Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Các giải pháp tài phán nội dung

CÁC GIẢI PHÁP TÀI PHÁN NỘI DUNG

125. Theo như đã nhấn mạnh trong phần nhập đề, các giải pháp tài phán nội dung là phần đặc hữu của công pháp tụng mà các môn tố tụng khác không cần đề cập tới. Ngoài ra, khi đề cập tới sự biệt lập của công pháp tụng, đối với các môn luật nội dung nền tảng như Luật Hiến pháp và Luật hành chánh, ta đã nhận định là các giải pháp tài phán nội dung của công pháp tụng chính là Luật Hiến pháp và Luật hành chánh, chỉ khác biệt ở điểm các giải pháp tài phán nội dung do án lệ tác tạo để giải quyết các tranh tụng công pháp.
126._ Đứng riêng về quan niệm nghĩa vụ hành chánh mà ta đã dùng làm nền tảng cho Luật Hành chánh (chương trình năm thứ 2 ban Cử nhân Luật khoa) thì các giải pháp tài phán nội dung của công pháp tụng có thể coi là sự chế tài tài phán các vi phạm nghĩa vụ hành chánh. Còn các vi phạm Hiến pháp cũng bị chế tài triệt để bởi kỹ thuật kiểm hiến tính tuy rằng trong hiện trạng chưa có thể dùng làm nền tảng cho nghĩa vụ công pháp của các cơ quan hiến định như quốc hội, và hành pháp, như Luật gia Pierre Montane de la Roque đã đề nghị trong một quan niệm lý thuyết toàn diện về nghĩa vụ của tất cả các cơ quan công quyền. Do đó các giải pháp tài phán nội dung khảo sát trong quyền II được phân tích về kỹ thuật theo phương diện chế tài tài phán để hoàn tất kiến trúc nghĩa vụ hành chính.
127._ Về phương diện chế tài, có thể coi mọi hành vi và hoạt động của cơ quan công quyền bị chi phối bởi 3 nguyên tắc nền tảng sau đây:
1. Trước hết, mọi hành vi và hoạt động công quyền đều phải tôn trọng và tuân hành luật pháp, đó là nguyên tắc trọng pháp hiểu theo nghĩa tuân trọng luât pháp, kể cả luật Hiến pháp cùng tất cả các luật lệ căn bản trong mọi lĩnh vực.
2. Nguyên tắc thứ nhì là nguyên tắc trọng ước, tức là tôn trọng và tuân hành các khế ước hành chánh mà các cơ quan công quyền đã ký kết với nhau hay đã ký kết với các tư nhân mà sự vi phạm được chế tài bởi trách nhiệm khế ước.
3. Nguyên tắc thứ ba là trách nhiệm công pháp ngoại ước, thường được gọi vắn tắt là trách nhiệm hành chánh, tức là nghĩa vụ của các pháp nhân công pháp phải bồi thường thích đáng mọi thiệt hại gây ra do hành vi hay hoạt động của mình.
128._ Ba nguyên tắc kể trên, trong sự phân tích các thành phần của kiến trúc nghĩa vụ hành chánh, được coi là tương đương với ba kỹ thuật pháp lý hành chánh, đó là các hành vi đơn phương, các khế ước hành chánh và các hoạt động công vụ vật thể. Các hành vi hành chánh đơn phương thì bị chi phối một cách chính yếu bởi nguyên tắc trọng pháp, tuy nhiên cũng bị chế tài một cách gián tiếp và phụ đới bởi trách nhiệm hành chánh. Ngược lại, các hoạt động công vụ vật thể (dầu là lỗi công vụ hay rủi ro công vụ) đều bị chế tài một cách chính yếu bởi trách nhiệm hành chánh ngoại ước, nhưng lẽ dĩ nhiên các hoạt động vật chất cũng phải tuân trọng luật pháp. Trong các trường hợp mà hoạt động vật chất là sự thi hành trực tiếp một văn kiện pháp lý thì lẽ dĩ nhiên sự hợp lệ của hành vi vật chất tùy thuộc vào số phận của hành vi pháp lý được thi hành. Nhưng cũng có nhiều trường hợp hành vi pháp làm nền tảng cho hoạt động vật chất thì hợp pháp, mà chỉ riêng sự thi hành vật chất là bất hợp lệ mà thôi. Các khế ước hành chánh thì do nguyên tắc trọng ước chi phối, tức là cơ quan có nghĩa vụ phải thi hành đứng đắn các nghĩa vụ của khế ước. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, trách nhiệm hành chánh ngoại ước được áp dụng và được coi như trách nhiệm bán khế ước vì liên hệ tới khế ước (tương tự như trong lĩnh vực tư pháp). Tuy nhiên có nhiều trường hợp đặc biệt các hành vi thi hành khế ước của các cơ quan công quyền có tính cách đơn phương, do đó các hành vi đơn phương này là phải tách khỏi khế ước để do nguyên tắc trọng pháp chi phối (thí dụ như trong chế độ đặc nhượng công vụ, cơ quan phát nhượng đã ra một nghị định để ấn định lại giá cước của tiện ích công dịch vụ thì xí nghiệp kết ước có thể chí trích trực tiếp quyết định đơn phương này theo tố tụng chống thặng quyền tại Tham chính viện trước kia hay theo tố tụng kiểm hiến tính và kiểm pháp tính trước tối cao pháp viện hiện tại.
Các sự xáo trộn hay dung hòa trong việc áp dụng nguyên tắc trọng pháp và trọng ước cũng như nguyên tắc trách nhiệm công pháp chẳng qua chỉ là các hậu quả dây chuyền hay sự phóng chiếu hiện tượng trà trộn kỹ thuật pháp lý lên bình diện chế tài mà thôi (hiện tượng hành vi tách biệt). Sau khi đặt vấn đề trong khuôn khổ của quan niệm nghĩa vụ hành chánh như vừa phân tích và nhắc lại trên đây, nay chúng ta tuần tự khảo sát các nguyên tắc kể trên trong ba chương riêng biệt./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar