Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Pháp nhân của hội đoàn (1192-1218)

PHÁP NHÂN CỦA HỘI ĐOÀN 

1192. Pháp nhân có thể được quan niệm theo nhiều cách, như ta đã thấy ở bài “Những hội buôn – nguyên tắc đại cương“. Gạt bỏ quan niệm lý thuyết về pháp nhân mà ta đã trình bày rồi, trước hết ta sẽ nhận định rằng hội đoàn nào, dù là thương sự hay dân sự đều có tư cách pháp nhân. Đó là sự kiện chung của các hội đoàn: Mỗi hội đoàn đều là một pháp nhân. Nhưng có một hình thức lập hội thông thường nhất ở Việt Nam thì lại không phải là một pháp nhân, đó là hình thức hội dự phần (202 LTM 1972). Đây là sự kết hợp riêng tư giữa một số người để làm thương mại; hội được thành lập riêng giữa các đương sự với nhau, không xuất hiện ra như một đoàn thể trước mắt người đệ tam (Bởi thế trong cuốn luật Thương mại toát yếu xuất bản năm 1959, tôi dùng danh từ hội hợp tư để chỉ loại hội này). Điều 47 TMTP minh định rằng hội dự phần không có tư cách pháp nhân, và điều 202 LTM 1972 cũng duy trì giải pháp ấy. Bộ luật TMP không có điều khoản nào nói đến pháp nhân của hội đoàn. Sự công nhận tư cách pháp nhân cho các hội thương mại là do án lệ, đã từ lâu, cũng như cho các hội đoàn dân sự (…). Án lệ này được du nhập vào luật Việt Nam: Điều 34 TMTP định rằng các hội buôn thành lập theo đúng thể thức quy định trong bộ luật ấy đều có tư cách pháp nhân cả. Về các hội đoàn dân sự, điều 1434 DLT định rằng các hội đoàn thành lập hợp lệ đểu được hưởng tư cách pháp nhân nếu văn tự lập hội đã được trước bạn và đã được ký nạp tại phòng lục sự tòa án nơi trụ sở của hội. Vấn đề pháp nhân của hội đoàn tuy được luật Việt Nam giải quyết rõ ràng như vậy, nhưng giải pháp của luật Việt Nam cũng căn cứ vào án lệ của Pháp.Vì vậy ta cũng nên biết nguyên ủy của án lệ này, sau đó ta sẽ xét về đặc lợi của pháp nhân (Không còn ai chối cãi tư cách pháp nhân của thương hội; có lẽ vì thế mà Bộ dân luật  mới và bộ thương luật mới cho là không cần minh thị đề cập).

I. ÁN LỆ CỦA PHÁP NHÂN
1193. Lý do thứ nhất của án lệ Pháp được trích xuất ở một điều khoản nói về sự phân biệt động sản với bất động sản, đó là điều 529 DLP. Theo điều này, những cổ phần, những phân lợi trong các công ty tài chính, thương mại hay kỹ nghệ đều được coi là động sản dẫu rằng công ty có bất động sản. Những cổ phẩn và những phần lợi ấy chỉ coi là động sản đối với hội viên và trong thời gian sinh hoạt của hội mà thôi (372 DLVN 1972). Thoạt đầu, ta chẳng thấy điều luật có liên quan gì với vấn đề tư cách pháp nhân của hội, nhưng án lệ lý luận rằng, bản chất của vật quyền (quyền tư hữu, quyền dụng ích …) phải suy diễn theo đối tượng của các quyền ấy; thí dụ, quyền sở hữu trên một ngôi nhà là một vật quyền bất động sản; quyền sở hữu một chiếc xe hơi là một vật quyền động sản. Trong trường hợp của chúng ta, công ty có bất động sản, mà những cổ phần của những hội viên trong công ty (kể cả những cổ phần tượng trưng cho bất động sản ấy), lại đều được coi là động sản, thì tât nhiên các hội viên không phải là những cộng đồng sở hữu chủ, bởi vì nếu họ là cộng chủ thì quyền lợi của họ, đối với một động sản phải là một động sản, và đối với một bất động sản phải là một bất động sản._ Đ8àng này, tất cả những tài sản của họ đem vào hội, dù là nhà đất, dù là tiền bạc dùng mua nhà đất, đều được biểu tượng bằng những cổ phần coi là động sản. Vì vậy, cái sản nghiệp do họ gom góp chỉ có thể thuộc quyền sở hữu của một người khác. người ấy chỉ có thể là một pháp nhân biểu tượng của hội.
1194. _ Lý do thứ hai của án lệ Pháp, là để chấp nhận tư cách pháp nhân cho hội đoàn nằm trong điều 96 k6 DSTTP. Điều này định rằng, trát đòi những công ty thương mại bị kiện sẽ tống đạt cho các công ty ấy tại trụ sở. Án lệ đã lý luật rằng nơi hội đ8ạt trụ sở được coi là trú quán, là cư sở của hội, tức là hội cũng có trú quán như một thể nhân; đ8àng khác, trát đòi, chỉ cần tống đạt cho hội, chỉ cần ghi tên hội, không cần ghi tên riêng của hội viên, vì những lẽ ấy, hội không thể lẫn với hội viên, hội là một pháp nhân riêng biệt.
1195. _ Một câu hỏi đặt ra là pháp nhân của hội đoàn xuất hiện từ khi nào? Theo học thuyết Pháp, hội đoàn được coi là có tư cách pháp nhân, sau khi những thể thức thành lập đã hoàn tất đầy đủ, không cứ là hội dân sự thay thương sự, không cứ là hội đã được công bố hay chưa. Nói cách khác, pháp nhân của hội đoàn thoát thai do sự lập hội, không cần phải đợi đến lúc hội được công bố; _ Sự công bố chỉ là cái giấy khai sinh báo cho người đệ tam biết là hội đoàn ra đời. Đó là ý kiến của học thuyết, còn bộ DLP và TMP đều không nói đến pháp nhân của hội đoàn; DLVN 1972 và LTM 1972 cũng im lặng như vậy.
1196. _ Bộ DLT, tại điều 1434 mà ta đã có dịp đề cập đến, quy định rằng tư cách pháp nhân của hội đoàn chỉ có thể viện dẫn được với người đệ tam sau khi khế ước lập hội đã trước bạ và đã được ký nạp một bản tại phòng lục sự nơi hội đoàn tọa lạc. Điều 1434 nói trên nằm trong quyền 4 bộ Dân luật ban hành ngày 26-9-1939, tức là gần 3 năm trước khi bộ luật thương mại được ban hành. Điều 34 bộ luật mới này định rằng những hội đoàn nào đã tuân thủ những quy lệ và thể thức dự liệu trong bộ luật về sự thành lập đều có tư cách pháp nhân. Như vậy, có thể hiểu rằng với bộ luật thương mại mới, hội đoàn nào đã được thành lập hợp lệ, là có tư cách pháp nhân, không còn cần phải làm những thể thức ấn định tại điều 1434 bộ dân luật. Tuy nhiên, phải nhận xét rằng, dẫu chấp nhận sự giải thích trên, ta cũng cần phải dành lại hai trường hợp: a) theo điều 67 TMTP, công ty TNHH chỉ được coi là thành lập hẳn hoi sau khi đã được công bố theo điều 26, nghĩa là sau khi một bản khế ước lập hội, đã trước bạ rồi, được ký nạp tại phòng lục sự tòa án nơi công ty đặt trụ sở: b) _ Theo điều 114, những công ty hợp tư cổ phần và những công ty nặc danh, chỉ được hưởng tư cách pháp nhân sau khi biên bản của đại hội đồng sáng lập đã được ký nạp tại phòng lục sự tòa án nơi công ty đặt trụ sở.
1197. Một khi đã xuất hiện, pháp nhân của hội đoàn là yếu tố bất di bất dịch cho sinh hoạt của hội đoàn. Nói như vậy có nghĩa là, cho đến khi hội đoàn tan rã, pháp nhân, lúc nào cũng là biểu tượng cho hội đoàn, chịu nghĩa vụ và hưởng quyền lợi. Trong thời gian sinh hoạt, nếu hội thay đổi hình thức, thí dụ như công ty hợp danh đổi thành công ty TNHH, pháp nhân cũ vẫn còn. Pháp nhân này phải coi như được duy trì, vì nếu không thế, một công ty bị công nợ nhiều, muốn trốn nợ, sẽ chỉ việc thay đổi hình thức là làm sao cho các chủ nợ không còn đòi nợ vào đâu được. Thay đổi hình thức chỉ là thay đổi bộ áo: dưới bộ áo mới, pháp nhân cũ được coi là vẫn còn tồn tại, hội đoàn cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công nợ của mình, nếu có, và có thể bị tòa án tuyên bố khánh tận nếu  không trả nợ.
1198. Nếu hội đoàn bị giải tán, pháp nhân của hội đoàn cũng tồn tại tạm thời trong một thời gian sự thanh toán phân chia tài sản của hội chưa kết liễu (Điều 160 LTM 1972; 1302 DLVN 1972). Pháp nhân chỉ bị tiêu diệt khi nào các tác vụ thanh toán, phân chia hoàn tất. Trong thời kỳ pháp nhân tạm thời tồn tại, tất nhiên không có hoạt động chuyên nghiệp gì nữa, vì nguyên tắc là hội đoàn đã tan rã; hoạt động của hội chỉ còn thu hẹp trong phạm vi các tác vụ thanh toán, phân chia nói trên. Để thực hiện các tác vụ ấy, thanh toán viên sẽ nhân danh pháp nhân, tức là nhân danh hội đoàn, khởi tố các người đệ tam. Chính các người đệ tam chủ nợ cũng vẫn có thể khởi tố được hội trong thời kỳ này, và nếu hội không trả được nợ, sẽ có thể bị tuyên xử khánh tận, mặc dù là trê nguyên tắc, hội đã giải tán.
1199. Một hội đoàn có thể chấm dứt hoạt động bằng cách tự gia nhập một hội đoàn khác; pháp nhân của hội đoàn, trong trường hợp này, sẽ bị thu hút bởi pháp nhân của hội đoàn kia; chỉ còn một hội đoàn sinh tồn trước pháp lý, là hội đoàn đã tiếp nhận sự gia nhập; Hội đoàn kia coi như đã giải tán, pháp nhân của hội không còn nữa. Tuy nhiên, vì sản nghiệp của hai hội đoàn được nhập chung làm một, cho nên, hội đoàn duy nhất tồn tại thì phải gánh chịu những công nợ cũ của hội đoàn đã tiêu tan.

II. NHỮNG ĐẶC LỢI CỦA PHÁP NHÂN
1200. Một hội đoàn có tư cách pháp nhân, trước pháp lý, chẳng khác gì một thể nhân về nhiều phương diện. Cũng như một thể nhân, hội đoàn có tên, tức là danh tính của hội; có chỗ ở tức là trụ sở của hội; có quốc tịch, có sản nghiệp, có năng lực pháp lý, tức là năng cách để làm những hành vi pháp lý.
1201. Danh tính._ Danh tính của hội, cũng như tên người, được đặt ra để phân biệt hội nọ với hội kia. Danh tính được tự do lựa chọn. Riêng những công ty thuộc loại công ty đối nhân (số 48, 49), trong danh tính của công ty phải có ít ra là tên một hội viên hữu trách đặt trước những chữ “và công ty”. Thí dụ Công ty hợp danh “Nguyễn Văn Bê và công ty”. Những công ty TNHH và những công ty cổ phần (tức là những công ty mà vốn hội được chia thành cổ phần, sau này ta sẽ rõ) còn phải thêm hình thức và số vốn dưới danh tính công ty. Nếu hội đoàn là công ty thương sự thì phải ghi vào sổ thương mại tại phòng lục sự (xem 1261) theo danh tính đã chọn. Một khi đã ghi vào sổ thương mại, danh tính của hội cũng được bảo vệ như thương danh của một thương gia thể nhân; không hội nào khác được chiếm dụng danh tính ấy.
1202._ Trụ sở: Hội đoàn có trụ sở, cũng như người ta có trú quán. Trụ sở là nơi đặt cơ sở của hội, cho nên trụ sở đặt ở đâu thì các cơ quan điều khiển và quản trị hội phải ở đấy. Trụ sở phải lựa chọn ngay khi lập hội quy, và vì thế, nếu muốn thay đổi trụ sở, phải thay đổi hội quy trước. Tuy nhiên, khi hội dọn nhà từ phố này sang phố khác, trong cùng một tỉnh thì không phải là thay đổi trụ sở. Mặt khác, trụ sở ghi trong hội quy không nhất quyết phải được tòa tin là đúng nếu có tranh chấp, vì có thể là các hội viên đã vô tình hay cố ý ghi sai: Trụ sở ghi trong hội quy chỉ được chấp nhận nếu đích thực nơi đó là nơi đặt cơ sở chính của hội đoàn. Một hội đoàn có thể đặt trụ sở ở nơi này mà hoạt động khai thác ở nơi khác; thí dụ, một oc6ng ty muối có thể đặt trụ sở ở Sài gòn để giao dịch với chính quyền, với khách hàng nhưng cơ sở khai thác, dĩ nhiên không phải là ở Saigon, mà ở Nha Trang ha Bạc Liêu là nơi lấy muối.
1203. _ Trụ sở tức là trú quán của hội, cũng như trú quán của một thể nhân, cho nên muốn kiện hội nào, phải khởi tố trước tòa án nơi tọa lạc trụ sở của hội ấy. Nhưng nếu một hội đoàn có đặt nhiều chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi, thì những vụ tranh tụng với mỗi chi nhánh có thể được đưa ra xét xử trước tòa án nơi tọa lạc của chi nhánh liên hệ. Án lệ đã chấp nhận sự di chuyển thẩm quyền như vậy để bớt phí tổn, đỡ mất thời giờ cho người đi kiện.(…).
1204. _ Quốc tịch: Những công ty thương mại, nếu là những công ty lớn, thường có một sức mạnh đáng sợ, vì họ nắm trong tay những nguồn lợi chính của quốc gia, và, nhờ vậy, chi phối cả nền kinh tế của quốc gia. Nếu những oc6ng ty ấy lại là những công ty ngoại quốc thì hoạt động kinh tế của họ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị. Bởi thế, kiểm soát hoạt động của các công ty thương mại là một việc cần thiết, nhất là trong thời kỳ chiến tranh hay trong thời kỳ có những khó khăn về kinh tế; thí dụ một công ty thương mại được thành lập tại Việt Nam, với đa số vốn của người ngoại quốc, những người điều khiển cũng là người ngoại quốc, nếu những người này lại là thuộc dân của một quốc gia gây chiến với Việt Nam, tất nhiên hoạt động của họ chỉ nhằm làm lợi cho quốc gia của họ và gây thiệt hại, xáo trộn trong sinh hoạt của quốc gia Việt Nam; Chính quyền không thể để cho họ được tự do hoạt động như một công ty Việt Nam và phải có những biện pháp ngăn ngừa. Ngoài những trường hợp đặc biệt trên đây, trong tình trạng bình thường, ta cũng không thể chấp nhận được rằng một công ty hoạt động ở Việt Nam bằng vốn ngoại quốc với những người chỉ huy ngoại quốc, có thể tự nhận là có quốc tịch Việt Nam, thay vì chế độ thuế khóa nặng hơn được đặt ra cho người ngoại quốc.
1205. _ Những thí dụ trên đây chúng tỏ ích dụng thực tế của vấn đề quốc tịch đối với quốc gia nơi hoạt động của những công ty thương mại. Nhưng chính cũng vì đó là một vấn đề thực tế thay đổi tùy hoàn cảnh, cho nên, trên bình diện lý thuyết, khó tìm được một giải pháp thỏa đáng cho tất cả các trường hợp. Bộ TMTP không có điều khoản nào định rõ những điều kiện cho một công ty thương mại được coi như có quốc tịch Việt Nam: Bộ luật TMP cũng vậy, không định rõ với những điều kiện gì một công ty thương mại, ở Pháp, được coi là có quốc tịch Pháp. Ở Việt Nam, thời Pháp thuộc, có một sắc lệnh ngày 4-12-1908 được ban hành, quy định về việc chế tạo và bán chất nổ: Điều 3 đoạn 2 định rằng, được coi là hội có quốc tịch Pháp những hội nào: a) Thành lập theo đúng luật của Pháp; b) Hội quy được nạp nhận ở Pháp hay ở một thuộc địa, một xứ đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp; c) Ban quản trị đa số là người Pháp. LTM 1972, điều 148 định rằng: “Quốc tịch của hội tùy thuộc nơi hội sở. Tuy nhiên một hội có quốc tịch Việt Nam theo định nghĩa của điều này, nếu đặt dưới quyền điều khiển và kiểm soát của người ngoại quốc, sẽ không đương nhiên được hưởng những quyền lợi đặc biệt dành cho người Việt Nam“.
1206. _ Như vậy là vấn đề vẫn chưa được giải quyết hẳn hoi, vì điều luật nói rằng, hội không đương nhiên được hưởng những quyền lợi đặc biệt dành cho người Việt Nam, tức là có trường hợp hội có thể được hưởng có trường hợp không, nhưng luật là không định rõ là những trường hợp nào, do đó, vần cần phải có sự can thiệp của tòa án để quyết định, trừ phi có luật lệ riêng đã định trước. Thái độ của nhà làm luật tại điều 148 LTM 1972 là thái độ dung hòa tiêu chuẩn trụ sở với tiêu chuẩn nhân viên điều khiển. Tiêu chuẩn trụ sở là một tiêu chuẩn giản dị, dễ nhận định nhưng có thể đưa đến hậu quả bất thường là một công ty của thuộc dân một địch quốc sẽ được coi là có quốc tịch Việt Nam và được che chở, được hưởng quyền lợi như một công ty Việt Nam. Bởi vậy LTM 1972 dành lại trường hợp công ty có ban quản trị gồm nhiều nhân viên ngoại quốc; Luật không quy định dứt khoát, để tòa án quyết định cho mỗi trường hợp.
1207. _ Với sự đầu tư của ngoại quốc đang sửa soạn tham gia hoạt động trong nền kinh tế hậu chiến ở Việt Nam, vấn đề quốc tịch của công ty ngoại quốc chắc chắn sẽ được đặt ra, không nhiều thì ít trước các tòa án Việt Nam. Tiện đây, tưởng cũng nên nhìn qua luật đối chiếu để nhắc lại rằng, án lệ của Pháp có khuynh hướng không coi nơi đặt trụ sở của hội đoàn là yếu tố quyết định cho quốc tịch của hội. Đó là quan điểm nhận thấy trong phần dẫn lý của Tòa tối cao Pháp trong vụ kiện do một công ty khởi xướng để đòi bồi thường chiến tranh. Công ty này tuy đặt trụ sở ở Pháp nhưng gồm toàn những người ngoại quốc. Tòa tối cao Pháp, trước hết, đã tuyên xử tòa tư pháp vô thẩm quyền; vấn đề thẩm quyền này, ta không cần biết đến vì là một vấn đề tùy thuộc luật lệ riêng của Pháp. Nhưng điểm chú ý là trong phần án lý, Tòa tối cao Pháp (Cass. 25-7-1933 S. 1935.1.41) đã nhận định rằng “pháp nhân của hội đoàn là một quan niệm giả tưởng của luật tư pháp; pháp nhân ấy tuy được coi là có quốc tịch tùy thuộc nơi đặt trụ sở, nhưng đó chỉ là để giải quyết nhu cầu về những giao dịch pháp lý của pháp nhân; ngoài ra, quan niệm này không thể đem đặt nguyên vẹn vào luật công pháp để cho hội đoàn được đòi hỏi quốc gia những biệt đãi dành cho dân Pháp”. Ra ngoài phạm vi quốc tịch, một bản án mới đây của Tòa tối cao Pháp lại xác định rằng tư cách pháp nhân không phải do luật pháp tạo ra; đoàn thể nào có được phương tiện phát biểu tập thể để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp … là có tư cách pháp nhân (…). Những mâu thuẫn của án lệ, chứng tỏ rằng, vấn đề pháp nhân có nhiều khía cạnh phức tạp, khó mà có thể đem đóng khung vào một nguyên tắc nhất định. Công nhận sự hiện hữu của pháp nhân là một chuyện, nhưng từ chỗ công nhận sự hiện hữu ấy, suy diễn ra quyền lợi và trách nhiệm của pháp nhân lại là một chuyện khác. Trong trường hợp trên đây và trong nhiểu trường hợp tương tự khác, hội viên hoặc nhân viên quản trị các hội liên hệ, tất cả đều là người ngoại quốc. Nhưng nếu chỉ có đa số nhân viên quản trị là người ngoại quốc, tưởng cũng phải áp dụng giải pháp này vì chính những người ấy điều khiển sinh hoạt của hội đoàn. Đó cũng là tinh thần, ý nghĩa của điều 148 LTM 1972.
1208._ Ngoài ra, đối với một hội có trụ sở đặt ở Việt Nam, được điều khiển do người Việt Nam, ta cũng không thể chấp nhận được cho hội là có quốc tịch Việt Nam để hưởng quyền lợi như người Việt Nam, nếu những người điều khiển chỉ là tay sai, là những ‘người rơm’, chứ không có thực quyền. Kết lại, trong tương lai, tiêu chuẩn để nhận định quốc tịch của một hội đoàn là nơi đặt trụ sở, theo Điều 148 LTM 1972, nhưng hội có quốc tịch Việt Nam, cũng không vì thế mà đương nhiên, được hưởng quyền lợi như người Việt Nam, nếu hội được điều khiển và kiểm soát do người ngoại quốc; Trong trường hợp này, hội liên hệ chỉ được hưởng quyền lợi như người Việt Nam nếu có luật lệ định riêng cho nó, nếu không, tòa án sẽ xét định, căn cứ vào hoạt động của hội, xem hoạt động ấy, thực tế, có lợi hay có hại cho quốc gtia Việt Nam.
1209. _ Trong tình trạng điển chế hiện thời, ta cần lưu ý đến điều 140 bộ luật TMTP, theo đó, các công ty nặc danh và công ty hợp tư cổ phần muốn được thay đổi quốc tịch, phải có sự ưng thuận của toàn thể hội viên. Khác với bộ luật TMTP, điều 31 TMP dường như không cho phép hội đoàn được thay đổi quốc tịch; về điều này, quy định riêng về công ty vô danh, định rằng đại hội cổ đông công ty có thể sửa đổi bất cứ điều khoản nào của hội quy, nhưng không được thay đổi quốc tịch của hội. Hai điều khoản này cũng hơi khó hiểu, vì thể nhân, cũng như pháp nhân, không thể tự ấn định cho mình một quốc tịch. Quốc tịch là sự liên hệ của con người đối với quốc gia, và trong những trường hợp cấp dữ, thủ đắc thay đổi quốc tịch đều được quy định một cách chặt chẽ, chứ không tùy thuộc vào ý chí tự do riêng của tư nhân; thí dụ: Sự từ bỏ quốc tịch này để gia nhập quốc tịch khác, sự lựa chọn giữa hai quốc tịch (được công nhận cho vị thành niên, cho người đàn bà khi lập hôn thú) đều được đặt dưới những điều kiện bó buộc do luật định.
1210. _ Sản nghiệp. Như đã trình bày ở số 1193, 1194, pháp nhân của hội đoàn là một chủ thể khác biệt với các chủ thể cá nhân trong hội, là các hội viên. Là một chủ thể riêng, pháp nhân đứng đầu một sản nghiệp riêng, thiết lập bằng những tài sản do các hội viên đã đem góp vào hội. Do đó, nếu pháp nhân mắc công nợ, các chủ nợ của có quyền lấy nợ trên sản nghiệp ấy, và được lấy trước các chủ nợ riêng của mỗi hội viên. Nói cho đúng, các chủ nợ riêng của mỗi hội viên không có quyền lấy nợ trên sản nghiệp của hội; các chủ nợ này, muốn lấy nợ, chỉ có thể sai áp kỹ phần riêng của hội viên trong cùng công ty mà thôi. Sản nghiệp của hội, tuy do các hội viên góp phần tạo lập, nhưng một khi đã tạo lập thì ra khỏi tầm tay của các hội viên; chỉ còn cái kỹ phần riêng góp vào hội là còn thuộc quyền bảo đảm của các chủ nợ của hội viên đã góp. Bởi thế, nếu một người đệ tam mắc nợ hội và đồng thời, cũng là chủ nợ của một hội viên, sẽ không có quyền đòi khấu trừ nợ này vào nợ kia; nói cách khác, người đệ tam cứ phải trả nợ cho hội, còn việc đòi nợ hội viên là một việc khác. Ngược lại, một người đệ tam mắc nợ một hội viên thì phải trả cho người này, không thể nại rằng, chính người đệ tam cũng còn thiếu nợ của chủ tịch ban quản trị chẳng hạn, để trừ nợ.
1210 bis. _ Nếu hội buôn bán thua lỗ, không trả được nợ, sẽ có thể bị tuyên bố khánh tận hay bị tư pháp thanh toán tài sản như một thể nhân. Sản nghiệp của hội là tịch vị công nợ của hội, cũng như toàn thể tài sản của một thể nhân là tịch vị công nợ của người này. Trên sản nghiệp ấy, hội phải gánh chịu tất cả các công nợ do sinh hoạt của hội phát xuất không những là nợ tư nhân mà cả nợ chính phủ về các sắc thuế, như thuế lợi tức, thuế môn bài, thuế sản xuất v.v…
1211. Khi một hội viên qua đời, thừa kế chỉ được thừa hưởng riêng kỹ phần của người ấy trong hội, không có quyền đụng chạm đến tài sản ấy. Đặc biệt là người thừa kế không có quyền xin niêm phong tài sản của hội để phân định kỷ phần mà mình được hưởng (…).
1212. _ Năng cách (Tức là pháp năng, hay năng lực pháp lý của hội đoàn): Hội đoàn được coi là một pháp nhân, cho nên có năng cách để làm mọi việc thuộc phạm vi hoạt động của hội, chiếu theo hội quy. Chính vì muốn cho hội đoàn có tư cách pháp lý để sinh hoạt mà người ta công nhận hội đoàn là một pháp nhân. Năng cách của hội đoàn là một năng cách hoàn toàn đầy đủ. Hội được lập ra với mục tiêu gì thì được làm tất cả mọi hành vi hợp pháp nhằm thực hiện mục tiêu ấy. Hội được hưởng quyền sở hữu về tất cả các tài sản tạo lập được, kể cả quyền sở hữu về văn nghệ, nếu có. Hội có toàn năng cam kết và phải chịu trách nhiệm về mọi sự cam kết. Vấn đề vô năng cách của thể nhân (như những vị thành niên, những người bị cấm quyền) không đặt ra với các hội đoàn, vì sự vô năng cách này lệ thuộc vào thể chất, vào tinh thần của cá nhân, là những cái gì mà hội đoàn không có. Hội có thể nhận vật sinh tặng, do một người tặng cho khi còn sinh thời, hay di tặng, do một người qua đời tặng lại bằng di chúc.
1213._ Như vậy, hội đoàn được làm đủ mọi hành vi dân sự, và cũng được hưởng mọi quyền lợi dân sự, trừ những quyền nào, vì bản chất chỉ có thể được hành hưởng do một thể nhân, thí dụ như những quyền gia đình. Những công quyền dành cho thể nhân, dĩ nhiên, cũng không được công nhận cho hội đoàn, thí dụ hội đoàn, tuy là một pháp nhân thương mại, nhưng không được ứng cử vào phòng thương mại, hay tham gia bầu cử, cũng không thể được cử vào thành phần tòa lao động hay phụ thẩm nhân dân.
1214. _ Hội đoàn, tuy là một pháp nhân, có đầy đủ năng cách pháp lý, nhưng dù sao, cũng chỉ là một tập thể cá nhân; tự nó, hội đoàn không có ý chí quyết định, không có trí tuệ để suy xét, cho nên phải điều khiển bởi một trí tuệ tập thể mà nhân số, cùng thề thức lựa chọn, do hội quy hay luật pháp ấn định. Những người được lựa chọn sẽ đại diện cho hội đoàn, đảm nhiệm công việc của hội đoàn. Tuy là đại diện nhưng không nhất thiết là họ được toàn thể hội viên bầu lên, họ là đại diện cho hội, chứ không là đại diện cho mỗi hội viên riêng từng người một, vì thông thường họ được lựa chọn theo đa số. Dù sao, là đại diện cho hội đoàn, mỗi khi thực hiện hành vi gì trong phạm vi phận sự, hành vi ấy chỉ phát sinh hiệu lực đối với hội đoàn, không có hậu quả gì đối với bản thân họ. Pháp nhân có một đời sống liên tục; người đại diện, trái lại, chỉ có quyền hành hạn định trong thời gian, bởi thế sự thay đổi không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của hội đoàn; nói rõ hơn, hội đoàn tiếp tục sinh hoạt với những hành vi mới của các đại diện mới và, đằng khác, các hành vi trước do các đại diện tiền nhiệm đã làm, vẫn giữ nguyên hiệu lực và thành quả.
1215. _ Trách nhiệm của hội đoàn: Có thể nói rằng, trách nhiệm của hội đoàn là đối khoản của năng cách của hội đoàn. Một khi hội đoàn được coi là có đủ pháp năng để hoạt động, tự nhiên là vấn đề trách nhiệm được đặt ra cho hoạt động ấy. Trước hết, hoạt động của hội đoàn được thể hiện bằng những giao dịch pháp lý, bằng những khế ước. Hội đoàn phải thi hành nghiêm chỉnh khế ước ấy. Theo ngôn ngữ thông thường, đó cũng là một trách nhiệm. Nhưng hiểu theo sát nghĩa của danh từ trách nhiệm ước tạo thì danh từ này chỉ thị cái trách nhiệm của người ký kết khế ước phải bồi thường cho người đối ước với mình, nếu như mình không thi hành khế ước, hay thi hành không đầy đủ, không đúng mức. Ngoài trách nhiệm ước tạo, hội đoàn còn phải chịu trách nhiệm dân sự hiểu theo chính nghĩa là trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do các lỗi của mình đã gây ra, hoặc do những đồ vật mà mình có bổn phận canh thủ gây ra cho người đệ tam.
1216. _ Tuy hội đoàn chỉ hành dộng được do người đại diện (1214), và những lỗi lầm trong việc điều hành công việc của hội đều là lỗi lầm của người điều khiển, nhưng trách nhiệm thì chính hội đoàn phải chịu: Người điều khiển không thi hành khế ước, hội phải bồi thường; người điều khiển cạnh tranh bất chính với một hội khác, hội cũng sẽ phải bồi thường về những hành động cạnh tranh bất chính ấy, vì làm như vậy thì có lỗi. Người điều khiển lái xe của hội, đi làm công việc cho hội, lỡ gây tai nạn, hội cũng phải bồi thường. Để nhận định và phân biệt trách nhiệm ước tạo với trách nhiệm dân sự, ta có thể đưa ra một ví dụ như sau: Thí dụ, một công ty đường nhận bán một tấn đường trắng cho một hãng xuất cảng; nếu công ty giao đường vàng thay cho đường trắng, hay gioa không đủ số, hay giao hàng không đúng thời gian hạn định trong khế ước, thì công ty có lỗi trong nội vi thi hành các điều khoản của khế ước, và trách nhiệm của công ty là trách nhiệm ước tạo. Nếu torng lúc giao hàng, công nhân của công ty đánh rơi một bao đường làm bị thương một người khác, thì sự kiện này ở ngoại vi các điều khoản dự liệu trong khế ước; sự kiện ấy là một lỗi hình sự (vô ý làm người bị thương); sự kiện ấy cũng có thể chỉ là một lỗi dân sự nếu bao đường, bị rớt, không làm ai bị thương, chỉ làm hư hại đồ vật của người khác: trong cả hai trường hợp, công ty có trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm này là trách nhiệm dân sự.
1217. Trên bình diện tổng quát, tiếng Việt không phân biệt trách nhiệm ước tạo với trách nhiệm dân sự: chỉ khi nào cần nhận định bản chất pháp lý của trách nhiệm mới cần phân biệt như vậy: Nếu là trách nhiệm ước tạo, chỉ cần chiếu khế ước ra mà xét xem người ký khế ước có thi hành đúng mức không, và nếu không thi hành đúng, sẽ phải bồi thường; nếu là trách nhiệm dân sự, sẽ phải xét xem người gây thiệt hại đã có phạm lỗi gì và sự nhận định lỗi này sẽ khó khăn, phức tạp hơn là nhận xét riêng về các lỗi thuộc nội vi sự thi hành khế ước. Thông thường, danh từ trách nhiệm dân sự, trong tiếng Việt, được dùng để chỉ chung trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm dân sự của hội đoàn không nêu ra khó khăn gì trong sự thực hiện vì hội đoàn có sản nghiệp là tịch vị của công nợ: Các chủ nợ sẽ lấy nợ trên sản nghiệp này. Nhưng trách nhiệm hình sự của hội đoàn là một vấn đề có nhiều khó khăn về pháp lý cũng như trên thực tế.
1218. Trách nhiệm hình sự, như ai nấy đều biết, căn cứ vào ý định phạm pháp của đương sự, đằng khác, trách nhiệm này chỉ buộc vào người phạm pháp, ai làm người nấy chịu. Nhưng hội đoàn lại không có ý chí, không có tri giác; đằng khác, những hình phạt nhằm vào thể xác đều không áp dụng được cho một pháp nhân; dù có chấp nhận, trên nguyên tắc, trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thì, cùng lắm cũng chỉ có thể áp dụng được cho pháp nhân hình phạt bằng tiền bạc, đánh vào sản nghiệp. Do đó, phần lớn các học thuyết và án lệ cho là hội đoàn không có trách nhiệm hình sự; trách nhiệm này chỉ có thể buộc vào người điều khiển hội. Nhưng muốn vậy, cũng phải có luật định rõ ràng cho mỗi trường hợp, và đó là khuynh hướng của nhà lập pháp ngày nay, vì không thể để hco những người điều khiển ẩn nấp dưới bóng pháp nhân, làm những việc phi pháp có hại cho quốc gia, hay lợi dụng tín nhiệm của công chúng để làm những hành vi lường gạt. LTM 1972, trong các điều 320 đến 369 đã dự liệu nhiều trường hợp trừng phạt nhân viên điều khiển hội đoàn./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar