HÌNH THỨC CỦA TỐ QUYỀN: THỈNH CẦU VÀ KHÁNG BIỆN
Trong một vụ kiện, không chỉ có người khởi kiện mở đầu cuộc tấn công, mà còn có đối phương cố níu lấy lập trường pháp lý của mình và tìm cách chống đỡ, tìm những phương chước kháng biện để mong được tòa bác các thình cầu (yêu cầu) của nguyên đơn. Người ta ví vụ kiện như cuộc đấu gươm, hai đấu thủ phải theo thể lệ của một cuộc so kiếm, kẻ đánh, người đỡ, lúc chào nhau, khi rút lui, nhất nhất phải theo lề lối, cũng giống như hai đương sự trong một vụ tranh tụng, đấu lý, phải theo luật lệ tố tụng. Hành động của nguyên đơn với lời thỉnh cầu và hành động của bị đơn với lời kháng biện phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Và trong lúc giao đấu, bị đơn có thể chuyển từ thế phòng thủ sang thế tấn công bằng lời thỉnh cầu phản tố và nguyên đơn trở thành bên phải kháng biện để chống đỡ.
- THỈNH CẦU. Thỉnh cầu là hành vi pháp lý do nguyên đơn đệ trình lên tòa án một nguyện vọng để được toại nguyện. Đơn thỉnh cầu mở màn một vụ kiện thì được gọi là đơn khởi kiện. Trong một cuộc giao đấu, tranh tụng giữa đôi bên tại pháp đình, thì đơn khởi kiện được coi là một hành động mở đầu cuộc chiến bằng cách xin Tòa án thụ lý. Đơn khởi kiện là hành động yêu sách của người đi kiện, của nguyên đơn trong chánh vụ. Còn những lời thỉnh cầu khác của các đương sự sau khi tòa thụ lý đơn khởi kiện, trong lúc cuộc giao đấu đang tiếp diễn. được gọi là những lời thỉnh cầu phụ đới. Các lời thình cầu sau khi tòa đã thụ lý đơn chính vụ bao gồm các loại sau:
a. Nếu lời thỉnh cầu phụ đới của chính nguyên đơn thì gọi là đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện.
b. Nếu lời thỉnh cầu của bị đơn, nghĩa là của đối phương không muốn giữ thế thủ nữa mà chuyển qua giai đoạn tấn công trở lại thì đơn này gọi là đơn phản tố., tương tự như trường hợp đơn phản tố được quy định tại Điều 200 BLTTDS 2015 hiện nay.
c. Nếu đệ tam nhân (người thứ ba), đứng ngoài vụ kiện, nhưng có thể vô tình hay hữu ý bị lôi vào vụ kiện: Hai bên giao đấu có thể yêu cầu đưa người thứ ba này vào vụ kiện với tư cách là người dự sự, hoặc tự người này thấy cần phải xen vào vụ kiện với tư cách người dự sự, vì có ‘quyền, nghĩa vụ liên quan”. Trường hợp này tương tự với “yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, được quy định tại Điều 201 BLTTDS 2015. - KHÁNG BIỆN: Kháng biện là các phương tiện, cách thức mà bị đơn được quyền sử dụng để chống lại nguyên đơn trong thế thủ và thế công. Ngoài đơn phản tố – tương đương với đơn khởi kiện, bị đơn còn có thể kháng biện theo 3 cách: Kháng biện về nội dung; khước biện và kháng chấp.
a. Kháng biện về nội dung: Là bằng cách chỉ trực tiếp vào nội dung yêu cầu của nguyên đơn, chứng minh rằng, các yêu cầu của nguyên đơn trong đơn khởi kiện là không có căn cứ. Cách làm này tương tự như đường kiếm đỡ gạt của bị đơn, làm cho kẻ tấn công không đạt được mục đích yêu cầu khởi kiện. Kháng biện về nội dung cho thấy thái độ của bị đơn tỏ rõ đã chấp nhận sự giao tranh, chưa phải tấn công trở lại đối phương bằng đơn phản tố, nhưng cũng không còn là thái độ hoàn toàn thụ động nữa. Lời phản đối của bị đơn trong lời khai nộp cho tòa gọi là kháng ngôn (Contredit). Đây là giai đoạn hai đấu thủ quan sát lẫn nhau, tìm hiểu chiến lược của nhau. Nếu thắng thế, cứng lý, bị đơn có thể sửa soạn phản công ngay trong lúc chống đỡ bằng đơn phản tố. Sau khi đã đơn phản tố được thụ lý, nếu nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện thì bị đơn trở thành nguyên đơn, với các thủ tục tương tự như quy định tại Điều 202 BLTTDS 2015. Vì liên quan đến nội dung tranh tụng, các phương chước kháng biện có thể được nại ra bất cứ lúc nào, ở giai đoạn sơ thẩm, giai đoạn thượng thẩm (phúc thẩm) hoặc nêu lên ở tòa phá án (giám đốc thẩm).
b. Khước biện: Là biện pháp gây cản trở nhất thời làm tê liệt tố quyền của nguyên đơn. Bị đơn nêu lên khước biện không phải để tranh nại về nội dung đơn khởi kiện mà chỉ để chỉ trích bất hợp lệ về thủ tục của đơn khởi kiện. Ví dụ nêu trường hợp người này vô năng lực khởi kiện (Tương tự năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, được quy định tại Điều 117 BLDS 2015), hoặc khước biện vô thẩm quyền của tòa án nơi thụ lý, khước biện do trùng tố nếu như vụ án này đã có tòa án nơi khác đang thụ lý giải quyết (đang giải quyết hoặc đã giải quyết). Nếu khước biện được tòa án chấp nhận, vụ tranh tụng vấp phải chướng ngại chỉ có tính cách tạm thời chứ không thể kết thúc bằng bản án bác đơn, vì nội dung yêu cầu của đơn khởi kiện chưa được giải quyết.
c. Sự phân biệt giữa kháng biện và khước biện là rất cần thiết vì các lý do sau:
– Nếu bị đơn đã khước biện về nội dung, được tòa án chấp nhận, thì có nguyên đơn chỉ có thể kháng cáo, chứ không có quyền khởi kiện lại nữa. Trong trường hợp nguyên đơn không kháng cáo hoặc nếu có kháng cáo mà bị bác kháng cáo thì bản án có hiệu lực pháp luật (uy lực quyết tụng), nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại lần thứ hai. Nhưng nếu mới chỉ nêu lên khước biện về thủ tục thì nguyên đơn chỉ phải làm lại về thủ tục sau một thời gian, rồi lại tiếp tục lại vụ kiện, nếu còn thời hiệu.
– Một kháng biện về nội dung có thể hành động (nêu lên) vào bất cứ lúc nào, nhưng một khước biện chỉ có thể được nêu lên trong lúc khởi sự, “trong ngưỡng cửa của vụ tranh tụng. Nếu không nại sự khước biện ra ngay mà bị đơn đi vào tranh tụng về mặt nội dung thì coi như bị đơn đã mặc nhiên khước từ quyền nêu vấn đề khước biện về thủ tục, chấp nhận giao đấu về mặt nội dung. - KHÁNG CHẤP: Kháng chấp là phương cách thứ ba của bị đơn có thể dùng để chống lại nguyên đơn. Kháng chấp được coi là có bản chất hỗn hợp, đứng giữa hai khái niệm kháng biện và khước biện. Ví dụ; Một người đàn ông bị kiện đòi thừa nhận con ngoại hôn, anh ta không khước biện, không kháng biện nội dung đơn kiện, mà chỉ nêu ra rằng anh ta bị bệnh vô sinh, kèm theo giấy chứng nhận của bác sĩ, như là bằng chứng ngoại phạm trong tố tụng hình sự. Kháng chấp giống kháng biện ở chỗ, nếu chứng minh được sự kiện nêu ra (như không thể có con với nguyên đơn chẳng hạn), bị đơn sẽ thắng kiện, nguyên đơn bị bác yêu cầu và không bao giờ được khởi kiện lại lần thứ hai. Kháng chấp cũng giống khước biện về phương diện tranh luận, nghĩa là, bị đơn không phủ nhận sự kiện, không tranh luận về nội dung đơn, mà chỉ bằng phương cách gián tiếp, đưa bằng chứng ‘ngoại phạm’ để kháng chấp (chấp ông kiện tôi).
Cách tranh luận như vậy là cho sự kháng chấp có tính cách hỗn hợp, không hẳn là phương pháp kháng biện mà cũng không còn là phương cách khước biện nữa, vì nếu là kháng biện thì phải tranh luận ngay vào trọng tâm của vấn đề, vào nội dung của luận điểm, còn nêu là khước biện thì chỉ có thể làm tạm thời ngưng vụ án chứ không làm cho nguyên đơn thất kiện được. Trong luật La Mã và cổ luật của Pháp có một danh từ để chỉ khái niệm kháng chấp và làm rõ tính hai mặt của kháng chấp đó là từ khước biện quyết tuyệt (exception pre’remptoire), nhưng danh từ này ngày nay không còn dùng nữa.
Trong tố tụng không có một chế độ duy nhất cho tất cả các sự kháng chấp. Có kháng chấp cấu thành một sự cản trở vỉnh viễn cho tố quyền như kháng chấp do đối phương kháng cáo quá hạn. Có kháng chấp nại ra sự khiếm khuyết của một tố khởi phát của tố quyền, chỉ làm cho thủ tục tố tụng nhất thời bị ngưng trệ và đối phương có thể sửa chữa lại được.
Sự phân biệt giữa kháng biện về nội dung và khước biện về thủ tục cho chúng ta một ý niệm tổng quát, chứ không phải là tiêu chuẩn vững chắc. Luật có quy định riêng cho mỗi trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, sự phân biệt này rất có ý nghĩa về mặt xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật./.
Bình luận