Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Các khế ước

CÁC KHẾ ƯỚC 


Các DLB, DLT và BDL1972 đều phỏng theo BDL Pháp để soạn thảo ra một lý thuyết tổng quát về nghĩa vụ trước khi đề cập đến khế ước. Trong DLB, thiên thứ nhất, quyền III; DLT thiên thứ nhất, quyển IV và BDL 1972 quyền IV, đều mang một nhan đề là Nghĩa vụ và Khế ước. Nhưng sự thật, ngoài những khế ước, còn có những nghĩa vụ ngoại khế ước được đề chập đến các thiên trên, vì nhà làm luật trong các thiên ấy, đã quy định cả nghĩa vụ bồi thường các dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm phát sinh ra. Trong phần này, chúng ta chỉ xét về khế ước.
Theo Điều 644 DLB, 680 DLT thì “Hiệp ước là một hay nhiều người hợp ý nhau lại để lập ra hay chuyển đi, đổi lại hay tiêu đi một quyền lợi thuộc về vật hay về người. Khế ước là một hiệp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hay nhiều người khác để tặng, để làm, hay không làm cái gì“. Điều 653 BDL 1972 thì định nghĩa “Khế ước hay hiệp ước là một hành vi pháp lý do sự thỏa thuận giữa hai người hay nhiều người để tạo lập, di chuyển, biến cải hay tiêu trừ một quyền lợi, đối nhân hoặc đối vật.”.
Có ba danh từ pháp lý trong các định nghĩa trên cần phải làm rõ: Hành vi pháp lý, hợp ước, khế ước
– Hành vi pháp lý: Hành vi pháp lý là một sự biểu hiện của ý chí nhằm mục đích phát sinh ra một hiệu lực pháp luật, nghĩa là mục đích tạo lập, cải đổi (thay đổi) hay tiêu diệt (chấm dứt) một quyền lợi. Ý chí này có thể đơn phương như trường hợp làm chúc thư, hoặc là một kết quả của một sự ưng thuận của hai ý chí. Trong trường hợp có sự ưng thuận của hai ý chí thì sẽ đưa đến một hợp ước. Như vậy ta có thể định nghĩa hợp ước như dưới đây.
Hợp ước: Hợp ước là sự thỏa thuận của hai hay nhiều ý chí với mục đích tạo lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền lợi.
– Khế ước: Khi hợp ước có mục đích tạo lập ra một quyền lợi, hợp ước đó sẽ gọi là khế ước. Vì lẽ đó, các nhà làm luật ở hai DLB, DLT, dựa theo DLP, đã định nghĩa khế ước là một hợp ước của một người hay nhiều người cam kết  với một hay nhiều người khác. Tuy nhiên, cũng nhiều khi người ta dùng hai danh từ hiệp ước hay khế ước là đồng nghĩa như Điều 653 BDL 1972.

  1. Các yếu tố tạo ra khế ước: Muốn có khế ước phải có sự ưng thuận của hai bên kết ước. Như vậy, cần phải có hai yếu tố: Các người kết ước và chủ đích của sự ưng thuận. Phản chiếu của sự ưng thuận, khế ước đòi hỏi ít nhất phải có sự hiện diện của hai người trái chủ và phụ trái. Một khế ước có thể có nhiều người trái chủ và phụ trái. Trái chủ và thụ trái có thể là thể nhân hay pháp nhân (con người do pháp luật quy định, hay do điều lệ của pháp nhân quy định). Tuy nhiên, có những khế ước đặc biệt ký với chính mình:
    – Một người đại diện cho cả hai bên kết ước,
    – Một người được ủy quyền lập khế ước, như bán một căn nhà và chính người đó lại muốn mua ngôi nhà ấy,
    – Một người muốn hoặc đắc những quyền lợi mà mình đã có với danh nghĩa khác, ví dụ một người thừa kế muốn mua một ngôi nhà trong di sản.
  2. Về chủ đích của sự ưng thuận: Pháp luật không đòi hỏi người kết ước phải thỏa thuận về tất cả các điều khoản của kết ước. Trong thực tế, nhiều khi người ta không có đủ kiến thức về pháp luật để có thể định rõ tất cả các chi tiết ấy. Vì vậy, trong các bộ dân luật người ta thường quy định sẵn các điều khoản được coi là phản chiếu ý chí của họ. Nhưng ít nhất cũng phải có sự ưng thuận của họ về một số vấn đề tổi thiểu, nghĩa là về bản chất và về chủ đích của khế ước.
    – Về bản chất: Nếu hai bên không thỏa thuận về bản chất của khế ước, như một bên muốn bán còn một bên muốn thuê thì lẽ dĩ nhiên không thể có khế ước. Hoặc hai bên đều đồng ý chuyển quyền sở hữu nhưng một bên muốn bán còn một bên muốn được tặng cho thì cũng không thành khế ước được.
    – Về chủ đích (đối tượng): Nếu hai bên không đồng ý về chủ đích, ví dụ như không đồng ý về cái nhà bán, thì lẽ dĩ nhiên không thể có khế ước được giữa hai bên mua bán.
  3. Những quyền lợi do khế ước tạo ra: Sự ưng thuận của các đương sự về một chủ đích không phải bao giờ cũng phát sinh ra một khế ước. Một khế ước chỉ được kết lập khi các đương sự muốn tạo lập ra một quyền lợi, thay đổi quyền lợi đó, chuyển dịch hay tiêu diệt (chấm dứt) quyền lợi ấy. Như vậy, khế ước khác với những sự ưng thuận không thúc buộc về mặt pháp lý vì lẽ các các đương sự hoặc chỉ chấp thuận một quy chế pháp định hay vì lẽ các đương sự muốn tạo lập ra một mối liên hệ pháp luật để ràng buộc họ. Ví dụ: Sự ưng thuận áp dụng tỉ giá, lấy đô la làm tiêu chuẩn thanh toán để chống trượt giá, hoặc hai người ưng thuận kết hôn …là những ví dụ về sự ưng thuận không tạo ra khế ước.
    a. Sự ưng thuận chấp nhận một quy chế pháp định: Trong Luật gia đình, liên quan đến những quyền lợi ngoại sản nghiệp, có những sự ưng thuận có hệ quả thay đổi tình trạng gia đình cảu đương sự và định rõ quy chế gia đình. Nhưng các sự ưng thuận này thực ra không phải là các khế ước, ví dự như trường hợp giá thú, nghĩa dưỡng v.v… Trong trường hợp này không phải ý chí của cá nhân là nguồn gốc trực tiếp, chính yếu tạo ra nghĩa vụ, mà chính pháp luật đã quy định nghĩa vụ ấy. Sự ưng thuận cá nhân chỉ có nghĩa là thừa nhận quy chế pháp định.
    b. Các ưng thuận không phát sinh nghĩa vụ:
    – Trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều sự ưng thuận giữa các cá nhân nhưng không phát sinh ra những hậu quả pháp lý. Nhiều khi sự ưng thuận như vậy cũng được gọi là khế ước hoặc hiệp ước nhưng sự thật không phải là các khế ước có hiệu lực cưỡng hành về mặt pháp lý. Ví dụ như các cam đoan danh dự.
    – Một trường hợp khác đáng để ý là sự ưng thuận giúp đỡ vô thường, tức là giúp đỡ mà không đòi hỏi nhận lại bất cứ quyền lợi nào. Ví dụ giúp đẩy một chiếc xe hơi hỏng máy, gặt một thửa ruộng, dập tắt một đám cháy, ưng thuận cho đi nhờ xe, song những trường hợp này không được coi là khế ước, vì lẽ ấy, nếu xảy ra tai nạn gì thì tòa án không thể áp dụng bồi thường khế ước. Người ta cũng không thể coi các trường hợp này là khế ước tặng dữ (tặng cho), vì trong khế ước tặng cho có sự chuyển dịch quyền sở hữu cảu một tài sản từ sản nghiệp này sang sản nghiệp khác. Còn chủ đích của sự thỏa thuận trong các trường hợp này chỉ là sự giúp đỡ trong trong luật không nói đến trường hợp tặng dữ các sự giúp đỡ.
    – Một loại ưng thuận thứ ba không phát sinh ra các nghĩa vụ pháp luật là nghĩa vụ xã giao. Nhiều khi, trong xã giao có những nghi thức mà mọi người đều thuận chấp nhận, nhưng nghi thức này không đủ để phát sinh ra một nghĩa vụ pháp luật. Một lời mời, một sự nhận lời hay một cuộc đi chơi chung đã được mọi người thỏa thuận nhưng những sự kiện này không đủ để kết lập một khế ước./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar