Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Sự thi hành nghĩa vụ

SỰ THI HÀNH NGHĨA VỤ 

Trong phần lớn các trường hợp, nghĩa vụ thường được con nợ tự ý thi hành. Sự áp dụng luật pháp, trên thực tế đòi hỏi rằng, mỗi người chúng ta đều tôn trọng luật pháp mà không cần phải có sự can thiệp của tòa án. Sự thi hành tự ý gọi là chi phó. Nếu con nợ không tự ý thi hành, đó là sự thi hành cưỡng bách nghĩa vụ. Thi hành tự ý hay thi hành cưỡng bách đều tiên niệm rằng một vấn đề đã được giải quyết, đó là sự ấn định thời kỳ thi hành.

I. THỜI KỲ THI HÀNH: Con nợ có thể phải thi hành nghĩa vụ ngay, hoặc phải thi hành vào ngày đã được quy định trong khế ước hay bởi luật pháp. Tùy trường hợp, nghĩa vụ có tính cách tức hành hay có hạn kỳ. Khi đáo hạn, con nợ phải chi phó. Nếu không, chủ nợ phải xác nhận sự từ chối của con nợ hoặc sự kiện con nợ không thể thi hành nghĩa vụ được, vì có thể con nợ chỉ trễ nải trong việc thi hành mà thôi. Sự chậm trễ này chỉ cấu thành một lỗi nếu con nợ đã bị đốc thúc thi hành. Thẩm phán nhiều khi còn ban cho con nợ một hạn kỳ để thi hành mặc dù nghãi vụ đã đáo hạn, đó là thời hạn ân huệ.
I.1: Sự đốc thúc: Đốc thúc là một hành vi của chủ nợ để xác nhận sự chậm trễ của con nợ trong việc thi hành nghĩa vụ. Nguyên tắc là sự đốc thúc không được coi là đương nhiên khi nghĩa vụ đáo hạn. Mặc dù hạn kỳ đã trôi qua rất lâu mà nghĩa vụ vẫn chưa được thi hành, điều đó cũng không có nghĩa là con nợ đã bị đốc thúc. Gọi là đốc thúc, khi chủ nợ đã gửi cho con nợ một văn thư nói rõ ý định của mình muốn thấy được nghĩa vụ được thi hành. Cho tới khi nào chủ nợ hành động như vậy, sự im lặng của chủ nợ khiến cho người ta phỏng đoán là sự kiện con nợ không thi hành nghĩa vụ chẳng gây thiệt hại gì cho chủ nợ cả, và người này cho phép con nợ mặc nhiên chậm trễ. Điều 699 DLVN quy định: “Người trái hộ chỉ có thể phải bồi thường nếu đã bị đốc thúc thi hành nghĩa vụ, trừ phi nghĩa vụ của người ấy phải được thi hành trong một thời hạn nhất định và thời hạn này đã qua rồi .
I.2: Thời hạn ân huệ: Sự chi phó các món nợ đúng kỳ hạn rất quan trọng cho sự điều hòa các tương quan pháp lý trong xã hội. Một người chủ nợ có một trái khoản đáo hạn vào một ngày nào đó, có thể cùng ngày ấy hoặc vài ngày sau phải trả một món nợ cho một chủ nợ khác: Người đó phải xếp đặt hạn kỳ cho các trái khoản để làm sao có thể thực hiện được những điều cam kết của họ. Nếu một con nợ không chi phó đúng hạn thì nhiều nghĩa vụ do đó có thể bị ảnh hưởng. Nhưng luật pháp và Tòa án lại có khuynh hướng nâng đỡ các con nợ là những người vẫn được coi như kẻ yếu trong tương quan pháp lý với chủ nợ. Do đó, trong việc chi phó các trái khoản đáo hạn, con nợ nhiều khi được hưởng một thời hạn ân huệ. Sự  kiện này có hậu quả khiến chủ nợ không thể thu hồi được trái khoản đúng hạn và làm xáo trộn những nghiệp vụ thương mại. Điều 818 DLVN và Điều 214 DSTSTT thừa nhận cho Thẩm phán được quyền ban cho con nợ một kỳ hạn ân huệ để thi hành nghĩa vụ. Năng quyền nói ở đây của vị Thẩm phán có tính cách đặc biệt vì như vậy tức là đã thừa nhận cho Tòa án được can thiệp vào các mối tương quan tư pháp giữa tư nhân. Tuy nhiên, năng quyền này của Thẩm phán, thực ra là một biện pháp nhằm mục đích bảo vệ các con nợ nghèo khó và tránh cho họ khỏi những sự truy tố quá gắt gao của chủ nợ, đó là một quyền ban ân huệ trong địa hạt dân sự, được hành xử bởi tòa án. Nhưng ân huệ này không khiến cho con nợ được miễn trừ hoàn toàn nghĩa vụ mà chỉ khiến cho họ được hưởng một kỳ hạn không được dự liệu trước đây. Ngoài ra, theo điều 214 DSTSTT thì ân huệ lúc nào cũng có thể bị bãi bỏ. Người hưởng ân huệ có thể bị truất bãi ân huệ nếu có những sự kiện mới tỏ rõ y không còn xứng đáng được hưởng ân hạn nữa như trường hợp người thuê nhà không trả tiền bồi thường chiếm ngụ mà lại còn lợi dụng ân hạn để cho người khác thuê lại. Luật pháp thừa nhận cho Thẩm phán được quyền ban cho con nợ một ân hạn tùy theo tư cách của họ; như vậy, tức là Thẩm phán phải xét tới tình trạng nghèo khó hiện tại cũng như sự ngay tình của con nợ. Nhà làm luật nói rằng, Thẩm phán sẽ chiếu theo trường hợp cho con nợ được hưởng một ân hạn phải chăng, nhưng ân hạn này cũng không quá một năm (Điều 818 DLVN). Như đã trình bày, về phương diện hiệu lực thì thời hạn ân huệ có giá trị như hạn kỳ trong việc chi phó. Hạn kỳ này là một ân huệ cho con nợ để thi hành nghĩa vụ, cho nên bất cứ lúc nào, người này cũng có thể chi phó trước khi thời hạn ân huệ chấm dứt. Điều 214 DLTSTT còn dự liệu rằng, nếu con nợ được hưởng ân hạn không trả đúng theo thể thức và thời hạn ấn định, biện pháp khoan hồng này sẽ đương nhiên bị hủy bỏ 8 ngày sau khi con nợ bị đốc thúc vô hiệu.

II. SỰ CHI PHÓ. Sự chi phó là hành động của con nợ tự ý thi hành nghĩa vụ. Trong ngôn từ pháp lý, chữ chi phó có một nghĩa rộng hơn trong ngôn ngữ thông thường. Thông thường nói đến sự chi phó, người ta thường nghĩ ngay đến viêc trả một món nợ bằng tiền, tức là sự thi hành một nghĩa vụ về tiền bạc. Trong địa hạt pháp lý, chi phó có nghĩa là tự ý thi hành một nghĩa vụ, mà đối tượng của nghĩa vụ có thể là một món tiền hay một cung khoản khác.
II.1: Các đương sự trong việc chi phó: Sự chi phó với ý niệm đầu tiên là phải có hai người; Người thi hành cung khoản, tức là người chi phó và người nhận sự chi phó, tức là người thu nhận.
II.1.1: Người thu nhận: Sự chi phó chỉ hữu hiệu và giải trừ nghĩa vụ cho con nợ khi nào người thu nhận là chủ nợ và có đầy đủ năng lực.
a. Người thu nhận phải là chủ nợ: Sự chi phó chỉ hữu hiệu khi được làm cho người chủ nợ, hay trong trường hợp người này đã chết, cho các người kế quyền bao quát, vì người này tiếp nối nhân thân của người quá cố và trở thành chủ nợ. Tuy nhiên, trong sự chuyển quyền trái quyền, người thụ nhượng, mặc dù chỉ là người thụ quyền đặc định cũng có tư cách nhận sự chi phó, bởi vì do sự chuyển nhượng trái quyền, họ trở thành chủ nợ. Trong trường hợp này, con nợ phải được thông báo về sự thay đổi trái chủ ấy. Sự chi phó cũng hữu hiệu khi được làm cho một người đại diện luật định hoặc ước định của chủ nợ, hoặc ngay cả cho người quản lý sự vụ nếu như các điều kiện của việc quản lý sự vụ hội đủ. Trên nguyên tắc khi sự chi phó không được làm cho người chủ nợ hoặc người đại diện, thì sẽ không có hiệu lực giải trái cho con nợ đối với chủ nợ. Con nợ vẫn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ và chỉ có thể hành xử tố quyền cầu hoàn đối với người đã thụ nhận trái quyền một cách bất đáng. Nhưng nguyên tắc này có ngoại lệ: Điều 814 DLVN dự liệu hai trường hợp theo đó theo đó sự chi phó hữu hiệu mặc dù người được chi phó không phải là chủ nợ hoặc đại diện cho chủ nợ:
– Khi người chủ nợ phê chuẩn sự chi phó cho người vô tư cách. Thực ra đây không phải là một ngoại lệ bởi vì sự phê chuẩn của chủ nợ có hiệu lực ban cấp cho người thu nhận tư cách thụ ủy một cách hồi tố.
– Khi người chủ nợ đã thủ lợi do sự chi phó. Áp dụng lý thuyết đắc lợi vô căn, một con nợ đáng lẽ phải chi phó cho chủ nợ, lại chi phó cho chủ nợ của chủ nợ, thì sự chi phó này cũng có giá trị. Thực vậy, nếu như người chủ nợ vẫn có quyền đòi hỏi con nợ chi phó thì họ sẽ đắc lợi vô căn vì trái khoản riêng của họ đã được mãn kết mà không có đối khoản.
Ngoài hai trường hợp trênđây, Điều 854 DLT và 1240 DLP còn định rằng, sự chi phó làm một cách ngay tình cho một người đang chấp hữu trái khoản cũng có giá trị. Người chấp hữu trái khoản là người chấp hữu thân trạng chủ nợ, đó là người chủ nợ biểu kiến. Ví dụ: Một người thừa kế biểu kiến (một người mà được mọi người lầm tưởng là người thừa kế) là người chấp hữu trái khoán của di sản. Tình trạng biểu kiến ở đây phát sinh ra hiệu lực pháp lý, tình trạng đó làm cho một sự chi phó trở thành hữu hiệu mặc dù sự chi phó ấy đã không được làm cho một kẻ thu nhận mà trên thực tế không phải là chủ nợ. Người chủ nợ thực sự chỉ có quyền cầu hoàn đồi với người thu nhận. Trong bộ DLVN không có điều khoản nào tương tự như điều 854 DLT và 1240 DLP. Tuy nhiên, giải pháp của hai điều khoản này có thể chấp nhận được vì theo nguyên tắc người chấp hữu động sản được coi là sở hữu chủ trái khoản nên sự chi phó cho người này hữu hiệu (1488 DLVN). Trái lại, có trường hợp mà sự chi phó tuy được làm cho chính người chủ nợ nhưng lại không có hiệu lực giải trừ cho con nợ:
+ Sau khi sự sai áp chi phó được tòa án xác hiệu, người đệ tam sai áp nào đã chi phó cho chủ nợ của mình, mặc dù đã được tống đạt lệnh ngăn cản chi phó, sẽ phải chi phó lần thứ hai cho chủ nợ sai áp (816 DLVN).
b. Người thu nhận phải có năng lực: Sự vô năng lực hành xử đưa đến hậu quả là kẻ vô năng không thể thu nhận một sự chi phó một cách hợp lệ. Thực vậy người thu nhận phải có khả năng để mà xét xem sự chi phó có tương xứng với cung khoản hay không. Ngoài ra người đó còn có thể sẽ làm tiêu tán những gì nhận được. Để thu nhận sự chi phó, đương sự còn cần phải có khả năng chuyển nhượng. Chế tài về điều kiện này là một sự vô hiệu tương đối của sự chi phó. Người chi phó sẽ phải chi phó lần thứ hai cho người có khả năng thu nhận. Tuy nhiên áp dụng ý niệm đặc lợi vô nguyên nhân điều 815 DLVN cho phép người chi phó khỏi phải chi phó một lần nữa, nếu chứng minh được là sự chi phó đã làm lợi cho người chủ nợ vô năng cách, nghĩa là tài vật do người đó thu nhận còn nằm trong sản nghiệp của họ.
II.1.2: Người chi phó: Sự chi phó nêu lên ba vấn đề liên quan đến người chi phó: Vấn đề thứ nhất là người chi phó phải có tư cách gì? Vấn đề thứ hai là người chi phó có thể làm cách nào để buộc người chủ nợ phải chấp nhận sự chi phó? Và vấn đề thứ ba là tình trạng pháp lý của một người chi phó, mặc dù người chi phó không phải là con nợ thì sẽ ra sao? Vần đề thứ ba này là chi phó kèm theo sự kế vị, vì quan trọng đặc biệt nên sẽ được nghiên cứu riêng rẽ.
a. Tư cách của người chi phó: Vấn đề đặt ra là người chi phó có bắt buộc phải là con nợ không? Một trường hợp không ai phủ nhận là khi một người đứng ra cam kết cho một người khác (ví dụ: người bảo lãnh), có thể chi phó một cách hữu hiệu thay thế cho con nợ chính và người này còn bị bắt buộc phải chi phó nếu bị kiện. Ngoài ra, một người đệ tam cũng có thể chi phó cho con nợ: điều 811 DLVN định nghĩa rằng, nghĩa vụ có thể được thi hành bởi một người đệ tam không liên quan gì đến nghĩa vụ cả. Như vậy, thì người chủ nợ , trên nguyên tắc bị bó buộc phải chấp nhận một sự chi phó bởi một người đệ tam không phải là con nợ. Tuy nhiên, khi nghĩa vụ có tính cách nhân vì, tức là khi ký kết khế ước, người chủ nợ đã quan tâm đặc biệt tới cá nhân của người trái hộ, thì người chủ nợ có quyền thúc buộc rằng sự chi phó phải do chính con nợ thực hiện. Ví dụ: Người họa sĩ phải vẽ bức tranh, y sĩ phải thực hiện một cuộc giải phẫu (812 DLVN). Ngoài ra, để có thể chi phó một cách hợp lệ, người chi phó phải có khả năng. Đó là khả năng cần thiết để chuyển nhượng một vật quyền khi nghĩa vụ phải được thi hành là một nghĩa vụ giao nạp (813 DLVN).
b. Sự đề cung vật chất: Người chủ nợ đôi khi có lợi để từ chối không chấp nhận một sự chi phó. Đó là trường hợp khi người ấy thấy rằng món nợ của họ lớn hơn cái mà con nợ đề nghị chi phó, hoặc là khi món nợ sinh lợi nhiều. Trong những trường hợp này, con nợ có thể cưỡng bách chủ nợ phải chấp nhận sự chi phó, ngoại trừ trường hợp món nợ có dự liệu một hạn kỳ có lợi cho chủ nợ. Luật pháp có dự liệu một thủ tục do đó người chi phó có thể buộc chủ nợ phải chấp nhận sự chi phó. Muốn như vậy, người này phải làm một sự đề cung vật chất, kèm theo một sự ký thác. Do trung gian Thừa phát lại, người chi phó đề cung cho người chủ nợ một tài vật hoặc là món tiền; nếu người chủ nợ từ chối, người chi phó phải ký thác tức là phải gửi tài vật hoặc món tiền đó tại một nơi nào luật định (ví dụ: Quỹ cung thác đối với các món tiền) để chủ nợ có thể lấy ra được. Nếu chủ nợ nhất định từ chối, con nợ phải xin tòa phán xử về giá trị sự đề cung. Trong trường hợp Tòa tuyên bố là sự đề cung hợp lệ và có giá trị, con nợ sẽ được giải trái và chủ nợ sẽ phải gánh chịu án phí. Con nợ sẽ được giải trái một cách hồi tố từ ngày có sự đề cung, từ ngày đó, con nợ không phải trả tiền lời nữa, và chủ nợ phải gánh chịu mọi rủi ro xảy ra cho tài vật. Thủ tục này qua phiền phức. Trong dân luật Đức, con nợ chỉ cần đốc thúc chủ nợ thu nhận sự chi phó, sự đốc thúc này có hiệu lực khiến chủ nợ phải gánh chịu mọi rủi ro về tài vật.
c. Sự di nhượng tài sản: Sự di nhượng tài sản là một định chế pháp lý có từ luật La Mã: Người nợ vô tư lực, để khỏi bị tù đày, có thể di nhượng toàn thể tài sản của mình cho chủ nợ. Sự di nhượng này không làm cho chủ nợ đương nhiên trở thành chủ sở hữu các tài sản di nhượng. Các tài sản này được đem phát mại và các chủ nợ sẽ chia nhau trên tiền phát mại được. Con nợ chỉ được giải trái cho tới mức số tiền thu hoạch được do cuộc phát mại. Sau này, nếu có những tài sản khác, con nợ phải dùng những tài sản đó để trả số nợ còn lại. Điều 840 DLVN định nghĩa: “Di nhượng tài sản là bỏ mặc tất cả tài sản cho chủ nợ để trả nợ khi trái hộ ở tình trạng vô lực trả nợ“. Ngoài ra, điều 841 và các điều kế tiếp dự liệu hai loại di nhượng tài sản: Di nhượng ước định và di nhượng tư pháp.
– Di nhượng ước định: Sự di nhượng ước định thực hiện bằng một khế ước ký kết giữa con nợ với một hoặc nhiều chủ nợ. Hiệu lực của nó do khế ước quy định. Nếu khế ước không định rõ thì phải áp dụng cho sự di nhượng ước định các hiệu lực của sự di nhượng tư pháp. Sự di nhượng ước định chỉ ràng buộc các người chủ nợ ưng thuận mà thôi.
– Sự di nhượng tư pháp: Trong trường hợp chủ nợ từ chối đề nghị di nhượng tài sản, con nợ phải làm thủ tục di nhượng tư pháp. Tòa án phải thẩm định xem có nên chấp nhận sự di nhượng hay không. Các chủ nợ phải được gọi ra tòa để họ có thể trình bày các lý do về sự từ chối của họ. Nhà làm luật dự  liệu rằng tòa án chỉ có thể chấp nhận sự di nhượng nếu con nợ ngay tình và trong tình trạng khốn cùng, nghĩa là sự vô tư lực của con nợ do một nguyên nhân ngoại tại, không thể quy trách do họ gây ra. Sự di nhượng tài sản tư pháp phát sinh hiệu lực đối với tất cả các chủ nợ, kể cả các chủ nợ mà trái khoản chưa đáo hạn. Nhưng sự di nhượng tư pháp không khiến cho các chủ nợ trở thành sở hữu chủ các tài sản di nhượng; họ chỉ có quyền quản trị các tài sản này, thâu hoạch hoa lợi, và làm thủ tục phát mại. Sự di nhượng được thực hiện trên tất cả các tài sản của con nợ, ngoại trừ các tài sản bất khả sai áp. Nếu kết quả của việc phát mại không đủ để trả nợ, con nợ vẫn phải bị ràng buộc đối với các chủ nợ trên ngạch số còn lại, và nếu sau này có thêm các tài sản khác, thì con nợ phải tiếp tục di nhượng cho tới khi toàn thể món nợ được thanh toán.
II.2: Đối tượng của sự chi phó: Về đối tượng của sự chi phó, nhà làm luật quy định một số quy tắc tổng quát chung cho mọi nghĩa vụ. Bên cạnh các quy tắc ấy còn có một số quy tắc riêng biệt, áp dụng cho sự chi phó các nghĩa vụ về tiền bạc.
II.2.1 Các quy tắc tổng quát: Con nợ chỉ được giải trái khi đã chi phó toàn vẹn cung khoản mà họ phải thi hành. Nguyên tắc đó có nghĩa là con nợ phải chi phó đúng theo phầm chất và số lượng như đã cam kết.
a. Xác định đối tượng của sự chi phó về phẩm chất: Điều 817 DLVN ấn định nguyên tắc về đối tượng của sự chi phó, nói rằng: “Chủ nợ không thể nào bị bó buộc phải thu nhận một đồ vật không phải là đối tượng của món nợ, mặc dù đồ vật ấy cũng có giá trị tương đương hay nhiều hơn”. Văn từ của điều khoản này không chính xác khiến người ta có thể tưởng rằng chỉ áp dụng cho các nghĩa vụ giao nạp đồ vật. Sự thực, điều khoản này áp dụng chung cho sự chi phó mọi nghĩa vụ, dù đối tượng là một đồ vật, một món tiền hay một cung khoản gì khác. Vậy điều 817 DLVN phải được hiểu là, người chủ nợ không thể bị ép buộc phải nhận cái gì khác hơn là cái mà con nợ còn thiếu, mặc dù cái đó có thể có giá trị bằng hay lớn hơn cái còn thiếu. Riêng đối với nghĩa vụ giao nạp một đồ vật đích xác, Điều 820 DLVN quy định: “Trái hộ một món đồ vật đích xác được giải nhiệm nếu giao vật ấy trong hiện trạng khi giao, trừ phi có hư hại gây ra do lỗi của trái hộ hay do lỗi của những người mà trái hộ phải chịu trách nhiệm. Sau khi bị đốc thúc, trái hộ phải chịu trách nhiệm cả những hư hại gây ra không do lỗi của mình“. Nếu đối tượng của món nợ là một chủng loại vật, điều 821 DLVN định rằng: “Trái hộ chỉ có nghĩa vụ phải cung cấp vật thuộc hạng trung bình“. Điều này không hợp lý. Thực ra con nợ không phải chi phó một loại tốt hơn, nhưng cũng không thể chi phó một loại xấu hơn (798 DLB, 860 DLT, 1246 DLP): Nếu khế ước định rõ là người bán phải giao 100 kg gạo loại A thì người này phải giao đúng số gạo có phẩm chất loại A, chứ không thể giao gọa trung bình được.
b. Xác định đối tượng của sự chi phó về số lượng: Điều 818 DLVN định rằng: “Trái hộ không có quyền bắt buộc chủ nợ phải phân kỳ trả nợ, dẫu rằng món nợ theo bản chất, có thể chia ra được để trả”. Như thế chủ nợ không bao giờ bi bó buộc phải thu nhận sự chi phó một phần trái khoản. Tuy nhiên, nguyên tắc bất khả phân của sự chi phó có nhiều ngoại lệ:
– Hai bên đương sự có thể thỏa thuận với nhau rằng con nợ có thể chi phó từng phần một. Nguyên tắc bất khả phân của sự chi phó cũng như các quy tắc khác về đối tượng của sự chi phó, đều không có tính cách trật tự công cộng.
– Khi con nợ chết đi, trên nguyên tắc món nợ được phân chia giữa các người thừa kế (Đ 803, 559 DLVN).
– Món nợ được bảo đảm bởi nhiều người bảo lãnh, món nợ sẽ được phân chia giữa các người bảo lãnh có tư lực (1336 DLVN). Về điểm này, giải pháp của luật cũ khác hẳn: D9, 1322 DLB định rằng khi nhiều người bảo lãnh một món nợ, họ có nghĩa vụ liên đới, và mỗi người phải thi hành toàn thể món nợ rồi sau đó có quyền đòi hỏi các người kia hoàn trả mỗi người một phần trong món nợ đó. Điều 15000, 1501 DLT lại dự liệu một giải pháp chiết trung: Đ 1500 DLT quy định rằng khi nhiều người bảo lãnh một món nợ thì mỗi người đối với chủ nợ phải chịu trách nhiệm về toàn thể món nợ. Điều 1501 sau khi tuyên bố là các người bảo lãnh phải liên đới với nhau, lại quy định rằng, nếu chủ nợ chỉ kiện một hay vài người bảo lãnh thôi thì Thẩm phán đòi các người bảo lãnh khác ra dự sự, ngoại trừ người bảo lãnh nào hiển nhiên là vô tư lực. Sau khi phát mại tài sản của người con nợ chính rồi, thẩm phán sẽ chia món nợ còn lại cho các người bảo lãnh tùy theo ngạch số món nợ mà mỗi người bảo lãnh. Ngoài ra mỗi người phải trả thêm một phần thay cho người bảo lãnh vô tư lực.
– Điều 818 khoản 2 DLVN dự liệu một ngoại lệ đối với nguyên tắc bất khả phân của sự chi phó và cho phép con nợ được xin tòa cho hưởng ân hạn. Tòa án trong trường hợp này có thể cho con nợ một ân hạn để chi phó hoặc cho phép con nợ được trả nợ làm nhiều phân kỳ.
II.2.2: Quy tắc riêng biệt cho sự chi phó các nghĩa vụ về tiền bạc: Không cần ghi lại.
II.3: Bằng chứng về sự chi phó: Sự chi phó có hiệu lực giải trái cho con nợ. Nhưng con nợ cần phải dẫn chứng được sự chi phó mỗi khi chủ nợ phủ nhận sự chi phó này. Vấn đề thứ nhất cần phải xét gánh nặng dẫn chứng thuộc về ai; sau đó xét xem người ta có thể xử dụng những phương tiện dẫn chứng nào.
II.3.1: Ai phải dẫn chứng sự chi phó: Nếu chủ nợ phải dẫn chứng về sự hiện hữu của nghĩa vụ, thì gánh nặng sự dẫn chứng lại thuộc về con nợ. Thực vậy, một khi chủ nợ đã chứng minh được sự hiện hữu của nghĩa vụ, sự kiện con nợ nại ra rằng mình đã thi hành rồi có tính cách là một khước biện, và người nào nêu ra khước biện thì người đó phải chứng minh. Điều 1315 k2 DLP định rằng “Người nào nại rằng mình đã được giải trái thì phải chứng minh sự chi phó hoặc sự kiện đã khiến nghĩa vụ của mình mãn kết“. Giải thích điều này, Luật gia Pierre Mazeaud phân biêt hai trường hợp:
– Trường hợp thứ nhất là khi sự mãn kết nghĩa vụ do một sự kiện tích cực. Ví dụ: Sự chi phó (tức là sự thi hành nghĩa vụ) được miễn trái, bị tiêu diệt thời hiệu hoặc gặp nguyên nhân ngoại tại. Trong trường hợp ấy, nếu con nợ từ chối thi hành nghĩa vụ bằng cách viện dẫn sự hiện hữu một trong các sự kiện trên đây thì họ phải dẫn chứng sự kiện đó. Đó là trường hợp được nói tới tại điều 1315 k2 DLP: Con nợ nại rằng mình đã được giải trái bằng cách nêu lên ‘sự kiện đã làm cho nghĩa vụ mãn kết’ thì họ phải dẫn chứng sự kiện đó. Điều 1147 DLP xác định nguyên tắc này về việc dẫn chứng nguyên nhân ngoại tại làm mãn kết nghĩa vụ thành quả, và án lệ đã áp dụng nguyên tắc ấy đối với nghĩa vụ thành quả của người canh thủ (Đ 1384 k1, 1385 DLP).
– Trường hợp thứ hai là khi nghĩa vụ mãn kết không phải do một sự kiện tích cực, mà do một sự bất tác động, một sự tiêu cực; Điều 1315 khoản 2 DLP không áp dụng trong trường hợp này. Đó là trường hợp nghĩa vụ cấp phương tiện, dù ước định hay pháp định. Con nợ chỉ có nghĩa vụ tránh đừng phạm lỗi, và thi hành nghĩa vụ bất tác động đó. Dĩ nhiên, để chống lại thỉnh cầu của chủ nợ, con nợ phải chứng minh rằng mình đã thi hành nghĩa vụ, nhưng sự thi hành ấy lại là sự kiện con nợ đã không phạm một lỗi nào. Bắt buộc con nợ về một nghĩa vụ cấp phương tiện phải chứng minh rằng, họ đã thi hành nghĩa vụ, khi nghĩa vụ này đã được chủ nợ chứng minh, như thế là trao cho họ gánh nặng dẫn chứng rất khó khăn, bởi vì họ sẽ phải dẫn chứng một sự kiện tiêu cực. Y sĩ gần như bao giờ cũng chịu trách nhiệm, nếu bệnh nhân chỉ cần chứng minh sự hiện hữu của khế ước y khoa, theo đó, y sĩ có một nghĩa vụ cấp phương tiện đối với bệnh nhận, và y sĩ chỉ có thể tránh khỏi trách nhiệm khi chứng minh được là mình không phạm lỗi nào. Ở đây sự thi hành nghĩa vụ là một sự kiện tiêu cực (y sĩ không phạm lỗi), sự không thi hành nghĩa vụ lại là một sự kiện tích cực (lỗi của vị y sĩ), cho nên chủ nợ phải dẫn chứng sự không thi hành (PA. Pháp 27.6.1939 S 19.10-I-73 ghi chú của Morel, DC 1941-J-53 ghi chú của Nast).
– Trong DLVN không có một điều khoản nào như điều 1315 DLP. Tuy vậy, Đ. 885 DLVN quy định một nguyên tắc tổng quát về dẫn chứng như sau: “Người nào nại ra trước tòa một sự kiện có lợi cho mình thì phải dẫn chứng”. Như vậy, DLVN không phân biệt sự thi hành nghĩa vụ là một sự kiện tích cực hay tiêu cực. Trong mọi trường hợp, con nợ nại rằng mình đã chi phó thì phải dẫn chứng sự chi phó đó. Nhưng nói như thế có nghĩa là, chúng ta phải gạt bỏ sự phân biệt của luât gia Mazeaud về việc dẫn chứng sự thi hành một nghĩa vụ thành quả và sự thi hành một nghĩa vụ cấp hương tiện không? Sự thực, dù là nghĩa vụ thành quả hay nghĩa vụ cấp phương tiện, trong mọi trường hợp, chủ nợ đều phải chứng minh sự không thi hành nghĩa vụ bởi người con nợ. Nếu là nghĩa vụ thành quả thì chủ nợ phải chứng minh là con nợ không mang lại kết quả đã hứa, tức là không thi hành nghĩa vụ đã cam kết, bằng chứng về không thi hành nghĩa vụ được đem lại khi kết quả theo đuổi không đạt được. Trong khi để chứng minh sự không thi hành nghĩa vụ cấp phương tiện, chủ nợ phải chứng minh sự bất cẩn của con nợ. Khi bệnh nhân đã chứng minh được sự bất cẩn, tức là một lỗi của y sĩ, thì người này muốn tránh khỏi trách nhiệm phải đưa ra các lý lẽ để đánh đổ cái lỗi ấy, tức là phải chứng minh ngược lại là mình không phạm một lỗi nào cả. Đó chính là sự quy định của điều 885 k2 DLVN: “Đối tụng muốn viện ra một sự kiện có hiệu lực tiêu hủy hậu quả của sự kiện trước, có gánh nặng dẫn chứng về phần mình“.
II.3.2: Các phương cách dẫn chứng: Sự chi phó, dù là sự chi phó một nghĩa vụ ước định hay nghĩa vụ ngoại khế ước, là hành vi pháp lý, cho nên, các phương cách dẫn chứng sự chi phó không phải là hoàn toàn tự do. Trong DLP, điều 1341, định rằng, các sự chi phó trị giá trên 50 quan chỉ có thể được chứng minh bằng giấy tờ. Nếu sự chi phó được chia làm nhiều kỳ thì cũng cần phải chứng minh bằng giấy tờ, nếu tổng món nợ trên 50 quan. Tuy nhiên, án lệ Pháp phân biệt giữa sự chi phó các món tiền và sự thi hành các nghĩa vụ khác. Án lệ chỉ áp dụng điều 1341 cho các sự chi phó về tiền bạc, còn chấp nhận mọi phương cách dẫn chứng về sự thi hành một công việc như trường hợp y sĩ dẫn chứng về việc săn sóc cho bệnh nhân, hoặc việc giảng dạy của một giáo sư cho học trò v.v… Ngoài ra, điều 1348 DLP cho phép sử dụng một phương cách dẫn chứng khi không thể xuấ trình được giấy tờ, và án lệ đã coi như một trường hợp không thể xuất trình được giấy tờ  khi có một trở ngại tinh thần khiến không thể đòi hỏi một giấy tờ để chứng minh thi hành nghĩa vụ. Đó là trường hợp mà theo tập quán, người ta không đòi hỏi một giấy tờ ghi nhận sự chi phó: Thông thường một y sĩ, một ông giáo, một người thợ không bao giờ đòi hỏi một giấy tờ ký xác nhận các sự săn sóc hay công việc mình làm. Tình trạng không thể xuất trình được giấy tờ, ngoài ra còn có thể được con nợ nêu lên về một nghĩa vụ tiền bạc. Ví dụ: Người mua muốn dẫn chứng là mình đã trả tiền, có thể nại rằng, theo thông lệ, trong một vài trường hợp, sự mua bán trả tiền ngay, người ta thường không cần biên nhận (PA. Pháp 15-7-1942 DC 1943-J-104). Nhưng nếu con nợ chỉ chứng minh rằng việc mua bán đã được trả tiền ngay và vật bán đã được giao cho họ thì không đủ để chứng minh, vì sự giao vật không khiến phỏng đoán là người mua đã trả tiền (PA. Pháp 21-3-1960 gp 1960-2-76).
Trong dân luật Việt Nam không có sự hạn chế tương tự như điều 1341 DLP. Theo điều 918 DLVN, con nợ có thể dùng mọi phương cách để dẫn chứng sự chi phó, kể cả nhân chứng, bất luận giá trị của sự chi phó là bao nhiêu. Tuy nhiên, một khi đã có văn tự làm bằng thì nhân chứng không thể được chấp nhận để chứng tỏ sự việc gì trái với văn tự. Nói khác đi, nếu chủ nợ xuất trình giấy tờ chứng minh là nghĩa vụ chưa được chi phó thì con nợ muốn dẫn chứng sự chi phó cũng phải dẫn chứng bằng giấy tờ. Theo điều 911 DLVN (tương ứng với đ.1328 DLP), một chứng thư pháp lý, muốn có nhật kỳ chắc chắn đối với mọi người, tức là muốn là một bằng chứng về ngày tháng đối với mọi người, trên nguyên tắc phải được trước bạ. Thể thức ấy có cần thiết đề ngày tháng ghi trên một tờ biên nhận được tin tưởng không? Vấn đề trên thực tế rất ích lợi trong trường hợp chuyển nhượng trái quyền: Một người con nợ từ chối không chi phó cho người thụ nhượng trái quyền và xuất trình một biên nhận, do đó người chủ nhượng xác nhận con nợ đã chi phối rồi, biên nhận này để có thể đối kháng với người thụ nhượng trái quyền, có cần phải có nhật kỳ chắc chắn trước ngày trái quyền này được chuyển nhượng không? Học lý và án lệ chia rẻ về điểm này (PA Pháp 12-4-1907 S 1908-I-161). Để biện minh cho sự áp dụng chặt chẽ điều 1328 DLP, người ta nói rằng, người chủ nhượng trái quyền, lại đồng lõa với con nợ và giao cho họ một biên nhận trên đó đề ngày tháng trước ngày chuyển nhượng. Để phòng ngừa sự gian lận ấy, cần buộc rằng, tờ biên nhận để có thể đối kháng với người thụ nhượng phải có nhật kỳ chắc chắn, tức là phải được trước bạ. Quan điểm trái ngược, thông thường, người ta không trước bạ biên nhận; thông lệ đó, mặc dù trái luật, đã khiến con nợ bị trở ngại tinh thần trong việc trước bạ biên nhận, do đó ngày tháng ghi trên biên nhận phải được tin tưởng, mặc dù biên nhận không được trước bạ. Một số tác giả khác lại chủ trương một quan niệm trung dung, quan niệm này có lẽ hợp lý hơn cả: Biên nhận được tin cậy về ngày tháng, nếu có được xuất trình cho người thụ nhượng vào lúc trái quyền được chuyển nhượng, còn nếu xuất trình sau đó thì phải có trước bạ.
Ngoài thể thức trước bạ, tư chứng thư cũng có nhật kỳ chắc chắn từ ngày mênh một của một trong những người đã làm chứng thư, hay từ ngày nội dung chứng thư đã được ghi chép vào một công chứng thư hoặc một chứng thư có nhật kỳ xác thực. Ngoài ra án lệ còn công nhận rằng tư chứng thư có thị thực chữ ký bởi các chức dịch hành chính cũng có nhật kỳ chắc chắn (PA.VN. 28-2-1967 PL 1968-I-5). Trong vụ này, Tòa phá án đã  bác bỏ sự thượng tố chống lại phúc quyết ngày 22-7-1963 của Tòa Thượng thẩm Saigon, theo đó, tòa này đã căn cứ vào một tư chứng thư có thị thực chữ ký để cho trích xuất hai chiếc máy chụp hình ra khỏi sự sai áp chấp hành. Các bằng chứng bằng giấy tờ có thể phân biệt làm hai loại: Các công chứng thư và các tư chứng thư. Công chính chứng thư la các chứng thư do những công lại có thẩm quyền lập ra. Đó là các chứng thư do phòng chưởng khế lập, thường được gọi là chưởng khế chứng thư, các vi bằng do thừa phát lại lập, các bản toàn sao án văn, các chứng thư do viên chức có thẩm quyền thị thực, thường được gọi là chứng thư thị thực, cũng là công chứng thư. Đặc điểm của công chứng thư là có tín lực tuyệt đối với mọi người, người ta chỉ có thể đánh đổ tính cách xác thực của chứng thư này bằng thủ tục đăng cáo giả mạo trước tòa Hình. Tư chứng thư là chứng thư do các đương sự lập lấy với nhau; theo điều 905 DLVN, tư chứng thư nếu không bị phủ nhận, thì có tín lực như công chứng thư giữa các đương sự với nhau và các người thừa kế hay kế quyền của họ. Nếu bị phủ nhận thì người nào nại ra tư chứng thư sẽ phải dẫn chứng rằng chứng thư ấy là xác thực (PA. VN. 27-4-1966 PL 1967-I-31).

III. SỰ THI HÀNH CƯỠNG BÁCH.
Mọi nghĩa vụ đều bao gồm một sự câu thúc: Không có sự câu thúc thì chủ nợ ít hy vọng được con nợ thi hành lời cam kết. Thường thì con nợ tự ý thi hành nghĩa vụ và không mấy khi chủ nợ phải dùng tới biện pháp thi hành cưỡng bách, nhưng sở dĩ như vậy chính là vì con nợ đã e sợ sự câu thúc mà tuân hành. Nếu không có sự câu thúc sẽ có nhiểu con nợ trốn tránh không chịu thi hành nghĩa vụ. Thí dụ điển hình là nghĩa vụ tự nhiên. Đối với loại nghĩa vụ tự nhiên, con nợ được tùy ý thi hành nghĩa vụ mà không có một sự câu thúc nào cả. Thực tế cho thấy loại nghĩa vụ này rất ít khi được con nợ thi hành.
Trong các pháp chế cổ xưa, sự thi hành nghĩa vụ được để tùy quyền chủ nợ mà không cần phải cầu viện tới công lực: Sự câu thúc có tính cách tư. Phương pháp này đã đưa tới bạo lực, cho nên quốc gia phải can thiệp vào mọi giai đoạn của sự thi hành để cấm đoán chủ nợ không được quyền tự xử, nhưng đồng thời trợ lực cho chủ nợ. Ngày nay chủ nợ chỉ có thể thi hành cưỡng bách nếu có bản đại tự một công chứng thư, chứng thư chưởng khế hay án văn, như vậy tức là phải có sự can thiệp của một công lại (Chưởng khế hay Tòa án). Mặt khác, với bản đại tự, chủ nợ cũng không thể tự mình đem thi hành, mà phải nhờ tới sự trợ lực của một công lại khác là thừa phát lại. Sự câu thúc do đó có tính cách công. Trừ trường hợp đi xe mà không trả tiền hoặc ăn hàng, mặc dù biết rằng mình không có tiền trả mà cứ ăn, sự kiện con nợ không thi hành nghĩa vụ, không cấu thành một tội phạm hình sự. Sự câu thúc có tính cách hoàn toàn dân sự và không bị chế tài bởi hình phạt nào cả. Chủ nợ có những biện pháp trực tiếp và gián tiếp để buộc con nợ phải thi hành nghĩa vụ.
III.1: Biện pháp thi hành trực tiếp: Chủ nợ đòi hỏi một cung khoản đã hứa, tức là đòi con nợ thi hành bằng hiện vật. Nhưng sự thi hành đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, và nhiều khi, chủ nợ phải nhận một sự thi hành tương đương, thường là một khoản tiền bồi thường thiệt hại. Một vấn đề đặt ra là chủ nợ có thể cưỡng bách con nợ thi hành nghĩa vụ bằng hiện vật không? Ở đây cần phải phân biệt: Thường thì nghĩa vụ có thể được thi hành mà không cần tới sự tham dự của cá nhân con nợ; trong trường hợp này, chủ nợ có quyền đòi hỏi thi hành bằng hiện vật. Trái lại, nếu sự tham dự của con nợ là không thể thiếu thì sự cưỡng bách thi hành bằng hiện vật có thể đưa đến sự bạo hành, một áp lực trên ý chí của con nợ, không phù hợp với sự tự do và phẩm giá của con người. Mặt khác, một sự câu thúc như vậy sẽ khiến cho nghĩa vụ được thi hành một cách cẩu thả, làm hại cho chủ nợ. Do đó, sự thi  hành cưỡng bách bằng hiện vật bị cầm đoán mỗi khi sự thi hành ấy cần đến sự tham dự của cá nhân con nợ. Đó là nguyên tắc, nhưng phạm vi của nó rất hẹp, nguyên tắc đó trên thực tế chỉ áp dụng cho các nghãi vụ có tính cách nhân vì.
Sự thi hành cưỡng bách bằng hiện vật va các nghĩa vụ giao nạp: Khi nghĩa vụ giao nạp liên quan đến một số tiền, nghĩa vụ này bao giờ cũng có thể thi hành được mà không cần tới sự tham dự của con nợ: Nếu con nợ từ chối không chi phó, chủ nợ sẽ lấy được món nợ bằng cách sai áp và phát mại tài sản của con nợ. Giải pháp này cũng áp dụng đối với các nghĩa vụ liên quan đến một chủng loại vật không được cá thể hóa: Chủ nợ có thể mua của một đệ tam nhân một số lượng chủng loại vật tương tự và buộc con nợ phải trả lại tiền bằng cách sai áp và phát mại tài sản của họ. Nếu nghĩa vụ là sự giao nạp đồ vật xác thực, thì nghĩa vụ này được thi hành tức thì, vì chỉ cần có sự ưng thuận của con nợ và chủ nợ là quyền sở hữu về đồ vật đã được chuyển dịch từ người này qua người kia. Chủ nợ, ví dụ, là người mua, không cần đòi hỏi con nợ thi hành nghĩa vụ nữa, vì họ đã trở thành sở hữu chủ rồi. Nhưng người mua không phải chỉ cần có tư cách là sở hữu chủ thôi, người đó còn phải được con nợ giao nạp đồ vật. Nghĩa vụ giao nạp có thể cưỡng bách thi hành bằng hiện vật.
Sự thi hành cưỡng bách bằng hiện vật và các nghĩa vụ tác động và bất tác động: Điều 695 DLVN quy định rằng “mọi nghĩa vụ tác động hay bất tác động, nếu không được người trái hộ thi hành, đều cải thành nghĩa vụ bồi thường”. Mặc dù điều khoản này có tính tổng quát nhưng không phải trong mọi trường hợp, khi con nợ không thi hành một nghĩa vụ tác động hay bất tác động, chủ nợ chỉ có thể đòi hỏi một sự thi hành tương đương, tức là chỉ có thể đòi bồi thường thiệt hại thôi. Điều 697 DLVN định rằng, đối với các nghĩa vụ tác động, tòa án có thể trong trường hợp con nợ không chịu thi hành, cho phép chủ nợ được tự mình thi hành, tốn kém do con nợ phải chịu. Đối với các nghĩa vụ bất tác động thì tòa án cũng có thể cho phép chủ nợ được phá hủy cái gì mà con nợ đã làm trái với điều cam kết và sử dụng những biện phạp thích ứng để phòng ngừa trong tương lai, mọi phí tổn đều do con nợ gánh chịu (đ.696 DLVN). Theo án lệ Pháp điều 1142 DLP, tương ứng với điều 695 DLVN, chỉ áp dụng cho các nghĩa vụ mà sự thi hành cần có cá nhân con nợ tham dự, vì nghĩa vụ đó có tính cách nhân vì. Đó là người họa sỹ không thể bị câu thúc phải hoàn tất bức họa. Nguyên tắc này cũng được án lệ Pháp áp dụng cho các nghĩa vụ bất tác động: Khi chủ nợ có thể xóa bỏ hành vi của con nợ mà không cần tới sự tham dự của cá nhân người này thì họ có thể đòi hỏi sự thi hành cưỡng bách bằng hiện vật.
Sự sai áp chấp hành: Sai áp chấp hành là một biện pháp thi hành trực tiếp trên tài sản của con nợ. Chủ nợ tước đoạt tài sản của con nợ bằng một thủ tục tố tụng gọi là sai áp chấp hành với sự trợ lực của một công lại, sau đó đem phát mại tài sản và thâu hoạch món nợ trên giá bán tài sản ấy. Như đã nói, khi chúng ta bàn về sai áp chi phó, quyền của chủ nợ sai áp tài sản của con nợ được chứng minh bởi quyền bảo đảm tổng quát của chủ nợ trên sản nghiệp của con nợ. Mọi quyền lợi của một người hợp thành một toàn thể, một khối, giữa tiêu sản và tích sản có một mối liên hệ: Mọi tích sản phải gánh chịu nợ của tiêu sản. Như vậy chủ nợ có quyền phát mại mọi tài sản thuộc sản nghiệp của con nợ để thâu hoạch lại trái khoản, ngoại trừ một vài tài sản được coi là bất khả sai áp hay cần thiết cho đời sống của con nợ như các dụng cụ hành nghề, tiền cấp dưỡng, v.v… Khi nhiều chủ nợ sai áp một tài sản, họ sẽ chia nhau theo tỉ lệ món nợ. Tuy nhiên, các chủ nợ có đặc quyền và các chủ nợ để đương được trả nợ trước các chủ nợ vô đặc quyền vì họ có một quyền ưu tiên. Ngoài ra, các chủ nợ để đương còn có quyền sai áp bất động sản để đương nơi tay người tạo mãi,họ có quyền truy tùy.
III.2: Các biện pháp thi hành gián tiếp: Biện pháp thi hành trực tiếp như sự sai áp nhiều khi không thể sử dụng được, nếu con nợ không có một tài sản nào cả, nhưng sự vô tư lực của con nợ có khi chỉ là biểu kiến, hoặc là mặc dù có đủ khả năng để thi hành bằng hiện vật, con nợ lại từ chối không thi hành. Luật pháp và án lệ bởi vậy đã dự liệu những biện pháp câu thúc gián tiếp mà mục đích là để làm áp lực tinh thần đối với con nợ ngõ hầu buộc họ phải thi hành. Sự câu thúc có thể thực hiện trên thân thể của con nợ, đó là sự câu thúc thân thể hoặc trên tài sản, đó là tiền cưỡng thúc.
III.2.1: Câu thúc thân thể: Trong xã hội xưa, khi quyền của chủ nợ được giết chết con nợ hoặc là bán con nợ làm nô lệ bị bãi bỏ, người ta thay thế bằng quyền chủ nợ được giam giữ con nợ trong nhà tù riêng và buộc con nợ phải làm việc cho tới khi trừ hết số nợ. Sau khi nhà tù công cộng thay thế cho nhà tù riêng của tư nhân, chủ nợ không còn có thể tự mình bắt con nợ bỏ tù mà phải nhờ đến công quyền. Biện pháp này dĩ nhiên là có hiệu quả: Để khỏi bị tù đày, dĩ nhiên là con nợ thường cố gắng hoàn trả món nợ. Nhưng biện pháp này không khỏi có tính cách man rợ và vi phạm phẩm giá con người. Bởi thế Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa điều 7, khoản 10 cấm đoán câu thúc thân thể vì thiếu nợ. Nhưng sự cấm đoán nói trên chỉ giới hạn đối với các món nợ dân sự; còn đối với các khoản tiền bồi thường thiệt hại do Tòa án hình tuyên, phát sinh từ một trọng tội, khinh tội hay vi cảnh, tòa án có thể câu thúc thân thể con nợ. Theo Điều 436 DSTSTT, sự câu thúc thân thể trong trường hợp này chỉ được áp dụng, nếu số tiền bồi thường không được con nợ thanh toán đầy đủ sau khi chủ nợ đã thực hiện những phương sách chấp hành trên tài sản của con nợ. Chủ nợ phải tống đạt án văn có tuyên khoản bồi thường cho con nợ, và đốc thúc bách hẹn cho người này phải trả bồi khoản trong 8 ngày. Nếu con nợ không tuân theo sự đốc thúc, chủ nợ sẽ xin ông biện lý tòa án nơi cư ngụ của con nợ lệnh trạng cho phép câu thúc thân thể người này. Thời hạn câu thúc thân thể là hai năm, hết thời hạn này, con nợ đương nhiên được phóng thích. Ngoài ra, con nợ cũng đương nhiên phóng thích nếu có sự đồng ý của chủ nợ, hoặc nếu con nợ ký nộp nơi tay giám đốc khám đường số tiền đủ để thanh toán trái khoản cho chủ nợ. Trong thời gian con nợ bị câu thúc thân thể, chủ nợ hàng tháng phải ký nạp trước tiền nuôi cơm người bị câu thúc; nếu tiền này không được đóng đầy đủ, con nợ sẽ đương nhiên được giám đốc khám đường phóng thích và sẽ không thể bị câu thúc trở lại vì những món nợ đã làm căn cứ cho sự câu thúc vừa chấm dứt.
III.2.2: tiền cưỡng thúc: Tiền cưỡng thúc là một số tiền phạt do Thẩm phán ấn định, nhằm mục đích buộc con nợ phải thi hành quyết định của tòa. Trong bản án, thẩm phán tuyên bố là con nợ sẽ phải trả một khoản tiền cưỡng thúc mỗi ngày chậm trễ, giá ngạch của khoản tiền này do Thẩm phán tùy nghi ấn định. (Tìm hiểu sơ qua vì hiện nay không còn áp dụng)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar