Việc lập biên bản khống để hoãn phiên tòa ngày 10/8/2016 của bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, tuy không đúng thủ tục tố tụng, nhưng cũng chưa ảnh hưởng tới quyền lợi của tôi nên tôi chỉ viết thư góp ý và cảnh báo. Nhưng việc tạm ngừng phiên tòa rồi đưa giấy chứng nhận của Công ty Konica Minolta Nhật Bản ngày 10/8/2016 để sửa bản án sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thể hiện sự cố ý ra bản án trái pháp luật, làm phá sản cả hai doanh nghiệp của tôi. Tôi hoàn toàn không biết gì về giấy chứng nhận này cho đến khi nhận bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tại trang 16 bản án phúc thẩm, những dòng 16,17,18 từ trên xuống được in đậm, thể hiện sự cố ý bao che cho Konica Minolta của người soạn bản án. Tôi phải chờ cho đến ngày 9/3/2021 mới chụp được giấy chứng nhận này và biên bản phiên tòa phúc thẩm. Những thắc mắc, hoài nghi tính bất hợp pháp của giấy chứng nhận này đã rõ:
Một là, Giấy chứng nhận này là một bản phô tô không có công chứng sao y bản chính. Người dịch “cam đoan đã dịch chính xác văn bản này từ tiếng Anh ra tiếng Việt”, nghĩa là, chỉ dịch từ văn bản phô tô này. Phòng Tư pháp Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã chứng thực chữ ký của người dịch. Giấy chứng nhận này không thỏa điều kiện để được coi là chứng cứ theo qui định tại điều 95.1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.
Hai là, tại biên bản phiên tòa ngày 24/8/2016, trang 4, dòng 6, 7 từ trên xuống ghi “Giấy Chứng nhận của Công ty Konica Minolta tại Nhật Bản ngày 10/8/2016 (bản chính đã được hợp pháp hóa lãnh sự hợp lệ)”. Nghĩa là, KMV đã nộp bản chính. Bản chính ấy đâu?
Ba là, dẫu cho rằng tài liệu này thỏa qui định tại điều 95.1 thì cũng không thể dùng nó làm căn cứ để sửa án sơ thẩm. Konica Minolta Nhật Bản bán hàng vào Việt Nam là phải có nghĩa vụ thông tin cho khách hàng Việt Nam về xuất xứ hàng hóa. Họ đã là người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì làm sao có thể làm chứng cho chính họ?
Bốn là, tôi nghi ngờ chứng từ này suốt hơn 4 năm qua. Bởi lẽ, không ai lại dại dột, từ Nhật Bản nhận lãnh trách nhiệm về xuất xứ trong một thương vụ mua bán cụ thể này?
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không ban hành quyết định tạm ngừng phiên tòa theo qui định tại điều 259 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 và cũng không hoàn tất biên bản phiên tòa ngày 24/8/2016 để các đương sự có thể xem biên bản phiên tòa. Đến ngày 22/9/2016, phiên tòa tiếp tục với biên bản cũ, chỉ ghi thêm thêm phần tuyên án. Lúc này, đã sau 1 tháng, tôi không thể nhớ những gì đã diễn ra vào ngày 24/8/2016 nên không thể kiểm tra biên bản phiên tòa ngày hôm đó. Còn ngày 22/9/2016 thì không có nội dung gì để kiểm tra. Sau khi nghe tuyên án, tôi buồn. Tôi gượng cười để đi cùng với các bạn đến quán Cánh Buồm để chia buồn.
Suốt 4 năm qua, tôi ám ảnh bởi tạm ngừng phiên tòa với lý do ngụy tạo này. Nếu đã tạm ngừng phiên tòa theo điểm c, khoản 1 điều 259 thì khi tiếp tục lại phiên tòa, hội đồng xét xử phải trở lại phần xét hỏi, tranh luận những tài liệu chứng cứ mà vì nó, Viện Kiểm Sát đã đề nghị dừng để xác minh. Nhưng biên bản phiên tòa cho thấy, tạm ngừng phiên tòa 29 ngày chỉ để làm một bản án cho đạt yêu cầu của Konica Minolta.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa)
Bình luận