SỰ CHUYỂN NHƯỢNG VÀ BIẾN ĐỔI NGHĨA VỤ
Khi một nghĩa vụ tồn tại lâu dài trong thời gian, nghĩa vụ đó có thể chịu một vài sự biến đổi do ý chí của các đương sự. Áp dụng nguyên tắc hiệp ý, ý chí có thể biến đổi nghĩa vụ cũng như tạo ra hoặc mãn kết nghĩa vụ. Chúng ta sẽ nghiên cứu sự biến đổi của nghĩa vụ theo thứ tự từ thể thức giản dị nhất đến thể thức phức tạp nhất.
I. SỰ CHUYỂN NHƯỢNG TRÁI QUYỀN
Sự chuyển nhượng trái quyền là một hiệp ước, theo đó, người chủ nợ tự ý nhượng lại các quyền lợi của mình đối với con nợ cho một người đệ tam – người này trở thành chủ nợ thay thế cho chủ nợ cũ. Người bán trái quyền gọi là người chủ nhượng, người mua trái quyền gọi là người thụ nhượng, người con nợ của trái khoản được đem chuyển nhượng gọi là người bị nhượng. Sự chuyển nhượng trái quyền khi thì có tính cách đoạn mại, nếu như được đánh giá bằng một số tiền, khi thì có tính cách là một sự tặng dữ nếu là vô thường. Sự chuyển nhượng trái quyền lại cũng còn có thể được thực hiện như là một sự gán nợ. Lẽ dĩ nhiên, ba trường hợp của sự chuyển nhượng trái quyền bị chi phối bởi các quy tắc khác nhau, ít nhất cũng trên một vài điểm. Luật pháp chỉ quan tâm tới hình thức đoạn mại, nhưng có nhiều quy tắc có thể áp dụng chung cho cả ba trường hợp. Ví dụ các thể thức phải làm để cho sự chuyển nhượng có thể đối kháng với đệ tam nhân. Sự chuyển nhượng trái quyền rất thông dụng trong thực tế và đem lại nhiều lợi ích: Người chủ nhượng nếu là chủ nợ của một trái khoản có hạn kỳ, có thể bán trái quyền của mình để thâu hồi ngay món nợ; Người đó cũng có thể trả nợ cho chủ nợ của mình bằng cách gán (nhượng) cho chủ nợ trái khoản của mình. Sự chuyển nhượng trái quyền còn khiến cho người chủ nhượng tránh khỏi những phiền phức và rủi ro torng việc thu hồi một trái khoản có tính cách khó khăn và bất trắc: người thụ nhượng sẽ thay thế cho họ để đảm nhận việc thu hồi này. Sự chuyển nhượng trái quyền như vậy là một tác vụ có tính cách buôn bán (kinh doanh), vì giá của chuyển nhượng thường thấp hơn ngạch khoản của món nợ được chuyển nhượng. Đối với người thụ nhượng, việc tạo mãi một trái khoản thường là một cách để cho vay tiền bạc: trái khoản được chuyển nhượng với tất cả các bảo chứng dùng để bảo đảm cho sự chi phó, do đó, người thụ nhượng có thể được hưởng một quyền để đương ở vào vị thứ cao, vị thứ mà người đó không thể có được nếu như tạo lập một quyền để đương mới. Trong phần nhiều các trường hợp, trái khoản chuyển nhượng thường là những trái khoản về tiền bạc, nhưng trên nguyên tắc, mọi trái khoản đều có thể làm đối tượng cho một sự chuyển nhượng. Tuy nhiên, có những trái khoản không thể chuyển nhượng được, đó là những trái khoản mà trên đây chúng ta đã nói là bất khả sai áp.
I.1: Những thể thức chuyển nhượng trái quyền: Sự chuyển nhượng trái quyền là một hiệp ước, cũng giống như những hiệp ước khác, được kết lập giữa sự ưng thuận của các đương sự. Nhưng khế ước ký kết giữa người chủ nhượng và người thụ nhượng lài cần phải đem đối kháng được với người con nợ bị nhương mặc dù người này không phải là một bên tham gia ký kết. Ngoài ra sự chuyển nhượng cũng cần phải có thể đối kháng được với người thụ quyền của người chuyển nhượng nữa. Các mục đích trên đây chỉ có thể đạt được bằng cách sử dụng một vài hình thức. Các thể thức của sự chuyển nhượng trái quyền được qui định tại điều 1080 DLVN. Theo điều luật này, người thụ nhượng để trở thành chủ sở hữu của trái khoản, có thể lựa chọn theo một trong hai phương cách sau: Hoặc phải tống a95t sự chuyển nhượng trái quyền cho người bị nhượng, hoặc được sự chấp thuận của con nợ. Chỉ cần một trong hai thể thức này là đủ, vì hai thể thức này có giá trị tương đương, ngoại trừ và sự sai biệt trên một vài điểm sẽ xét sau. Sự tống đạt ở đây không phải chỉ là một lời báo thị bình thường; đó phải là một tờ truyền rao của thừa phát lại, tức là một công chứng thư, được trao tận tay hay tại nơi cư trú của con nợ. Sự tống đạt này có thể do lời yêu cầu của người chủ nhượng, nhưng thường thì do người thụ nhượng yêu cầu vì người này có lợi ích để thực hiện việc đó mà thôi. Nhà làm luật nhìn nhận cho người thụ nhượng được thay thế thể thức tống đạt bằng một sự chấp thuận của con nợ. Điều 1080 DLVN không nói rõ về hình thức của sự chấp thuận này; như vậy, sự thuận nhận của người con nợ có thể được làm dưới hình thức một công chứng thư hay một tư chứng thư trong đó ý chí của con nợ phải được biểu lộ một cách minh thị. Về điểm này, điều 978 DLB, 1126 DLT, 1690 DLP đòi hỏi là sự chấp thuận của con nợ phải được làm bằng một công chứng thư. Tuy nhiên, theo án lệ của Pháp, sự chấp thuận này dù làm dưới hình thức tư chứng thư vẫn đối kháng với con nợ đã chấp thuận sự chuyển nhượng trái quyền.
I.2: Hiệu lực của sự chuyển nhượng trái quyền: Khế ước chuyển nhượng trái quyền phát sinh hiệu lực giữa các người kết ước, tức là giữa những người chủ nhượng và người thụ nhượng. Ngoài ra khế ước còn tạo ra tình trạng pháp lý mới, người chủ nợ cũ (người chủ nhượng) được thay thế bằng người chủ nợ mới (người thụ nhương) và tình trạng pháp lý này cũng ảnh hưởng đến người đệ tam.
I.2.1: Hiệu lực giữa các kết phương: Sự chuyển nhượng phát sinh hiệu lực giữa các kết phương mà không cần phải theo một thể thức nào cả, chỉ cần có sự thỏa thuận của họ là đủ. Đó là sự áp dụng nguyên tắc theo đó sự đoạn mại thành tựu giữa người mua kẻ bán ngay khi có sự ưng thuận của họ. Sự chuyển nhượng trái quyền có hiệu lực di chuyển trái khoản từ người chủ nhượng sang người thụ nhượng với tất cả những quyền lợi phụ thuộc vào trái khoản đó, nhất là những bảo chứng như sự bảo lãnh, sự để đương hoặc quyền ưu tiên dùng để bảo đảm cho trái khoản ấy (đ.1082 DLVN). Đối với tiền lời đã đáo hạn thì vấn đề là phải xét xem tiền đó theo ý chí của các bên kết ước, có được bao gồm trong chuyển nhượng hay không. Nhưng sẽ không thể coi là được bao gồm trong chuyển nhượng lợi ích gián đoạn thời hiệu mà người chủ nhượng được hưởng vì còn vị thành niên hay vì một lý do nào khác. Sự gián đoạn thời hiệu là một lợi ích gắn liền với bản thân của người chủ nợ và không thể chuyển nhượng được. Ngược lại, người thụ nhượng không được hưởng sự gián đoạn thời hiệu nếu còn vị thành niên, măc dù người chủ nhượng là người đã thành niên. Trái khoản được chuyển sang tay người thụ nhượng trong tình trạng như khi còn ở trong tay người chủ nhượng. Do đó, con nợ có thể đối kháng với người thụ nhượng những khước biện mà người đó đã thủ đắc đối với người chủ nhượng, trước khi sự chuyển nhượng được tống đạt, hoặc vì khước biện ấy có hiệu lực giảm thiểu giá ngạch của trái khoản, hoặc vì khước biện ấy có hiệu lực giải trừ hoàn toàn trái khoản. Ví dụ: Người con nợ có thể đối kháng với người thụ nhượng sự vô hiệu, hoặc sự giải tiêu khế ước.
I.2.2: Tương quan giữa các kết phương và người đệ tam: Để ấn định hiệu lực của sự chuyển nhượng đối với người đệ tam, người ta phân biệt hai giai đoạn: Giai đoạn trước và giai đoạn sau khi có sự tống đạt hoặc sự chấp thuận của con nợ.
A. Giai đoạn trước khi có sự tống đạt hoặc chấp thuận: Cho tới khi có sự chấp thuận hoặc tống đạt, người chủ nhượng vẫn là chủ sở hữu của trái khoản, người thụ nhượng không được coi là chủ nợ, tuy nhiên, người này có thể làm các hành vi bảo toàn, và án lệ coi họ như một người chủ nợ dưới điều kiện đình chỉ. Ví dụ: Người thụ nhượng có thể tái đăng ký một quyền để đương dùng để bảo đảm cho món nợ chuyển nhượng, hoặc thi hành một sự sai áp chi phó nơi tay người con nợ của người bị nhượng. Người chủ nhượng vì vẫn còn là chủ sở hữu trái khoán nên vẫn có thể sử dụng trái khoản đó. Ví dụ: Họ có thể làm sự chuyển nhượng cho người khác – người thụ nhượng thứ hai. Lẽ dĩ nhiên người thụ nhượng thứ hai này cũng phải tống đạt cho con nợ, nếu không thì không thể đối kháng với người thụ nhượng thứ nhất. Như vậy, trong trường hợp có nhiều người thụ nhượng về một trái khoản thì người thụ nhượng nào tống đạt hoặc được chấp nhận của con nợ trước sẽ khai trừ các người kia. Những người chủ nợ của người chủ nhượng vẫn có quyền sai áp trái khoản và coi trái khoản như chưa ra khỏi sản nghiệp của người chủ nhượng. Bởi lẽ đó, khi một người chủ nhượng bị thanh toán tài phán hoặc bị tuyên bố phá sản thì trái khoản được bao gồm trong phần tích sản của người chủ nhượng và khi đó thì sự tống đạt sẽ không còn hiệu lực gì cả: người bị thanh toán tài phán hoặc bị tuyên bố phá sản, do hiệu lực của án văn tuyên bố biện pháp ấy, không được quyền quản trị và sử dụng tài sản của mình nữa, từ đó người thụ nhượng không thể thâu hoặc trái khoản vì như thế sẽ hại đến quyền lợi của các chủ nợ khác của người chủ nhượng.
B. Giai đoạn sau khi có sự tống đạt hoặc chấp thuận: Ngay sau khi sự chuyển nhượng được tống đạt hay chấp thuận, người thụ nhượng trở thành chủ nợ của trái khoản. Trái khoản chuyển nhượng được sáp nhập vào sản nghiệp của người thụ nhượng, do đó, mọi khước biện sau khi có sự tống đạt hoặc sự chấp nhận của con nợ, đều không thể đem đối kháng được với người thụ nhượng. Kể từ đó, người chủ nhượng không còn có thể làm bất cứ hành vi sử phân nào trên trái khoản ấy nữa, và các chủ nợ của người này cũng không thể sai áp trái khoản này nữa. Ở đây cần lưu ý một hiệu lực đặc biệt của sự chấp thuận bởi con nợ. Trên đây chúng ta đã nói rằng để trở thanh chủ nợ của trái khoản, người thụ nhượng hoặc phải tống đạt sự chuyển nhượng cho con nợ hoặc phải được con nợ chấp thuận. Hai thể thức này có giá trị như nhau và cả hai trường hợp này đều đối kháng với người đệ tam. Tuy nhiên, có một sự sai biệt bắt nguo62nt ừ điều 869 DLVN: Nếu thể thức tống đạt, người bị nhượng vẫn giữ nguyên quyền đối kháng với người thụ nhượng mọi khước biện đã thủ đắc trước đó đối với người chủ nhượng thì với thể thức chấp thuận, người bị nhượng mất quyền đối kháng khước biện bù trừ, người ấy bị coi như đã từ bỏ quyền này. Khi chấp thuận, người bị chuyển nhượng cam kết với người thụ nhượng; như vậy, người đó tư coi là con nợ chưa hề được giải trái bởi sự bù trừ. Đó là một sự suy đoán luật định, con nợ không thể trưng bằng cớ ngược lại. Tuy nhiên sự suy đoán này tiên niệm là con nợ đã chấp thuận mà không có sự dè dặt nào cả. Như vậy, người bị nhượng có thể duy trì quyền đối kháng bù trừ bằng cách chỉ chấp thuận với một sự dè dặt là dành quyền đối kháng khước biện bù trừ.
II. SỰ TRẢ NỢ KẾ VỊ. Trả nợ kế vị là thay thế một người hay một vật bằng một người hay một vật khác. Ở đây chúng ta chỉ xét về sự kế vị đối nhân, tức là thay thế một người này bằng một người khác. Vấn đề được quy định tại điều 824 và các điều khoản kế tiếp trong DLVN. Sự kế vị xảy ra trong trường hợp chi phó. Sự chi phó kế vị không có hiệu lực giải trái cho con nợ vì sự chi phó ấy không do con nợ làm: Một người đệ tam đứng ra chi phó thay cho con nợ, trái khoản được chuyển cho người đệ tam, mặc dù đối với chủ nợ, trái khoản ấy được coi như mãn kết. Mặt khác, tuy có sự chuyển dịch trái khoản từ người chủ nợ qua người đệ tam, nhưng sự kế vị không thể lầm lẫn với sự chuyển nhượng trái quyền. Sự chuyển nhượng trái quyền có sự ưng thuận của chủ nợ, trong khi sự kế vị, trên thực tế cũng như trên phương diện pháp lý, thường không cần tới sự ưng thuận của chủ nợ, mà chỉ cần chủ nợ đã được chi phó là đủ.
II.1: Những trường hợp kế vị: Không phải trong mọi trường hợp mỗi khi một người đệ tam đứng ra chi phó thay cho con nợ là được kế vị trả nợ. Sự kế vị phải phát xuất từ hợp ước hoặc từ luật pháp. Như vậy, sự kế vị khi thì có tính cách ước định, khi thì có tính cách pháp định. Về sự kế vị ước định lại cần phải phân biệt: Sự kế vị trên nguyên tắc phải được chủ nợ đồng ý khi nhận chi phó, nhưng sự kế vị cũng có khi chỉ do con nợ ưng thuận mà thành. Như vậy, có tất cả ba trường hợp: Sự kế vị do ý chí của chủ nợ, sự kế vị do ý chí của con nợ, sự kế vị do ý chi của luật pháp.
II.1.1: Kế vị do ý chí của chủ nợ: Chủ nợ, khi nhận sự chi phó bởi người khác – không phải con nợ, thì lúc nào cũng có thể chấp nhận hoặc từ chối cho người này được kế vị. Sự kế vị tùy theo chủ nợ, có thể là hoàn toàn hoặc kế vị một phần mà thôi. Khi chấp nhận cho kế vị, chủ nợ có thể cho người đệ tam được hưởng quyền để đương của mình trên bất động sản hiện còn ở trong tay con nợ, chủ nợ cũng có thể không cho người đệ tam hưởng quyền này đối với người trì thủ bất động sản hoặc người bảo lãnh. Có hai điều kiện về sự kế vị: Sự kế vị phải minh thị, và phải được làm cùng một lúc với sự chi phó.
a. Sự kế vị phải minh thị: Luật pháp không bắt buộc chủ nợ phải dùng một văn thức nhất định để diễn đạt ý chí của mình như danh từ “kế vị”; chủ nợ có thể dùng câu văn hoặc một danh từ khác để chỉ hành vi này, nhưng như thế không khỏi nêu lên những sự nghi hoặc về ý muốn của các đương sự. Người ta có thể đặt câu hỏi là không biết các đương sự muốn làm một sự chi phó kế vị hay một sử chuyển nhượng trái quyền? Hai tác vụ này phát sinh hiệu lực không giống nhau và bị chi phối bởi các điều kiện khác nhau.
b. Sự kế vị phải được chủ nợ ưng thuận chậm nhất là ngay lúc mà người này nhận sự chi phó. _ Sau khi đã nhận sự chi phó, chủ nợ sẽ không thể chuyển nhượng sang cho người đệ tam một trái khoản đã được mãn kết do sự chi phó ấy. Nhưng cần phân biệt hiệp ước kế vị với bằng chứng của sự kế vị. Chỉ hiệp ước kế vị mới cần xảy ra cùng một lúc với sự chi phó, còn bằng chứng của sự kế vị có thể thể được tạo lập sau đó, miễn là sự kế vị được nhìn nhận như một điều kiện của sự chi phó. Bằng chứng về sự kế vị do thường luật chi phối; luật pháp không đòi hỏi công chư thư,như vâ hiệp ước kế vị có thể làm dưới hình thức tư chứng thư. Thường thì sự kế vị được ghi trong tờ biên nhận mà người chủ nợ cấp cho người đệ tam khi nhận sự chi phó. Theo thường luật, các biên nhận lập dưới hình thức tư chứng thư không cần phải trước bạ mới có nhật kỳ chắc chắn, Nhưng tờ biên nhận có kèm theo một sự kế vị không phải là một biên nhận thường. Ngoài sự chi phó, nó còn xác nhận sự hiện hữu của một hiệp ước kế vị, và hiệp ước này cần được trước bạ mới có thể đối kháng với người đệ tam. Nếu không trước bạ, người kế vị sẽ không thể đối kháng sự kế vị với một người kế vị thứ hai, với người thụ nhượng trái quyền hoặc với người chủ nợ sai áp. Nhưng dù sao con nợ và các người kế quyền của họ cũng không thể viện nại chống lại người kế vị sự kiện biên nhận kế vị không có nhật kỳ chắc chắn. Ngoài hai điều kiện trên đây, sự kế vị do ý muốn của chủ nợ không cần một điều kiện nào khác cả, nhất là không cần phải được sự chấp thuận của con nợ. Tòa Thượng thẩm Saigon phúc quyết ngày 22-6-1961 (PL.1962-IV-38) đã xử rằng, sự trả nợ kế vị không cần phải được con nợ ưng thuận, cũng không cần phải tống đạt cho người này, người trả nợ đương nhiên đặt vào địa vị chủ nợ, được hưởng tất cả các quyền lợi của người này. Do đó, nếu là nợ lúa, người ấy có quyền đòi lúa, con nợ không thể trả tiền thay lúa, trừ phi có sự hoán cải được chứng tỏ về sở vật của món nợ.
II.1.2: Sự kế vị do con nợ ưng thuận: (Tiếp tục sau 349).
Bình luận