Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Nghĩa vụ tự nhiên

NGHĨA VỤ TỰ NHIÊN 

Có ba loại nghĩa vụ mà sự thi hành phải tuân theo các quy tắc riêng biệt, khác với những quy tắc vừa trình bày trong chương Hai: “Sự chuyển nhượng và biến đổi nghĩa vụ”. Đó là: Nghĩa vụ tự nhiên; Nghĩa vụ có hạn kỳ hay có điều kiện và Nghĩa vụ đa nguyên. Hai loại nghĩa vụ sau còn gọi là nghĩa vụ phức tạp. Tính cách phức tạp của nghĩa vụ có thể hoặc vì nghĩa vụ có kèm theo một hạn kỳ hay một điều kiện, hoặc vì nghĩa vụ có nhiều chủ đích hay nhiều chủ thể.

I. NGHĨA VỤ TỰ NHIÊN. Nghĩa vụ tự nhiên khác với các nghĩa vụ dân sự ở điểm là người chủ nợ không thể bắt buộc con nợ phải thi hành. Tương quan pháp lý chỉ được thừa nhận khi nào con nợ tự ý thi hành nghĩa vụ. Như vậy, tức là chính vào lúc nó được mãn kết do sự chi phó nghĩa vụ ấy mới có một giá trị pháp lý. Ý niệm nghĩa vụ tự nhiên không được chính xác cho lắm, vì chúng ta đứng ở giữa một bên là luân lý và một bên là pháp luật. Người thi hành nghĩa vụ đã làm một bổn phận luân lý, còn người được chi phó cho rằng đó là một quyên lợi mà mình có quyền đươc hưởng. Nghĩa vụ tự nhiên là một cái gì đó hơn một bổn phận luân lý, nhưng thiếu mot yếu tố căn bản của nghĩa vụ dân sự: Đó là thiếu hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ mà hậu quả là nghĩa vụ có thể bị cưỡng bách thi hành. Dân luật Việt Nam không quy định tổng quá về nghĩa vụ tự nhiên. Tuy vậy, có một điều khoản dùng danh từ ấy, đó là điều 810 khoản 2 DLVN: “Có nợ mới phải trả. Nếu không nợ mà trả thì có thể đòi lại, trừ phi người trả đã tự ý thi hành một nghĩa vụ tự nhiên“. Ngoài ra, một số điều khoản khác cũng đã áp dụng lý thuyết nghĩa vụ tự nhiên: Điều 1238 DLVN định nghĩa rằng: ” Nếu người thua trong các khế ước bất trắc đã thuận ý trả tiền rồi thì không được đòi lại, trừ khi người thắng dùng mưu chước gian dối để thắng“. Điều 1481 DLVN dự liệu rằng “Nợ bị thời tiêu, nếu đã trả thì không được đòi lại”.
I.1: Lý thuyết tổng quát về nghĩa vụ tư nhiên:
– Trong học lý người ta thấy nhiều ý kiến khác nhau về nghĩa vụ tự nhiên. Sở dĩ như vậy, một mặt vì thiếu các bản văn luật pháp, và mặt khác vì người ta e ngại có một sự lẫn lộn giữa  luật pháp và luân lý. Các tác giả cổ điển đã cố gắng đồng hóa nghĩa vụ tự nhiên với nghĩa vụ dân sự, và coi nghĩa vụ tự nhiên như một nghĩa vụ dân sự suy nhược. Ngày nay thì người ta coi nghĩa vụ tự nhiên chỉ là bổn phận luân lý xét dưới khía cạnh các hậu quả pháp lý của nó. Để tìm hiểu các học thuyêt này, chúng ta cần phải đi ngược trở lại nguồn gốc của ý niệm nghĩa vụ tự nhiên. Các luật gia La Mã cho rằng, nghĩa vụ tự nhiên có cùng một căn bản với nghĩa vụ dân sự. Đó là những nghĩa vụ dân sự không thể được thi hành bởi con nợ vô năng lực, hoặc vì các điều kiện về hình thức đã không được tuân theo, hoặc vì có những mối quan hệ cha con hoặc chủ tớ giữa người chủ nợ và con nợ. Lẽ công bằng khiến người ta phải nhìn nhận sự hữu hiệu của các nghĩa vụ ấy. Trong cổ luật nước Pháp, Luật gia Jean Domat đã thâu nhận ý niệm nghĩa vụ tự nhiên của luật La Mã, nhưng chỉ coi là nghĩa vụ tự nhiên những nghĩa vụ do những kẻ vô năng lực ký kết. Sau đó luật gia Pothier lại đưa ra một quan niệm khác: nghĩa vụ tự nhiên là nghĩa vụ thúc buộc chúng ta trong nội tâm, còn nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ thúc buộc chúng ta bên ngoài. Nói khác đi, Pothier đã đồng hóa nghĩa vụ tự nhiên với bổn phận luân lý. Có lẽ vì vậy mà sau này bộ Dân luật Pháp không nói tới nghĩa vụ ấy.
– Lý thuyết nghĩa vụ dân sự suy nhược: Học lý cổ điển Pháp muốn phân biệt rõ ràng nghĩa vụ tự nhiên với bổn phận luân lý. Do đó người ta đã đi đến kết quả là chỉ chấp nhận sự hiện hữu của nghĩa vụ tự nhiên trong trường hợp mà đáng lẽ đã có một nghĩa vụ dân sự nếu không có một trở ngại pháp lý, khiến cho nghĩa vụ ấy không được phát sinh hoặc không tồn tại được. Quan niệm này đã chịu ảnh hưởng bởi luật La Mã, nhưng ngày nay không còn thấy nữa. Aubry và Rau chỉ coi là nghĩa vụ tự nhiên những bổn phận luân lý nào, không những chỉ ràng buộc đối với lương tâm, mà trên phương diện thuần lý, còn có thể bị một sự thúc buộc ở bên ngoài, nhưng nhà làm luật đã không thừa nhận, hoặc đã truất đi quyền của chủ nợ được hành sử tố quyền. Nghĩa vụ tự nhiên, có thể nói đó là nghĩa vụ dân sự bị suy nhược. Đó là những trường hợp những nghĩa vụ phát sinh bởi các khế ước bị tiêu hủy vì vô năng cách hoặc những nghĩa vụ bị mãn kết, mặc dù chủ nợ chưa được chi phó, ví dụ như đã bị thời hiệu tiêu diệt. Nói khác đi, hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ đã bị truất bãi vì một lợi ích chung, nhưng nghĩa vụ ấy vẫn còn bị ràng buộc với lương tâm. Lý thuyết cổ điển được biện minh bởi ý muốn tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí và nhất là bởi lẽ các tác giả không muốn tạo lập nghĩa vụ chỉ vì một bổn phận luân lý. Nhưng nếu lý thuyết ấy giải thích được sự tồn tại của nghĩa vụ tự nhiên sau khi nghĩa vụ dân sự đã mãn kết.
Lý thuyết bổn phận luân lý: Theo lý thuyết của Polier thì nghãi vụ tự nhiên chỉ là một bổn phận luân lý được luật pháp chấp nhận để áp dụng trong một vài quy tắc. Lý thuyết này đã được thừa nhận bởi học lý tại Pháp và bởi các bộ dân luật Đức và Thụy sĩ. Khi một nghĩa vụ dân sự bị vô hiệu hay đã mãn kết mà vẫn còn lại một nghĩa vụ tự nhiên, thì đó chính là vì người con nợ có một bổn phận đối với lương tâm phải thi hành. Trong nhiều trường hợp khác, án lệ cũng thừa nhận rằng một người có bổn phận luân lý phải chi phó và sau khi đã chi phó thì không thể đòi lại được. Như vậy, có rất nhiều trường hợp trong đó án lệ đã chấp nhận sự hiện hữu của một nghĩa vụ tự nhiên bằng cách khoác cho các bổn phận luân lý một lớp áo nghĩa vụ để chấp nhận nó trong đời sống pháp lý.
I.2: Những trường hợp nghĩa vụ tự nhiên chính: Trong Bộ DLVN có dự liệu một vài trường hợp nghĩa vụ tư nhiên tại điều 1238 và điều 1481. Nhưng chúng ta không thể liệt kê một danh sách đầy đủ các nghĩa vụ tự nhiên, cũng không thể nói được trong trường hợp nhất định nào đó sẽ có một nghĩa vụ tự nhiên. Vấn đề đặt ra như sau: Một người giao cho kẻ khác một vật, mặc dù họ không có nghĩa vụ dân sự phải làm như thế. Vậy người ấy có quyền đòi lại vật đã giao hay không? Nếu thẩm phán cho rằng người đã chi phó có một bổn phận luân lý phải làm như vậy thì Thẩm phán sẽ xác nhận là sự chi phó hợp lệ, và vì mọi sự chi phó đều tiên niệm phải có một nghĩa vụ nên người ta suy diễn từ môt sự chi phó được nhìn nhận là hữu hiệu, sự hiện hữu của một nghĩa vụ tự nhiên. Các bổn phận luân lý dùng để biện minh hay định danh một sự chi phó có thể được nhận thấy trong những hoàn cảnh rất khác biệt nhau, do đó chúng ta sẽ chỉ nêu ra sau đây những trường hợp chính trong đó án lệ đã nhìn nhận sự hiện hữu của một bổn phận luân lý để biện minh cho sự chi phó.
a. Bổn phận giữ lời hứa: Người con nợ chi phó một nghĩa vụ đã cam kết, mặc dù sự cam kết đó vô hiệu. Làm như vậy, người con nợ giữ lời hứa của mình. Trước hết là trường hợp các khế ước bị vô hiệu vì người kết ước vô năng cách hoặc vì bị hà tì về hình thức. Tuy nhiên, án lệ không chấp nhận có nghĩa vụ tự nhiên nếu khế ước bị vô hiệu vì không có sự ưng thuận hoặc sự ưng thuận bị hà tì. Thứ đến là trường hợp những nghĩa vụ mãn kết, mặc dù chủ nợ chưa được chi phó. Nếu nghĩa vụ bị thời hiệu tiêu diệt mà con nợ vẫn thi hành hoặc hứa thi hành, thì người ta nói rằng có một nghĩa vụ tự nhiên (1481 DLVN). Còn một trường hợp khác rõ rệt hơn, đó là trường hợp hài ước, theo đó, các chủ nợ của một nhà buôn bị thanh toán tài phán thoản thuận giảm cho con nợ một phần nợ. Mặc dù có sự giảm nợ này, một nghĩa vụ tự nhiên vẫn tồn tại và con nợ vẫn có bổn phận lương tâm phải hoàn trái đầy đủ.
b. Bổn phận bồi thường thiệt hại gây ra: Nguyện tắc pháp lý trong trường hợp này rất rộng rãi nên ít khi người ta thấy xuất hiện ở đây ý niệm nghĩa vụ tự nhiên. Nhưng cũng có khi một người bằng lòng bồi thường mặc dù người ấy không có nghĩa vụ bắt buộc phải làm như vậy, vì thẩm phán thụ lý vụ kiện không tìm thấy lỗi, hoặc lỗi chỉ có tính cách hoàn toàn thuộc về lương tâm, hoặc thiệt hại có tính cách gián tiếp.
c. Bổn phận giao hoàn khi đắc lợi khiến người khác chịu thiệt: Người ta thường chấp nhận sự hiện hữu của nghĩa vụ tự nhiên khi một người hoàn trả cho người khác một sự đắc lợi mà người ấy đã hưởng khiến người kia phải chịu thiệt, mặc dù người bị thiệt hại chưa hành xử tố quyền thu hoàn đắc lợi vô căn. Đó là trường hợp người mua một bất động sản trả thêm cho người bán một số tiền, trong lương tâm người mua thấy rằng mình đã mua rẻ.
d. Bổn phận trợ giúp: Bổn phận luân lý càng rõ rệt hơn khi sự chi phó được biện minh bởi bổn phận lương tâm phải trợ giúp một người túng thiếu. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những người thân thuộc chỉ được luật pháp dự liệu trong một số trường hợp: ngoài các trường hợp ấy, nghãi vụ này chỉ có đối với lương tâm mà mỗi người tự quyền phê phán. Khi một người trả một số tiền cấp dưỡng, mặc dù luật pháp không bắt buộc thì người ấy đã thi hành một nghĩa vụ tự nhiên: Đó là trường hợp của cha mẹ đối với các con ngoại tình hoặc loạn luân. Án lệ cũng chấp nhận rằng người bạn ngoại hôn có bổn phận trợ giúp người kia khi cuộc sống ngoại hôn chấm dứt./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar