Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

5. Nguyên tắc trọng pháp

NGUYÊN TẮC TRỌNG PHÁP

MỤC I: Ý NGHĨA CỦA NGUYÊN TẮC TRỌNG PHÁP
129._ Như trên vừa phân tích, trọng pháp phải hiểu theo nghĩa rộng rãi về hai phương diện. Trước hết về ý nghĩa nội dung, trọng pháp tức là tôn trọng luật pháp, tức là một văn kiện pháp lý ở cấp dưới phải tôn trọng văn kiện pháp lý ở cấp bậc cao hơn. Một mặt khác, trọng pháp cũng còn là tuân hành hay thi hành các văn kiện ở cấp bậc cao hơn (hay nói cách khác, sự thụ động không thi hành theo nghĩa không ấn định các điều kiện và thể thức thi hành cần thiết sẽ bị coi là bất hợp pháp hay bất hợp lệ).(hay)
130._ Trọng pháp cũng còn phải hiểu theo ý nghĩa rộng rãi thứ nhì là tôn trọng toàn diện luật pháp, tức là tôn trọng tất cả các văn kiện pháp lý mọi cấp bậc cao cấp hơn cấp bậc của cơ quan ban hành hành vi pháp lý. Nói cách khác, hệ thống luật pháp được tôn trọng gồm tất cả các bậc trong hệ cấp pháp lý mà ta đã phân tích trong môn luật Hành chánh (xem lại luật hành chánh trang 94,95). Hệ cấp pháp lý gồm, theo thứ tự cấp bậc, trước hết là Luật Hiến pháp,rồi tới các đạo luật và sắc luật (tại Pháp quốc, các hành vi lập pháp gồm nhiều cấp bậc là các hiệp định quốc tế, Luật tồ chức, luật chương trình, Luật hường và các dụ). Sau các đạo luật tới cấp bậc của các văn kiện hành chính, trước hết các Sắc lệnh và Nghị định của Thủ tướng, tiếp theo là Nghị định của các Tổng trưởng cùng Nghị định và Quey16t định hành chánh của các cấp bậc địa phương Đô, Tỉnh, Thị và Xã. Bên cạnh các văn kiện hành chánh của Hành pháp, nay còn phải kể thêm các Sắc lệnh, Nghị định và Quey16t định hành chánh của các cơ quan đơn vị tự trị hiến định như Tối cao Pháp viện và Giám sát viện. Nhưng các hệ thống văn kiện pháp lý này có các lĩnh vực biệt lập với nền hành chánh phổ thông, do đó chỉ phụ thuộc vào các đạo luật và hiến pháp mà thôi.
131._ Ngoài hệ thống cổ điển nói trên, án lệ còn tạo thêm các nguyên tắc tổng toàn của luật pháp, khi thì có cấp bậc tương đương với Hiến pháp, khi thì chỉ tương đương với các đạo luật. Thí dụ: Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và nguyên tắc tự do nghiệp đoàn thường được coi là nguyên tắc có tính cách Hiến pháp, mặc dù không được ghi trong Hiến pháp đi chăng nữa. Còn đa số các nguyên tắc tổng toàn của luật pháp đều có giá trị tương đương với các đạo luật, như nguyên tắc tôn trọng các hiệp định quốc tế, tính cách vô tư của các quyết định hành chánh và tài phán, tôn trọng hình thức song đối, tôn trọng sự áp dụng luật ngoại quốc trong các trường hợp phải áp dụng, cùng các nguyên tắc hiệu lực bất phản hồi của các hành vi hành chánh, nguyên tắc sự gian lận làm vô hiệu tất cả các hành vi pháp lý, nguyên tắc khế ước phải được thi hành ngay tình v.v…
132._ Về kỹ thuật, trọng pháp tức là làm các hành vi thi hành phù hợp với tấc cả các văn kiện ở cấp bậc cao hơn. Tuy nhiên, có các trường hợp tế nhị như sau:
*1: Trước hết đối với các hành vi cùng ở một cấp bậc thì theo nguyên tắc, quyết định mới phải coi như mặc nhiên bãi bỏ các điều khoản của các văn kiện cũ trái với văn kiện mới. Một mặc khác về mỗi cấp bậc, các hành vi cá biệt phải phù hợp với các qui tắc cũ, theo ngạn ngữ phải tôn trọng chính thể lệ mình đã làm ra. Vậy nếu muốn làm các hành vi cá biệt theo chính sách  mới thì cần phải ban hành một văn kiện mới để ấn định một chính sách mới trước đã, vì các hành vi cá biệt chỉ là sự cụ thể hóa, hay nói rõ hơn nữa, sự áp dụng một quy tắc cho một trường hợp cá biệt.
*2: Vấn đề tế nhị thứ nhì là sự mâu thuẫn giữa các hành vi cá biệt thuộc các cấp bậc khác nhau. Trong trường hợp này thì cần phải so sánh các hành vi qui tắc làm nền tảng cho các hành vi các biệt. Do đó hành vi cá biệt của cấp dưới không thể mâu thuẫn với hành vi các biệt của cấp trên nếu hành vi các biệt của cấp trên phù hợp với hành vi quy tắc của cấp trên này.
*3. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa một quy tắc của cấp dưới với hành vi cá biệt của cấp trên. Nếu hành vi cá biệt của cấp trên phù hợp với quy tắc của cấp trên thì dĩ nhiên quy tắc của cấp dưới mâu thuẫn với quy tắc của cấp trên, do đó mà mâu thuẫn với hành vi cá biệt của cấp trên, ngoại trừ trường hợp các hành vi của cấp dưới thuộc loại quyền lập quy biệt lập. Đó cũng là trường hợp mà 1 quyền lập qui của cấp dưới mâu thuẫn với quyền lập qui của cấp trên, mà thí dụ điển hình nhất là quyền cảnh sát địa phương. Nếu một tỉnh chẳng hạn đã qui định tốc độ lưu thông tối đa là 100 cây số trong tỉnh thì các xã thuộc tỉnh này không được ấn định mức tối đa vượt quá 100 cây số, nhưng có quyền, do nhu cầu đặc biệt của địa phương, ấn định tốc độ tối đa là 60 cây số thôi. Trong trường hợp này quyết định của xã là hợp pháp mặc dù mâu thuẫn với quyết định của tỉnh.
*4: Và sau hết, nếu một quyết định mâu thuẫn với văn kiện cao hơn, nhưng lại phù hợp với cấp bậc pháp lý cao hơn nữa thì quyết định này vẫn coi là hợp pháp và hợp hiến.

MỤC II: CÁC HÀNH VI PHÁP LÝ DO NGUYÊN TẮC TRỌNG PHÁP CHI PHỐI
133._ Nhận xét tiên khởi tổng quát: Các hành vi pháp lý phải tôn trọng luật pháp chỉ gồm các văn kiện pháp lý thực sự, tức là tạo lập hay thay đổi được một tình trạng pháp lý khách quan hay chủ quan. Trong thực tế các cơ quan công quyền ban hành nhiều văn kiện, trong đó đa số là các hành vi pháp lý thật sự, nhưng cũng có nhiều hành vi không tạo lập hay thay đổi một tình trạng pháp lý nào cả. Thí dụ Quốc hội chất vấn Chính phủ hay nghe chính phủ phúc trình về một vấn đề mà không có biểu quyết gì cả thì không làm các hành vi pháp lý thực sự. Khi hành pháp mọi cấp bậc ra các huấn thị, thông tư, chỉ thị thì theo nguyên tắc cũng không làm một hành vi pháp lý thực sự, do đó các hành vi này không thể bị kiểm soát về hợp hiến tính và hợp pháp tính được. Tuy nhiên, có một số thông tư hay của hành pháp, trong thực tế, tạo lập các tình trạng pháp lý mới hay thay đổi tình trạng pháp lý cũ, thì các pháp đình công pháp thường đứng về phương diện thực chất để xét về bản chất pháp lý thực sự của hành vi và coi các thông tư và hành vi nội bộ (thí dụ các nội quy của Tối cáo Pháp viện, Giám sát viện và quốc hội) như là các hành vi pháp lý thực sự, do đó cũng phải do nguyên tắc trọng pháp chi phối (thí dụ bản án của Tối cao Pháp viện ngày 20-4-1971 đã coi một thông tư của Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử tối cao pháp viện như một quyết định hành chánh thực sự do đó phải được kiểm hiến và kiểm hợp pháp tính (xem tài liệu công pháp). Ngoài ra, các quyết định mặc thị do sự lặng thinh của các cơ quan công quyền tạo ra cũng được đồng hóa với các văn kiện pháp lý thực sự, nếu tạo lập được hay thay đổi một tình trạng pháp lý (án văn của T.C.P.V ngày 17-2-1971 Trần Hữu Phương, đã tuyên bố bất hợp pháp quyết định mặc nhiên tuyệt đối không trả lương cho đương sự). Tuy nhiên, theo ý chúng tôi thì bản án của T.C.P.V ngày 29-4-1970 Huỳnh Tấn Mẫm k/Bộ quốc phòng, đã lầm lẫn khi coi một trực tố lệnh truy tố như một quyết định hành chánh thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng tối cao pháp viện phán xử về hợp hiến tính (quyết định truy tố thực ra là một hành vi tư pháp mặc dầu đã do một cấp bậc hành chánh quân sự đã làm ra).
134._ Cũng cần nhận định thêm là chỉ những văn kiện nào được coi như thuộc về hệ cấp pháp lý mới có thể vừa làm nền tảng cho các hành vi pháp lý khác ở cấp bậc dưới, và một mặt khác, mới có thể do nguyên tắc trọng pháp chi phối trực tiếp được. đó là hệ quả của sự kết hợp giữa hệ cấp pháp lý và hoạt động pháp lý là hai thành phần của kỹ thuật pháp lý trong quan niệm cổ điển trội yếu của Pháp quốc. Hiện tượng này đã được chúng ta cụ thể hóa bằng quan niệm nội dung kỹ thuật của nghĩa vụ hành chính (Xem luật hành chánh trang 201-2023).
135._ Trong sự phân tích các hành vi pháp lý có thể bị kiểm soát về hợp pháp tính và hợp hiến tính, ta đã phân biệt hai lĩnh vực riêng biệt là các đạo luật cùng các sắc luật và các hành vi hành chính đơn phương. Các đạo luật và sắc luật chỉ có thể bị kiểm soát về hợp hiến tính (với sự dè dặt là các sắc luật ban hành do một đạo luật ủy quyền hay không). Còn về các hành vi hành chánh đơn phương, từ sắc lệnh của Tổng thống tới các quyết định hành chánh của cấp xã, thì các văn kiện hành chánh này có thể bị kiểm soát cả về hợp hiến tính lẫn hợp pháp tính.

TIẾT I: Phân biệt các lãnh vực lập pháp và lập qui:
a) Diễn biến các tiêu chuẩn:
136._ Sự phân biệt bản chất và lãnh vực của các hành vi lập pháp và các hành vi lập qui là một vấn đề quan trọng nên cũng rất tế nhị. Sự phân biệt có tính cách quan trọng vì nếu Hành pháp ban hành các văn kiện hành chánh thuộc về các vấn đề lập pháp thì bị coi là vi hiến hay vi luật. Ngược lại, ngay các đạo luật cũng không nên xâm phạm vào các lãnh vực lập quy của Hành pháp (tại Pháp quốc các hành vi lập pháp xâm phạm vào lãnh vực lập quy cũng bị chế tài).
137._ Một mặt khác, sự phân biệt quyền lập pháp và quyền lập quy cũng rất tế nhị và uyển chuyển, vì thay đổi tùy theo các thể chế chính trị và tùy theo chính sách phân phối nhiệm vụ lập pháp và hành pháp. TẠi nước ta, về đại cương, sự phân biệt các lãnh vực lập pháp và lập qui đã theo sát diễn tiến của vấn đề này tại Pháp quốc, mặc dầu chúng ta áp dụng các thể chế chính trị khác biệt hẳn Pháp quốc. Trong các giai đoạn lịch hiến chế Việt Nam, chúng ta chưa áp dụng nội các chế của Pháp quốc bao giờ (ngoại trừ Hiến chương lâm thời Việt Nam ngày 20-10-1964 có trù liệu trách nhiệm liên đới của Chính phủ trước quốc dân đại hội tương tự như trong nội các chế). Đa số các hiến pháp và hiến chương cùng ước pháp tạm thời của chúng ta đều phỏng theo Tổng Thống chế của Mỹ quốc hay của Phi Luật Tân. Nhưng đa số các luật gia ta đều được đào tạo theo hệ thống luật pháp Âu – Châu lục địa và chịu ảnh hưởng trực tiếp của Pháp quốc về kỹ thuật pháp lý nên đã dung hòa các chế độ đối phản một cách khá đặc biệt. Trong khuôn khổ chính trị của Tổng thống chế, chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật pháp lý của Pháp quốc về nội dung, nhất là về vấn đề phân biệt lãnh vực lập pháp với lãnh vực lập quy của Hành pháp.
138._ Như trên vừa nhấn mạnh, chúng ta đã theo sát diễn tiến kỹ thuật của Pháp quốc, nên sự phân biệt quyền lập pháp và lập qui của Việt Nam hiện tại, có thể nói rộng rãi hơn nữa, là tất cả sự tế phân cấp bậc lập qui trong nội bộ hệ thống hành pháp Việt nam cũng đã phỏng theo diễn tiến kỹ thuật Pháp quốc. Do đó ta phải khảo sát sự phân biệt quyền lập pháp với quyền lập qui bắt đầu từ giai đoạn nước ta thu hồi độc lập mới có thể nắm vững được vấn đề trong hiệ trạng.
139._ Trước hết có thể nói rằng, quyền lập qui và quyền lập pháp đã được phân biệt một cách khá minh bạch trong bản Hiến pháp tạm thời, tức là Dụ số 1 ngày 1-7-1949. Theo điều 3 kể trên, các quyết định của Quốc trưởng được ban bố bằng Dụ hoặc Sắc lệnh. Về các vấn đề có tính cách lập pháp mà thường phải do một đạo luật ấn định thì cần phải có một đạo Dụ. Do đó các Dụ tương đương với các đạo luật hiện tại và được đặt trên tiêu chuẩn “thường phải do một đạo luật ấn định” là một cố gắng kỹ thuật đề ấn định bản chất và lãnh vực của các văn kiện lập pháp về phương diện thực chất, chứ không căn cứ theo cấp bậc cơ quan hay hình thức ban hành. Theo Hiến pháp hồi đó, Quốc trưởng tập trung cả quyền lập pháp và lập qui và hơn nữa hai quyền này đều được hành xử cùng theo một thủ tục chung. Dụ hay quyết định hồi đó đều do Quốc trưởng ký sau khi được quyết định tại Hội đồng tổng trưởng (đối với các sắc lệnh quan trọng). Dụ cũng như Sắc lệnh đều được phó thự do Thủ tướng trong trường hợp Quốc trưởng không kiêm nhiệm Thủ tướng.
140._ Còn các sắc lệnh thì đã được định nghĩa như là các quyết định có tính cách thể lệ đặt ra để thi hành 1 đạo Dụ. Tiêu chuẩn thể lệ đặt ra để thi hành một đạo Dụ (Dụ phải hiểu theo nghĩa không những các đạo luật mà còn cả bản văn lập hiến nguyên khởi nữa), mặc dù chưa đầy đủ nhưng cũng đặt tạm thời được ranh giới cho quyền lập qui của hành pháp.
141._ Theo điều 5 Dụ số 1/49 thì Thủ tướng và các Tổng trường quyết định bằng Nghị định (sau này nước ta cũng phỏng theo Hiến pháp mới của Pháp quốc nên Thủ tướng có quyền ký Sắc lệnh bắt đầu từ Hiến chương lâm thời 20-10-64 điều 22 đoạn 2).
142._ Tất cả các sự phân biệt hiến định kể trên, tuy không chính xác nhưng trong thực tế được áp dụng rất dễ dàng vì chế độ Việt Nam đầu tiên này đã áp dụng toàn diện kỹ thuật của Pháp quốc thời đó, tức là đệ tứ cộng hòa. Khi do dự về tính cách của một vấn đề, hồi đó cũng như hiện tại, các luật gia Việt Nam thường hay tìm kiếm giải pháp trong các vấn đề tương đương tại Pháp quốc, không những về phương diện quyền hạn của các cơ quan mà ngay cả về chi tiết nội dung nữa.
143._ Tại đây cũng cần phải đề cập tới các cấp bậc văn kiện Việt Nam đã được ban hành dưới thời Pháp thuộc. Trong hệ thống Nam triều thì Nhà vua có quyền lập pháp tại Trung phần và Bắc phần, do đó ban bố các Chỉ Dụ, nhưng các chỉ dụ này vẫn phải được đại diện địa phương của Pháp quốc ban hành. Tại Nam phần và các nhượng địa cũ trước kia thì văn kiện lập pháp gồm các đạo luật của Pháp quốc được đặc biệt ban hành tại Đông dương và nhất là các Sắc lệnh của Tổng thống Pháp với danh nghĩa là lập pháp trong lãnh vực thuộc địa. Tất cả các văn kiện kể trên sau khi được Toàn quyền Đông dương ban hành đều có giá trị tương đương các đạo luật tại Việt Nam. Do đó, các văn kiện lập pháp kể trên, nếu còn được áp dụng tại Việt Nam vì không trái với Hiến pháp, chỉ có thể được bãi bỏ hay sửa đổi bằng các Dụ dưới thời Bảo Đại, hay các Sắc luật hoặc bằng các đạo luật hiện tại.
144._ Các nghị định Toàn quyền trước kia có thể coi như tương đương với các Sắc lệnh và Nghị định của Tổng thống hay Thủ tướng tùy theo vấn đề, nhưng một mặt khác về các vấn đề không quan trọng hoặc liên hệ đến các Bộ chuyên môn hiện tại thì các Nghị định Toàn quyền, Khâm sứ, Thống đốc hay Thống sứ trước kia, nay chỉ tương đượng với Nghị định của Tổng trưởng mà thôi. Nói cách khác, phạm vi lập pháp dưới thời thuộc địa được phân biệt rõ ràng với phạm vi lập qui về toàn diện. Nhưng sự phân phối cấp bậc lập qui trong nội bộ hành pháp dưới thời thuộc địa trước kia có phần tế nhị hơn, do đó các cơ quan hành chính phải thận trọng trong việc ấn định sự tương đương quyền hạn để bãi bỏ hay sửa đổi các chế độ cũ. Như trên vừa đề nghị, sự phân phối các cấp bậc lập qui trong nội bộ thay đổi tùy theo vấn đề, sự hạng và tính chất cùng lãnh vực chuyên môn của văn kiện, chứ không dùng tiêu chuẩn tương đương về cấp bậc hình thức như một vài luật gia hay chính trị gia thường đề nghị. (Không thể nói rằng Toàn quyền Đông dương trước kia tương đương với Tổng thống, hay các Thống sứ, Khâm sứ, Thống đốc trước kia tương đương với các chức Thủ tướng hoặc Tổng trưởng hiện tại).
145._ (…15-19).
b) Ranh giới giữa các lãnh vực lập pháp và lập quy:
152._ Vì hiện tại chúng ta vẫn phỏng theo kỹ thuật của Pháp quốc về đại cương nên có thể phỏng theo Hiến pháp Đệ Ngũ Công hòa Pháp mà xác định ranh giới giữa các lãnh vực lập pháp và lập qui với sự dè dặt là lãnh vực lập qui tại Việt Nam không được bảo vệ như tại Pháp quốc. Nói cách khác, tại Việt Nam cũng như dưới đệ tam và đệ tứ cộng hòa Pháp quốc, sự ấn định ranh giới của quyền lập qui với quyền lập pháp hiện nay tại Việt Nam, cũng như tại Pháp quốc trước kia, chỉ có một lợi ích duy nhất là tránh sự xâm nhập vào quyền lập pháp. Trong thực tế, bất cứ lúc nào Lập pháp cũng có thể xâm nhập vào lãnh vực lập qui của Hành pháp.
Lãnh vực lập pháp:
153._ Tại Pháp người ta coi vấn đề lập pháp là quan trọng và chính yếu, nên Hiến pháp đệ ngũ Cộng hòa đã ấn định lãnh vực của các đạo luật trước rồi mới tuyên bố tất cả các vấn đề khác còn lại có bản chất pháp qui. Theo điều 34 thì có 3 lãnh vực thuộc các đạo luật:
1) Các đạo luật loại thứ nhất ấn định các luật lệ liên quan tới các vấn đề sau đây:
– Các quyền dân sự và các bảo đảm căn bản của các công dân trong sự hành xử các tự do công cộng, các trách vụ bắt buộc vì lý do quốc phòng đối với công dân về thân thể và về tài sản;
– Sự qui định về trọng tội và khinh tội cùng các hình phạt áp dụng; thủ tục tố tụng hình sự; đại xá, sự tạo lập thêm các hệ thống tài phán mới và quy chế thẩm phán;
– Quốc tịch, nhân thân và năng lực các thể nhân, các chế độ hôn sản, các di sản và tặng dữ;
– Căn bản, tỉ lệ và các thể thức hành thâu mọi sắc thuế; chế độ phát hành tiền tệ.
2) Các đạo luật thuộc loại thứ nhì liên hệ tới các vấn đề sau:
– Chế độ bầu cử các Viện lập pháp và các Hội đồng địa phương;
– Sự tạo lập các loại công sở:
– Các bảo đảm căn bản của các chông chức dân chính và quân sự quốc gia;
– Các sự quốc hữu hóa xí nghiệp và sự giải tư các xí nghiệp công lập.
3) Các đạo luật thứ ba chỉ ấn định các nguyên tắc nền tảng về một số vấn đề nhưng dành cho quyền lập qui được tùy nghi chi tiết hóa. Nói cách khác, trong lĩnh vực này các văn kiện có hai cấp bậc, cấp bậc căn bản thuộc lập pháp và cấp bậc chi tiết thuộc lập quy. Các vấn đề thuộc loại thứ ba này là:
– Tổ chức đại cương việc quốc phòng;
– Sự tự do quản trị các pháp nhân địa phương; quyền hạn và tài nguyên của họ.
– Chế độ giáo duc;
– Chế độ quyền sở hữu, các quyền đối vật và các trách vụ dân sự và thương sự;
– Quyền làm việc, quyền nghiệp đoàn và quyền an ninh xã hội;
Ngoài ra các đạo luật tài chính ấn định các tài nguyên và trách vụ của Quốc gia trong các điều kiện và với các sự dè dặt trù liệu trong một đạo luật tổ chức;
* Các đạo luật kế hoạch ấn định các mục tiêu của hoạt động kinh tế và xã hội quốc gia. Tất cả các điều khoản của điều 34 đều có thể chi tiêt hóa và bổ túc bởi các đạo luật tổ chức.
_ Theo các điều 35 và 36 thì sự tuyên chiến cũng như sự kéo dài tình trạng giới nghiêm quá 12 ngày đều nhất thiết phải được quốc hội cho phép.
_ Theo điều 53 Hiến pháp Pháp quốc, cũng cần phải có các đạo luật để phê chuẩn các hòa ước, các hiệp định thương mại, các hiệp định liên quan tới tổ chức quốc tế, các hiệp định cam kết nền tài chính quốc gia, những hiệp định thay đổi các điều khoản lập pháp, những hiệp định liên hệ tới nhân thân, những hiệp định gồm chuyển nhượng, thay đổi hay phụ thêm về lãnh thổ.
154._ Như ta nhận thấy trong thực tế Hiến pháp đệ ngũ cộng hòa chỉ xác nhận lại tất cả các tập tục về sự phân biệt lãnh vực lập pháp với lập qui đã có từ trước. Và thực tế tập tục Việt Nam cũng tương tự như vậy, thiết tưởng có thể căn cứ vào đó mà ấn định ranh giới của quyền lập pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần phải thêm một số các vấn đề đã được minh thị dành riêng cho các đạo luật trong Hiến pháp đệ nhị Cộng hòa Việt Nam, đó là điều 12 do đó một đạo luật sẽ ấn định qui chế báo chí, điều 24 đoạn 3 dành sự ấn định các quyền đặc biệt cho các đồng bào thiểu số trong một đạo luật. Theo điều 29 thì mọi sự hạn chế các quyền công dân căn bản phải được qui định bởi một đạo luật có ấn định rõ phạm vi áp dụng trong thời gian và trong không gian. thể thức ứng cử và bầu cử Tổng thống và Phó tổng thống cùng các bầu cử dân biểu và nghị sĩ cũng đòi hỏi 1 đạo luật. Ngoài ra tất cả các cơ quan Hiến định như Hội đồng an ninh quốc gia, Tổ chức và điều hành nền hành chính địa phương, Tổ chức và điều hành Tối cao Pháp viện, tổ chức và điều hành Hội đồng thẩm phán, cũng như tổ chức và điều hành đặc biệt của Pháp viện, Giám sát viện, Hội đồng quân lực, Hội dồng văn hóa giáo dục, Hội đồng Kinh tế xã hội, Hội đồng các sắc tộc, cũng như quy chế chính đảng và đối lập chính trị, nhất thiết đều có trù liệu sự cần thiết 1 đạo luật. Còn về hiệp định quốc tế, mặc dầu theo văn từ của điều 39 đoạn 2, Hiến pháp Việt Nam, tập tục cũng như học lý, đã xác nhận là chỉ những hiệp ước và hiệp định quốc tế có các bản chất quan trọng tương tự như ghi trong điều 53 của Hiến pháp Pháp quốc, mới cần phê chuẩn bằng một đạo luật tại Việt Nam (Xem lập trường đối phản của luật gia Trương Tiến Đạt nguyên Tổng thư ký quốc hội lập hiến trong cuốn Hiến pháp chú thích).
Lĩnh vực lập qui:
Người ta thường phân biệt 3 loại quyền lập qui khác biệt, đó là quyền lập qui chỉ nhiệm (còn gọi là ủy nhiệm), quyền lập qui tự khởi và quyền lập qui độc lập.
155._ a) Quyền lập qui chỉ nhiệm là quyền ban hành các quy tắc hành chính để chi tiết hóa một văn kiện cấp trên do sự chỉ định và ủy nhiệm minh thị của văn kiện cao cấp  này. Thí dụ trong các đạo luật thường có một điều khoản tuyên bố minh thị là một sắc lệnh của Tổng thống hay một sắc lệnh của Thủ tướng sẽ ấn định các thể thức và điều kiện áp dụng các đạo luật này. Trong nội bộ của nền hành chánh cũng vậy, có nhiều sắc lệnh của Tổng thống hay Thủ tướng minh thị chỉ định Tổng trưởng này hay Tổng trưởng khác ban hành các nghị định để chi tiết hóa các Sắc lệnh nói trên. Trong tất cả các thí dụ trên đây, sự ủy nhiệm lập qui  (khác hẳn sự ủy nhiệm lập pháp) nhằm dành sự chi tiết hóa cho các cấp bậc có thẩm quyền thi hành, có khi kèm theo một thời hạn để hành sự chi tiết hóa nhưng thường lệ không ấn định một thời hạn nào cả.
Tại Pháp quốc, án lệ đã cho rằng sự thụ động không hành xử quyền lập qui chỉ nhiệm không thể phát sinh trách nhiệm của cơ quan phụ trách quyền lập qui vì các cơ quan này có toàn quyền thẩm định tính cách thích nghi trong sự hành xử quyền lập qui của mình. Nhưng thiết tưởng giải pháp này dành cho cơ quan có thẩm quyền lập qui toàn quyền quyết định có nên áp dụng một văn kiện cao cấp hơn đã chỉ nhiệm mình hay không. Trong thực tế đạo luật hay văn kiện hành chánh cao cấp kể trên không thể áp dụng được vì thiếu các thể thức và các điều kiện áp dụng. Lẽ dĩ nhiên, các văn kiện cao cấp có thể ấn định luôn mọi chi tiết áp dụng ngay trong bản văn của mình và như vậy thì các bản văn này sẽ áp dụng ngay. Còn trong sự tín nhiệm cấp dưới để ấn định chi tiết thi hành nên đã chỉ nhiệm cấp hữu trách hành xử quyền lập qui, chẳng lẽ sự áp dụng luật pháp lại có thể tùy thuộc hoàn toàn và sở thích của cấp hữu trách hay sao. Dù sao án lệ đã phải tỏ ra mềm dẽo và chấp nhận sự áp dụng tạm thời các văn kiện thiếu sót trong khi chờ đợi sự ban hành các qui tắc áp dụng.
156._ b) Quyền lập qui tự khởi là quyền hạn của mọi cấp bậc chấp hành các văn kiện của cấp bậc trên được tự động ấn định các điều kiện và thể thức thi hành, mà không có và cũng không cần một sự chỉ nhiệm nào cả, miễn là sự hành xử quyền lập qui này là cần thiết cho sự áp dụng các văn kiện cấp bậc cao hơn trong trường hợp các văn kiện cao cấp này thiếu sót về thể thức thi hành. Tuy nhiên quyền lập qui này không có tính cách biệt lập.
157._ Ngoài ra người ta thường coi lãnh vực Cảnh sát như thuộc về loại quyền lập qui biệt lập. Quyền lập qui này được coi như là một hệ thuyết của nghĩa vụ thi hành luật pháp (Theo án lệ L bone C.E. 1919). Dưới thời Đệ Tam Cộng Hòa Pháp quốc vì Tổng thống có nhiệm vụ thi hành luật pháp nên được là có quyền lập qui tự khởi trong lãnh vực cảnh sát (quyền ban hành bộ luật lưu thông trên đường bộ), vì án lệ và học lý cho rằng thi hành luật pháp gồm thêm cả quyền duy trì an ninh trật tự, tức là quyền tạo ra khunh cảnh cần thiết cho sự thi hành luật pháp về toàn diện. Bắt đầu từ đệ tứ cộng hòa thì Thủ tướng chính phủ có nhiệm vụ thi hành luật pháp nên người ta cho rằng quyền lập qui biệt lập đã được chuyển sang quyền hạn của Thủ tướng. Quyền lập qui này thường được gọi là quyền lập qui biệt lập vì nó không phải là sự chi tiết hóa một đạo luật nào cả. Tại Việt Nam quan niệm trên đây cũng được chấp nhận, nên bộ luật giao thông của ta cũng được ban hành bằng sắc lệnh chứ không được qui định trong đạo luật (Sắc lệnh số 037 ngày 12-2-1967 qui định sự lưu thông đường bộ). Trong một lãnh vực rộng rãi hơn quyền Cảnh sát, người ta cũng thường cho rằng các Tổng trưởng và các chỉ huy các cơ quan cao cấp cũng có quyền lập qui tự khởi để ấn định mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sự điều hành đúng mức của cơ quan (án lệ Jamart C.E. 1936).
1958._ c) Sau hết người ta thường công nhận cho vị Quốc trưởng trong mọi thể chế một quyền hạn mạnh mẽ thường gọi là quyền hạn dĩ nhiên (inherent power) không bắt nguồn trực tiếp tại một điều khoản nào của Hiến pháp, nhưng phải coi như tất yếu cho nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia mà vị đó đảm nhiệm. Trước kia sự tuyên chiến hay sự nghị hòa đều được coi như thuộc thẩm quyền dĩ nhiên của vị Quốc trưởng. Sự tuyên bố hay sự áp dụng các tình trạng bất thường với các biện pháp đặc biệt thích ứng trong họ lý các trường hợp bất thường đều coi như thuộc về quyền hạn dĩ nhiên hay tất nhiên của vị Quốc trưởng đại diện cho quyền chủ tể Quốc gia trong các lãnh vực đối nội cũng như đối ngoại. Về giới hạn của các quyền hạn kể trên thì như cố Tổng thống Roosevelt đã quan niệm, ông ta không thể nhìn nhận là một Tổng thống lại có thể từ chối không làm mọi biện pháp cần thiết cho quốc gia. Quốc trưởng có quyền và có bổn phận phải làm tất cả những gì nhu cầu của quốc gia đòi hỏi ở người lãnh đạo, ngoại trừ trường hợp Hiến pháp hay các đạo luật minh thị cấm đoán. Tại Việt Nam, dầu không chấp nhận quan niệm quyền dĩ nhiên của Hành pháp, phải nhận định rằng Tồng thống cũng có quyền lập qui hoàn toàn độc lập với Lập pháp được trù liệu một số vấn đề torng hiến pháp như sự bổ nhiệm và sự cải tổ Chính phủ, làm các hành vi ngoại giao, ân xá và mọi hành vi thuộc quyền Tổng tư lệnh tối cao Quân lực. Sau sự định giới toàn diện quyền lập qui so chiếu với lãnh vực lập pháp, nay cần phải phân tích cấp bậc quyền lập qui trong nội bộ hệ thống Hành pháp.
1959._ Vấn đề quan trọng thứ nhất là phân biệt lãnh vực lập qui của Tổng thống với lãnh vực lập qui của Thủ tướng Chính phủ. Như trên đã nói, bắt đầu từ Hiến chương lâm thời tháng 10-64, Thủ tướng cũng ký  các sắc lệnh và nghị định như Tổng thống nhưng lẽ dĩ nhiên quyền hạn của Thủ tướng khác quyền hạn của Tổng thống. Dưới chế độ Hiến chương Lâm thời và chế độ Ước pháp tạm thời, Viêt Nam đã phỏng theo sự phân biệt quyền hạn giữa Tổng thống và Thủ tướng của Pháp quốc theo đệ ngũ cộng hòa Pháp. Đại cương tất cả các vấn đề quan trọng đều được qui định bằng sắc lệnh Quốc trưởng, các vấn đề thứ yếu thì được qui định trong các sắc lệnh của Thủ tướng. Sự phân biệt này cũng phù hợp một phần nào với sự phân biệt các lãnh vực chính trị và hành chánh, lãnh vực chính trị thì quan trọng thuốc thẩm quyền của Tổng thống, còn lĩnh vực hành chánh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
160. Hiến pháp đệ nhị cộng hòa đã đặt một tiêu chuẩn mới có phần hợp lý hơn. Trước hết theo điều 58 Hiến pháp, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm các nhân viên chính phủ. Hơn nữa, sự cải tổ toàn diện hay một phần chính phủ đều do Tổng thống quyết định hoặc tự ý hoặc sau khi có khuyến cáo của Quốc hội. Theo vậy, thủ tướng là người đại diện Tổng thống, tùy thuộc hoàn toàn vào Tổng thống, được bổ nhiệm mà không cần sự tấn phong của Quốc hội và cũng không thể bị quốc hội trực tiếp lật đổ được. Theo điều 67 đoạn 2 Hiến pháp, Thủ tướng chỉ chịu trách nhiệm về thi hành chính sách Quốc gia đối với Tổng thống mà thôi, tức là không có trách nhiệm cá nhân hay liên đới chính trị đối với Quốc hội một cách trực tiếp được. (hay). Tuy nhiên, quyền hạn của Thủ tướng không phải là một thẩm quyền thụ ủy mà là một quyền hạn hiến định, khác hẳn quyền hạn của tống thống. Theo điều 67 đoạn 1, thủ tướng điều khiển Chính phủ và cơ cấu Quốc gia. Và mặc dù Hiến pháp không ấn định minh thị một lãnh vực riêng cho Thủ tướng và cũng không hề đả động gì đến quyền lập qui của Thủ tướng, nhưng ai cũng nhìn nhận rằng sự điều khiển Chính phủ và các cơ cấu hành chánh Quốc gia tiên niệm bắt buộc Thủ tướng phải có quyền lập qui. Mà vì quyền lập qui này không quan trọng nên thủ tướng cũng ban hành cả các Sắc lệnh trong sự tiếp nối tập tục và Nghị định Thủ tướng. Quyền lập qui của Thủ tướng được định giới trong hai nhiệm vụ, đó là nhiệm vụ điều khiển chính phủ và nhiệm vụ điều khiển các cơ cấu hành chánh quốc gia.
161._ Nhiệm vụ điều khiển Chính phủ có tính cách chính trị rõ rệt và thuộc về lãnh vực quan trọng nên được thể hiện bằng các sắc lệnh của thủ tướng. Sự điều khiển cơ cấu hành chánh quốc gia gồm hai cấp bậc. Các vấn đề quan trọng mà trước kia dưới thời đệ nhất cộng hòa được qui định bởi sắc lệnh Tổng thống thì nay được qui định bằng sắc lệnh thủ tướng. Các vấn đề hành chánh thứ yếu trước kia thuộc lãnh vực Nghị định của Tổng Thống thì nay một số nhỏ thuộc phạm vi các Sắc lệnh Thủ tướng, còn phần nhiều thuộc phạm vi Nghị định Thủ tướng. Trong thực tế, lãnh vực lập qui của Thủ tướng rất bao quát, vì về kỹ thuật pháp lý, sự điều khiển Chính phủ và các cơ cấu hành chánh quốc gia bao gồm các lãnh vực rất tạp lục.  …
(161-168 trang 33).
b) Sự ủy nhiệm lập pháp:
169._ …174 trang 37.

MỤC III._ CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT HỢP PHÁP VÀ BẤT HỢP HIẾN

TIẾT I._ CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT HỢP PHÁP.
Các hà tì làm một hành vi hành chánh bất hợp pháp đã được ấn định minh thị trong dụ số 38/54 ngày 9-11-1954, điều 9 đoạn 3 như sau:
– Lạm quyền,
– Vô thẩm quyền,
– Vi luật,
– Hành vi không có lý do hay căn cứ vào lý do không xác thực.
Chế độ Việt Nam đã được phỏng theo chế độ của Pháp quốc và cũng tương tự như kỹ thuật của Mỹ quốc (tại Mỹ thì có các hà tì vô thẩm quyền, vi luật và tính cách bất hợp lý của hành vi).
176._ a) Vô thẩm quyền:
Một hành vi hành chánh ban bố do một cơ quan vô thẩm quyền để làm hành vi đó thì coi là bất hợp pháp vì hà tì vô thẩm quyền. Người ta thường phân biệt các sự vô thẩm quyền về thực chất và vô thẩm quyền về quản hạt, tương tự như trong sự khảo sát thẩm quyền của các Tòa án. Thật vậy, mỗi cơ quan hành chánh chỉ có thẩm quyền về một loại và trong một quản hạt có giới hạn. Thí dụ Tỉnh trưởng không thể ban hành các văn kiện hành chánh về vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng trưởng hay của Thủ tướng. Mặt khác tỉnh trưởng cũng không thể quyết định về các vấn đề liên quan tới các tỉnh lân cận nếu không có sự thỏa thiệp của các tỉnh này.
177._ Đứng về phương diện khác, người ta cũng thường phân biệt sự vô thẩm quyền theo chiều ngang và vô thẩm quyền theo chiều dọc. Khi sự vô thẩm quyền liên quan đến thẩm quyền các cấp bậc ngang hàng thì là vô thẩm quyền theo chiều ngang hay theo bình phẳng. Thí dụ sự xâm lấn quyền hạn giữa Nha Tổng thư ký và Nha Đổng lý Văn phòng hoặc giữa các Nha Giám đốc trong một Bộ với nhau hoặc trong tương quan giữa các cấp bậc địa phương ngang hàng.
178._ Sự vô thẩm quyền theo chiều dọc có thể phân ra làm 2 chiều. Trước hết là vô thẩm quyền từ trên xuống dưới, thí dụ như Tổng trưởng làm các hành vi thuộc thẩm quyền của Giám đốc các Nha sở. Theo nguyên tắc mỗi cấp bậc có thẩm quyền riêng biệt. Trong hệ thống thượng cấp, cấp trên không thể quyết định thay thế cho cấp dưới, mà có thể chỉ thị cho cấp dưới quyết định theo chính sách của mình. Nói cách khác, cấp trên không có quyền thế quyết, tức là quyết định thay thế cho cấp dưới mà chỉ có quyền chỉ thị cho cấp dưới quyết định trong phạm vi của họ. Trái lại, trong hệ thống giám hộ thì cơ quan thủ hộ có quyền thế quyết cho cơ quan bị giám hộ về các nghĩa vụ bắt buộc của họ. Cơ quan thượng cấp có quyền sửa lại quyết định của cấp dưới cho thích thời hay hợp pháp, còn cơ quan giám hộ thì lại có quyền duyệt y các quyết định hợp pháp và thủ tiêu các quyết định bất hợp pháp của cấp dưới mà thôi. Nếu các cơ quan cấp trên không hành xử thẩm quyền theo đúng hệ thống thượng cấp hay giám hộ thì sẽ phạm vào hà tì vô thẩm quyền từ trên xuống dưới.
179._ Ngược lại, nếu cấp dưới mà hành xử thẩm quyền của cấp trên là vô thẩm quyền từ dưới lên trên. Trong thực tế có ít trường hợp mà cơ quan cấp dưới lại dám quyết định về thẩm quyền của cấp trên. Các thí dụ về vô thẩm quyền trong lãnh vực này thực ra liên quan tới vấn đề ủy quyền, trong đó cấp dưới được ủy quyền nhưng đã đi ra ngoài sự ủy quyền trong quyết định của mình.(hay). Các thể thức ủy quyền rất phổ thông trong nền hành chánh vì các cấp bậc quan trọng thưởng không thể đa đoan trong mọi lĩnh vực, nên thường ủy quyền cho cấp dưới để nhân danh mình mà quyết định và ban hành quyết định hành chánh. Văn kiện được ban hành do sự ủy quyền hợp lệ phải coi như chính cấp bậc ủy quyền đã quyết định. Sự ủy quyền có nhiều thể thức và tất cả các thể thức ủy quyền đều khác biệt với sự quyền nhiếp và chế độ xử lý thường vụ.
180._ Trong chế độ quyền nhiếp, người hành xử thẩm quyền được cử nhiệm tạm thời trong khi chờ đợi bổ nhiệm người thực thụ hay vì người đảm nhiệm quyền nhiếp chưa đủ điều kiện luật định để được thực thụ. Người quyền nhiếp có đầy đủ thẩm quyền hệt như người thực thụ và hành xử quyền của mình trực tiếp mà không có sự ủy nhiệm.
181._ Chế độ xử lý thường vụ cũng tương tự như vậy. Người xử lý thường vụ hành xử tạm thời quyền hạn được giao phó hoặc vì người thực thụ vắng mặt, hoặc mặt dù không có người thực thụ nhưng, nhưng người xử lý thường vụ không đủ điều kiện để được bổ nhiệm thực thụ. Thí dụ Tổng trưởng của một bộ, phải xử  lý thường vụ thêm 1 bộ khác trong khi bộ trưởng này vắng mặt, một giám đốc xử lý thường vụ Tổng thư ký trong một bộ, hoặc một Bộ trưởng trong chính phủ từ chức, tạm thời tiếp tục nhiệm vụ cũ trong khi chờ đợi thành lập tân Chính phủ. Nhưng có một điểm quan trọng giữa chế độ quyền nhiếp và chế độ xử lý thường vụ, đó là, người xử lý thường vụ không có đầy đủ quyền hạn của người quyền nhiếp hay người thực thụ. Người xử lý thường vụ chỉ có quyền làm những công việc thông thường, không có tính cách quan trọng, để duy trì sự liên tục của công vụ mà thôi. Nếu vượt quá thẩm quyền thường vụ này thì hành vi của họ có hà tì vô thẩm quyền. Trong thực tế, hà tì này thường xảy ra luôn, vì người xử lý thường vụ vượt quá quyền hạn của mình, nên án lệ tại Pháp chế tài sự vô thẩm quyền này một cách khá triệt để.
182._ Các thể thức ủy quyền thực sự nhiều khi cũng không được tôn trọng. Trước hết theo nguyên tắc một cấp bậc chỉ được ủy quyền cho một cấp bậc khác một cách minh hti5 khi nào luật lệ cho phép. Ví dụ vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Tổng trưởng nội vụ quyết định thay thế cho mình. Trong chế độ tản quyền trung ương hiện tại, sự ủy quyền thường được trù liệu minh thị để các cấp địa phương có thể giải quyết vấn đề ngay tại chỗ (Xem Luật hành chánh quyền II). Nhưng thường thường, người ta áp dụng sự ủy quyền gián tiếp và mặc thị bằng cách cho phép các cấp bậc dưới được ký các văn kiện thay thế cho mình theo các thể thức ký thay, thừa ủy nhiệm hay theo lệnh của cấp trên.
183._ Thể thức ký thay, theo nguyên tắc, không làm thay đổi cấp bậc của hành vi, vì hành vi đã được quyết định do cấp trên, với sự cho phép cấp dưới được ký thay mình. Nhưng trong thực tế thì cấp dưới thường lạm dụng sự cho phép mà quyết định luôn theo quan niệm của mình trước khi ký thay.
184._ Trong thể thức thừa ủy nhiệm khi thì có sự ủy nhiệm minh thị, khi thì chỉ là sự ủy nhiệm mặc thị. Nhưng nếu sự ủy nhiệm hợp lệ thì cấp thụ ủy có quyền quyết định theo ý mình.
185._ Trong thể thức theo lệnh hay thừa lệnh thì thực ra không có sự ủy quyền thực sự, vì cấp ký văn kiện đã quyết định và ký theo đúng thẩm quyền của mình, nhưng đã theo chỉ thị của cấp trên mà quyết định như vậy. Trong thực tế, tại Việt Nam, người ký thừa lệnh thường ký văn kiện thuộc cấp bậc ra lệnh của mình như vậy, nhưng ký thay.
Trong tất cả các thể thức ủy quyền trực tiếp hay gián tiếp minh thị hay mặc thị kể trên, nếu cơ quan thụ ủy vượt quá sự ủy quyền hay sự ủy quyền bất hợp lệ thì hành vi có hà tì vô thẩm quyền theo chiều dọc từ dưới lên trên.
186._ Người ta cũng thường ghi nhận một số hành vi vô thẩm quyền trong thời gian. Đó là trường hợp lúc ký văn kiện quan trọng, tác giả chưa có đầy đủ quyền hạn cần thiết, thí dụ như một chức chưởng mới được cử nhiệm tạm thời để xử lý thường vụ trong khi hoàn tất thủ tục bổ nhiệm, hoặc tác giả đã mất các quyền hạn của chức chưởng thực thụ nhưng còn ở lại để duy trì sự liên tục của công vụ. Trong các trường hợp này, tác giả của hành vi chỉ có quyền hạn xử lý thường vụ, tức là, theo ý nghĩa của danh từ, chỉ có quyền hạn làm các hành vi thường vụ để duy trì sự liên tục chứ không có quyền hạn quyết định, như chính thức bổ nhiệm các công chức cao cấp hay ấn định chính sách của cơ quan.
187._ Đứng về phương diện lý thuyết trừu tượng, một số luật gia đề nghị phân biệt các hành vi vô thẩm quyền về phương diện tiêu cực và về phương diện tích cực. vô thẩm quyền tích cực là trường hợp phổ thông nhất, trong đó một cấp bậc hành chánh làm một hành vi tích cực không thuộc thẩm quyền của mình. Còn trường hợp vô thẩm quyền tiêu cực thì tiên niệm là tác giả vô tình hay hữu ý không hành xử thẩm quyền của mình mặc dù theo luật lệ thì mình có bổ phận phải hành xử thẩm quyền này. Thí dụ cảnh sát an ninh từ chối, không can thiệp vào một vụ ẩu đả trên công lộ, Cảnh sát công lộ từ chối không lập biên bản tai nạn lưu thông theo lời yêu cầu của các đương sự, là các ví dụ điển hình về các trường hợp vô thẩm quyền tiêu cực. Tuy nhiên, phải nhận định rằng, thường thường các trường hợp vô thẩm quyền tiêu cực này được tiêu biểu do sự im lặng của cơ quan không trả lời sự khiếu nại hay thỉnh cầu của công dân. Luật pháp có khi đồng hóa sự lặng thinh quá một thời hạn nhất định với một quyết định cho phép hay chấp nhận thỉnh cầu của đương sự (như trong chế độ xin phép xây cất). Nhưng trong các trường hợp phổ thông thì sự lặng thinh kéo dài quá hai tháng phải coi như một quyết định mặc thị bác khước (điều 21 Dụ số 38/54 ngày 9-11-1954), nên nhận định rằng theo lý thuyết vô thẩm quyền tiêu cực, thì sự từ chối không hành xử quyền hạn, phải căn cứ trên lý do là cơ quan tưởng mình không có thẩm quyền để làm hành vi mà đương sự đòi hỏi, chứ nếu từ chối vì các lý do khác thì hoặc là vi luật hoặc là lạm quyền hay hành vi căn cứ vào các lý do không xác thực (hay).
188._ Học lý vô thẩm quyền tiêu cực có lợi ích kỹ thuật trong sự xây dựng quan niệm nghĩa vụ hành chính của các cơ quan đối với người công dân. Thực vậy, các kỹ thuật gia cho rằng có thể dùng các trường hợp mở tố tụng chống thặng quyền hiện tại để chế tài mọi sự thụ động của cơ quan hành chánh, bằng cách tế phân các hà tì (hay!) làm các hành vi bất hợp pháp về phương diện tiêu cực. Thí dụ, có thẩm quyền mà từ chối không hành xử mà lấy lý do không có thẩm quyền thì là vô thẩm quyền tiêu cực. Các trường hợp bất hợp pháp khác như lạm quyền và vi luật cũng vậy, đều có hai phương diện tích cực và tiêu cực. Riêng các phương diện tiêu cực thì nhằm chế tài sự thụ động không hành xử quyền hạn (như thụ động không hành xử quyền hạn để theo đuổi các mục đích cá nhân trong công vụ thì cũng không khác chi hành xử quyền hạn để theo đuổi mục đích cá nhân. Một hành vi tích cực mâu thuẫn với luật pháp thì cũng không khác chi một hành vi thụ động trái với luật pháp).
189._ b) Vi luật:
Nhà lập pháp Việt Nam đã tổng hợp hai loại hà tì khác biệt trong trường hợp vi luật. Đó là hà tì hình thức của hành vi, được coi là vi luật về hình thức và thủ tục, và các hà tì nội dung của hành vi là vi phạm luật pháp về nội dung.
190._ Hà tì hình thức: Hoạt động hành chánh có một lề lối truyền thống và luật định nên sự hành xử các quyền nhạn cũng phải tôn trọng một hình thức và một thủ tục tối thiểu. Các hình thức và thủ tục hành chánh nhằm mục đích bảo vệ công vụ, nhắc nhở cho các cấp bậc hành chánh nhằm mục đích bảo vệ công vụ, nhắc nhở cho các cấp bậc hành chánh là hoạt động công vụ, nếu không hẳn là thiêng liêng, thì ít nhất cũng là một bổn phận có trách nhiệm đặc biệt nên cần phải vô tư và liêm khiết, không thể trà trộn nhiệm vụ với hoạt động cá nhân. Thủ tục hành chánh chấp hành cũng còn nhằm tránh sự sa ngã cho người công chức mọi cấp bậc và là kỹ thuật làm sáng tỏ vấn đề dưới mọi khía cạnh để cho quyết định của mỗi cấp bậc, và là kỹ thuật làm sáng tỏ mọi vấn đề dưới mọi khía cạnh để cho quyết định của mỗi cấp bực được sáng suốt và hợp lý. Trong nhiều trường hợp, khi ấn định các thủ tục đặc biệt, luật pháp còn lưu ý tới sự bảo đảm cho các đương sự liên hệ tới các hoạt động hành chính. Thí dụ điển hình nhất là quyền được thông tri hồ sơ và quyền được biện bạch trước hội đồng kỷ luật trong chế độ kỷ luật đối với công chức. Trong thủ tục về sinh thành phố, cũng như trong chế độ khai tệ nhà phố, các sở hữu chủ bât động sản bị coi là thiếu vệ sinh hay đe dọa sự sụp đổ đều có các bảo đảm về thủ tục rât quan trọng nhằm tránh sự độc tài hay sự sơ suất của các cơ quan hành chánh. Tại Việt Nam, theo nguyên tắc, các hành vi hành chính được quyết định đơn phương, tức là khi quyết định cơ quan đứng riêng về phương diện riêng của cơ quan, với quan niệm riêng của cơ quan về sự thích hợp của giải pháp.  Thành thử trong nhiều trường hợp, các công dân liên hệ đến cac việc quan trọng thường không được biết trước để bày tỏ ý kiến ngõ hầu soi sáng vấn đề, nên các bảo đảm mà luật ấn định trong một vài chế độ là biệt lệ. Còn các thủ tục hành chánh chấp hành tại Mỹ quốc thì các cơ quan hành chánh thường thông báo trước cho các giới liên hệ biết các dự thảo quyết  định. Hơn nữa người công dân liên hệ còn được biết trước ngày nào có phiên họp của ủy ban đặc trách thâu thập ý kiến của giới liên hệ. Trước ủy ban, người công dân không những được tham bác ý kiến mà còn có quyền tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Ủy ban phải thâu thập đầy đủ ý kiến và phúc trình lên cấp hữu trách. Chức chưởng có thẩm quyền quyết định như vậy được biết rõ nguyện vọng của dân chúng và các ưu điểm cùng nhược điểm dự thảo quyết định. Do sự hợp tác này mà các quyết định hành chánh ở Mỹ quốc, mặc dù vẫn giữ nguyên tính đơn phương cuối cùng, nhưng rất thích hợp với các dữ kiện thực tế (tất cả các giai đoạn này thường được coi là thuộc về nguyên tắc hiến định Due process of law: tiến trình hợp pháp), nay đã quy định đầy đủ hơn trong một đạo luật liên bang về thủ tục hành chánh chấp hành vào năm 1946 (Administrative procedure Act: Luật thủ tục hành chính).
191._ Đứng về phương diện chế tài thì các hà tì về hình thức thường được phân biệt ra làm 2 loại chính là các hà tì có tính cách trật tự công cộng và các hà tì không có tính cách trật tự công cộng.
Loại thứ nhất gồm mọi sự vi phạm vào các hình thức và thủ tục hiến định hay luật định coi như cần thiết cho các loại hành vi pháp đặc biệt. Thí dụ thủ tục tu chính hiến pháp phải đầy đủ và long trọng hơn thủ tục lập pháp thường. Một số sắc lệnh quan trọng phải được quyết định tại Hội đồng Tổng trưởng. Tại Pháp chẳng hạn, các sắc lệnh hành chánh công vụ (décret d’administration publique: Nghị định hành chính công) phải được quyết định tại Hội đồng Tổng trưởng và hỏi ý kiến Tham chính viện. Các sắc luật trước kia tại Pháp quốc cũng vậy, mặc dầu đã có ủy quyền lập pháp, vẫn phải quyết định tại Hội đồgn Tổng trưởng và có sự tham bác ý kiến của Tham chính viện. Trong thủ tục truất hữu, riêng về giai đoạn hành chính chấp hành, thủ tục điều tra kế tiếp các văn kiện hành chính là cần thiết. Đó là các trường hợp gọi là hình thức có tính cách trật tự công cộng mà sự vi phạm đương nhiên làm các văn kiện pháp lý vô giá trị. Tại Việt Nam trước kia, theo bản văn tổ chức, Tham chính viện, luật có quy định một số trường hợp các cơ quan hành chánh bắt buộc phải hỏi ý kiến Tham chính Viện trước khi ban hành các quyết định. Các cơ quan có thể  không theo ý kiến của Tham chính viện, nhưng riêng sự cần thiết phải tham bác ý kiến của Tham chính viện được coi là một hình thức có tính cách trật tự công cộng, nếu thiếu sót hành vi pháp lý sẽ đương nhiên vô giá trị.
192_Ngược lại, các hình thức và thủ tục khác thường là không có tính cách trật tự công cộng, tức là hà tì có thể được bao yểm do sự từ khước viện nại của đương sự vì các hình thức này chỉ nhằm bảo đảm cho các tư nhân trong các thủ tục hành chánh.  Các chế độ về kỷ luật, chế độ vệ sinh và khai tệ nhà phố, các điều tra tiện và bất tiện .v.v.. đều nhằm bảo đảm cho các đương sự về các vấn đề liên hệ. Cũng đứng riêng về phương diện chế tài, người ta thường phân biệt hai hình thức: Các hình thức tất yếu và các hình thức không tất yếu. Các hình thức tất yếu là cá bảo đảm quan trọng nhất thiết cần phải có, mọi sự vi phạm do đương sự viện dẫn nại ra đều làm cho hành vi đó đương nhiên bất hợp pháp về hình thức. Còn về hình thức không tất yếu thì sự vi phạm không có hậu quả làm cho hành vi đương nhiên bất hợp pháp được. Luật gia Waline đề nghị tiêu chuẩn sau đây để phân biệt hậu quả các hà tì về hình thức: Nếu hà tì hình thức không ảnh hưởng hoặc không thể ảnh hưởng tới nội dung của giải pháp đã quyết định thì các hà tì này dầu có thực cũng không làm hành vi bất hợp pháp. Trong các trường hợp gọi là hình thức tất yếu sở dĩ sự vi phạm làm hành vi hành chánh đương nhiên bất hợp pháp chính vì thủ tục hình thức cho phép đương sự được biện minh và tranh luận nên sự kiện này có thể làm thay đổi được giải pháp nội dung, do đó có thể cho rằng vì thiếu bảo đảm tất yếu này mà quyết định có thể lầm lẫn về nội dung.
193._ Vi luật về nội dung: Trường hợp này gồm nhiều khía cạnh:
Trước hết vì luật về nội dung có thể, hoặc là mâu thuẫn hiển nhiên theo văn từ đối với một văn kiện cấp bậc cao hơn, hoặc chỉ mâu thuẫn với tinh thần của văn kiện cao cấp hơn. Sự mâu thuẫn này có thể xảy ra hoặc do sự lầm lẫn pháp lý hoặc do sự hiểu lầm về các sự kiện thực tế là điều kiện hay tiêu chuẩn của văn kiện, tức là sự lầm lẫn về sự quy danh pháp lý các sự kiện. Sự hiểu lầm luật pháp có thể liên quan tới chế độ nội dung hay liên quan tới mục đích của chế độ nội dung. Có thể hiểu lầm về văn kiện cao cấp làm nền tảng, cũng như có thể hiểu lầm về tầm hạn của chính hành vi của mình mà mình không ngờ như vậy.
194._ Các sự mâu thuẫn có thể đặt ra một số vấn đề tế nhị, mâu thuẫn giữa một quyết định cá biệt với một qui tắc hành chánh hay ngược lại, mâu thuẫn với một cấp bậc hành vi cao hơn, nhưng lại phù hợp với một văn kiện cấp bậc cao hơn nữa (Ví dụ một sắc lệnh của Thủ tướng trái với một đạo luật nhưng lại phù hợp với Hiến pháp, một nghị định của Tổng trưởng trái với sắc lệnh của Thủ tướng nhưng lại phù hợp với đạo luật).
195._ Như trên đã nói, tại đây cũng có thể phân biệt vi luật tích cực là một hành vi hành chánh tích cực mâu thuẫn với luật pháp, và vi luật tiêu cực, tức là trường hợp thụ động mâu thuẫn với luật pháp. Sự phân biệt này có giá trị thực tế trong các lãnh vực thẩm quyền lệ quyết, tức là các lãnh vực mà quyết định của cơ quan bị ràng buộc chặt chẽ và máy móc bởi các điều kiện đã được luật lệ ấn định sẵn. Thí dụ từ chối, không ghi danh hco 1 sinh viên đầy đủ điều kiện luật định như đã đóng tiền học phí đầy đủ trong suốt năm là vi luật tích cực. Trong lĩnh vực thẩm quyền chuyên quyết thì sự chế tài các hành vi vi luật tiêu cực trở nên tế nhị hơn chính vì cơ quan có quyền thẩm định tính cách thích nghi về hành vi của mình. Trong thực tế hiện tại, cả 2 phương diện, vi luật tích cực và vi luật tiêu cực đều bị chế tài, nhưng án lệ không phân biệt phương diện tiêu cực hay tích cực của vi luật. Tuy nhiên phải nhận định rằng khía cạnh tiêu cực của sự vi luật làm sáng tỏ quan niệm thẩm quyền nghãi vụ của cơ quan đối với các công dân.
196._ c) Hành vi hành chánh không có lý do hay căn cứ vào các lý do không xác thực:
Thẩm quyền toàn diện của cơ quan hành chánh cũng như quyền hạn của mọi cấp bực hành chánh trong quan niệm cứu cánh của quyền hạn, đều được luật lệ và tập tục thiết lập để thoe đuổi một chính sách, một mục tiêu rõ rệt cho mỗi quyền hạn trong sự thi hành nhiệm vụ toàn diện là thi hành luật pháp để thỏa mãn nhu cầu công cộng thông thường. Quyền hạn chức chưởng được ban cho chức vị thuộc mọi cấp bậc hành chánh để đạt cho được các mục tiêu đặc biệt trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan. Do đó, mỗi quyền hạn của mỗi chức vị hay cấp bậc có các lý do pháp lý rõ rệt. Nhưng trong nhiều trường hợp nhà làm luật không minh thị ấn định lý do hay mục đích của quyền hạn nhưng không phải vì vậy mà các quyền nhạn đó không cần phải có lý do. Thực vậy, quan niệm cứu cánh về lý do của quyền hạn là một quan niệm căn bản toàn diện. Nói cách khác, ngay cả trong trường hợp mà luật lệ có qui định quyền hạn làm hành vi này hay áp dụng giải pháp kia mà không cần viện dẫn lý do đi chăng nữa, thì luật pháp và án lệ vẫn coi rằng các quyền hạn đó vẫn phải có lý do (tác giả của hành vi chỉ được miễn viện dẫn tức là ghi lý do trong quyết định của mình mà thôi).
197._ Sự kiểm soát lý do là một kỹ thuật sắc bén để chế tài các hoạt động phi lý của cơ quan hành chánh. Nhưng phải nhận định thêm rằng, nó là một phương tiện chế tài rất tế nhị, vì điểm quan trọng nhất là kỹ thuật chế tài cũng cần phải tránh cả sự độc tài của Thẩm phán xét xử về hành chánh. Thực vậy, nếu không đặt các tiêu chuẩn và giới hạn rõ rệt thì Thẩm phán xét xử có thể đi quá quyền hạn và nhiệm vụ của mình trong sự quá sốt sắng chế tài hoạt động hành chánh. Do vậy, luật lệ thường không ấn định các lý do cho các quyền hạn hành chánh. Do đó công việc tìm kiếm lý do luật định cần phải thực hiện một cách sáng suốt. Mọi sự lầm lẫn trong sự xác định lý do pháp lý của quyền hạn có thể coi là một phản bội kỹ thuật đưa tới sự biến chất hay biến dạng của các định chế tài chánh. Hơn nữa sự chế tài các hành vi về phương diện lý do cũng cần phải được giới hạn. Thẩm phán chỉ có thể kiểm soát xem lý do cơ quan viện nại có xác thực hay không, rồi kiểm soát xem lý do xác thực này có phù hợp với lý do pháp lý của quyền hạn hay không. Và tới đó là hết giới hạn của sự kiểm soát và chế tài của Thẩm phán. Thẩm phán không thể đi quá giới hạn này mà xâm nhập vào trong lãnh vực chuyên độc hành chánh để kiểm soát luôn tính cách thích nghi của quyết định hành chánh bị dị nghị, hay nói cho đúng, tính cách thích hợp của giải pháp nội dung bị chỉ trích. Làm như vậy, Thẩm phán sẽ trở thành thượng cấp của nền hành chính. Sự khác biệt giữa quyền thượng cấp và quyền giám hộ trong nền hành chính chấp hành chính là ở điểm chỉ Thượng cấp mới có quyền chỉ thị và xét định cùng sửa đổi các quyết định hành chánh của cấp dưới về phương diện thích nghi của  nó. Tuy nhiên án lệ Pháp quốc đã rèn luyện được một kỹ thuật kiểm soát lý do cấp tiến tới mức có thể coi như là kiểm soát lý do cấp tiến tới mức có thể coi như là kiểm soát nền luân lý hành chánh, và đã tiến khá xa tới lằn mức chót của giới hạn kiểm soát hợp lý.
198._ Trước hết, cần phải nhận định rõ rệt rằng trong tố tụng chống thặng quyền, Tham chính viện Pháp quốc và Việt Nam trước kia có kiểm soát sự hiện hữu thực tế của các sự kiện làm lý do cho quyết định, khác hẳn với quan niệm dè dặt của Tòa Phá án, cho rằng sự kiểm soát pháp lý không gồm sự kiểm soát các sự kiện. Theo chúng tôi, một khi sự hiện hữu, tức là tính cách xác thực của các sự kiện là lý do pháp lý, thì phải coi sự kiểm soát các sự kiện chính là sự kiểm soát yếu tố pháp lý. Thí dụ: Một sự từ chức theo đơn xin có lý do pháp lý là sự yêu cầu của chính đương sự xin được từ chức. vậy cần phải kiểm soát xem sự kiện thực tế là đơn xin của đương sự có thực hay không. Nếu đương sự nại rằng thình cầu xin từ chức có hà tì vì đương sự bị ép buộc phải nạp đơn xin từ chức thì lúc đó chỉ cần xem hà tì nêu lên có xác thực hay không. Nếu hà tì xác thực thì lúc đó mới cần phải xét xem sự cưỡng ép đó có tính cách bất khả cưỡng đối với đương sự hay không, hay nói cách khác, sự cưỡng ép đã lên đến mức bất khả cưỡng hay không. (hay).
199._ (…201 trang 53).
d) Lạm quyền:
202._ Hà tì này tiên niệm là cơ quan đã làm một hành vi có thẩm quyền, không vi luật về hình thức hay nội dung và hơn nữa có căn cứ vào các lý do pháp lý xác thực. Nhưng hành vi vẫn bất hợp pháp chỉ vì tác giả của hành vi theo đuổi mục đích khác mục đích luật định của quyền hạn trao phó cho họ. Đây có thể coi là một sự bội phản tinh thần của công vụ. Do đó người ta thường phân biệt hai loại lạm quyền: Lạm quyền khách quan và lạm quyền chủ quan.
203._  Trong trường hợp lạm quyền khách quan thì có thể tác giả ngay tình hay hữu ý mà lầm lẫn về mục đích của quyền hạn trao phó cho mình, hoặc vì thi hành quyền hạn này của mình để theo đuổi một mục đích của quyền hạn khác cũng thuộc thẩm quyền của mình, hoặc vì áp dụng một thủ tục đặc biệt trong quyền hạn này để hành xử quyền hạn kia (…).
204._ Các trường hợp lạm quyền chủ quan phồ thông hơn, trong đó tác giả chí tình theo đuối các mục đích cá nhân, như để trả thù mà thuyên chuyển đương sự hoặc vì tình cảm mà bổ nhiệm một người, hoặc cho thăng thưởng trước các người khác v.v… Nhưng các trường hợp lạm quyền chủ quan, trong thực tế lại khó chế tài hơn các trường hợp lạm quyền khách quan, dầu phải nhận định rằng sự phản bội công vụ hiển nhiên và trầm trọng hơn trong sự lạm quyền chủ quan đáng lẽ phải bị trừng trị và chế tài sâu rộng và triệt để hơn. Nhưng sở dĩ các trường hợp lạm quyền chủ quan khó chế tài chỉ vì các lý do kỹ thuật. Thực vậy một mặt, như trên vừa đề cập, lạm quyền tiên niệm không có sự bất hợp pháp về phương diện biểu kiến, một mặt khác sự tìm kiếm và sự minh chứng yếu tố ác ý hay cảm tình trong công vụ là một điểm tế nhị và khó khăn. Hơn nữa chỉ có lạm quyền khi mục đích cá nhân là mục đích duy nhất có tính cách quyết định trong hành vi của tác giả. Còn nếu ác ý hay cảm tình chỉ là các yếu tố phụ không ảnh hưởng quyết liệt tới hành vi thì không có hà tì lạm quyền.
205._ Một số luật gia còn đề nghị phân biệt sự  lạm quyền tích cực và sự lạm quyền tiêu cực. Sự phân biệt thì hợp lý và án lệ đã chấp nhận cả 2 phương diện tiêu cực và tích cực. Sự phân biệt hiện thời chỉ có giá trị kỹ thuật trong quan niệm nghĩa vụ hành chính mà thôi.
e) Tổng kết về các hà tì:
Để kết luận về các hà tì làm hành vi hành chánh bất hợp pháp, người ta nhận thấy trường hợp lạm quyền mỗi ngày mỗi hiếm trong án lệ. Thực ra không phải là vì sự phản bội công vụ trở nên ngày các hiếm hoi trong thực tế, mà chín là vì lý do kỹ thuật bắt nguồn từ nhược điểm của trường hợp chế tài này. Như trên vừa nói, sự tìm kiếm mục đích cá nhân của tác giả hành vi là rất khó khăn. Mặt khác, các thẩm phán đã cố gắng nói rộng lãnh vực của các kỹ thuật chế tài trong các trường hợp khác, nhất là trong sự lý do của các quyết định hành chánh mà ta đã phân tích trên đây, do đó người ta nói tới sự suy vi kỹ thuật của tố tụng chống thặng quyền về hà tì lạm quyền.
206.Ngoài ra người ta còn cho rằng tất cả các trường hợp kể trên, tức là vô thẩm quyền, hà tì về hình thức, vi luật, hành vi không căn cứ vào lý do pháp lý xác thực và lạm quyền, có thể qui tụ và bao gồm trong hà tì duy nhất là vi luật. Thực vậy, vô thẩm quyền dù là tích cực hay tiêu cực cũng có thể coi là vi luật về thẩm quyền. Các hà tì về hình thức thì xưa nay đã coi là vi luật về hình thức. Sự kiểm soát lý do chẳng qua cũng là sự kiểm soát các điều kiện luật định và lạm quyền rốt cuộc là vi phạm luật về mục đích luật định.
Trên một bình diện khác, có luật gia đề nghị nên bao gồm tất cả các hà tì vào trường hợp duy nhất là vô thẩm quyền. Trong quan niệm này thì làm các hành vi vi luật  về hình thức và về nội dung tức là vô thẩm quyền. Làm các hành vi không theo đúng lý do luật định, hay theo đuổi mục đích khách quan hoặc cá nhân khác mục đích luật định cũng là một loại vô thẩm quyền. Trong thực tế, ta nhận thấy hà tì vi luật hiện tại là kỹ thuật nền tảng thông dụng nhất trong việc chế tài các hành vi hành chánh bất hợp pháp.
207._ Sau hết còn có một khuynh hướng muốn chế tài triệt để và rộng rãi các hành vi hành chánh hơn nữa đã đề nghị thêm một hà tì đặc biệt. Đó là sự hà lạm quyền hành hiểu theo nghĩa như trong học thuyêt tương đương của Dân luật (Abus du droit: Lạm dụng quyền). Trong Dân luật, sự hành xử quyền không theo lợi ích mà chỉ nhằm ác ý làm hại người khác đã bắt đầu được án lệ coi là lạm quyền. Trong luật hành chính cũng có nhiều trường hợp mà cơ quan hành xử quyền hạn của mình một cách hợp pháp về phương diện biểu kiến, nhưng đã lạm dụng quyền hạn quá mức. Trong bản án Xã Saint-Alban, Tham chính viện Pháp ngày 13-6-1913 đã tiêu hủy một quyết định của Tỉnh trưởng vì có sự hành xử lạm dụng quyền hạn của Tỉnh trưởng. Học lý đã đề nghị coi tất cả các trường hợp mà cơ quan hành xử máy móc quyền hạn của mình, hoặc áp dụng các quyết định nguyên tắc cho tất cả các trường hợp mà không chịu khó phân tích từng trường hợp, không cứu xét từng hồ sơ trước khi quyết định. Đi xa hơn nữa, một số luật gia cấp tiến cho rằng, kiểm soát sự hợp pháp và hợp lệ các hành vi hành chánh chưa đủ. Muốn phục vụ công dân đạt được mức tối đa, cũng như muốn Quốc gia được uy danh trên trường quốc tế thì cần phải để các thẩm phán kiểm soát luôn cả nền luân lý hành chánh.
Thực vậy, trong một quan niệm duy luân, Quốc gia cũng phải tỏ ra lương thiện trong quốc nội cũng như đối ngoại. Lương thiện tức là không làm các hành vi trá hình làm thiệt hại quyền công dân. Về phương diện này người ta thường nói Quốc gia lương hảo thì không thể áp đặt một chế độ thuế khóa bất không, không theo đúng tỉ lệ đóng góp của mỗi giới. Người ta cũng thường nói, chính sách lạm phát tiền tệ do sự bất công của nó cũng là một biện pháp bất lương. Hoặc cũng có thể nói rằng việc tăng thuế gián thâu là bất công tức là bất lương …(hay). Một mặt khác, quốc gia cũng phải đạo đức, tức là thành thực trong hoạt động và can đảm trong hy sinh. Các chính sách quá mỵ dân chỉ nhằm hốt phiếu phải coi là vô đạo lý. Tất cả các phương diện kể trên chưa được án lệ chấp nhận minh thị, và đa số các luât gia hưởng ứng phong trào này cũng chưa đề nghị được các tiêu chuẩn kỹ thuật chế tài thích ứng.
208._ Riêng trong lĩnh vực tố tụng bầu cử, án lệ đã nói tới nến luân lý của cuộc bầu cử. Nhưng nền luân lý ở đây không hiểu theo nghĩa phổ thông mà đã được ý niệm theo nghĩa kỹ thuật. Nền luân lý của cuộc bầu cử không phải chỉ là kiểm soát tính cách công minh của các giai đoạn như vận động tuyển cử, bỏ phiếu, kiểm phiếu và tuyên bố kết quả, mà còn phải hiểu thêm theo ý nghĩa  triết lý nền tảng của cuộc bầu cử. Về phương diện “đạo lý kỹ thuật” này thì điều cần yếu là duy trì sự trung thực ý muốn của các cử tri. Thật vậy, các cuộc bầu cử được tổ chức nhằm mục đích duy nhất là để các cử tri lựa chọn đại diện của mình, vậy phải tổ chức và diễn tiến ra sao để kết quả được trung thực đúng như ý chí của các cử tri. Vậy duy trì nền luân lý của cuộc bầu cử tức là duy trì sự trung thực của cuộc bầu cử này. Muốn vậy sự bầu cử phải được hoàn toàn bình đẳng, đó là tính cách thành thực của cuộc bầu cử. Ngoài ra mọi sự tranh chấp giữa các ứng cử viên không phải chỉ liên hệ tới họ mà thôi, mà còn liên quan trực tiếp đến quyền của cử tri. Do đó về tố tụng, không những các ứng cử viên mà bất cứ cử tri nào cũng có quyền khiếu nại về cuộc bầu cử và thẩm phán phải đứng về phương diện quyền lợi của cử tri mà giải quyết tranh chấp giữa các ứng cử viên và tùy theo trường hợp mà xác nhận hay hủy kết quả bầu cử. Áp dụng nguyên tắc này đến cùng, người ta có thể đi tới các trường hợp có thể coi là bất công hay mâu thuẫn về phương diện biểu kiến. Thực vậy, Thẩm phán kiểm soát chế tài cuộc bầu cử chỉ cần xét xem các điều khiếu nại tức là các sự vi phạm được kiểm chứng có tính cách khả dĩ làm thay đổi kết quả cuộc đầu phiếu hay không, mà không cần phải xét xem ứng cử viên nào có lỗi.(hay). Do đó nhiều trường hợp các ứng cử viên ngay tình cũng bị ảnh hưởng bởi sự gian lận của các ứng cử viên khác hay chỉ vì cuộc bầu cử không được tổ chức đứng đắn trong suốt diễn tiến của nó. Và trái lại, có nhiều trường hợp mà sự vi phạm luật bầu cử không làm tổn thương chính quyền lợi của người bị vi phạm chỉ vì lý do, như trên đã nói, các vi phạm này không có tính cách khả dĩ làm thay đổi kết quả cuộc đầu phiếu (…).

TIẾT II._ CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT HỢP HIẾN.
209._
Các trường hợp vi hiến không được ấn định minh thị như các trường hợp bất hợp pháp của các hành vi hành chánh, nhưng thiết tưởng cũng có thể phỏng theo các hà tì làm các hành vi hành chính bất hợp pháp để ấn định các trường hợp bât hợp hiến. Theo đó, một đạo luật hay sắc luật hoặc một hành vi hành chính đơn phương có thể bất hợp hiến vì các lý do sau đây:
210._ a) Vô thẩm quyền hiến định: Đạo luật đã do một cơ quan khác Quốc hội biểu quyết hay do chính Quốc hội biểu quyết như vấn đề qui định không thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà thuộc quyền của cơ quan lập hiến. Một sắc luật vượt quá giới hạn ấn định trong luật ủy quyền cũng có thể coi như bất hợp hiến.
211._ b) Các hà tì về hình thức hiến định và thủ tục về sự biểu quyết hay ban hành các đạo luật: Thí tụ biểu quyết một đạo luật tu chính hiến pháp không theo đúng thủ tục tu chính hiến pháp mà lại áp dụng thủ tục lập pháp phổ thông. Một phán quyết của tối cao pháp viện ngày 13-6-1969 đã cho rằng Chủ tịch Quốc hội đã không hành động đúng theo Hiến pháp khi gửi văn thư yêu cầu Tổng thống ban hành một dự luật ngân sách trước khi Quốc hội biểu quyết nội dung thông điệp xin phúc nghị dự luật. …
212._ c) Mâu thuẫn với Hiến pháp về nội dung (còn có thể gọi là vi phạm trực tiếp Hiến pháp, tương đương với các hà tì vi luật về hành chính), thí dụ điển hình đã được giải quyết trong phán quyết của Tối cao Pháp viện ngày 20-4-1971. Phán quyết này tuyên bố một thông cáo của hội đồng tổ chức bầu cử bổ túc thẩm phán của Tối cao Pháp viện là bất hợp hiến, trái với điều 80 của Hiến pháp.
Trong thực tế các hà tì vi hiến về nội dung rất quan trọng, vì tất cả các đạo luật trong mọi  lĩnh vực tư pháp cũng như công pháp đều có thể vô tình hay hữu ý mâu thuẫn với điều khoản này hay điều khoản kia của hiến pháp. Hiến pháp đệ nhị công hòa đã ấn định rất nhiều các quyền tự do của công dân trong nhiều lĩnh vực, do đó có rất nhiều rủi ro vi hiến trong các đạo luật cũng như các văn kiện hành chánh. Hơn nữa các văn kiện pháp lý ban hành trước mặc dầu khởi thủy là hợp hiến, nhưng nếu trái với các điều khoản của Hiến pháp mới thì nay phải coi như đã trở nên vô giá trị.
213._ Tuy nhiên, cần phải phân biệt tùy theo các trường hợp như sau: Nếu chế độ cũ bị hoàn toàn hủy bỏ vì Hiến pháp mới không chấp nhận, thí dụ như luật lệ về kiểm duyệt báo chí và sách trước kia vừa hợp hiến, vừa hợp pháp, nhưng nay điều 12 đoạn 2 Hiến pháp tuyên bố không chấp nhận chế độ kiểm duyệt ngoại trừ bộ môn điện ảnh và kịch trường, thì chế độ kiểm duyệt phải coi như đương nhiên bãi bỏ mà không cần phải có một đạo luật hay một văn kiện hành chánh nào can thiệp. Trong giả thiết một chế độ cũ không bị bãi bỏ hoàn toàn theo Hiến pháp, nhưng Hiến pháp ấn định các thể thức và điều kiện khác chế độ cũ thì chỉ riêng các điều khoản nào trái với Hiến pháp mới bị coi là bất hợp hiến mà thôi. Nói cách khác, người ta sẽ phải áp dụng chế độ cũ với các điều kiện và thể thức mới ấn định trong Hiến pháp. (…)
214._ Về các lý do của các đạo luật, người ta có thể đặt giả thiết là các đạo luật cũng cần phải có lý do hợp hiến và xác thực. Trong một chế độ da6an chủ, người dân được hoàn toàn tự do hoạt động trong mọi lĩnh vực, do đó Quốc hội chỉ có thể hạn chế quyền công dân căn bản khi có lý do chính đáng và hợp hiến mà thôi….
(215.-216 trang 62-64)…

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar