Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

51. Sự Bế Tắc Của Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên

SỰ BẾ TẮC CỦA THẨM PHÁN NGUYỄN THỊ TÌNH DUYÊN
Hôm thứ hai, ngày 6/2/2023, tôi đến Tòa án nhân dân Quận 3, gặp Thẩm phán phán Nguyễn Thị Tình Duyên để hỏi về tình hình giải quyết vụ án Konica Minolta và sao chụp các tài liệu, chứng cứ mới. Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên cho tôi biết là không có tài liệu, chứng cứ gì mới và Tòa án quận 3, trong vòng một tuần lễ, phải chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy là, sau 16 tháng thụ lý lại sơ thẩm lần thứ hai, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên lại phải chuyển hồ sơ lên Tòa án cấp cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm theo Đơn đề nghị giám đốc thẩm của tôi đã gửi cho Tòa án cấp cao từ ngày 01/07/2021. Ngay từ sau khi có bản án phúc thẩm lần thứ hai, số 528/2021/KDTM-PT của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, tôi đã có đơn yêu cầu giám đốc thẩm bản án này. Tôi biết chắc chắn, về mặt tố tụng, Tòa án Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh không thể giải quyết lại vụ án này ở cấp sơ thẩm. Sau khi Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên ra thông báo thụ lý sơ thẩm, tôi có trao đổi với bà về nghiệp vụ chuyên môn và đề nghị bà báo cáo với Chánh án Tòa án nhân dân Quận 3 để đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng bà không làm. Bà ôm hồ sơ vụ án để giải quyết mà không hề nhận thức rằng, bà không bao giờ làm được những gì mà bản án phúc thẩm số 528 của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn yêu cầu cấp sơ thẩm phải làm. Càng làm, bà càng bế tắc. Bây giờ là đã 16 tháng trôi qua nhưng bà vẫn chưa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trong khi đó, theo khoản 1b Điều 203 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án kinh doanh thương mại, như vụ án Konica Minolta, thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng. Không có quyết định gia hạn của Chánh án, bất chấp qui định của pháp luật, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên ôm hồ sơ vụ án hơn 16 tháng nay trong bế tắc về mặt tố tụng.
Tôi rất thông cảm cho Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên, vì bà bị bắt buộc phải thụ lý, giải quyết theo yêu cầu của cấp phúc thẩm. Bà nói với tôi là bà phải làm thẩm định giá, trưng cầu giám định theo yêu cầu của cấp phúc thẩm, nếu không thì bản án sơ thẩm sẽ bị cấp phúc thẩm hủy một lần nữa. Nhưng cả Sao Nam, Konica Minolta và tòa án không tìm đâu ra đơn vị chịu làm cái việc quái dị này. Bởi lẽ, máy in C1100 là do Konica Minolta độc quyền ấn định giá, chứ làm gì có giá thị trường mà định. Còn giá nhập khẩu thì phải dựa vào hồ sơ nhập khẩu, hóa đơn, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận xuất xứ, tài liệu do Konica Minolta cung cấp, nhưng họ không cung cấp thì tòa phải bó tay.com, chứ định giá cái nổi gì. Tôi nhìn Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên chạy theo yêu cầu Sao Nam và Konica Minolta mà cười thầm trong bụng. Cứ để cho họ làm. Tôi biết, rồi đến khi không làm được, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên cũng phải báo lên cấp trên. Đó mới là chuyện thẩm định giá. Còn chuyện đưa vụ án ra xét xử thì bà cũng phải bế tắc, không biết xét xử ra sao, khi đã có quyết định giám đốc thẩm và bản án phúc thẩm, nhận định Konica Minolta lừa dối.
Theo Điều 12 BLTTDS 2015 thì “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghĩa là, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên phải độc lập với tòa án cấp trên, nhưng lại phải tuân theo bản án, quyết định của cấp trên. Và theo qui định tại Điều 264 thì “Khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án”. Không có chỉ dẫn nào phải căn cứ vào nhận định của bản án phúc thẩm, hoặc quyết định giám đốc thẩm để tuyên án cả. Nghĩa là, ai xét xử, nhận định thì phải tuyên theo nhận định của họ. Nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã nhận định hợp đồng vô hiệu do lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005, nhưng không tuyên án phần vô hiệu, với lý do phải đồng thời giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Đây là sai lầm, có thể nói là hết sức tệ hại của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, dẫn đến sự bế tắc của cấp sơ thẩm trong suốt 16 tháng qua.
Bây giờ thì các vị lãnh đạo ngành tòa án đã thấy sai, phải rút hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp cao để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu không hủy bản án phúc thẩm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn thì không thể giải quyết đúng đắn vụ án Konica Minolta về mặt tố tụng. Sự bế tắc của Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên hơn 16 tháng qua là bài học cho ngành tòa án Việt Nam./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar