Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Nguyên tắc trọng ước

NGUYÊN TẮC TRỌNG ƯỚC 

217._ Ý nghĩa của nguyên tắc trọng ước:
Trong lĩnh vực hành chánh cũng như trong lĩnh vực tư pháp, khế ước là luật lệ giữa các bên ký kết. Do đó các cơ quan hành chính phải tôn trọng và thi hành khế ước một cách đứng đắn. Hơn nữa, cơ quan hành chính cũng còn nhiệm vụ phải bắt buộc người đối ước tôn trọng và tuân hành các điều khoản của khế ước; nhiệm vụ này thuộc về nghĩa vụ của cơ quan đối với toàn thể các công dân khác. Vả lại như ta sẽ nhấn mạnh, việc cơ quan vi phạm khế ước, hay nói cho đúng, các điều khoản của điều kiện sách, hay không bắt buộc người đối ước phải tuân hành các điều khoản này, đều bị coi như vi luật đối với công dân đệ tam. (hay). Hơn nữa, cơ quan hành chính cũng phải có bổn phận đơn phương chế tài mọi sự vi phạm khế ước, thay vì khởi tố trước pháp đình.
Nhưng các đặc tính lược pháp kể trên chỉ liên quan tới các khế ước hành chánh thực sự chứ không được áp dụng trong tất cả các khế ước do các cơ quan ký kết (như ta đã biết các cơ quan hành chánh cũng còn ký kết các khế ước tư pháp do luật tư pháp chi phối và thuộc thẩm quyền chế tài của các pháp đình tư pháp). Do đó vấn đề tiên khởi quan trọng là tiêu chuẩn phân biệt khế ước hành chánh với khế ước tư pháp. Sau khi đặt xong tiêu chuẩn, chúng ta mới phân tích diễn tiến kết ước theo kỹ thuật hành chánh thuần túy, tức là các giai đoạn kết ước, thi hành và chế tài. (nhưng trong niên khóa này, ta không đi sâu vào chi tiết nội dung mà chỉ đề cập tới diễn tiến của tố tụng liên hệ tới các giai đoạn của khế ước).

MỤC I._ TIÊU CHUẨN CỦA KHẾ ƯỚC HÀNH CHÁNH 
Người ta thường phân biệt các khế ước hành chánh theo luật định, theo bản chất, và theo sự hiện diện của các điều khoản ngoại mức.
218._ a) Trong nhiều trường hợp, luật qui định minh thị hay mặc thị bản chất của khế ước bằng cách qui định thẩm quyền tòa án có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp:
1._ Trước hết khế ước công tác công chánh là một khế ước hành chánh điển hình nhất. Tại Việt Nam, chế độ công tác công chánh được ấn định trong Nghị định toàn quyền ngày 14-10-1937, sửa đổi bằng một nghị định khác ngày 13-12-1938. Ngoài ra cũng phải còn áp dụng thêm Nghị định 31-12-1899 gọi là các điều kiện sách tổng quát. Có vài Luật gia cho rằng trong lãnh vực công tác công chánh cũng phải áp dụng Nghị định Thủ tướng ngày 5-9-1953 sửa đổi bởi Nghị định ngày 21-3-1955. Thực ra thì các văn kiện chính yếu trong chế độ công tác công chánh là các nghị định ngày 14-10-1937 và 31-12-1938 vì các văn kiện này đã qui định đầy đủ từ giai đoạn đấu thầu tới sự thi hành và sự chế tài trực tiếp các khế ước lãnh thầu công tác công chánh.
Theo định nghĩa của án lệ và học lý, các công tác công chánh khác hẳn các công tác thường (các khế ước lãnh thầu công tác thường hiện do Nghị định ngày 5-9-1953 chi phối). Công tác công chánh phải hội đủ các điều kiện sau đây:
– Trước hết kiến trúc công chánh phải liên quan tới một kiến trúc có ích lợi chung xây cất trên một bất động sản. Trong quan niệm tổng hợp công tác công chánh chỉ định kiến trúc đã được xây cất và các công tác công việc xây cất và tu bổ các kiến trúc công chánh. Trong bản án Xã Monségur ngày 10-6-1921, Tham chính viện Pháp đã quyết định là các công tác làm trong một nhà thờ cho sự hưởng lợi của một công pháp nhân trong mục đích ích lợi chung vẫn giữ tính cách các công tác công chánh, và do đó các tố cầu đòi bồi thường thiệt hại gây ra do sự thiếu tu bổ các nhà thờ đều thuộc về thẩm quyền của Tòa án hành chánh (xem tài liệu công pháp trang 294). Điều kiện quan trọng nhất là kiến trúc và công tác phải thuộc về sự quản trị của một công pháp nhân, có tính cách lợi ích chung và làm trên một bất động sản. Như trên vừa nói, giai đoạn kết ước tức là cuộc đấu thầu đã được quy định về chi tiết trong Nghị định 1937, nhưng chúng ta không đề cập tới giai đoạn đấu thầu về nội dung. Về sự thi hành các khế ước lãnh thầu công tác công chánh cũng vậy, tất cả các chi tiết đều được ấn định trong Nghị định kể trên, nhưng sẽ được đề cập tới chung với các khế ước khác về đại cương mà thôi.
2._ Đứng về phương diện hình thức thì cũng phải coi các khế ước lãnh thầu cung cấp, vận tải, và công tác ấn định do Nghị định Thủ tướng ngày 5-9-1953 sửa đổi bởi các văn kiện kế tiếp, là các khế ước hành chánh do luật định và theo điều 42 cả văn kiện kể trên thì mọi sự giải thích và tranh chấp trong sự thi hành các khế ước được qui định trong các văn kiện đều thuộc thẩm quyền của Tòa án Hành chánh. Tuy nhiên cũng nên dè dặt vì một nghị định Thủ tướng theo nguyên tắc không thể ấn định được thẩm quyền của Tòa án, do đó chỉ có thể coi điều 42 của Nghị định như một sự tuyển chọn thẩm quyền theo ý muốn của các cơ quan hành chánh kết ước, và theo vậy chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Các thể thức đấu thầu đề cập tới trong Nghị định Thủ tướng gồm đầy đủ mọi loại từ đấy thầu công khai, đấu thầu hạn chế, đấu thầu theo hệ số, tới các thể thức gọi thầu, thỏa thuận trực tiếp và trả tiền theo hóa đơn hay theo thanh đơn.
219._ b) Loại thứ nhì thường được án lệ và học lý coi như đương nhiên có tính cách hành chánh. Trong loại này có các khế ước đặc nhượng công dịch vụ, đề cung hợp tác và các khế ước liên quan tới sự quản trị công sản:
*1)  Khế ước đặc nhượng công vụ nhằm thực hiện một sự hợp tác vụ lợi công vụ với các tư nhân. Về các tiện ích phổ thông như điện nước hay sự chuyên chở công cộng các pháp nhân hành chánh hữu trách thưởng hoặc đảm nhiệm lấy theo thức thức công quản trị, hoặc trao công vụ cho một xí nghiệp tư đảm trách thay thế cho mình. Tương quan giữa cơ quan phát nhượng và xí nghiệp thọ nhượng được ấn định trong một khế ước thường được gọi là hiệp định đặc nhượng vì nói gồm nhiều điều khoản quan trọng trù liệu áp dụng dài hạn từ 25 tới 30 năm. Thí dụ điển hình tại Việt Nam la đặc nhượng thủ điện đặc nhượng chuyên chở trong đô thành trước kia. Chế độ đặc nhượng đã bị suy vi trong đa số các quốc Gia Châu âu, nhất là tại Pháp quốc, nên được dần dần thay thế bằng các hội kinh tế hỗn hợp hay các xí nghiệp Quốc doanh. Tại Việt Nam thì Công ty đặc nhượng thủy điện đã bị giải tán và thay thế bởi Công ty điện Việt Nam, được thiêt lập dưới hình thức một thương hội, nhưng trong thực tế phải coi là một xí nghiệp Quốc doanh. Còn công ty chuyên chở Pháp thì cũng bị thay thế bởi công ty công quản chuyên chở Đô Thành, nhưng công quản này sau cũng bị chấm dứt hoạt động.
Khế ước đặc nhượng công vụ có thể coi như đã được phỏng theo chế độ lãnh thầu công tác công chính về kỹ thuật, nhưng trong giai đoạn phát triển, đặc nhượng công vụ đã đặt nhiều vấn đề khó khăn do án lệ giải quyết, và do đó cũng được oi là một loại khế ước hành chánh đã phát sinh nhiều nguyên tắc quan trọng như sự gia tăng nghĩa vụ của người thọ nhượng về phương diện khối lượng cũng như về phương diện kỹ thuật, nguyên tắc quân bình tài chánh trên nền tảng công bình khế ước, sự bảo đảm thế quân bình kinh tế của xí nghiệp thọ nhượng cụ thể hóa bởi phương trình thức tài chính đặt trên nền tảng duy trì liên tục của công vụ v.v…
*2) Đề cung hợp tác là một thể thức hợp tác với tư nhân trong công vụ, do đó một tư nhân đề nghị cung cấp tài chính hay tài vật để một cơ quan hành chính đứng ra thực hiện một công vụ hay một công tác có tính cách lợi ích chung. Thí dụ một người đề nghị biếu một số tiền để lập thêm phòng khám bệnh, lập thêm các lớp học, hay đề nghị biếu một thửa đất để làm công viên … Sự cam kết giữa đôi bên được thể hiện bằng một khế ước hành chánh thuần túy. Người ta còn tế phân ra làm đề cung hợp tác bất vụ lợi hay đề cung hợp tác vụ lợi. Trong đề cung hợp tác vụ lợi nếu cơ quan chấm dứt sự hợp tác thì phải bồi thường mọi thiêt hại cho tư nhân hợp tác.
*3) Mọi khế ước liên quan đến sự quản trị công sản công dụng đều phải được thực hiện bằng khế ước hành chánh.
220._ c) Loại thứ ba thường được gọi là các khế ước hành chánh theo kỹ thuật pháp lý. Người thì cho rằng cần phải tuyển lưu tiêu chuẩn công quyền lực, tức là trong khế ước hành chánh phải có các điều khoản đặc biệt tỏ ra cơ quan muốn kết ước với tư cách công quyền. Người thì đề nghị tiêu chuẩn hợp tác về công vụ, tức là đứng về phương diện đối tượng của khế ước hành chánh thì chỉ các khế ước tiên niệm sự tham dự của tư nhân vào công vụ mới có tính cách hành chánh. Nhưng án lệ và học lý trội yếu thường tuyển lưu tiêu chuẩn các điều khoản ngoại mức  coi như tiêu biểu nhất cho khế ước hành chánh.
Chúng ta cũng đề nghị áp dụng tiêu chuẩn các điều khoản ngoại mức. Nhưng thiêt tưởng cũng cần phải xác định lại ý nghĩa của định thức điều khoản ngoại mức cho phù hợp với cứu cánh của tiêu chuẩn. Có luật gia thì cho rằng các điều khoản ngoại mức chính là các điều khoản diễn đạt ý chí công quyền lực của cơ quan hành chánh. Có người thì cho rằng đó là các ước khoản bá thủ (hay mãnh thủ) dành cho cơ quan hành chánh các đặc quyền thường không thầy trong các khế ước dân sự. Cũng có người lại cho rằng các điều khoản ngoại mức là các điều khoản thường được coi là vô hiệu trong khế ước dân sự. Theo chúng tôi, tất cả các định thức này đều thiếu sót vì phiếm diện, lầm tưởng rằng trong các khế ước hành chánh chỉ có điều khoản có lợi cho cơ quan hành chánh mà thôi. Trong thực tế, các điều khoản ấn định các quyền quan trọng của cơ quan rất cần thiết vì do nhu cầu đòi hỏi trong sự thi hành các nghĩa vụ hành chánh đối với công dân. Những ngược lại khế ước hành chánh thường còn gồm nhiều điều khoản khác có lợi cho tư nhân kết ước vì bảo đảm thế quân bình tài chánh và thế quân bình kinh tế cần thiết để duy trì sự liên tục của công vụ. Thí dụ khi vì nhu cầu công cộng gia tăng mà cơ quan có quyền gia tăng nghĩa vụ của xí nghiệp thọ nhượng để thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của công chúng, thì ngược lại, do nguyên tắc công bình và quân bình của khế ước, xí nghiệp thọ nhượng được bồi thường thỏa đáng. Nếu vì muốn theo đuổi một chính sách xã hội hay kinh tế mà cơ quan đơn phương hạ giá cước của tiện ích phân phát cho các công dân, thì đó là nghĩa vụ của cơ quan đối với công dân, nhưng đó cũng là hành vi đế quyền đới với tư nhân kết ước. Do đó tư nhân có bổn phận phải tuân hành, nhưng cũng có quyền hưởng một bồi khoản tương xứng. Trong trường hợp cực đoan mà các sự kiện ngoại lai, như chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế bất thần làm mất quân bình kinh tế của sự khai thác công dịch vụ thì xí nghiệp được hưởng một bồi khoản gọi là bất khả dự trù có thể duy trì được sự liên tục của công vụ. Án lệ còn cho rằng quyền được hưởng bồi khoản dự trù là đương nhiên, nói cách khác, cơ quan không thể bắt buộc đương  phải từ khước quyền này trong một điều khoản của khế ước.
Do sự phân tích kể trên, phải nhận định rằng sự hợp tác trong công vụ tạo nhiều nghãi vụ đặc biệt nặng nề cho tư nhân, nên khuynh hướng chung là muốn bảo vệ các quyền lợi chính đáng của tư nhân sao cho tương xứng với trách nhiệm, và nhất là sao cho đương sự duy trì được sự liên tục công vụ trong sự thỏa mãn nhu cầu của công chúng. Do đó, chúng ta ý niệm rằng các điều khoản ngoại mức là các khoản đặc biệt, một mặt nhằm mục đích để cơ quan hành chánh làm tròn nghĩa vụ đối với các công dân, một măt khác nhằm giúp tư nhân hợp tác có đủ phương tiện và bảo đảm để duy trì sự liên tục của công vụ và sự phục vụ tối đa đối với các công dân.
221_d) Sau hết là loại khế ước hành chánh do ý muốn của các bên kết ước. Trong nhiều khế ước hành chánh thường thấy có điều khoản tuyển lưu thẩm quyền của các tòa án hành chánh để giải quyết mọi sự tranh chấp trong sự thi hành chế tài. Án lệ thường chỉ gán cho các điều khoản này một giá trị tương đối mà thôi, tức là điều chỉ có giá trị nếu được xác nhận bởi bản chất hay các tiêu chuẩn khác của khế ước hành chánh. Vậy thì các điều khoản tuyển lưu thẩm quyền Tòa án hành chánh chỉ được coi là một ức đoán về bản chất hành chánh của khế ước mà thôi. Nói cách khác, trong một khế ước hành chánh, do bản chất hay do luật định hoặc các điều khoản ngoại mức rõ rệt th2i sự tuyển lưu thẩm quyền của các pháp đình dân sự phải bị coi là vô hiệu. Lẽ dĩ nhiên, nếu ngược lại, trong một khế ước dân sự hiển nhiên mà có điều khoản tuyển lưu thẩm quyền của Tòa án hành chánh thì điều khoản này cũng vô giá trị.

MỤC II._ DIỄN TIẾN TỐ TỤNG KHẾ ƯỚC (…TRANG 72-80).

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar