Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Phân loại tố quyền

PHÂN LOẠI TỐ QUYỀN 

Có rất nhiều loại quyền lợi phát sinh ra tố quyền. Có tố quyền yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải trả một cung khoản bằng tiền tài hay hiện vật, như bồi thường một số tiền, giao trả lại căn nhà do đã chiếm giữ bất hợp pháp. Có tố quyền lại chỉ yêu cầu tòa án buộc bị đơn giữ một thái độ thụ động hoặc không hành động, như không được lấn đất của nguyên đơn nữa. Bản án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn có thể ghi nhận sự hiện hữu một quyền lợi, một tình trạng pháp lý có từ trước, ví dụ tuyên bố nguyên đơn là người thừa kế, hoặc tuyên bố xử hủy hôn thú mà không xử phạt; hoặc tạo lập một tình trạng pháp lý mới như ly dị, phân chia tài sản, hoặc chỉ chấp nhận cho đương sự một phương sách tạm thời (biện pháp khẩn cấp tạm thời) như cho cấp dưỡng, bảo quản một đồ vật. Với các loại tố quyền mênh mông như thế, người ta cần phải phân chia các loại tố quyền để có cách hành xử hợp lý cho mỗi loại tố quyền. Theo truyền thống, người ta phân ra các tố quyền sau:
1. Tố quyền đối vật, đối nhân và hỗn hợp;
2. Tố quyền động sản và bất động sản;
3. Tố quyền sở hữu và chấp hữu;
4. Tố quyền căn cứ vào mục đích đơn thỉnh cầu và bản chất của phán quyết.

A. TỐ QUYỀN ĐỐI VẬT, ĐỐI NHÂN VÀ HỖN HỢP
1. Tố quyền đối nhân (actions personnelles): Là tố quyền theo đó một quyền đối nhân được hành sử. Quyền đối nhân là mối quan hệ pháp lý giữa hai người, như quyền giữa chủ nợ (trái chủ) với con nợ (phụ trái). Chủ nợ là nguyên đơn khởi kiện người thiếu nợ là bi đơn ra tòa là nguyên đơn đã hành xử tố quyền đối nhân, tức là quyền yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ và trách nhiêm trả nợ.
2. Tố quyền đối vật (actions réelles): Là tố quyền theo đó một quyền đối vật được hành sử. Quyền đối vật là quyền bao hàm ý kiến, uy lực của chủ quyền trên một vật, ví dụ như quyền sở hữu. Ví dụ: Chủ sở hữu bất động sản khởi kiện bị đơn ra tòa để đòi lại một bất động sản là người hành sử tố quyền đối vật.
3. Tố quyền hỗn hợp: Là tố quyền mà theo đó cả quyền đối vật và quyền đối nhân, xuất phát từ hành vi pháp lý sinh ra, được hành sử. Trong tố quyền hỗn hợp, nguyên đơn có thể nại ra cả hai quyền lợi đã do một tác vụ phát sinh. Ví dụ: Tố quyền hành sử để xin thi hành một khế ước chuyển dịch quyền sở hữu và đồng thời phát sinh ra một trái quyền. Tôi mua một căn nhà, ngôi nhà đó thuộc về tôi. Bây giờ gặp cản trở về quyền sở hữu của tôi thì tôi kiện chủ cũ để đòi tư cách chủ thể của quyền lợi – quyền sở hữu (tố quyền đối vật về quyền sở hữu). Chủ cũ lại có trách vụ giao nhà, nếu không thi hành như đã kết ước, tôi có thể hành sử trái quyền giao nạp, để buộc chủ cũ phải thực hiện trách vụ đó (tố quyền đối nhân).
4. Lợi ích của việc phân chia tố quyền:
a. Về phương diện thẩm quyền: Tố quyền đối nhân, tùy theo bản chất và sự quan trọng của món nợ, vụ việc có thể thuộc về thẩm quyền thụ lý của Tòa Hòa Giải hay Dân Sự hay Lao động, thương mại. Còn tố quyền đối vật nếu là bất động sản và liên hệ đến quyền sở hữu thì bắt buộc phải đem ra tòa dân sự để giải quyết. Cũng về phương diện thẩm quyền, tố quyền đối nhân phải do tòa án nơi bị đơn cư trú thụ lý; tố quyền đối vật là bất động sản phải do tòa án nơi có bất động sản tọa lạc giải quyết. Còn tố quyền hỗn hợp thì nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi tọa lạc bất động sản giải quyết.
b. Về phương diện tố tụng: Tố quyền đối nhân chỉ được đem đối kháng với người có liên hệ trách vụ với mình hay là đại diện hữu quyền của người đó mà thôi, vì đây là mối tương quan pháp lý giữa hai người. Trái lại, tố quyền đối vật có thể đem hành xử đối với tất cả mọi người trì thủ, nghĩa là đối với tất cả những ai đang nắm trong tay bất động sản đang bị tranh tụng. Quyền của chủ sở hữu đối với vật là quyền tuyệt đối, tức là quyền đối kháng với mọi người, buộc mọi người phải thừa nhận và tôn trọng quyền của chủ sở hữu. Tố quyền đối vật là bất động sản khác với tố quyền đối vật là động sản, vì theo Điều 2276 DLP, 525 DLT, 510 DLB đặt ra định lệ khác: “Đối với động sản, người chiếm hữu được coi là chủ sở hữu. Như vậy, tố quyền đối vật là động sản phải do tòa án nơi cư trú của bị đơn thụ lý giải quyết (động sản được coi là đặt để tại nơi cư trú của chủ sở hữu).

B. TỐ QUYỀN ĐỘNG SẢN VÀ TỐ QUYỀN BẤT ĐỘNG SẢN
1. Định nghĩa: Căn cứ trên đối tượng của quyền lợi, người ta phân chia thành tố quyền động sản và tố quyền bất động sản.
a. Tố quyền bất động sản là tố quyền có mục tiêu trực tiếp được cung cấp bởi một bất động sản. Ví dụ như đòi các quyền liên quan đến bất động sản, bao gồm:  1. Quyền sở hữu; 2. quyền dụng ích; 3. quyền cư ngụ và quyền hành dụng; 4. Quyền thuê trường kỳ; 5. Quyền địa dịch; Quyền thế chấp; 6. Quyền để đương;
b. Tố quyền động sản là tố quyền có mục tiêu trực tiếp được cung cấp bởi một động sản. Ví dụ như kiện đòi tài sản là một động sản do người khác chiếm giữ, như xe, tiền, vật, giấy tờ có giá, thì phải kiện nơi cư trú của bị đơn vì động sản là tài sản di chuyển theo ý chí của người chiếm giữ và được coi là gắn liền với nơi cư trú của người chiếm giữ.
c. Căn cứ để phân biệt hai loại tố quyền bất động sản với động sản là dự theo tiêu chuẩn của luật pháp về bất động sản và động sản: Từ Điều 517 đến Điều 536 DLP; Từ Điều 449 đến Điều 457 DLB); Từ Điều 363 đến Điều 373 BDL 1972. Đối với trách vụ phải làm hoặc không được làm, dù liên đến động sản hay bất động sản đều thuốc tố quyền động sản. Ví dụ: Trách vụ của nhà thầu xây nhà là trách vụ động sản. Các trách vụ không được luật liệt kê vào bất động sản đều được coi là trách vụ động sản.
2. Lợi ích của sự phân loại tố quyền động sản và bất động sản:
a. Về phương diện năng lực: Các nhà lập pháp coi trọng về bất động sản cho nên đặc biệt lưu ý về tố quyền bất động sản. Còn động sản, thường là có giá trị nhỏ, kém quan trọng hơn, cho phép người giám hộ được hành xử tố quyền động sản như một động tác thuộc về quyền quản trị tài sản của vị thành niên, nhưng nếu người giám hộ hành sử tố quyền bất động sản thì phải được phép của Hội đồng gia tộc.
b. Về phương diện thẩm quyền: Nhà làm luật lấy giá ngạch khác nhau để ấn định tòa án nào có quyền đứng ra xét xử: Đối với động sản thì thì lấy số tiền làm mức, ví dụ như dưới 450$ thì phải kiện ra Tòa Hòa giải, còn từ mức đó trở lên thì đưa ra Tòa Sơ Thẩm. Còn đối với tố quyền bất động sản thì lấy hoa lợi của nhà đất tranh tụng làm căn bản (Điều 48 Sắc lệnh ngày 16-02-2021 tại Nam Kỳ).
3. Kết quả của sự phối hợp hai phân loại A và B: Phối hợp hai cách phân loại A và B vừa kể trên, chúng ta có 4 loại tố quyền gồm 2 tố quyền đối vật và 2 tố quyền đối nhân.
a. Tố quyền đối vật bất động sản là tố quyền để hành sử quyền đối vật trên một bất động sản;
b. Tố quyền đối vật trên một động sản là tố quyền hành sủ đối vật trên một động sản.
c. Tố quyền đối nhân bất động sản là tố quyền dùng để hành sử về quyền đối nhân trên một bất động sản;
d. Tố quyền đối nhân trên động sản được dùng để hành sử về quyền đối nhan trên bất động sản.
Trong 4 loại tố quyền nêu trên thì tố quyền đối vật bất động sản là đáng lưu ý nhất, vì tố quyền này phát sinh ra cách phân loại tố quyền thứ ba: Tố quyền sở hữu và tố quyền chấp hữu.

C. TỐ QUYỀN SỞ HỮU VÀ TỐ QUYỀN CHẤP HỮU 

Trong dân luật, quyền sở hữu (droit de propriété) khác với quyền chấp hữu (possession – chiếm hữu). Sở hữu là một quyền phát sinh ra các hậu quả pháp lý trọng đại, được các bộ dân luật quy định tỉ mỉ, làm nổi bật tính cách tư hữu của chế độ tư bản trong hệ thống pháp luật phương Tây và được ghi nhận vào các bản Hiến pháp của các quốc gia dân chủ. Chấp hữu chỉ là sự kiện vật chất, một tình trạng của biểu hiện quyền lợi, mà cũng còn được coi như “một thành trì xây nơi tiền tuyến để bảo vệ quyền sở hữu”. Sở hữu và chấp hữu là hai khái niệm khác nhau. Dân Luật Trung (DLT) dịch possession là quyền nghiệp chủ, còn trong đời sống hàng ngày, người ta gọi là sở hữu chủ. Tương xứng với hai khái niệm về sở hữu và chấp hữu nói trên, có hai tố quyền được gọi là tố quyền sở hữu và tố quyền chấp hữu.

1. Tố quyền sở hữu: Là tố quyền nhằm che chở quyền sở hữu bất động sản hoặc các quyền đối vật bất động sản khác, như quyền hưởng dụng hoa lợi, địa dịch, sử dụng, quyền ở – tức là quyền cư trú. Tố quyền này có mục đích làm cho quyền sở hữu hay quyền đối vật của chủ nhân hay chủ quyền được tôn trọng, mỗi khi bị người khác không kể đến (họ coi như vô chủ) hoặc họ xâm phạm.

2. Tố quyền chấp hữu: Là tố quyền che chở cho sự chấp hữu các quyền đối vật nói trên. Tố quyền này có mục đích làm cho kẻ chiếm cứ các bất động sản hoặc quyền lợi đối vật bất động sản hội đủ điều kiện luật định cũng được bảo đảm về mặt an ninh và có phương tiện để chấm dứt mọi sự quấy rối.

Tố quyền sở hữu liên quan đến nội dung quyền sở hữu; tố quyền chấp hữu chỉ bảo vệ một sự kiện vật chất. Sự phân loại tố quyền theo cách thứ ba này, thực ra chỉ là một chi nhánh của tố quyền đối vật bất động sản. Về động sản thì ta không thể phân ra thành tố quyền sở hữu và tố quyền chấp hữu, vì theo 510 DLB; 525 DLT và 2276 DLP thì “Về động sản, người chiếm hữu được coi là chủ sở hữu”, có thể đem ra để đối kháng với bất cứ ai. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, chủ sở hữu bị mất mát, bị trộm cắp; chủ sở hữu hoặc người chấp hữu (chủ nợ cầm cố hay người thuê mướn đồ vật) mới có thể hành xử về tố quyền sách hoàn về quyền sở hữu hoặc quyền chấp hữu, do quyền truy tùy mà ra. Chỉ trong trường hợp đặc biệt này mới có thể phân ra tố quyền sở hữu và tố quyền chấp hữu đối với động sản.

3. Lợi ích của việc phân chia tố quyền sở hữu và chấp hữu: Sự phân chia này có nhiều tiện lợi để chúng ta hành sử quyền tố tụng về phương diện năng lực và thẩm quyền.

a. Về phương diện năng lực: Tố quyền chấp hữu chỉ nhằm bảo vệ một sự kiện vật chất để ngăn ngừa sự náo động đối ngoại để cho người chiếm hữu được an hưởng chứ không trực tiếp xét đến quyền lợi của chủ sở hữu. Vì vậy, những người quản trị (như người giám hộ) có thể hành sử tố quyền chiếm hữu, còn tố quyền sở hữu liên hệ đến sự hiện hữu của một quyền đối vật bất động sản là một vấn đề liên quan đến nội dung quyền sở hữu. Vì thế, người giám hộ vị thành niên, người quản lý, có thể sử dụng tố quyền chấp hữu bất động sản, nhưng không thể sử dụng tố quyền sở hữu bất động sản.

b. Về phương diện thẩm quyền: Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tố quyền chấp hữu và tố quyền sở hữu đều thuộc thẩm quyền của tòa sơ thẩm hoăc Tòa Hòa giải Rộng quyền thụ lý, nhưng tại Nam Kỳ thì tố quyền chấp hữu bất động sản thuộc quyền chuyên biệt của Tòa Hòa Giải, còn tố quyền sở hữu bất động sản thì do Tòa sơ thẩm hoặc Tòa Hòa Giải Rộng Quyền thụ lý giải quyết.

4. Căn nguyên của tố quyền chấp hữu: Tại sao có những tố quyền chỉ để bảo vệ một tình trạng hoàn toàn vật chất, đó là sự chấp hữu (chiếm hữu)? Các luật gia đưa ra hai lý lẽ để biện minh cho tố quyền chấp hữu:

a. Sự che chở cho người chấp hữu thực ra chỉ là cách bảo vệ sở hữu chủ chính thức. Sự chấp hữu là một tình trạng vật chất nhưng cũng biểu hiện một trạng thái quyền lợi. Nếu bảo đảm hữu hiệu quyền chấp hữu thì quyền tư hữu sẽ được tôn trọng và bảo vệ. Sở hữu chủ, trong vụ kiện về chấp hữu, không phải chứng minh về quyền sở hữu của mình, mà chỉ phải dẫn chứng sự kiện chấp hữu, dễ dàng hơn nhiều so với việc chứng minh quyền sở hữu.

b. Sự che chở cho người chấp hữu còn được giải thích như một nhu cầu của trật tự công cộng và an ninh xã hội. Kẻ chấp hữu có một tình trạng vật chất biểu hiện một quyền lợi; sự kiện đó phải được tôn trọng, không thể để cho người khác tự cho mình có quyền hơn người chấp hữu, rồi quấy rối bằng lối tự xử lấy, và tìm cách loại trừ người đã chấp chiếm từ trước. Giáo sư Cuche đã nói: “Tố quyền để cho người chấp hữu sử dụng không căn cứ vào một ý tưởng thiện cảm với người chấp hữu, mà căn cứ vào một ý tưởng ác cảm với kẻ đem đến sự hỗn độn”.

5. Các tố quyền chấp hữu: Có ba loại tố quyền chấp hữu là tố quyền chấp hữu cáo tố, tố quyền chấp hữu tố giác tân tạo và tố quyền phục hồi chấp hữu.

a. Tố quyền chấp hữu cáo tố: Là tố quyền để cho một người chấp hữu bất động sản sử dụng trong lúc sự chiếm cứ của người chấp hữu bị kẻ khác làm náo động. Sự náo động này phải được hiểu theo nghĩa như sự biểu lộ một yêu sách về quyền lợi trên tài sản. Chẳng hạn như người hàng xóm đi nhờ trên đất của người chấp hữu, lại tự cho rằng mình có quyền địa dich vãng lai; như vậy là náo động sự chấp hữu. Người chấp hữu có quyền khởi kiện chấp hữu cáo tố để cấm không cho người hàng xóm đi qua lối đi đó nữa. Trường hợp người hàng xóm hoặc kẻ săn bắn chim chỉ gây ra sự gãy đổ cây cối thì không được coi là làm náo động về quyền chấp hữu, người chấp hữu chỉ có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoại khế ước chứ không thể chấp hữu cáo tố.

b. Tố quyền tố giác tân tạo: Là tố quyền dùng để ngăn chặn một sự hỗn độn vị lai, tuy chưa xảy ra, nhưng lâm thời có thể xảy ra. Tố quyền này khác với tố quyền chấp hữu cáo tố ở chỗ không có sự náo động hiện tại. Ví dụ người láng giềng xây cất nhà kế bên, xây tường có chừa lỗ trống, sắp làm cửa sổ, có thể nhòm sang thư phòng nhà bên, mà không chừa đủ khoảng cách xa do luật pháp ấn định. Người chấp hữu bất động sản có quyền cáo tố sự tân tạo này để ngăn chặn, không cho người láng giềng mở cửa sổ.

c. Tố quyền phục hồi chấp hữu: Khác với hai trường hợp đang xảy ra và sắp xảy ra, là một tố quyền dùng để sửa chữa sự việc đã xảy ra rồi: Người chấp hữu bị kẻ khác tước đoạt sự chiếm cứ, nay cần phải lập lại tình trạng cũ, phải cho phục hồi sự chấp hữu. Ví dụ: Ruộng đang làm, bỗng dưng bị người khác cày lấn qua, đất vườn bị rào lấn sang là những động gây rối loạn, cho phép người bị tước hữu hành sử tố quyền xin phục hồi sự chiếm cứ của người chấp hữu.

6. Định lệ thuộc các tố quyền chấp hữu: Về những định lệ chung liên quan đến thẩm quyền và năng lực đã được xem xét ở mục 3 nêu trên. Dưới đây ta chỉ khảo sát các điểm liên quan đến thời hạn và bất khả kiêm sử giữa hai tố quyền chấp hữu và tố quyền sở hữu, sau đó đề cập đến những định lệ riêng biệt cho mỗi loại tố quyền.a. Về phương diện thời hạn: Tố quyền chấp hữu phải được hành sử trong (01) một năm kể từ ngày có sự kiện phát sinh, nghĩa là trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bị náo động hoặc bị tước hữu (Điều 29 Dân sự tố tụng Pháp, Điều 29 Nghị định 7-3-1924). Nhà lập pháp đã ước đoán rằng, nếu để quá 01 năm mà không hành xử tố quyền thì ắt hẳn là sự náo động không còn quan trọng và trật tự hết rối loạn hoặc mức độ khẩn cấp không còn nữa. Người chấp hữu chỉ còn một cách là đi kiện để bảo vệ quyền sở hữu của mình mà thôi. Trong trường hợp có sự náo loạn liên tiếp, án lệ cũng định rằng thời hạn 01 năm tính từ sự kiện rối loạn đầu tiên, vì tố quyền khai phát từ ngày đầu tiên, nhưng người chấp hữu không kiện thì coi như không có sự náo loạn sự chấp hữu.b. Về nguyên tắc bất khả kiêm sử hai tố quyền: Nguyên tắc bất khả kiêm sử cùng một lúc hai tố quyền sở hữu và chấp hữu đã được quy định tại Điều 25 DSTT Pháp. Định lệ bất khả kiêm sử đồng thời hai tố quyền vì lẽ hai tố quyền này liên hệ đến hai nội dung khác biệt nhau: Một đằng chỉ cốt bảo vệ sự an nhàn của người chấp hữu, còn một đằng thì phải xem xét kỹ về nội dung quyền sở hữu; thẩm phán và người đi kiện không được xáo trộn lẫn lộn hai vấn đề về nội dung này.b1: Đối với tòa án: Định lệ được áp dụng cho tòa án trong lúc dẫn chứng cũng như trong bản phán quyết. Luật muốn việc xuất chứng chỉ liên hệ đến sự kiện chấp hữu thôi, chứ không thể lấn sang vấn đề pháp lý về quyền sở hữu. Người hành sử tố quyền chấp hữu, dù có là chủ sở hữu đi chăng nữa và xuất trình với tòa án văn tự sở hữu bất động sản, thì tòa án cũng chỉ được đứng về phương diện chấp hữu mà xem xét tình trạng này có đáng được bảo vệ hay không; văn tự, nếu có, cũng chỉ có thể được xét để làm đậm thêm cho sự chấp hữu, để xác định tính cách luật định của tình trạng này. Trong bản án cũng vậy, thẩm phán không được sử dụng cả hai tố quyền, nghĩa là không được xét nội dung quyền sở hữu. Trong phần phán quyết chủ văn, triệt để cấm không được tham chiếu đến các điều khoản dân luật làm bộc lộ tính cách sở hữu của người chiếm hữu.b2: Đối với hai bên đương sự:– Về phần nguyên đơn, nếu đã kiện đòi quyền sở hữu, thì không thể kiện đòi quyền chấp hữu. Trong hai quyền, nếu đã chọn một thì thôi, dù cho con đường đi kia có cơ đem lại sự đắc thắng cũng không được dùng nữa (Điều 26 DSTT Pháp). Sự bắt buộc phải lựa chọn một đường lối, sau này không được thay đổi, làm nhiều người giải thích như là đã áp dụng nguyên tắc “Una electa via non datur recursus ad alteram”, khi nói đến cách sử dụng quyền công tố hoặc quyền tư tố trong luật hình sự. Nhưng sự thật không phải như vậy. Ở đây, hai tố quyền sở hữu và chấp hữu có hai đối tượng hoàn toàn khác nhau, không như trong thủ tục quyền công tố và quyền tư tố, tuy hai thủ tục khác nhau nhưng đều nhằm một kết quả. Nguyên đơn xin xử về quyền sở hữu tất đã mặc nhiên công nhận quyền chấp hữu của đối phương, vì vậy nên không thể theo con đường này nữa. Luật cấm vì lẽ đó. Theo án lệ thì nguyên đơn sau khi đã kiện đòi được quyền sở hữu rồi, mà sau này nếu xảy ra sự rối loạn thì tất nhiên nguyên đơn vẫn có quyền hành sử quyền chấp hữu.– Về phía bị đơn: Người tự cho rằng mình có quyền đã, đang và sắp sẽ xâm phạm đến sự chấp hữu, và bị kiện ra tòa trong các tố quyền chấp hữu, thì người này phải đợi vụ tranh tụng về chấp hữu phán xử xong rồi mới có thể vào đơn khởi kiện về quyền sở hữu được (Điều 27 DSTTP). Không những bị đơn phải đợi cho xử xong quyền chấp hữu, lại còn phải tuân theo phán quyết xử phạt y trong vụ kiện về chấp hữu nữa.D. ĐỊNH LỆ RIÊNG CHO 3 TỐ QUYỀN CHẤP HỮUĐối với mỗi tố quyền, có những định lệ riêng về bản chất sự náo động, thời gian chấp hữu và danh nghĩa của sự chấp hữu.1. Điều kiện riêng cho tố quyền chấp hữu cáo tố: Ngoài điều kiện chung cho cả ba tố quyền, riêng về tố quyền chấp hữu cáo tố, lại còn phải thêm các điều kiện sau đây mới hành sử được tố quyền:a. Sự náo động phải hiện tại, nghĩa là, thực sự đã hiển hiện làm thiệt hại cho người chiếm cứ bất động sản. Sự náo động này có tính cách vật chất, ví dụ như đi quan đất của người khác mà không có quyền địa dịch, hoặc có thể có tính cách pháp lý, như không phải đất của mình cho mướn nhưng lại đưa giấy đòi tiền thuê. Hai thể thức phá rối trên có thể trực tiếp hay gián tiếp cấu thành hoặc bao hàm sở vọng tương phản với sự chấp hữu.b. Sự chấp hữu phải kế tục ít nhất một năm: Muốn có được tố quyền chấp hữu che chở thì người chấp hữu phải chấp hữu liên tục ít nhất một năm. Không nên lầm lẫn thời gian chấp hữu ít nhất một năm với thời gian hành sử tố quyền chấp hữu trong vòng một năm kể từ ngày xảy ra sự náo động. Thời gian một năm ở đây tương tự thời gian thủ đắc quyền sở hữu bất động sản (Thủ đắc thời hiệu bất động sản 10 năm đến 20 năm nếu có giấy tờ hợp lệ và thanh ý, 30 năm nếu chiếm cứ vô quyền).c. Sự chấp hữu phải công khai, liên tục, công nhiên, bất khả nghi, bình yên với danh nghĩa là sở hữu chủ: Nếu khiếm khuyết một trong các yếu tố này, vốn là những điều kiện cần để thủ đắc quyền sở hữu theo quy định tại Điều 2261 BLDS Pháp thì không thể hành sử tố quyền chấp hữu cáo tố được. Ví dụ: Sự chấp hữu đất công sản là đất không bao giờ người chấp hữu có thể thành sở hữu chủ được. Sự chấp hữu của người thuê, của tá điền vì lẽ các người này không bao giờ có thể có danh hiệu là chủ sở hữu nên không có tố quyền chấp hữu cáo tố.2. Điều kiện riêng cho tố quyền tố giác tân tạo:Về các điều kiện chiếm hữu ít nhất một năm và chiếm hữu thỏa mãn điều kiện theo quy định tại Điều 2261 BLDS Pháp thì tố quyền chấp hữu tố giác tân tạo cũng giống y như tố quyền chấp hữu cáo tố. Nhưng đến yếu tố thứ ba là sự náo động thì khác hẳn vì sự rối loạn trong tố quyền tố giác tân tạo chưa xảy ra mà chỉ có tính cách vị lai. Ví dụ việc xây nhà, chỉ mới lên khung cửa sổ, dù chưa làm thiệt hại cho người hàng xóm nhưng họ cũng có quyền đi kiện rồi. Đây là biệt lệ đối với nguyên tắc tổng quát buộc phải có một lợi ích đã phát sinh và hiện tại trong thường luật mới có quyền đi kiện. Tuy nhiên, không phải bất cứ viễn tượng một sự rối loạn trong tương lai nào cũng là duyên cớ để đi kiện. Muốn sử dụng tố quyền tố giác tân tạo, sự hỗn loạn phải có đặc tính sau đây:– Công tác xây cất gây ra sự hỗn độn phải được kiến tạo ngay trên phần đất của bị đơn; nếu có sự xâm phạm hẳn vào phần đất của nguyên đơn, thì sự hỗn độn đã trở thành hiện tại, mà người chấp hữu phải kiện về chấp hữu cáo tố hay phục hồi chấp hữu, chứ không thể dùng tố quyền tố giác tân tạo được.– Tố quyền tố giác tân tạo nếu có kết quả, cũng như các tố quyền khác, làm chấm dứt sự hỗn độn. Nếu thắng kiện, không cần có sự triệt hạ kiến trúc, chỉ cần có sự ngưng công tác cũng có thể làm cho nguyên đơn hài lòng rồi.3. Điều kiện riêng cho tố quyền phục hồi chấp hữu: Tố quyền phục hồi chấp hữu có sự khác biệt sâu sắc với hai tố quyền trước, tố quyền chấp hữu cáo tố và tố quyền tố giác tân tạo, về cả 3 điểm là bản chất náo động, thời gian và danh nghĩa chấp hữu.a. Về sự náo động: Theo định nghĩa tố quyền phục hồi, không phải hiện tại như chấp hữu cáo tố, hay vị lai như tố giác tân tạo, mà là sự tước hữu đã xảy ra rồi, cần phải sửa chữa bằng cách lập lại tình trạng cũ. Sự tước đoạt chấp hữu vừa nói là do sự bạo hành mà ra. Ví dụ người chấp hữu để cày bừa trên một thửa ruộng, bị người khác tư con như có quyền trên bất động, sản đem bỏ cày bừa ra nơi khác; hoặc một người vẫn thường sử dụng lối đi này về nhà, bỗng dưng bị một hàng rào ngăn cản lưu thông. Cả hai nạn nhân trong trường hợp này đều bị tước đoạt quyền chấp hữu do bạo hành theo nghĩa của án lệ, có quyền hành sử tố quyền xin phục hồi chấp hữu.b. Về thời gian 01 năm chấp hữu: Khác với tố quyền chấp hữu cáo tố và chấp hữu tố giác tân tạo, thời hạn chấp hữu một năm là không cần thiết đối với tố quyền phục hồi chấp hữu. Học lý và án lệ đều cho rằng, tố quyền phục hồi có tác dụng để sửa chữa một sự quấy rối quan trọng, được căn cứ trên nền tảng an ninh xã hội. Theo các luật gia Aubry và Rau thì “Tố quyền được phép hành sử để sửa chữa một điều phi pháp trái với hòa bình công cộng hơn là để bảo đảm và bảo tồn sự chấp hữu”.c. Về danh nghĩa sự chấp hữu: Đối với danh nghĩa chấp hữu, án lệ cũng không buộc phải theo đúng và đủ các yếu tố chấp hữu ấn định tại Điều 2261 BLDS Pháp “Để có thể hưởng thời hiệu thì việc chiếm hữu phải liên tục và không gián đoạn, phải ổn định, công khai, minh bạch và được thực hiện với danh nghĩa là chủ sở hữu”, như trường hợp tố quyền cáo tố và tố quyền tố giác tân tạo. Ở đây không cần phải hội đủ các trường hợp khả dĩ làm cho người chấp hữu có thể trở thành chủ sở hữu sau này. Nguyên đơn chỉ cần có môt sự chấp hữu bình yên, công nhiên là đủ. Do vậy, những tá điền, người thuê mướn, chỉ có tư cách chiếm giữ, không thể hành sử tố quyền cáo tố và tố quyền tố giác tân tạo – Vẫn có quyền kiện để yêu cầu phục hồi, mỗi khi bị tước đoạt – một hành vi làm xáo trộn trật tự an ninh công cộng. Theo lý, tố quyền của tá điền, người thuê mướn đất chỉ có quyền kiện đệ tam nhân (người thứ ba), chứ không có tố quyền với danh nghĩa chấp hữu để kiện chủ ruộng, chủ nhà đã ký hợp đồng cho thuê, vì trong trường hợp này các bên đã có hợp đồng thì tố quyền có tính cách đối nhân, phải kiện người cộng ước đòi thi hành hợp đồng, phục hồi. Tóm lại là, tố quyền phục hồi chỉ có thể sử dụng giữa các bên không dính líu đến hợp đồng; nếu đã có khế ước thì phải hành sử tố quyền đối nhân để buộc người cộng ước thi hành hợp đồng đã ký kết./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar