Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

40. Các pháp nhân

CÁC PHÁP NHÂN 

Các quyền lợi chủ quan ở trong xã hội không phải chỉ liên quan đến những cá nhận rời rạc. Nhiều khi các quyền lợi ấy có tính cách cộng đồng, liên thiết đến những đoàn thể các nhân như xã hội, các hiệp hội, hoặc các tập hợp tài sản như các tặng lập (les fondations: cơ sở). Nói khác đi, các đoàn thể cá nhân hoặc các tập hợp tài sản này cũng là những chủ thể quyền lợi như các thể nhân hay các người thường. Các đoàn thể và tập hợp ấy là những đơn vị hay những thực thể biệt lập không dính dáng gì đến những phần tử cấu thành.
Tuân theo xu hướng nhân hóa, luật pháp đồng hóa những đoàn thể, cá nhân hay tập hợp tài sản này với các người thường và công nhận cho các thực thể ấy một nhân cách pháp lý (la personnalité juridique: tư cách pháp nhân), hay một nhân cách dân sự (la personnalité civil: nhân cách công dân). Các thực thể ấy gọi là pháp nhân (personnes juridiques ou morales: pháp nhân hoặc pháp nhân).
Đặc tính các pháp nhân là có một sản nghiệp biệt lập đối với sản nghiệp riêng của các cá nhân cấu thành tập thể ấy. Vì vậy, trong trường hợp không đòi được nợ của các hội viên, trái chủ của những cá nhân này không thể xin sai áp tài sản của pháp nhân hay tài sản của hội xã. Chỉ riêng có các trái chủ của xã hội mới có thể xin tòa án sai áp các tài sản của hội xã  mà thôi. Sản nghiệp là yếu tố cần thiết cho sự cấu thành pháp nhân. Vì vậy, một phần học lý coi vấn đề nghiên cứu các pháp nhân như một ý niệm thuộc luật tài sản. Nói khác đi, quan niệm pháp nhân chỉ là một phương cách thủ hữu cộng đồng tài sản (un mode d’appropriation collective des biens: một phương thức chiếm hữu tập thể hàng hóa). Tuy nhiên, quan niệm này quá đơn giản. Ngoài sản nghiệp, tập thể còn nhiều quyền khác: Như quyền khởi kiện riêng biệt. Một công ty hay một hội xã có thể đầu đơn kiện đòi nợ như một người thường. Hơn nữa, các pháp nhân còn có những biểu hiện nhân cách giống như thể nhân: cư sở tức là hội sở, tên tức là tên hội và cả quốc tịch nữa, vì người ta cũng phân biệt các hội xã bản quốc và các hội xã ngoại quốc. Hiện nay, trong luật pháp có những loại pháp nhân nào? Các học thuyết giải thích pháp nhân như thế nào, hay nói khác đi, bản tính của pháp nhân là gì?

I. PHÂN LOẠI CÁC PHÁP NHÂN
Các pháp nhân không phải là sản phẩm của luật pháp cận đại. Trong cổ luật La Mã, cũng đã xuất hiện quan niệm các tập thể cá nhân (universitates: bang hội), có thể hoạt động được như các người thường trong địa hạt pháp luật. Dưới thời Trung cổ, ở châu Âu, các giáo đường, các nghiệp đoàn, các xã đoàn cũng là những pháp nhân có những sản nghiệp quan trọng. Bắt đầu từ thế kỷ 17, chính quyền mỗi ngày một mạnh và vin vào hai lý do để tranh đấu và hạn chế hay tiêu diệt các pháp nhân này:
_ Lý do thứ nhất là các pháp nhân này có những sản nghiệp quá lớn, thành ra một phần tài sản trong xã hội bị thu hút ra ngoài sự lưu thông tài hóa làm cho cả xã hội bị thiệt thòi.
_ Lý do thứ hai là một khi đã lọt vào trong sản nghiệp của các pháp nhân, các tài sản ít khi được chuyển dịch: đó là một sự thiệt hại lớn cho công quỹ không thu được các ngạch thuế đánh vào sự chuyển dịch tài sản.
Tuy nhiên, ngày nay, các pháp nhân còn chiếm một địa vị quan trọng gấp bội, vì có những phương tiện hoạt động vô cùng mạnh mẽ so với các phương tiện của cá nhân. Các pháp nhân không có cùng quy chế: Phạm vi quyền lợi và hoạt động rộng hay hẹp tùy theo mỗi loại. Các pháp nhân có thể chia ra làm hai loại: Các pháp nhân thuộc về công pháp và các pháp nhân thuộc về tư pháp, mặc dù như ta đã biết, biên giới giữa công pháp và tư pháp cũng không có gì xác định rõ ràng. Cũng vì vậy, có những pháp nhân vừa thuộc về công pháp và tư pháp.
Trong công pháp, theo điều 284 DLB, có các pháp nhân sau:
1. Quốc gia hay nhà nước;
2. Hàng xã;
3. Hàng thôn;
4. Hàng giáp (tức là nhiều nhà hợp lại vì có quyền lợi chung với nhau nhất là về tế tự)
5. Hàng xóm (tức là nhiều nhà hợp lại vì tình lân cận và sự tế tự).
Trong Bộ dân luật Trung, điều 292 cũng kê khai một danh sách các pháp nhân thuộc công pháp gồm có: quốc gia, tỉnh, thị xã, làng, phường hay phố, thôn hay ấp, giáp, xóm. Tuy nhiên các thôn, ấp, giáp xóm chỉ có tư cách pháp nhân nếu có phép của Bộ trưởng nội vụ (ngày trước là bộ Hộ).
Song sự quy định của hai bộ DLB và DLT về vấn đề này, đã được thay thế bằng Dụ số 57A ngày 24-10-1956, cải tổ nền hành chánh. Theo dụ này, ngoài quốc gia, chỉ riêng các tỉnh, các đô thị và các xã mới có tư cách pháp nhân. Như vậy, các đơn vị hành chính khác như các thôn, xóm, tổng, quận hay phần không phải là pháp nhân.
Ngoài những pháp nhân cổ điển này, ngày nay công pháp của ta cũng như các nước Âu – Mỹ còn công nhận hai loại khác:
a) Các cục sở công lập là những công dịch, được tổ chức thành những công sở tự trị và do mục đích ấy, có ngân sách và sản nghiệp riêng biệt: Như Viện đại học, Phòng Thương mại, Nhà thương, các công ty quốc hữu hóa. Thí dụ: cho đến năm 1957 Viện đại học Việt Nam là một pháp nhân và có ngân sách, sản nghiệp riêng biệt.Tại nhiều nước Âu – Mỹ, Viện đại học là một pháp nhân. (Năm 1957, ngân sách tự trị của Viện đại học bị hủy bỏ).
b) Các đoàn thể nghề nghiệp (les ordres) mà gần đây ta thấy xuất hiện rất nhiều ở trong nước: luật sư đoàn, bác sĩ đoàn v.v…
Các đoàn thể nghề nghiệp là thí dụ điển hình của các pháp nhân vừa thuộc về công pháp và tư pháp. Vì chỉ là tập hợp của các tư nhân, các đoàn thể này phải được xếp vào loại các pháp nhân thuộc phạm vi tư pháp. Nhưng những đoàn thể ấy có nhiệm vụ duy trì các nguyên tắc về đạo lý, sự tận tâm, hay danh dự nghề nghiệp. Những đoàn thể ấy khác với các nghiệp đoàn (syndicat profesionnel) ở điểm được quốc gia ủy quyền kiểm soát trong phạm vi nghề nghiệp; Các nghiệp đoàn, trái lại, chỉ hoạt động để bảo vệ quyền lợi của các đoàn viên, do sự ủy nhiệm riêng của các người này. Do những đặc điểm nói trên, các đoàn thể nghề nghiệp cũng là những pháp nhân trong công pháp.
Vấn đề nghiên cứu pháp nhân trong công pháp thuộc về công pháp; Ở đây ta cần chú trọng đến các pháp nhân trong tư pháp nhiều hơn. Điều 284 DLB, sau khi đã ghi các pháp nhân thuộc về công pháp, còn ghi hai loại pháp nhân thuộc về tư pháp:
– Những hiệp hội được phép thành lập;
– Những hội thương mại được thành lập hợp lệ.
Ở ngoại quốc, nhiều nước còn công nhận các tặng lập như các pháp nhân trong tư pháp. Nhìn bao quát vấn đề, có thể nói là các pháp nhân trong tư pháp gồm hai hạng: Các đoàn thể cá nhân và các tập hợp tài sản.
A. Các đoàn thể cá nhân: Các đoàn thể cá nhân quan trọng hơn nhiều, và gồm có các hội xã và các hiệp hội (les sociétés et les associations: các công ty và hiệp hội). Các hiệp hội là những đoàn thể mà các doàn viên không theo đuổi một mục đích tư lợi. Trái lại, các hội xã có một mục đích vụ lợi.
a) Trong các hội xã, các đoàn viên gọi là hội viên góp chung một vật gì hoặc là tài sản, hoặc là sức lao động của họ nhằm mục đích kiếm lời để chia.
– Hội xã là hội thương mại, nếu có mục đích kinh doanh bằng những hành vi thương mại. Những hội thương mại ngày nay rất nhiều và rất quan trọng. Đứng trước sự tiến hóa của xã hội và sự tiến triển của khoa học trong nền kinh tế hiện tại, đối với công việc kinh doanh quan trọng, phương tiện cá nhân trở nên thiếu thốn. Người ta cảm thấy họp thành các hội xã hay công ty là một lợi khí tranh đấu cần thiết. Vì vậy, các số công ty hay hội xã ngay ở trong nước ta, vốn là một nước nông nghiệp cũng ngày một gia tăng. Trong số các hội xã, phải phân biệt các hội cộng tư (societes de capitaux) như các hội vô danh: Vốn của hội chia làm nhiều phần gọi là cổ phần. Các cổ phần này có thể chuyển nhượng cho người khác một cách dễ dàng vì không ghi tên của người sở hữu chủ trong cổ phần. Nói một cách khác, trong các hội cộng tư, chỉ chú trọng vào việc góp vốn để kinh doanh, không để ý đến cá nhân của từng hội viên.
b) Các hiệp hội (les associations) không theo đuổi một mục đích vụ lợi. Phần đông các hiệp hội này được thành lập vì một công ích về văn hóa, tôn giáo v.v… Theo điều 289 DLB, “các hiệp hội có mục đích tế tự, tôn giáo, khoa học, văn chương, mỹ thuật, từ thiện hay giải trí, có thể có pháp nhân nếu theo đúng các thể thức quy định trong các điều khoản sau và nếu được nhà chức trách cho phép”. Theo điều 290 và các điều tiếp theo, các người muốn xin thành lập hiệp hội phải đệ nộp một bản điều lệ cho nhà chức trách hàng xã và một bản nữa cho nhà chức trách hàng tỉnh. Các điều lệ cũng phải chỉ rõ mục đích của hiệp hội, tên trụ sở, thời  hạn của hội, điều kiện gia nhập và khai trừ hội viên; các nghĩa vụ và quyền lợi của họ, các tài nguyên của hội, những điều khoản liên quan tới động sản và bất động sản sau này hoạch đắc được, tên các người sáng lập, các điều khoản liên quan đến sự tuyển chọn và sự truất bãi các hội viên quản trị và ấn định quyền hạn của họ, các duyên cớ giải tán hội, các điều kiện thanh toán và sung dụng các tài sản của hội. Hội chỉ được thành lập khi viên thủ hiến địa phương cho phép sau khi đã xét tờ trình của tỉnh trưởng. Nếu hiệp hội theo đuổi một mục đích khác với điều lệ, viên Thủ Hiến có thể yêu cầu tòa phán quyết giải tán hội (điều 292 k2). Bên cạnh các hiệp hội cộng tư là các hiệp hội cộng nhân (Sociétés de personnes: quan hệ đối tác) như hội hợp danh (Sociétés en nom collectif: quan hệ đối tác chung) hay hội hợp tư (société en commandite: quan hệ đối tác). Ở trong các hội này, cá nhân hội viên được chú trọng đặc biệt các cổ phần thường không thể chuyển nhượng được cho người  ngoài. Tất cả các hội viên ở hội hợp danh và các hội viên thụ tư ở hội hợp tư phải chịu trách nhiệm về các món nợ của công ty đối với cả tài sản của mình. Trong hội hợp tư, có hai hạng hội viên: Các hội viên xuất tư (les commanditaires: các nhà tài trợ, góp vốn) và các hội viên thụ tư ( les commandites”. Các hội viên xuất tư chỉ chịu trách nhiệm đến phần vốn góp đã gọp vào hội; trái lại, các hội viên thụ tư phải chịu trách nhiệm liên đới về các món nợ của hội xã, đối với tất cả sản nghiệp của mình. Giữa hai hạng, hội hợp tư và hội hợp danh, có một loại trung gian: Các hội xã trách nhiệm hạn chế hay các hội xã hạn trách (société à responsabilité limitée: Công ty TNHH). Cá nhân các hội viên cùng giữ một địa vị quan trọng cho việc thành lập hội, nhưng các hội viên chỉ chịu trách nhiệm về các món nợ của hội trong giới hạn phần góp của mình ở trong hội mà thôi.
Tuy các hội thương mại và hội buôn là hạng xã hội quan trọng nhất, song bên cạnh các hội này còn các hội dân sự (les sociétés civiles: xã hội dân sự) không có mục đích kinh doanh bằng hành vi thương mại. Thí dụ hội làm nhà cửa cho thuê. Trong dân luật Bắc, điều 284 không ghi loại hội này. Nhưng thiết tưởng đây chỉ là một sự thiếu sót của dân luật vì giữa hai loại hội xã thương mại và hội xã dân sự không có một dị biệt nào về bản thể. Hơn nữa, hai loại cùng có một sản nghiệp tức là vốn của hội, và cùng có những cơ quan để quản trị. Hiệp hội có thể thành lập cho một thời gian hạn chế hay vĩnh viễn. Nếu thời gian lập hội được ấn định rõ ràng, hội sẽ giải tán sau thời kỳ đó. Ngoài ra, mặc dù thời gian đã được định rõ, điều lệ của hội có thể trù liệu là quá bán số viện viên hay ngạch số hội viên hoặc toàn thể hội viên có thể xin giải tán hội (điều 294). Lẽ tất nhiên là hội viên chấm dứt nếu không còn hội viên hay chỉ còn một hội viên. Các điều lệ cũng có thể dự trù là hội sẽ được giải tán nếu mục đích của hiệp hội đã đạt được. Trong mọi trường hợp, không ai có thể bị cưỡng bách phải ở trong một hiệp hội. Vì vậy, mặc dù điều lệ có ghi rõ thời gian của hiệp hội, hội viên lúc nào cũng có quyền xin ra hội.Theo điều 301 DLB, “phàm hiệp hội đều là pháp nhân có quyền lợi khác với quyền lợi của hội viên. Hiệp hội có một sản nghiệp riêng biêt. Để quản lý tài sản ấy, hiệp hội có thể làm mọi hành vi dân sự mà điều lệ cho phép. Sự thi hành nghĩa vụ của hội có thể trách cứ ở tất cả tài sản họp thành sản nghiệp của hội”. Điều này chỉ là một định nghĩa rõ rệt của ý niệm pháp nhân. Song, nếu điều 301 có tính cách bao quát và công nhận minh bạch nhân cách dân sự hay pháp lý cho tất cả các hiệp hội thành lập hợp pháp, trái lại, điều 292 dường như đã gây nên một sự mâu thuẫn đối với điều 301. Theo điều 292 khoản 1, một hiệp hội, sau khi thành lập, muốn được hưởng nhân cách, phải làm một đơn xin phép riêng gửi cho viên thủ hiến địa phương. Thực ra sự mâu thuẫn giữa hai điều khoản này chỉ là một mâu thuẫn biểu hiện, vì óc nhà làm luật đã quá thấm nhuần các lý thuyết của Pháp về vấn đề hiệp hội, nên đã không quy định minh bạch. Điều 300 của Bộ DLT đã chấp nhận giải pháp của Dụ số 76 ngày 2-10-1933 về các hiệp hội. Muốn được thành lập một hiệp hội, phài có phép của Nam Triều. Ngoài ra, các hiệp hội  này còn phải đợi thêm một năm nữa mới có thể xin hưởng tư cách pháp  nhân, nếu có đủ bằng chứng là đã sinh hoạt từ khi được thành lập. Quan niệm của Pháp về các hiệp hội đã không được ấn định trong bộ luật Napoleon. Mãi đến đạo luật ngày 1-7-1901 công nhận nguyên tắc tự do hiệp hội. Tuy nhiên, nếu nhiều cá nhân họp nhau lại thành lập một hiệp hội, nhưng không theo một thể thức nào, thì hiệp hội ấy không có nhân cách pháp luật. Nói cách khác, các tài sản dùng trong sự điều hành hiệp hội, chỉ là những tài sản vị phân của hội viên. Muốn có nhân cách pháp luật, hay muốn trở thành một pháp nhân, hiệp hội phải được khai ở hàng tỉnh nơi có trụ sở và phải trích lời khai này đăng vào công báo. Đây chỉ là sự khai báo chứ không phải là sự xin phép. Vì vậy, nguyên tắc tự do hiệp hội vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, nếu sau khi đã khai báo hợp lệ, hiệp hội được có một sản nghiệp riêng biệt và có quyền kiện cáo, trái lại, quyền hoạch đắc tài sản của hiệp hội còn bị hạn chế. Hiệp hội không có quyền tiếp nhận các của tặng dữ và cũng chỉ được mua các bất động sản cần thiết cho việc hoàn thành mục đích của mình. Pháp nhân hạn chế này thường được gọi là tiểu nhân cách (la petite personnalité civile: nhân cách công dân nhỏ bé). Muốn có đại nhân cách (la grande personnalité: nhân cách vĩ đại), nghĩa là có quyền được tiếp nhận các của tặng dữ, hiệp hội phải được công nhận là có tính cách công ích (reconnaissance d’utilité publique: công nhận lợi tích công cộng). Tuy nhiên, trong trường hợp này, hiệp hội cũng chỉ được giữ những bất động sản cần thiết cho sự điều hành mà thôi. Dù sao, ta cũng thấy, trong luật của Pháp đã phân biệt tiểu nhân cách và đại nhân cách. Chuyển vị sự phân biệt này sang DLB, ta sẽ hiểu rõ hai điều 301 k1 và 292 k1. Sự mâu thuẫn giữa hai điều khoản này sẽ được giải quyết dễ dàng. Tất cả các hiệp hội được phép thành lập sẽ có nhân cách (điều 301-k1) nhưng đây chỉ là tiểu nhân cách. Muốn có đại nhân cách, phải có một phép riêng nữa (điều 292 k1), phép này tương đương với sự công nhận tính cách công ích của hiệp hội trong dân luật Pháp. Nhưng dù sao, điều 292 k1 của DLB cũng không được thảo rõ ràng (…418-421).
B. Các tập hợp tài sản:
Các tập hợp tài sản có nhân cách là các tặng lập. Tặng lập (les fondations) là sự dụng ích vĩnh viễn một số tài sản vào một việc công ích. Nếu ta đem tài sản này cho một đoàn thể đã có tư cách pháp nhân để thực hiện mục đích kia, thì ta chỉ làm một sự tặng dữ có đảm phụ (Une donation à charge: khoản đóng góp phụ thuộc). Người thụ tặng phải có nghãi vụ thi hành điều kiện mà ta buộc họ, như làm nhà thương, làm trường học v.v…Nếu trái lại, ta muốn đem các tài sản ấy, tạo lập thành một khối tự trị, có tư cách pháp nhân riêng biệt, không lệ thuộc vào công quyền và có thể tự quản trị lấy, ta đã làm một sự tặng lập. Ở Pháp, trong dân luật không quy định các tặng lập, vì vậy trong án lệ và học lý đã nêu lên vấn đề tìm phương pháp thực hiện các mục đích trên. Ngày nay, trong thực tại pháp luật của Pháp, người ta đã thừa nhận giải pháp sau: Các đương sự muốn tặng lập, phải xin chính phủ thừa nhận tính cách công ích của công cuộc mình làm trong một sắc lệnh kinh qua Tham chính viện. Sắc lệnh này tạo lập ra những cục sở công ích. Các cục sở này có tư cách pháp nhân trong dân luật mà ta không nên nhầm lẫn vói các cục sở công lập, vốn là những công dịch có pháp nhân công pháp. Vấn đề tặng lập trong dân luật Việt Nam cũng không được quy định. Trong thực tế, cho đến nay, những người hằng tâm hằng sản chỉ thường nghĩ tới việc làm chùa, làm trường học, cung tiến cho những pháp nhân đã có sẵn như làng, xã hay tỉnh.

II. BẢN TÍNH CỦA PHÁP NHÂN
Khác với dân luật Pháp không đề cập đến vấn đề này, bộ dân luật Bắc đã dành thiên thứ X (điều 284 đến 309) trong quyền thứ nhất để quy định vấn đề pháp nhân. Bộ dân luật Trung cũng chấp nhận giải pháp này (Thiên thứ X điều 292 đến 301). Về phương diện kỹ thuật, DLB, DLT đã tiến một bước khá dài và có thể so sánh với các bộ dân luật của Đức (điều 21-89), của Thụy sỹ (điều 52-89) và của Ý (điều 11-42), là những bộ luật tối tân ở Châu Âu đã dự liệu các điều khoản liên quan đến các pháp nhân. Trong thiên thứ X nói trên, DLB không những ấn định các thể thức lập hội, mà còn quy định một cách bao quát tư cách và cách điều hành của pháp nhân. Theo điều 286 DLB, 293 DLT “các pháp nhân có thể thủ đắc tất cả các quyền lợi và đảm nhiệm tất cả những nghĩa vụ nào không hệ thuộc vào tư cách thiên nhiên của con người như nam nữ tính, tuổi hay họ hàng”. Nói cách khác, các pháp nhân chỉ không thể hưởng những quyền lợi hay đảm đương những nghĩa vụ lie6nq uan đến các nhân quyền mà ta đã có dịp bàn tới. Điều 286 DLB và 294 DLT quy định cách điều hành của pháp nhân: “Ý chí của pháp nhân sẽ do các cơ quan của pháp nhân phát biểu. Hành vi pháp luật của các cơ quan này có giá trị đối với pháp nhân“. Như vậy, tuy không được hưởng thụ các nhân quyền, nhưng các pháp nhân cũng có một sinh hoạt đặc thù; vì vậy trong học lý các tác giả đã tranh luận từ lâu về vấn đề bản tính các pháp nhân, khiến thực tại pháp cũng còn phân vân về giải pháp cần phải chọn lựa trong vấn đề này. Các học thuyết về pháp nhân có thể phân làm ba loại. Một học thuyết coi pháp nhân chỉ là một hư cấu pháp lý. Học thuyết này đã gây nên những phản ứng trái ngược. MỘt số pháp gia phủ nhận sự hiện hữu của các pháp nhân, trong khi nhiều phái khác chủ trương tính cách thực tại của pháp nhân bằng phương pháp tâm lý xã hội hay bằng kỹ thuật pháp lý.
A. Thuyết cổ điển _ Pháp nhân là một hư cấu:Thuyết cổ điển này (théorie de la fiction: lý thuyết hư cấu), tuy đã manh nha trong các học thuyết của phái giáo pháp ở thời kỳ trung cổ, nhưng mãi đến thế kỷ 19 mới được luật gia Đức là Savigny trình bày một cách có hệ thống trong quyền sách “Hệ thống luật La Mã(Système de droit romain 1849). Theo thuyết này, ngoài những người thường mà người ta gọi là thể nhân, các chủ thể quyền lợi khác chỉ là những chủ thể quyền lợi giả tạo, do luật pháp tạo ra. Vì vậy, pháp nhân chỉ là hư cấu pháp lý. Lý thuyết hư cấu sẽ đem lại những hệ luận sau:
a) Tất cả các pháp nhân đều do ý chí của nhà lập pháp mà có. Nói khác đi, sự tạo lập một pháp nhân phải do một đạo luật hay một sắc lệnh;
b) Khi quyền lập pháp không muốn để các pháp nhân tồn tại, tất nhiên có thể quyết định hủy bỏ các pháp nhân ấy.
c) Khi các pháp nhân bị tiêu diệt, các tài sản sẽ đương nhiên trở thành tài sản quốc gia như tất cả các tài sản vô chủ khác.
Lý thuyết này đã bị chỉ trích cực lực từ đầu thế kỷ thứ 20 về ba phương diện:
1) Về phương diện sử ký, học thuyết này có tính cách sai lạc, vì trong lịch sử đã xuất hiện rất nhiều loại pháp nhân mà không cần tới sự can thiệp của nhà lập pháp. Trái lại, chính quyền trung ương trong thời trung cổ, vốn có quyền lập pháp, lại tìm đủ mọi biện pháp để tiêu diệt các pháp nhân, vì có hại cho uy quyền của quốc gia.
2) Quan niệm hư cấu không thể nào áp dụng cho toàn thể các pháp nhân. Nếu đối với các pháp nhân khác, quốc gia có thể chủ trương rằng do quyền lập pháp hay quốc gia tạo lập nên, lổi biện luận này không thể ứng dụng cho chính quốc gia được. Ai đã tạo lập nên quốc gia? Ta có thể nói rằng quốc gia đã tự tạo cho mình tư cách pháp nhân không?
3) Lý thuyết hư cấu không phải là một học thuyết hợp lý. Còn cần phải giải thích tại sao cần đặt ra hư cấu ấy.
B. Các học thuyết phủ nhận pháp nhân: Nếu pháp nhân là một hư cấu, thì pháp nhân chẳng qua chỉ là một công thức đã được đặt ra để che đậy một sự thực. Vì vậy, ngay từ đầu thể kỷ 20, nhiều luật gia đã can đảm gạt bỏ gạt bỏ cái công thức giả tạo này và đi sâu vào vấn đề để tìm rõ sự thực mà từ trước người ta vẫn dễ dãi che phủ bằng tấm áo pháp nhân:
I. Theo Luật gia Pháp Planiol, pháp nhân chỉ là một hình thức để che đậy một quyền sở hữu cộng đồng (une propriété collective: tài sản tập thể). Các cá nhân thường hoạt động theo quyền lợi riêng của từng người, vì họ thường chỉ có quyền sở hữu cá nhân. Nhưng ngoài các trường hợp này, họ cũng có khi hành động cộng đồng như khi họ lập một hội xã hay một công ty chẳng hạn. Vì muốn cho ngô ngữ được giản tiện, người ta thường nói hội xã hay công ty hành động và có tư cách pháp nhân; nhưng sự thật, chính cá nhân hành động với tư cách cộng đồng. Chỉ có người thường, các thể nhân mới có thể là chủ thể quyền lợi; nhưng những quyền lợi ấy, họ có thể hành xử theo hai cách: Hoặc với danh nghĩa cá nhân, hoặc với danh nghĩa cộng đồng. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng không thoát khỏi các điều chỉ trích:
1) Trước hết, học thuyết này đã quên không chú trọng đến một yếu tố thiết yếu của pháp nhân: yếu tố thời gian. Các pháp nhân sinh hoạt lâu hơn các thể nhân, hội viên hay đoàn viên. Như vậy, không thể coi các quyền lợi của các pháp nhân là quyền lợi của các hội viên được. Nhiều khi hai loại quyền lợi lại mâu thuẫn. Trong một công ty chẳng hạn, quyền lợi của hội viên là chia lấy lãi, nhưng quyền lợi của công ty có khi đòi hỏi sự trích xuất một số lãi khá quan trọng để lưu giữ phòng bị các sự tiêu dùng bất thường.
2) Hơn nữa, đối với những hiệp hội là những đoàn thể không vụ lợi, quan niệm sở hữu cộng đồng không được xác đáng. Các hiệp hội này chỉ có một sản nghiệp rất nhỏ nhặt. Sở dĩ các hiệp hội ấy được thành lập là do những mục đích tinh thần hơn là vì tài sản.
3) Trong trường hợp các tặng lập, tuy có một sản nghiệp, nhưng ai sẽ là những sở hữu chủ cộng đồng của sản nghiệp ấy? Vẫn biết các tặng lập sẽ giúp ích cho một hạng người, nhưng những lớp người được hưởng quyền lợi ấy luôn luôn thay đổi: như các lớp bệnh nhân thay nhau đến điều trị ở bệnh viện, các lớp sinh viên lần lượt được đào tạo trong một học đường. Trong tất cả các lớp người ấy, không ai được coi là sở hữu chủ của cộng đồng tặng lập, của nhà thương hay học đường nói trên. Lẽ dĩ nhiên, là thuyết quyền sở hữu cộng đồng không thể ứng dụng cho các tặng lập được.
4) Đối với quốc gia, thuyết này lại càng vô lý: không thể coi quốc gia như một quyền sở hữu cộng đồng của toàn thể quốc dân một thời kỳ nào, vì quốc gia tiêu biểu cho quyền lợi tinh thần, chính trị, xã hội, kinh tế v.v.. trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai.
II. Một học thuyết khác, lý thuyết sản nghiệp sung dụng, đã được phát sinh ở Đức. Lý thuyết này chủ trương rằng, quan niệm pháp nhân chỉ được đặt ra để che phủ một sản nghiệp không có chủ thể, một sản nghiệp tự duy trì được một mình nhờ do ở một sự sung dụng đặc biệt. Vì vậy gọi là sản nghiệp sung dụng. Học thuyết này có thể đem ứng dụng cho các tặng lập là những loại tài sản được sung dụng vào một công cuộc, nhưng không thể ứng dụng cho các pháp nhân khác (quốc gia, hội xã, nghiệp đoàn). Những pháp nhân này được quyền hoạch đắc các tài sản ngoài cả chủ đích của mình. Ngoài ra, đối với các tài sản của các pháp nhân này, không thể chủ trương được là những tài sản ấy không có chủ thể.
C. Các học thuyết thừa nhận tính cách thật sự của các pháp nhân: Thừa nhận tính cách thật sự của pháp nhân (théorie de la réalité personnes morales: lý thuyết về thực tế pháp nhân), các luật gia đã đi tìm cách giải thích bằng phương pháp tâm lý xã hội hoặc bằng kỹ thuật pháp lý:
1._ Học thuyết thừa nhận tính cách thực sự của pháp nhân trên phương diện tâm lý xã hội (théorie de la réalité psycho-sociale: lý thuyết hiện thực tâm lý xã hội): Các học thuyết này xuất hiện ở Đức vào cuối thế  kỷ 19 (Luật gia Gierke). Các pháp nhân cũng chỉ là những thực vật, có thực sự như các thể nhân. Vì sao?
a) Một số học giả chủ trương học thuyết hữu cơ (théorie organique: lý thuyết hữu cơ):  Cũng như con người thường là tập hợp các tế bào, các pháp nhân chỉ là một cơ thể, trong đó cac tế bào cấu thành, nghĩa là đoàn viên, đã mất cá nhân tính. Xã hội học cũng chiêm nghiệm rằng, trong lịch sử, các lực lượng đoàn thể đã xuất hiện trước lực lượng cá nhân.
b) Một phái học giả khác thiên về tâm lý học, chủ trương rằng bản thể của con người không phải là ở phần thể xác mà chính là ở phần ý chí. Vì vậy, một đoàn thể khi có một ý chí cộng đồng phải được coi là một pháp nhân (théorie de la volonté collective: lý thuyết về ý chí tập thể).
Tuy dựa vào các yếu chỉ xã hội hay tâm lý, các học thuyết này cũng không được xác đáng vì đã lầm lộn, không phân biệt hai quan niệm pháp nhân và đoàn thể hay tập thể xã hội. Tất cả các đoàn thể hay tập thể xã hội, tuy có một sự duy nhất về phương diện hữu cơ hay tâm lý, đều không bó buộc phải là pháp nhân. Tuy tập thể hay đoàn thể, nhiều khi có một ý chí cộng đồng như hội đồng gia tộc, hay các khối tài sản vị phân, nhưng những đoàn thể ấy cũng không phải là pháp nhân. Vậy căn cứ vào tiêu chuẩn nào để phân biệt?
2_ Học thuyết thừa nhận tính cách thực sự của pháp nhân trên phương diện chuyên môn (théorie de la réalité technique: lý thuyết về thực tế kỹ thuật):  Học thuyết này thường công nhận trong học lý hiện đại và chủ trương rằng, thực sự pháp lý không phải là sự rọi hình trung thực của thực tại vật chất. Một thí dụ: Các thể nhân trong pháp luật thường được coi là những người thường trong xã hội, song sự thực chửa hẳn đơn giản như vậy. Ở các xã hội cổ chẳng hạn, những nô lệ tuy cũng là người mà không được coi là chủ thể của quyền lợi, không được coi là có nhân cách. Ngày nay, trái lại, trong các vấn đề thừa kế, các bào thai cũng được coi là được hưởng quyền thừa kết như các người thừa kế đã sinh ra đời, theo đúng nguyện tắc: “Infans conceptus ..”: Như vậy, nhân cách có thể quan niệm được ngoài mọi nòng cốt sinh lý hay điều kiện thể xác. Điều kiên thiết yếu của nhân cách sẽ là điều kiện gì? Điều kiện ấy cũng không phải là ý chí của đương sự, vì người điên hay trẻ em tuy không có ý chí mà vẫn có nhân cách. Suy cho cùng, nhân cách chỉ là năng cách trở nên một chủ thể của quyền lợi. Quyền lợi chủ quan vốn là quyền lợi được xã hội bảo vệ; vậy, nhân vật, trong pháp luật, có thể định nghĩa là một trung tâm, hay một nhóm quyền lợi được xã hội bảo vệ. Nhưng các quyền lợi có thể phân chia ra các quyền lợi cá nhân và các quyền lợi cộng đồng. Sự phân loại này rất xác đáng vì trong một xã hội chẳng hạn, ta đã rõ, quyền lợi cá nhân của hội viên, muốn chia lãi ngay và chia cho thật nhiều, không phải là quyền lợi của hội xã cần phải trích lãi để lưu trữ phòng khi có sự chi tiêu bất ngờ. Do sự phân biệt ra giữa hai hạng quyền lợi, sẽ có sự phân biệt các nhân vật thành hai loại thể nhân và pháp nhân. Các thể nhân tương ứng với các quyền lợi cá nhân còn các pháp nhân tương ứng với các quyền lợi cộng đồng. Nói khác đi, tất cả các quyền lợi cộng đồng biệt lập với quyền lợi cá nhân cần phải có một pháp nhân làm chủ thể biệt lập đối với cá nhân. Các quyền lợi công cộng ấy cần được cụ thể hóa bằng những tổ chức hay những cơ quan khả dĩ bảo vệ và hành sử các quyền lợi. Và khi ấy, ta sẽ đứng trước một thực tại mới, nhưng đây không phải là một thực tại thể chất, mà là một thực tại pháp lý, sở dĩ kết cấu được là nhờ ở kỷ luật pháp lý. Học thuyết thừa nhận thực sự chuyên môn hay thực sự pháp lý này (le réalité technique ou juridique: thực tế kỹ thuật hoặc pháp lý) sẽ dẫn ta đến những hệ luận trái ngược với hệ luận của thuyết hư cấu:
a) Các pháp nhân là những thực sự. Như vậy các pháp nhân không do quốc gia hay quyền lập pháp tạo lập ra được. Quốc gia chỉ chứng nhận và kiểm soát các pháp nhân ấy mà thôi;
b) Quốc gia cũng không thể tự ý tiêu diệt các pháp nhân được. Các pháp nhân sẽ tự giải tán khi đạt mục đích hoặc giả tồn tại mãi.
c) Khi giải tán, các tài sản của pháp nhân sẽ được truyền thừa theo những quy tắc do pháp nhân đã ấn định trong điều lệ. Nếu điều lệ không giải quyết vấn đề này, các tài sản sẽ được chuyển cho các pháp nhân theo đuổi một mục đích tương tự, chứ quốc gia không thể được hưởng thụ như các vật vô chủ.

Trong dân luật Việt Nam, tuy không có một điều khoản nào chỉ minh bạch quan niệm của nhà làm luật, song khi quy định về các hiệp hội, điều 290 DLB, và điều 6 trong dụ 6-8-30, bắt buộc các người sang lập phải đệ nạp các điều lệ trong ấy ấn định rõ cách thức phân chia tài sản khi hiệp hội giải tán. Như vậy, có thể kết luận rằng, quan niệm của dân luật Việt Nam về các pháp nhân đã mặc nhiên thiên về lý thuyết thực sự pháp lý một phần nào./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar