Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

5. Định nghĩa pháp luật

CHƯƠNG I
ĐỊNH NGHĨA PHÁP LUẬT

Để định nghĩa pháp luật, không những cần phải bàn đến mục đích và căn bản của môn học này, mà chúng ta còn phải tìm hiểu các sắc thái của ngành học ấy: Pháp luật là một khoa học hay là một nghệ thuật? Hơn nữa chúng ta còn phải nhận định vị trí của pháp luật đối với các ngành hoa học khác trong  khoa học xã hội mới hiểu rõ được tất cả tầm quan trọng của luật học:
Đoạn I: Mục đích và căn bản pháp luật,
Đoạn II: Pháp luật là một khoa học hay một nghệ thuật
Đoạn III: Vị trí của pháp luật trong khoa học  xã hội.

ĐOẠN THỨ NHẤT
MỤC ĐÍCH VÀ CĂN BẢN CỦA PHÁP LUẬT

1) Mục đích và địa vị quan trọng của pháp luật.
Pháp luật có mục đích quy định sự giao tế giữa các phần tử trong xã hội. Loài người không thể sống trong tình trạng cá nhân cô độc; các sự tiếp xúc giữa các phần tử trong xã hội là những sự kiện không sao tránh khỏi. Vì lẽ ấy, các luật gia trong cổ luật La Mã đã nhấn mạnh vào tính cách thiết yếu của pháp luật trong cách ngôn: “Ubi societas, ibi jus“, nghĩa là, “ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật“. Địa vị của pháp luật rất quan trọng và quan trọng hơn những gì ta thường tưởng tượng. Nói đến pháp luật, ta thường nghĩ ngay đến đến các vấn đề phức tạp. Sự thực, hàng ngày ta vẫn phải giải quyết các vấn đề pháp luật và tất cả các hành vi dầu rất tầm thường mà ta vẫn quen làm, đểu liên quan đến pháp luật, tuy ta không để ý tới. Mua một quyển sách, thuê một nhà phố, vố ý đi xe cán gẫy chân một người bộ hành, đều là những hành vi pháp luật, dù hữu ý hay vô ý cũng đều đem lại những hậu quả pháp lý đối với các đương sự như nghĩa vụ phải tiền mua sách, tiền thuê phố, tiền bồi thường nạn nhân v.v…

2) Căn bản pháp luật và danh từ để chỉ pháp luật
Khi qui định các sự giao tế của các tư nhân, mục đích của pháp luật là duy trì trật tự của xã hội. Tuy nhiên, nhà lập pháp có quyền làm ra bất cứ đạo luật nào theo ý muốn không: Nói cách khác, sự quy định của nhà làm luật có phải thoe một tiêu chuẩn hoặc một số nguyên tắc căn bản nào không. Vấn đề căn bản pháp luật thuộc về nền triêt học pháp lý (la phisophie du droit) mà một quyển pháp lý nhập môn không thể đi sâu vào chi tiết. Ta chỉ cần nhận định rằng pháp luật phải được đặt trên căn bản công lý. Hiện nay, những danh từ đã được các quốc gia trên thế giới dùng, phần lớn đều phản chiếu ý niệm công lý. Ý niệm này đã được coi như là căn bản của pháp luật, hay nói cho đúng hơn một lý tưởng mà nhà làm luật luôn luôn phải noi theo. Tuy nhiên, lý tưởng này chỉ mới được nhìn nhận trong thời kỳ cận đại. Trong các xã hội bán khai, các mối tương tranh giữa tư nhân chỉ được giải quyết bằng bạo lực. Ở trong tình trạng hỗn mang ấy, tất nhiên lẽ phải bao giờ cũng về phần kẻ khỏe. Nhưng với sự tiến hóa của nhân loại, lần lần vai trò của cường lực đã phai lạt trong lịch sử. Loài người đã nhận chân thấy trong sự giao tế không thể để cho cac tư nhân tự ý định đoạt khu xử và cần phải thiết lập trật tự xã hội trên cơ sở công lý. Tuy nhiên, cũng cần nhận định rõ ràng rằng, ý niệm pháp luật, không phải đã hoàn toàn ly khai với ý niệm cường lực, vì pháp luật trong quan niệm hiện tại, vẫn phải dựa vào quyền lực, để được tôn trọng. Điều sai biệt là trong quan niệm hiện thời, quyền lực chỉ là một lợi khí để làm cho công lý sáng tỏ, trái hẳn với quan niệm cổ thời dùng quyền lực để dành lấy công lý và tranh thủ phần thắng lợi về mình. Sự công tác sáng suốt giữa hai yếu tố công lý và quyền lực trong quan niệm pháp luật hiện thời đã được nhà văn hào Pascal nêu rõ: “Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo“. Vì vậy cần phải kết hợp công lý và quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý được có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý.

Cũng vì vậy, trên thế giới, các danh từ được dùng để chỉ ý niệm pháp luật thường có tương quan với các ý niệm công lý, phải ngay thẳng trừ gian. Trong tiếng Pháp “droit” là pháp luật, quyền lợi, nhưng cũng gợi ý niệm thẳng thắn; trong tiếng Anh chữ “right – đúng, phải“, trong tiếng Đức chữ “recht“, trong tiếng Ý chữ “diritto” cũng cùng chung ý niệm ấy.
Chữ pháp  trong danh từ “pháp luật” mà Trung Hoa và các nước ở Viễn Đông thường dùng, cũng gồm có hai phần, một bên là chấm thủy, nghĩa là nước và một bên là chữ khử nghĩa là đuổi. Theo một lý thuyết, “pháp” vốn là phép thuật dùng nước để trử khử bịnh tật và phiền não trong đạo Phật. Suy rộng ra, chữ “pháp” dùng để chỉ pháp luật là các điều hướng về mục đích trừ những điều gian tà bất chính trong xã hội. Về chữ “pháp”, cũng còn một kiến giải khác. Theo sách Thuyết Văn của Tầu nghiên cứu về từ nguyên, người Trung Hoa ngày xưa viết chữ “pháp” theo một hình thức phức tạp hơn, gồm có hai phần. Phần bên trái là chấm thủy: là nước; về phần bên phải, ở trên có chữ trãi là con trãi là con trãi; ở dưới có chữ khử là đuổi đi.

Pháp luật san phẳng như mặt nước, vì vậy có chấm thủy. Con trãi là một giống vật như con kỳ lân, chỉ có một sừng. Người xưa tin rằng con trãi có năng khiếu biết phân biệt điều trái, và người xấu, và thường lấy sừng húc đổ các vật gì cong, như khi thấy một thân cây cong chẳng hạn. Do đó, các quan giữ việc hình, coi về việc tư pháp thường lấy lông con trãi để trang hoàng phẩm phục. Đời Mãn Thanh, các quan ngự sử và quan tư pháp cũng có lễ phục là áo giải trãi (Ghi chú: Giải trãi quan 解廌冠; Giải trãi phục: 解廌: Các danh từ này dùng để chỉ y phục của các pháp quan chính trực, thẳng tay trừng trị các kẻ gian tà). Vậy chữ “pháp” viết theo lối ngày xưa, có nghĩa là bỏ các điều tà khúc (nghĩa chữ khử) như con trãi húc đổ các vật cong queo (nghĩa chữ trãi), để san bằng phẳng như mặt nước (nghĩa chấm thủy). Về sau, lối viết chữ “pháp” được” đơn giản hóa. Chữ trãi không còn nữa, chứ pháp chỉ còn gồm chấm thủy: ở bên trái và chữ khử ở bên phải như ngày nay.
Đối với chữ “luật”, nếu dùng lối chiết tự phân tích ý nghĩa, chúng ta sẽ rõ chữ luật này cũng gợi ý niệm một tiêu chuẩn, một mực thước để điều hòa các hoạt động của tư nhân torng xã hội. Chữ “Luật” gồm hai phần:
– Bên tả là chữ xích nghĩa là bước đi;
– Bên hữu là chữ duật tượng hình tay phải cầm cây để viết trên tấm vải hay giấy những nét
Về chữ luật, có ba kiến giải:
a) Vua Hoàng Đế (2697 trước kỷ nguyên), ý thức vai trò quan trọng của nhạc có thể điều tiết tâm tình của con người cho hòa nhịp với vũ trụ, đã sai Linh Luân nghiên cứu các nguyên tắc căn bản về âm nhạc. Linh Luân rút lui vào rừng tre, gần nguồn sông Hoàng Hà để nghiên cứu tiếng suối reo, tiến sông chảy xiết, tiếng trúc rào rạc trong gió, tiếng chim ca véo von, rồi dùng ống tre diễn lại âm thanh ấy. Trong số các ống tre ấy, có một ống được coi như đã phát ra âm thanh căn bản, nên được Linh Luân gọi là luật: như vậy luật là căn bản, nền tảng, khuôn mẫu; cũng trùng với ý nghĩa ngay thẳng công lý.
b) Theo kiến giải thứ hai trong sach “Thuyết Văn”, luật tức là một bản nhạc, trong lúc đội quân tiến hành, để các binh sĩ đi đều bước. Suy rộng ra, luật là những qui tắc được đặt ra để các phần tử trong xã hội tuân theo, giữ vững sự điều hòa và trật tự công cộng torng nước.
c) Kiến giải thứ ba thiên về ý nghĩa sau cùng và cũng là ý nghĩa chính yếu của chữ luật. Luật là những điều được viết ra (nghĩa của chữ duật ) để điều hành (nghĩa của chữ xích ) các hoạt động trong xã hội.
Nói tóm lại, cả hai chữ “pháp” và “luật” đều căn cứ vào ý niệm ngay thẳng để làm tiêu chuẩn cho sự điều hành các hoạt động của tư nhân.

ĐOẠN THỨ HAI
PHÁP LUẬT LÀ MỘT KHOA HỌC HAY MỘT NGHỆ THUẬT

A. Pháp luật vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật

Quy định cac mối tương quan giữa các phần tử trong xã hội phải chăng pháp luật chỉ có một đối tượng duy nhất là quan sát các sự kiện, các tục lệ đã sẵn có trong xã hội? Quan niệm như vậy, có thể nói rằng pháp luật là một khoa học, ngang hàng với các khoa học thực nghiệm căn cứ trên sự quan sát khách quan các sự iên xả ra tng tien nien. Theo lat gia Dabin, pháp luật là môn khoa học nghiên cứu về các qui tắc đã thống trị hay hiện đương thống trị nhân loại, vì vậy có thể gọi là pháp luật hiện sinh (Droit existentiel – Luật hiện sinh) (Ghi chú: Dabin, Théorie générale du droit – Dabin, Lý thuyết chung về luật). Quan niệm này đối lập với lý thuyết coi pháp luật là một nghệ thuật. Khoa học chỉ  khám phá những dữ kiện đã có sẵn, còn nghệ thuật, trái lại, xây dựng trên lý tưởng, nhờ tài trí của nhân loại mà kiến thiết.
Sự thực, sự phân biệt trên đây không được xác đáng. Ngay đối với khoa học thực nghiệm, cũng không thể phân loại một cách máy móc giữa hai quan điểm quan sát và xây dựng. Không một nhà bác học nào chỉ thu hẹp phạm vi hoạt động của mình vào một sự quan sát hoàn toàn khách quan; sự quan sát ấy chỉ là căn bản hay khởi điểm của một công trình sâu rộng hơn, đòi hỏi sự so sánh sự kiện đã được quan sát với các sự kiện khác tương tự hay khác biệt để đi tới sự xác định những luật chi phối các sự kiện nói trên. Nói một cách khác, một khoa học nào cũng là một sự kết hợp của hai quan niệm khoa học và nghệ thuật.

B. Vai trò của luật gia gồm có hai nhiệm vụ

1. Trước hết, luật gia phải thấu hiểu pháp luật thực tại trong nước, nghĩa là phải tìm hiểu tất cả các qui tắc pháp luật đã chi phối quốc gia dưới một thời đại nào (Trong quá khứ hoặc trong hiện tại). Hoàn tất công việc này, tất nhiên luật gia phải quan sát và làm công việc của một khoa học gia. Tuy nhiên riêng sự quan sát cũng chưa đủ, vì nhiều khi không thể mang lại cho luật gia giải pháp cần phải áp dụng cho các mối giao thiệp giữa các phần tử trong xã hội. Để thực hiện được kết quả này, luật gia thường phải giải thích các quy tắc của thực tại pháp, phải xây dựng một giải pháp trên căn bản các quy tắc ấy. Như vậy, ngay trong nhiệm vụ thứ nhất tìm hiểu thực tại pháp, luật gia cũng đã bước vào địa hạt của nghệ thuật.

2. Luật gia còn một nhiệm vụ thứ hai cao quý hơn nữa, đó là, không những chỉ nghiên cứu và áp dụng các quy tắc sẵn có, luật gia còn lãnh trách nhiệm phải kiến tao ra những quy tắc mới hoàn hảo hơn, mỗi ngày một tiến tới gần hơn lý tưởng công bằng tuyệt đối. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ chung của tất cả các luật gia hiểu theo nghĩa rộng nhất của danh từ này. Mỗi người phải tham dự vào công trình kiến thiết ấy torng phạm vi hoạt động của mình, các dân biểu trong công việc biểu quyết pháp luật ở Quốc hội, các thẩm phán trong việc xử án, các luật gia trong việc nghiên cứu phê bình các luật lệ, án văn … Lẽ dĩ nhiên, trong công trình kiến thiết này, sự quan sát cũng thủ một vai trò quan trọng. Các luật lệ phải tương ứng với các sự kiện và các nhu cầu xã hội. Sự quan sát sự kiện và các nhu cầu này phải là giai đoạn khởi thủy trong công trình của các luật gia. Nhưng từ khởi điểm này tới sự kiến tạo của quy tắc pháp luật mới, các luật gia đã hoàn tất một công trình trong đó óc kiến tạo và nghệ thuật đã giữ một địa vị rất quan trọng.
Vì lẽ trên đây, quan niệm một thiểu số học giả, quá thiên về chủ nghĩa thực nghiệm hay chủ nghĩa duy vật, như Henri Lévy-Bruhl, chủ trương rằng, pháp luật không có nhiệm vụ kiến tạo các qui tắc pháp luật mà chỉ nghiên cứu các qui tắc ấy như một dữ kiện của kiến thức nhân loại, là một quan niệm chật hẹp, sai lầm, đã hạ thấp giá trị của môn học này.

C. Sự phân biệt các lý thuyết gia và thực hành gia

Khi bàn tới các luật gia, nhiều người thường tưởng lầm rằng có thể phân biệt hai loại: các lý thuyết gia và các thực hành gia (Les theoriciens et les praticiensCác nhà lý thuyết và thực hành). Các lý thuyết gia, như các giáo sư về luật học, ch1u trọng về nghei6n cứu các qui tắc trên lập trường khoa học thuần túy, không nghĩ đến sự áp dụng các qui tắc ấy trên đường đời; trái lại các thực hành gia, không quan tâm tới sự tìm kiếm những lý thuyết hay những qui tắc pháp lý mà chỉ chú trọng đến sự giải quyết các vấn đề pháp lý đã đặt ra trong thực tế, như trường hợp các thẩm phán, các luật sư.
Sự phân biệt giữa lý thuyết và thực hành trong luật học xét ra cũng quá đáng. Pháp luật có mục đích qui định các sự giao thiệp giữa các phần tử trong xã hội. Pháp luật có mục đích qui định các sự giao thiệp giữa các phần tử trong xã hội. Qui tắc pháp luật tất nhiên phải là qui tắc đi sát thực tế, đời sống hàng ngày. Như vậy, dù muốn nghiên cứu pháp luật về phương diện lý thuyết, luật gia cũng không thể lãng quên các sự kiện thực tế của trường đời. Trái lại, các thẩm phán, các luật sư, mặc dù ngày thường vẫn giải quyết các vấn đề pháp lý đã xảy tới trong thực tế, song cũng không thể nào không nghiên cứu các lý thuyết, các qui tắc pháp lý.
Một luật gia, bất luận công việc của nghề nghiệp hướng dẫn vào đường nào, cũng không thể phân tích lý thuyết và thực hành để nhãng bỏ một trong hai yếu tố ấy. Lý thuyết gia hay thực hành gia bao giờ cũng kết hợp cả hai phương pháp làm việc nói trên. Nói một cách khác, hai danh từ lý thuyết và thực hành chỉ dùng để miêu tả hình thức hoạt động của các luật gia, một nhóm thì chú trọng vào sự nghiên cứu, sự kiến tạo hay sự phê bình và giảng huấn các qui tắc pháp luật, một nhóm thì áp dụng các qui tắc ấy trong thực tế để giải quyết các trường hợp khó khăn cụ thể trong trường đời. Nhưng hai danh từ trên không hề đào hố sâu nào giữa hai nhóm, về phương pháp làm việc.

ĐOẠN THỨ BA
VỊ TRÍ PHÁP LUẬT TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI

Qui định sự giao tế trong xã hội, pháp luật lẽ tất nhiên không tránh khỏi những mối tương quan gần xa với các khoa học cũng có đối tượng nghiên cứu xã hội về những phương diện khác như kinh tế học, xã hội học, chính trị, sử học, luân lý.

I._  Pháp luật và Kinh tế học

Sự liên lạc giữa pháp luật và kinh tế học thật là mật thiết. Kinh tế học cũng là một khoa học nghiên cứu sự giao tế giữa các phần tử trong xã hội, khiến ta có thể nghĩ rằng pháp luật và kinh tế học có thể cùng chung một định nghĩa. Nhưng kinh tế học có mục đích nghiên cứu sự giao tế ấy về phương diện các định luật về sự sản xuất, lưu thông và phân phối các tài hóa torng xã hội. Tuy mục đích khác, nhưng vẫn có nhiều dây liên lạc giữa hai khoa học nói trên,
a) Một hành vi thường có một phương id6e5n pháp lý và một phương diện kinh tế. Thí dụ đối với hành vi của một người nội trợ đong gạo cho gia đình, trước hết có một phương diện pháp lý; giữa người nội trợ và người bán gạo đã có một khế ước mua bán được kết lập; khế ước ấy do các điều khoản trong dân luật qui định. Nhưng ngoài phương diện pháp lý, còn có phương diện kinh tế; cần làm sao để gạo khỏi khan hiếm, khỏi cao gí, nhà nông khỏi lo lỗ vốn … Đây là vấn đề sản xuất, vấn đề chuyên chở, vấn đề tiêu thụ v.v… Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các hành vi pháp luật đều có một khía cạnh kinh tế. Các việc cha mẹ ưng thuận cho con làm giá thú, hoặc thân thuộc nhận làm giám hộ cho một trẻ vị thành niên là những hành vi đơn thuần pháp luật, không liên quan gì đến kinh tế, nhưng những hành vi này là số ít.
b) Một số lớn các điều luật đã do những hiện tượng hay trạng thái kinh tế mà có. Các sự biến chuyển của nền kinh tế là nguồn gốc phát sinh ra luật lệ mới. Thế kỷ thứ 19 là thế kỷ của kỹ nghệ hóa. Để thực hiện sự khuếch trương kỹ nghệ, tài lực của một cá nhân thường không đủ; người ta phải thường nhau hợp lục, cộng tài. Do đó, sự kỹ nghệ hóa nền kinh tế trọng nông đã phát sinh ra ở trong nước phong trào lập hội xã hay các công ty. Sự kiện kinh tế này đã ảnh hưởng đến nền pháp luật vì nhà lập pháp đồng thời phải qui định đầy đủ trong thương luật hay luật thương mại về các hình thức hội xã đã thi nhau xuất hiện: nào là hội xã gọp vấn hay cộng tư như các hội vô danh, chỉ cốt hùn vốn cho đủ để kinh doanh mà không chú ý đến cá nhân các cổ đông; nào là các hội công nhân, chú trọng đến tư cách từng hội viên như các hội hợp danh, hội trách nhiệm hữu hạn v.v…
c) Ngoài ra tùy chánh sách kinh tế được quốc gia chấp nhận, tinh thần của nền luật pháp cũng thay đổi. Trong một quốc gia theo đuổi chính sách kinh tế tự do, các tư nhân có một phạm vi hoạt động rất rộng rãi. Quốc gia chỉ can thiệp khi cần phải duy trì trật tự trong xã hội. Ngoài ra, các tư nhân được tự do kết ước, buôn bán, hoạt động về pháp luật không bị hạn chế. Trái lại, trong một quốc gia theo đuổi kinh tế chỉ huy, phạm vi tự do hoạt động của  tư nhân phải bị thu hẹp lại. Các sự sản xuất, lưu thông, phân phối các tài hóa đều được qui định tỉ mỉ. Nguyên tắc tự do khế ước hầu như bị sự can thiệp của quốc gia lấn át. Tại nhiều nước, sự chỉ huy kinh tế còn đi đến giai đoạn Kinh tế kế hoạch. Các hoạt động trong nước đã được trù tính trước phải theo hướng nào, đi đến mức nào, để đạt được một mục tiêu dự định trước. Không phê bình về chính sách kinh tế, luật gia khách quan công nhận kinh tế là một trong những yếu tố mà nhà lập pháp phải quan tâm đến trong công việc soạn luật.

II._  Pháp luật và Chính trị học 

Đối tượng của chính trị học là sự nghiên cứu các chính thể và cách hành xử của chính quyền: các cơ quan công quyền được tổ chức như thế nào và sẽ điều hành ra sao? Lẽ dĩ nhiên, chính trị học còn ảnh hưởng tới pháp luật hơn cả kinh tế học nữa.
1) Tại mỗi nước, nhà lập pháp chịu ảnh hưởng một tư trào cả kinh tế học khác
a) Ở một nước cộng sản, không chấp nhận chế độ tư hữu, luật pháp tất nhiên phải khác hẳn luật pháp của các nước tự do. Không những chế độ tư hữu không được nhìn nhận, định chế thừa kế cũng phải gạt bỏ để cho các tài sản không thể lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
b) Chính ngay ở giữa các nước dân chủ tự do, nền luật pháp cũng không hẳng giống nhau. Khi nói đến lý tưởng chính trị là nói tới sự tin tưởng vào các nguyên tắc tổ chức xã hội mà người ta đã chấp nhận vì lý do tình cảm nhiều hơn vì lý do lý trí. Vì vậy, pháp chế ở mỗi nước một khác, tùy theo lý tưởng chính trị, mặc dù các lý tưởng ấy được đặt trên nền tảng của tự do.
2) Đi sâu vào vấn đề hơn, người ta lại có thể nhận định rằng, ở cùng một nước, lý tưởng chính trị hướng dẫn nhà lập pháp cũng có thể cùng với thời gian thay đổi. Thí dụ: Nước Pháp sau cuộc cách mệnh 1789, đã say sưa nêu lên các lý tưởng tự do bình đẳng. Với nguyên tắc tự do, các tư nhân đã được công nhận một phạm vi hoạt động rất rộng rãi về phương diện pháp luật: Tự do kết ước, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn v.v… Dưới khẩu hiệu bình đẳng, các cá nhân được coi là có những quyền lợi ngang nhau, trừ những trường hợp vô tư cách vì tuổi tác hay vì thác loạn tinh thần như trường hợp các trẻ vị thành niên hay các người điên. Nhưng sau nhiều giai đoạn sau, các nguyên tắc này đã bị hạn chế ít nhiều. Với trào lưu tư tưởng xã hội, người ta đã nhận thấy trong thực tế, giữa các phần tử trong xã hội thường có sẵn một sự bất bình đẳng. Kẻ giầu ức hiếp người nghèo, cũng như các cá nhân cô độc thường bị các đoàn thể xã hội đè nén áp bức. Đứng trước những sự bât bình đẳng về phương diện quyền lực và kinh tế ấy, sự tự do kết ước chỉ có nghĩa là một sự tự do bóc lột, mặc cho những kẻ có tài lực hay các đoàn thể cường thịnh được tự do cưỡng chế các người đồng ước phải tuân theo điều kiện của mình. Vì vậy mới có sự ban hành những luật hạn chế tiền lãi cho vay, hạn chế giá thuê nhà phố, hạn chế tô thuế, hạn chế đến cả diện tích các ruộng nương của mỗi điền chủ.

III. Pháp luật và sử học

a) Một mặt, nhờ có sử học, luật gia am hiểu được nền luật pháp của các xã hội cổ, sự tiến hóa của luật pháp, và nhân đó tránh được những sự lầm lỗi trong lịch sử, không trở lại những biện pháp mà lịch sử đã tố cáo là sai lầm, thất nhân tâm, hay có hại.
b) Ngoài ra, nhờ lịch sử, luật gia có thể hiểu được hiện trạng của pháp luật dù các điều khoản trong luật cũ đã được duy trì như nguyên trạng hoặc sửa đổi hay đã bị hủy bỏ hẳn. một thí dụ: Sự soa sánh các điều khoản trong cổ luật La Mã với các điều khoản trong dân luật Pháp, chứng tỏ rằng dân luật Pháp đã chịu ảnh hưởng rât lớn của luật La Mã, không những về phương diện danh từ mà cả về phương diện suy luận và kỹ thuật pháp lý.
c) Nhiều khi giá trị những điều khoản luật cổ không những đã vượt khỏi phạm vi của thời gian lưu truyền cho tới nay, mà còn vượt khỏi ranh giới các quốc gia để biến thành những nguyên tắc căn bản trong luật pháp mà quốc gia các nước tân tiến ngày nay đều nhìn nhận. Đây là trường hợp những cách ngôn hay tục dao pháp lý (Ghi chú: Les adages juridiques: Những câu châm ngôn pháp lý) mượn trong cổ luật La Mã, tóm tắt một cách gọn gàng những qui tắc thông dụng hay những nguyên tắc chính yếu của luật pháp. Nói tóm lại, công dụng của sử học đối với pháp luật có thể rút ngắn lại trong câu nói của nhà văn hào LEIBNITZ: “Hiện tại chứa đầy quá khứ và cũng gánh nặng tương lai” (Le présent est plein du passé et gros de l’avenir). Nhờ sử học, ta có thể hiểu được hiện trạng và dự đoán một phần nào cuộc tiến hóa mai hậu của pháp luật.

IV._ Pháp luật và xã hội học 

Xã hội học hay khoa học nghiên cứu các phong tục xã hội mới phát triển từ thế kỷ 19, nhất là khi triết gia Auguste COMTE chủ trương học thuyết thực nghiệm (le positivisme). Xã hội học có đối tượng nghiên cứu là các quy luật tổng quát chi phối các xã hội nói chung, không cần chú trọng vào những nền luật riêng biệt của mỗi quốc gia. Thí dụ: Trong xã hội học, các học giả nghiên cứu các xã hội đã xuất hiện như thế nào trong lịch sử, đã phát triển ra sao, và tại sao tan rã. Căn cứ vào những nhận xét khách quan liên hệ đến các sự kiện xã hội, xã hội học cố phát minh ra những qy luật liên hệ đến sự khai sinh và phát triển của các xã hội. Tuy nhà làm luật cũng chú trọng đến các kết quả của xã hội học, nhưng ta không nên quên rằng pháp luật có một lĩnh vực riêng biệt. Không nghiên cứu và phát minh các quy luật có tính cách tổng quát đối với tất cả các xã hội, pháp luật chỉ có mục đích đặt ra luật lệ để duy trì trật tự trong một xã hội nhất định; thí dụ: pháp luật của Việt Nam, pháp luật của Nhật Bản v.v…Gần đây, một ngành luật mới được mệnh danh là luật xã hội (droit social). Tuy ngành luật này được phát triển khá nhanh, nhưng ta đừng tưởng lầm rằng ngành luật này là một phần của xã hội học. Trái lại, đây là một phần của môn luật học. Trái lại, đây là một phần của môn luật học, có đối tượng bênh vực quyền lợi của các giới công nhân và quyền lợi của đại chúng, nghĩa là thiên về quyền lợi của xã hội hơn là của cá nhân.

V. Pháp luật và luân lý

Ta phải phân bệt pháp luật với luân lý, vì hai ngành không cùng chung mục đích, một phạm vi, không cùng một yếu tính và cũng khác nhau về phương diện chế tài. Pháp luật và luân lý đều là hai khoa học qui chuẩn (sciences normatives), nêu lên những qui chuẩn phải được áp dụng để khỏi phải gây rối loạn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh luân lý, vẫn có pháp luật vì nhiều lẽ:
a) Mục đích của luân lý quá cao xa vì muốn nêu một gương mẫu cho lý tưởng nhân loại như lòng nhân ái, đức hỷ xả v.v… Kinh Phật còn dạy ta nên làm điều thiện đối với cả những kẻ đã hại ta, đem tình thương đáp lại hận thù. Thánh kinh đạo thiên chúa thì dạy ta hãy giơ má trái cho kẻ đã tát ta má phải. Về phương diện xã hội, sự thực hiện lý tưởng nhân ái, tuy rất cao cả, song sẽ có nguy cơ đưa đến hậu quả tai hại gieo rắc sự rối loạn trong xã hội. Kẻ khỏe nhân đó sẽ lợi dụng sự khoan dung vô lượng để uy hiếp kẻ yếu. Vả lại lý tưởng nhân ái quá cao xa cũng không thể thực hiện được trong xã hội. Trái lại, pháp luật có tính cách thực tế hơn, chỉ nêu những qui tắc có thể áp dụng cho toàn thể thế nhân, đúng theo lý tưởng công bằng. Theo lý tưởng ấy không cần phải làm điều thiện với kẻ ác; đối với kẻ đã tát ta, ta có quyền yêu cầu phải được bồi thường một cách thích đáng.
b) Phạm vi của luân lý rông hơn phạm vi của pháp luật và bao quát các ngành sau đây:
_ Luân lý tôn giáo gồm các bổn phận đối với Đấng tạo hóa, vị chúa tể của vạn vật;
_ Luân lý cá nhân gồm có bổn phận đối với chính thân mình;
_ Luân lý xã hội gồm các bổn phận đối với các phần tử khác trong xã hội.
Phạm vi pháp luật chật hẹp hơn, chỉ gồm có những quy tắc mà tư nhân phải tôn trọng trong khi giao thiệp với các tư nhân khác, không nêu ra các nghĩa vụ của cá nhân đối với mình hay đối với tôn giáo.
Chính vì pháp luật và luân lý có những phạm vi khác nhau, mặc dầu đều có đối tượng nêu lên những qui tắc để chi phối hoạt động của con người, nên Bentham – một học giả người Anh đã so sánh phạm vi của Luật pháp và luân lý với hai hình tròn đồng tâm, mà khác đường kính. Vòng tròn nhỏ ở trong, biểu tượng phạm vi áp dụng của pháp luật; và vòng tròn lớn biểu tượng phạm vi áp dụng của luân lý. Sự thực, tính cách thê tục của pháp luật hiện tại ở Tây Phương chỉ là kết quả một cuộc tranh chấp đã kéo dài giữa chính quyền và giáo hội trong bao nhiêu thế kỷ. Cuộc tranh chấp ấy đã chấm dứt bằng sự thế tục hóa pháp luật, dành lại cho chính quyền các quyền lập pháp và tư pháp mà Giáo hội trong giai đoạn khá dài đã được công nhiên hành xử.
c) Luân lý không có một tính cách xác định rõ rệt.
Tính cách và phạm vi luân lý thay đổi tùy theo lương tâm xét đoán của mội cá nhân. Sự trái phải chỉ có giá trị tương đối, và thay đổi tùy từng người, không thể áp dụng cho toàn thể dân chúng. Trái lại, pháp luật nêu rõ những qui tắc nhất định. Nội dung những qui tắc ấy được chỉ định rõ ràng trong văn từ của luật pháp.
b) Về phương tiện trừng phạt hay chế tài, luân lý chỉ ảnh hưởng về tinh thần; khi ta làm việc tội lỗi, lương tâm ta cắn rút, hoặc chỉ có những trừng phạt về mai hậu như trong thuyết luân hồi của Đạo Phật, hay Thiên đàng, Địa ngục của Thiên chúa giáo. Pháp luật trừng phạt trực tiếp và trừng phạt ngay trong hiện tại. Nếu xe hơi cán người, tất chủ nhân phải bồi thường. Giá thú không khai trước hộ lại tất vô hiệu lực v.v…

Kết luận: Các đặc tính của các quy tắc pháp luật 
Sau khi tìm hiểu định nghĩa và căn ban của pháp luật, sau khi phân tích bản chất của pháp luật và đặt vị trí pháp luật trong khuôn khổ các khoa học xã hội khác, ta có thể tạm kết luận rằng các quy tắc pháp luật có những đặc tính tính sau:
1._ Các quy tắc pháp luật, tuy nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, song được đặt trên căn bản công lý.
2_ Các quy tắc pháp luật chỉ liên hệ đến các tương quan giữa cá phần tử trong xã hội, không liên hệ đến lĩnh vực tôn giáo và luân lý.
3. Các quy tắc pháp luật, khác với các giáo điều hay các nguyên tắc luân lý, có tính cách cưỡng bách; nếu ai không tuân theo các quy tắc pháp luật, sẽ bị chế tài hay trừng phạt./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar