Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Phân loại nghĩa vụ

PHÂN LOẠI NGHĨA VỤ

Người ta có thể phân loại nghĩa vụ theo nguồn gốc phát sinh hoặc phân loại theo chủ đích của nghĩa vụ

A. PHÂN LOẠI THEO NGUỒN GỐC CỦA NGHĨA VỤ:
Đây là cách phân loại được các luật gia chấp nhận từ thởi cổ luật La Mã và được coi là cách phân loại căn bản, vì các luật gia tin rằng, với cách phân loại này, có thể giải thích được tất cả các quy tắc đặc biệt chi phối mỗi loại nghĩa vụ. Phân theo nguồn gốc, có hai loại nghĩa vụ:
1. Nghĩa vụ phát sinh do ý chí của đương sự: Sở dĩ hai người, trái chủ và phụ trái bị thúc buộc là vì ý chí riêng của họ muốn như vậy, một bên muốn mình là trái chủ, một bên ưng thuận mình là phụ trái. Trong trường hợp này, một khế ước đã được kết lập; giữa hai người ấy đã có một nghĩa vụ, gọi là nghĩa vụ khế ước (hợp đồng).
2. Nghĩa vụ phát sinh ngoài ý chí của đương sự: Người phụ trái và trái chủ phát sinh tư cách này ngoài ý muốn của họ. Đây là những nghĩa vụ ngoài khế ước (hợp đồng). Loại nghĩa vụ ngoài khế ước có thể chia ra làm nhiều loại hạng:
a. Nghĩa vụ phát sinh ngoài những sự kiện hay hành vi pháp lý của người phụ trái, dù hành vi tích cực hay tiêu cực. Những nghĩa vụ này được gọi là những nghĩa vụ pháp định. Ví dụ: Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và các con đã được quy định trong luật, ngoài mọi sự kiện của người phụ trái.
b. Nghĩa vụ phát sinh do sự kiện của người phụ trái: Trong luật dự liệu hai trường hợp mà một sự kiện của người phụ trái sẽ đưa tới hậu quả pháp lý là thúc buộc người này bằng một nghĩa vụ. Trường hợp thứ nhất là các dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm – bồi thường thiệt hại do lỗi cố ý hoặc do lỗi vô ý trong dân sự. Trường hợp thứ hai là các nghĩa vụ chuẩn khế ước, tức là, nghĩa vụ không do khế ước tạo ra, nhưng cũng giống như nghĩa vụ khế ước, như thực hiện công việc không có ủy quyền, nhưng phỏng đoán theo ý chí của người có công việc cần thực hiện.
3. Sự phân loại căn bản này đã vạch rõ nguồn gốc khác biệt của các nghĩa vụ. Sự câu thúc của người phụ trái, lúc thì do ý chí của đương sự, lúc thì do pháp luật phát sinh ra. Tuy nhiên, sự phân loại này có nhiều khuyết điểm:
a. Trước hết, sự phân loại này không đầy đủ, không bao quát hết các trường hợp, vì lẽ, nghãi vụ pháp định đáng lẽ phải dành cho toàn thể các nghĩa vụ không do các ý chí của đương sự phát sinh ra. Khi một người phụ trái không tự ý câu thúc mình thì chỉ có pháp luật mới có thể thừa nhận hiệu lực của nghĩa vụ thúc buộc đương sự. Nói một cách khác, danh từ nghĩa vụ pháp định phải được hiểu một cách bao quát hơn và gồm cả những dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm và chuẩn khế ước.
b. Danh từ chuẩn khế ước cũng là danh từ gượng ép vì không thể định rõ được tiêu chuẩn chung của các nghĩa vụ ở trong loại này.
c. Ngoài hai loại nghĩa vụ khế ước và ngoại khế ước, đứng về phương diện nguồn gốc của nghĩa vụ, còn có nguồn gốc thứ ba, đó là ý chí đơn phương của người phụ trái. Vì thế, các bộ dân luật Đức, Dân Luật Ba Lan, đã thừa nhận cam kết đơn phương cũng là nguồn gốc của nghĩa vụ.

B. PHÂN LOẠI THEO CHỦ ĐÍCH CỦA NGHĨA VỤ
Không những phân loại nghĩa vụ theo nguồn gốc có nhiều nhược điểm như vừa nêu, mà phân loại theo nguồn gốc còn có nhược điểm là không thể giải thích được sự sai biệt của nghĩa vụ về phương diện hiệu lực. Do đó người ta nghĩ đến cách phân loại theo chủ đích. Vì chủ đích của nghĩa vụ không giống nhau, cho nên sự dẫn chứng về nghĩa vụ cũng khác nhau, trong trường hợp nghĩa vụ không được người phụ trái thi hành. Phân loại theo chủ đích (mục đích) chỉ áp dụng đối với khế ước:
a. Nghĩa vụ chuyển hữu: Người phụ trái có nghĩa vụ phải chuyển một vật quyền hoặc một quyền sở hữu;
b. Nghĩa vụ tác động hay nghĩa vụ hành sự: Người phụ trái có nghĩa vụ phải làm một hành vi tích cực. Ví dụ: Một họa sỹ cam kết vẽ một bức tranh.
c. Nghĩa vụ bất tác động hay bất hành sự: Nghĩa vụ ở đây có tính cách tiêu cực, ví dụ người bán cửa hàng thương mại cam kết không mở một cửa hàng thương mại tương tự trong một phạm vi  bán kính hai mươi ki lô mét.
– Về phương diện dẫn chứng, cách phân loại trên không có ý nghĩa. Vì thế, người ta phân loại theo nghĩa vụ cấp phương tiện và nghĩa vụ thành quả. Trong nghĩa vụ cấp phương tiện, người phụ trái không cam kết mang lại một kết quả nhất định mà chỉ cam kết hết sức mẫn tiệp trong việc thi hành nghĩa vụ cam kết; Ví dụ Bác sĩ chỉ cam kết hết sức chữa chạy cho người bệnh, nếu bệnh nhân không chữa được thì điều này không có nghĩa là bác sĩ không thi hành nghĩa vụ. Trái lại, các nghĩa vụ thành quả, người phụ trái cam kết thi hành nghĩa vụ rõ rệt, thí dụ trả một món nợ chẳng hạn, thì chỉ khi trả xong nợ mới xác định là đã thi hành xong nghĩa vụ. Người ta cũng dùng cặp danh từ khác để chỉ hai loại nghĩa vụ này là nghĩa vụ cần mẫn tổng quát và nghĩa vụ xác định.
– Sự phân biệt hai loại nghĩa vụ này rất quan trọng về mặt dẫn chứng khi người phụ trái không thi hành nghĩa vụ của mình. Đối với nghĩa vụ thành quả hay nghĩa vụ xác định, nếu người phụ trái không làm tròn nghĩa vụ, đối phương có quyền đòi bồi thường mà không cần phải dẫn chứng rằng người phụ trái đã làm một sự quá thất (có lỗi). Đối với nghĩa vụ cấp phương tiện hay nghĩa vụ cần mẫn, nếu đối phương không thi hành, người trái chủ bắt buộc phải dẫn chứng rằng người phụ trái đã làm một sự quá thất (có lỗi), vì lẽ họ đã không cẩn thận hay đã không mẫn tiệp trong việc thi hành nghĩa vụ. Chỉ khi nào người trái chủ làm tròn điều kiện này thì tòa án mới bắt đối phương phải bồi thường. Như vậy, quyền lợi của trái chủ và của người phụ trái rất khác biệt trong hai loại quyền lợi trên. Người trái chủ được đối xử môt cách thuận lợi hơn về phương diện dẫn chứng trong trường hợp có nghĩa vụ xác định. Thực tế, người ta ngày càng có xu hướng thừa nhận nghĩa vụ xác định. Ví dụ: Trong hợp đồng vận chuyển, chở người hay hàng hóa đều là nghĩa vụ xác định. Nếu người hoặc hàng hóa bị rủi ro, tai nạn thì nạn nhân hoặc chủ hàng hóa được bồi thường mà không cần dẫn chứng rằng người chủ xe đã không cẩn thận hay không mẫn tiệp trong việc chuyên chở.
Lưu ý: Trong một khế ước, có thể xuất hiện hai loại nghĩa vụ – Nghĩa vụ cần mẫn và nghĩa vụ xác định. Một bác sĩ có thể cam kết mổ cho bệnh nhân là nghĩa vụ xác định; còn mổ có thành công hay không thành công là nghĩa vụ không xác định. Muốn đòi bác sĩ bồi thường do cẩu thả thì phía người bệnh phải chứng minh sự cẩu thả hay vụng về của bác sĩ.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar