thủ tục này không những khó khăn mà còn nguy hiểm vì nếu nguyên đơn thua kiện, sẽ bị phạt vạ về hình sự. Vì vậy, ít khi người ta dám dùng đến thủ tục này, trừ khi chắc chắn hẳn là được kiện.
b) Chứng cứ hậu thiên (preuves à posteriori: bằng chứng hậu nghiệm): Nếu không có chứng cứ tiền lập, hai bên đương tụng sẽ phải dùng cách dẫn chứng khác, một khi đã xảy ra sự kiện cáo. Đây là các loại chứng cứ hậu thiên. Các chứng cứ hậu thiên gồm có:
– Sự thẩm phán công nhận trực tiếp, thí dụ: khám xét trường sở (visite de lieux);
– Sự thú nhận (aveu: lời thú tội);
– Sự thề, nghãi là sự xác nhận trọng thức một việc có lợi cho mình;
– Nhân chứng, nghĩa là các lời khai của những người làm chứng;
– Sự suy đoán nhân định: Khác với sự suy đoán pháp định, đây chỉ là những sự chỉ dẫn, những yếu tố tâm chứng tùy quyền tòa án thẩm lượng. Thí dụ: Trong các vụ tìm phụ hệ, thẩm phán có thể chú ý đến sự giống dung mạo, màu da, dấu hiệu tã lót … Các chỉ dẫn này thuộc loại suy đoán nhân định.
3. Thời hạn: Dẫn được chứng cũng chưa phải là điều kiện sung túc để được kiện. Còn cần phải khởi kiện đúng thời hạn luật định. Trường hợp của một đương sự có quyền nhưng để quá thời hạn mà không kiện cũng không khác gì trường hợp một người có quyền mà không thể dẫn chứng trong vụ kiện. Trong hai trường hợp ấy, đương sự chẳng khác nào người không có quyền lợi. Sở dĩ luật pháp ấn định thời hạn khởi kiện, và các thời hạn trong thủ tục là cốt để các guồng máy tư pháp phải quay theo một nhịp điều hòa và nhanh chóng. Khi các đương sự để lâu không kiện cáo, thời gian hàn gắn các sự xích mích; cho nên nhà làm luật muốn nhân đó mà chuyển biến cái trạng thái hòa bình thực tế thành một trạng thái pháp luật. Có nhiều loại thời hạn:
– Trước hết có thời hạn tiêu diệt (délai de prescription: thời hạn giới hạn): Sau một thời gian không hành xử, các quyền lợi bị thời tiêu. Khi trong luật không ấn định một thời hiệu tiêu diệt đặc biệt, các quyền lợi đều chịu sự thời hiệu thông thường. Thời hiệu này trong DLP là 30 năm, DLB là 20 năm và DLT là 10 năm. Ngoài thời hạn tiêu diệt, còn có các thời hạn tiên định (délai prefix: độ trễ tiền tố) và các thời hạn thủ tục (délai de procédure: thời hạn thủ tục), phần nhiều là những thời hạn rất ngắn. Thời hạn tiên định liên quan đến nội dung của quyền lợi, còn thời hạn thủ tục chỉ được dự liệu đề làm một hành vi thủ tục.
– Về các thời hạn, một vấn đề quan trọng cần được giải quyết là cách tính thời hạn. Các thời hạn được dự liệu theo quan niệm thời hạn bao khoán hay theo quan niệm thời hạn hữu hiệu? Đối với thời hạn bao khoán, chỉ cần tính đủ số ngày là được, không cần biết những ngày ấy có hữu hiệu cho các đương sự hay không và cũng không trừ các ngày nghỉ, ngày lễ. Trái lại đối với thời hạn hữu hiệu thì chỉ được tính những ngày mà đương sự có thể hoạt động được. Luật pháp các nước tiên tiến hiện thời thường chấp nhận giải pháp chiết trung.(…375)./.
Bình luận