Ở phiên tòa diễn ra hai ngày, 20/4/2021 và 22/4/2021, các luật sư và đại diện của Konica Minolta và Sao Nam đều cố ý kéo Công ty Cho Thuê Tài Chính Ngân Hàng Á Châu (ACBL) vào tham gia phiên tòa với tư cách là bên mua hàng của Sao Nam. Ngay từ đầu phiên tòa ngày 20/4/2021, họ yêu cầu hoãn phiên tòa vì sự vắng mặt của ACBL nhưng tòa đã không chấp nhận. Đến ngày 22/4/2021, Luật sư Châu Huy Quang lại diễn những câu hỏi và đại diện Sao Nam trả lời về trách nhiệm của ACBL trong thương vụ mua bán máy in này. Sau khi Luật sư Châu Huy Quang hỏi đại diện Sao Nam thì tôi có một câu hỏi với ý muốn nhắc họ là tại phiên tòa sơ thẩm, họ đã trả lời “không có yêu cầu gì với ACBL”. Tôi hỏi “Ở cấp sơ thẩm, đại diện của Sao Nam là ông Nguyễn An Nhân và bà Mai Thùy Dương đã thừa nhận “không có yêu cầu gì với ACBL” thì sao bây giờ lại nêu trách nhiệm của ACBL? Các ông bà có phủ nhận tư cách đại diện của những người này ở cấp sơ thẩm không? Đại diện ở cấp sơ thẩm và đại diện hôm nay thì chọn ý kiến đại diện nào?”. Họ tỏ ra lúng túng vì không biết ở phiên tòa sơ thẩm họ đã thừa nhận những gì. Tôi nhắc họ là ở biên bản phiên tòa sơ thẩm có sự thừa nhận đó. Sau một lúc giở tìm tài liệu, đại diện của Sao Nam cho rằng phải theo ý kiến của đại diện hôm nay vì “bản án sơ thẩm đã bị hủy” nên ý kiến của đại diện từ cấp sơ thẩm không còn giá trị. Lập tức, tôi nhắc họ là quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm, không hủy bản án sơ thẩm. Ý kiến của họ từ phiên tòa sơ thẩm vẫn còn nguyên giá trị. Họ lúng túng.
Sự lúng túng của KMV và Sao Nam đã bộc lộ không chỉ vì sự gian dối không thể che đậy mà còn là vì tính bất nhất của các đại diện của họ ở cấp sơ thẩm năm 2016 và cấp phúc thẩm lần này năm 2021. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14 và 19 tháng 4 năm 2016, đại diện của Sao Nam là Luật sư Nguyễn An Nhân thuộc Công ty Luật Hợp Danh Nghiêm&Chính. Đại diện cho Konica Minolta là bà Tập sự Luật sư Nguyễn Thị Điệp thuộc Công ty Luật LNT&Thành viên. Các đại diện này đã trả lời các câu hỏi của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn – chủ tọa phiên tòa, thể hiện tại trang 16 biên bản phiên tòa.
Chủ tọa hỏi đại diện Sao Nam:
– “H (hỏi): Sao Nam có yêu cầu gì đối với ACBL không?
– Đ (đáp): không”.
Chủ tọa hỏi KMV:
– “H: KMV có yêu cầu gì đối với ACBL không?
– Đ: không”.
Các câu trả lời trên cho thấy, Sao Nam và KMV đã thừa nhận ACBL không còn nghĩa vụ gì trong vụ tranh chấp này. Việc ACBL có đơn đề nghị xử vắng mặt họ tại phiên tòa phúc thẩm lần này là hoàn toàn phù hợp vì họ đã không còn quyền và nghĩa vụ gì trong vụ tranh chấp này. Các luật sư của Konica Minolta và Sao Nam yêu cầu phải triệu tập cho được ACBL và ràng buộc trách nhiệm của ACBL trong vụ án này chỉ là sự câu giờ thô thiển. Ngay từ đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã bác bỏ yêu cầu của họ để phiên tòa vẫn tiếp tục. Thế nhưng, vào phần hỏi tại phiên tòa, các luật sư của Konica Minolta và Sao Nam luôn đề cập đến nghĩa vụ của ACBL. Điều này cho thấy, họ đã hiểu sai về hợp đồng đặc thù mua bán 3 bên trong trường hợp cho thuê tài chính.
Theo điều 92.3 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 (BLTTDS) thì “Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện”. Bà Tập sự luật sư Nguyễn Thị Điệp – đại diện cho Konica Minolta và ông Luật sư Nguyễn An Nhân – đại diện cho Sao Nam đã thừa nhận ở phiên tòa sơ thẩm là “không” có yêu cầu gì đối với ACBL. Nghĩa là, Konica Minolta và Sao Nam đã thừa nhận ACBL không còn nghĩa vụ gì. Tôi nghĩ rằng, có thể các luật sư của họ không đọc kỹ hồ sơ vụ án hoặc không thấu hiểu được điều 92.3 BLTTDS.
Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh được qui định tại điều 92.2 BLTTDS cũng không được họ để ý: “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Tôi đã đưa ra những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản trên các báo chính thống với kết luận Konica Minolta và Sao Nam đã lừa dối tôi, lừa dối khách hàng từ năm 2015. Mỗi khi đăng bài, tôi đều gửi đường link qua email và nhắn qua điện thoại cho họ đọc nhưng họ đã không phản đối. Đặc biệt, ngày 25/7/2015, tôi gửi văn bản số 11/2015, cáo buộc họ “lừa dối về giá, lừa dối về tư cách ký hợp đồng”, yêu cầu họ thu hồi máy và trả lại tiền cho tôi nhưng họ đã không có bất kỳ sự phản đối nào. Thay vào đó, họ đã cùng với Luật sư Bùi Quang Nghiêm đến chỗ tôi thương lượng thu hồi cả hai máy, C1070P và C1100. Họ đã hoàn thành việc thu hồi máy C1070P, trả lại đủ cho tôi 1,32 tỉ đồng. Đối với máy C1100 họ đòi mua lại nhưng tôi không bán. Với tình tiết, sự kiện vừa nêu thì họ đã thừa nhận ‘họ lừa dối’ tôi. Đây là sự thừa nhận bằng hành vi cụ thể. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, căn cứ theo điều 92.2, tôi không phải chứng minh ‘họ lừa dối’ nữa.
Sau khi có bản án phúc thẩm lần đầu do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh ban hành, Konica Minolta và Sao Nam cũng không dám dùng bản án này để yêu cầu các báo đính chính. Hơn ai hết, người trong cuộc, họ biết là họ đã lừa dối Saigonbook với đầy đủ bằng chứng và bản án của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh là một bản án bất công. Họ muốn chôn vụ việc này vào dĩ vãng. Họ không dám bày ra giữa thiên hạ bằng một cuộc tranh chấp mới. Bây giờ thì bản án phúc thẩm của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã bị hủy nên cơ hội để họ đính chính trên các phương tiện truyền thông đang tiến dần về zero.
Konica Minolta và Sao Nam đang đối diện với sự thật đang lớn dần theo thời gian. Luật sư tiến sĩ Lê Nết và Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh cũng phải đối diện với sự thật đang lớn dần theo thời gian. Cho nên, tôi rất yên lòng khi nghe Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nói rằng “Sự thật chỉ có một, chân lý chỉ có một và hội đồng xét xử đang tiến hành làm rõ sự thật”. Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa đến ngày 6/5/2021 cũng với lý do để làm sáng tỏ sự thật. Vụ án này kéo dài đã hơn 5 năm, sự thật ngày càng lớn dần và hiện đã trở thành người khổng lồ, đủ sức đánh bại mọi thế lực gian dối. Những tình tiết, sự kiện có thật trên các trang viết này của tôi cũng đang lớn dần từng ngày và trở thành những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp)
*Các ảnh tư liệu của bài viết:
Bình luận