NGHỀ LUẬT LÀ NGHỀ KHÓ
Qua vụ án Konica Minolta, tôi nhận ra các ông bà thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã tham gia giải quyết vụ án này, ở vị trí khác nhau, đã phạm những sai lầm rất tệ hại về mặt chuyên môn pháp luật. Không phải bỗng dưng mà Luật sư tiến sĩ Lê Nết, đã hùng hổ gửi văn bản cho Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, rồi sau đó lại im lặng chịu trận truyền thông. Tôi tự tin nêu những sai lầm về mặt chuyên môn của các ông bà thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư này lên truyền thông, là vì tôi biết chắc là họ sai và theo thời gian, họ càng nhận ra cái sai của họ là nghiêm trọng như thế nào về mặt chuyên môn. Rồi đây, các thế hệ sinh viên, giới chuyên môn pháp luật sẽ soi rọi cái sai của từng người, từng cấp tòa án, để rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn pháp luật.
Nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng, là nghề khó. Ở các nước phát triển, nghề luật sư thường là nghề của những người thành đạt và giàu có, thuộc giới thượng lưu hoặc trung lưu bậc trên của xã hội. Ở Mỹ, muốn trở thành luật sư phải qua kỳ thi để công nhận là luật sư (Bar examination). Người muốn tham gia kỳ thi này phải tốt nghiệp Học viện về luật hoặc Trường đại học đào tạo chuyên ngành về luật (Law School). Muốn được vào học tại một trường luật, người học phải có bằng cử nhân, có nghĩa là, phải tốt nghiệp một trường đại học nào đó trước khi học trường luật.
Ở Việt Nam hiện nay, nghề luật sư cũng đang phát triển rất mạnh, và đang là nghề danh giá. Điểm chuẩn vào các trường Đại học luật đang rất cao. Kỳ tuyển sinh năm 2022, điểm chuẩn vào khoa luật kinh tế Đại học luật Hà Nội đạt 29,5 điểm. Để trở thành luật sư thì sau khi tốt nghiệp đại học luật, người học còn phải trải qua bốn bước: Học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư, tập sự luật sư, kiểm tra tập sự luật sư, nộp hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì mới có thể trở thành luật sư. Thời gian học tập tối thiểu để trở thành luật sư là 6 năm, bằng thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa. Nghề luật sư ở Việt Nam đã trở thành một nghề khó học, tốn kém hơn nhiều so với trước đây. Cũng như một số ngành nghề khác, muốn đạt đỉnh cao, người hành nghề luật phải có năng khiếu bẩm sinh. Nghề luật đòi hỏi người học phải có tư duy logic của toán học, triết học. Thiếu hoặc yếu về môn toán, sẽ rất khó tiếp thu nghề luật.
Trường Đại học luật Hà Nội, trước đây gọi là trường Đại học pháp lý Hà Nội thành lập ngày 10-11-1979, theo Quyết định số 405/CP của Hội đồng Chính phủ; nghĩa là, trước đó, Việt Nam chưa có trường đại học luật. Những người vào học pháp lý trong giai đoạn này cũng chỉ là “chuột chạy cùng sào mới vào pháp lý”, nên nhân sự ngành luật đa phần rất yếu kiến thức nền, nhất là tư duy toán, tư duy logic. Theo thời gian, họ trở thành những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư lâu năm, nhưng kiến thức nền, nhất là logic toán thì rất khó khắc phục. Tôi quan sát các ông bà thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư lớn tuổi, tham gia giải quyết vụ án Konica Minolta, tôi nhận ra thiếu sót và yếu kém của họ là thiếu sót và yếu kém mang tính thế hệ. Dù họ đã có bằng tiến sĩ, nhưng yếu kém về kiến thức nền, nhất là logic học, của họ cũng cứ lộ ra mồn một. Ở đây chưa nói đến chuyện tiêu cực, chỉ riêng tư duy pháp luật như các ông bà luật sư, thẩm phán này thì người dân phải lãnh đủ oan sai, bất công. Thế giới này sẽ phải kinh ngạc khi chứng kiến một vụ án thương mại, như vụ án Konica Minolta, phải xét xử đến 8 năm mà vẫn chưa thấy tăm hơi phán quyết cuối cùng. Tình hình nhân sự ngành luật yếu kém đến mức, ngày 27/11/2006, ông Nguyễn Văn Hiện – Chánh án TANDTC lúc đó, phải thừa nhận tình trạng “vơ vét để có đủ thẩm phán”. Tôi không biết ai trong số các thẩm phán tham gia xét xử vụ án Konica Minolta được ‘vơ vét’, nhưng tôi biết chắc là các ông bà thẩm phán này sai chuyên môn pháp luật một cách rất ‘vơ vét’. Làm thẩm phán mà để bản án do mình làm ra bị tòa cấp trên hủy, mà không thể thanh minh được lời nào, thì đó là điều rất tệ hại, đáng hổ thẹn về mặt chuyên môn.
Thời gian gần đây tôi dành thời gian nghiên cứu pháp luật để phục vụ cho việc giải quyết vụ án Konica Minolta. Sau nữa, tôi sẽ quay lại công việc viết sách, bán sách mà tôi đã theo đuổi thành một nghiệp của đời tôi. Tôi nhận thấy, pháp luật Việt Nam đã chuyển động theo hướng hội nhập với pháp luật của các nước văn minh, theo nền kinh tế thị trường hiện đại. Các sách về chuyên môn pháp luật đã được xuất bản trong những năm gần đây rất phong phú, tiệm cận với khoa học pháp luật của các nước theo hệ thống châu Âu lục địa (Civil Law). Tôi phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, lật đi lật lại những vấn đề pháp luật liên quan đến vụ án Konica Minolta. Càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra nghề luật là nghề khó, là nghề rất đáng được đầu tư thời gian để nghiên cứu, học hỏi. Nghề luật là nghề khó, đòi hỏi tư duy logic toán, kiến thức nền rộng và sâu. Nghề luật là nghề khó, không thể là nghề của những người được ‘vơ vét’ hay ‘chiếu cố’, như lời của ông Chánh án tối cao Nguyễn Văn Hiện, năm 2006. Thế hệ trước mà ‘vơ vét’ thì thế hệ sau lãnh đủ./.
Bình luận