Sáng ngày 5/4/2021, tôi cùng với hai luật sư, Luật sư Phùng Thanh Sơn và Luật sư Đoàn Khắc Độ, đã đến tòa với tâm thế sẵn sàng tham gia tố tụng. Mặc dù sáng ngày 2/4/2021, cô Hồ Thị Kim Oanh, thư ký TAND TP.HCM, đã báo cho Luật sư Phùng Thanh Sơn biết là 5/4/2021 sẽ hoãn phiên tòa vì đã có đơn xin hoãn phiên tòa của bị đơn, nhưng chúng tôi vẫn đến phiên tòa để làm tròn nghĩa vụ của mình – có mặt đúng giờ theo giấy triệu tập. Về phía Saigonbook, chúng tôi không để bất cứ sai sót nào có thể xảy ra, có thể tạo cớ cho đối phương yêu cầu tòa đình chỉ vụ án.
Theo điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì hoãn phiên tòa là quyền của hội đồng xét xử. Nghĩa là, Hội đồng xét xử phải mở phiên tòa, kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng, xem xét đơn của đương sự xin vắng mặt rồi mới quyết định hoãn hay không hoãn phiên tòa. Theo điều 233 khoản 3 thì “Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Sáng nay, hội đồng xét xử dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, có Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn tham gia kiểm sát phiên tòa, đã làm đúng thủ tục này. Hội đồng xét xử đã mở phiên tòa, lập biên bản hoãn phiên tòa và ra quyết định hoãn phiên tòa. Tôi và các luật sư của tôi đã ký vào biên bản hoãn phiên tòa, nhận quyết định hoãn phiên tòa, nhận giấy triệu tập mới. Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa là 13 giờ 30 phút ngày 20/4/2021 tại 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tục tố tụng hoãn phiên tòa lần này rất đúng luật nhưng là thủ tục không thường lệ của ngành tòa án.
Lần trước, hoãn phiên tòa ngày 10/8/2016 của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh là không đúng pháp luật. Tối ngày 9/8/2016, Bà Võ Thu Phương, thư ký TAND TP.HCM, gọi điện báo cho tôi biết là ngày mai sẽ hoãn phiên tòa theo đơn của Sao Nam nên tôi không cần phải đến tòa. Tuy nhiên, tôi và 6 phóng viên vẫn đến tòa theo giấy triệu tập để làm thủ tục theo qui định tại điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, vừa có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2016. Tôi đến, tôi đợi mở phiên tòa theo qui định của pháp luật nhưng không gặp ai. Đại diện Sao Nam vắng do có đơn xin hoãn đã đành nhưng đại diện của Công ty Konica Minolta Việt Nam cũng vắng. Đại diện Công ty Cho Thuê Tài Chính Ngân Hàng Á Châu cũng vắng. Hội đồng xét xử thì chẳng thấy đâu. Tôi đi tìm bà Võ Thu Phương để đòi quyết định hoãn phiên tòa nhưng bà Phương hẹn là để làm sau. Tôi kiên quyết đòi quyết định hoãn phiên tòa ngay buổi sáng, nếu không thì tôi sẽ không ra về. Khi đó, bà Võ Thu Phương mới đi tìm bà Nguyễn Thu Chinh ký quyết định hoãn phiên tòa để giao cho tôi.
Cầm quyết định hoãn phiên tòa, tôi biết ngay đây là quyết định ma vì họ đã không mở phiên tòa. Ngay chiều hôm đó, ngày 10/8/2016, tôi đã viết một lá thư riêng góp ý cho Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh với lời lẽ rất chân thành. Cuối thư tôi viết “Với tinh thần xây dựng, tôi viết riêng duy nhất cho chị lá thư này, mong chị lắng nghe rút kinh nghiệm vì không phải trường hợp nào cũng có thể hợp thức hóa thủ tục bằng sự cẩu thả như thế. Cuối cùng xin chúc chị sức khỏe dồi dào để phụng sự công lý, cống hiến nhiều cho đất nước”. Tôi không ngờ rằng lá thư với lời lẽ chân thành, rất riêng tư này, lại có dịp công khai để so sánh với thủ tục hoãn phiên tòa hôm nay của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn.
Một chi tiết thể hiện sự dối trá đến tệ hại của bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và bà thư ký Võ Thu Phương là những nội dung trong biên bản hoãn phiên tòa ngày 10/8/2016. Trong biên bản lập khống này, Bà Võ Thu Phương ghi đại diện Sao Nam ‘vắng mặt’, đại diện Konica Minilta ‘có mặt’, đại diện Công ty Cho Thuê Tài Chính ACB ‘có mặt’, còn tôi là người duy nhất ‘có mặt’ thì bà Võ Thu Phương lại để trống, không rõ tôi ‘có mặt’ hay ‘vắng mặt’. Chính những chi tiết nhỏ này góp phần tố cáo sự cố ý ra bản án trái pháp luật của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và bà Võ Thu Phương phải là đồng phạm với vai trò là người giúp sức. Thư góp ta chân thành của tôi đã không được bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh tiếp thu. Thay vào đó, ngày 24/8/2016, bà Nguyễn Thu Chinh đã tiếp tục sự sai trái bằng cách tạm ngừng phiên toà trái pháp luật. Hai mươi chín ngày tạm ngừng phiên toà chỉ để làm một bản án bỏ túi theo yêu cầu không có căn cứ và không đúng pháp luật của Konica Minolta.
Việc hợp thức hóa thủ tục hoãn phiên tòa như Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã diễn ra phổ biến, gần như thành lệ của ngành tòa án nhưng không ai chấn chỉnh. Một số người cho rằng thủ tục này giúp tiết kiệm thời gian của những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng. Nhưng tôi thì không chấp nhận vì đã là qui định của Bộ luật tố tụng dân sự thì mọi người phải chấp hành. Tòa án phải là nơi gương mẫu chấp hành pháp luật để mọi người noi theo. Tôi đã góp ý trực tiếp với thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và lần này nêu lại trên trang này để góp phần xây dựng nền công lý của nước Việt Nam.
Phiên tòa hôm nay, ngày 5/4/2021, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã được mở ra và quyết định hoãn đúng pháp luật. Cách làm này, tuy rất đúng pháp luật, nhưng lại rất hiếm trong ngành tòa án. Tôi ra về với niềm vui khôn tả vì những góp ý chân thành của tôi đã được tòa án lắng nghe và sửa đổi. Tôi tin rằng vụ án Konica Minolta cũng sẽ được xét xử lại đúng pháp luật, đem công bằng cho các bên./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi Bồi Thường 10 Triệu USD”, còn tiếp)
em bị cuốn theo mạch văn của anh trong kỳ án siêu lừa này cứ như truyện Kim Dung lúc nhỏ hay đọc. Cám ơn anh nhiều