Sau buổi gặp chiều 25/07/2015, tôi liên tục gọi điện hối thúc ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung về việc thu hồi máy, nếu không, tôi sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng và báo chí thì sự việc sẽ trở nên phức tạp. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh, việc báo giá cuội và nâng khống giá máy để moi tiền của các cơ quan nhà nước là tội hình sự nghiêm trọng.
Khoảng vài ngày sau, ông Trần Minh Nhật, phó Giám đốc công ty Sao Nam và là em ruột ông Trần Kim Chung, cùng ông Đào Việt Linh hẹn gặp tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Quán Cánh Buồm. Ông Đào Việt Linh dẫn theo ông Tống Khánh Trình – Giám đốc tài chính của Công ty Konica Minolta Việt Nam. Tại đây, ông Đào Việt Linh và ông Trần Minh Nhật vui mừng báo cho tôi biết là Công ty Konica Minolta Việt Nam đã đồng ý thu hồi cả hai chiếc máy C1070P và máy C1100. Ông Tống Khánh Trình là người đi theo ông Đào Việt Linh để xác nhận, ông là người chịu trách nhiệm làm thủ tục trả lại tiền cho tôi. Tôi hết sức vui mừng, nâng ly để hòa giải sau những ngày đấu tranh căng thẳng.
Ông Đào Việt Linh và Trần Minh Nhật cũng nhờ chúng tôi – Saigonbook – dịch công văn đề nghị thu hồi máy ra tiếng Anh để gửi cho Tadasu Ichino – Tổng giám đốc Konica Minolta Việt Nam và hai ông Osafumi Kawamura và Makito Nakamura-Senior Manager Business Development, phụ trách Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản, vì các ông này không đọc được tiếng Việt. Nhân viên của tôi đã dịch công văn này và tôi đã biên tập cẩn thận trước khi gửi đi. Tadasu Ichino và Osafumi Kawamura thì tôi không nhớ mặt nhưng có địa chỉ email, còn Makito Nakamura thì tôi nhớ rất rõ vì tôi đã chiêu đãi ông này trong chuyến thăm chúng tôi cùng với cô Nguyễn Thị Huyền Vi – Giám đốc chi nhánh Konica Minolta tại Hà Nội.
Một vấn đề đặt ra với chúng tôi là trả cả hai máy cho Konica Minolta thì nhân viên chúng tôi sẽ không có việc làm. Chúng tôi đã phá bỏ Trung Tâm Sách Sài Gòn để xây dựng Printing Shop theo thiết kế của Konica Minolta. Chúng tôi đã dịch tài liệu kỹ thuật, huấn luyện nhân viên, từ nghiệp vụ bán sách chuyển sang nghiệp vụ báo giá, nhận hàng, in và làm thành phẩm. Nếu trả cả hai máy, rồi mới đặt hàng từ các hãng khác , chờ nhập khẩu, lắp đặt, huấn luyện sử dụng thì phải mất thời gian rất dài. Cả Printing Shop có logo và màu xanh đặc trưng của Konica Minolta mà lại lắp đặt máy của hãng khác thì thật là chướng. Hoàn cảnh thật là nan giải.
Vì thế, tôi đã đề nghị với ông Đào Việt Linh trao đổi với Công ty STS – một đại lý được ủy quyền khác của Konica Minolta, nhanh chóng lắp đặt máy C1100 mà tôi đã đặt cọc mua 1,289 tỉ, tại địa chỉ 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, để thay thế cho 2 máy đã mua từ Sao Nam. Công ty STS đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này. Chúng tôi tiếp tục hợp tác làm ăn với Konica Minolta theo mặt bằng giá mới từ đại lý STS. Kể từ đó, hai máy C1070P và C1100, mua từ Sao Nam, dừng hoạt động, chờ Konica Minolta thu hồi.
Tôi rất hiểu là tôi đã đặt Konica Minolta Việt Nam và Công ty Sao Nam vào tình thế triệt buộc, nếu không, chẳng bao giờ có chuyện thu hồi máy. Vấn đề không chỉ là tiền mà còn là danh dự, thương hiệu. Nếu họ không sai, hoặc nếu sai nhưng không gặp một đối thủ như tôi thì họ chửi vào mặt, chứ làm gì có chuyện hứa hẹn thu hồi. Họ đồng ý thu hồi máy là một thắng lợi của tôi. Tuy nhiên, đêm dài lắm mộng. Để kéo dài có khi họ đổi ý, việc đấu tranh sẽ vô cùng mệt mỏi. Vì thế, tôi lo lắng, gọi điện thúc giục ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung nhanh chóng lấy máy về, nếu để chậm, to chuyện thì hậu quả các ông phải gánh lấy. Tôi rất áp lực.
Rồi bất ngờ, Luật sư Bùi Quang Nghiêm gọi cho tôi:
– Alô, anh Kim hả.
– Ai đó?
– Tôi, Bùi Quang Nghiêm đây. Lâu quá, anh em mình không gặp nhau. Anh khỏe không?
– Khỏe. Anh sao rồi?
– Tôi khỏe. Tôi đang ở Hà Nội.
– Có gì vui không mà anh đột ngột gọi cho tôi?
– Sao Nam nó nhờ tôi giúp nó làm thủ tục thu hồi 2 chiếc máy đã bán cho anh. Nó sợ anh quá! Thôi anh đừng áp lực nó nữa, anh chờ tôi về làm thủ tục thu hồi. Tôi nói với nó là anh Kim là bạn tôi nên tôi không nhận giúp nó tranh chấp, không tham gia tố tụng, tôi chỉ giúp nó thu hồi máy để hai bên làm ăn thôi.
– Ừ, thôi, anh nói tụi nó là nhanh chóng lấy máy về để tôi làm ăn. Tôi đợi anh.
Kết thúc cuộc gọi, trong lòng tôi lo lắng, bất an. Tôi không lạ gì thế giới luật sư. Tôi cũng không lạ gì tòa án. Tôi muốn kết thúc mọi việc trong kín đáo giữa các doanh nghiệp với nhau để đi về phía trước. Nhưng.
Tôi gọi cho Đào Việt Linh, hẹn 16 giờ ra Quán Cánh Buồm. Và gọi cho Trần Minh Nhật cùng ra đó để hỏi tình hình. Khi Trần Minh Nhật chưa đến,, tôi lo lắng nói với Đào Việt Linh:
– THUÊ LUẬT SƯ LÀ CHẾT TỤI BAY RỒI !
– Bọn em đâu có thuê luật sư.?
– Luật sư Bùi Quang Nghiêm mới gọi điện cho anh. Sao Nam thuê luật sư Bùi Quang Nghiêm rồi.
Tôi và Đào Việt Linh lo lắng. Khi Trần Minh Nhật đến, tôi hỏi:
– Em thuê Luật sư Bùi Quang Nghiêm à? Thuê làm gì?
– Em thuê Luật sư Bùi Quang Nghiêm làm việc với Konica trước rồi sau đó mới làm việc với anh để thu hồi; chứ thu hồi về mà Konica không nhận lại thì chết em!
Chết em! Cho đến giờ này, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt bơ phờ của em Trần Minh Nhật lúc đó.
Chết em. Chết anh. Chết cả 3 doanh nghiệp. Saigonbook phá sản. Sao Nam thoi thóp. Konica Minolta Việt Nam bị truy thu thuế, bị phạt, bị báo chí phanh phui việc nâng khống giá máy. Công ty Konica Minolta Việt Nam đã sa thải ông Đào Việt Linh, ông Trần Vũ, ông Tống Khánh Trình. Tadasu Ichino bị điều về nước. Không phải là tiền mà là thương hiệu. Vụ việc đã vượt quá thẩm quyền của Konica Minolta Việt Nam. Đến mức, tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản phải cử người qua Việt Nam hội họp nhiều lần để tìm cách giải quyết vụ cái máy trùm mền này nhưng chưa có lối ra.
Mãi sau này, ông Đào Việt Linh mới thổ lộ với tôi: “Bọn Nhật nó không nghe em, nó chỉ nghe luật sư. Bây giờ em không còn thẩm quyền. Bọn Nhật đã giao cho luật sư. Tốn lắm anh. Theo em thì chết hết, chỉ có luật sư là có lợi!”.
Ngày 22/09/2020, Chánh án TANDCC tại TP.HCM đã có kháng nghị giám đốc thẩm để hủy án phúc thẩm, giao cho TANDTP.HCM xử lại theo hướng hợp đồng vô hiệu do lừa dối. Nghĩa là, đã hơn 5 năm, các luật sư mới chỉ giúp cho Konica Minolta và Sao Nam thu hồi được một máy là máy 1070P. Còn máy C1100 thì trùm mền chờ đợi, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Các doanh nghiệp đã và đang rơi vào tình cảnh “Nghêu – Sò – Ốc – Hến” …
Bình luận