Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

63. Tường Thuật Phiên Tòa Ngày 20/4/2021

Phiên tòa bắt đầu lúc 13 giờ 30 và diễn ra liên tục đến 17 giờ 30 phút mà chưa xong phần hỏi tại phiên tòa. Tình huống phiên tòa có vẻ bất ngờ kéo dài ngoài dự kiến của hội đồng xét xử. Vì hết giờ mà phiên tòa cũng không có khả năng kết thúc nên hội đồng xét xử đã cho dừng phiên tòa. Ngày 21/4/2021 nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Phiên tòa sẽ tiếp tục lúc 13 giờ 30 phút ngày 22/04/2021.

Phiên tòa diễn ra dưới sự điều hành đằm thắm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Phần hỏi tại phiên tòa do các luật sư đưa ra, chưa xong thì đã hết giờ. Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát chưa kịp hỏi câu nào.

Một điểu thú vị là Konica Minolta và Sao Nam đã thay đổi người đại diện. Bốn người đại diện có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 5/4/2021 thì chỉ còn lại một người tham gia là ông Quách Vũ Ân Khoa – đại diện cho Sao Nam. Các ông Nguyễn Đăng Ngọc, bà Lý Hoàng Mẫn Nhi, bà Vương Thiên Thanh đã không tham gia. Thay vào đó, bà Mai Thị Thùy Dương, kế toán của Sao Nam, thế vào chỗ của ông Nguyễn Đăng Ngọc, làm một trong hai đại diện cho Sao Nam, có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 5/4/2021. Tôi chưa kịp rõ tên hai người đại diện cho Konica Minolta.

Bảo vệ cho Konica Minolta là Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật Rajah & Tann LCT, có trụ sở tại Phòng 2&3 Lầu 13, Sài Gòn Centre 65 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Bảo vệ cho Sao Nam là Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng – cựu thẩm phán Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Luật sư Trần Hải Đức. Đội hình của Saigonbook vẫn hai kèm một, không có gì thay đổi so với phiên tòa ngày 5/4/2021. Có hai người tham dự, theo dõi phiên tòa cần giới thiệu là ông Trần Kim Chung – Giám đốc Sao Nam và một người Nhật Bản, mà theo lời của Luật sư Châu Huy Quang là đại diện cho Konica Minolta. Đại diện của Công ty cho Thuê tài chính ngân hàng Á Châu (ACBL) là ông Lê Đức Thiệp có đơn xin xét xử vắng mặt.
Sau phần thủ tục, các luật sư của Sao Nam và Konica Minolta đều đề nghị hoãn phiên tòa với lý do ACBL vắng mặt. Luật sư của Saigonbook đề nghị hội đồng xét xử không hoãn phiên tòa vì vắng mặt ACBL trong lần này không thuộc trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên tòa. Ý kiến của đại diện Viện Kiểm Sát là tiếp tục phiên tòa. Hội đồng xét xử đã bác đề nghị của các Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng và Luật sư Châu Huy Quang. Ý đồ kéo dài vụ án của các luật sư của Konica Minolta và Sao Nam đã không được thỏa mãn.

Hội đồng xét xử, dưới sự điều hành đằm thắm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã chịu khó ngồi nghe những câu hỏi và trả lời của các bên. Riêng tôi, ban đầu thì còn trả lời các câu hỏi của Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, sau thì từ chối trả lời vì hỏi dài dòng, hỏi linh tinh. Có một điều lạ lùng là ông Luật sư – cựu thẩm phán này đã làm thay công việc của chủ tọa phiên tòa, đề nghị tôi đứng lên ngồi xuống, bị tôi phản ứng. Chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng sau phản ứng của tôi. Luật sư của Saigonbook là ông Đoàn Khắc Độ cũng đã phản ứng Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng về các câu hỏi mang tính gợi ý câu trả lời cho thân chủ của ông là Sao Nam. Luật sư Đoàn Khắc Độ theo dõi và nêu có 7 lần gợi ý như thế. Luật sư Đoàn Khắc Độ cũng đề nghị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng vì ông mở đầu các câu hỏi bằng “tòa hỏi”. Chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng và ông đã nhận lỗi vì do thói quen. Có lẽ, vì đã quá nhiều năm làm Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa, trong tư duy và trong ngôn ngữ của ông vẫn còn thói quen như là đang điều hành phiên tòa. Đây là tình tiết rất đáng lưu ý. Một thẩm phán, sau rất nhiều năm cống hiến, đã nghỉ hưu, lại phải đi làm luật sư tranh tụng để kiếm sống trong tâm thế lẫn lộn tư cách tố tụng như thế là điều rất đáng thương tâm. Toà kinh tế, nơi đang xử vụ án này, là nơi mà cựu thẩm phán Đỗ Đức Vân Hồng đã cống hiến hết tuổi thanh xuân. Thật là khó xử cho các thẩm phán trẻ đương nhiệm đã từng là thư ký, là đồng nghiệp của ông.

Chiến thuật của Konica Minolta và Sao Nam trước sau đều thể hiện rất rõ. Họ khai “mua đứt bán đoạn” chứ không nhận tư cách Đại Lý Ủy Quyền như tài liệu đã thể hiện trong hồ sơ vụ án. Nhưng Konica Minolta chối bỏ được hay không là chuyện khác.

Hôm nay tôi thể hiện đúng tư cách của tôi là nguyên đơn-người bị thiệt hại kinh hoàng trong vụ án này. Tôi đã thể hiện nổi bức xúc của tôi trước tất cả mọi người. Tôi nói trước tòa rằng “Konica Minolta và Sao Nam thuê các luật sư ra tòa khai dối”. Các luật sư bên Sao Nam và Konica Minolta có vẻ phản ứng vì bị sốc. Tôi đã xin lỗi vì tôi quá bức xúc nhưng nhắc lại rằng sự thật là họ đã khai dối với tòa. Tôi thật là như thế, ở đâu cũng nói như thế. Có răng nói rứa.

Qua diễn biến phiên tòa, tôi cảm nhận rằng hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát đã có vẻ thấu hiểu nổi khổ của tôi. Chủ tọa đã hỏi tôi về việc dừng phiên tòa. Tôi đã đề nghị tiếp tục phiên tòa và phải kết thúc sớm vụ án để tôi còn làm ăn. Mặc dù các luật sư bên Sao Nam và Konica Minolta nại ra nhiều lý do để kéo dài vụ án nhưng Hội đồng xét xử vẫn quyết định tiếp tục phiên tòa vào ngày 22/4/2021 vì hôm nay là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Sau phiên tòa, tôi vẫn ra quán Hội Ngộ ngồi với các bạn như tôi đã mời trước đó một ngày. Đặng Mai Diệu, Giám đốc In Sáng Tạo Trẻ, cũng có đến để hỏi tin về kết quả phiên tòa và hứa sẽ chiêu đãi “Tứ hải giai huynh đệ” sau khi tôi thắng kiện vụ án này./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar