Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

5. Sự tạo lập pháp luật

SỰ TẠO LẬP PHÁP LUẬT 

39._ Mục đích của pháp luật là tổ chức nền trật tự xã hội. Nhưng người ta có thể tổ chức nền trật tự xã hội theo nhiều quan niệm khác nhau. Hai quan niệm chính là quan niệm cá nhân và quan niệm xã hội. Về nội dung pháp luật do những yếu tố nào cấu tạo? Ta nhận thấy pháp luật được tạo lập dưới ảnh hưởng nhiều yếu tố phức tạp, gồm hai loại: (1). Các yếu tố thực tế như bản chất con người, khung cảnh vật chất, hoàn cảnh xã hội. (2). Các yếu tố tinh thần như những trào lưu tư tưởng về chính trị, kinh tế, đạo đức. Sau hết để định rõ cương vị của pháp luật, ta cần xét đến những tương quan của pháp luật đói với các khoa học xã hội.

MỤC I: HAI QUAN NIỆM VỀ SỰ TẠO LẬP PHÁP LUẬT 
40. Tìm xu hướng cho sự tạo lập pháp luật cũng là một vấn đề triết lý. Vì vậy nó không phải là một vấn đề pháp lý hoàn toàn. Nó có tính cách chủ quan hơn khách quan. Hiện nay vấn đề này được để cập đến rất nhiều và sự tranh luận về hai khuynh hướng các nhân và xã hội đã thành một đề tài cổ điển.

ĐOẠN 1: Quan niệm cá nhân về pháp luật:
41._ Quan niệm này coi cá nhân là cứu cánh của pháp luật. Nó đòi hỏi phải để cho cá nhân được nhiều tự do, càng nhiều tự do chừng nào càng tốt chừng đó. Quan niệm này chủ trương cần giảm tới mức tối thiểu những qui tắc ràng buộc cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do đi đôi với nhau, theo sát nhau. Trên địa hạt chính trị, quan niệm này đòi hỏi những bảo đảm cho tự do cá nhân. Trên địa hạt kinh tế nó yêu cầu chính quyền đừng can thiệp vào các hoạt động kinh tế của tư nhân. Trong lĩnh vực pháp lý, quan niệm cá nhân đưa tới sự suy giảm của uy quyền của gia trưởng và chủ trương bảo vệ quyền tư hữu, coi đó như là đặc quyền thiết yếu của con người. Hệ luận của quan niệm này là sự tự do tối đa dành cho sự kết ước giữa tư nhân. Đó là điểm chính trong quan niệm cá nhân. Quan niệm này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc điển chế Bộ Dân luật Pháp năm 1804.
Nói tóm lại, theo quan niệm cá nhân, pháp luật phải hướng về mục đích làm dễ dàng sự chung sống của những cá nhân tự do. Tự do cá nhân chỉ bị giới hạn đúng mức cần thiết để tránh sự lấn át tự do của người khác. Như vậy, theo quan niệm cá nhân, pháp luật chỉ có nhiệm vụ phối tri.

ĐOẠN 2: Quan niệm xã hội về pháp luật:
42._ Quan niệm này lấy quyền lợi xã hội làm cứu cánh cho pháp luật. Trong thực tế, người đại diện cho xã hội là chính quyền, là Nhà nước nên quan niệm này chủ trương tăng cường quyền hành cảu Nhà nước nghĩa là gia tăng những cưỡng chế và ràng buộc thêm cá nhân. Trong lĩnh vực chính trị, người ta sẽ thấy một chính quyền không coi việc bảo vệ tự do cá nhân là trọng. Trong lĩnh vực kinh tế nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp bằng một chính sách kinh tế chỉ huy. Trong lĩnh vực pháp lý, quyền lợi xã hội được coi là tối thượng. Quyền tư hữu cá nhân nếu không bãi bỏ hoàn toàn thì cũng bị hạn chế rất nhiều, mục đích không để cá nhân lợi dụng được. Với quan niệm xã hội, các khế ước không được thiết lập tự do giữa tư nhân. Nhà nước giành lấy quyền ấn định những điều kiện cho sự lập ước, hoặc đặt sự lập ước dưới một chế độ qui định. Thí dụ: Người mua và người bán không thể tự do thỏa thuận với nhau về giá cả mà bắt buộc phải theo một giá biểu do Nhà nước ấn định trước. Nhiều hệ thống pháp luật kim thời theo quan niệm xã hội. Xu hướng này rõ rệt tại các nước độc tài. Còn tại các nước dân chủ, tự do quan niệm cá nhân cũng không còn giữ được địa vị độc tôn như trước nữa mà cũng đã chịu nhiều biến đổi.
43._ Tuy nhiên sự đối lập giữa hai quan niệm cá nhân và xã hội không tuyệt đối. Thực ra cả hai trên bình diện lý thuyết và thực hành, sự đối lập chỉ có tính cách tương đối. Trong thực tế không quan niệm nào hoàn toàn thắng thế. Dù tự do đến đâu cũng không mọt hệ thống pháp luật nào lại bãi bỏ tất cả những sự cưỡng chế cá nhân. Ngược lại, dù độc đoán đến đâu, không một hệ thống độc đoán nào phủ nhận tất cả tự do. Trong thực tế người ta thấy giữa hai quan niệm có sự khác biệt về mức độ hơn là sự khác biệt về bản chất.
Trên bình diện lý thuyết cũng vậy. Sự đối lập của hai quan niệm cũng không tuyệt đối. Chủ nghĩa cá nhân không hoàn toàn coi rẻ quyền lợi xã hội. Những môn đồ của chủ nghĩa này đã nghĩ rằng phương cách tốt nhất để phục vụ quyền lợi chung là công nhận cho mỗi cá nhân nhiều tự do và sáng kiến hơn. Theo họ, không có sự mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi xã hội. Có thể có sự hòa hợp tự nhiên giữa hai loại quyền lợi này. Quyền lợi chung chính là quyền lợi tư nhân cộng lại. Chính vì thế mà trong lĩnh vực kinh tế, những người thoe cá nhân chủ nghĩa đã quan niệm rằng sự tự do kinh doanh là chế độ tốt nhất không những đối với cá nhân mà cả đối với xã hội. Nó được coi là phương cách thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế quốc gia, nghĩa là cho sự thịnh vượng chung của toàn dân. Về phía quan niệm xã hội, người ta cũng nhận thấy rằng quan niệm này không hoàn toàn lãng quên hoặc hy sinh quyền lợi cá nhân. Người ta thường lầm tưởng rằng với quan niệm xã hội, quyền lợi cá nhân bị hoàn toàn hy sinh cho quyền lợi tối thượng của Nhà nước. Thật ra quan niệm xã hội chủ trương rằng, sự qui định đem lại nhiều công bình hơn sự quá phóng túng với quá nhiều tự do. Nhờ ở sự qui định, người ta có thể đạt tới một sự phân phối các tài sản hoàn hảo hơn. Ít ra, về phương diện l1y thuyết những qui luật có tính cách cưỡng chế, mà nhà cầm quyền lập ra, không phải chỉ nhằm mục đích thỏa mãn quyền lợi chung mà cũng phục vụ cả những quyền lợi cá nhân nữa. Người ta tin tưởng rằng, phương cách đó có thể dung hòa hai loại quyền lợi khác nhau. Như vậy, sự đối lập tuyệt đối giữa hai quan niệm thực ra không có. Trong thực tế chỉ có một vấn đề cụ thể được đặt ra như sau: Cả quyền lợi xã hội lẫn quyền lợi cá nhân có thể nào cùng được thỏa mãn như nhau bằng một hệ thống pháp luật không? Và hệ thống pháp luật đó phải có xu hướng thế nào? Tự do hay độc đoán? Mục dích của pháp luật là phải bảo vệ cả hai thứ quyền lợi.
44._ Vì vậy, người ta thấy có những học thuyết chiết trung. Trong các học thuyết này người ta thường nói đến chủ nghĩa công thiện (doctrine du bien commun) do Saint Thomas đề xướng. Thực hiện công thiện là dung hòa quyền lợi cá nhân và quyền lợi xã hội. Khái niệm công thiện hơi thiếu rõ rệt nhưng có ưu điểm là mềm dẻo dễ thích ứng. Thí dụ: Trong thời kỳ kinh tế phồn thịnh, chủ nghĩa kinh tế tự do dễ được bênh vực. Trong thời kỳ kinh tế suy sụp, thiếu thốn, khó có thể chủ trương tự do kinh tế được mà cần phải thi hành một chính sách kinh tế hci3 huy với một sự phân phối tài khóa được qui định. Sự biến chuyển từ trạng thái kinh tế tự do sang kinh tế chỉ huy rất có thể xảy ra trong một nước dưới cùng một chế độ chính trị. Như vậy không hẳn có sự mâu thuẫn giữa hai hệ thống kinh tế. Trong những hoàn cảnh thực tế mới, ý niệm công thiện cho phép ta áp dụng những phương pháp mới miễn là mục đích theo đuổi vẫn là thực hiện công ích.

MỤC II: NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ TẠO LẬP PHÁP LUẬT 

45._ Nhà lập pháp khi làm luật không quyết định một cách độc đoán mà cũng không bị một sức mạnh nào của tiền định chi phối. Sự thực nhà lập pháp thường hành động theo hoàn cảnh trong đó có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của nhà lập pháp. Những yếu tố này có hai loại: Những yếu tố thực tế và những yếu tố tinh thần. 

ĐOẠN 1: Những yếu tố thực tế
46._ Bản chất con người: Pháp luật trước hết phải được tạo lập theo bản chất con người về hai phương diện tâm lý và sinh lý. thí dụ: Việc qui định bằng chứng tử hệ phải căn cứ vào những điều mà khoa học đã chứng minh là chính xác. Vì vậy nên dân luật đã qui định thời kỳ thai nghén tối đa của người mẹ là 300 ngày, và thời kỳ tối thiểu là 180 ngày để tính ngày thụ thai. Tuy nhiên có khi nhà lập pháp không căn cứ vào khoa học vì có những lý do khác đáng tôn trọng hơn. Thí dụ: Ngày nay nhờ ở sự nghiên cứu các loại huyêt khác nhau, khoa học có thể cả quyết rằng một đứa trẻ không thể là con của người mà pháp luật coi là cha nó. Tuy nhiên không phải một bằng chứng như vậy đủ để cho người cha khước từ con vì còn có những quyền lợi xã hội và cả quyền lợi của đứa nhỏ. Những quyền lợi này chống đối những bằng chứng khắc nghiệt kia của khoa học. Một mặt người ta thấy rằng gia đình cần có sự ổn cố, một mặt khác đứa trẻ cần phải có một người cha chánh thức. Những lý do đó đã khiến cho pháp luật không hoàn toàn phù hợp với thực tế khoa học. Đó là về phương diện sinh lý.
Về phương diện tâm lý cũng vậy, nhiều điều luật đã được căn cứ vào tâm lý con người. Thí dụ: Dân luật qui định rằng những trẻ vị thành niên đều vô năng lực nghĩa là không đủ khả năng pháp lý để kết ước. Tại sao vậy? Vì nhà lập pháp cho rằng về phương diện tâm lý trẻ vị thành niên vì tuổi còn non nên chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ hiểu biêt về công việc. Nó khó có thể tự binh vực quyền lợi của mình nên dễ bị lường gạt. Vì vậy nó cần phải được pháp luật bảo vệ.
47._ Hoàn cảnh vật chất, như địa lý, khí hậu cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tạo lập pháp luật. Địa lý của một nước ảnh hưởng nhiều đến sự tạo lập pháp luật của nước đó. Thí dụ: Pháp luật của Anh quốc có một sắc thái đặc thù khác pháp luật của Pháp Quốc hay Đức quốc, vì nước Anh là một hòn đảo ở ngoài lục địa châu Âu, không chịu ảnh hưởng của Luật La Mã. Một thí dụ khác: Địa lý miền Nam Việt Nam có nhiều sông ngoài. Một phần lớn tài vật được chuyên chở bằng ghe thuyền. Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đem luật của họ áp dụng vào nước ta. Họ đã phải lưu ý tới điều này nên trong Bộ Hình luật Canh cải 1912, mới có một điều khoản minh thì rằng tội cướp trên sông được đồng hóa với tội cướp đường, nghĩa là, cướp sông trở thành một trọng tội thay vì là một khinh tội như ở Pháp (điều 383). Một thí dụ khác về ảnh hưởng của khí hậu là tuổi kết hôn của trai gái xứ lạnh tại miền Bắc thường coa hơn tại các xứ nóng miền Nam. Ở miền Bắc, con trai 18, con gái 15 mới được kết hôn. Ở miền Nam con trai 16, con gái 14 tuổi đã được lập gia đình (theo DLGY). Nay Sắc luật ngày 23.7.1964 đã ấn định một tuổi kết hôn duy nhất cho con trai là 18, con gái là 16. Các hoạt động dân cư rất khác nhau tại các xứ ở miền bờ biển và các xứ ở sâu trong lục địa. Nó cũng khác nhau tại các xứ nông nghiệp và các xứ kỹ nghệ. Như vậy, hoàn cảnh vật chất tạo nên hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng đến sự tạo lập pháp luật.
48._ Hoàn cảnh xã hội do nhiều yếu tố cấu tạo: Đầu tiên là phong tục, tập quán, truyền thống: Có xứ theo mậu hệ chế, có xứ theo phụ hệ chế, có xứ theo tục đa thê, có xứ theo tục độc thê. Có những dân ot65c sống về nghề nông, ở cố định một nơi, không đi nơi khác. Trái lại có những dân tộc du mục thích sống nay đây mai đó. Tất cả các hình thái sinh hoạt khác nhau này dĩ nhiên ảnh hưởng sâu xa tới nền pháp luật của các dân tộc đó. Ngoài yếu tố xã hội, cơ cấu kinh tế cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tạo lập pháp luật. Sự phá triển kỹ nghệ quá mạnh mẽ tại Châu Âu vào cuối thế kỷ XIX đã làm phát sinh các hội xã, các công ty hợp tư. Nó làm đảo lộn quan niệm thông thường về giá trị các động sản nên đã đòi hỏi nhiều pháp chế mới về sự sử dụng động sản. Nền pháp luật chuyên về nghề nông không thể đem áp dụng cho một nước mà hoạt động kinh tế chính yếu là thương mại. Thí dụ: Pháp chế ở Pháp quốc không thể đem áp dụng cho Anh quốc. Pháp chế của một nước có nền kinh tế tiên tiến du nhập vào một nước có kinh tế kém phát triển, khó có thể áp dụng một cách toàn vẹn vì có nhiều khác biệt. Về cơ cấu xã hội, có sứ như Ấn độ, sự phân chia giai cấp còn rõ rệt với hệ thống đẳng phiệt (système des castres). Có nước sự phân chia giai cấp đã được xóa nhòa hay mất hẳn.
Dĩ nhiên nhà lập pháp không thể bỏ qua các yếu tố vật chất trên đây. Tuy vậy, những yếu tố đó không có tính cách cố định. Nó tiến hóa không ngừng. Theo dòng lịch sử, các phong tục tập quán lần lần biến đổi một cách tự nhiên. Trước hiện tượng đó, trước sự tiến hóa của phong tục, nhà lập pháp có thể có hai thái độ: Một là chứng kiến và ghi nhận sự tiến triển đó một cách thụ động. Hai là thúc đẩy sự tiến hóa đó cho têm mau chóng hoặc ngược lại cản trở sự tiến hóa đó. Xu hướng sau này ngày nay khá rõ rệt tại nhiều quốc gia, nhất là với những biến đổi cơ cấu kinh tế. Trong hai thái độ tiêu cực và tích cực trên đây, ta nên theo thái độ nào? Đó là vấn đề chính sách của mỗi nước. Chính sách này tùy thuộc vào yếu tố tinh thần nhiều hơn.

ĐOẠN 2: Yếu tố tinh thần
49._
Sự tạo lập và tiến hóa của pháp luật tùy thuộc vào tư tưởng về đạo đức, kinh tế hoặc chính trị, đang thịnh hành trong mỗi nước, trong mỗi giai đoạn lịch sử.
1. Yếu tố luân lý:
50._ Đây là yếu tố tối trọng đối với dân luật vì dân luật chi phối những tương quan giữa tư nhân. Mỗi hệ thống pháp luật có một nền luân lý làm tiêu chuẩn. Thí dụ: Cổ luật Việt Nam và Trung Hoa đã lấy luân lý Khổng Mạnh làm tiêu chuẩn. Nhiều qui tắc pháp luật chỉ là những giáo điều luân lý được đem phổ luật. Pháp luật của các nước châu Âu thuộc hệ thống pháp luật Pháp – La Tinh, lấy nền luân lý của Cơ đốc giáo làm tiêu chuẩn. Mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh có một nền luân lý riêng. Tính cách đặc thù nầy của yếu tố luân lý trong việc tạo lập pháp luật đã giải thích sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật. Nhưng nó cũng cho thấy rõ ở nơi nào, ở thời nào cũng vậy, khi làm luật con người vẫn theo đuổi hoài bão, một lý tưởng nhất định và luôn luôn hướng theo lý tưởng đó.
Ba thí dụ về ảnh hưởng của yếu tố luân lý trong dân luật:
a) Luật khế ước được tạo lập trên sự thành tín của người lập ước, mà thành tín là giáo điều của luân lý.
b) Luật trách nhiệm qui định rằng “ai gây thiệt hại cho người khác, do lỗi của mình, thì phải bồi thường cho nạn nhân”. Điều khoản dân luật này căn cứ trên một nguyên tắc luân lý là không ai được hại người một cách bất công.
c) Trong gia đình, tất cả những nghĩa vụ giữa vợ chồng hay giữa cha con đều là những bổn phận có hai tính cách vừa pháp lý, vừa luân lý.
Trong sự tạo lập pháp luật, ảnh hưởng của luân lý cũng biến đổi, cũng tiến hóa theo lịch sử. Sự tiến hóa này có thể là tự nhiên. Nó cũng có thể được nhà lập pháp thúc đẩy. Khi nhà lập pháp đi ngược lại phong tục, luật pháp ban hành sẽ có hiệu lực hay không có hiệu lực tùy theo chiều hướng và tính chất của sự cải cách. Nếu sự cải cách có tính chất cởi mở, tự do hơn trước (nghĩa là ít khắc khe hơn phong tục) thì dễ thành công. Trái lại, nếu luật pháp nghiêm khắc hơn phong tục thì dễ thất bại. Người ta thường nói: Một đạo luật cho phép bao giờ cũng dễ được hoan nghênh hơn một đạo luật cấm đoán.

2. Ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng kinh tế đối với sự tạo lập pháp luật:
51._
Những học thuyết kinh tế giữ vai trò quan trọng trong việc tạo lập pháp luật. Mỗi nước áp dụng một chính sách theo một học thuyết kinh tế khác nhau. …(44).

3. Yếu tố chính trị:
52._ Chế độ chính trị của một nước định đoạt một phần lớn sắc thái pháp luật của nước đó. Vì thế pháp luật các nước độc tài khác pháp luật các nước dân chủ về nhiều phương diện. Tai các nước tự do, lý tưởng dân chủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tạo lập và sự tiến hóa của nền pháp luật trong nước. Thí dụ: Tại Pháp những tư tưởng về tự do, bình đẳng đã hun đúc trí phấn đấu của các nhà cách mạng Pháp năm 1789. chính tư tưởng dân chủ đó chi phối việc điển chế bộ Dân luật năm 1804. Cuộc cách mạng 1789 đã gắn liền hai ý niệm tự do và bình đẳng. Nhưng trong thực tế ý niệm bình đẳng lấn án ý niệm tự do, vì bình đẳng pháp lý đưa đến bình đẳng thực tế. Lúc đầu vì quá tôn trọng tự do nên người ta coi sự bất bình đẳng đó là tự nhiên. Nhưng sau, từ cuối thế kỷ 19 một khunh hướng xã hội đã đảo lộn quan niệm này. Người ta muốn thấy một sự bình đẳng xã hội thật sự. Mà muốn có bình đẳng xã hội thì phải hạn chế bớt tự do. Lý tưởng chính trị mới này đã hòa nhịp với những quan niệm mới về kinh tế để giảm tính cách tuyệt đối mà trước đó người ta đã công nhận cho quyền tư hữu.
Lý tưởng chính trị này cũng biến đổi cả pháp chế về khế ước. Sự tự do lập ước trước kia được coi là nguyên tắc tối quan trọng, nay cũng bị hạn chế. Pháp luật d9a85t5 ra những điều kiện mà người kết ước phải tuân theo. Sở dĩ như vậy là vì người ta muốn bảo vệ những kẻ yếu trước các thế lực của kẻ  mạnh. Việc qui định khế ước lao động là một ví dụ điển hình. Luật lao động ấn định rõ những điều khoản, mục đích ngăn chặn chủ nhân lợi dụng ưu thế của mình để ép buộc công nhận phải nhận những điều kiện quá thiệt thòi cho họ. Nếu công nhận không được pháp luật che chở mà phải một mình đương đầu với chủ nhân thì trong tình trạng một mạnh, một yếu tất nhiên công nhân phải nhận những điều kiện do chủ nhân ấn định. Ngoài ra còn nhiều ví dụ tương tự như việc ban hành pháp chế qui định tiền thuê mướn nhà phố. Đó cũng là biện pháp bảo vệ người thuê nhà trước địa vị ưu thế của giới chủ nhà. Tất cả các pháp chế có mục đích bảo vệ dễ được ban hành và dễ được hoan nghinh vì những kẻ yếu được che chở bao giờ cũng chiếm đa số trong xã hội. Trong một nước dân chủ thì đa số bao giờ cũng chiếm ưu thế. Sự suy giảm của ý niệm tự do biểu lộ rõ rệt một sự biến đổi trong quan niệm cá nhân về pháp luật. Quan niệm này đã tiến hóa và đã tiến dần đến quan điểm xã hội  một phần nào.
53._ Sự phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự tạo lập pháp luật đã cho ta thấy rằng trong công việc làm luật con người không thiếu lý tưởng. Nhưng điều cần minh định là thay vì hướng về một lý tưởng thì người ta lại hướng theo nhiều lý tưởng. Những lý tưởng này lại đối lập nhau, xung đột với nhau để giành lấy quyền tạo lập pháp luật theo chiều hướng riêng của mình. Vì thế nên trong lĩnh vực chính trị, pháp luật đổi thay tùy theo từng lúc, tùy theo ý niệm tự do có ưu thế hay ý niệm công bình có ưu thế. Pháp luật cũng đổi thay cả trên địa hạt kinh tế tùy theo chính sách áp dụng hướng về kinh tế tự do hay kinh tế chỉ huy. Như học phái lịch sử nói đúng, pháp luật biểu lộ tâm hồn của cả một dân tộc. Nhưng ngược lại với chủ trương của học thuyết lịch sử, pháp luật không phải là sản phẩm tự nhiên của lịch sử. Thực ra nó do ý chí của chính quyền tạo nên. Ý chí này có thể cách mạng hay bảo thủ. Ihering đã nói rât đúng. Ta có thể kết luận rằng luôn luôn có một sự đấu tranh không ngừng cho pháp luật. Trong cuộc đấu tranh có thể lẫn quyền lợi với lý tưởng nhưng lý tưởng bao giờ cũng được nêu lên hàng đầu, tựa như lá cờ trước toán quân ra trận. Thí dụ: Người ta thường nêu cao lý tưởng công bình xã hội để ban hành những pháp chế về lao động, xã hội. Dù sao thì cũng có sự đấu tranh giữa các lực lượng xã hội khác nhau. Giáo sư Ripert đã gọi những lực lượng đó là “lực lượng sáng tạo ra pháp luật”.
Các quan niệm của nhà lập pháp về luân lý, kinh tế, chính trị có giá trị như thế nào thì pháp luật ban hành cũng có giá trị như vậy. Pháp luật không thể được coi như một cái gì trừu tượng, đứng riêng lẻ và tự tạo lập. Pháp luật chính là sụ phản ảnh của cả một sinh hoạt xã hội. Chính đời sống xã hội này là điều mà ta cần khám phá, mà ta cần tìm hiểu, xuyên qua các qui tắc của pháp luật. Muốn đạt mục đích đó, thiêt tưởng sự hiểu biết những khoa học xã hội không phải là thiếu hữu ích.

MỤC III: NHỮNG KHOA HỌC XÃ HỘI LIÊN HỆ ĐẾN SỰ TẠO LẬP PHÁP LUẬT

54._ Khoa học xã hội là một danh từ có nghĩa rộng, dùng để chỉ tất cả các bộ môn nghiên cứu các sự kiện, các hiện tượng xảy ra trong xã hội, trong đó có cả pháp luật.

55._ Ta có thể nói triết học chi phối tất cả các khoa học. Có biết bao nhiêu qui tắc pháp luật căn cứ vào tiêu chuẩn luân ý hoặc chỉ là những giáo điều luân lý được phổ luật. Nhiều qui tắc pháp luật khác dữa vào tâm lý học. Cả luận lý học (logique) cũng giữ một vai trò không kém quan trọng đối với sự tạo lập pháp luật. Khi học về sự giải thích pháp luật, ta thấy luận l1y học đã cống hiến cho pháp luật nhiều phương pháp suy luận. Đến ngay cả siêu hình học cũng có liên hệ đến sự tạo lập pháp luật. Biết bao nguyên tắc đại cương của pháp luật đã lệ thuộc Siêu hình học. Thí dụ: Khi lựa chọn giữa hai quan niệm cá nhân và xã hội để tổ chức đời sống xã hội, nhà lập pháp đã minh định lập trường của mình và làm như vậy là đề cập đến vấn đề cứu cánh của con người, một vấn đề thuộc về siêu hình học. Chính vì vậy mà yếu tố tôn giáo rất quan trọng trong việc tạo lập pháp luật thời cổ. Mỗi tôn giáo có một luân lý riêng. thí dụ luân lý của Gia tô giáo, Hồi giáo, Khổng giáo. Mỗi nền luân lý theo một quan niệm siêu hình riêng. Tuy ngày nay các hệ thống pháp luật đã thoát ly một phần nào luân lý nhưng chưa phải là đã hoàn toàn ly khai với luân lý. Phần lớn các hệ thống pháp luật còn đượm màu sắc luân lý.

ĐOẠN 2: Pháp luật và kinh tế học
56._ Kinh tế học là khoa học nghiên cứu sự sản xuất, sự lưu thông và sự phân phối tài vật. Vậy mà pháp luật trong nhiều định chế cũng qui định sự vận dụng tài vật. Thí dụ: Những qui tắc pháp lý về quyền sở hữu định rõ những điều kiện về sự chấp hữu tài sản. Những qui tắc của luật khế ước cho ta biết các thể thức trao đổi tài vật. Tất cả bộ thương luật chi phối sự lưu thông tài vật. Vì vậy nên yếu tố kinh tế rất quan trọng trong việc tạo lập pháp luật. Trên thực tế sự tập trung xí nghiệp là một hiện tượng kinh tế. Hiện tượng kinh tế này làm phát sinh một hiện tượng pháp lý là sự phát triển các hội xã, các công ty. Quyền sở hữu về bất động sản không thể qui định như quyền sở hữu các động sản vì tính cách kinh tế khác nhau. Quan niệm cổ điển có từ thời cổ luật La Mã đã cho rằng bất động sản quan trọng hơn động sản và chính Bộ dân luật Pháp 1804 đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của quan niệm này. Quan niệm cổ điển này ngày nay không còn đúng nữa: vì có sự phát triển mau lẹ của các công ty hợp tư, ngày nay các cổ phần hay trái khoản trong các công ty nhiều khi có giá trị lớn hơn nhà đất. Đó là tất cả ảnh hưởng của những biến đổi kinh tế đối với pháp luật. Một hiện tượng kinh tế mới đã có hậu quả làm biến đổi hăn một nguyên lý của pháp luật. Trên địa hạt tư tưởng các học thuyết kinh tế cũng đưa tới những quan niệm khác nhau về quyền tư hữu. Có nơi quyền tư hữu được coi là một quyền tuyệt đối. Có nơi thì nó được công nhận nhưng bị hạn chế. Có nơi thì quyền này lại bị phủ nhân. Chính quyền một quốc gia có thể dùng pháp luật như sử dụng một khí cụ để thi hành chính sách kinh tế của mình. Những kế hoạch kinh tế dài hạn đều có những mục tiêu rõ rệt. Muốn đạt được mục tiêu này, chính quyền thường dùng các biện pháp pháp lý. Ngoài ra người ta còn thấy có những ảnh hưởng hỗ tương giữa kinh tế và pháp luật. Pháp luật không thể tạo lập được nếu như ta không chú ý đến yếu tố kinh tế. Ngược lại, những pháp chế ban hành cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các hiện tượng kinh tế. Ví dụ: Pháp luật có thể thay đổi sự phân phối của cải bằng cách ưu đãi một loại hoạt động kinh tế nào đó, của một giới nào đó trong xã hội. Ngay trong một nền kinh tế tự do, pháp luật cũng ảnh hưởng nhiều đến sự tạo lập giá cả. Vì sự liên hệ mật thiết giữa kinh tế và pháp luật nên tại nhiều nước (như Việt Nam và Pháp), hai khoa này đã được giảng dạy chung tại một phân khoa Đại học.

ĐOẠN 3: Pháp luật và Chính trị học
57._ Khoa chính trị nghiên cứu các chính thể, nghĩa là các hình thức của bộ máy cai trị cùng các hiện tượng của dư luận. Khoa học chính trị giúp ta hiểu biết sự phân tranh hay sự hòa giải giữa các lực lượng xã hội. Chính từ sự phân tranh hay hòa giải đó, đã phát sinh các qui tắc pháp luật. Tùy theo cách tổ chức công quyền, hoặc lực lượng này hoặc lực lượng kia có ưu thế. Cũng theo đó pháp luật có tính cách bảo thủ hay cấp tiến. Nó sẽ hợp với quan niệm các nhân hay quan niệm xã hội. Vì vậy pháp luật các nước theo chủ nghĩa Cộng sản khác với các nước dân chủ tự do. Hai đàng theo hai lý tưởng chính trị khác nhau. Ngoài ra khoa học chính trị lại nghiên cứu ảnh hưởng của dư luận quần chúng, của các nhóm áp lực. Vậy mà dư luận quần chúng hay các nh1om áp lực có rất nhiều ảnh hưởng đối với công việc lập pháp, nhất là tại các nước dân chủ. Nguồn gốc chính của luật pháp là các đạo luật do quốc hội biểu quyết, mà quốc hội gồm có các dân biểu. Dân biểu hành động theo nguyện vọng của cử tri, mà nguyện vọng của cử tri thì do dư luận hay các nh1om áp lực hướng dẫn. Vì vậy mà chính trị học có liên hệ mật thiết với pháp luật.

ĐOẠN 4: Pháp luật với xã hội học
58
._ Xã hội học nghiên cứu những hiện tượng xã hội, những tác phong của con người trong xã hội. Nó cho ta biết hiện trạng của một xã hội trong một giai đoạn. Thí dụ: Xã hội học có thể cho ta biết số sinh tằng hay giảm trong một quốc gia và tùy theo sự tăng giảm đó mà nhà lập pháp sẽ áp dụng một chính sách thích nghi bằng cách ban hành những đạo luật liên hệ tới gia đình. Ngày nay, khoa học xã hội có một ngành riêng gọi là xã hội học pháp lý (Sociologie Juridiqué). Ngành học này nghiên cứu phản ứng của dân chúng trước những đạo luật mới. Nó phỏng đoán được kết quả sau mỗi sự cải cách luật pháp. Vì vậy n1o là hướng dẫn viên quí báu cho nhà lập pháp khi muốn thi hành một chính sách mới bằng một sự cải cách luật pháp. Xã hội học còn có một lợi ích đặc biệt đối với pháp luật là khoa học đó có thể cho biết tính cách hiệu nghiệm ít hay nhiều của các đạo luật. Nói cách khác, nó có thể cho ta biết trong thực tế một đạo luật ban hành có thật sự được áp dụng hay không và sự áp dụng đó như thế nào.

ĐOẠN 5: Pháp luật và sử học 
59._ Sử học giúp cho các luật gia hiểu rõ những nguyên tắc hay nhữngđịnh chế pháp lý bắt nguồn từ cổ luật. Thí dụ: Nhiều định chế trong pháp luật hiện hành chỉ được giải thích bằng những định chế tương tự trong các bộ cổ luật. Thí dụ: Trong Dân luật Việt Nam, ta chỉ hiểu rõ được vấn đề của riêng của người vợ cả, khi ta nghiên cứu cổ luật. Luật Hồng Đức triều nhà Lê có nhiều điều khoản (374,376) nói rõ về vấn đề này. Nhiều qui tắc của dân luật Pháp ngày nay, bắt nguồn từ cổ luật La Mã như qui tắc coi trọng bất động sản hơn động sản (Res mobilis res vilis: Di động là thứ rẻ tiền). Sử học, nhất là môn pháp chế sử, giúp ta có thể so sánh pháp luật thời nay với pháp luật thời xua. So sánh để thấu hiểu pháp luật hiện hành và đồng thời để rút kinh nghiệm. Sử học lại còn được coi là địa hạt thí nghiệm của pháp luật. Sử học cho ta những yếu tố để phán đoán về hậu quả tốt hay xấu của pháp chế. Nhờ sự hiểu biết do sử học cung cấp, nhà lập pháp có thể thi hành một chính sách thích nghi hoặc bảo thủ hoặc cải cách mới mẻ./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar