Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Sự phân loại trong pháp luật

CHƯƠNG THỨ BA
SỰ PHÂN LOẠI TRONG PHÁP LUẬT 

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều theo quan niệm pháp luật hiện đại của Âu-Mỹ, phân biệt ra hai ngành: Công pháp và tư pháp. Lần lượt chúng ta sẽ xét những lý do biện minh cho sự phân loại này và các sự phê bình đối với vấn đề ấy.

ĐOẠN THỨ NHẤT
SỰ PHÂN BIỆT CÔNG PHÁP VÀ TƯ PHÁP

Có nhiều cách phân loại các qui tắc pháp luật: Chẳng hạn người ta có thể phân biệt luật pháp quốc nội (droit national) và luật pháp quốc tế (droit international). Luật quốc nội chi phối những mối tương quan pháp luật không liên quan đến một yếu tố ngoại quốc nào. Luật quốc tế, trái lại, chi phối những mối tương quan pháp luật liên hệ đến yếu tố ngoại lai. Nhưng sự phân loại quan trọng nhất phân biệt hai ngành công pháp và tư pháp.

I. Ngành công pháp (droit public)

Ngành công pháp qui định những công quyền (droits publics – quyền công cộng) và quyền tham chính (droits politiques – quyền chính trị). Quyền tham chính là quyền tham dự vào các cơ quan chính trị của quốc gia: thí dụ như quyền bầu cử để chọn các người dân biểu trong quốc hội hay trong một hội đồng nào khác. Co6gn quyền là quyền của các phần tử trong xã hội do nhân cách mà có, vì thế cũng gọi là nhân quyền. Những quyền ấy công nhận cho các tư nhân, trong những việc giao thiệp với các cơ quan quốc gia hay các công chức những bảo đảm cần thiết để tránh những hành vi võ đón, những sự lạm quyền, dưới mọi hình thức. Trong những công quyền căn bản được công nhận ở các nước dân chủ, cũng như ở trong hiến pháp của ta mới ban hành, phải kể đến tự do cá nhân như tự do đi lại, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng v.v… Ngành công pháp có nhiều môn, sau đây là các môn chính yếu:
a) Luật Hiến pháp (droi constitutionnel) tổ chức quốc gia và qui định các nhiệm vụ của quốc gia như quyền lập pháp, quyền tư pháp, quyền hành pháp.
b) Luật hành chánh
(droit administratif) tổ chức các công sở và qui định các mối giao thiệp giữa tư nhân với các công sở hay quốc gia.
c) Luật hình sự (droit pénal) trừng phạt các sự phạm pháp làm rối loạn trật tự xã hội.
d) Luật tài chính (législation financière) hay luật thuế vụ qui định thuế khóa.

II. Ngành tư pháp (Droit privéLuật tư nhân)

Ngành tư pháp gồm tất cả những qui tắc được thiết định ở trong nước để chi phối sự giao thiệp giữa các tư nhân, ngoài sự can thiệp của quốc gia (Ghi chú: Nên phân biệt Tư pháp là một ngành luật vừa được định nghĩa và tư pháp là pháp đình, tòa án xử kiện). Nói một cách khác, tư pháp chỉ qui định riêng về các quyền lợi tư nhân, thí dụ: quyền tư hữu, quyền thừa kế, khế ước v.v… Ngành tư pháp cũng chia làm nhiều môn: Thí dụ:
a) Dân luật (droit civil) qui định sự giao thiệp giữa các tư nhân thường.
b) Thương luật hay luật thương mại (droit commercial), QUI ĐỊNH SỰ GIAO THIỆP GIỮA CÁC NHÀ BUÔN.
c) Luật lao động (droit du travail) qui định sự giao thiệp giữa chủ và thợ.
d) Luật tố tụng dân sự (procedure civile) qui định các vấn đề tổ chức tòa án, thủ tục kiện cáo (tố tụng) v.v…
Trong các môn của ngành tư pháp, dân luật quan trọng hơn cả. Tại sao lại gọi dân luật là những qui tắc cai quản sự giao thiệp giữa tư nhân? Nếu là luật pháp thuộc về dân thì phải dành danh từ này để chỉ một môn trong công pháp mới đúng, vì các quyền công dân vốn thuộc trong phạm vi công pháp. Sự thực, tính cách hỗn hợp trong việc dùng danh từ na2ypha3n chiếu một tình trạng hỗn động sẵn có giữa các môn pháp luật trong thời đại cổ pháp. Danh từ Dân luật vốn dịch theo nghĩa đen của danh từ “droit civil” của Pháp (Tiếng Anh là Civil law). Vậy ta cần phải rõ vì đâu mà danh từ “droit civil” hay “civi law” đã chỉ khoa pháp luật chi phối sự giao thiệp giữa các tư nhân.
1. Chữ Civil vốn mượn trong luật La Mã. Trong đế quốc La Mã, vì có nhiều người ngoại quốc nên luật La Mã phân biệt jus civil: công dân pháp áp dụng cho các công dân La Mã (civies – dân sự) và jus gentium: dân tộc pháp áp dụng cho các người ngoại quốc (gens: dân tộc ngoại bang), đến buôn bán và sinh sống ở La Mã.
2. Lần lần từ sự phân biệt này, người ta đã đi đến chỗ phân biệt công pháp và tư pháp. Để hiểu rõ sự biến chuyển này, cần nhắc lại dưới thế kỷ 16, ở nước Pháp, có phong trào chấn hưng việc nghiên cứu luật La Mã. Luật La Mã vừa qui định công pháp lẫn tư pháp. Song thời ấy, bộ máy hành chính của nước Pháp đã được tổ chức hoàn bị; các qui tắc về công pháp đã được ấn định phân minh, cho nên trong sự khảo cứu luật La Mã, người ta chỉ chuyên chú đến phần tư pháp liên quan đến các tư nhân. Với tập quán, dần dần luật La Mã được coi là ngành tư pháp. Vì vậy, các luật gia thường lấy luật La Mã (hiểu theo nghĩa tư pháp) (corpus juris civilis: Pháp điển La Mã) để đối chiếu với giáo hội Pháp (droit canonique) (corpus juris canonici: Pháp điển giáo hội).
Trong các luật gia của Pháp, người dùng danh từ dân luật đầu tiên là Domat. Trong sách “Dân luật xếp theo thứ -trật tự nhiên” (les lois civiles d’apres leur ordre naturel) viết vào thế kỷ thứ 17. Domat lần đầu đã đem đối chiếu dân luật (lois civiles), hiểu theo nghĩa tư pháp, với các luật thuộc về vương quốc (lois du royaume) qui định cách tổ chức quốc gia (nghĩa là công pháp).
Nói tóm lại, sự định nghĩa rõ ràng về dân luật và phân loại các ngành cùng các môn pháp luật, chỉ là sản phẩm của thời gian cận đại và mới có vào chừng vài thế kỷ nay ở các nước Âu-Mỹ.

III. Sự phân loại pháp luật ở Việt Nam

Ở nước ta, sự phân loại pháp luật lại càng mới nữa, và chỉ phát xuất trong thời kỳ hiện tại với các bộ dân luật hiện hành ở Bắc, Trung và Nam phần. Tại sao trong cổ pháp của Trung Hoa và của Việt Nam lại không có sự chia ra hai ngành công pháp và tư pháp? Và cũng không có sự phân biệt giữa dân luật và hình luật? Có 4 lý do chính yếu:
a) Các bộ luật từ thời Thượng cổ bắt đầu làm ra vốn để áp dụng cho các dân tộc man di ở chung quanh Trung Hoa đã bị Trung Hoa chinh phục cho nên hình phạt rất nghiêm khắc. Vì vậy chữ tịch có ba nghĩa và dùng để chỉ: 1) Hình phạt; 2) Bộ luật; và 3) Chủ tướng. Do quan niệm ấy các điều luật đều phải kèm theo một sự trừng phạt rất nghiêm để răn người ta. Dĩ tịch chỉ tịch: đặt hình phạt để khỏi phải trừng phạt.
b) Ở Đông phương, sở dĩ phạm vi dân luật không thể khuếch trương được với thời gian là vì các bộ luật xưa được soạn ra để phục vụ công ích và nhà Vua do Thiên mệnh chỉ định để cai trị, (vì vậy gọi là Thiên Tử). Các quyền lợi cá nhân mà ta thấy qui định ở trong luật Tây Phương không hề được qui định ở trong cổ pháp Trung Hoa và Việt Nam. Hơn nữa, với quan niệm triết lý của Đông phương “thiên hạ vi công” (天 下 为 公), dưới gầm trời này không có gì là tư cả. Cho nên chỉ cần qui định những điều liên quan đến công ích, mà không cần để ý đến quyền lợi riêng. Công ích đối với kẻ có trách nhiệm cầm quyền thời xưa là chia đất, chăm nom cho dân đủ ăn, đủ mặc, giáo hóa cho dân, qui định hôn nhân cho đúng lễ, giữ trật tự an ninh trong xã hội.
c) Với ảnh hưởng của Khổng giáo, người ta tin là có sự điều hòa tự nhiên giữa vạn vật; hơn nữa, giữa vạn vật và xã hội loài người, có một sự tương cảm và tương ứng rất mật thiết. Xã hội chỉ cần hoạt động theo nhịp điều hòa của vạn vật là giữ được trật tự. Vì vậy nhà làm luật khi đề cập đến tư nhân chỉ cần qui định những điều gì liên quan đến sự điều hòa của vạn vật. Trong sự hôn nhận hay sự lập thừa kế chẳng hạn, chỉ cần không làm rối loạn các điều lễ nghĩa, để trật tự trong vạn vật và do đó trật tự trong xã hội khỏi bị tiêu tan. Vì vậy, phạm vi các điều dân luật rất chật hẹp. Những điều liên quan đến nghĩa vụ hay khế ước chẳng hạn, đều không được đề cập tới; các vấn đề này thuộc phạm vi tập quán, tục lệ, tùy nơi thay đổi. Thản hoặc gặp trường hợp tranh chấp trong xã hội, thì đã có sự dàn xếp và uy quyền của các người gia trưởng, xã trưởng để giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề khó khăn.
d) Quan niệm “không muốn rối trật tự thiên nhiên” đã đưa xã hội ta đến quan niệm: “Dĩ hòa vi quý“, “một sự nhịn chín sự lành“. Trong xã hội cổ điển của ta, đức “nhượng” là đức tính của người hiền nhân quân tử; đức tính ấy đã xóa nhòa quan niệm “quyền lợi cá nhân” và đã khiến dân luật trong bao nhiêu thế kỷ không thể phát huy được ở Đông phương và ở Việt Nam.

ĐOẠN THỨ HAI
PHÊ BÌNH VỀ SỰ PHÂN BIỆT GIỮA HAI NGÀNH CÔNG PHÁP VÀ TƯ PHÁP

A. Biện minh sự giải thích
Để biện minh sự phân biệt giữa hai ngành công pháp và tư pháp, người ta đã nêu lên nhiều sự sai biệt:
1) Về chủ đích: Công pháp thỏa mãn quyền lợi công cộng, thí dụ việc thiết định hiến pháp. Còn tư pháp chỉ thỏa mãn các quyền lợi cá nhân như trong việc thuê nhà, mua bán v.v…
2) Về cá tính của mỗi ngành pháp luật: Công pháp qui định các quyền lợi công, vì vậy quốc gia qui định với tư cách chủ tể và công pháp có tính cách cưỡng chế (caractère impératif – tính chất bắt buộc). Trái lại: tư pháp qui định các quyền lợi cá nhân, cho nên chỉ có tính cách giải thích những ý chí của các đương sự. Thí dụ: Các điều luật về mua bán, vì chỉ biểu thị ý chí của người mua và người bán, cho nên không có tính cách cưỡng chế. Hai bên lập ước có thể minh thị không theo điều khoản ấy và ghi ở trong khế ước những điều khoản khác hẳn.
3) Về phương diện chế tài: Trong công pháp, quốc gia là chủ tể; sự chế tài, vì vậy, không được hoàn mỹ như trong ngành tư pháp. Hiện nay, không có một lực lượng quốc gia hay quốc tế nào có thể bắt buộc một quốc gia phải tuân theo một sự chế tài, nếu quốc gia ấy không thỏa thuận. Một thí dụ: trong cuộc chiến tranh Cao Ly, chính phủ Bắc Hàn tuy bị tổ chức Liên Hiệp quốc coi là đã xâm phạm Nam Hàn, song chính phủ Bắc Hàn cũng vẫn không tuân theo lời khuyến cáo cảu Liên Hiệp Quốc và hơn nữa, đã công nhiên chống lại quân đội các nước Hội viên của Tổ chức Liên Hiệp Quốc. Trái lại, trong ngành tư pháp, các sự chế tài rất rõ rệt. Khi Tòa án đã tuyên bố một bản án, người thua kiện phải tuân hành. Nếu họ cưỡng lại bản án, bên được kiện có thể yêu cầu công lực thi hành bản án, hoặc bằng cách sai áp tài sản, hoặc bằng cách xin câu lưu người thua kiện theo luật định.

B. Chỉ trích sự phân biệt
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa công pháp và tư pháp không tránh được sự chỉ trích. Sự phân biệt ấy có ba khuyết điểm.
1) Sự phân biệt thiếu minh bạch vì hai lẽ:
a) Thiếu minh bạch vì nhiều môn luật có thể được coi như thuộc về công pháp hoặc tư pháp, một cách không quyết định. Thí dụ: Luật tố tụng dân sự tuy là một ngành tư pháp, song có thể coi như ở trong phạm vi công pháp, vì tổ chức các tòa án có nghĩa là tổ chức một công vụ (un service public). Trái lại, luật hình nhiều khi có thể coi là một ngành trong tư pháp, vì chế tài các sự xâm phạm đến quyền lợi tư nhân. Thí dụ: Tội trộm phải bị trừng phạt, vi phạm vào quyền tư hữu của người khác.
b) Thiếu minh bạch vì trong nhiều trường hợp, một vấn đề có thể coi như vừa thuộc công pháp, vừa thuộc tư pháp. Thí dụ: Vấn đề quốc tịch vốn thuộc về thân trạng của người ta, có thể co như thuộc về hộ tịch, nghĩa là một vấn đề trong ngành tư pháp. Song vấn đề ấy cũng là một vấn đề thuộc công pháp quy định rõ ai là dân, ai có những quyền lợi công dân về các phương diện thuế khóa, binh dịch v.v… Các bộ dân luật Bắc và Trung cũng như bộ Dân luật Giản yếu ở Nam phần đều qui định quốc tịch nghĩa là coi vấn đề ấy thuộc về ngành tư pháp. Song ở Pháp, Tòa phá án Pháp từ năm 1921 đã coi vấn đề ấy có tính cách công pháp, và quan điểm này cũng được chấp nhận trong đạo luật ngày 10-8-1927 cùng sắc luật 19-10-1945 thường được gọi là bộ Luật Pháp tịch. Ở nước ta, vấn đề quốc tịch cũng được qui định ngoài khuôn khổ bộ Dân luật, với sự ban hành một bộ luật quốc tịch riêng biệt (Dụ số 10 ngày 7-12-1955). Như vậy, vấn đề quốc tịch cũng có thể coi là một vấn đề thuộc ngành công pháp và đã được tách riêng ra ngoài bộ Dân luật. Bộ Tân dân luật ban hành năm 1972 cũng không qui định về vấn đề quốc tịch. Ngoài thí dụ về quốc tịch, các vấn đề trách nhiệm dân sự thường coi là thuộc phạm vi Dân luật, song nhiều khi vì do một sự phạm pháp gây nên như đả thương chẳng hạn, vấn đề này cũng được coi như liên quan đến luật hình, nghĩa là ngành công pháp.
2) Phạm vi công pháp và tư pháp luôn luôn biến chuyển
a) Phạm vi công pháp được nới rộng hay thu hẹp lại tùy theo quan niệm xã hội hay quan niệm tự do được nhà lập pháp thừa nhận. Quan niệm tự do, dưới hình thức “Quốc gia cảnh sát” hay “Quốc gia Hiến binh” chủ trương cá nhân được hoàn toàn tự do trong mọi hoạt động. Quốc gia chỉ có nhiệm vụ giữ sự trị an trong nước. Nếu hoạt động của cá nhân không làm rối trị án, quốc gia không được can thiệp. Trái lại, với quan niệm xã hội, sự can thiệp của Quốc gia mỗi ngày một thêm nhiều và thêm mạnh. Thí dụ: Trong nền kinh tế chỉ huy, sự mua bán không còn tự do và chịu một quy định chặt chẽ. Ngay đến cả trong luật gia đình, nghĩa là ở trong một phạm vi thường không biết đến sự thâm nhập của quốc gia, sự can thiệp của quốc gia theo quan niệm xã hội cũng được coi là cần thiết để bảo vệ các trẻ vị thành niên phải giám hộ, và kiềm soát thân quyền hay quyền của cha mẹ đối với các con.
b) Trái lại, phạm vi ngành tư pháp cũng có khi xâm lăng sang phạm vi ngành công pháp. Theo kinh nghiệm, công pháp thường mượn các kỹ thuật của tư pháp. Gần đây, tại các nước Âu-Mỹ, nổi lên phong trào quốc hữu hóa các xí nghiệp thương mại và kỹ nghệ. Tuy thuộc quyền sở hữu của quốc gia, những xí nghiệp này vẫn được điều động theo nguyên tắc được rút ra ở trong ngành tư pháp. Thí dụ này chứng minh cụ thể rằng, giữa hai phạm vi tư pháp và công pháp, không có một ranh giới rõ rệt.
3) Những sai biệt mà người ta thường nêu lên giữa hai ngành công pháp và tư pháp đều không đích xác.
a) Về chủ đích, tư pháp cũng thỏa mãn những quyền lợi chung, và lợi ích công cộng như công pháp. Thí dụ: để có một quốc gia mạnh, đạo Khổng đã đặc biệt chú trọng đến sự tổ chức gia đình, dưới quyền của người gia trưởng. Hơn nữa, các điều khoản pháp luật liên quan đến các khế ước, tuy trọng quyền lợi tư nhân, song cũng không sao lãng quyền lợi quốc gia. Vì lẽ ấy, nhà làm luật phải tìm các biện pháp để tránh cho các kẻ yếu khỏi bị kẻ mạnh uy hiếp, như hạn chế tiền thuê nhà, hạn chế tiền lãi khi vay mượn, cải cách chế độ điền địa v.v…
Các quyền lợi chủ quan (droits subjectifs) dù thuộc về công pháp hay tư pháp, đều có thể coi là những nhiệm vụ xã hội. Người hưởng quyền lợi ấy phải coi như mình có một nhiệm vụ đối với xã hội. Quyền tư hữu chẳng hạn, không phải là một nguồn lợi hoàn toàn vị kỷ cho sở hữu chủ. Trái lại, sự sử dụng quyền ấy phải hướng về quyền lợi công cộng của cá đoàn thể xã hội. Người ta cần phải sử dụng quyền tư hữu ấy với những điều kiện nào để có công bằng xã hội? Vì thế, mới có những đạo luật về nhà cửa hạn chế quyền người chủ nhà hay truất hữu ruộng để phân phối cho người thực sự canh tác. Nói một cách khác, công pháp cũng như tư pháp chỉ là các qui tắc chi phối các hoạt động xã hội.
b) Về cá tính của mỗi ngành, nếu nói rằng chỉ riêng trong ngành công pháp mới có quyền chủ tể thì không đúng.
1) Trong tư pháp cũng có những quyền lực như: thân quyền (quyền của cha mẹ)
2) Trong công pháp, quốc gia không phải là một quyền chủ tể tuyệt đối. Các nhà cầm quyền cũng có nghĩa vụ đối với các công dân. Vượt ra ngoài giới hạn ấy là lạm quyền, dân có thể kiện được. Như vậy, các cơ quan Quốc gia cũng chỉ có quyền làm tròn những nhiệm vụ xã hội mà mình phụ trách.
c) Về sự chế tài, không phải là ngành công pháp thiếu hẳn các sự chế tài mạnh mẽ. Ta vừa nói tới các vụ kiện các cơ quan hành chính phạm lỗi. Ngoài ra tại các nước Âu-Mỹ, nhiều hiếp pháp còn dự liệu sự chế tài vị Tổng Thống hay Bộ trường trong những trường hợp đặc biệt, nếu các vị ấy đã phản quyền lợi quốc gia và dân tộc. Trong hai Hiến pháp Việt Nam, 1956 và 1967, thiên thứ sáu cũng trù liệu sự tổ chức Đặc biệt Pháp viện. Đặc biệt Pháp viện là một tòa án có thẩm quyền xét truất quyền của Tổng thống, Phó tổng thống, Thủ tướng, các Tổng Bộ trưởng, các thẩm phán tối cao pháp viện và các Giám sát viên, trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội.
**
*
Các sự chỉ trích trên đây đều có một phần đúng. Song ta không nên quên rằng ngoài những sự tương đồng về tiểu tiết, vẫn có một cái hố lớn chia ngăn hai ngành công pháp và tư pháp. Vốn chỉ áp dụng trong sự giao tế giữa cá nhân, ngành tư pháp là một ngành pháp luật hoàn toàn bình đẳng. Trái lại, trong các mối tương quan pháp luật thuộc về công pháp chi phối, ta nhận thấy giữa nhà chuyên trách, hay người thống trị và người thường dân hay người thống trị, một yếu kiện quan trọng: Riêng có người thống trị cầm quyền lực trong tay. Vì vậy ngành công pháp thấm nhuần tính cách bất bình đẳng; do tính cách bất bình đẳng này, luật cũng khác và tòa án, thủ tục tố tụng cũng khác; các sự chế tài đối với quốc gia cũng khó thi hành hơn đối với các cá nhân./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar