Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Bài 6. Chuẩn Bị Biểu Ngữ Tiến Vào Trụ Sở Quốc Hội.

CHUẨN BỊ BIỂU NGỮ TIẾN VÀO TRỤ SỞ QUỐC HỘI.
Khoảng đầu năm 1998, tôi viết quyển sách “Công Chứng Mua Bán Và Thuê Nhà Đất”. Tôi đặt in rồi đem giao cho nhà sách Văn Lang phát hành độc quyền. Trong lúc đang nhận tiền bán sách thì tôi gặp em Lâm Ngữ Thành tại nhà sách. Khi biết tôi là luật gia, đang biên soạn sách để bán thì Thành nhờ tôi giải quyết vụ bị kẹt xuất cảnh, do tòa án ngăn chặn, vì Thành là bị đơn trong vụ tranh chấp nhà đất. Tôi đã nhận giúp đỡ Thành mà không ngờ rằng, tôi phải dấn thân đến mức chuẩn bị cờ, biểu ngữ để biểu tình, la ” bớ làng nước ơi” trước trụ sở quốc hội.
Lâm Ngữ Thành quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Cha mẹ và các em của Thành đã xuất cảnh đến Mỹ theo diện H.O. Thành và chị ruột là Lâm Thị Tâm đã có chồng, đã trên 21 tuổi nên không được xuất cảnh theo gia đình.
Sau khi cha mẹ và các em của Thành định cư ở Mỹ thì Thành được Mỹ chấp thuận cho nhập cư để đoàn tụ gia đình (ODP), còn chị Tâm thì đã có chồng nên phải ở lại Việt Nam. Thủ tục xuất cảnh đã gần như hoàn tất, đã có hộ chiếu thì Thành bị kiện đòi giao nhà đất trước khi xuất cảnh. Tòa án tỉnh Quảng Ngãi thụ lý sơ thẩm và không chấp nhận cho Thành được ủy quyền cho chị Tâm. Tòa án tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản yêu cầu công an Quảng Ngãi ngăn chặn Lâm Ngữ Thành xuất cảnh để chờ giải quyết vụ tranh chấp. Phòng xuất nhập cảnh công an Quảng Ngãi đã thu giữ hộ chiếu của Thành.
Sau đó, tòa án tỉnh Quảng Ngãi đã xử cho nguyên đơn thắng kiện nhưng nguyên đơn vẫn kháng cáo để kéo dài vụ án ở cấp phúc thẩm. Lâm Ngữ Thành cũng kháng cáo. Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã thụ lý phúc thẩm.
Thời hạn nhập cư vào Mỹ sắp kết thúc mà vụ án thì không biết bao giờ kết thúc. Đối với Thành và gia đình của Thành thì được Mỹ chấp thuận cho nhập cư là một may mắn lớn, một cơ hội đổi đời không thể bỏ lỡ. Họ rất lo lắng, sốt ruột nhưng không biết kêu vào đâu.
Thời đó, việc đi lại cũng còn khó khăn. Tôi khuyên Thành về Quảng Ngãi đợi tôi. Tôi đi máy bay ra Đà Nẵng, trao đổi nghiệp vụ với vài bạn đang làm việc ở tòa án Đà Nẵng rồi dùng xe gắn máy đi vào Quảng Ngãi để trực tiếp làm một hợp đồng ủy quyền có công chứng – Lâm Ngữ Thành ủy quyền cho chị là Lâm Thị Tâm tham gia tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm và giai đoạn thi hành án.
Mặc dù vừa mới sinh con, còn trong tháng ở cữ nhưng chị cũng phải trùm kín người, lặn lội đến UBND huyện Sơn Tịnh để ký hợp đồng nhận ủy quyền cho em Thành được nhanh chóng xuất cảnh.
Từ Quảng Ngãi, tôi cùng Lâm Ngữ Thành ra Đà Nẵng để nộp đơn và hợp đồng ủy quyền cho tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng. Trong đơn, chúng tôi đã trình bày rõ là nhà đất bị tranh chấp đang còn ở Việt Nam, đã có chị Tâm nhận ủy quyền tham gia tố tụng giai đoạn phúc thẩm và giai đoạn thi hành án. Nghĩa vụ dân sự của Lâm Ngữ Thành đã được chị Tâm nhận thực hiện và có bảo đảm. Chúng tôi đề nghị tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng ra văn bản chấp nhận ủy quyền và giải tỏa ngăn chặn để Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh đi Mỹ. Thời gian rất gấp.
Mặc dù đã làm đúng pháp luật nhưng Lâm Ngữ Thành và tôi vẫn dụ trù một khoản “vui vẻ phí” bôi trơn cho những ai góp phần vào việc giúp giải quyết nhanh chóng thủ tục để Lâm Ngữ Thành kịp thời đến Mỹ.
Nhưng không ngờ, sự việc đơn giản, yêu cầu đúng pháp luật đã bị tòa án nhũng nhiễu làm thành phức tạp. Cuộc đấu tranh cho Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh thật là cam go, đến mức, tôi phải gọi điện cho ông Chánh án tối cao Trịnh Hồng Dương để cảnh báo và chuẩn bị biểu ngữ để cùng Lâm Ngữ Thành tiến vào trụ sở quốc hội. Thời đó mà “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”(*) và la “bớ làng nước ơi” giữa thủ đô văn hiến như thế thì tất nhiên, tôi đã sẵn sàng chấp nhận có thể bị tế làm “Nghĩa Sĩ Luật Sư”.

Đến Đà Nẵng, tôi và Lâm Ngữ Thành chọn ở một khách sạn rẻ tiền để dự liệu cho vụ việc kéo dài. Tôi nộp đơn cho bộ phận văn thư, lấy biên nhận. Sau đó, tôi liên hệ gặp ông Phạm Bá Sơn – trưởng phòng nghiệp vụ của tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng. Tôi trình bày vụ việc và nhờ ông Sơn trình với ông Trần Mẫn, khi đó là Chánh tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, để giải quyết gấp, cho kịp thời hạn xuất cảnh mà Mỹ đã ấn định cho trường hợp của Lâm Ngữ Thành.
Ông Phạm Bá Sơn đã trả lời tôi rằng, việc ngăn chặn xuất cảnh là của tòa án tỉnh Quảng Ngãi, vì vậy, giải tỏa ngăn chặn thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh Quảng Ngãi. Tòa phúc thẩm TANDTC không có trách nhiệm giải quyết. Tôi không thể tranh luận với ông thư ký ngớ ngẩn về mặt pháp luật như thế này nên đòi gặp thẩm phán đang thụ lý vụ án. Nhưng thư ký Phạm Bá Sơn cho biết là chưa phân công thẩm phán thụ lý vụ án. Tôi đòi bố trí cho tôi được gặp ông Chánh tòa Trần Mẫn nhưng ông Phạm Bá Sơn từ chối.
Tôi về khách sạn, viết đơn yêu cầu được gặp chánh tòa theo qui chế lãnh đạo tòa án tiếp công dân, rồi nộp cho bộ phận văn thư lấy biên nhận. Tôi về nằm chờ ở khách sạn. Cứ thỉnh thoảng tôi lại gọi điện vào tòa án, yêu cầu thư ký bố trí cho tôi gặp ông chánh tòa Trần Mẫn. Tôi cũng gọi vào số riêng của ông Trần Mẫn để đề nghị sắp xếp cho tôi được gặp gấp vì tôi từ Sài Gòn ra, đã hết tiền ở khách sạn nên không thể chờ lâu.
Ông Trần Mẫn đã tiếp tôi, lắng nghe ý kiến trình bày của tôi nhưng không giải quyết. Những lý do mà ông Trần Mẫn đưa ra cũng giống lý do mà anh Phạm Bá Sơn đã đưa ra để từ chối giải quyết. Ông Trần Mẫn còn khuyên tôi, nên hướng dẫn cho em Lâm Ngữ Thành giao nhà đất, rồi cùng với nguyên đơn rút kháng cáo, để thủ tục xuất cảnh được dễ dàng. Lâm Ngữ Thành đã cho tôi biết có sự liên hệ giữa nguyên đơn với tòa án Quảng Ngãi để ép Lâm Ngữ Thành. Đến lúc này, tôi càng tin lời Lâm Ngữ Thành, nghi ngờ có sự liên hệ từ sơ thẩm đến phúc thẩm.
Tôi cay đắng. Tôi biết, vụ việc sẽ rất khó khăn. Không thể sử dụng các biện pháp thông thường để đấu tranh. Cũng không thể dùng vui vẻ phí, bôi trơn phí hoặc đút lót. Việc đã gấp. Tôi tự thấy mình có bổn phận giải quyết cho Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh theo đúng pháp luật.
Tôi về khách sạn, báo cho Lâm Ngữ Thành biết kết quả cuộc gặp ông Trần Mẫn. Với vẻ mặt u buồn và thất vọng, Thành nói: “Bọn nó đã gọi điện cho tòa Đà Nẵng để ngăn chặn rồi anh ơi. Anh mà giải quyết không được thì thôi, em không đi, em ở lại Việt Nam lấy vợ cũng được”.
Tôi và Thành đi ăn trưa nhưng nuốt không trôi. Chúng tôi còn rất ít tiền nên không thể nán lại Đà Nẵng. Tôi nói với Lâm Ngữ Thành: “Em không phải tốn gì nữa, để anh lo. Anh thề là làm tất cả những gì có thể để em được đến nước Mỹ theo nguyện vọng”. Tôi dặn Lâm Ngữ Thành về Quảng Ngãi đợi tôi.
Tôi về Sài Gòn. Tối hôm ấy, tôi lên sân thượng, ngồi uống bia một mình, suy tư trắng đêm. Trời đêm yên tĩnh, đầy sao. Bia vào, tự nhiên trong đầu tôi nghĩ ra những chiêu quái lạ. Sáng hôm sau, tôi vẫn tỉnh táo khai triển xuất chiêu, ra chước.
Gia đình Lâm Ngữ Thành cũng nghèo. Cha của Thành làm cảnh sát cấp thấp ở vùng quê Quảng Ngãi. Khi được đến Mỹ thì ông bà đã già, chỉ sống dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi của chính phủ Mỹ. Hai em của Thành còn đi học. Thành độc thân, trên 21 tuổi, còn ở lại Việt Nam trong tâm trạng chờ ngày xuất cảnh nên cũng không làm gì có tiền. Thành sống dựa vào số tiền ít ỏi do cha mẹ và các em của Thành bớt xén từ tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ, để gửi về cho Thành và chị Lâm Thị Tâm. Khi Thành được Mỹ chấp thuận cho nhập cư thì chị Tâm nhường tiền trợ cấp để Thành chi cho việc đi tới, đi lui làm thủ tục. Do vậy, Thành cũng rất khó khăn.
Thành đã từng nhờ một số người có quen biết với các viên chức tòa án và công an Quảng Ngãi để tháo gỡ nhưng cũng không xong. Bây giờ, hồ sơ đã chuyển ra tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng thì càng khó khăn mờ mịt hơn. Vì ở Đà Nẵng, Thành và gia đình càng không quen biết ai.
Thành vào Sài Gòn đi kiếm luật sư. Nhưng khổ nổi, cái nghề luật sư giống nghề bác sĩ ở chỗ, không ông luật sư nào hoặc bác sĩ nào hứa được việc mới lấy tiền. Thành thì có rất ít tiền; mà sợ nhất là hết tiền rồi mà vẫn không đi được đến Mỹ thì rất khốn khó.
Trong lúc gần như tuyệt vọng thì Thành gặp tôi trong nhà sách Văn Lang. Chủ nhà sách là anh Hòa – chị Phụng, người Quảng Ngãi, chỗ quen biết với gia đình Thành. Tôi nhận giúp Thành cũng chỉ vì muốn giúp một người quen biết trong làng sách chứ không phải để kiếm tiền bằng nghề luật sư.
Tôi quyết định đánh trực diện Chánh tòa Trần Mẫn để giải vây cho Lâm Ngữ Thành đi Mỹ. Vũ khí là đơn tố cáo và truyền thông. Kỹ thuật viết đơn tố cáo thì tôi đã rất thạo. Truyền thông khi ấy thì chỉ có các báo và đài do các cơ quan nhà nước quản lý, không dễ chen bài. Tố cáo một người như ông chánh tòa Trần Mẫn, dù đúng hay sai, có thể bị chụp cho tội vu cáo hoặc phản động. Hơn nữa, sau lưng ông Trần Mẫn còn có nhiều quan hệ chằng chịt, rất nguy hiểm cho chính mình, nếu như họ muốn triệt mình. Vì vậy, tôi luôn luôn tự nhắc nhở mình giữ vững sự trung thực, trong sáng. Chỉ tố cáo những vấn đề sai chuyên môn pháp luật và có chứng cứ.
Trong bối cảnh các đơn tố cáo của công dân bị chuyển lòng vòng rồi quăng vào sọt rác thì gửi đơn như thế nào để phải được xem xét giải quyết cũng là vấn đề kỹ thuật, phải nghiên cứu. Viết như thế nào để bài được đăng lên mặt báo chính thống lại càng khó hơn.
Theo thẩm quyền thụ lý thì đơn tố cáo ông Chánh tòa Trần Mẫn phải gửi đến cấp trên trực tiếp của ông, tức là, phải gửi đến ông Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương tại 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Nếu gửi phát chuyển nhanh qua đường bưu điện, rồi chờ đợi thì có khi phải đợi đến lúc chú cuội trở về từ mặt trăng. Mà dù gì thì cuối cùng, vụ việc cũng phải chuyển về tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, do ông Trần Mẫn làm chánh tòa, để giải quyết theo thẩm quyền.
Tôi là người viết quyển sách “Lãng Mạn Pháp Luật” để cảnh báo cho dân nên tránh chuyện “vô phúc đáo tụng đình”. Vì vậy, không vì lý do gì mà tôi lại chọn phương án khiếu nại tố cáo, để rồi phải lòng vòng, kéo dài, làm mất cơ hội xuất cảnh của Lâm Ngữ Thành. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, không còn cách nào khác, tôi phải chọn đánh bằng đơn. Tuy đã bày binh bố trận và tin rằng sẽ đạt được kết quả nhưng tôi cũng bắt chước “quân tử phải phòng thân”.
Tôi hỏi Lâm Ngữ Thành:
– Nếu anh tiến hành đấu tranh theo cách của anh, mà hậu quả là, em không xuất cảnh được thì em có chấp nhận không?
– Em chấp nhận! – Lâm Ngữ Thành trả lời nhanh.
– Hay là, em tìm một luật sư khác, có quen biết với tòa phúc thẩm, tốn ít tiền, nhờ họ nhẹ nhàng tháo gỡ trong êm đềm, bí mật?
– Thôi anh ơi! Em tốn tiền rồi, luật sư phỉnh nhiều lắm. Xong tòa rồi còn công an Quảng Ngãi nữa. Có giấy của tòa, chưa chắc công an Quảng Ngãi sẽ trả hộ chiếu cho em. Hết chuyện này, họ bày chuyện khác. Họ muốn làm khó thì em làm gì được.
Tôi biết, xong việc ở tòa, tôi sẽ phải vào Quảng Ngãi, đối diện với phòng xuất nhập cảnh công an tỉnh Quảng Ngãi để giải quyết vấn đề hộ chiếu cho Lâm Ngữ Thành. Tôi phải tính luôn bước hai này ngay từ khi ra đòn ở bước đầu tiên.
Tôi viết một lá đơn tố cáo và phô tô các chứng từ bấm kèm theo đơn. Không biết tại sao, lúc đó, công lực của tôi dồn vào những con chữ. Chính xác, đúng pháp luật, thuyết phục, sức tố cáo vô cùng mạnh mẽ, như là tiếng kêu xé trời.
Đơn được gửi đến ông Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương để yêu cầu giải quyết. Tôi cũng gửi đơn đến các thành viên hội đồng xét chọn thẩm phán do ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc làm chủ tịch, với yêu cầu xem xét lại năng lực chuyên môn pháp luật của ông Trần Mẫn. Đồng thời, đơn cũng được gửi đến một số nơi, để theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết theo qui định của pháp luật.
Tôi cũng gửi đơn tố cáo này cho ông Trần Mẫn và ông Phạm Bá Sơn – là những người bị tố cáo – để họ biết là tôi đã tố cáo họ như thế nào. Đặc biệt, tôi gửi đơn cho các chánh án tòa án các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên – nơi mà, các bản án cấp tỉnh sẽ do tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng xem xét lại. Tôi gửi riêng cho mỗi thẩm phán tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, mỗi người một bản, để biết. Có một người đặc biệt cần phải đọc để biết lá đơn này là anh Vũ Xuân Viên – phòng xuất nhập cảnh công an tỉnh Quảng Ngãi – người đang thu giữ hộ chiếu của Lâm Ngữ Thành. Đơn và các chứng từ kèm theo cũng được gửi cho các báo, đài trong cả nước. Tất cả các đơn đều được gửi phát chuyển nhanh có hồi báo. Tốn bộn tiền. Trong bối cảnh chưa có Internet, những lá đơn đã trở thành truyền đơn, rải đến nơi cần đến.
Tôi cũng gửi lá đơn này đến cho một người bạn của tôi, đang làm thẩm phán. Tôi nhờ bạn ấy đọc dùm và cho ý kiến phản biện về mặt chuyên môn.
Chờ cho đơn đến những nơi cần đến, tôi gọi cho bạn:
– Mi đọc đơn của tau xong, mi thấy sao?
– Tau đắng họng.
– Ở vào trường hợp ông Trần Mẫn, mi giải quyết ra sao?
– Tau không biết. Tau đắng họng, nuốt không trôi.
– Mi biết tau rồi. Mi có cửa gì chơi ngược lại tau trong trường hợp này không?
– Khó! chưa nghĩ ra.
Vậy là tôi biết lá đơn của tôi đã là đòn thối động. Tôi nghĩ rằng những người nhận được đơn, trong số đó có người thân tín với ông Trần Mẫn, sẽ gọi hỏi ông, làm ông rối. Một người làm đến chánh tòa phúc thẩm mà sai sót nghiệp vụ pháp luật như thế thì danh dự đâu mà điều hành cấp dưới, kiến thức đâu mà phúc thẩm người ta.
Chờ hơn 10 ngày thì tôi gọi vào số cầm tay của ông Trịnh Hồng Dương:
– A lô ! Anh Trịnh Hồng Dương phải không?
– Tôi đây, ai ở đầu dây đó?
– Tôi là công dân Lương Vĩnh Kim đây. Tôi có việc rất cấp bách, phát chuyển nhanh đơn đến riêng anh, anh nhận được chưa?
– Về việc gì mà cấp bách anh?
– Về việc xuất cảnh của em Lâm Ngữ Thành, bị ông Trần Mẫn làm khó. Sắp hết thời hạn xuất cảnh mà tòa không giải tỏa ngăn chặn. Tôi đề nghị được gặp anh để trình bày cho cặn kẽ.
– Anh tham gia tố tụng với tư cách gì trong vụ án này?
– Tôi không tham gia tố tụng. Tôi chỉ là người được bị đơn ủy quyền khiếu nại việc ngăn chặn xuất cảnh.
– Anh không có tư cách tham gia tố tụng thì tôi không tiếp anh.!
– Tôi là công dân. Tố cáo, phản ánh đến anh những vấn đề sai trái của cấp dưới anh thì anh phải lắng nghe để giải quyết chứ cần gì phải tham gia tố tụng. Anh xem đơn của tôi rồi giải quyết thế nào là quyền của anh.
– Tôi sẽ xem !
– Tôi xin cám ơn anh, chúc anh sức khỏe và xin lỗi vì đã làm phiền đến anh.
Chừng mấy ngày sau thì anh Đào Văn Hội, lúc đó là thư ký báo Pháp luật của Bộ Tư Pháp, đã gọi điện cho tôi. Sau khi kiểm tra lại các thông tin do tôi cung cấp, anh nói: “Chỗ tòa phúc thẩm này bị nhiều người kêu lắm”. Báo Pháp Luật của Bộ Tư Pháp đã đăng nguyên nội dung lá đơn tố cáo của tôi với tiêu đề “Non Kém Nghiệp Vụ Hay Nhũng Nhiễu Hành Dân”. Báo ra, vụ việc lại càng thêm ồn ào.
Sau khi báo ra, tôi chờ cho ông Trần Mẫn có thời gian xem lại hồ sơ vụ án, trao đổi nghiệp vụ trong nội bộ tòa án và cũng để ông có thời gian hỏi han về lai lịch của tôi trước khi ông có thể làm gì tôi. Đối với Lâm Ngữ Thành thì ông có thể nghĩ đó là thành phần ngụy quân, ngụy quyền chống đối, làm mất uy tín của ông, của tòa án cách mạng. Nhưng với tôi thì ông khó có thể qui chụp kiểu đó. Để cho ông đủ bình tĩnh, rồi tôi chủ động gọi điện cho ông để tháo gỡ vấn đề.
– A lô ! Anh Trần Mẫn ở đầu dây phải không? Tôi là Lương Vĩnh Kim đây. Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm phiền anh, nhưng thưa anh, tôi không còn cách nào khác. Anh hãy nghe tôi nói và mong anh tháo gỡ cho em Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh vì thời hạn đã sắp hết, Mỹ sắp đóng hồ sơ này.
– Anh cứ nói đi !
– Thưa anh! Tôi và em Lâm Ngữ Thành chuẩn bị đi Hà Nội để gặp ông Trịnh Hồng Dương. Nếu vẫn chưa được giải quyết thì chúng tôi sẽ đến văn phòng quốc hội. Mà nếu vẫn không được giải quyết thì chúng tôi đến đại sứ quán Mỹ để nhờ can thiệp. Tôi mà kêu như vậy thì sẽ rất là ồn, có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Tôi mong anh xem lại.

– Anh đợi tôi hỏi lại chỗ Tòa án Quảng Ngãi. – ông Trần Mẫn từ tốn, dịu dàng.
– Cám ơn anh. Tôi đợi anh. Chúc anh sức khỏe và làm tốt công tác.

Qua thái độ của ông Trần Mẫn, tôi cảm nhận rằng chiêu và chước của mình đã có tác dụng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải dự liệu các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tôi đã dấn thân tranh đấu cho Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh hợp pháp nhưng tự nhũ rằng mình phải kín võ, nếu không, có thể bị đánh ngược.

Tôi báo cáo vụ việc với Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, nơi tôi đang là thành viên. Thời kỳ đó, Luật sư hành nghề phải báo cáo vụ việc qua Ban chủ nhiệm để lấy giấy giới thiệu và đóng phí. Mỗi giấy giới thiệu đóng phí năm chục ngàn đồng, mỗi vụ tham gia tố tụng đóng hai trăm ngàn đồng. Khi nghe tôi trình bày ý định sẽ kêu đến quốc hội – theo cách kéo cờ tiến vào trụ sở quốc hội – thì Ls Hoàng Kim Vinh, chủ nhiệm đoàn, chỉ cười hiền và khuyên tôi nên cẩn thận. Tôi gặp Luật sư Nguyễn Quốc Minh, phó chủ nhiệm đoàn, để lấy giấy giới thiệu.
Khi nghe tôi đề nghị cấp giấy giới thiệu để đi các nơi, đặc biệt là ra Đà Nẵng để gặp ông Trần Mẫn lần nữa thì Luật sư Minh nói:
– Nguy hiểm quá Kim à. Ông Mẫn là em vợ ông Chi, đang là trưởng ban nội chính trung ương, đang nắm cả bộ máy công an, kiểm sát, tòa án. Nếu Kim đến gặp, lỡ ông Mẫn tức giận về chuyện bị bêu lên báo, yêu cầu công an bắt Kim thì sao? Để tôi cùng đi với Kim. Nếu có gì sai trái thì có ban chủ nhiệm đoàn can thiệp.
– Thôi anh. Em đi một mình được rồi.
– Tùy Kim, nhưng Kim nên nhớ, muốn tiến công phải lo phòng thủ. Không phòng thủ là chết đó !
Tôi cảm ơn Luật sư Nguyễn Quốc Minh, lấy đủ các giấy giới thiệu, rồi thu xếp lên đường với một kế hoạch có thể sẽ phải kéo cờ – trương biểu ngữ tiến vào trụ sở quốc hội.

Tôi muốn tạo áp lực để ông Trần Mẫn nhanh chóng giải quyết đơn nên tôi và Lâm Ngữ Thành đến khách sạn ở Đà Nẵng nằm chờ ông Trần Mẫn trả lời. Từ khách sạn, tôi viết một lá thư riêng với lời lẽ khiêm tốn gửi ông Trần Mẫn. Tôi đến trụ sở tòa phúc thẩm số 32 đường Bạch Đằng, nhờ cô Nguyễn Thị Thanh Thủy – nhân viên văn thư của tòa phúc thẩm – chuyển lá thư này đến tận tay ông Trần Mẫn. Tôi về khách sạn nằm chờ.
Sáng hôm sau, tôi nhận được điện thoại của cô Thủy thông báo cho biết là ông Trần Mẫn sẽ tiếp tôi vào lúc 14 giờ chiều nay. Tôi mừng và hồi hộp.

Đúng giờ hẹn, tôi đến tòa phúc thẩm. Một bầu không khí vui vẻ, thân thiện hiện ra trước mắt tôi. Bàn tiếp khách có nước ngọt, nước suối. Ông Trần Mẫn tiếp tôi và Lâm Ngữ Thành như tiếp người thân quen. Các thủ tục chấp nhận ủy quyền và công văn giải tỏa ngăn chặn xuất cảnh đã được ông chuẩn bị sẵn. Thư ký làm thủ tục giao cho Lâm Ngữ Thành. Còn tôi, được ông Trần Mẫn mời lên phòng riêng để trao đổi. Khi chỉ có hai người, ông Trần Mẫn nói rằng, “vụ việc đơn giản nhưng vì anh quá nhiều việc nên anh không kịp xem hồ sơ mà chỉ nghe thư ký báo cáo”. Rồi ông tâm tình rằng, trước đây, anh chiến đấu gian khổ cũng vì nhân dân, hiện nay, anh cũng tiếp tục cống hiến phần còn lại của đời mình. Chiến tranh đã lùi xa. Việc tạo thuận lợi để người dân được xuất cảnh theo nguyện vọng đã là chính sách của Đảng và nhà nước, anh thực hiện mà không cần nghĩ ngợi gì. Bất giác, trong lòng tôi dâng lên niềm thương cảm. Ông ngồi đó, với khuôn mặt phúc hậu, tâm tình với tôi như với một người em cùng chiến hào. Kỷ niệm một thời gian khó trong chiến tranh lại hiện về trong tôi. Tự nhiên, tôi cảm thấy ân hận vì đã viết một bài báo phê phán ông với những lời lẽ rất nặng nề.

Ngày hôm sau, tôi vào Quảng Ngãi. Tôi cùng Lâm Ngữ Thành đến phòng xuất nhập cảnh của Sở Công an. Lâm Ngữ Thành vào gặp anh Vũ Xuân Viên để nộp giấy giải tỏa ngăn chặn. Còn tôi, ngồi bên ngoài để đợi, khi cần thì sẽ ứng phó. Tôi nghĩ rằng ông Trần Mẫn mà đã bị tố cáo trên mặt báo thì không anh công an nào lại dại dột làm khó thêm chuyện này. Anh Vũ Xuân Viên đã giải quyết trả hộ chiếu cho Lâm Ngữ Thành. Khi biết tôi ngồi bên ngoài chờ Lâm Ngữ Thành thì anh Viên đã ra chào và bắt tay tôi. Chúng tôi cười nói vui vẻ. Chiều hôm ấy, tôi cùng Lâm Ngữ Thành tổ chức một bữa tiệc liên hoan nhẹ để chia tay, mừng Lâm Ngữ Thành được xuất cảnh. Anh Viên có đến dự chia vui cùng chúng tôi. Tôi đã đạt được mục đích mà không cần phải “Trương biểu ngữ tiến vào trụ sở quốc hội” như đã dự định ban đầu.

Em Lâm Ngữ Thành đã đến được nước Mỹ, mang theo 50 tờ báo pháp luật có đăng bài viết của tôi. Em coi đó như là kỳ tích gian khó mà em đã từng phải trải qua. Thời gian đầu, thỉnh thoảng, em có gọi điện hỏi thăm tôi. Sau đó một thời gian thì bặt tin. Tôi gần như quên hẳn em. Rồi một hôm, em Thành lù lù đến thăm tôi. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Em kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Tôi hỏi Lâm Ngữ Thành:
– Em đang làm gì bên Mỹ?
– Dạ em làm Neo (nail).
– Làm Neo là làm cái chi?
– Làm Neo là làm móng tay móng chân đó anh!
– Có khá không?
– Khá lắm anh.
– Em về ở bao lâu?
– Khoảng một tháng anh à. Chuyến này em về quê kiếm vợ đây. Ở bển khó kiếm quá!
– Bây giờ, em là Việt Kiều hồi hộp rồi!. Chắc có nhiều em mê lắm, dễ kiếm vợ thôi mà ! – Tôi vừa cười, vừa chọc.

Em Thành tặng tôi một chiếc đồng hồ đẹp và cho con gái của tôi, bé Titi, hai trăm đô la Mỹ. Tôi chỉ nhận chiếc đồng hồ và nói với Lâm Ngữ Thành rằng, “bây giờ anh đã giàu, anh không muốn nhận tiền của em. Anh muốn em dành tiền này để giúp người khác còn khó khăn hơn anh”. Em Thành đã cho tôi địa chỉ, điện thoại và dặn rằng, khi nào qua Mỹ thì gọi cho em. Nhưng rồi, tôi để mất số liên lạc của Thành. Năm 2010, lần đầu đến nước Mỹ để tìm trường học cho bé Titi, cô đơn và bỡ ngỡ, nhưng tôi không gọi được cho Thành. Thay vào đó, tôi lại được những người chưa từng quen biết, cũng là người Việt của mình đã định cư ở Mỹ, giúp đỡ, hướng dẫn tận tình. Bây giờ, bé Titi đã có 10 năm học tập ở nước Mỹ và tháng 6 này là tốt nghiệp đại học. Thật là:
“Giúp người, người lại giúp ta
Làm ơn chẳng thiệt đâu mà vội lo.”./.

HẾT

Năm Lúa Lương Vĩnh Kim và con gái Lương Quỳnh Mai đến nước Mỹ năm 2010

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar