NGHĨA VỤ CÓ HẠN KỲ HOẶC CÓ ĐIỀU KIỆN
Có ba loại nghĩa vụ mà sự thi hành phải tuân theo các quy tắc riêng biệt, khác với những quy tắc vừa trình bày trong chương Hai: “Sự chuyển nhượng và biến đổi nghĩa vụ”. Đó là: Nghĩa vụ tự nhiên; Nghĩa vụ có hạn kỳ hay có điều kiện và Nghĩa vụ đa nguyên. Hai loại nghĩa vụ sau còn gọi là nghĩa vụ phức tạp. Tính cách phức tạp của nghĩa vụ có thể hoặc vì nghãi vụ có kèm theo một hạn kỳ hay một điều kiện, hoặc vì nghĩa vụ có nhiều chủ đích hay nhiều chủ thể.
II. NGHĨA VỤ CÓ HẠN KỲ HOẶC CÓ ĐIỀU KIỆN. Nghĩa vụ có hạn kỳ hoặc có điều kiện khác với nghĩa vụ thường ở điểm là các nghĩa vụ ấy không bị bắt buộc phải thi hành ngay. Hoặc chủ nợ chỉ có thể đòi hỏi sự thi hành sau một thời hạn – đó là nghĩa vụ có hạn kỳ – nghĩa vụ này mặc dù không phải thi hành ngay nhưng chắc chắn sẽ phải được thi hành sau khi hạn kỳ đã mãn. Hoặc chủ nợ chỉ có thể đòi thi hành khi có một biến cố xảy ra; đó là nghĩa vụ có điều kiện – Nghĩa vụ này không những không bắt buộc phải thi hành ngay mà còn không biết là người vụ ấy có sẽ được thi hành hay không.
II.1. Hạn kỳ: Danh từ hạn kỳ ở đây phải được hiểu là quyền lợi của con nợ chứ không phải là một ân huệ. Hiểu như vậy thì hạn kỳ khác với ân huệ mà thẩm phán thường ban cho các con nợ để họ có thể thi hành được nghĩa vụ.
– Các loại hạn kỳ: Hạn kỳ có thể do luật pháp hay do khế ước mà có. Hạn kỳ do luật định rất hiếm, tuy nhiên, khi tạo lập một nghĩa vụ, luật pháp có thể cho con nợ một hạn kỳ để thi hành nghĩa vụ ấy. Ví dụ: Điều 1565 DLP cho người chồng một tháng sau khi ly hôn phải hoàn trả cho người vợ các của hồi môn. Trái lại hạn kỳ ước định rất thường thấy: Các người kết ước có thể minh thị hoặc mặc nhiên thỏa thuận với nhau rằng sự thi hành nghĩa vụ – trả tiền mua, giao vật bán – sẽ được đình hoãn lại trong một thời hạn ấn định. Hạn kỳ là biến cố trong tương lai nhưng chắc chắn xảy ra. Người ta nói đó là biến cố vị lai và chắc chắn: Sự chấm dứt một thời hạn. Có hai loại hạn kỳ: Hạn kỳ bị tiêu diệt là một biến cố vị lai và chắc chắn có hiệu lực mãn kết nghĩa vụ một cách không hồi tố: Người chủ nhà thỏa thuận ký khế ước cho thuê nhà trong thời hạn 3 năm thì các nghĩa vụ do khế ước thuê mướn phát sinh, mãn kết một cách không hồi tố khi hết thời hạn ba năm. Hạn kỳ tiêu diệt là một thể thức mãn kết nghĩa vụ nên sẽ được xét tới trong thiên hai nói về sự mãn kết nghĩa vụ. Hạn kỳ đình chỉ ảnh hường tới sự thi hành nghĩa vụ; đó là một biến cố vị lai và chắc chắn có hiệu lực làm đình chỉ sự thi hành nghĩa vụ: Người mua cam kết sẽ trả tiền một năm sau khi khế ước được ký kết.
– Hiệu lực của hạn kỳ đình chỉ: Hạn kỳ đình chỉ có hai hiệu lực: Nó làm cho nghĩa vụ không có tính khả sách và không bị thời tiêu. Khi nào chưa tới hạn kỳ thì nghĩa vụ chưa khả sách; người ta nói rằng món nợ chưa đáo hạn, chủ nợ chưa thể đòi hỏi chi phó được và không thể làm các biện pháp chấp hành. điều 749 DLVN định rằng: “Nợ có hạn kỳ không thể buộc trả trước khi đáo hạn”. Vì chưa khả sách nên trái khoản có hạn kỳ không thể được mãn kết bởi một sự bù trừ; thực vậy trong sự bù trừ có hai sự chi phó, do đó tiên niệm rằng cả hai trái khoản đều khả sách. Ở đây cần ghi nhận là thời hạn ân huệ không phải là một trở ngại cho sự bù trừ. Nhưng nếu nghĩa vụ không khả sách, thì nghĩa vụ ấy lại hiện hữu ngay từ khi có sự thỏa thuận của đôi bên: Hạn kỳ tạm đình chỉ, đình hoãn sự thi hành chứ không phải đình hoãn sự phát sinh nghĩa vụ. Sự kiện này đưa đến nhiều hậu quả quan trọng:
+ Chủ nợ một trái khoản có hạn kỳ có thể thi hành những biện pháp bảo thủ. Thí dụ như chủ nợ có thể sai áp bảo thủ tài sản của con nợ để bảo đảm cho sự thi hành nghĩa vụ sau này.
+ Nhà làm luật định rằng, nếu con nợ vì lầm lẫn mà chi phó trước kỳ hạn thì không thể đòi lại được (749 DLVN). Tố quyền thu hoàn bất phụ trái chỉ có thể được chấp nhận khi nào con nợ trả một vật mà mình không thiếu, nhưng ở đây con nợ có thiếu một trái khoản ấy hiện hữu.
+ Trong trường hợp bán một vật mà giao nạp có hạn kỳ, nếu vật bị mất vì một trường hợp bất khả kháng thì người mua phải chịu. Vấn đề đặt ra đối với tố quyền tà diện và phế bãi: Nếu các tố quyền này chỉ là những biện pháp bảo thủ nhằm mục đích bảo vệ sản nghiệp của con nợ, thì chủ nợ có hạn kỳ có quyền hành xử. Nhưng nếu tố quyền này chỉ nhằm mục đích chuẩn bị cho các biện pháp chấp hành, nên án lệ buộc rằng muốn hành xử tố quyền tà diện và tố quyền phế bãi, chủ nợ phải có một trái khoản có tính khả sách.
Hiệu lực thứ hai của hạn kỳ đình chỉ là khiến cho nghĩa vụ không bị thời tiêu. Thời hiệu làm tiêu diệt nghĩa vụ khi mà người người chủ nợ không đòi hỏi sự thi hành trong một thời gian nào đó. Nhưng nếu là nghĩa vụ có hạn kỳ, người chủ nợ không thể đòi hỏi sự thi hành được nữa nên người người ta không thể trách cứ gì con nợ cả. Bởi vậy, thời hiệu không được tính trước khi tới hạn kỳ: Hạn kỳ làm định chỉ thời hiệu của nghĩa vụ (1470 DLVN).
– Sự mãn kết của hạn kỳ đình chỉ: Khi hạn kỳ chấm dứt, nghĩa vụ trở thành nghĩa vụ đơn thuần, món nợ đã đáo hạn và chủ nợ có quyền đòi hỏi thi hành. Hạn kỳ có thể được mãn kết vì ba nguyên nhân: đáo hạn, từ khước, bị truất đoạt. Thông thường hạn kỳ chấm dứt khi tới ngày đã định cho sự chi phó. Người ta chấp nhận rằng, ngày đáo hạn không được tính và nghĩa vụ chỉ khả sách vào ngày tiếp sau ngày đó. Hạn kỳ được hai bên thỏa thuận hoặc vì quyền lợi của con nợ (khế ước cho vay), hoặc vì lợi ích của chủ nợ (khế ước ký thác), hoặc vì lợi ích chung của các đương sự (khế ước cho vay có lãi); người có lợi ích có quyền khước từ hạn kỳ, nhưng nếu hạn kỳ quy định vì lợi ích của hai bên thì cần phải có sự đồng ý của cả hai bên mới có thể khước từ được (đ. 750 DLVN). Con nợ bị truất đoạt hạn kỳ trong hai trường hợp:
+ Khi con nợ đã công tri trở thành vô tư lực (751 DLVN); Sự truất kỳ hạn phải do tòa án quyết định. Điều 1188 DLP lại nói rằng, khi con nợ bị phá sản thì sẽ bị truất đoạt hạn kỳ. Án lệ Pháp giải thích chữ “phá sản” được dùng trong điều luật này một cách rộng rãi và cho rằng khi con nợ hiển nhiên vô tư lực thì cũng bị truất đoạt hạn kỳ, nhưng trong trường hợp này sự truất đoạt phải do tòa án tuyên bố, trong khi sự truất đoạt ấy có tính cách đương nhiên nếu con nợ bị khánh tận.
+ Con nợ cũng bị truất đoạt hạn kỳ nếu người đó làm giảm sút các bảo đảm mà họ đã cam kết với người chủ nợ (751 DLVN). Ví dụ: Người ấy đã phá hủy hoặc đã cho thuê dài hạn một bất động sản mà họ đã để đương cho chủ nợ. Người chủ nợ đã thỏa thuận cho con nợ một hạn kỳ vì tin tưởng vào sự bảo đảm, khi sự bảo đảm ấy không còn nữa thì hạn kỳ kia cũng phải bị truất đoạt, có như vậy mới phù hợp với ý chí phỏng đoán của các người kết ước. Tuy nhiên, sự kiện các bảo đảm của chủ nợ bị suy giảm đi phải là hậu quả của một hành vi của con nợ, chứ không phải do nguyên nhân ngoại tại, như sự giảm giá bất động sản hoặc một vụ hỏa hoạn ngẫu nhiên đã làm tiêu tan bất động sản. Trong trường hợp này, sự truất đoạt hạn kỳ cũng phải do Tòa án tuyên bố. Án lệ của Pháp cũng theo chiều hướng này.
II.2. Điều kiện: Trong khi hạn kỳ là biến cố vị lai nhưng chắc chắn thì điều kiện là biến cố vị lại nhưng không chắc chắn. Khi ký kết khế ước, người ta không biết là cái biến cố được lựa chọn làm điều kiện cho nghĩa vụ có sẽ xảy ra hay không? Do đó, khác với hạn kỳ, điều kiện có ảnh hưởng không những tới sự thi hành nghĩa vụ mà còn ảnh hưởng tới sự hiện hữu của nghĩa vụ nữa. Ngoài ra, bên cạnh hạn kỳ ước định, đôi khi người ta còn thấy có hạn kỳ pháp định nữa, nhưng điều kiện thì bao giờ cũng bắt nguồn từ ý chí của các đương sự. Có hai loại điều kiện khác nhau: Điều kiện đình chỉ (đồng thời) sự thi hành nghĩa vụ và sự hiện hữu nghĩa vụ, đó là điều kiện đình chỉ: “Tôi mua con ngựa của anh, nếu nó thắng trong một cuộc đua nào đó”. Một điều kiện khác lại hủy bỏ nghĩa vụ đã thi hành rồi, đó là điều kiện giải tiêu: Tôi mua con ngựa của anh, nhưng việc mua bán sẽ bị giải tiêu, nếu nó không thắng một cuộc đua nào đó. Mãi lai thục, còn gọi là điển mại, là một sự đoạn mại với điều kiện giải tiêu: Người bán trong một thời hạn nào đó, có quyền chuộc lại vật bán.
II.2.1: Hiệu lực của điều kiện: Điều kiện của hiệu lực phát sinh hậu quả khác nhau, tùy theo đó là điều kiện đình chỉ hay điều kiện giải tiêu.
1. Hiệu lực của điều kiện đình chỉ: Để xác định hiệu lực của điều kiện đình chỉ, chúng ta phải phân biệt hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ chợ đợi, bất chắc, trong điều kiện còn bị đình chỉ. thời kỳ thứ hai bắt đầu khi sự bất chắc biến đi, hoặc vì điều kiện được thực hiện, hoặc vì chắc điều kiện sẽ không xảy ra.
a. Thời kỳ chờ đợi: Có hai nhận xét khiến chúng ta có thể xác định được bản chất của tương quan pháp lý giữa con nợ và chủ nợ trong thời kỳ này: Nghĩa vụ chưa hiện hữu; Nhưng ít nhất cũng có một hy vọng là điều kiện đình chỉ sẽ thực hiện và nghĩa vụ sẽ phát sinh: Chủ nợ có một quyền lâm thời.
– Nghĩa vụ chưa hiện hữu: Khi điều kiện đình chỉ chưa thực hiện thì nghĩa vụ chưa được tạo lập. Sự kiện này đưa tới nhiều hậu quả:
+ Nếu con nợ vì lầm lẫn mà trả một trái khoản có điều kiện đình chỉ tức là đã chi phó bất phụ trái. Vì thề con nợ có thể hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái.
+ Vì nghĩa vụ không thể được chi phó nên nó không thể được mãn kết bởi một sự bù trừ;
+ Khế ước dưới điều kiện đình chỉ không chuyển dịch quyền sở hữu: Người bán vẫn là chủ sở hữu và gánh chịu mọi rủi ro có thể xảy ra trên vật bán (760 DLVN). Ví dụ: Tờ hứa bán khiêu vũ trường với điều kiện đoạn mại phải được thực hiện bằng một văn tự do Chưởng khế hay luật sư lập. Đạo luật 12/62 ngày 22-5-1962 cấm khiêu vũ dưới mọi hình thức là một trường hợp bất khả kháng đã làm mất đi yếu tố căn bản của khiêu vũ trường, và đối tượng của khế ước có thể xem như đã bị tiêu thất. Vì quyền sở hữu chưa được chuyển sang tay người mua do điều kiện đình chỉ, nên người bán phải gánh chịu rủi ro về trường hợp bất khả kháng này (TT. Saigon 11-6-1964 PL 1965-I-97).
+ Quyền lợi lâm thời của người chủ nợ: Vì trong thời kỳ chờ đợi, nghĩa vụ chưa hiện hữu, nên hình như chủ nợ không có một quyền lợi nào cho tới khi điều kiện đình chỉ được thực hiện. Tuy nhiên, sự kiện này không hẳn là đúng. Nếu người chủ nợ chưa phải là chủ thể của nghĩa vụ đã được ký kết, ví dụ người bán chưa phải là chủ nợ về nghĩa vụ phải trả tiền của người mua, thì dù sao cũng có một liên hệ pháp lý giữa họ và con nợ có điều kiện: Chủ nợ và con nợ không phải là đệ tam nhân đối với nhau mà có ràng buộc pháp lý về khế ước có điều kiện. Như vậy bản chất quyền lợi của chủ nợ trong thời kỳ chờ đợi là gì? Người ta trả lời: Đó là một quyền lợi lâm thời. Khó có thể xác định thế nào là quyền lợi lâm thời. Đó là một tình trạng giữa sự hy vọng vốn không phải là một quyền lợi , và một quyền lợi đơn thuần. Quyền lợi lâm thời không phải là quyền lợi vị lai, nó hiện hữu trong hiện tại và được bảo vệ. Người chủ nợ, dù chưa có một quyền lợi hoàn toàn, nhưng đã có một quyền lợi, dù rằng chỉ là một quyền lợi mong manh, người ấy cũng có thể sử dụng một vài đặc lợi. Vậy quyền lợi lâm thời không hữu hiệu bằng quyền lợi thường, nhưng chuẩn bị khai sinh ra lâm thời của quyền lợi ấy. Như thế người chủ nợ đã có một trái khoản và con nợ không còn là một người đệ tam nữa. Sự kiện này đưa đến nhiều hậu quả:
* Cũng như chủ nợ có hạn kỳ, chủ nợ có điều kiện có thể thực hiện những biện pháp bảo thủ.
* Người chủ nợ có thể được hưởng những bảo đảm: Bảo lãnh, để đương, thế chấp. Hậu quả này rất quan trọng trên thực tế, nó cho phép ngân hàng khi mở tín dụng có thể đòi hỏi thân chủ phải xuất trình bảo đảm ngay, mặc dù khi nào người này chưa sử dụng đến tín dụng ấy thì ngân hàng chỉ là một chủ nợ có điều kiện mà thôi.
* Khi người chủ nợ chết đi thì quyền lợi chuyển sang người thừa kế, các người này trở thành chủ nợ có điều kiện. Đối với con nợ cũng vậy, người thừa kế của họ cũng trở thành con nợ có điều kiện (758 DLVN).
* Con nợ mặc dù chưa thi hành nghĩa vụ, nhưng đã phải tôn trọng quyền lợi hiện hữu của chủ nợ. Con nợ sẽ chịu trách nhiệm ước định nếu họ có hành vi gian xảo khiến cho điều kiện đình chỉ không thực hiện được (759 DLVN).
* Sau hết, năng lực kết ước của các đương sự được xét vào ngày ký kết khế ước, chứ không phải vào ngày đình chỉ thực hiện.
b. Khi sự bất chắc không còn nữa: Sự bất chắc vốn là hậu quả của điểu kiện đình chỉ không còn nữa, khi điều kiện này thực hiện hoặc khi có bằng cớ chắc chắn rằng điều kiện ấy sẽ không thực hiện. Tòa án có toàn quyền thẩm định căn cứ vào ý định của các đương sự để xét xem khi nào thì điều kiện được thực hiện hoặc không thể xảy ra được. Nếu là một điều kiện tích cực, ví dụ: Tôi mua con ngựa của anh nếu nó thắng cuộc đua, thì điều kiện coi như không thực hiện được nếu quá thời hạn ấn định mà điều kiện không xảy ra. Điều kiện cũng coi như không thực hiện mặc dù không có một thời hạn nào được ấn định, khi có các sự kiện cho thấy biến cố chắc chắn không xảy ra 9756 DLVN). Nếu là điều kiện tiêu cực, ví dụ: tôi mua chiếc xe của anh nếu trong thời gian chạy thử, máy móc không bị trục trặc, thì điều kiện coi như được thực hiện nếu quá thời hạn ấn định mà biến cố không xảy ra. Điều kiện cũng được coi như thực hiện mặc dù không có thời hạn được ấn định, nếu như các sự kiện cho thấy chắc chắn biến cố sẽ không xảy ra (757 DLVN). Trong cả hai trường hợp này, thời hạn do hai bên đương sự ấn định, không thể do tòa án triển hạn được (739 DLB, 791 DLT). Khi nghĩa vụ có điều kiện trước đây trở thành nghĩa vụ đơn thuần, trái khoản trở thành khả sách và chủ nợ đòi hỏi sự chi phó. Điều 753 DLVN đặt nguyên tắc về hiệu lực hồi tố của điều kiện: Điều kiện đình chỉ thực hiện có hiệu lực hồi tố kể từ ngày khế ước được giao kết. Nghĩa vụ có hoàn toàn hiệu lực ngay từ lúc khế ước được thành lập, mặc dù như đã xét trên đây, trước khi điều kiện thực hiện nghĩa vụ chỉ có tính cách lâm thời mà thôi. Hiệu lực hồi tố này đưa đến nhiều hậu quả:
– Nếu con nợ đã chi phó trong thời kỳ điều kiện chưa thực hiện, người ấy sẽ mất tố quyền thu hoàn bất phụ trái khi điều kiện thực hiện, bởi vì một cách hồi tố, sự chi phó coi như đã được làm hợp lệ;
– Người mua trở thành sở hữu chủ và người bán mất quyền sở hữu ngay trên vật bán kể từ khi khế ước được ký kết. Do đó mà mọi quyền lợi mà người bán có thể dành cho người đệ tam trong thời kỳ điều kiện đình chỉ chưa thực hiện (quyền để đương, quyền thế chấp) sẽ trở thành vô giá trị một cách hồi tố. Hậu quả này rất nguy hiểm cho các người đệ tam đã ký kết với người bán mà không biết tới sự hiện hữu của điều kiện đình chỉ. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, quyền lợi của người đệ tam cũng được bảo vệ: Đối với các bất động sản, khế ước đoạn mại với điềi kiện đình chỉ, phải được ghi chú trong sổ địa bộ thì mới đối kháng được với các đệ tam nhân (Đ 991 DLVN). Về động sản, người đệ tam có thể đối kháng sự chấp hữu ngay tình (1488 DLVN).
– Để xem khế ước có bị hà tì vì có sự thiệt thòi hay không, người ta phải thầm lượng vào lúc khế ước được ký kết chứ không phải vào lúc điều kiện đình chỉ thực hiện;
– Khi điều kiện thực hiện, người con nợ phải giao nạp một vật hay một số tiền, phải đồng thời giao nạp các hoa lợi đã thu được hay tiền lời đáo hạn kể từ ngày ký kết khế ước, nếu không có gì chứng tỏ rằng các đương sự phát biểu một ý chí ngược lại (Đ. 754 DLVN).
– Điều 760 DLVN định rằng con nợ chuyển hữu một đồ vật dưới điều kiện đình chỉ, phải gánh chịu các rủi ro xảy ra làm tiêu thất đồ vật trước khi điều kiện đình chỉ thực hiện. Đây là một ngoại lệ đối với nguyên tắc hồi tố của điều kiện đình chỉ, bởi vì nếu điều kiện thực hiện có hiệu lực hồi tố thì chủ nợ trở thành chủ sở hữu đồ vật ngay từ lúc khế ước được ký kết, và với tư cách ấy, đáng lẽ chủ nợ phải gánh chịu các rủi ro, hoặc đòi giao nạp đồ vật trong hiện trạng mà không được giảm giá. Nói khác đi, chủ nợ có quyền lựa chọn hoặc tự mình gánh chịu các thiệt hại đã xảy ra cho đồ vật, hoặc để con nợ phải gánh chịu các thiệt hại ấy. Ngoài ra, nếu đồ vật bị hư hại do lỗi của con nợ thì chủ nợ có quyền lựa chọn hoặc đòi thi hành hiệp ước với một bồi khoản hoặc xin giải tiêu khế ước.
– Trên đây chúng ta đã xét trường hợp điều kiện đình chỉ thực hiện. Tình trạng giữa con nợ và chủ nợ sẽ trái ngược hẳn lại nếu như chắc chắn là điều kiện sẽ không xảy ra. Khế ước coi như không hề được kết lập, giữa con nợ và chủ nợ chưa hề có quan hệ pháp lý nào cả. Những quyền lợi mà con nợ có thể đã thừa nhận với người đệ tam trong thời gian chờ đợi, trở thành nhất định. Điều 759 DLVN định rằng nếu “vì một sự gian lận của con nợ mà điều kiện không xảy ra thì điều kiện được coi như đã thực hiện”.
2. Hiệu lực của sự giải tiêu: Nghĩa vụ dưới điều kiện giải tiêu, phát sinh và có hiệu lực ngay từ khi khế ước được xác lập: Tôi mua con ngựa của anh, nhưng sự mua bán sẽ bị giải tiêu, nếu nó không thắng trong cuộc đua nào đó. Ngay từ khi ký kết khế ước mua bán, tôi có thể hành xử mọi đặc lợi về quyền sở hữu trên tài vật. Tôi có quyền đòi anh giao nạp con vật cho tôi, và anh có quyền đòi tôi trả tiền: Nghĩa vụ phát sinh bởi khế ước có tính cách khả sách tức thì. Như vậy, nghĩa vụ dưới điều kiện giải tiêu khác với nghĩa vụ dưới điều kiện đình chỉ và nghĩa vụ có hạn kỳ. Người mua trở thành chủ sở hữu tài vật ngay, co nên họ phải gánh chịu rủi ro kể từ khi ký kết khế ước. Vậy khi điều kiện giải tiêu thực hiện hoặc khi chắc chắn là điều kiện giải tiêu không xảy ra thì hậu quả sẽ ra sao?
– Nếu biến cố xảy ra thì điều kiện phát sinh một hiệu lực hồi tố. Nhưng nếu sự thực hiện điều kiện đình chỉ khiến cho nghĩa vụ coi như hoàn toàn ngay từ khi kết ước, thì thực hiện điều kiện giải tiêu lại làm cho khế ước bị coi như chưa hề xác lập. Nghĩa vụ bị xóa bỏ một cách hồi tố. Người bán phải hoàn lại giá mua, người mua phải hoàn lại tài vật, người mua bị coi như chưa bao giờ là sở hữu chủ cả. Sự kiện này đưa đến hậu quả là mọi quyền lợi của người mua đã ký kết trên tài vật sẽ bị xóa bỏ một cách hồi tố. Đo đó, hiệu lực hồi tố ở đây rất nguy hiểm đối với người đệ tam, khi các người này không biết rằng quyền lợi của người đối ước của họ bị giải tiêu. Tuy vậy, hiệu lực hồi tố ở đây có bị giới hạn về thuế vụ: Theo điều 62 bộ luật trước bạ (Sắc luật số 051TT/SLU ngày 25/12/1972), mặc dù nghĩa vụ bị tiêu hủy do hiệu lực của điều kiện giải tiêu, số thuế đã đóng cũng không được hoàn trả cho đương sự. Khác với sự giải tiêu tư pháp, phải cần đến sự can thiệp của tòa án, sự thực hiện điều kiện khiến cho khế ước đương nhiên giải tiêu mà khỏi cần đến một quyết định tư pháp.
– Nếu điều kiện không xảy ra, thì nghĩa vụ coi như được kết lập mà không có điều kiện gì cả, khế ước phát sinh hiệu lực ngay từ khi được thành lập. Người mua là sở hữu chủ ngay từ khi sự mua bán được ký kết và tiếp tục duy trì quyền sở hữu đó.(TT.Saigon 3-8-1961 PL 1963-I-72). Trong vụ này, vào năm 1945, các thừa kế của cố Nguyễn Văn Thạch có nhận một số tiền là 425$ của Lê Văn Thâu và làm giấy cam kết hứa bán cho người này một thửa vường, theo đó, nếu đến ngày 15-4-1946 họ trả số bạc 425$ thì Lê Văn Thâu phải hoàn lại tờ cam kết, còn nếu họ không trả được thì họ sẽ lập tờ đoạn mại thửa vườn và Lê Văn Thâu phải trả thênm 25$. Theo quan điểm của Tòa Thượng thẩm đây là một sự hứa bán với hạn kỳ đình chỉ và một điều kiện giải tiêu. Hạn kỳ đình chỉ là sự kiện việc mua bán thửa vường bị hoãn lại đến sau ngày 15-4-1946, và điều kiện giải tiêu là sự kiện các thừa kế của cố Nguyễn Văn Thạch trả được số bạc 425$ cho Lê Văn Thâu. Ở đây các thừa kế của cố Nguyễn Văn Thạch để quá thời hạn mà không trả được số bạc 425$, nên điều kiện giải tiêu không xảy ra và sự mua bán trở thành nhất định.
– Có trường hợp tương tự như sự không thực hiện điều kiện: Đó là khi tài vật bị thiêu thất, hư hao. Theo điều 762 DLVN, nếu khi điều kiện thực hiện mà vật đã bị hoàn toàn tiêu thất vì rủi ro thì khế ước vẫn giữ nguyên hiệu lực, quyền của người mua trở thành nhất định, và người này phải gánh chịu rủi ro mà không được đòi tiền lại. Tuy nhiên, nếu sở vật chỉ bị hư hại thôi, thì người bán có quyền hoặc để nguyên sở vật cho người mua hưởng dụng (điều kiện coi như không thực hiện), hoặc đòi giao lại sở vật trong hiện trạng nhưng phải hoàn lại giá tiền. Ngoài ra, nếu vật bị hư hao do lỗi của người mua thì người bán có quyền đòi giao lại sở vật và tiền bồi thường thiệt hại.
II.2.2: Đặc tính và tính cách hữu hiệu của điều kiện: Không phải mọi sự sự kiện đều có thể dùng làm điều kiện cho nghĩa vụ. Một biến cố chỉ có thể dùng làm điều kiện của nghĩa vụ nếu hội đủ một số đặc tính sau:
1. Những đặc tính của biến cố có thể dùng làm điều kiện: Biến cố dùng làm điều kiện của nghĩa vụ phải có tính cách hậu lai và không chắc chắn (752 DLVN). Điều 1181 DLP còn dự liệu thêm rằng, một biến cố dù đã xảy ra, nhưng các người kết ước đều không hay biết, cũng có thể làm điều kiện của nghĩa vụ. Hơn nữa, biến cố phải là một yếu tố bên ngoài liên hệ pháp lý. Liên hệ pháp lý phải có thể hiện hữu mà không cần tới điều kiện, vì điều kiện chỉ là một thể thức của nghĩa vụ mà thôi, như vậy, một yếu tố căn bản của nghĩa vụ không thể dùng làm điều kiện được. Một sự mua bán dưới điều kiện là người mua phải trả tiền, không phải là một sự đoạn mại có điều kiện, mà là sự đoạn mại thường, vei56c trả tiền là yếu tố của đoạn mại. Trái lại sự đoạn mại một bất động sản dưới điều kiện là người mua phải thành hôn là một sự đoạn mại có điều kiện. Khế ước đoạn mại có thể kết lập mà không cần tới điều kiện, điều kiện này chỉ là thể thức của sự đoạn mại mà thôi. Tuy nhiên, án lệ của Pháp về điểm này không được rõ ràng cho lắm.
2. Tính cách hữu hiệu của điều kiện:
– Biến cố hậu lai và không chắc chắn dùng làm điều kiện chỉ hữu hiệu khi nó không bất hợp pháp, bại luân hay không thể thực hiện được (Đ.755). Bộ dân luật Pháp còn thêm một trường hợp khiến điều kiện vô hiệu: Đó là khi sự thực hiện điều kiện hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của con nợ (1174 DLP). Nhưng vẫn theo DLP, sự thực hiện điều kiện hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của chủ nợ hoặc chỉ lệ thuộc vào một phần ý chí của các người cộng ước, còn một phần lệ thuộc vào sự ngẫu nhiên thì điều kiện này vẫn hữu hiệu (1171 DLP). Thiết tưởng giải pháp này có thể được chấp nhận trong dân luật Việt Nam, bởi vì nếu sự thực hiện của điều kiện hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của con nợ thì như vậy, có thể nói rằng khế ước thiếu hẳn một yếu tố căn bản: Đó là ý chí kết ước. Người con nợ thực sự đã không muốn kết ước khi họ tùy thuộc số phận của nghĩa vụ vào ý muốn của riêng họ.
– Điều kiện không thể thực hiện được khi nào biến cố không thể xảy ra được: Ví dụ: Tôi bán cho anh cái nhà của tôi nếu tôi mua được một cái nhà trên cung trăng. Tôi bán cho anh cái nhà nhưng sự đoạn mại này sẽ bị giải tiêu nếu tôi không được quyền lưu cư trong căn nhà tôi đang ở trong khi nhà này không thuộc chi phối của dụ số 4 ngày 2-4-1953. Điều kiện bất hợp pháp hay bại luân khi sự thực hiện biến cố đòi hỏi một hành vi bất hợp pháp hay bại luân. Ví dụ: Tôi bán cho anh cái nhà của tôi, nếu anh chịu chứa cờ bạc hay chứa gái mại dâm tại đó.
– Sự vô hiệu của điều kiện làm cho khế ước trở thành vô hiệu. Tuy nhiên, điều khoản bất hợp pháp hay bại luân ấy chỉ liên quan đến một hiệu lực phụ thuộc của khế ước thì khế ước vẫn có giá trị, chỉ khoản nào phụ thuộc vào điều khoản ấy mới vô hiệu (755 DLVN). Điều 1172 DLP nói rằng sự vô hiệu của điều kiện khiến cho hiệp ước vô hiệu, nhưng án lệ của Pháp cũng định rằng sự vô hiệu của một điều khoản của khế ước chỉ khiến cho khế ước ấy vô hiệu khi điều khoản này có tính cách căn bản cho sự hiện hữu của nghĩa vụ. Nếu điều khoản chỉ có tính cách phụ thuộc thì Tòa án có thể chỉ hủy bỏ điều khoản vô hiệu mà vẫn duy trì khế ước./.
Bình luận