Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Thị Trường Học Đại

THỊ TRƯỜNG HỌC ĐẠI
Sáng ngày 25/7/2021, ông Lê Quân, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau, đã có phát biểu liên quan đến vấn đề điều chỉnh nâng trần học phí “để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành học đại”. Phát biểu của ông Lê Quân đã gây ra những phản ứng dữ dội trên truyền thông. Tuy nhiên, đa số các phản ứng là cảm tính, chưa phân tích bản chất của hiện tượng “học đại” đang diễn ra khá phổ biến ở các trường đại học hiện nay.
Trước hết, phải khẳng định rằng, biện pháp áp giá trần dưới mức giá cân bằng hoặc nâng giá sàn trên mức giá cân bằng đều gây ra sự không hiệu quả đối với việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của xã hội với nhiều hệ lụy. Giá trần, giá sàn đã được Paul Krugman, giải Nobel kinh tế học năm 2008, đề cập với hai ví dụ rất chi tiết – giá trần cho thuê căn hộ và giá sàn tiền lương tối thiểu – trong tác phẩm tinh hoa kinh tế học của ông. Đối với người Việt Nam đã từng sống qua thời kỳ bao cấp thì không cần học kinh tế học cũng thấu hiểu hậu quả của việc áp giá trần là như thế nào. Càng áp mức giá thấp, như áp giá thu mua lúa thời bao cấp chẳng hạn, thì xã hội càng lụn bại. Về lâu dài, phải bỏ chính sách kiểm soát giá đối với hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ, trong đó có học phí, thì mới sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Cho nên, Giáo sư tiến sĩ kinh tế Lê Quân đề cập đến việc nâng mức trần học phí như là bước đột phá trong việc cải cách giáo dục đại học là phù hợp với cơ chế thị trường. Không chỉ nâng trần học phí mà về lâu dài phải tháo bỏ trần học phí. Tháo bỏ trần học phí như thế nào thì còn phải bàn nhưng không thể duy trì trần học phí thấp như hiện nay.
Sau nữa, nâng trần học phí có cản được “học đại” hay không, cản ở mức độ nào, là vấn đề cần phải phân tích kỹ trong bối cảnh cụ thể của thị trường đại học ở Việt Nam. Căn cứ vào nhu cầu của người học, có thể phân thành ba nhóm khách hàng chủ yếu sau đây:
– Nhóm thứ nhất chủ yếu cần bằng chứ không cần hoặc cần rất ít kiến thức. Đây là nhóm có nhu cầu, động cơ “học đại” để lấy bằng cho một vị trí đã sắp sẵn ở cơ quan nhà nước. Đối với nhóm thứ nhất này thì học phí cao hay thấp không cản được nhu cầu “học đại” của họ. Thậm chí, họ còn có thể vừa trả học phí, vừa thuê người đi học, hoặc “gạ T đổi điểm” để lấy bằng chứ hoàn toàn không cần kiến thức.
– Nhóm thứ hai “vừa cần bằng vừa cần kiến thức” để đi làm thuê cho các doanh nghiệp hoặc làm ở các cơ quan nhà nước nhưng ở những vị trí đòi hỏi phải có kiến thức và bằng cấp. Nhóm này không có nhu cầu học đại, vì nếu học đại thì sẽ không làm được việc và vì thế cũng không được tuyển dụng. Đối với nhóm thứ hai này thì học phí thấp cũng không làm cho họ “lao vào học đại học và trở thành học đại” như cáo buộc của Giáo sư tiến sĩ Lê Quân.
– Nhóm thứ ba chỉ cần kiến thức để làm chủ – làm được việc, kiếm được tiền – chứ không cần bằng cấp để trình xin việc như hai nhóm kia. Đây là nhóm học thật chứ không phải học giả. Họ không cần học vị, học hàm. Họ cần kiến thức sát thực tiễn sống động của nền thị trường để phục vụ cho nhu cầu làm giàu. Họ không thể lãng phí thời gian để học đại ở một trường đại học có học phí thấp.
Có một số người đi học với nhu cầu đặc biệt, không xếp được vào một trong ba nhóm kể trên. Ví dụ như, học đại học là để trốn nghĩa vụ quân sự, học đại học là để khoe với người yêu, khoe khắp xóm giềng. Những nhu cầu đặc biệt này là số ít, không phản ánh thị trường nguồn nhân lực nên không cần phải đề cập trong bài phân tích này.
Như vậy, ba nhóm người đi học vừa kể trên thì chỉ có nhóm một – phần nhiều là làm trong các hội đoàn và một số cơ quan nhà nước – là có nhu cầu học đại. Nhưng đối với những người nhóm một này thì học phí không phải là rào cản học đại. Chừng nào nhà nước còn dùng cái bằng học đại của họ, bố trí cho họ một vị trí kiếm được tiền thì họ còn học đại, còn mua bằng cấp, còn học giả – bằng thật. Thị trường đặc thù của Việt Nam hiện nay là nguyên nhân chủ yếu sinh ra “học đại” như thế chứ không phải do học phí thấp. Một số nước miễn hoàn toàn học phí đại học cũng không sinh ra người học đại như ở Việt Nam. Do vậy, đề xuất nâng trần học phí “để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành học đại” của ông giáo sư tiến sĩ Lê Quân là đề xuất sai công cụ cho một mục đích đã được thiết lập sẵn. Muốn chấm dứt hiện tượng học đại thì trước hết các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, mặt trận phải chấm dứt sử dụng nguồn nhân lực học đại; tức là, phải xóa bỏ thị trường học đại. Khi đã không còn thị trường học đại thì ai muốn học đại, dạy đại là quyền của họ, không cần phải ngăn cản.
Nâng trần học phí và dần dần xóa bỏ trần học phí là cần thiết để cải cách đại học theo hướng hiệu quả xã hội. Tuy nhiên, bỏ trần học phí là rất khó khăn vì nó sẽ gây ra những phản ứng của những người dân túy, nhân danh đạo đức. Làm rụng thị trường “học đại” ngay lúc này lại càng khó khăn hơn vì hoàn cảnh chưa chín muồi, nhà nước còn trả tiền cho nguồn nhân lực học đại. Nhưng dẫu sao thì cuối cùng, hiện tượng “học đại” cũng sẽ biến mất cùng với việc tháo bỏ trần học phí. Bởi lẽ, đạo đức học thể hiện cách mà người ta muốn thế giới vận hành, trong khi đó, kinh tế học lại cho thấy cách mà thế giới này thật sự vận hành./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar