Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Khế ước lập hội (1226-1253)

KHẾ ƯỚC LẬP HỘI 

1226._Khi cắt nghĩa về những đặc tính của hội đoàn, ta đã nói đến những yếu tố của khế ước lập hội. Những yếu tố này chỉ mới giúp ta nhận ra khế ước lập hội: có sự kết ước lập hội khi nào có nhiều người kết hợp với nhau, góp công của để làm một việc gì kiếm lới chia nhau. Nếu đem mổ xẻ khế ước lập hội, còn nhiều khía cạnh khác của khế ước phải đem ra nghiên cứu, như sự thỏa thuận của các hội viên, sở vật và mục tiêu của hội, thể thức lập và giải tán hội.
1227._ Như trên đã nói, số 1189, sự lập hội kỳ thủy được quan niệm như một khế ước. Nếu quan niệm ấy, sau này, bị lu mờ thì khế ước, dù sao, cũng vẫn còn là căn bản cho việc thành lập những công ty đối nhân. Những công ty này ở dưới sự chi phối trực tiếp và chặt chẽ của khế ước lập hội. Sự thành lập một công ty đối nhân được thể hiện bằng một khế ước do các hội viên ký kết, chứng tỏ là họ đã thỏa thuận với nhau, tín nhiệm nhau, cùng nhau lập hội. Chính vì thế, nên sự nghiên cứu khế ước lập hội có thể nhập chung, làm một phần, trong sự nghiên cứu công ty đối  nhân. Tuy nhiên, những công ty đối vốn tuy được luật pháp quy định về nhiều vấn đề, cũng vẫn có một căn bản khế ước: Thí dụ luật định số hội viên tối thiểu cho công ty vô danh là 7 người, thì 7 người này, khi lập hội, cũng phải ký kết một khế ước để thỏa thuận về việc lập hội, ấn định số vốn, số cổ phần, ngạch giá của mỗi cổ phẩn, mục tiêu của hội. Vì những lẽ ấy, để cho việc trình bày được thuận tiện, ta đ8ạt sự nghiên cứu tổng quát khế ước lập hội trong chương này, coi như một chương nhập đề trước khi nghiên cứu riêng về mỗi loại thương hội.

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT CHO HIỆU LỰC CỦA KHẾ ƯỚC
1228._ Những điều kiện này là những điều kiện phổ thông cho sự hữu hiệu của mọi khế ước. Đó là những điều kiện về sự thỏa thuận của các hội viên, về năng cách của họ, về mục tiêu và lý do hợp pháp của việc lập hội. Nhân dịp xét về sự thỏa thuận và năng cách của hội viên, ta cũng sẽ nói qua về những tài vật do họ góp vào hội.
1. Sự thỏa thuận của các hội viên:
1229._ Sự ưng thuận nhập hội, lập hội, của các hội viên cũng đồng tính cách với sự ưng thuận trong bất cứ khế ước nào khác. Trước hết, các hội viên phải thỏa thuận đích xác về những công việc mà mình muốn làm: Thỏa thuận vào hội, lập hội, chứ không phải thỏa thuận làm một công việc gì khác. Theo nguyên tắc thông thường, sự thỏa thuận phải sáng suốt, do ý định tự do của đương sự đã muốn như vậy, chứ không phải do sự bạo hành, lừa lọc hay lẫm lẫn gây ra (1109 DLP; 692, 695, 696 DLT; 661 DLVN 1972). Bạo hành, lừa lọc, lầm lẫn là những tì ố làm cho sự ưng thuận vô hiệu.
1130. _ Bị bạo hành là bị vũ lực ép buộc mà phải ưng thuận; Sự đàn áp về tinh thần được đồng hóa với sự bạo hành, vì với sự đàn áp, nạn nhân đã phải làm việc mà mình không muốn. Sự đàn áp tinh thần, sự đe dọa hội viên, hay của người phối ngẫu, hay một thân nhân của hội viên, đều làm cho sự ưng thuận vô hiệu (điều 696, 697 DLT). Bị lừa lọc là bị người ta dùng mưu gian chước dối lôi kéo mình làm một việc mà chắc chắn mình không làm nếu không bị đánh lừa bởi những mưu chước ấy (Điều 695 DLT). Trong trường hợp bạo hành, sự ưng thuận của nạn nhân không phải là sự ưng thuận tự do, trong trường hợp bị lừa lọc, sự ưng thuận của nạn nhân không phải là sự ưng thuận sáng suốt. Sự lầm lẫn cũng làm cho sự ưng thuận không có tính cách sáng suốt. Nhưng sự lầm lẫn chỉ làm cho sự ưng thuận vô hiệu nếu là lầm lẫn về những yếu tố quan trọng đặc biệt có tính cách quyết định cho sự ưng thuận (Điều 694 DLT): Thí dụ: Trong công ty hợp danh, sự tín nhiệm giữa các hội viên là yếu tố quyết định, nếu lầm tưởng mình vào hội với người này mà lại hóa ra vào hội với một người khác, thì sự ưng thuận vô hiệu. Lâm lẫn về hình thức của hội là lầm lẫn về một yếu tố quan trọng đặc biệt, vì rằng mỗi hình thức của hội đặt các hội viên vào một tình thế khác, vào hội này thì trách nhiệm ít, vào hội kia thì trách nhiệm nhiều; do đó, hình thức của hội là yếu tố đặc biệt quan trọng cho sự ưng thuận.
1231._ Hội thực tế: Có thể xảy ra trường hợp sự ưng thuận của một vài hội viên tuy là bị một trong các tì ố kể trên (bạo hành, lừa lọc, nhầm lẫn) làm cho không có hiệu lực, nhưng trước khi hội bị tòa tuyên vô hiệu, hội đã có hoạt động trong một thời gian. Số phận các hành vi của hội đã làm trong thời gian này phải quyết định như thế nào? Theo án lệ, hội được coi như một hội thực tế. Nói như vậy, có nghĩa là tuy việc lập hội vô giá trị về mặt pháp lý, nhưng các việc đã làm rồi được coi là có giá trị và có hiệu lực kết buộc hội. Án lệ này là một án lệ nặng về thực tế hơn là lý thuyết: sự hoạt động của hội là một việc đã rồi, nay nếu hủy bỏ những việc do hội đã làm thì, sự hủy bỏ tuy hợp lẽ về mặt lý thuyết, nhưng sẽ có hại cho người đệ tam đã giao dich với hội, vì rằng những dự định của họ sẽ không thực hiện được, mặc dù là họ không có lỗi gì. Bởi vậy để duy trì những khế ước do họ đã ký kết với hội, án lệ đặt ra thuyết hội thực tế: Nếu hội bị tòa tuyên bố vô hiệu, sự vô hiệu sẽ không ảnh hưởng đến hành vi của hội đã làm trước, chỉ nhằm vào các hành vi được làm sau khi tòa tuyên bố vô hiệu, hoặc lâm thời từ ngày có đơn khởi tố. Hơn nữa, theo án lệ, hội vô hiệu sẽ được thanh toán theo các điều khoản đã định trong khế ước. Điểm này bị học thuyết công kích, vì lẽ thanh toán như vậy có nghĩa là một khế ước vô hiệu lại được đem thi hành, áp dụng cho các hội viên. Theo học thuyết, sự thanh toán phải được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng hoặc theo tỷ lệ phần vốn góp của các hội viên. Tuy nhiên, án lệ trên cũng hữu lý phần nào, vì thực tế là sự ưng thuận của hội viên thường chỉ bị tì ố trong việc lập hội, còn những điều kiện thanh toán, nhằm vào giai đoạn chót đời sống của hội, thường là được ưng thuận một cách sáng suốt. Dĩ nhiên, án lệ trên cũng không thích ứng và không áp dụng được, nếu có bằng chứng là sự ưng thuận của hội viên đã bị tì ố về cả những điều kiện thanh toán.
1232. _ Hội thực tế có thể bị tuyên bố khánh tận cũng như một hội hợp lệ. Một hội đã giải tán mà cứ tiếp tục hoạt động, một hội thành lập không có giấy tờ, hay thành lập bất hợp lệ, không đúng thể thức, cũng được coi như một hội thực tế với các hậu quả vừa trình bày trên.
2. Năng lực pháp lý (hay năng cách, hay pháp năng) của hội viên:
1233._ Các hội viên trong công ty hợp danh và các hội viên thụ tư trong trong công ty hợp tư đơn thường đều đương nhiên có tư cách thương gia. Bởi thế khi lập hội hay khi vào hội, các hội viên này phải có năng cách làm thương mại. Do đó, những vị thành niên, những người bị cấm quyền đều không có pháp năng để làm hội viên hội hợp danh, hay hội viên thụ tư một hội hợp tư đơn thường. Hội hợp tư đơn thường là một loại hội thương sự, gồm có hai thứ hội viên: hội viên xuất tư là những người xuất vốn, và chỉ chịu trách nhiệm tới mức phần vốn đã xuất, và không có tư cách thương gia; _ và hội viên thụ tư là những người được dùng vốn của những người xuất tư, nhưng phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn định về các công nợ của hội và có tư cách là thương gia (194 LTM 1972).
1234._ Trái lại, hội viên xuất tư không phải là thương gia, do đó, muốn đóng vai góp vốn cho một công ty hợp tư đơn thường, không cần phải có năng lực pháp lý để buôn bán: người giám hộ thay mặt cho một vị thành niên hay một người bị cấm quyền, có thể nhân danh những người này cấp vốn cho công ty, miễn là được hội đồng gia tộc cho phép theo đúng luật lệ về quyền hạn của giám hộ. Riêng vị thành niên chỉ có thể lập hội với người đệ tam, chứ không thể lập hội với người giám hộ. Dĩ nhiên, khi đã trưởng thành, vị thành niên có thể lập hội với người giám hộ cũ, nhưng người này phải đã thanh toán tiền bạc về việc giám hộ. Hội viên của một công ty TNHH cũng không phải là thương gia, vậy người nhập hội cũng không cần phải có pháp năng để làm thương mại.
1235. _ Những hạn chế khác về quyền lập hội: Ngoài những trường hợp mà sự vô năng lực không cho phép tham gia vào một khế ước lập hội, còn có những trường hợp đặc biệt không được luật cho phép lập hội.
1236._ Trước hết là trường hợp những nghề nghiệp mà sự hành nghề cần phải có khả năng được chứng tỏ bằng cấp, thí dụ như nghề dược sĩ. Nghề dược sĩ như tuy là một nghề thương mại nhưng dược sĩ không có quyền lập hội với một tư nhân không có bằng cấp hành nghề. Dược sỹ phải là chủ nhân cửa hiệu của mình và thế dược sĩ chỉ có thể lập hội thương mại với một dược sỹ. Một vấn đề được đặt ra là dược sĩ có thể nhờ người khác cấp vốn mở cửa hiệu và chia lời, thay vì trả tiền lời số vốn được được cấp hay không? Trường hợp này thường xảy ra luôn ở Việt Nam, nhưng sự hợp tác dưới hình thức ấy phải coi như bất hợp pháp vì nhiều lý do. Nếu người cấp vốn thỏa thuận với dược sĩ chia nhau lời lỗ, lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu, thì đó là một việc lập hội, vô hiệu vì lý do vừa nói trên. Nếu người cấp vốn chỉ nhận chia lời, không chịu lỗ thì khế ước hợp tác lại vẫn vô hiệu vì trái với nguyên tắc bình đẳng của việc lập hội: trong bất cứ hội đoàn, các hội viên đều phải được chia hưởng tiền lời, và đổi lại, cũng phải chia nhau chịu tiền lỗ. Ngoài khía cạnh pháp lý ấy, còn có khía cạnh danh dự, phẩm giá của nghề nghiệp mà đoàn thể có nhiệm vụ bảo vệ, bằng cách cấm đoàn viên lập hội với người không ở trong nghề, nhưng đó là vấn đề khác.
1237_ Tưởng cũng nên nói qua về một quan điểm đặc biệt của án lệ Pháp về việc lập hội giữa vợ chồng. Án lệ này rất khắc khe với các công ty đối nhân (xem 1124, 1125): Những công ty đối nhân được lập giữa vợ chồng đều vô hiệu, dù là thành lập trước khi lập hôn thú, dù có người đệ tam tham dự hay không, và bất kể chế độ hôn sản của vợ chồng là chế độ gì. Như vậy, nếu hai hội viên một oc6ng ty đối nhân, thí dụ một công ty hợp danh, kết hôn với nhau, thì hội sẽ tan rã (Cass Civ. 29-2-1913, S.1916-1-81). Nhưng nếu một trong hai vợ chồng rút lui khỏi hội thì hội có tồn tại được không? Trường hợp này chưa xảy ra trong thực tế, và cũng khó giải quyết trên bình diện lý thuyết. Nhìn vào luật thực tại, ta thấy rằng trên nguyên tắc, theo điều 1468 DLT; ĐIỀU 1865, 1869 DLP, hội sẽ tan rã nếu có một hội viên ra khỏi hội (lời lẽ điều 1468 tuy tổng quát, nhưng thực ra chỉ áp dụng cho công ty đối nhân, còn với công ty cổ phần, người có cổ phần có quyền tự do bán lại cổ phần cho người khác để ra khỏi hội- hội không vì thế mà tan rã). Điều 1468 có giải quyết được vấn đề nêu trên không? Ta cần nhận xét rằng, điều 1468 chỉ chú trọng về cái quyền của hội viên được làm cho hội phải tan rã, chấm dứt hoạt động, bằng cách ra khỏi hội, chứ không nhằm trường hợp một hội viên ra khỏi hội để cho hội, ngược lại, có thể tồn tại. Theo điều 1468, hội viên có quyền tuyệt đối chấm dứt sinh hoạt của hội, bằng cách tống đạt sự rút lui cho các hội viên khác, nhưng phải điều kiện là a) hội không có thời gian nhất định; b) Sự rút lui không thực hiện vào lúc bất hợp thời; c) Sự rút lui không có gian tình (1291 DLVN 1972).
1238._ Thiết tưởng, trong trường hợp hai hội viên trong một công ty hợp danh kết hôn với nhau, không có lý do gì để không chấp nhận cho một người được rút lui để hội tồn tại, miễn là các hội viên khác thỏa thuận về sự rút lui này và thỏa thuận về việc người rút lui nhượng lại phần hội của mình cho người khác. Tuy nhiên, nếu người rút lui muốn nhượng phần hội của mình cho chính người kết hôn thì phải di nhượng trước khi lập hôn thú, vì rằng việc đoạn mại giữa vợ chồng là bất hợp pháp, trừ phi do việc tạo mãi ấy, người phối ngẫu mua lại đồ vật của người kia để đem dùng, bằng một số tiền riêng của mình, ví dụ số tiền vừa được hưởng di sản hay một số tiền thu được vì vừa bán một tài sản riêng (điều 1016 DLT, bộ DLVN 1972 không đề cập đến trường hợp này).
1239._ Dù sao, việc cấm hai vợ chồng, không cho họ cùng làm hội viên trong một công ty đối nhân, chỉ là một cấu tạo của án lệ Pháp. Án lệ ấy căn cứ vào lý do người chồng là chủ gia đình, trong khi với tư cách hội viên, họ có quyền lợi bình đẳng trong hội, thành thử liên hệ gia đình không dung hòa được với liên hệ hội viên; đồng thời, với tư cách đồng hội viên cũng sẽ thay đổi tương quan quyền lợi giữa vợ chồng, trái với chế độ hôn sản bất di bất dịch, không thay đổi được, do họ đã lựa chọn (điều 1395 DLP). Ở Việt Nam, nếu chấp nhận án lệ này, ta có thể căn cứ vào sắc luật số 15 ngày 23-7-64: mặc dù ngày nay người đàn bà có chồng được hưởng đầy đủ năng lực pháp lý, nhưng người chồng vẫn là gia trưởng theo điều 42; măt khác, theo điều 51, hôn ước (tứ là khế ước về hôn sản) cũng không được thay đổi sau khi lập hôn thú (137, 147 DLVN 1972).
1240._ Sự vô hiệu của thương hội giữa vợ chồng được án lệ coi là một sự vô hiệu thuộc trật tự công cộng, bất cứ người nào cũng nại ra được. Tuy nhiên, tính cách tuyệt đối của sự vô hiệu được tiết giảm bằng quan niệm thực tế (số 1231 và kế tiếp), tức là những hành vi đã làm trước khi hội bị tuyên bố vô hiệu được coi là có giá trị. Hội vô hiệu được thanh toán theo như khế ước lập hội đã dự liệu; cũng có khi tòa cho thanh toán theo tỷ lệ số vốn nhập hội của vợ chồng.
1241._ Đôi khi, để tránh né sự vô hiệu, trong các trường hợp mà hội được ngay tình thành lập với cả hai vợ chồng, không có sự gian trá gì nhằm làm thiệt hại quyền lợi của người đệ tam, tòa án thường áp dụng một kỹ thuật riêng: Tòa án không coi sự hợp tác giữa hai vợ chồng là có tính cách lập hội, chỉ coi là một khế ước ủy quyền, làm công hay quản lý.
1242._ Theo một số tác giả, vợ chồng chỉ bị cấm làm hội viên của một công ty đối nhân. Ta cần nhận xét rằng, tuy hội trách nhiệm hữu hạn được luật Việt Nam xếp vào loại công ty đối nhân, nhưng phần đông tác giả cho rằng trong công ty TNHH, cả hai vợ chồng đều có thể là hội viên, lý do là vì trong công ty này, hội viên không bị trách nhiệm liên đới vô biên về công việc của hội. Một số tác giả còn chấp nhận rằng, vợ chồng có thể cùng xuất vốn, đóng vai hội viên xuất tư (số 58) trong công ty hợp tư đơn thường.
1243._ Trường hợp nam nữ sống chung không hôn thú. Ở Việt Nam, thường có nhiều cặp nam nữ sống chung với nhau lâu dài như vợ chồng chính thức, mà không lập hôn thú. Về pháp lý, những người này có thể lập hội với nhau: hội được coi là hữu hiệu, miễn là được thành lập hợp lệ theo đúng những điều kiện luật định. Nếu không có giấy lập hợi hợp lệ, hội có thể được coi như hội thực tế. Tuy nhiên, muốn được coi là hội thực tế, phải là một hội thương sự; nếu khế ước chỉ nhằm mục tiêu thiết lập tình trạng sống chung hay duy trì tình trạng ấy, tất nhiên sẽ vô hiệu.
1244._ Phần tư xuất (hay phần hùn) của các hội viên: Phần tư xuất là tài sản do mỗi hội viên đem nhập hội, đặt dưới quyền sự sử dụng của hội. Tất cả những phần hùn ấy, nhập chung với nhau, hợp thành sản nghiệp của hội, như ta đã biết. Bất cứ tài sản nào cũng có thể góp làm tư xuất được. Theo điều 1427 DLT; 1833 DLP, các phần hùn được chia làm ba loại:
1245._ Phần hùn bằng tiền bạc: Hội viên đã được nhận vào hội là có nghĩa vụ phải góp đủ số phần hùn mà mình đã nhận góp. Hội viên trở thành một người trái hộ, một con nợ, về phần tư xuất ấy. Nếu không góp, hội có quyền đòi; nếu góp chậm, phải chịu trả thêm tiền lãi mà không cần phải đốc thúc; ngoài ra còn có thể phải bồi thường, mà không cần phải có gian tình. Những thể lệ này, ứng dụng cho hội viên (1437 DLT, 1846 DLP) ngặt nghèo hơn là đối với con nợ đơn thường, vì hội viên phải chịu tiền lời và có thể phải bồi thường chỉ do sự chậm trễ, không cần phải đã bị đốc thúc, không cần phải có gian tình không thi hành nghĩa vụ như trường hợp con nợ thường (729 DLT, 1153 DLP).
1246. _ Phần hùn bằng hiện vật: Loại tư xuất này gồm mọi động sản và bất động sản, kể cả các trái quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu, cửa hàng thương mại v.v… Nếu có cổ phần trong một công ty đối vốn đã thành lập rồi, người có cổ phần đối vốn cũng có thể được đem góp vào hội. Nên nhận xét rằng, hội viên không bó buộc phải đem nhập hội cả quyền sở hữu về một tài sản, chẳng hạn có thể chỉ đem nhập hội quyền dụng ích 9tu71c là quyền hưởng dụng tài sản), còn quyền hư chủ thì dành lại.
1247._ Phần hùn bằng công lao việc làm: Việc làm ở đây là việc làm với tư cách hội viên, vậy phải là công việc điều khiển. Nếu công việc này không có tính cách chỉ huy, điều khiển thì người làm chỉ là một nhân viên thừa hành, dẫu có chia tiền lời thì cũng không phải là hội viên, vì nguyên tắc của hội đoàn là bình đẳng giữa các hội viên.
1248. _ Hội viên đóng góp phần hùn của mình vào hội là đem một tài sản của mình dành cho hội sử dụng, tức là có sự di chuyển cho hội hưởng. Sự di chuyển này không phải là việc đoạn mại vì hội viên không được trả tiền bạc thay thế cho tài sản, chỉ được cái tư cách hội viên, được dự hội, có một phần trong hội. Hội viên không phải là đã bỏ hẳn quyền lợi một cách dứt khoát vĩnh viễn về tài sản đem góp vào hội, nói cách khác, không có việc đoạn mại tài sản ấy cho hội, cho nên hội không phải đóng thuế đoạn mại.
1249._ Công bố phần hùn:_ Nhưng chính vì tài sản nhập hội được di chuyển từ sản nghiệp hội viên sang sản nghiệp của hội, cho nên phải làm thế nào để công bố cho người đệ tam biết rằng hội viên không còn có quyền sử dụng tài sản ấy nữa. Cách thức công bố thay đổi tùy theo tính chất của tài sản. Nếu là động sản thì chỉ cần trao tay là đủ, vì đối với người đệ tam, ai chấp hữu động sản nào tức là người ấy là sở hữu chủ, vậy một khi động sản đã được trao cho hội thì người đệ tam không còn có thể tưởng rằng hội viên vẫn còn quyền sử dụng. Nếu tài sản nhập hội là trái quyền, sẽ phải tống đạt cho người mắc nợ bằng văn bản thừa phát lại, hoặc được người mắc nợ thừa nhận sự di chuyển trong một công chứng thư. Nếu tài sản nhập hội là một bất động sản, phải đăng ký vào sổ điền thổ, hoặc vào địa bộ, tùy nơi bất động sản tọa lạc. Nếu là bằng sáng chế, quyền sở hữu kỹ nghệ, hay một cửa hàng thương mại, phải công bố sự di chuyển theo các thể thức riêng do luật định (289, 272, 317, kế tiếp; 321 và kế tiếp).
1250._ Bảo đảm phần hùn: Hội viên có nghĩa vụ bảo đảm phần hùn do mình đã hứa góp vào hội. Nếu phần hùn ấy, thực sự không có, hội sẽ vô hiệu. Việc góp phần hùn tuy không có tính cách pháp lý của một việc đoạn mại (1248), nhưng nghĩa vụ bảo đảm của hội viên được luật pháp đồng hóa với nghĩa vụ của người bán (Điều 1439 DLT; 1845 DLP; 1274 DLVN 1972). Hội viên phải bảo đảm cho hội sự hưởng thụ tài sản do mình góp vào hội; trước hết là bảo đảm cho sự hưởng thụ của hội chống lại một yêu sách của người đệ tam; nếu có người đệ tam nào đưa ra một yêu sách gì về tài sản ấy, thí dụ người đệ tam khởi tố hội, nại rằng tài sản nhập hội đã được bán cho mình từ trước, hội sẽ có quyền xin đòi hội viên ra dự tụng, nhập cuộc chống đỡ lại yêu sách của người đệ tam. Sau nữa, ngoài trường hợp có người đệ tam yêu sách, hội viên còn phải đảm bảo về những ẩn tì của tài sản, nghĩa là những sự hư hại làm cho hội viên không hưởng dụng được, mặc dù những hư hại ấy không được hiện ra bên ngoài, không nhận thấy ngay được; thí dụ một hội viên góp vào hội một chiếc xe chở hàng, trông ngoài thì xe tốt và cũng chạy được, nhưng có sự hư hại ở bên trong, làm cho sự dùng xe sẽ nguy hiểm, trong trường hợp này, hội viên sẽ phải thi hành nghĩa vụ bảo đảm, nghĩa là phải sửa chữa lại xe có thể dùng được trong tình trạng tốt. Dĩ nhiên, nếu khế ước có dự liệu rằng hội viên chỉ giao xe theo hiện trạng thì hội viên không còn nghĩa vụ bảo đảm nữa.
1251._ Quyền hạn của người đệ tam đối với tài sản nhập hội: Trên nguyên tắc, chủ nợ riêng của hội viên không có quyền lấy nợ trên sản nghiệp của hội. Để đề phòng những hành động gian trá của con nợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ, nguyên tắc này phải được áp dụng đối với nguyên tắc tố quyền trực triệt bãi (điều 741 DLT; 1691 DLP; 717, DLVN 1972). Thí dụ: Người thiếu nợ cố ý đem tài sản duy nhất của mình gia nhập một công ty hợp danh, làm cho chủ nợ của người ấy, một đàng, bị mất quyền bảo đảm trên tài sản được đem nhập hội, và đằng khác không lấy được nợ trên tài sản nào khác của con nợ; dĩ nhiên, đối với một con nợ khí trá như vậy, phải có biện pháp bảo vệ chủ nợ: Người này sẽ hành xử tố quyền triệt bãi, thu hồi tài sản của con nợ trở về quyền bảo đảm của mình; nếu chủ nợ chứng tỏ được rằng các hội viên khác đều biết tình trạng không trả được nợ của người thiếu nợ, thì tài sản của người này sẽ không được chấp nhận cho đem nhập vào hội; việc sử dụng tài sản ấy làm phần tư xuất sẽ bị coi là vô hiệu.
1252._ Trị giá phần hùn: Mỗi phần hùn của hội viên, nếu không phải là phần hùn về tiền bạc, sẽ do hội viên ấy ước lượng giá trị thành tiền bạc: thí dụ hùn một ngôi nhà lầu, kiểu biệt thự, diện tích xây cất là 200 mét vuông, diện tích vườn 300 mét vuông, trị giá 8 triệu đồng; Các hội viên ký vào khế ước lập hội tức là xác nhận sự trị giá này. Như vậy các phần hùn về tiền bạc cộng với các phần hùn bằng hiện vật, kể cả bằng sáng chế nhãn hiệu, v.v…, được trị giá, sẽ là số vốn của hội. Chỉ có phần hùn bằng số công lao, việc làm là không cần phải trị giá. Tùy theo hình thức lập hội, như sau này ta sẽ thấy, sự trị giá do hội viên sẽ được kiểm lại, xem có xác đáng hay không. Trong những hội nào mà luật không định là sự trị giá phải được kiểm xét lại, thì các hội viên có nghĩa vụ bảo đảm sự trị giá đối với người đệ tam. Nói như vậy, có nghĩa là nếu vì công nợ của hội, tài sản bị tịch biên, đem phát mại, mà không thu được đủ tiền như đã được trị giá, thì các hội viên phải bù thêm cho đủ. Khi mới thành lập, hội chỉ có số vốn cấu tạo do các phần hùn của các hội viên. Không những thế, số vốn ấy có thể đã bị hụt ít nhiều vì phí tổn lập hội. Rồi trong khi hoạt động, số vốn còn trồi sụt tùy theo công việc làm ăn của hội phát đạt hay kiệt quệ. Cho nên, mặc dù luật bắt buộc hội đoàn phải ghi rõ số vốn dưới tên hội, nhưng số tiền vốn được ghi không có tính cách biểu dương đích xác tình trạng của hội. Trong những hội đối nhân, số vốn lại càng không phải là yêu tố quan trọng cho chủ nợ, vì các hội viên còn phải chịu trách nhiệm vô hạn định trên tài sản riêng của mình về công việc của hội.
3. Mục tiêu và lý do lập hội:
1253._ Mục tiêu của hội là công việc mà hội muốn thực hiện, mục tiêu này chính là cái lý do, hay cái nguyên nhân đã thúc đẩy các đương sự lập hội. Trong việc lập hội, hai yếu tố này được buộc liền với nhau, điều 1431 DLT; 1833 DLP; 1269 DLVN 1972, nói rằng, hội nào cũng có mục tiêu hợp pháp. Những trường hợp mục tiêu bất hợp pháp thường là những trường hợp nguyên nhân lập hội trái với trật tự công cộng, trái với đạo lý, thí dụ lập hội để khai thác nhà chứa, để đánh bạc. Cũng có khi nguyên nhân lập hội không trái với thuần phong mỹ tục, nhưng việc lập hội bị luật cấm vì lý do nào đó, thí dụ luật có thể cấm các luật sư họp nhau lập thành hội vì e rằng dưới hình thức hội, sự hành nghề sẽ bị thương mại hóa chỉ nhằm mục đích lợi dụng khách hàng, không xứng đáng với phẩm cách của nghề nghiệp luật sư. Sự vô hiệu này là một sự vô hiệu tuyệt đối, vĩnh viễn, ai cũng có thể viện dẫn được và không có lý do gì làm tiêu tan được. Mục tiêu của hội phải được nói rõ trong khế ước lập hội. Mục tiêu này ấn định phạm vi hoạt động của hội, thí dụ hội được thành lập để làm xuất nhập khẩu thì không được làm các công việc sản xuất. Tuy nhiên, khế ước lập hội chỉ cần ghi một cách tổng quát mục tiêu của hội thuộc về môn gì, không bó buộc phải ghi đích xác, không phải liệt kê tỉ mỉ chi tiết về hoạt động của môn ấy. Thí dụ hội xuất nhập khẩu không bắt buộc phải ghi rõ sẽ xuất nhập cảng thực phẩm, máy móc len vải hay đồ chế tạo./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar