Tôi vừa nhận được giấy mời, ngày 01/03/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mời tôi “Vào lúc 09 giờ 00 phút ngày 04 tháng 3 năm 2021 (Thứ năm). Đến dự: Buổi làm việc với Lãnh đạo Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến Đơn yêu cầu gặp Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12/2020 của ông Lương Vĩnh Kim”. Như vậy là “đơn yêu cầu gặp Chánh án” của tôi đã được đáp ứng theo đúng qui định của pháp luật. Tôi chuẩn bị tinh thần đến tòa với 3 tư cách:
1. Tư cách nguyên đơn dân sự: Tôi có quyền, nghĩa vụ đã được qui định tại Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015. Với tư cách này, tôi sẽ, một lần nữa, yêu cầu lãnh đạo Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh phòng ngừa, ngăn chặn chạy án. “Việc phân công người tiến hành tố tụng phải bảo đảm để họ vô tư, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” theo qui định tại điều 16 của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015. Yêu cầu lãnh đạo toà án thành phố đôn đốc lên lịch đưa vụ án ra xét xử đúng pháp luật.
2. Tư cách công dân: Tôi sẽ thực hiện các quyền theo qui định tại các Luật Tiếp Công Dân, Luật Khiếu Nại và Luật Tố Cáo. Với những quyền này, tôi sẽ trình bày với lãnh đạo tòa án thành phố về những việc làm trái pháp luật của các thẩm phán đã tham gia giải quyết vụ án Konica Minolta, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tôi sẽ đưa ra tài liệu, chứng cứ và chứng minh là các thẩm phán này đã cố ý ra bản án trái pháp luật như đơn tố cáo của tôi.
3. Tư cách thành viên chủ nhân của đất nước Việt Nam: Tôi yêu cầu xử lý các thẩm phán đã cố ý ra bản án trái pháp luật. Đặc biệt, phải nhanh chóng đình chỉ xét xử, đuổi thẩm phán Nguyễn Thu Chinh ra khỏi bộ máy nhà nước, vì để bà thẩm phán này tiếp tục xét xử là nguy hại cho dân, cho nước.
Đây là lần thứ hai tôi gặp lãnh đạo Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây hơn 20 năm, khi đang làm luật sư, tôi cũng từng gặp Bà Thái Thị Thanh Tân, lúc đó là Phó Chánh án tòa án Thành phố, để yêu cầu chấn chỉnh thái độ của thẩm phán, thư ký khi tiếp công dân, “đối với dân phải kính trọng lễ phép” như lời Bác Hồ dạy. Tôi cũng có một số góp ý chân thành, tuy có phê phán nặng, nhưng mang tính xây dựng. Hầu hết, các ý kiến của tôi hồi đó đều được bà Đồng Thị Ánh, khi đó là Chánh án, đã vui vẻ tiếp thu và chấn chỉnh. Trong một lần gặp Lãnh đạo, anh thư ký, hình như là anh Bùi Văn Trí, đề nghị tôi ký biên bản xác nhận nội dung buổi gặp. Tôi đọc biên bản thì thấy cuối biên bản có dòng chữ “Người xin gặp”. Lập tức, tôi lấy bút gạch ngay chữ “xin” và sửa thành “Người yêu cầu gặp”. Tôi giải thích là tôi “yêu cầu gặp” theo qui định của pháp luật chứ tôi không “xin” gì cả. Các anh chị phải bố trí lịch gặp tôi để giải quyết theo trách nhiệm đã được phân công. Lúc đó, tôi cũng đã giải thích với bà Thái Thị Thanh Tân và anh Bùi Văn Trí là tôi đến tòa với 3 tư cách, đặc biệt là tư cách chủ nhân đất nước này.
Hơn 20 năm đi làm kinh doanh, bận rộn với việc mưu sinh hàng ngày, tôi chưa một lần trở lại tòa án. Không biết trời xui đất khiến thế nào, tôi lại phải yêu cầu gặp lãnh đạo tòa án thành phố một lần nữa, cũng với 3 tư cách như xưa. Lần này, tôi không có tư cách luật sư – người bào chữa như cách đây hơn 20 năm. Thay vào đó, tôi có tư cách nguyên đơn mạnh hơn tư cách luật sư – người bào chữa rất nhiều. Duyên nợ với ngành tòa án thật là thú vị. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chi tiết về những lần gặp lãnh đạo tòa án vào một dịp thích hợp.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa)
Bình luận