Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

48. Trách Nhiệm Của Tôi Đối Với Vụ Án Konica Minolta

10 giờ sáng nay, tôi cùng với hai luật sư của mình đã đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử. So với thời hạn 2 tháng được qui định tại điều 286 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 thì quyết định này chậm hơn 10 ngày, kể từ ngày 5/1/2021 là ngày thụ lý lại vụ án ở cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh chống dịch và trải qua kỳ nghỉ Tết âm lịch thì trễ hạn chỉ 10 ngày là trễ rất ít trong bối cảnh hiện nay. Điều này chứng tỏ đòi hỏi của tôi ‘nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử’ đã được quan tâm giải quyết.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã cho thấy lần này Konica Minolta và Sao Nam đều ủy quyền cho những người của Công ty Luật Rajah & Tann LCT Vietnam, có trụ sở tại phòng 2&3 Lầu 13, Sài Gòn Centre, 65 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Luật này đã cử người của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của đương sự. Cho đến giờ này, Konica Minolta chưa thuê Luật sư tham gia với tư cách “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Nếu lần này, KMV không thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì tôi có thể suy đoán được lý do này của họ. Bà Mai Thị Thùy Dương, kế toán trưởng của Sao Nam, trước đây tham gia với tư cách là người đại diện cho Sao Nam thì lần này không thấy xuât hiện. Khi tôi báo có giám đốc thẩm, bà Mai Thị Thùy Dương nói với tôi rằng, Sao Nam đã báo với Konica Mionolta để họ giải quyết chứ Sao Nam rất khó khăn, không có tiền để thuê luật sư. Bốn người cùng một địa chỉ tại một công ty Luật Công ty Luật Rajah & Tann LCT Vietnam nhập một, một lần nữa, đã cho thấy trách nhiệm vụ chiếc máy in C1100 này là của Konica Minolta chứ không phải của Sao Nam mua đứt và phải tự chịu trách nhiệm như họ đã từng trình bày trước tòa.

Trách nhiệm của tôi đối vụ án này là làm sáng tỏ sự thật và đòi hội đồng xét xử phúc thẩm sắp đến làm sáng tỏ sự thật trước khi tuyên một bản án chính xác, công bằng cho các bên. Nếu tôi và báo chí Việt Nam đã vu cáo cho Konica Minolta, như văn bản của Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã gửi cho Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, thì tôi sẽ xin lỗi họ, báo chí Việt Nam phải đính chính và bồi thường thiệt hại. Bằng không, tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản phải cử người qua Việt Nam gặp tôi để nhận lỗi. Đó là lẽ công bằng. Tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của tôi đối với vụ án này. Nó là danh dự không chỉ của tôi mà là của cả dân tộc Việt Nam.

Năm 2000, tôi dịch tác phẩm “From third world to first – The Singapore Story: 1965-2000” của Lý Quang Diệu. Tôi đặt tên là “Bí Quyết Hóa Rồng”(*) để tỏ rõ khát vọng của chúng tôi và người dân Việt Nam sau chiến tranh. Tôi rất buồn khi đọc đến những dòng phê phán của ông Lý Quang Diệu đối với người Việt Nam. Người Việt Nam đã kiếm chuyện để làm tiền nhà đầu tư nước ngoài. Ông ta viết “Tôi đưa ra vài ví dụ về những khó khăn mà các nhà đầu tư đã phải đối mặt. Một nhà thầu Singapore đang xây dựng một khách sạn ở Hà Nội. Khoảng 30 hộ dân quanh khu vực thi công phàn nàn về tiếng ồn và sự rung động. Nhà thầu đã đồng ý trả mỗi nhà một khoảng đền bù 48 đôla mỗi tháng trong suốt thời gian thi công. Khi điều này được chấp nhận, 200 hộ dân khác cũng yêu cầu khoản tiền ấy. Nhà thầu này quyết định sử dụng một phương pháp khác để khoan cọc mà không gây tiếng ồn hay rung động. Nhưng nhà thầu không được phép làm điều đó bởi giấy phép của ông ta đã đăng ký sử dụng thiết bị cũ”. Có thể, có một số người Việt Nam thiếu lòng tự trọng, gây khó cho nhà đầu tư để trục lợi như lời ông Lý Quang Diệu nhưng tôi thì không phải là người như thế.

Các bà thẩm phán, dưới sự chủ tọa của thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, bà Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én và cả ông thẩm phán Phù Quốc Tuấn ở cấp sơ thẩm, đã rất kém chuyên môn pháp luật và ý thức chính trị khi giải quyết một vụ án liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài như vụ án này. Nó là danh dự quốc gia. Chúng ta trải thảm đỏ để mời gọi đầu tư hợp tác nhưng chúng ta cũng đã có pháp luật để giải quyết công bằng với họ. Dân Việt Nam sẽ không chấp nhận kẻ nào vu cáo các nhà đầu tư để trục lợi nhưng cũng không chấp nhận để nhà đầu tư vào đây hoành hành như chốn không người. Chúng nâng khống giá, báo giá cuội để moi tiền từ ngân sách nhà nước. Chúng kiếm ăn trên sự khốn khó và thiếu thông tin của người dân Việt Nam. Chúng không từ thủ đoạn nào, kể cả thông qua các luật sư – cựu phó chánh án, chánh tòa kinh tế để chạy án và chối tội. Vụ án Konica Minolta được nhiều người quan tâm và yêu cầu làm sáng tỏ sự thật là vì vậy.
Vụ án Konica Minolta sẽ chưa chấm dứt ở phiên tòa phúc thẩm này nếu như sự thật không được sáng tỏ và bản án chưa công bằng. Tôi công khai từng chi tiết nhỏ của vụ án này là muốn rằng nhân dân giám sát công tác xét xử của tòa án để bảo vệ danh dự, tài sản của người Việt Nam trước các thủ đoạn gian dối của một số nhà đầu tư nước ngoài.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar