PHÂN LOẠI PHÁP LUẬT
60._ Như ta đã biết pháp luật gồm tất cả những qui tắc ấn định tổ chức xã hội và chi phối những tương quan giữa các phần tử trong xã hội, giữa các cá nhân sống trong xã hội. Những qui tắc đó chia ra nhiều loại tùy theo đặc tính của ngành hoạt động mà các qui tắc đó chi phối. Người ta thường nói pháp luật chia ra nhiều ngành. Cách phân loại cổ điển dưa trên sự sự phân biệt giữa công pháp và tư pháp, giữa luật quốc nội và luật quốc tế. (Chữ tư (私) ở đây có nghĩa là trái với công. Xin đừng lầm với tư (…) trong danh từ tư pháp là pháp đình, tòa án). Hai cách phân loại đó không hoàn toàn trei6ng rẽ mà lẫn lộn: Ngành công pháp có lẫn cả những môn luật quốc nội và luật quốc tế. Ngành tư pháp cũng vậy. Sự trình bày dưới đây sẽ lấy sự phân biệt giữa công pháp và tư pháp làm căn bản. Rồi trong mỗi ngành ta sẽ nói môn nào thộc về luật quốc nội, môn nào thuộc về luật quốc tế. Chúng ta tìm hiểu trước hết nguyên t8a1c phân biệt hai ngành luật rồi sẽ xét nội dung của mỗi ngành nghĩa là sự áp dụng các nguyên tắc đó.
MỤC I: NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT CÔNG PHÁP VỚI TƯ PHÁP
61. Sự phân biệt pháp luật thành hai ngành công pháp và tư pháp được coi là sự phân biệt quan trọng nhất, tiếng La Tinh gọi là summa divisio (phân chia hàng đầu).
– Đối tượng của mỗi ngành: Nói một cách tổng quát, công pháp là ngành luật chi phối tổ chức Nhà nước và các tập thể công lập (như tỉnh, quận, xã v.v…) cùng những tương quan giữa tư nhân và các tổ chức này. Tư pháp là ngành luật chi phối những tương quan giữa các tư nhân với nhau. Thí dụ: Việc giới hạn quyền hành của Chính phủ hay Quốc hội là một vấn đề của công pháp. Việc qui định những bổn phận giữa vợ chồng, những hậu quả của giá thú là một vấn đề tư pháp.
ĐOẠN 1._ Những khác biệt giữa công pháp và tư pháp:
62._ Sự khác biệt giữa công pháp và tư pháp tuy nhiều nhưng thực ra không quan trọng như người ta thường tưởng. Sự tiến hóa của pháp luật đã dần dần làm dịu bốt các sự khác biêt đó. Ta có thể kể ra ba loại khác biệt: Khác biệt về mục đích, khác biệt về tính chất, khác biệt về chế tài.
a) Khác biệt về mục đích:
63._ Mục đích của công pháp là thỏa mãn lợi ích công. Mục đích của tư pháp là bảo vệ các quyền lợi tư. Người ta thường lấy sự khác biệt về mục đích để làm tiêu chuẩn cho sự phân biệt giữa hai ngành luật. Nhưng thực ra nó không có tánh cách tuyệt đối, vì quyền lợi chung với quyền lợi tư thường khi lẫn lộn. Thí dụ: Dưới chế độ dân chủ, khi tổ chức các công quyền, người ta phải lo bảo vệ các quyền lợi tư như bảo vệ tự do cá nhân. Như vậy là công pháp cũng có liên hệ đến quyền lợi tư nhân. Ngược lại tư pháp cũng không thể bỏ quên quyền lợi chung. Điều này rất rõ rệt trong pháp chế gia đình. Nhà lập pháp vừa nghĩ đến quyền lợi tư vừa nghĩ đến quyền lợi chung. Sự thực thì tùy giai đoạn lịch sử, tùy thời đại hoặc là người ta đề cao quyền lợi chung hoặc là người ta chú ý đặc biệt đến quyền lợi tư. tùy thoe trường hợp, pháp luật hoặc nặng tính cách quyền lợi cá nhân, hoặc nặng tính cách quyền lợi xã hội, hoặc cởi mở, tự do, hoặc nghiêm khắc, độc đoán. Sự kiện này xảy ra cả trong lĩnh vực công pháp lẫn tư pháp.
b) Khác biêt về tính chất:
64._ Công pháp có tính cách cưỡng hành: Không ai có thể đứng ngoài vòng cương tỏa của công pháp. Tư pháp trái lại dành cho cá nhân nhiều tự do quyết định. Tư pháp có nhiều qui tắc chỉ có tính cách giải thích hay bổ túc cho ý chí cá nhân. Nếu sự khác biệt này hoàn toàn thì cũng có thể dùng làm tiêu chuẩn phân biệt. Nhưng thực ra nó chỉ đúng một phần: Nói rằng công pháp có tính cưỡng hành thi đúng. Nhưng ngược lại nếu nói rằng tư pháp không có tính cưỡng hành thì không đúng nau47 vì tư pháp cũng có nhiều quy tắc cưỡng hành. Thí dụ: Những điều khoản dân luật qui định các hậu quả của giá thú (nhất là các nghĩa vụ của vợ chống) co1ti1nh cách cưỡng hành rất rõ rệt. Không một cặp vợ chồng nào có thể thay đổi những nghĩa vụ đó bằng một thỏa thuận riêng tư.
c) Khác biệt về chê tài:
65._ Sự khác biệt về các chế tài có thể dùng làm tiêu chuẩn phân biệt chắc chắn hơn cả.
1. Tư pháp có một nguyên tắc bất di bất dịch là không ai có thể cướp quyền của công lý để tự xử kiện cho mình. Những quyền lợi của tha nhân chỉ có thể được chế tài sau khi đã được một quyết định của tòa án công nhận. Trái lại, trong công pháp, Nhà nước có một đặc quyền mà tư nhân không có gọi là đặc quyền đương nhiên chấp hành: Cơ quan công quyền có thể cứ thi hành quyết định của mình đối với một tư nhân mặc dù có sự phản đối của đương sự. Thí dụ sở thuế có quyền cứ truy thu một sắc thuế mặc dầu người chịu thuế kêu là đã bị đánh thuế một cách oan ức. Chỉ sau khi đã đóng thuế xong rồi, người này mới có thể khiếu nại trước tòa án để phản đối quyết định trên. Nói một cách khác, các quyền của Nhà nước không được kiểm soát trước khi đem thi hành mà chỉ được duyệt lại sau khi đã thi hành rồi. Các quyền của tư nhân thì trái lại phải có sự xác nhận của công quyền trước khi đem thi hành.
2._ Các tòa án có thẩm quyền xét xử cũng khác nhau, tùy theo vụ tranh tụng thuộc công pháp hay tư pháp. Những tranh tụng về tư pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án tư pháp. Những tranh tụng về công pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án hành chính và Tham chính viện.
._ Việc thi hành các án văn cũng khác nhau đối với một cơ quan nhà nước hay đối với một tư nhân.
66._ Tư pháp có những phương cách chấp hành nghĩa là có thể thi hành một số biện pháp cưỡng chế đối với tư nhân. Thí dụ: Chủ nợ có thể sai áp tài sản của con nợ sau khi có án văn truyền cho con nợ phải trả số tiền đã vay nhưng người này vẫn không trả. Đối với cơ quan nhà nước thì không có các biện pháp cưỡng hành đó. Không ai thấy một tư nhân sai áp hoặc tịch biên được tài sản của Nhà nước. Nói tóm lại những khác biệt về cách chế tài giữa công pháp và tư pháp khá rõ rệt. Tuy nhiên ta cũng không dùng sự khác biệt này làm tiêu chuẩn phân biệt được vì đối tương của hai ngành luật không được giới hạn rõ rệt. Sự thiếu rõ rệt đó đã khiến cho sự phân biệt khó khăn.
ĐOẠN 2: Những khó khăn trong sự phân biệt công pháp và tư pháp:
67._ Sự khó khăn đó thay vì giảm sút lại gia tăng trong nền pháp luật hiện đại vì nhiều lẽ:
a) Lẽ thứ nhất: là chính Nhà nước ngày nay đã có nhiều hoạt động có tính cách thương mại hay kỹ nghệ, mà đặc tính của hoạt động thương mại là thuộc lĩnh vự tư pháp. Thí dụ: những công sở có tính cách thương mại hay kỹ nghệ: Hàng không dân sự hay hỏa xa, v.v…
b) Lẽ thứ hai là những khế ước do Nhà nước hay các tập thể công lập ký kết không phải tất cả đều là những khế ước hành chánh thuộc về công pháp.
68._ Sự phân biệt giữa khế ước hành chánh và khế ước dân sự rất khó khăn và tế nhị. Thường thường người ta phải tìm xem trong khế ước tương tranh có những điều khoản khác thường không? Đó là những điều khoản không do dân luật qui định mà chỉ có Nhà nước, với tư cách là một công quyền, mới có đặc quyền thi hành. Nếu những điều khoản như vậy được ghi trong khế ước lập giữa Nhà nước và tư nhân thì khế ước đó là khế ước hành chánh, do công pháp chi phối. Trái lại nếu Nhà nước đã lập ước theo đúng những điều kiện dự liệu cho tư nhân (nghỉa là trong khế ước không có điều khoản nào khác thường) thì khế ước tạo lập được coi như một khế ước dân sự do tư pháp chi phối.
Tiêu chuẩn phân biệt rõ rệt. Tuy vậy nó cũng không giải quey61t được tất cả những khó khăn. Khi học luật hành chánh năm thứ hai, ta sẽ thấy những khó khăn đó. Sự kiện này chứng tỏ rằng sự phân biệt hai lĩnh vực công pháp và tư pháp rất tế nhị. Tính cách tế nhị này được nhận thấy cả trong khi áp dụng nguyên tắc phân biệt để ấn định nội dung của mỗi ngành luật.
MỤC II: SỰ ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT CÔNG PHÁP VÀ TƯ PHÁP, HAY LÀ NỘI DUNG CỦA MỖI NGÀNH LUẬT
69._ Công pháp cũng như tư pháp, mỗi ngành được chia ra làm nhiều bộ môn. Ngoài ra, lại có những môn luật có tính cách hỗn hợp, nghĩa là có thể coi như thuộc công pháp hay tư pháp tùy theo khía cạnh mà ta nhìn vấn đề, tùy theo quan niệm.
ĐOẠN 1: Những môn luật thuộc công pháp:
70._ Những môn luật chính thuộc công pháp gồm có:
1._ Luật hiến pháp, qui định tổ chức quốc gia hay Nhà nước và cơ cấu của công quyền;
2. Luât hành chánh, qui định sự tổ chức và điều hành các pháp nhân công pháp (như nhà nước, tình, xã …)
3._ Luật tài chính, qui định việc quản trị tài chính công cùng những số thâu và chi cả quốc gia; luật tài chính cũng nghiên cứu cả chế độ thuế khóa. Thuế pháp chiếm một phần quan trọng trong môn luật này.
Cả ba môn luật trên đều là luật quốc nội. Trong công pháp còn phải kể đến môn thứ tư là môn công pháp quốc tế, qui định những bang giao giữa các quốc gia, và ấn định quy chế của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tòa án Quốc tế La Haye v.v…
ĐOẠN 2: Những môn luật thuộc tư pháp
71._ Nội dung ngành tư pháp đối với ta quan trọng hơn vì dân luật thuộc tư pháp. Tư pháp gồm hai môn luật chính là dân luật và thương luật hay luật thương mại.
a) Dân luật chi phối những tương quan giữa tư nhân. Trong sự tiến hóa của dân luật qua lịch sử người ta thấy từ thân cây nẩy thêm mấy nhánh. Những nhánh này dần dần lớn để trở thành những cành riêng. Nhánh chính hoàn toàn thuộc tư pháp (mà ta có thể coi như là đứa con lớn của Dân luật) là thương luật. Còn các nhánh khác đều có tính cách hỗn hợp.
b) Thương luật có sau dân luật. Lúc đầu người ta chỉ biết có dân luật. Tới thời kỳ thương mại phát triển, người ta nhận thấy nó có những nhu cầu đặc biệt, cần có những qui tắc riêng mới thỏa mãn được. Thí dụ: nhu cầu nhanh chóng, mau lẹ về thủ tục, nhu cầu về tín dụng. Đó là những nhu cầu do hoạt động thương mại phát sinh. Chính là để thỏa mãn nhu cầu đó mà thương luật được tạo lập. Về nguyên tắc, thương luật chi phối những hành vi thương mại, những nghiệp vụ thương mại. Nó có xu hướng trở thành một môn luật chuyên nghiệp, áp dụng riêng cho giới nhà buôn.
c) Tính cách quan trọng của dân luật
72._ Sự tạo lập thương luật không làm giảm uy thế bậc nhất của thương dân luật. Sự quan trọng của dân luật đạt tới mức người ta có thể coi dân luật là gồm tất cả ngành tư pháp (ngoại trừ thương luật và vài môn luật hỗn hợp ta sẽ nói sau). Dân luật có một địa vị khác thường trong ngành tư pháp vì nhiều lẽ:
1) Về lượng, dân luật là môn luật được áp dụng nhiều nhất. Sự áp dụng dân luật có tính cách thường xuyên. Thực vậy, dân luật chi phối tất cả các tương quan thường luật giữa cá nhân. Về đại cương, ta có thể kể những chương chính sau đây của dân luật: Dân luật qui định tất cả tổ chức gia đình. Ta sẽ thấy những định chế như giá thú, ly hôn, tử hệ. Dân luật cũng chi phối cả những tương quan lý tài giữa vợ chồng, cha con, bằng các chế độ hôn sản, thừa kế, di chúc. Dân luật cũng qui định quyền sở hữu hay nói một cách rộng hơn là sản nghiệp. Nghĩa vụ và khế ước. Chế độ trách nhiệm dân sự cũng là chương lớn của dân luật.
2) Về phẩm, Dân luật được gọi là luật phổ thông hay phổ thông pháp (droit commun). Danh từ này có nghĩa là theo nguyên tắc, dân luật được áp dụng cho tất cả các tương quan giữa tư nhân trong tất cả những trường hợp mà không có một môn luật nào khác qui định. Nói tóm lại, sự áp dụng dân luật là thông lệ; sự áp dụng các môn luật khác chỉ là biệt lệ. Các môn luật khác, như thương luật không bao giờ qui định được một cách đầy đủ các vấn đề thuộc phạm vi của mình. Bao giờ cũng có những thiếu sót. Muốn bổ túc những thiếu sót đó, người ta phải áp dụng các qui tắc của dân luật. Thí dụ: Bộ thương luật qui định các khế ước thương mại nhưng đặt ra những qui tắc về các điểm khác thường không có trong dân luật. Khi có tranh tụng về một khế ước thương mại, nếu người ta thấy bộ thương luật không qui định một điều khoản nào đặc biệt thì Tòa án sẽ căn cứ vào các điều khoản của Bộ dân luật mà xét xử. Vì vậy sự am tường dân luật rất cần thiết cho sự hiểu biết tất cả ngành tư pháp.
73._ Xét rộng hơn, người ta còn có thể nói được rằng, dân luật là môn luật căn bản, làm nòng cốt cho việc đào tạo luật gia nói chung. Thực vậy, ngành công pháp chỉ mới xuất hiện trong lịch sử pháp luật từ khi xã hội đã được tổ chức thành quốc gia. Còn từ đó trở về trước thì công pháp chưa có, mà tư pháp (dân luật) đã có rồi, có ngay từ khi có xã hội; bằng chứng là dân luật có m ột địa vị rất quan trọng trong cổ luật La mã. Cũng vì vậy mà kỹ thuật của dân luật rất tinh vi. Những nguyên tắc rất rõ ràng. Chính người ta đã dùng kỹ thuật tinh vi của dân luật để tạo ra công pháp. Kỹ thuật của công pháp ngày nay chưa đạt được tối trình độ tinh vi vì công pháp chưa được điển chế thành bộ. Người ta thấy có bộ dân luật mà chưa có bộ luật hành chánh. Thật ra luật hành chánh do những đạo luật riêng lẻ lập nên cùng với án lệ của tham chính viện. Vì vậy mà luật hành chánh thua dân luật về tính ổn cố.
74._ Giữa hai lãnh vực rõ rệt của công pháp và tư pháp còn có một địa hạt bất định, không hẳn thuộc về ngành nọ hay ngành kia: Đó là những môn luật có tính cách hỗn hợp.
ĐOẠN 3._ Những môn luật hỗn hợp
Trước hết phải kể hình luật.
1._ Hình luật qui định các tội phạm và các hình phạt. Hình luật cho biết những kẻ sát nhân, những đạo tặc phải được trừng phạt như thế nào, hay kém quan trọng hơn, những vi phạm luạt lưu thông trên công lộ được chế tài ra sao? Đó là đối tượng của hình luật.
75._ Về bản chất, hình luật thuộc công pháp vì nó quy định mối tương quan giữa công quyền (cơ quan nhà nước đứng ra trừng phạt) và tư nhân (kẻ bị phạt). Nhưng về một phương diện khác, hình luật có thể thuộc tư pháp vì nhiều điều khoản của hình luật qui định các chế tài các quyền lợi của tư nhân: Trừng trị tội trộm là bảo vệ mạnh mẽ quyền tư hữu. Hơn nữa, tổ chức tòa án hình ăn khớp với tổ chức tòa án dân sự. Sau hêt – và đây là lý lẽ mạnh hơn cả _ những qui tắc của hình luật được đặt ra cốt là để bảo vệ những quyền lợi và tự do của cá nhân chống lại họa độc tài của chính quyền. Chính vì nghĩ đến quyền lợi của cá nhân nhiều nhất mà người ta lập ra hình luật. Vì thế nên kỹ thuật của hình luật giống kỹ thuật của các môn luật thuộc tư pháp.
2._ Dân sự tố tụng là môn luật thứ hai có tính cách hỗn hợp:
76._ Môn luật này quy định cách tổ chức các tòa án và cách sử dụng các tố quyền. Nói một cách khác, nó ấn định thủ tục các vụ kiện. Lúc ban đầu, người ta quan niệm môn dân sự tố tụng thuộc hẳn về tư pháp, là một nhánh của dân luật, vì nó chỉ dẫn cho tư nhân biết cách đòi công lý công nhận những quyền lợi bị kẻ khác xâm phạm. Nhưng người ta nhận thấy dân sự tố tụng cũng qui định các tổ chức các Tòa án. Nếu ta nhấn mạnh về khía cạnh tổ chức công sở, thì môn luật này lại thuộc về công pháp. Vì thế nên nó có tính cách hỗn hợp.
3._ Quốc tế tư pháp là môn luật hỗn hợp thứ ba.
77._ Đây là môn luật qui định tương quan giữa tư nhân, nhưng trong tương quan đó lại có yếu tố quốc tế. thí dụ: Quốc tế tư pháp qui định các điều kiện lập giá thú giữa hai người có quốc tịch khác nhau. Môn luật này nghiên cứu đặc biệt các vụ tương tranh luật pháp để tìm hiểu luật pháp nước nào được áp dụng cho mỗi trường hợp xảy ra. Nếu ta nhìn môn luật này dưới khía cạnh những tương quan tư nhân, ta hẳn phải coi nó thuộc về tư pháp. Nhưng nếu trong môn luật ấy, ta lại chú trọng đến vấn đề quy chế ngoại kiều hay vấn đề quốc tịch, ta sẽ thấy nó thuộc về công pháp nhiều hơn vì trong vấn đề quốc tịch có sự liên hệ giữa nhà nước với tư nhân.
78._ Ngoài những môn luật có tính cách hỗn hợp, nghĩa là không hẳn thuộc về công pháp hay thuộc tư pháp, ta thấy có một số bộ môn khác có tính cách chuyên môn. Tính cách chuyên môn này liên hệ đến đối tượng của môn luật nhiều hơn là đến những đặc tính của các qui tắc. Hai ví dụ điển hình là luật lao động và luật hàng hải.
– Luật lao động qui định sự làm việc của giới công nhân (nhất là công nhân xí nghiệp), qui định sự thanh tra lao động và tât cả những tương quan giữa chủ và thợ.
– Luật hàng hải liên hệ đến hoạt động thương mại trên biển cả, nó qui định chế độ các thương thuyền, trách nhiệm của thuyền trưởng, của chủ tàu cùng những tương quan giữa tư nhân về việc thi hành khế ước chuyên chở bằng đường thủy.
Ngày nay những môn luật chuyên biệt sinh ra rất nhiều. Ta có thể kể luật hàng không, luật bảo hiểm (luật bảo kê), luật kinh tế (qui định những sự can thiệp của chính quyền trong lĩnh vực kinh tế). Pháp luật là những phản ánh của đời sống xã hội. Đời sống xã hội tại các nước văn minh ngày nay càng ngày càng phức tạp. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi thấy pháp luật có xu hướng chuyên môn hóa. Vì có sự chuyên môn hóa đó mà ngày nay ta thấy phạm vi áp dụng của dân luật kém rộng rãi hơn xưa.
79._ Tuy vậy, sự am tường dân luật vẫn rất cần thiết cho sự hiểu biết những môn luật chuyên môn này: Lẽ thứ nhất là một phần các môn luật này vẫn còn do các nguyên tắc căn bản của dân luật chi phối. Lẽ thứ hai là những qui tắc do các môn luật chuyên môn tạo lập đều là những biệt lệ của luật phổ thông. Muốn hiểu rõ biệt lệ thì trước hết phải am tường thông lệ đã làm căn bản cho biệt lệ. Chung quy ta vẫn phải quay về nghiên cứu dân luật trước đã. Tính cách quan trọng cảu dân luật một lần nữa được nêu rõ./.
Bình luận