Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Nghĩa vụ – Trách nhiệm: Luật so sánh

NGHĨA VỤ – TRÁCH NHIỆM
Luật so sánh

Thừa nhận các nghĩa khác nhau của khái niệm “nghĩa vụ” là điều không có gì mới mẻ, dù ở quốc gia nào. Từ nghĩa vụ đôi khi được hiểu là mối quan hệ pháp luật tồn tại giữa hai hoặc nhiều người, thông qua đó một người, được gọi là người có nghĩa vụ, buộc phải thực hiện một công việc (“vinculum juris“: trái phiếu của pháp luật – từ chuyên biệt trong pháp luật Đức là “schuldverhaltnis”: trách nhiệm pháp lý) đối với một người khác. Nhưng “nghĩa vụ” cũng khiến người ta liên hệ tới điều mà bên có nghĩa vụ phải làm đối với bên có quyền phát sinh từ quan hệ hợp đồng; như vậy, dường như nó được dùng như từ đồng nghĩa với khái niệm “trách nhiệm”. Tính chất hoán đổi cho nhau của từ “nghĩa vụ” với từ “duties” hay cả “liabilities” cho thấy một sự không thống nhất về thuật ngữ (I). Về điểm này nhận định này giống với nhận định đã được đưa ra trong khuôn khổ pháp luật của Cộng đồng châu Âu và quốc tế. Tuy nhiên, trong một số ngữ cảnh đặc biệt, từ “trách nhiệm” (“duty“) được dùng nhiều hơn từ “obligation” (II). Tuy vậy, dường như một nền tảng chung nhất định đã được vạch lên về cách sử dụng chuyên biệt các từ “nghĩa vụ” và “trách nhiệm” (III). Và cuối cùng, cần làm rõ khái niệm “cam kết“, thường được sử dụng thay cho “nghĩa vụ” (IV).

I. CÁCH SỬ DỤNG HOÁN ĐỔI CÁC TỪ “NGHĨA VỤ” (“OBLIGATION”) VÀ “TRÁCH NHIỆM” (“DUTY”).

Trong pháp luật của Mỹ, Anh, cũng như pháp luật của Pháp, dường như có một đồng thuận không chính thức cho rằng các từ “trách nhiệm” (“duty” hay “duties“) và “nghĩa vụ” (“obligation”) là các từ đồng nghĩa. Trong Uniform Commenrcial Code của Mỹ (sau đây gọi tắt là UCC), người ta quan sát thấy một sự hoán đổi giữa các từ “obligations”, “liabilities” và “duties” khi đề cập đến điều mà một bên nợ bên kia. Thật vậy, người ta thấy các cụm từ “rights and liabilities” (3-206; 3-405,…) hay “rights and duties”; và “rights and obligations” hoặc “obligations under the contract”. UCC sử dụng gần 400 lần từ “obligation” và gần 100 lần từ “duties”.
Trong pháp luật Anh quốc, trên quan điểm lập pháp, sự không thống nhất trong sự dụng thuật ngữ cũng rất rõ ràng ()
Trong pháp luật của Pháp, cách sử dụng hoán đổi cũng rất rõ ràng. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là sự xuất hiện rất nhiều nghĩa vụ trong thế kỷ XX, trong số đó phải kể đến các nghĩa vụ cung cấp thông tin, cung cấp lời khuyên, giám sát, hay đảm bảo an toàn, những nghĩa vụ mà ở khía cạnh nào đó, có vẻ chỉ là đưa các trách nhiệm xét về bản chất là ngoài hợp đồng vào lĩnh vực hợp đồng. Một số loại hành vi làm phát sinh các nghĩa vụ hay trách nhiệm mặc dù sự phân biệt giữa hai từ không được thiết lập một cách rõ ràng. (Về sự lẫn lộn giữa bản chất hợp đồng và ngoài hợp đồng của nguyên tắc thiện chí, xem Ph. STOFFEL-MUNCK số 145 và tiếp theo. Tác giả chứng minh rằng, thiện chí như được hiểu là một chuẩn mực chung tại điều 1134, khoản 3 Bộ luật dân sự, không phải là một “nghĩa vụ” mà là một “trách nhiệm” với tính chất bắt buộc của một chuẩn mực ứng xử chung. Điều 1134, khoản 3 về tổng thể chỉ nhắc lại một nguye6nt ắc rộng hơn của ý thức công dân. Khi đó, sự vi phạm trách nhiệm thiện chí chỉ có thể bị trừng phạt ở phạm vi ngoài hợp đồng. Trong cách hiểu tương tự, M.AYNES đã phát triển ý tu7o72nng về một “đạo đức hợp đồng”, theo đó, “đạo đức được coi như một tập hợp các quy tắc ứng xử, chi phối việc thực hiện hợp đồng và đôi khi cả việc chấm dứt hợp đồng; và sở dĩ như vậy là để cho phép hợp đồng có lợi cho mỗi bên và cho xã hội”).
Sự không thống nhất về thuật ngữ là hết sức rõ ràng trong trường hợp “nghĩa vụ” đảm bảo an toàn. Thật vậy, cách gọi “nghĩa vụ” đảm bảo an toàn chỉ xuất hiện kể từ năm 1911 để tạo thuận lợi cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông chứng minh lỗi của người vận tải. Khi đó, sự an toàn được chuyển từ phạm vi ngoài hợp đồng sang hợp đồng, từ “trách nhiệm” sang “nghĩa vụ”, nhưng không khỏi khiến các học giả dè dặt. Dù sao chăng nữa, kể từ đó những người khai thác hoạt động thể thao và vui chơi giải trí, người tổ chức trại hè, cơ sở trường học, bác sỹ, và rất nhiều người khác nữa đều phải có “nghĩa vụ hợp đồng” bảo đảm an toàn. Lĩnh vực hợp đồng trở nên khó hiểu bởi sự xuất hiện các “nghĩa vụ” mà trước đó là “trách nhiệm”. Thực tế này đã khiến người ta phải đặt rất nhiều câu hỏi cả về mặt thuật ngữ và khái niệm. Thật vậy, nếu cho rằng “nghĩa vụ” hợp đồng bảo đảm an toàn chỉ là biểu hiện trong hợp đồng của một trách nhiệm được hiểu theo nghĩa rộng, thì liệu người ta có thực sự phải gọi nó là “nghĩa vụ” không hay nó phải tiếp tục mang nghĩa của từ “trách nhiệm”. Trách nhiệm bảo đảm an toàn này, sau rốt, liện có là một biểu hiện của một chuẩn mực hành vi chung, một trách nhiệm chung, không được làm tổn hại người khác không? Câu hỏi trở nên ý nghĩa hơn khi sự không thực hiện một “nghĩa vụ” hợp đồng cũng cấu thành từ một vi phạm một trách nhiệm chung không được làm hại người khác gây ra thiệt hại cho người thứ ba. Khi đó người thứ ba này sẽ được trao quyền khiếu kiện trực tiếp sự không thực hiện hợp đồng nếu như sự không thực hiện này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiết hại mà người đó phải chịu. Vì ý tưởng trung tâm là nếu một người, là người thứ ba đối với hợp đồng (penitus extranei), phải chịu một thiệt hại do sự không thực hiện hợp đồng của một bên tham gia hợp đồng, thì chắc chắn là “nghĩa vụ” hợp đồng không được thực hiện cũng la sự cấu thành một “trách nhiệm không được gây tổn hại cho người khác”. Tuy vậy, chúng tôi thấy dường như tòa án sử dụng từ “nghĩa vụ” chứ không phải là từ “trách nhiệm”.
Khó khăn về thuật ngữ này còn trở nên lớn hơn khi mà người ta phát hiện, trong những năm gần đây, các nghĩa vụ cung cấp thông tin, chỉ dẫn trước khi kí kết hợp đồng, hay nghĩa vụ thiện chí. Chế tài cho các “nghĩa vụ” này về nguyên tắc phải là trách nhiệm ngoài hợp đồng: dù đó là vi phạm một nghĩa vụ luật định hay do tòa án yêu cầu, thì chúng cũng đều không bắt nguồn từ hợp đồng. Hậu quả là người ta có thể nghĩ rằng sự dụng từ “nghĩa vụ” như vậy không phù hợp và cần phải chọn từ “trách nhiệm”. Tuy nhiên, người ta có thể thấy một cách tách biệt cả trong án lệ cũng như trong các công trình nghiên cứu về luật dân sự: “Nghĩa vụ và/hoặc trách nhiệm đưa ra lời khuyên”, “nghĩa vụ và/hoặc trách nhiệm tự tìm kiếm thông tin”, “nghĩa vụ và/hoặc trách nhiệm tự tìm kiếm thiện chí”, cũng như cặp từ cổ điển “Trách nhiệm và/hoặc nghĩa vụ trung thực” …Tòa án cũng mắc phải sự lẫn lộn này và, liên quan tới “nghĩa vụ” cung cấp thông tin, Tòa án tối cao Pháp đã khẳng định rằng: “dù các mối quan hệ hợp đồng giữa một khách hàng và một ngân hàng có thế nào chăng nữa thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm thông tin cho khách hàng về các rủi ro có thể xảy ra …”.
– Trong pháp luật của Đức, không có văn bản pháp luật hay học giả nào sử dụng từ (tương đối) cổ trong tiếng Đức “obligation“, một từ tuy vậy được sử dụng khá thường xuyên bỏi những người soạn thảo Bộ luật Dân sự Đức (BGB), vốn được đào tạo bài bản về pháp luật La Mã. Thay cho từ “obligation” là nhiều từ được sử dụng, trong đó có từ “Schuldverhältnis”, từ này, cũng giống như từ “obligation”, được sử dụng theo hai nghĩa khác nhau.
Từ “Schuldverhältnis” được sử dụng theo nghĩa rộng, được giải thích trong điều 241 BGB ( được sử dụng chẳng hạn trong các điều 273 (1), 292(1), 314 (1) 425 (1)), chỉ mối quan hệ pháp luật giữa người có quyền và người có nghĩa vụ và là nguồn của các trách nhiệm “phụ” cung cấp thông tin, bảo đảm an toàn, và rộng hơn nữa là tôn trọng các quyền và lợi ích của bên kia (241 (2) BGB). Sự vi phạm các bổn phận này làm phát sinh trách nhiệm được cho là hợp đồng. Ngoài ra, BGB còn sử dụng “Schuldverhältnis” theo nghĩa hẹp, trong các 362, 364 và 397, chỉ riêng nghĩa vụ chứ không chỉ các trách nhiệm phụ. Nhưng trong nghĩa hẹp này, từ này ngày nay không được các họ giả sử dụng nữa.
“Schuldverhältnis” có thể phát sinh từ một hợp đồng, một lỗi ngoài hợp đồng, từ sự được hưởng lợi không có căn cứ (unjust enrichment), nhưng cũng từ pháp luật về tài sản (chẳng hạn catio rei vindicatio (985 BGB) hay actio negatoria (điều 1004 BGB) hay từ luật gia đình (chẳng hạn quyền được cấp dưỡng hay quyền được trợ cấp).
Trong các văn bản của châu Âu và trong PDEC, từ “Schuldverhältnis” không bao giờ được sử dụng, điều này không gây ngạc nhiên vì khái niệm “Schuldverhältnis”, theo nghĩa rộng, là một đặc thù của người Đức. Các văn bản luật nói trên bằng tiếng Đức dịch từ “obligation” nói chung bằng từ “Verpflichtung”, và đôi khi bằng từ “Pflicht”, “Verpflichtung”  hay “Schuld”, trong khi “trách nhiệm/duty” thường được dịch bằng “Pflicht”. Trong thuật ngữ pháp lý của Đức, hai từ “Verpflichtung” và “Pflicht” là đồng nghĩa, cùng là những từ đối lập của từ “Recht” (quyền). Thật vậy, BGB nhắc đến “Verpflichtung zur Leitung” (Xem tít trước điều 241) và, không có một chút khác biệt nào, “Leistungspflicht” (Xem tít điều 275). Ngược lại các từ “Verbindlichkeit” và “Schuld” vốn là những từ đồng nghĩa lại chỉ có thể chỉ các nghĩa vụ có nội dung là một công việc cụ thể, chứ không phải là một hành vi trừu tượng. Như vậy đó lá cac từ đồng nghĩa phủ định của “Anspruch” (Trái quyền) (và vả lại chúng cũng có thể chỉ các khoản nợ).
Như vậy các từ “Verbindlichkeit” và “Schuld” là các từ chuyên biệt hơn “Verpflichtung” hay “Pflicht”, đến mức mỗi “Verbindlichkeit” (hay “Schuld”) đều cùng đồng thời là một “Pflicht” hay “Verpflichtung”. Chẳng hạn, nghĩa vụ hợp đồng thực hiện một việc phải thực hiện được BGB gọi là “Leistungspflicht” hay “Verpflichtung zur Leitung”, nhưng cũng cả “Schuld” hay “Verbindlichkeit”, trong khi không có “Schutzpflichkeit” hay “Schuld” đảm bảo an toàn, mà chỉ có “Schutzpflichten” hay các “Informationspflichten”, những từ, vì những lý do ngôn ngữ, cũng có thể là “Verpflichtungen zur Information” không thay đổi nội dung. Ngoài ra, cách sử dụng các từ “Pflicht” và “Verpflichtung” không phải giới hạn ở ngôn ngữ pháp lý, mà cũng có thể được quan sát thấy trong ngữ cảnh đạo đức (hai từ thậm chí còn không nằm trong thuật ngữ kỹ thuật trong Rechtswörterbuch (từ điển pháp luật) của Creifelds), trong khi Schutzpflichkeit, Schuld, và Schuldverhaltnis là các thuật ngữ hoàn toàn pháp lý.
Từ các nhận định này sinh ra cảm giác rằng hai khái niệm – nghĩa vụ và trách nhiệm – không dễ phân biệt được, vả lại cũng không được phân biệt một cách rõ ràng. Tuy nhiên, dường như có thể tách riêng một cách sử dụng chuyên biệt của từ trách nhiệm.

II. MỘT CÁCH SỬ DỤNG RIÊNG KHÁI NIỆM “TRÁCH NHIỆM”/ “DUTY”

Trong pháp luật Hoa Kỳ, một bộ phận học giả ủng hộ việc cá biệt hóa các từ “nghĩa vụ” và “trách nhiệm”. Thật vậy, giáo sư Wesley Newcomb HOHFELD, người đã xây dựng hệ thuật ngữ được biết tới dưới tên “Hohfeldian terminology” (Thuật ngữ Hohfeldian), đã khuyến nghị nên sử dụng một cách có lựa chọn thuật ngữ. Đặc biệt, ông đã đề xuất rằng, để nói tới trái quyền hay chính xác hơn tới từ đối lập của nó – như khoản nợ của một bên đối với bên kia – , người ta không nên nói “rights and obligations” hay “rights and liabililies” mà nên nói “rights and duties”. Tòa án Mỹ đôi khi cũng hưởng ứng các đề xuất này. Thật vậy, người ta có thể thấy từ “duties” hay “duty” thường xuyên được sử dụng khi thẩm phán áp dụng lý thuyết “implication” (sự ngụ ý), và phát hiện các “duty of good faith” (nghĩa vụ thiện chí) hay cả “duty of best efforts” (cố gắng hết mức).
Trong pháp luật Cộng hòa Pháp, sự phân biệt giữa nghĩa vụ và trách nhiệm chủ yếu do các học giả thực hiện, nhưng đôi khi cũng do tòa án. Sự phân biệt này dựa trên ba tiêu chí chính. Tiêu chí thứ nhất liên quan đến bản chất củ trách nhiệm phải thực hiện trong trường hợp vi phạm: sự vi phạm trách nhiệm dẫn đến trách nhiệm khắc phục ngoài hợp đồng của người vi phạm, trong khi sự không thực hiện các nghĩa vụ sẽ bị trừng phạt bởi trách nhiệm hợp dồng. Tiêu chí thứ hai liên quan đến phạm vi của công việc phải thực hiện bởi bên có nghĩa vụ. Sự phân biệt như vậy dựa trên sự xác định đối tượng của công việc: nghĩa vụ chỉ ràng buộc các bên trong trong hợp đồng, trong khi trách nhiệm cũng có thể có lợi cho các bên thứ ba dựa vào sự không thực hiện chúng để đòi bồi thường. Tiêu chí thứ ba gắn với các hiệu lực của hợp đồng. Các hiệu lực có thể được xếp thành hai loại: Các hiệu lực chung phát sinh một cách độc lập với hợp đồng đã được ký kết và các hiệu lực riêng bắt nguồn từ mỗi loại hợp đồng vì lý do chuyên biệt của nó.
Nếu hợp đồng là không thể xâm phạm và không thể bị hủy bỏ, thì nó phải được lập, ký kết và thực hiện một cách trung thực: các hiệu lực của nó vượt lên trên các nội dung hợp đồng và áp đặt cho các bên trách nhiệm chung, trước, trong và sau hợp đồng. Như M.MAZEAUD đã nhận xét, “bên cạnh các nghĩa vụ chuyên biệt mà các bên mong muốn, còn tồn tại song song các chuẩn mực có nguồn gốc pháp lý tạo thành khuôn khổ chung bên trong đó các nghĩa vụ này sẽ được thực hiện và các bên tham gia hợp đồng phải tuân theo như phải tuân theo luật“. Theo nghĩa này, cái mà người ta gọi là “nghĩa vụ” thiện chí, theo điều 1134, khoản 3 Bộ dân luật Pháp, mà các bên giao kết hợp đồng phải tuân theo chỉ là nhắc lại một yêu cầu chung hơn về một ứng xử trung thực, một quy tắc ứng xử trong xã hội, mà mỗi bên phải có, một cách độc lập với sự tồn tại của hợp đồng. Vẫn theo nghĩa này, các “nghĩa vụ” đảm bảo an toàn, cung cấp thông ti, chỉ dẫn, cảnh báo hay khuyên nhủ, xuất hiện, cùng với các nghĩa vụ khác, làm phong phú thêm nội dung bắt buộc của hợp đồng tham gia vào “khuôn khổ chung” này, trong đó, tất cả đều phải tuân thủ một “chuẩn mực ứng xử cơ bản”, một “chuẩn mực công dân chung”; tóm lại, một “trách nhiệm ứng xử chung, giống với trách nhiệm chung cẩn trọng mà H. và L.MAZEAUD đã mô tả, và đã xuất hiện trong bộ luật dân sự, đặc biệt qua các điều 1382 và 1383. Trên thực tế, bộ luật nhấn mạnh đặc biệt rằng, các nghĩa vụ áp đặt trước hết lên các bên chuyên nghiệp như là một chuẩn mực gắn liền với nghề nghiệp của họ và điều này tồn tại một cách độc lập với việc ký kết hay không ký kết một hợp đồng (vì hợp đồng “chỉ có hiệu lực làm phát sinh việc áp dụng, trong mối quan hệ giữa các bên, các quy tắc nghề nghiệp tồn tại từ trước.” (Ghi chú: Các tác giả vả lại đã nhấn mạnh “sự tách rời khỏi hợp đồng, thậm chí, trong một số trường hợp được tòa án thừa nhận chính thức. Ngày nay, các tòa án chấp nhận, chẳng hạn rằng, nghĩa vụ cung cấp bởi lời khuyên của công chứng viên, vì bản chất “nghề nghiệp” của mình, chỉ có thể bị trừng phạt bằng sự áp dụng các nguyên tắc trách nhiệm ngoài hợp đồng; thực chất tòa án đã từ chối “coi trách nhiệm này như một nghĩa vụ mặc nhiên trong một hợp đồng” và đã làm cho nó trở thành “trong mọi hoàn cảnh một trách nhiệm pháp lý mặc nhiên” mà chế tài cho sự vi phạm là ngoài hợp đồng). Rốt cuộc dường như chính phạm vi của các yêu cầu áp đặt lên các cá nhân, hơn là nguồn của các yêu cầu này, sẽ cho phép gọi là “nghĩa vụ” hay “trách nhiệm” và, quan trọng hơn, áp dụng các chế tài phù hợp.
Vẫn trong ý này, trong pháp luật Anh quốc, khi các bên ràng buộc nhau bằng một quan hệ pháp lý, và khi một vài trong số họ ở một vị thế thống lĩnh, Equity quy định các “duties” (như chúng ta đã thấy trên, từ “duties” ở đây không được hiểu nhất thiết loại trừ khái niệm “obligation” mà như một quy định một chuẩn mực hành vi không được quy định một cách rõ ràng trong hợp đồng nhưng gắn trực tiếp với quan hệ bắt nguồn từ hợp đồng). Các “duties” này áp đặt cho các bên, vì lý do vị trí mà chúng giữa trong quan hệ pháp lý và trong mục đích phòng ngừa lạm dụng. Nhận xét rất đúng với các “agency ralationships” (mối quan hệ đại lý) cũng như với các “trust relationships: mối quan hệ tin cậy), trong đó chẳng hạn, “trustee” (người ủy thác), do vị trí mà người này nắm giữ trong quan hệ pháp lý của trust (Người nhận ủy thác), là người có nghĩa vụ đối với người được hưởng “duties”, dù không một hợp đồng nào ràng buộc họ. Các quan hệ này trước kia được coi như là các “status-based fiduciary relationships” (mối quan hệ tín thác dựa trên địa vị). Đây là trường hợp ở đó các quy định của Equity không có xu hướng được áp dụng ngay từ đầu (khác với các “status-based”), nhưng do đặc thù của quan hệ tồn tại giữa các bên, quan hệ này làm phát sinh một “fiduciary relationship” (mối quan hệ tín thác). Một bên vì vậy phải gánh vác các nghĩa vụ mà trước đó anh ta đã không ưng thuận. Các nghĩa vụ này được áp đặt khi một bên có một vị trí đặc biệt thuận lợi hơn so với bên kia, đặc biệt là vấn đề thông tin. Chúng nhằm phòng ngừa các lạm dụng có khả năng xảy ra bởi vị thế cao hơn trên thực tế này bằng cách buộc một bên trong hợp đồng phải thực hiện một số hành vi nhất định. Sự thừa nhận các trách nhiệm như thế vẫn hạn hẹp, chắc chắn là do cách tiếp cận kinh tế của quan hệ hợp đồng.
Chỉ hai trường hợp điển hình vẫn luôn sử dụng cùng một thuật ngữ. Đó là “duty” được pháp luật tạo ra để trừng phạt bên có lỗi dựa trên căn cứ trách nhiệm ngoài hợp đồng (“Tort”), nhưng cũng cả “restitutionary duty” (nghĩa vụ bồi thường) được áp đặt trong khuôn khổ của “unjust enrichment”. Ngay cả khi nếu sự khác biệt giữa các trách nhiệm áp đặt bởi pháp luật và các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đôi khi mờ nhạt, thì gần như vẫn chỉ từ “duty” (“trách nhiệm”) được sử dụng chứ không phải từ “obligation” (“nghĩa vụ”). Rốt cuộc, dường như việc sử dụng từ “duty” không phụ thuộc vào sự tồn tại của một hợp đồng (ngay cả khi, như chúng ta đã thấy, hợp đồng có thể là yếu tố làm phát sinh trách nhiệm), cũng như một chuẩn mực ứng xử chung.
Pháp luật của Kê-bếch là một trong những pháp luật phân biệt rò ràng nhất “nghĩa vụ” / “trách nhiệm”. Thuộc lĩnh vực “nghĩa vụ” nội dung bắt buộc của hợp đồng, và điều này không phụ thuộc vào việc có cần tìm hiểu xem liệu “nghĩa vụ” cần xem xét chỉ là sự chuyển vào hợp đồng một “trách nhiệm” mà về bản chất là một chuẩn mực ngoài hợp đồng. Một số người vả lại nói về nghĩa vụ “phụ” qua đó ngầm hiểu rằng đó là một trách nhiệm “về bản chất”. Ngược lại, tất cả những gì không thuộc hợp đồng và có nguồn gốc trong luật đều được gọi là “trách nhiệm”. Sự kết nối giữa ngoài hợp đồng và hợp đồng như vậy được vạch ra một cách rất rõ ràng, ngay cả khi thực hiện một hợp đồng hóa một trách nhiệm bắt nguồn chủ yếu từ ngoài hợp đồng: trách nhiệm này khi đó trở thành một nghĩa vụ.
Pháp luật của Đức cũng phân biệt rõ ràng, nhưng không theo nguồn gốc của nghĩa vụ (hay của trách nhiệm), mà theo nội dung của nó. Sự phân biệt này chỉ có thể hiểu được nếu xem xét vị trí của người có quyền: khi đó là một trái quyền (“Anspruch”), nghĩa là một quyền đối với việc thực hiện một công việc (“Anspruch”, nghĩa là một quyền đối với việc thực hiện một công việc (Xem điều 14:01 PDEC, bề ngoài có vẻ là một sao chép gần như nguyên vẹn của 194 (1) BGB có chứa định nghĩa của luật về “Anspruch”), thì người có nghĩa vụ sẽ phải gánh một “Verbindlichkeit” hay một “Schuld”. Khi đó là một quyền đơn thuần bản thân nó không thực hiện được và chỉ có hiệu lực trong giả thiết bị vi phạm, thì người có nghãi vụ sẽ chỉ phải chịu một “Pflicht” hay “Verpflichtung”.

III. HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN TẢNG CHUNG TRONG VIỆC THỐNG NHẤT “NGHĨA VỤ” VÀ “TRÁCH NHIỆM” 

Nghiên cứu pháp luật so sánh thôi thúc chúng ta nhấn mạnh đến hiện tượng họp đồng hóa các quy phạm ban đầu là ngoài hợp đồng và như vậy đến sự chuyển từ khái niệm “trách nhiệm” sang khía niệm “nghĩa vụ”. Về nguyên tắc, trong một hợp đồng, các bên chỉ có thể phải tuân theo các nghĩa vụ mà họ đã thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, trong các hệ thống pháp luật khác nhau, thường dưới danh nghĩa một quan niệm ít nhiều được xác định về công bằng hợp đồng, áp đặt cho các bên các nghĩa vụ không xuất hiện một cách rõ ràng trong nội dung của hợp đồng.
Như chúng ta đã thấy trong pháp luật của Anh, nổi lên trong học thuyết các “quy định mặc nhiên” (“implied terms”) hay, trong pháp luật Kê-bệch các “nghĩa vụ mặc nhiên”, được thể hiện tại điều 1434 cảu Bộ Dân luật Kê bếch: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp ràng buộc các bên ký kết không chỉ những gì mà họ đã thể hiện trong đó, mà còn tất cả những gì phát sinh từ đó theo bản chất của nó và theo các phong tục tập quán, công bằng hay pháp luật“. Điều này tương ứng với điều 1135 của Bộ dân luật Pháp: “Hợp đồng bắt buộc không chỉ đối với những gì được thể hiện trong đó, mà còn tất cả những hệ quả mà sự công bằng, phong tục tập quán hay pháp luật làm phát sinh nghĩa vụ theo bản chất của nó“. Người ta cũng thấy điều này trong các quy định của Bộ dân luật Bỉ, với hệ quả nghĩa vụ thiện chí chung nằm tại điều 1375: “Thiện chí phải điều chỉnh sự ứng xử của các bên, cả vào thời điềm phát sinh nghĩa vụ cũng như vào thời điểm thực hiện hay chấm dứt nghĩa vụ“.
Pháp luật của Anh không có nguyên tắc thiện chí (dù rằng sự khẳng định này mất dần sự chính xác nếu nhìn vào các chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu đang dẫn chiếu ngày càng nhiều tới nguyên tắc này) khác với rất nhiều luật quốc gia khác (Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Kê bếch, Mỹ) và các dự án thống nhất pháp luật hợp đồng (PDEC chẳng hạn). Quan niệm của người Anh về hợp đồng, chủ yếu là kinh tế, có xu hướng hạn chế nội dung của nó trong chừng mực người ta muốn các bên chỉ phải tuân thủ các nghĩa vụ mà họ thỏa thuận  một cách rõ ràng. Tuy nhiên, lý thuyết về các “implied terms” (điều khoản ngụ ý) trao cho thẩm phán quyền, dù là hẹp, suy từ hợp đồng sự tồn tại các nghĩa vụ mặc nhiên. Tuy nhiên, có hai giới hạn: Thứ nhất, thẩm phán không thể thừa nhận một “implied” mâu thuẫn với một điều khoản rõ ràng; và thứ hai, họ phải xét xử dựa trên một nền tảng pháp lý gồm ba yếu tố: “unexpressed intentions” (ý định chưa được bày tỏ), “importation of general civil obligations” (nhập với nghĩa vụ dân sự chung); và các “model contracts”. Thực tế cho thấy đã có sự đưa vào hợp đồng một chuẩn mực ứng xử, các “trách nhiệm” về bản chất là ngoài hợp đồng. Một trách nhiệm có nguồn gốc luật pháp như vậy dường như có thể trờ thành một điều khoản mặc nhiên của hợp đồng trong pháp luật của Anh.
Sự không thống nhất rõ ràng về thuật ngữ tồn tại trong cách sử dụng các từ “nghĩa vụ” (“obligation”) và “trách nhiệm” (“duty”) dường như là biểu hiện của khó khăn mà các học giả nêu lên về sự gia tăng nội dung bắt buộc của hợp đồng, vốn có xu hướng áp đặt cho các bên các chuẩn mực ứng xử khác nhau (bắt nguồn từ công bằng, phong tục tập quán hay luật pháp) không được hợp đồng quy định một cách rõ ràng. Như vậy lĩnh vực ngoài hợp đồng đã thấm vào lĩnh vực hợp đồng và làm phát sinh các khó khăn cả về quan điểm thuật ngữ cũng như quan điểm về chế định áp dụng cho các chuẩn mực này (chế tài đối với vi phạm các chuẩn mực này thuộc phạm vi ngoài hợp đồng hay hợp đồng?). Vậy mà, trước các khó khăn này, pháp luật của Kê bếch đưa ra một quan điểm rất rõ ràng bởi vì như chẳng hạn, M.CREPEAU, khi bàn về các “nghĩa vụ bổ sung” cho rằng chúng đã có được “mầu sắc, tính chất hợp đồng do chúng được đưa vào trong khuôn khổ của thỏa thuận”. Về phần mình BAUDOUIN và JOBIN đã không ngần ngại khẳng định rằng “sự vi phạm một nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng, có thể do pháp luật quy định, cho phép áp dụng các nguyên tắc về trách nhiệm hợp đồng. Như vậy một số trách nhiệm mà sự vi phạm chúng thường bị trừng phạt bởi các nguyên tắc trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng đã được hợp đồng hóa. Từ năm 1994 và từ khi ra đời bộ dân luật Kê bếch mới – và tương phản với mâu thuẫn lớn về trách nhiệm dân sự mà các quy định của bộ luật dân sự Bas-Canada từng gây ra trước đó -, tồn tại ngày càng nhiều nghĩa vụ gọi là mặc nhiên phát sinh hoặc từ bản chất của hợp đồng, hoặc từ các thông lệ thương mại, từ luật, hay từ sự công bằng. Sự thay đổi rốt cuộc khiến người ta nghĩ tới điều 1135 của các bộ luật dân sự Pháp và Bỉ và dường như cũng xích lại gần với các học thuyết của Anh _ Mỹ về các “implied terms” (điều khoản ngụ ý).
Thoạt nhìn, sự phân biệt của Đức theo nội dung của nghĩa vụ không nằm trong sơ đồ được giới thiệu ở trên. Tuy nhiên, một sự phân tích sâu hơn cho thấy rằng sự khác biệt so với giải pháp được đưa ra không lớn đến thế. Đầu tiên, hệ thống của Đức về trách nhiệm dân sự là khác về cơ bản với các hệ thống của Pháp và common law. BGB phân biêt rõ ràng trách nhiệm gọi là “hợp đồng”, được điều chỉnh trong các điều 241 (2), 280 (1) và trách nhiệm ngoài hợp đồng, được điều chỉnh trong các điều 823 và tiếp theo. Trách nhiệm được gọi là “hợp đồng” này liên quan không chỉ đến sự không thực hiện hay thực hiện không tốt nghĩa vụ, mà còn cả sự không tuân thủ trách nhiệm cung cấp thông tin hay đảm bảo an toàn, kể cả đối với các thiệt hại thân thể hay tài chính mà một bên trong hợp đồng phải chịu trong quá trình thực hiện hợp đồng (chẳng hạn, một khách hàng bị thương do giẫm phải vỏ chuối dưới sản nhà của cửa hàng). Các trách nhiệm này được quy định rõ ràng trong điều 241 (2) BGB như bắt nguồn từ “Schuldverhältnis” (mối quan hệ nghĩa vụ) theo nghĩa rộng: (…) (Tùy theo nội dung “Schuldverhältnis” có thể bắt buộc mỗi bên phải tôn trọng các quyền của mình, các “Rechtsgüter” (lợi ích hợp pháp) (chẳng hạn tài sản, sức khỏe hay tự do) và các lợi ích của người khác).
Ngoài ra, theo điều 311 (2) BGB, đơn giản việc các bên đã bắt đầu đàm phán nhằm ký kết hợp đồng cũng tạo thành một mối ràng buộc chuyên biệt được gọi là “Schuldverhältnis” từ đó bắt nguồn cùng các nghĩa vụ cung cấp thông tin, cung cấp lời khuyên và thiện chí như các trách nhiệm bắt nguồn từ một hợp đồng: (…) (Một “Schuldverhältnis” làm phát sinh các nghĩa vụ theo điều 241 (2) BGB cũng được thiết lập khi các bên bắt đầu đàm phán). Trách nhiệm dân sự bắt nguồn từ sự vi phạm các trách nhiệm tiền hợp đồng này (“culpa in contrahendo”) như vậy là giống với trách nhiệm hợp đồng. Vậy mà, trách nhiệm ngoài hợp đồng cũng có điều kiện là sự vi phạm “allgemeine Verkehrspflichten” (các trách nhiệm chung) cấu thành một lỗi và làm phát sinh một nghĩa vụ (“Verbindlichkeit” / “Schuld”): nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Như vậy, sơ đồ – cả về mặt thuật ngữ cũng như về nội dung – là đồng nhất: có các “Pflichten” (các trách nhiệm không có trái quyền tương ứng) chỉ có hậu quả trong giả thiết bị vi phạm. “Hậu quả” này là một nghĩa vụ, và lần này với một trái quyền tương ứng.
Như vậy, khi nhận xét rằng trong pháp luật của Pháp và trong nhiều hệ thống pháp luật đã được nghiên cứu, kết quả của trách nhiệm ngoài hợp đồng là một nghĩa vụ (người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân) và rằng một trách nhiệm như thế chỉ bắt buộc trong trường hợp có lỗi (như vậy là trong trường hợp không tuân thủ một trách nhiệm chung về ứng xử), người ta thấy xuất hiện một sự giống nhau rất rõ ràng giữa tất cả các hệ thống này: các nghĩa vụ (“obligation”, “Verbindlichkeiten”) tương ứng với một trái quyền, nghĩa là có nội dung là một công việc mà trái chủ có thể đòi hỏi, và các trách nhiệm (“duties”, “Pflichten”) có nội dung duy nhất là tránh thiệt hại của bên kia, bằng việc đưa ra các huẩn mực ứng xử. Các “trách nhiệm” này được coi (trong pháp luật của Pháp, Kê bếch và trong một chừng mực nhất định trong pháp luật của Anh) như có bản chất theo luật định (chứ không phải theo hợp đồng).

Nếu như rõ ràng là các khác nhau vẫn tồn tại trong mối liên hệ các từ “nghĩa vụ” và “trách nhiệm” trong các hệ thống pháp luật khác nhau (dù đó là nguồn, nội dung hay phạm vi của chuẩn mực), thì vẫn cần trao cho chúng một cách sử dụng chuyên biệt để có thể thống nhất chế định áp dụng cho chúng. Có thể đây không phải là mục đích mà một số học giả đương thời tìm kiếm, nhưng có vẻ là các nghiên cứu gần đây của các học giả đã cố gắng phân định rõ hơn ngoại diện của các khái niệm khác nhau này. Tất cả các nghiên cứu này không đưa ra các giải pháp như nhau nhưng cũng đã phát động trở lại một cuộc tranh luận mà dường như đã mất đi tầm ảnh hưởng vào đúng thời kỳ xây dựng một pháp luật châu Âu về hợp đồng.

IV. SỰ KHÔNG THỐNG NHẤT VỀ THUẬT NGỮ CỦA TỪ CAM KẾT

Từ “cam kết” được hiểu thông qua các biểu hiện khác nhau của nó. (Ghi chú: cần phải phân biệt các cam kết pháp lý với các cam kết đạo đức, các cam kết pháp lý có chế tài là pháp luật còn các cam kết đạo đức thì không. Trước nay người ta vẫn dạy rằng cam kết đạo đức không thuộc phạm vi luật pháp, mà thuộc ý thức nên không thể bị trừng phạt bởi pháp luật. Tuy nhiên, một phán quyết gần đây dường như đã bác bỏ sự khẳng định này: Phán quyết của Tòa tôi cao Pháp 23/01/2027…: “Khi cam kết, dù đó là cam kết đạo đức, “không sao chép” các sản phẩm được thương mại hóa bởi môt đối thủ cạnh tranh, một công ty đã  biểu thị mong muốn rõ ràng và tự ràng buộc nghĩa vụ đối với công ty cạnh tranh”).
Nếu PDEC, bộ Nguyên tắc UNIDROIT hay bộ luật hợp đồng châu Âu (Viện các luật gia tư pháp châu Âu – PAVIE- “Dự luật PAVIE”), ít khi sử dụng từ cam kết, thì từ ngày dường như lại được nhiều hệ thống pháp luật khác nhau sử dụng thường xuyên. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự Pháp chứa 48 điều nhắc đến từ cam kết, Bộ luật thương mại 108 lần, bộ luật tiêu dùng 31 lần, Bộ luật lao động 127 lần … Pháp luật của một số nước nói tiếng Pháp dường như cũng sử dụng nó. Chẳng hạn Bộ luật về nghĩa vụ dân sự Thụy Sỹ cũng 7 lần sử dụng nó. Pháp luật của Bỉ, thông quan các bộ luật khác nhau cũng thừa nhận thuật ngữ cam kết. Tương tự như vậy đối với pháp luật của Kê – bếch.
Từ “Cam kết”, rất hay sử dụng theo thói quen mà không được khái niệm hóa. Tuy nhiên, một nền tảng chung dường như đã hé lộ từ sự hiểu khái niệm cam kết, mà pháp luật của Đức đã minh chứng hoàn hảo. Thực vậy, các thuật ngữ cam kết và nghĩa vụ được thể hiện bằng cùng một từ “Verpflichtung”. Cuối cùng một sự thống nhất tồn tại thực tế giữa nguồn của nghĩa vụ, cam kết, và kết quả của nó, nghĩa vụ. Nhận định này được khẳng định sau khi nghiên cứu một số quy định cả trong pháp luật của Pháp cũng như của pháp luật của một số nước Pháp ngữ, như luật của Bỉ và Kê Bếch. Sự đồng nhất, nếu như không muốn nói đến sự nhầm lẫn là hiểu được. Sau cùng, nếu các nghĩa vụ không được thực hiện là vấn đề không có gì mới mẻ, thì cam kết trên thực tế rốt cuộc cũng không được thực hiện (A). Nếu đồng nhất là vừa rõ ràng vừa hiểu được, thì tuy vậy vẫn chưa thể khẳng định rằng “cam kết” được sử dụng rộng rãi như nguồn của nghĩa vụ. Một khó khăn vì vậy xuất hiện trong sự kết nối giữa các từ “cam kết” và “hợp đồng” (B).

A. Các biểu hiện của một sự đồng nhất giữa cam kết và nghĩa vụ 

Có những quy định về bản chất gieo nghi ngờ vào sự kết nối logic giữa cam kết và nghĩa vụ, vì cam kết là nguồn của nghĩa vụ.
Trên thực tế, trong pháp luật của Thụy Sỹ, điều 175 bộ luật về nghĩa vụ dân sự quy định trong (2) rằng “Người thế nghĩa vụ không thể bị kiện buộc thực hiện cam kết này bởi người có nghĩa vụ, chứng nào mà người có nghĩa vụ không thực hiện đối với mình các nghĩa vụ của người đó phát sinh từ hợp đồng thế nghĩa vụ“. Đây là một biểu hiện của sự kết nối mong manh giữa nguồn của nghĩa vụ và bản thân nghĩa vụ. Trên thực tế, nếu thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ mà tôi đã giao kết, tôi thực hiện các thỏa thuận của cam kết hợp đồng (hoặc đơn phương) của mình, lẽ ra trong quá trình soạn điều này, người ta nên sử dụng từ nghĩa vụ, vốn thông thường được hiểu như “mối ràng buộc gắn kết ít nhất hai người riêng rẽ cho phép trong số họ đòi hỏi một cái gì đó ở người kia“. Trong pháp luật Kê Bếch, điều 1458 của Bộ luật dân sự cho thấy đặc biệt rõ điều đó. Điều này quy định rằng: “mọi người có trách nhiệm giữ trọn cac cam kết mà mình đã giao kết”. Khoản 2 cho thấy cách hiểu từ “cam kết” của nhà lập pháp Kê bếch, ở đây là một “nghĩa vụ”. Khoản 2 quy định rằng: “khi vi phạm trách nhiệm này, mọi người phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại, thân thể, tinh thần hay vật chất, mà mình gây ra cho bên kia và phải bồi thường thiệt hại này; cả người đó cũng như bên giao kết kia đều không thể bỏ qua việc áp dụng các quy tắc của chế định hợp đồng về trách nhiệm để lựa chọn các quy tắc có lợi hơn cho mình”. Như vậy là đã rõ, ở đây từ “cam kết” được sử dụng thay cho thuật ngữ “nghĩa vụ”. Điều 1486 của Bộ luật này dường như khẳng định nhận định này khi trong khoản 2, quy định rõ rằng, người có công việc được thực hiện (trong khuôn khổ thực hiện công việc không có ủy quyền)cũng phải thực hiện các cam kết cần thiết hoặc hữu ích đã được giao kết, nhân danh mình và vì lợi ích của mình, bởi người thực hiện công việc đối với những người thứ ba“. Ở đây từ này không rõ nghĩa, dường như nó cũng nhắc đến các “nghĩa vụ” trong chừng mực các “cam kết” nói ở trên bắt nguồn gừ sự ký kết một hợp đồng và đến các hợp đồng lẽ ra có thể đã được ký kết bởi người có công việc được thực hiện. Vả lại, điều 2001 của Bộ luật quy định, trong khoản 2, về hợp đồng thuê tài, rằng “hợp đồng, khi được lập thành văn bản, được ghi nhận bằng hợp đồng thuê tàu (charte-partie”, hợp đồng này biểu thị, ngoài tên gọi của các bên, cả các cam kết của các bên này …”. Cả ở đây, từ “nghĩa vụ” có lẽ phù hợp hơn với tính chất là hậu quả của việc ký kết hợp đồng. (Ở đây bản dịch tiếng Anh đã sử dụng từ “undertaking”.
Trong pháp luật Bỉ, điều 1143 của Bộ luật Dân sự quy định rằng “trái chủ có quyền yêu cầu điều đã được làm do sự vi phạm cam kết, bị phá hủy; và có thể tự cho phép phá hủy điều này với chi phí của người có nghĩa vụ, mà không phải chịu bồi thường thiệt hại, nếu có”. Ở đây dường như chính “nghĩa vụ” được nhắm tới hơn là nguồn của nó. Điều 1184 cũng của Bộ luật này quy định rằng “điều kiện hủy bỏ luôn được ngẩm hiểu trong các hợp đồng song vụ, đối với trường hợp ở đó một trong hai bên không thỏa mãn cam kết của mình”. Trong khoản 2, điều này quy định rằng “hợp đồng không đương nhiên bị hủy bỏ. Bên mà đối với bên đó cam kết không được thực hiện (…)”. Cả ở đây cũng vậy, từ “nghãi vụ” có lẽ đã được ưa thích hơn ngay cả khi, trên thực tế, sự không thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng kéo theo sự không thực hiện cam kết đã thỏa thuận. Vấn đề khi đó đặt ra là tìm hiểu xem điều mà người ta không thực hiện là gì: đó là nghĩa vụ hay cam kết vốn là nguồn gốc của nó?
Trong pháp luật của Pháp, nhận định rất gần với những gì đã được đưa ra đối với pháp luật của Bỉ, Thụy Sỹ và Kê bếch, chủ yếu vì những lý do lịch sử (ghi chú: Vì Bộ luật dân sự đã được dùng làm nền tảng cho công việc pháp điển của nước ngoài). Thật vậy các suy nghĩa trên đây về các điều 1143 và 1184 của Bộ luật dân sự Bỉ cũng có thể được áp dụng. Ngoài ra, điều 1836 khoản 2, của Bộ luật dân sự nhắc lại rằng “trong bất kỳ trường hợp nào, cám cam kết của một thành viên công ty đều không thể tăng lên mà không có sự ưng thuận của người này”. Trong giả thiết này, dường như thuật ngữ “cam kết” được sử dụng thay cho thuật ngữ “nghĩa vụ”. Điều 1371 cũng rất đáng chú ý trong chừng mực nó đề cập đến các tự nguyện cam kết như hợp đồng. Cụ thể, nó định nghĩa tự nguyện cam kết như hợp đồng. Cụ thể, nó định nghĩa tự nguyện của con người, bắt nguồn từ đó một cam kết nào đó đối với một người thứ ba, và đôi khi một cam kết đối với nhau của hai bên”. Ở đây từ “cam kết” được sử dụng như hậu quả một việc tự nguyện. Nó không phải là nguồn mà là hậu quả. Thoạt nhìn, khi đó sẽ là phù hợp hơn nếu sử dụng từ “nghĩa vụ”. Điều Điều 1103 của Bộ luật dân sự quy định rằng “Hợp đồng là đơn vụ khi một hay nhiều người có nghĩa vụ đối với một hay nhiều người khác, mà không cần có cam kết từ phía những người này”. Trong giả thiết này, bên giao kết hợp đồng bi36u thị ý chí của m ình được là trái chủ nhưng không phải là ý chí cam kết, bên này không biểu thị sự ưng thuận mà từ đó sẽ bắt nguồn một cam kết. Khi đó bên này không là người chịu bất bất kì nghĩa vụ nào. Như vậy, điều khoản này có thể là bằng chứng trong một chừng mực nhất định sự khác biệt của các thuật ngữ “cam kết” và “nghĩa vụ”.
Sơ thảo dự án luật của Pháp dường như cũng sử dụng đan xen các từ “cam kết” và “nghĩa vụ”, chẳng hạn như điều 1158 quy định “Trong mọi hợp đồng, bên mà đối với bên đó cam kết đã không được thực hiện, hoặc được thực hiện không đầy đủ, có quyền chọn hoặc tiếp tục việc tực hiện cam kết hặc hủy hợp đồng hoặc đòi bồi thường thiệt hại, việc bồi thường thiệt hại này có thể, trong trường hợp cần thiết, bổ sung cho việc thực hiện hoặc hủy hợp đồng”. Với những phân tích trên, ở đây có thể coi chính các nghĩa vụ bắt nguồn từ cam kết đã được người soạn thảo báo cáo nhắm tới. Tuy nhiên, nếu quan điểm thuật ngữ và khái niệm, sự khác biệt giữa cam kết và nghĩa vụ là rõ ràng, vấn đề còn lại là một quan điểm thuật ngữ và quan điểm ngữ nghĩa, sự đồng nhất này là hiểu được. Khi các nghĩa vụ không được thực hiện, cam kết vốn là nguồn gốc của nó, rốt cuộc cũng không được thực hiện. Lập luận tương tự cũng có tể áp dụng cho các điều 1158 khoản 2 hay 1159.

Nếu như cam kết bắt nguồn từ ý chí, thì nó là nguồn của nghĩa vụ. Tuy nhiên, như đã được quan sát, sự kết nối đề xuất ở trên không rõ ràng như vậy, trong các cách sử dụng thuật ngữ. Dù sao chăng nữa và bất chấp một mức độ không chắc chắn, nhất định trong các cách sử dụng thuật ngữ, dường như từ “cam kết” thường được sử dụng để làm rõ nguồn của các nghĩa vụ. Tuy nhiên, vấn đề còn lại la sự kết nối của nó với khái niệm “hợp đồng”.

B. Các biểu hiện của cách sử dụng chuyên biệt thuật ngữ cam kết với vai trò là nguồn của nghĩa vụ.

Nếu trong các quan hệ với nghĩa vụ, cam kết thường bị nhầm với nghĩa vụ, thì thực tế sử dụng từ này vẫn cho thấy một cách dùng riêng với vai trò là một nguồn riêng của nghĩa vụ, vả lại thường lẫn với hợp đồng.
Nhân đây cần phải làm rõ vấn đề này. Từ “cam kết” thường được sử dụng thay cho từ “hợp đồng”. Sự đan xen này về thực chất không sai ở chỗ hợp đồng “là cam kết của các bước đơn phương bởi vì nó là kết quả của hai cam kết: cam kết của bên đề nghị giao kết và cam kết của bên chấp nhận giao kết, hai cam kết đơn phương được hợp đồng hóa vào thời điểm chúng gặp nhau để cho ra đời một hợp đồng“. Tới mức khi từ cam kết được sử dụng thay cho từ hợp đồng, thì đó là một sự giản lược có thể là không chủ ý nhưng rốt cuộc không phù hợp.
Trên thực tế, vì theo nguồn gốc cam kết nhất thiết la 2 đơn phương – “ở chỗ nó bắt nguồn từ chỉ một cá nhân” – việc bổ sung tính từ đơn phương sau từ cam kết có vẻ là thừa. Chính vì vậy, khi các nhà lập pháp, tòa án và các giảng viên đại học thay từ “hợp đồng” bằng từ “cam kết” họ đã cho thêm tính từ “hợp đồng“. Như vậy các lập luận tiếp theo sau sẽ làm rõ cách sử dụng từ “cam kết” thay cho từ “hợp đồng” nhưng cũng cả trong một nghĩa mập mờ hơn theo đó thuật ngữ này cũng có thể được hiểu theo cách dơn phương.

Trong pháp luật của Pháp, điều 435, khoản 2, bắt nguồn từ Luật số 2007 – 308 ngày 05/03/2007, quy định rằng “các hành vi mà [người được pháp luật bảo vệ] đã ký kết và các cam kết mà người đó đã giao kèo trong thời hạn của biện pháp có thể bị hủy bỏ vì lý do  thiệt hại hoặc bị giảm bới trong trường hợp thái quá ngay cả khi chúng không thể bị hủy bỏ theo điều 414-1”. Tương tự, điều L.210-6 của Bộ Luật thương mại quy định trong khoản 2 rằng “những người đã hành động nhân danh một công ty đang trong quá trình thành lập trước khi được hưởng tư cách pháp nhân phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các hành vi đã thực hiện, trừ trường hợp công ty, sau khi đã được thành lập và đăng ký hợp pháp, tiếp nhận các cam kết đã thỏa thuận. Các cam kết này được coi là đã được thỏa thuận ngay từ đầu bởi công ty”. Tương tự như vậy, điều L.210-9 của Bộ  luật thương mại quy định, trong khoản 1, rằng “Công ty cũng như những người thứ ba đều không thể rút lại các cam kết của mình (…).
Dự thảo dự án luật của Pháp đôi khi cũng sử dụng từ “cam kết” thay cho từ “hợp đồng” mà điều 1172-2 là một minh chứng. Điều này quy định rằng: “Tuy nhiên, một số điều khoản nằm trong một trong các hợ đồng của tập hợp các hợp đồng mở rộng hiệu lực của nó tới những người ký kết các hợp đồng khác, miễn là những người này biết chúng khi cam kết và đã không có các điều khoản bảo lưu”. Cũng có những cách sử dụng từ “cam kết” không rõ nghĩa trong chừng mực chúng cũng có thể dẫn chiếu tới các từ “hợp đồng” hay tới “cam kết đơn phương“. Dù thế nào chăng nữa, các biểu hiện thuật ngữ này là bằng chứng của cách sử dụng từ “cam kết” với vai trò là nguồn của nghĩa vụ, thậm chí của trái quyền. Thật vậy, điều 1116 quy định rằng “để có hiệu lực một cam kết đòi hỏi, ở cá nhân ngườ ký kết, khả năng thụ hưởng, một khả năng trở thành người được hưởng một quyền”. Điều 1182 quy định rằng: “trong trường hợp thỏa mãn điều kiện được coi là đã tồn tại từ thời điểm ở đó cam kết đã được ký kết”. Ở đây, nếu người ta cho rằng điều này có thể được áp dụng cho một cam kết đơn phương, thì cách sử dụng động từ “ký kết” về bản chất sẽ gieo nghi ngờ về phạm vi được gán cho điều này.
Trong pháp luật của Bỉ, điều 1125 của Bộ luật Dân sự quy định rằng “trẻ vị thành niên và người bị pháp luật cấm chỉ có thể kiện, do không đủ năng lực, các cam kết của mình trong các trường hợp do pháp luật quy định”. Tương tự, điều 1185 của Bộ luật này quy định rằng “thời hạn khác điều kiện ở chỗ nó không đình chỉ cam kết, mà nó chỉ làm chậm lại sự thực hiện“.
Trong pháp luật Thụy sỹ, Bộ luật sân sự quy định tại điều 779 rằng: “Nó {quyền sở hữu nhà cửa cây cối trên đất của người khác} có thể được kéo dài vào bất kỳ thời điểm nào, theo hình thức được quy định cho việc hình thành quyền này, đến một thời hạn mới tối đa là một trăm năm, nhưng mọi cam kết được đưa ra trước việc này đều vô hiệu”. Ở đây dường như bộ luật không dẫn chiếu đến nghĩa vụ được đưa ra trong rất nhiều cách hiểu này mà đến cam kết vốn là nguồn của nó hơn. Do sự không chính xác của thuật ngữ đó có thể là một “cam kết đơn phương” cũng có thể là một “cam kết hợp đồng“.
Vẫn trong ý này, điều 7 (1) của Bộ luật về Nghĩa vụ dân sự, có tiêu đề “đề nghị không cam kết và đề nghị công khai” quy định rằng: “Tác giả của đề nghị không bị ràng buộc nếu người đó đưa ra các bảo lưu rõ ràng, hoặc nếu ý định không cam kết của người đó bắt nguồn từ các hoàn cảnh, hoặc từ bản chất đặc biệt của đề nghị”. Trong giả thiết này, có lẽ cần phân biệt các biểu hiện của ý chí và sự ưng thuận, được hiểu như ý định ràng buộc. Nếu tác giả của đề nghị giao kết đó không cam kết thực hiện nghĩa vụ hứa đối với người có thể sẽ chấp nhận nó, nghĩa là, người đó không đồng ý bất kỳ một cam kết nào, thì có lẽ người ta có thể cho rằng “đề nghị giao kết không cam kết” này rốt cuộc chỉ là một lời mời tham gia đàm phán, hoàn toàn không có hiệu lực bắt buộc do không có ý định ràng buộc. Dù thế nào chăng nữa, dường như điều này của bộ luật về Nghĩa vụ dân sự của Thụy Sỹ chỉ gắn ở đây với nguồn của nghĩa vụ chứ không trực tiếp tới nghĩa vụ. Điều 40b khẳng định cùng lô gic đó, khi nó quy định rằng khi “cam kết” đã được đồng ý trong một số hoàn cảnh, dù đó là một đề nghị giao kết hay một chấp nhận giao kết, thì cam kết này vẫn có thể bị hủy bỏ”. Điều 497 (3) của Bộ luật này quy định rằng: “nếu trái chủ biết trước hoặc đã có thể biết trước rằng tiền bảo lãnh đã được cam kết với giả thiết rằng, cùng trái quyền đó sẽ được đảm bảo bởi các tiền bảo lãnh khác, thì bảo lãnh này sẽ được giải phóng nếu giả thiết này không được kiểm chứng nếu sau đó, một trong các bảo lãnh được rút bởi trái chủ hay nếu cam kết của anh ta bị tuyên vô hiệu“. Trong giả thiết này thuật ngữ “cam kết” được sử dụng thay cho “hợp đồng”.
Trong pháp luật Kê- bếch, điều 1574 của Bộ dân luật quy định trong khoản 2 rằng: “Các đề nghị giao kết cũng có thể được đưa ra thông qua việc giới thiệu một cam kết không hủy ngang, vô điều kiện và vô thời hạn, được đưa ra bởi một tổ chức tài chính hoạt động tại Kê bếch, chuyển cho trái chủ khoản tiền là nội dung của các đề nghị giao kết nếu trái chủ này chấp nhận chúng hoặc tòa án tuyên bố chúng có hiệu lực.

Nếu cam kết và nghĩa vụ khác nhau rõ ràng về mặt khái niệm, vì cam kết là nguồn của nghĩa vụ, thì khi sử dụng chúng, người ta đôi khi vẫn đồng nhất khái niệm này với khái niệm kia. Tất nhiên sự đồng nhất này là rất đáng tiếc, nhất là trong nỗ lực làm sáng tỏ và giải thích rõ ràng vấn đề, tuy vậy dường như sự “lẫn lộn” này là hiểu được và rốt cuộc thì rất ít khi làm tối nghĩa các vấn đề được nêu. Tuy nhiên vẫn cần phải có một bảo lưu

Rốt cuộc chính trong các quan hệ với từ “hợp đồng” mà từ “cam kết” đặt ra vấn đề khó khăn nhất. Thật vậy, nếu người ta hiểu rằng nó nằm ở nguồn của nghĩa vụ hay của trái quyền, thì việc sử dụng giản lược từ này làm cho người ta nghi ngờ về phạm vi của nguyên tắc: văn bản đang xem xét liệu có phải chỉ áp dụng cho các “cam kết hợp đồng” (cho hợp đồng) hay liệu nó cũng có thể được áp dung cho các cam kết đơn phương? Cuối cùng, sự cần thiết làm rõ nghĩa cần phải trao cho từ “cam kết’ trở nên càng lớn hơn khi các bản dịch sang tiếng Anh của từ này thay đổi gần như không theo trật tự nào./.

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar