CÁC KỸ THUẬT PHÁP LÝ HÀNH CHÁNH
106._ Vấn đề này quan trọng vì nó là tiêu chuẩn nguyên khởi của Luật hành chánh. Như ta đã nói, sở dĩ các pháp đình hành chánh có thẩm quyền xét xử về một hành vi hay hoạt động của cơ quan hành chánh, không phải vì vì tụng phương là một cơ quan hành chánh mà chính vì cần phải áp dụng luật hành chánh trong sự giải quyết vụ tranh tụng. Còn về lý do tại sao phải áp dụng luật hành chánh để giải quyết vụ tranh tụng đó thì chính tại vì tranh chấp nêu một vấn đề thuộc tương quan công pháp. Và vấn đề sở dĩ thuộc tương quan công pháp cũng chính vì khởi thủy nó bắt nguồn ở một kỹ thuật pháp lý hành chánh. Hơn nữa trong thực tế, Luật Hành chánh chỉ chi phối một phần các hành vi và hoạt động của hệ thống hành chánh, phần đó là lãnh vực mà các cơ quan này sử dụng các kỹ thuật pháp lý hành chánh, phần còn lại thuộc luật tư pháp vì hoạt động như hệt các tư nhân tức là sử dụng các kỹ thuật tư luật. Ngược lại, luật hành chánh có thể chi phối các hoạt động của tư nhân trong thành phần sử dụng hay áp dụng các kỹ thuật công pháp, thí dụ như các hội đoàn nghề tự do hay các hoạt động tư nhân được coi như các hoạt động công vụ tiềm thế. Phân tích kỹ thuật pháp lý, trước hết trong quan niệm cổ điển về kỹ thuật pháp lý (technique juridique) do luật gia Leon Duguit chủ trương có hai thành phần: hệ chấp pháp lý và hoạt động pháp lý.
107._ Thành phần 1: Gọi là hệ cấp pháp lý (ordonnancement juridique: trật tự pháp lý), vì trong thành phần này có một hệ thống gồm các cấp bậc của pháp luật. Các cấp bậc này là: trước hết có Hiến pháp, sau đến các văn kiện lập pháp, và sau cùng là các văn kiện hành chính. Trong các văn kiện hành chánh cũng có nhiều cấp bậc. Cao nhất có sắc lệnh và Nghị định của Tổng thống, sau tới các sắc lệnh và Nghị định của Thủ tướng, rồi tới các nghị định của Tổng trường và các quyết định của các cấp hành chánh như tỉnh trưởng, xã trường v.v…Đây là hệ thống cấp bậc có thứ tự: Một văn kiện ở cấp dưới không thể mâu thuẫn với văn kiện ở cấp bậc trên. Đạo luật hay các hành vi hành chánh không thể đi ngược lại Hiến pháp. Nếu đi ngược lại thì gọi là bất hợp hiến. Một văn kiện hành chánh không thể mâu thuẫn với một đạo luật ở cấp trên, nếu mâu thuẫn, thì coi là bất hợp pháp. Trong hệ thống có cấp bậc này người ta phân tích, về kỹ thuật pháp lý hai yếu tố, đó là quy tắc pháp luật (règles de droit: quy định pháp luật) và tình trạng pháp lý. Các quy tắc pháp luật có tính cách tổng quát khách quan và trừu tượng. Các tình trạng pháp lý là các trường hợp cụ thể, các vị trí pháp lý. Có thể là những vị trí hay tình trạng pháp lý khách quan mà cũng có thể là những vị trí pháp lý cá biệt chủ quan. Thí dụ: Người công chức ở trong một tình trạng pháp lý khách quan trong quy chế riêng của mình, cho tới khi có một quyết định cá biệt tạo một trường hợp chủ quan cá biệt trong vị trí pháp lý khách quan đó. Chẳng hạn như sự thăng thưởng hay thải hồi một công chức. Mỗi công chức lúc nào cũng ở trong tình trạng khách quan có thể được thăng trật nếu đủ thâm niên hay thải hồi vì lỗi rất nặng. Nhưng họ chỉ ở trong các vị trí, tình trạng chủ quan thăng thưởng thực sự hay thải hồi vĩnh viễn khi có quyết định liên hệ.
Giữa hai loại tình trạng pháp lý khách quan và chủ quan, còn có một loại trung dung, có tính cách hỗn hợp, nửa chủ quan nửa khách quan. Nhưng theo chúng ta, đây không phải là một loại riêng biệt. Nó hoặc là khách quan và có thêm phương diện chủ quan rõ rệt, hoặc ngược lại, là chủ quan bắt nguồn từ trường hợp khách quan. Dù sao đây cũng là sự phân tích cổ điển của các luật gia Pháp. Ta chỉ phân tích chứ không phê bình. Sở dĩ ta phải nhấn mạnh như vậy là vì mặc dù đứng về phương diện lý thuyết trừu tượng, sự phân tích rất tế nhị và xác thực, nhưng trong sự xây dựng kỹ thuật, nó không mang tới cho kỹ thuật nhiều lợi ích khoa học quan trọng.
108._ Thành phần thứ hai của kỹ thuật pháp lý là hoạt động pháp lý: Khi trình bày quan điểm cổ điển, chúng ta thường hệ thống hóa cùng lý tưởng hóa thêm cho nó và nói rằng thành phần hệ cấp tiêu biểu cho phương diện tĩnh trạng của kỹ thuật pháp lý, còn thành phần hoạt động pháp lý là thành phần linh động của kỹ thuật. Thành phần linh động tiêu biểu cho đời sống pháp lý đươc thực hiện, được cụ thể hóa bởi các hành vi pháp lý, (actes juridiques). Các hành vi pháp lý không thuộc về chương trình của ban cử nhân bốn năm. Nhưng chúng ta cần phải đề cập sơ lược để có một ý niệm toàn diện về luật pháp. Hành vi pháp lý trong quan niệm cổ điển được phân tích ra làm ba loại: Hành vi định lệ, hành vi chủ quan và hành vi điều kiện.
– Hành vi định lệ (actes-règles: quy tắc hành động): Theo nghĩa của danh từ là các hành vi ấn định các thể lệ tổng quát khach quan và trừu tượng có giá trị đối với tất cả mọi người. Các đạo luật là những hành vi định lệ thực chất. Các điều khoản trong hiến pháp là những hành vi định lệ. Sắc lệnh hay Nghị định hành chánh lập qui có tính cách khách quan, tổng quát và ấn định những thể lệ chung cho mọi người cũng là hành vi định lệ. Các thể lệ thuộc về các cấp bậc pháp lý khác nhau trong hệ cấp pháp lý toàn diện. Các thể lệ cấp dưới không thể đi ngược lại các thể lệ cấp trên.
– Các hành vi chủ quan (actes subjectifs). Các hành vi chủ quan theo định nghĩa là các hành vi tạo ra các tình trạng pháp lý chủ quan. Theo định nghĩa này thì khế ước là một hành vi chủ quan vì nó ấn định một tương quan chủ quan giữa các người kết ước cũng giống như hành vi hành chánh cá biệt, như cho phép xây cất nhà cửa, cho phép hay thu hồi gia61yphe1p choán đất công sản, bắt sửa chữa hay triệt phá các căn nhà nguy hiểm thiếu vệ sinh v.v…(hay).
– Hành vi điều kiện (actes conditions): Ta nhấn mạnh về ý nghĩa đặc biệt của định thức hay gây hiểu lầm này: đây không phải là một hành vi ấn định điều kiện, mà hành vi đó “là” điều kiện chứ không đặt “điều kiện”. Các luật gia cổ điển thường lấy ví dụ điển hình là sự bổ nhiệm một công chức. Chính sự bổ nhiệm là một điều kiện để một người được hưởng quyền lợi và bảo đảm của quy chế công chức. Nói cách khác, theo một định thức phổ thông, sắc lệnh hay nghị định bổ nhiệm là điều kiện tác tạo sự áp dụng một chế độ tổng quát cho một trường hợp đặc biệt. Một vài luật gia thường qui tụ hai loại hành vi chủ quan và hành vi điều kiện trong một loại duy nhất gọi là hành vi cá biệt (acte individuel: hành động cá nhân), nghĩa là các hành vi cá biệt có khi là hành vi chủ quan, có khi là hành vi điều kiện. Ta chỉ cần nhận định là có nhiều trường hợp hành vi điều kiện không có tính cách cá biệt mà lại có tính cách khách quan tổng quát, thí dụ sự tuyên bố tình trạng báo động, giới nhiêm hay khẩn trương.
109._ Sự phân tích cổ điển hành vi pháp lý làm ba loại như trên rât tế nhị. Nó phù hợp phần nào với các thành phần và tình trạng của hệ cấp pháp lý. Nhưn gtheo chúng ta nó không có không có lợi ích khoa học quan trọng trong sự xây dựng kỹ thuật pháp lý. Sự phân tích hệ cấp pháp lý và các hành vi pháp lý trong quan niệm cổ điển, hiện tại chỉ có lợi ích nhỏ về chi tiết mà thôi. Về phương diện khoa học, chúng ta không thể dùng làm nền tảng cho sự phân tích pháp lý, chỉ có thể dùng để tế phân các đại phân mà chúng ta sẽ đề nghị mà thôi.
Trước hết, về hệ cấp pháp lý, chúng ta cho rằng thành phần này có thể dùng tạm với sự dè dặt về lợi ích của sự phân biệt các tình trạng pháp lý khách quan và chủ quancu2ng với giá trị vĩnh cữu của các văn kiện trong hệ cấp. Có nhiều trường hợp một văn kiện trong hệ cấp bất hợp pháp nhưng đã trở thanh bất khả chỉ trích sau thời hạn khởi tố xin tiêu hủy. Nó vẫn tồn tại về hình thức, nhưng nó không thể làm nền tảng hợp pháp cho các hành vi cấp dưới được. Hoặc giả một hành vi nguyên thủy hợp pháp, có thể trở thành bất hợp pháp do sự ban hành các luật lệ nền tảng mới. riêng về các hành vi pháp lý, chúng ta đề nghị phân tích làm ba loại nhưng dừng trên nền tảng khác hẳn:
Loại 1: Hành vi đơn phương (acte unilatéral: hành động đơn phương);
Loại 2: Hành vi khế ước: Có thể gọi là hành vi đồng thuận (acte consensuel: hành động đồng thuận);
Loại 3: Hành vi vật chất (acte matériel: hành động vật chất)
Sự phân tích cổ điển về hành vi định lệ, hành vi chủ quan và hành vi điều kiện chỉ được dùng để chi tiết hóa, để tế phân các đại phân như trên mà ta đề nghị. Thực ra thì sáng kiến phân tích các hành vi pháp lý ra làm ba loại như chúng ta đề nghị không phải là của riêng của chúng ta. Chúng ta chỉ mang tới cho sự phần tích này một sự khoa học hóa và hệ thống hóa triệt để về phương diện kỹ thuật, tức là xây dựng toàn thể kỹ thuật pháp lý hành chánh trên nền tảng của sự phân tích đại tổng này về mọi phương diện: Về phương diện kỹ thuật pháp lý thực sự cũng như là về phương diện tố tụng tài phán. Và ngoài lợi ích xây dựng này, chúng ta còn muốn phân tích nền tảng, một khi được hệ thống hóa phải phù hợp với quan niệm nghĩa vụ hành chánh. Tức là ba loại hành vi này là ba kỹ thuật pháp lý để thi hành nghĩa vụ hành chánh. Ba thể thức thi hành nghĩa vụ hành chánh này sẽ được chế tài trước các pháp đình hành chánh hiện tại bởi ba nguyên tắc khác biệt và theo ba loại tố tụng cùng kỹ thuật chế tài khác nhau. Hiện tại nghĩa là trong nội bộ hệ thống tài phán hành chánh có thêm một lợi ích về thẩm quyền. Lợi ích về thẩm quyền của sự phân tích ba loại hành vi mà chúng ta đề nghị có lẽ vẫn có giá trị trong chế độ tương lại tức là trong khuynh hướng thống nhất hóa các pháp đình hiện hữu. Trong các niên khóa trước đây, theo chương trình cũ, chúng ta đã dùng ba loại đại phân hành vi hành chánh để làm cột trụ cho kiến trúc pháp lý hành chánh với ba tầng cấp của tiến trình nghĩa vụ hành chánh ăn khớp hoàn toàn với nhau trong sự phóng chiếu kỹ thuật lên bình diện pháp tụng hành chánh. Ba tầng cấp của tiến trình nghĩa vụ hành chánh là:
1) Sự qui định nghĩa vụ hành chánh theo lãnh vực, nội dung và tiến trình.
2) Sự thi hành nghĩa vụ hành chánh, theo ba loại hành vi pháp lý, đơn phương, đồng thuận và vật chất.
3) Sự chế tài của nghĩa vụ hành chánh: Các nguyên tắc chế tài, loại tố tụng và thẩm quyền thay đổi tùy theo các loại hành vi. Trong trường hợp phức tạp và có sự trà trộn các hành vi thì sự phóng chiếu tình trạng và tỉ lệ cùng hình thức trà trộn đó giữ nguyên hình bóng trên bình diện pháp tụng. Nếu hành vi có thể tách biêt (acte detachable), thì nguyên tắc chế tài và tố tụng cũng sẽ tách biệt, theo vậy thì sự phân loại của ta không phải là lý thuyêt mà là thuộc khoa học xây dựng. Như vậy, mặc dù các hành vi hành chánh cùng các nguyên tắc căn bản chế tài các loại hành vi, và các tố tụng đặc biệt dành riêng cho mỗi loại, không thuộc chương trình nghiên cứu của chúng ta tại năm thứ hai ban cử nhân 4 năm, chúng ta vẫn phải đặt vấn đề toàn diện cho thấy rõ vị rí của môn pháp tụng hành chánh mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong năm tới.
110._ Sau hết, để kết luận tạm về kỹ thuật pháp lý, từ năm 1960, chúng ta đề nghị sắp loại, theo nội dung và mục đích của kỹ thuật, tất cả các kỹ thuật pháp lý theo ba đại phân sau đây:
1) Các kỷ luật xác nhận và trọng tài do dân luật và thương luật tiêu biểu, nhằm xác nhận các tương quan có sẵn trong xã hội theo các tiêu chuẩn hợp lý và thực tế và tổ chức sự trọng tài, điềuhòa, dàn xếp giữa các quyền lợi trong chế độ nội dung cũng như trong thủ tục tố tụng.
2) Các kỷ luật phản ứng, trừng trị và phòng ngừa, quy định những trường hợp không thể chấp nhận được trong xã hội để trừng trị và phòng ngừa: Luật hình ấn định những trường hợp xã hội không chấp nhận (tội phạm) và hình sự tố tụng tổ chức phản ứng của xã hội thiên về trừng trị hay phòng ngừa cùng cải huấn tùy theo là hình luật cổ điển hay khuynh hướng bảo vệ xã hội mới.
3) Các kỹ thuật điều động nhằm tổ chức và huy động mọi phương tiện hướng về thực thi lý tưởng hay thỏa mãn các nhu cầu tập thể: Hiến pháp, luật Hành chánh, Luật tài chánh v.v… Một vài kỷ luật có tính cách hỗn hợp như Luật Lao động đứng giữa ranh giới kỹ thuật của dân luật và Luật Hành chánh. Ngoài ra, đại thể các kỷ luật lần lần tiến gần tới luật hành chánh, rõ rệt nhất là hình luật. Không hiểu có phải đó là ảnh hưởng của sự trội yếu của kỹ thuật hành chánh, là phản ảnh tự nhiên của kỷ nguyên hành chánh hay một thiện cảm tiềm tàng giữa hai kỷ luật?./.
Bình luận