Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

71. Cú Chạm Giá Của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn.

Hỏi xong phần Printing Shop, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn chuyển sang hỏi về hành vi lừa giá. Ông hỏi tôi:
– Ông căn cứ vào đâu mà cho rằng ông bị lừa về giá?
– Dạ thưa! Tôi căn cứ vào cam kết của Konica Minolta Việt Nam (KMV) bán cho tôi giá rẻ hơn 20% giá thị trường vì tôi là người mua chiếc máy C1100 đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng vào tháng 7/2015 thì tôi phát hiện họ lừa tôi. Tôi đã thu tập 7 phiếu báo giá gian dối của KMV và các đại lý của họ. Tôi đã dùng Công ty in 474 do tôi làm chủ để mua chiếc máy C1100 từ Công ty STS – một đại lý ủy quyền khác của KMV với giá 1,289 tỉ đồng để làm đối chứng. Hai chiếc máy C1100 này lệch giá nhau đến 2,1 tỉ đồng. Các phiếu báo giá gian dối này, tôi đã nộp cho tòa.
– Cụ thể là những phiếu báo giá nào?
– Dạ! Tất cả đều đã nộp cho tòa án cấp sơ thẩm. Đó là hai phiếu báo giá số 128 ngày 14/10/2014 và phiếu báo giá số 97 ngày 16/7/2015 của Sao Nam; hai phiếu báo giá của KMV ngày 20/7/2015 và ngày 23/7/2015; hai phiếu báo giá của STS và một báo giá của Công ty Sao Nam An.
– Ông căn cứ vào qui định nào của pháp luật để cho rằng họ đã vi phạm, từ đó ông bị lừa về giá?
– Dạ căn cứ vào điều 6, điều 12 của Luật Giá. Họ đã không công khai giá, không niêm yết giá.
– Luật gì? Chủ tọa hỏi lại tôi.
– Dạ thưa! Luật Giá.
Hỏi tôi đến đây thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn xoay sang hỏi đại diện KMV. Vừa giở đến trang 2 Hợp Đồng Nhà Phân Phối, ông hỏi:
– “Giá của sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất sử dụng trên toàn quốc” thì bên A là bên nào?
– Dạ, bên A là KMV. Đại diện KMV trả lời sau một hồi ấp úng.
– Giá bán máy C1100 cho Saigonbook hình thành trên cơ sở nào?
KMV chỉ đưa ra giá bán lẻ đề nghị là 3,8 tỉ. Từ đó Sao Nam bán cho khách hàng không được cao hơn giá bán lẻ đề nghị.
– Tại sao có sự chênh lệch giá đến 1,873 tỉ đồng trong một khoảng thời gian 9 tháng?
– Do sự thay đổi của công nghệ, của thị trường. Đại diện KMV ấp úng trả lời.
– Cụ thể là công nghệ gì? Thị trường gì? Phải trả lời cho rõ.
Đại diện KMV ấp úng không trả lời được câu hỏi . Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn từ tốn nói: “Thay đổi do yếu tố nào phải làm cho rõ vì đây là chênh lệch bất hợp lý đã được cấp giám đốc thẩm yêu cầu làm rõ”. Nói đến đây, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn quay sang mời tôi đứng lên và hỏi:
– Ông có trình bày là KMV nhập khẩu 2 chiếc máy C1100 vào Việt Nam cùng một thời điểm, một chiếc bán cho ông với giá 3,4 tỉ đồng, một chiếc khác thì bán cho In Hồ Gươm giá 1,7 tỉ đồng thì ông có tài liệu gì chứng minh không?
– Dạ ! Thưa hội đồng xét xử ! Trong bộ hồ sơ nhập khẩu mà tôi đã nộp cho tòa, có thể hiện KMV nhập khẩu 2 chiếc máy C1100.
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn lật tìm trong hồ sơ một lát nhưng chưa tìm thấy thì ông nói:
– Ông có mang theo tờ khai nhập khẩu đó không?
– Dạ có. Tôi lục lấy bộ hồ sơ nhập khẩu rồi tiến đến chỗ ngồi của thư ký, nhờ thư ký chuyển cho chủ tọa.
Xem lướt qua tờ khai nhập khẩu, ông cố ý tìm thông tin nhập khẩu hai chiếc máy C1100 rồi ông hỏi tôi:
– Chỗ nào thể hiện nhập khẩu 2 chiếc máy C1100?
– Dạ ! Vừa nói tôi vừa đi lên bàn của ông, lật tờ khai nhập khẩu chỉ đúng chỗ thể hiện hai chiếc máy C1100 đã được tôi đánh dấu bằng bút đỏ.
Xem xong tờ khai nhập khẩu, một lát thì ông giao thư ký chuyển trả lại cho tôi. Ông hỏi tiếp:
– Ông có thể nhờ In Hồ Gươm xác nhận cho ông là họ đã mua máy C1100 giá 1,7 tỉ không?
– Dạ! Không. Rất khó vì In Hồ Gươm còn làm ăn với KMV. Họ ngại. Nhưng mà tôi đã yêu cầu KMV cung cấp giải trình về giá bán các máy in C1100 nhưng họ từ chối. Tôi cũng đã yêu cầu tòa án cấp sơ thẩm thu thập tài liệu ở chỗ KMV nhưng tòa án đã không làm.
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn xoay sang hỏi đại diện KMV về hai chiếc máy C1100 nhập khẩu cùng một thời điểm này đã bán như thế nào. Đại diện theo ủy quyền của KMV đã không trả lời được và họ xin khất lại để hỏi những người đã ủy quyền cho họ.
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã nhắc KMV chuẩn bị tài liệu để nộp bổ sung và giải trình cho tòa. Ông cũng nhắc nhở các đương sự, khi nộp tài liệu cho tòa thì nhớ sao gửi cho các đương sự và đại diện Viện Kiểm Sát. Nói rồi, ông chuyển sang hỏi về Click Charge.
Ngay lúc đó, tôi đã hình dung là phiên tòa sẽ phải tạm ngừng theo điều 259.c Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự để các bên bổ sung tài liệu và giải trình. Sau phiên tòa, tôi có gọi điện cho anh Nguyễn Trí Hùng, Giám đốc Công ty In Hồ Gươm, nhờ anh ký văn bản làm chứng, xác nhận là anh có mua chiếc máy C1100 với giá 1,7 tỉ đồng nhưng anh ngại, không xác nhận vì còn đang làm ăn với Koncia Minolta.
Thực ra, những yêu cầu của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn hôm nay là một phần những gì mà tôi đã yêu cầu thẩm phán Phù Quốc Tuấn phải làm từ cấp sơ thẩm. Tại biên bản hòa giải không thành ngày 01/03/2016, mục 4 – trang 2 có ghi:
“4. Saigonbook đề nghị Tòa án buộc Sao NamKMV cung cấp các chứng cứ sau:
– Đề nghị tòa án Yêu cầu KMV cung cấp tài liệu thể hiện chính sách giá, chính sách bảo hành, hỗ trợ khuyến mại của năm 2014 và năm 2015 theo qui định tại Hợp Đồng Nhà Phân Phối số KM-SAELES14-003 giữa KMVSao Nam. Đề nghị cung cấp tài liệu qui định về dịch vụ Click Charge đối với máy C1100 và 1085.
– Để nghị tòa yêu cầu KMV giải trình giá nhập khẩu hai máy C1100 đang hiện hữu tại trụ sở Saionbook theo số sê-ri A5AW041000008 và số Sê-ri A5AW041000043; Kèm giải trình này là bộ hồ sơ nhập khẩu có đầy đủ số liệu liên quan đến hai máy C1100 này gồm: Hợp đồng thương mại (Contract), Hóa đơn thương mại ((Commercial Invoice), Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan)..
– Đề nghị Tòa yêu cầu KMV giải trình so sánh về tính năng kỹ thuật, vật tư phụ tùng thay thế của hai máy C1100C1085, đồng thời cung cấp hồ sơ nhập khẩu máy C1085 năm 2014 và năm 2015 trùng với thời gian mua bán hai máy C1100.
– Đề nghị Tòa án yêu cầu Sao Nam xuất trình Giấy Chứng Nhận Nhà Phân Phối của Konica Minolta.
– Đề nghị Tòa án yêu cầu Sao Nam xuất trình hợp đồng mua bán máy in C1100 số sê-ri A5AW041000008 giữa Sao NamKMV, các hóa đơn xuất bán máy C1100 của KMV cho Sao Nam.
– Đề nghị Tòa án yêu cầu Sao Nam xuất trình Phiếu bảo hành máy C1100 số sê-ri A5AW041000008 và tài liệu thể hiện thủ tục đăng ký bảo hành với Konica Minolta”.
Các đề nghị của tôi trên đây là cần thiết và đúng pháp luật nhưng Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã không làm. Thay vào đó, ông ta đã đưa vào hồ sơ một loạt tài liệu bất hợp pháp, có lợi cho Konica Minolta, để ra một bản án trái pháp luật, tạo bước đệm cho Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh “xuống đao đóng nắp quan tài” – chôn vùi vĩnh viễn vụ chiếc máy in này vào dĩ vãng. Theo qui đình tại điều 92.2 BLTTDS thì “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”. Nghĩa là, KMVSao Nam phải giao nộp cho tòa tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối của họ nhưng họ đã không làm vì có sự giúp sức của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn và Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh. Hậu quả là hội đồng xét xử phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã phải tạm ngừng phiên tòa để “bổ sung thu thập tài liệu, chứng cứ” mà lẽ ra, phải làm rõ ngay từ cấp sơ thẩm, cách đây gần 6 năm./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar