Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

42: Lời bạt

Lúc còn là đứa trẻ lên sáu, tôi lái một chiếc bồ-ệt có bánh xe bằng gỗ buộc vào một khung kim loại không có lò xo và bộ phận giảm xóc để hưởng một chuyến đi gập ghềnh vui nhộn trên lối mòn dơ bụi dẫn đến đồn điền cao su của ông tôi. Năm mươi năm sau, năm 1977, tôi bay trong một chiếc Concorde siêu thanh từ Luân Đôn đến New York trong ba giờ đồng hồ. Công nghệ đã thay đổi thế giới của tôi.

Tôi đã phải hát bốn bài quốc ca, bài God Save the Queen của Anh, Kimigayo của Nhật, Negara Ku của Malaysia, và cuối cùng là Majulab Singapura của Singapore, đó là bằng chứng cho những biến động chính trị trong 50 năm qua. Các quân đội nước ngoài như Anh, Úc, Ấn và sau đó là Nhật với các đồng minh của họ là Đài Loan và Hàn Quốc đã đến và đi. Người Anh trở lại sau chiến tranh và chống lại sự nổi dậy của cộng sản. Rồi ngày độc lập của Singapore đã đến. Indonesia gia tăng sự đối đầu với Malaysia. Dòng xoáy của những chuyển biến chính trị đã cuốn tôi đi.

Khi tôi và các đồng đội dấn thân trên chặng đường của mình, liệu chúng tôi có biết được những rủi ro và hiểm nguy mà chúng tôi sẽ phải đương đầu khi thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP) vào tháng 11 năm 1954 không? Nếu như chúng tôi biết được những vấn đề đặt ra phía trước phức tạp và cam go đến thế, thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dấn thân vào con đường chính trị bằng tinh thần, nhiệt huyết và lý tưởng cao như trong những năm 50. Chúng tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào dâng tràn của người Hoa ở Singapore lẫn Malaya về sự thành công của Trung Hoa cộng sản. Thế mà trong những năm 50, chúng tôi – một nhóm nhỏ giai cấp trưởng giả thời thuộc địa học hành bằng tiếng Anh, không có khả năng tiếp cận với đại đa số người Hoa nói tiếng thổ ngữ, đã dám liều mình vào cuôc tranh đấu này. Làm sao chúng tôi lại có thể hy vọng cạnh tranh với Đảng Cộng Sản Malaya được chứ? Chúng tôi đã không nghĩ đến những điều kiện này, chúng tôi chỉ muốn người Anh ra đi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục và quên đi những hiểm nguy phía trước. Sự thôi thúc của bản năng mạnh mẽ hơn sự kiềm chế lý trí. Một khi đã lao mình vào, chúng tôi bị cuốn hút ngày càng sâu hơn vào cuộc tranh đấu. Chúng tôi phải tranh đấu với những người cộng sản sớm hơn chúng tôi dự kiến, đương đầu với các tổ chức lao động, sinh viên, văn hóa ở mặt trận công khai do các tổ chức hoạt động bí mật có vũ trang của họ hậu thuẫn. Chúng tôi giải quyết vấn đề bằng cách sáp nhập với Malaya năm 1963 để hình thành Malaysia, chỉ để phát hiện rằng Ultras (phe cực đoan) trong giới lãnh đạo UMNO Malay muốn có một xã hội do người Malay thống trị. Điều này dẫn đến những cuộc bạo động cộng đồng, những xung đột vô tận và cuối cùng là cuộc ly khai và độc lập năm 1965. Chúng tôi nhận ra mình đang đối đầu với Indonesia. Sau khi điều đó kết thúc vào năm 1966 thì đến năm 1968 Anh tuyên bố rút quân. Cứ hễ vượt qua được một khó khăn thì chúng tôi lại phải đương đầu với một khó khăn khác lớn hơn nữa, có lúc tưởng chừng như vô vọng.

Chúng tôi đã học được một số bài học đáng giá trong những năm đầu làm những người học việc nắm quyền này. Chúng tôi không bao giờ ngừng học hỏi bởi vì tình thế tiếp tục đổi thay và chúng tôi phải điều chỉnh những chính sách riêng của mình. Tôi có lợi thế là có trong tay nhiều bộ trưởng học rộng và bị cuốn hút bởi những ý tưởng mới lạ chứ không hề bị chúng mê hoặc, đó là Keng Swee, Raja, Sui Sen. Chúng tôi truyền cho nhau những quyển sách và đề tài hay mà chúng tôi đã đọc. Khi chúng tôi khởi sự, chúng tôi không lường trước được hết khó khăn nên vô tư, song chúng tôi đã được cứu nguy bằng cách thận trọng với những ý tưởng cần được thăm dò hay kiểm nghiệm trước khi thực thi chúng.

Tôi và các đồng đội đã trui rèn tình đồng chí dưới những áp lực khắc nghiệt này. Trong những cuộc khủng hoảng liên tiếp, chúng tôi phải đặt mạng sống của mình vào tay nhau. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, biết được mặt mạnh và mặt yếu của nhau và dung thứ cho nhau. Chúng tôi không thực hiện bất kỳ cuộc thăm dò tầm thường nào nhằm biết được lòng dân. Nhiệm vụ của chúng tôi là qui tụ nhân dân lại nhằm thực hiện những gì để Singapore có thể tồn tại với tư cách là một xã hội không cộng sản, không có tính sắc tộc và phát triển được.

Tôi may mắn có được một đội ngũ các bộ trưởng vững mạnh để chia sẻ quan điểm chung. Họ là những người có năng lực quyết theo đuổi những mục tiêu chung. Trong đội ngũ nòng cốt cùng sát cánh bên nhau hơn hai thập niên qua, Keng Swee, Raja, Sui Sen và Kim San là những người nổi bật hơn hẳn. Tất cả họ đều lớn tuổi hơn tôi và không ngần ngại nói cho tôi biết những gì họ nghĩ, nhất là khi tôi phạm sai lầm. Họ đã giúp tôi giữ được sự khách quan và có cân nhắc, cứu tôi thoát khỏi bất kỳ tai ương nào của chứng hoang tưởng tự đại mà những người đương quyền lâu năm dễ mắc phải. Tôi còn có Toh Chin Chye, Ong Pang Boon, Eddie Barker, Yong Nyuk, Kenny Byrne và Othman Wok, đó là những con người có năng lực, luôn trung thành và cống hiến cho sự nghiệp.

Khi chúng tôi khởi sự vào năm 1959, chúng tôi không biết nhiều về cách cai trị hoặc cách giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội. Tất cả những gì mà chúng tôi có chỉ là ước muốn cháy bỏng nhằm thay đổi một xã hội bất công và phi lý thành một xã hội tốt hơn. Để làm điều đó, chúng tôi phải giành lấy quyền lực chính trị. Khi đã có được quyền rồi, chúng tôi phải giữ lấy sự ủng hộ của nhân dân để tiếp tục nhiệm vụ chưa hoàn thành của mình.

Tôi tìm kiếm những người có năng lực và đặt họ vào những vị trí có thẩm quyền như bộ trưởng hoặc những công chức hàng đầu để quản lý một hệ thống trung thực, có hiệu quả và có trách nhiệm đối với những nhu cầu của nhân dân. Chúng tôi phải giữ lấy lực lượng công nhân bên mình, đồng thời chú trọng đến nhu cầu của các nhà đầu tư mà vốn liếng, kiến thức, kỹ năng quản lý và thị trường ở nước ngoài của những người này cho phép chúng tôi kiếm sống mà không cần hậu phương truyền thống của chúng tôi là Malaysia.

Chúng tôi học hỏi trên công việc và đã học nhanh chóng. Nếu có một công thức để nói về sự thành công của chúng tôi, thì đó chính là chúng tôi luôn luôn học hỏi cách để làm cho mọi việc trôi chảy, hoặc cách làm cho chúng hoạt động tốt hơn. Tôi chưa bao giờ là tù nhân của bất kỳ học thuyết nào. Những gì dẫn dắt tôi chính là lý luận và thực tiễn. Thử nghiệm đầy cam go mà tôi đã áp dụng cho mỗi lý luận hay kế hoạch là, nó có hoạt động tốt không? Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những năm đương nhiệm của tôi. Nếu kế hoạch này không thực tế, hoặc cho ra kết quả tệ hại thì tôi sẽ không tiếp tục phí nhiều thời gian và tiền của cho nó. Hầu như, tôi không bao giờ phạm sai lầm lần thứ hai và cố học hỏi qua những sai lầm mà người khác đã mắc phải. Trong thời gian đương nhiệm, tôi sớm phát hiện ra rằng ít có rắc rối nào mà chính phủ tôi gặp phải lại chưa được các chính phủ khác gặp phải và giải quyết. Do vậy, tôi thực hiện một thói quen tìm hiểu xem chính phủ nào đã gặp phải khó khăn mà chúng tôi đang đương đầu và cách họ giải quyết vấn đề và đã thành công ra sao. Dù đó là việc xây dựng một một sân bay mới hay thay đổi những phương pháp giảng dạy của chúng tôi thì tôi cũng sẽ gửi một đội ngũ viên chức đến những quốc gia đã làm tốt việc này để học hỏi và nghiên cứu. Tôi thích đứng trên vai những người đã đi trước chúng tôi.

Nhìn lại, điều may mắn của chúng tôi là Singapore không bị thiệt hại lớn qua một số chính sách và những hoạt động có tính rủi ro cao mà chúng tôi đã dấn thân vào. Chúng tôi đã làm việc với những người cộng sản ở mặt trận thống nhất; chúng tôi có thể đã bị nhai và nuốt chửng như đã xảy ra với những người theo chế độ dân chủ xã hội ở Ba Lan và Tiệp Khắc sau Thế chiến Thứ hai. Chúng tôi thơ ngây tin rằng ảnh hưởng của những tính toán bầu cử sẽ dần dần mang lại một xã hội Malaya ít tính cộng đồng hơn; nhưng thời gian đã cho thấy lợi ích kinh tế chung không thể xóa nhòa sự trung thành về mặt chủng tộc. Khi đối mặt với những viễn cảnh kinh tế ảm đạm, tôi cho phép xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Keppel, như vậy là đặt một rủi ro đại hỏa hoạn kề cận tài sản kinh tế lớn là bến cảng chính của chúng tôi. Và những cuộc bạo động của sinh viên trung học người Hoa trong những năm 50 đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng không thể tẩy sạch đến nỗi chúng tôi đã hoãn lại việc thực thi chính sách giáo dục quốc dân với tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc từ 1965 đến 1978, và thế là làm giảm đi những triển vọng kinh tế ở đội ngũ sinh viên người Hoa.

Tôi đã biết cách lờ đi những chỉ trích và lời khuyên nhủ của các chuyên gia và những người ra vẻ chuyên gia, đặc biệt là của giới học sĩ trong các ngành chính trị và khoa học xã hội. Họ có những học thuyết được yêu chuộng về cách một xã hội nên phát triển ra sao để gần đúng với lý tưởng của họ, nhất là làm thế nào để giảm bớt nghèo khó và mở mang sự thịnh vượng. Tôi luôn cố làm đúng và không chỉ đúng về mặt chính trị. Các phóng viên nước ngoài đại diện cho giới truyền thông phương Tây ở Singapore đã biện hộ cho những học thuyết của họ và chỉ trích những chính sách của tôi với hy vọng nhằm tác động các cử tri và chính phủ. Điều này không gây tác hại vì dân chúng cũng thực dụng và thực tế như chính phủ.

Tôi sẽ là một con người khác nếu như tôi vẫn làm luật sư và không tham gia vào chính trị không? Kinh nghiệm làm việc của tôi chắc sẽ hạn chế hơn và tầm nhìn của tôi sẽ hạn hẹp hơn. Trong hoạt động chính trị, tôi phải bao quát toàn bộ những vấn đề xã hội con người. Như câu nói của người Trung Hoa: “Con chim sẻ dù nhỏ vẫn có đủ ngũ tạng (năm cơ quan)”. Chúng tôi có lẽ tuy nhỏ, nhưng nhu cầu của chúng tôi cũng giống như của bất cứ đất nước lớn nào khác về vấn đề trong nước cũng như quốc tế. Trách nhiệm của tôi đã cho tôi một cái nhìn rộng khắp về xã hội con người và một quan điểm toàn cầu mà một luật sư sẽ không có được.

Nhưng tôi không bao giờ tự cho phép mình quên đi hoàn cảnh độc nhất của Singapore ở Đông Nam Á. Để tồn tại, chúng tôi phải được tổ chức tốt hơn, có hiệu quả và có tính cạnh tranh nhiều hơn các quốc gia còn lại trong khu vực, nếu không sẽ không đóng được vai trò là một điểm nút giữa những nước phát triển và đang phát triển. Sau khi mọi việc được phân tích và rút ra kết luận, tôi đã hành động theo bản năng những gì nên làm ở Singapore. Tôi đã thuyết phục dân chúng bài trừ Anh và gia nhập Malaya, và rồi chúng tôi thấy mình bị ném khỏi Malaysia. Nhiệm vụ sau đó của chúng tôi là làm cho Singapore đi đến chỗ thành công và trao cho dân tộc chúng tôi một tương lai.

Một tập thể lãnh đạo đoàn kết và quyết tâm được hậu thuẫn của nhân dân có óc thực tiễn và cần cù vốn tín nhiệm họ đã làm cho công việc có tính khả thi. Phải chăng tôi mong đợi một Singapore độc lập với mức thu nhập quốc dân (GDP) 3 tỷ đôla Singapore trong năm 1965 sẽ tăng 15 lần, lên đến 46 tỷ đôla Singapore trong năm 1997 tính theo giá đô la năm 1965, và năm 1997 được Ngân hàng thế giới xếp vào hàng thứ 8 trong số những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới? Tôi thường bị tra vấn về vấn đề này. Câu trả lời là “không”. Làm sao tôi có thể thấy trước được khoa học, công nghệ và đặc biệt là những bước đột phá về vận tải, viễn thông và các phương pháp sản xuất sẽ rút ngắn thế giới này lại?

Quá trình phát triển của Singapore là sự phản ánh của những tiến bộ của các quốc gia công nghiệp, đó chính là những phát minh, công nghệ, tính táo bạo và sự nỗ lực của họ. Đó là một phần của quá trình tìm tòi nghiên cứu của con người vào những lĩnh vực mới nhằm nâng cao sự thịnh vượng và phồn vinh của họ. Stamfort Raffles của công ty Đông Ấn đã phát hiện ra một hòn đảo với khoảng 120 ngư dân vào năm 1819 và biến nó thành một nơi buôn bán trên tuyến đường biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Là một trung tâm thương mại của đế quốc Anh ở Đông Nam Á, hòn đảo này đã phát đạt nhờ vào giao thương quốc tế. Khi những chiếc tàu chạy bằng hơi nước thay thế thuyền buồm, và khi kênh đào Suez khánh thành vào năm 1869, giao thương đã tăng lên và đóng góp vào sự tăng trưởng của Singapore.

Trong suốt thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản (1942 – 1945), vận tải đường biển giảm sút trầm trọng do chiến tranh, chẳng khác gì một sự phong tỏa. Mậu dịch suy thoái nhanh chóng, lương thực và thuốc men trở nên khan hiếm, và nửa triệu dân đã bỏ đến bán đảo Malaya và các đảo Riau. Nhiều người ở lại bị thiếu ăn. Sau chiến thắng của các Đồng minh vào tháng Tám 1945, vận tải biển hồi phục lại, đem đến lương thực, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác, những người dân ly tán quay trở về. Mậu dịch và đầu tư mang lại sự hồi phục.

Cứ mỗi buớc tiến công nghệ là một bước tiến của Singapore trong đó có vận chuyển bằng container, du lịch và vận tải hàng không, truyền thông vệ tinh, đường cáp quang liên lục địa. Cuộc cách mạng công nghệ sẽ còn mang lại những thay đổi to lớn trong 50 năm tiếp theo. Công nghệ thông tin, máy điện toán, truyền thông và các ứng dụng phong phú của nó, cuộc cách mạng trong lĩnh vực vi sinh học, liệu pháp di truyền, sinh sản vô tính, mô phỏng cơ quan sẽ biến đổi cuộc sống của con người. Người Singapore sẽ phải nhanh chóng tiếp nhận và áp dụng những khám phá mới mẻ này nhằm phổ biến những lợi ích của chúng.

Người dân Singapore học hỏi nhanh chóng từ sự giao tác với người nước ngoài. Chúng tôi đã gửi các sinh viên giỏi ra nước ngoài để học tập ở những nước phát triển, ban đầu bằng những học bổng do những quốc gia này cấp, sau đó là bằng học bổng của chính phủ Singapore. Chúng tôi cũng nhận thấy những khó khăn về mặt xã hội đang gia tăng mà các quốc gia tiên tiến này gặp phải do những chính sách an sinh và phúc lợi xã hội của họ. Tôi rút kinh nghiệm từ những bài học mà các nước khác phải trả giá. Tôi đã gặp nhiều lãnh tụ nước ngoài có năng lực đã chỉ dạy cho tôi và bổ sung cho kiến thức của tôi về thế giới này.

Việc tập hợp một đội ngũ kế nghiệp tôi và các đồng đội của tôi cũng khó khăn không kém việc đưa Singapore cất cánh sau khi độc lập. Những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ hai đã đem vào chính phủ một sinh lực mới dồi dào và hăng hái. Những kinh nghiệm và ý tưởng của họ thích hợp hơn với thế hệ trẻ hơn và có thể đưa Singapore vào thiên niên kỷ mới. Tôi cảm thấy rất hài lòng khi nhìn thấy họ thu phục được niềm tin và vững bước đi tới tương lai.

Tương lai sẽ ra sao với Nhà nước Singapore? Lịch sử cho thấy Nhà nước Thành bang không có những cơ hội tồn tại lâu. Các Nhà nước Thành bang Hy Lạp không tồn tại lâu dưới dạng các quốc gia. Đa số đã không biến mất về mặt vật chất nhưng lại bị sáp nhập vào nội địa trong một thực thể lớn hơn. Nhà nước Thành bang Athens đã biến mất, nhưng Thành phố Athens vẫn tồn tại ở Hy Lạp với đền Parthenon mang chứng tích những thành tựu của người Athens cổ đại. Các thành phố khác trong những quốc gia rộng lớn thì bị cướp bóc và tàn phá, dân chúng bị tiêu hao và phân tán đi, nhưng những quốc gia mà Thành bang là bộ phận vẫn tồn tại; đồng thời một lớp cư dân mới tái định cư và xây dựng lại các thành phố. Nhà nước Thành bang độc lập Singapore sẽ biến mất chăng? Hòn đảo của Singapore thì sẽ không bao giờ biến mất, nhưng quốc gia có chủ quyền mà nó đã trở thành, có đủ tư cách để phát triển và có vai trò riêng trên thế giới thì có thể mất.

Singapore đã tồn tại trong khoảng 180 năm kể từ lúc được Stamford Raffles phát hiện, nhưng trong khoảng 146 năm trước năm 1965 nó chỉ là một tiền đồn của Raj Anh Quốc. Singapore đã lớn mạnh vì nó có ích cho thế giới. Nó là một phần trong mạng lưới toàn cầu của những thành phố, nơi mà các tập đoàn thành đạt của những quốc gia tiên tiến thiết lập công việc kinh doanh của họ. Để duy trì như một quốc gia độc lập, Singapore cần một thế giới mà trong đó có một sự cân bằng về quyền lực, tạo khả năng cho những nước nhỏ có thể tồn tại và không bị thôn tính hoặc đồng hóa bởi những nước lớn hơn.

Nền hòa bình và ổn định ở châu Á Thái Bình Dương phụ thuộc vào thế tương quan chân vạc (ba bên) vững chắc giữa Mỹ, Nhật, và Trung Quốc. Trung Quốc và Nhật đang cạnh tranh về những nguồn lợi mang tính địa lý chính trị. Sự xâm lược và chiếm đóng của Nhật ở Trung Quốc vẫn còn tác động xấu đến quan hệ của họ. Nhật có chung nhiều quyền lợi với Mỹ hơn. Sự cân bằng giữa Mỹ và Nhật ở một phe và Trung Quốc ở một phe sẽ tạo nên cơ cấu và bối cảnh cho những mối quan hệ khác ở Đông Á. Nếu như có một sự cân bằng toàn diện, tương lai của vùng này sẽ tốt hơn và Singapore có thể tiếp tục có ích cho thế giới.

Khi tôi bắt đầu sự nghiệp chính trị vào những năm 50, tôi không biết là chúng tôi đang đứng về phe những người chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và rằng Singapore sẽ hưởng được những tiến bộ về mặt xã hội và kinh tế vốn bắt nguồn từ sự ổn định, từ những hoạt động kinh doanh và mối liên kết với phương Tây. Chúng tôi đã trải qua một giai đoạn chuyển biến lớn về mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Những năm khó khăn nhất là từ khi độc lập vào năm 1965 cho đến cuộc rút quân của Liên Hiệp Anh năm 1971. Chỉ khi những đơn vị chủ lực của lực lượng Liên Hiệp Anh rút đi và chúng tôi không phải chịu nạn thất nghiệp trầm trọng thì tôi mới cảm thấy chúng tôi không còn ở mức nguy hiểm nữa.

Tương lai là đầy hứa hẹn đồng thời cũng đầy bất ổn. Xã hội công nghiệp đang nhường chỗ cho một xã hội dựa vào tri thức. Cuộc phân chia mới này trong thế giới sẽ là giữa những người có tri thức và những người không có tri thức. Chúng tôi phải học hỏi và trở thành một bộ phận của thế giới dựa trên tri thức. Việc chúng tôi thành công trong ba thập niên qua không bảo đảm được việc chúng tôi sẽ cũng thành công như thế trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi giữ vững được khả năng không thất bại nếu như chúng tôi tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã giúp chúng tôi tiến bộ, đó là sự kết dính về mặt xã hội thông qua việc chia sẻ những nguồn lợi của sự phát triển, những cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người và chế độ trọng dụng nhân tài, với những người nam hoặc nữ giỏi nhất cho công việc, đặc biệt là cho công việc lãnh đạo trong chính phủ.

Tháng 4 năm 1955: Lần thắng cử đầu tiên của tôi ở khu vực bầu cử Tanjong Pagar, khu vực mà sau đó 45 năm, vào năm 2000, tôi tiếp túc đại diện

Tháng 11 năm 1959: Cầm chổi và lãnh đạo trong nhiều chiến dịch giữ singapore sạch và xanh

Năm 1964: Tôi đi vòng quanh đến những điểm có biến động ở Tanjong Pagar và các khu vực bầu cử khác để trấn tĩnh các cư dân khiếp sợ vì các cuộc xung đột chủng tộc.

Tháng 4 năm 1965: Được Hoàng thân Norodom Sihanouk chào đón kiểu Pháp tại dinh thự của ông ở Phnom Penh

Tháng 7 năm 1965: Đọc luật chống bạo loạn cho K.Suppiah, chủ tịch liên hiệp nghiệp đoàn viên chức làm công nhật trong các dịch vụ công cộng để cảnh báo ông ta không nên đưa ra những đòi hỏi quá mức trước một cuộc đình công bất hợp pháp.
Năm 1965: Thăm các cư dân Bukir Ho Swee tái định cư ở chung cư 4 năm sau trận hỏa hoạn lớn phá hủy toàn bộ khu nhà ở của họ

Tháng 1 năm 1968: Khai trương một sân gôn mới ở Tàu Hoàng gia Simbang ở Singapore. Các sĩ quan Hải quân Hoàng gia mời tôi khai trương trước khi tôi lên đường đi Luân Đôn thăm Harold Wilson

Năm 1969: Thăm Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger tại Nhà Trắng; cùng dự có đại sứ Singapore E.S. Monterio
Tháng 5 năm 1973: Chuyến thăm chính thức đầu tiên đến nước Indonesia của Suharto. Rắc hoa lên mộ hai thủy thủ người Indonesia bị xử tử ở Singapore vào năm 1968 vì phạm tội giết người năm 1965
Năm 1971: Huấn luyện chó săn Bonnic màu đen - quà tặng của Alec Douglas Home - trong khi Hsien Yang, Choo, và Ling đứng xem.
Tháng 5 năm 1976: Gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải Bắc Kinh - một khu vực dành riêng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tháng 11 năm 1978: Choo và tôi chào đón Đặng Tiểu Bình và phu nhân đến dùng bữa tối ở Istana. Đứng sau Choo là phó Thủ tướng Goh Keng Swee.
Tháng 9 năm 1982: Gặp mặt những người bạn của tôi ở Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan và bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Goerge Shultz
Tháng 3 năm 1982: Tổng thống Suharto đón tôi tại sân bay Jakarta
Tháng 10 năm 1985: Giới thiệu phiên họp liên tịch của Quốc hội Mỹ về vấn đề tự do thương mại. Sau tôi là Phó Tổng thống George Bush và Chủ tịch quốc hội Tip O’Neill.
Tháng 6 năm 1998: Thỏa thuận quan trong với Mahathir ở Kuala Lumpur về việc xây đập Linggui trên sông Johore
Tháng 9 năm 1988: Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương chiêu đãi tiệc tối tại Diaoyutai, Bắc Kinh, nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của tôi
Tháng 1 năm 1990: Tổng thống Lý Đăng Huy đón tôi tại Đài Bắc.
Tháng 5 năm 1990: Trò chuyện với Margaret Thatcher và cháu trai của bà tại Chequers trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của tôi. "Nào có ai hình dung được là 2 chúng ta sẽ rời khỏi chức vụ cao nhất của đất nước mình gần như cùng một ngày.". Bà đã viết như thế vào tháng 11 năm ấy.
Tháng 9 năm 1990: Goh Chok Tong, Wong Kan Seng và tôi gặp Tổng thống Mikhail Gorbachev đang ưu phiền
1990: Đón tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng
1990: Với Tổng thống Francios Mitterand
1994: Với Giang Trạch Dân tại bữa ăn tối ngoài trời cạnh bờ hồ. Phía sau là Loong

1995: Tư thế bắt tay với Plen (Fan Chuang Pi) ở Diaoyutai, Bắc Kinh

1995: Tư thế bắt tay với Plen (Fan Chuang Pi) ở Diaoyutai, Bắc Kinh
Tháng 2 năm 1996: Chào đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac ở Singapore
Tháng 9 năm 1999: Với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ tại Trung Nam Hải
Tháng 2 năm 1996: Chào đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac ở Singapore

Tháng 9 năm 1999: Với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ tại Trung Nam Hải

Bức ảnh gia đình chụp vào dịp Tết cổ truyền Trung Quốc ngày 4 tháng 2 năm 2000
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar