Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

73. Khi Thế Giới Chỉ Có Một Người Đàn Bà.

Hội đồng xét xử, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã dành sự quan tâm đặc biệt “Về click charge” đã được nêu trong quyết định giám đốc thẩm. Vì ngoài các câu hỏi của Chủ tọa – Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, còn có câu hỏi của thành viên hội đồng xét xử là bà Thẩm phán Hoàng Thi Bích Thảo. Mở đầu phần Click Charge, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nói:
– Mời nguyên đơn. Click Charge được hiểu như thế nào?
– Thưa hội đồng xét xử! Click Charge là phần thương mại, dịch vụ kỹ thuật tiếp diễn sau khi lắp đặt máy.
– Tức là, trong suốt quá trình sử dụng máy phải không?
– Dạ ! Trong suốt quá trình sử dụng máy. Nó là phần thương mại và dịch vụ tiếp diễn như quyết định giám đốc thẩm đã khẳng định.
– Thế thì cái hiểu này có dựa trên cái văn bản nào không, cơ sở nào hoặc qui định nào không. Hay là mình chỉ hiểu thôi?
– Thưa hội đồng xét xử ! Hiểu là hiểu trên cơ sở tìm hiểu các đơn vị in kỹ thuật số và các hợp đồng mua máy nằm trong 19 tài liệu đã gửi cho hội đồng xét xử, trong đó, có hợp đồng mua máy của STS – một đại lý khác của KMV. Hiểu là hiểu trên cơ sở là sau khi mọi việc đã diễn ra rồi, các bên ngồi lại với nhau…
– Thực tế diễn ra mình hiểu như vầy? – Chủ tọa hỏi cắt ngang.
– À! Thực tế diễn ra hiểu như vậy. Vì cái này nó mới vào Việt Nam mình không có biết đâu. Tới tháng 8/2015 mới biết. Không biết đâu. Người bình thường ngoài nghề không biết, mà dô nghề thời gian mới biết, lâu lắm mới biết.
– Vậy thì bây giờ nếu không có Click Charge này thì máy có hoạt động được không? – Chủ tọa hỏi.
– Không. Tôi đáp “không” ngay tắp lự.
– Rồi, chứng minh là gì?- Chủ tọa hỏi.
– Chứng minh là trước đây, có Sao Nam thì máy hoạt động. Họ cung cấp mực, vật tư tiêu hao và dịch vụ kỹ thuật rồi tính tiền vào hóa hơn. Từ ngày các bên thỏa thuận thu hồi máy đến giờ thì máy không hoạt động. Từ đó đến nay máy không hoạt động.
– Tức là, có Sao Nam thì máy hoạt động, còn không có Sao Nam thì máy không hoạt động?
– Dạ ! đúng rồi. Không có Sao Nam thì máy không hoạt động.
– Theo nguyên đơn thì bị đơn bán máy không có Click Charge như thế này thì gây thiệt hại gì cho nguyên đơn không?
– Thưa hội đồng xét xử ! Cái máy trở thành xác chết nằm đó, từ hồi đó tới giờ.
– Thiệt hại cụ thể là gì?
– Là hoàn toàn không hoạt động được, mất hết tiền rồi phá sản cả doanh nghiệp. Thiệt hại thì vô kể.
– Mời nguyên đơn ngồi xuống. Mời phía bị đơn.
Chủ tọa bắt đầu hỏi bị đơn:
– Bị đơn cho biết Click Charge được hiểu như thế nào?
– Dạ thưa hội đồng xét xử! Click Charge được hiểu là mang tính kinh tế. Tức là, khi mua máy in về thì người sử dụng máy in có hai lựa chọn. Một là, khi mà máy in hết mực hoặc cần thay thế linh kiện có tiêu hao, ví dụ như Drum, mực, bell thì có thể mua riêng từng linh kiện và kêu kỹ thuật viên chúng tôi đến thay. Lụa chọn thứ hai là họ trả tiền theo tháng, tính theo số trang in và chúng tôi, khi mà họ có hư hỏng hay là có hết mực hay có vấn đề gì thì kêu kỹ thuật viên chúng tôi xuống, chúng tôi đến thay và miễn phí, tính phí theo tháng.
– Làm thế này theo cơ sở nào, dựa trên cơ sở nào?
– Dạ, trên cơ sở là thực tế trên thị trường, tất cả các doanh nghiệp cung cấp Click Charge đều thực hiện như thế.
– Thực tế trên thị trường?
– Dạ, đúng rồi. Tức là, cái đó là cái hoạt động thương mại bình thường.
– Thế thì bị đơn có chứng minh được rằng, trong thực tế có hai trường hợp này xảy ra không?
– Dạ có. Chúng tôi có thể chứng minh. Chúng tôi có thể cung cấp cho hội đồng xét xử hai trường hợp. Một là, có những công ty chúng tôi vẫn ký hợp đồng, họ vẫn mua máy, mua mực và mua linh kiện tiêu hao của chúng tôi. Còn những công ty khác thì họ ký hợp đồng dịch vụ Click Charge của chúng tôi và chúng tôi cung cấp dịch vụ Click Charge cho họ.
– Tài liệu chứng minh này cung cấp cho cấp sơ thẩm chưa?
– Dạ chưa. Vì cấp sơ thẩm không yêu cầu nên chúng tôi không cung cấp. Nhưng mà nếu hội đồng xét xử yêu cầu thì chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp.
Ông Quách Vũ Ân Khoa – đại diện cho Sao Nam trả lời đến đây thì bà Mai Thị Thùy Dương – kế toán trưởng của Sao Nam nói chen vào. Bà nói:
– Bổ sung. Thì theo hồ sơ mà phía nguyên đơn nộp cho tòa lần này thì trong đó có hợp đồng của Công ty Sáng Tạo Trẻ là ký trực tiếp với bị đơn, mua dòng máy C8000. Đó là cũng không nói bao gồm Click Charge trong đó và họ đã sử dụng từ thời điểm đó tới nay tức là họ sử dụng từ 21/5/2012 tới nay, cũng không phải ký hợp đồng Click Charge với Sao Nam. Thì cái hợp đồng này chính là công ty nguyên đơn đã gửi cho phía hội đồng xét xử. Đồng thời, bên Sao Nam cũng đã gửi những phiếu xuất kho và cái phiếu hóa đơn mà công ty nguyên đơn đã mua mực, vật tư và phụ tùng trong quá trình chạy máy. Đã cung cấp ở trong hồ sơ ở trong sơ thẩm rồi ạ.
Nói đến đây bà Mai Thị Thùy Dương ngừng lời. Chủ tọa hỏi tiếp bị đơn:
– Rồi. Phía bị đơn trả lời cho biết là nếu không có Click Charge thì máy có hoạt động được không?
– Dạ thưa Hội đồng xét xử! Là máy hoàn toàn hoạt động bình thường. Bằng chứng là chúng tôi đã bàn giao máy và chạy thử thành công từ đầu năm 2015. Ông Quách Vũ Ân Khoa – đại diện cho Sao Nam tiếp tục trả lời.
– Có chứng minh được không? Đối với cái máy này thì nguyên đơn cho rằng không có Click Charge thì máy không hoạt động được?
– Dạ, như chúng tôi đã trình bày thì có những đơn vị khác đã mua máy của chúng tôi. Tài liệu nguyên đơn đã nộp rồi.
– Cùng một máy hiệu này kia.
– Cùng máy hiệu này thì nó cũng tương tự như vậy.
– Không thể nói như vậy được vì giá máy khác nhau và thông số kỹ thuật cũng khác nhau mà.
– Nhưng về bản chất nó cũng là máy in. Mà máy in thì …
– Biết rồi. Nhưng mà có chứng minh được không?
– Đề nghị hội đồng xét xử cho biết cách chứng minh, chúng tôi sẽ chứng minh.
– Có đơn vị nào thứ ba nào để giám định không? Bởi vì hội đồng xét xử cũng không phải là người có chuyên môn kỹ thuật về máy in cho nên giữa hai lời trình bày nào của các đương sự, hội đồng xét xử cũng không khẳng định được là lời trình bày nào là phù hợp. Do đó để chứng minh về vấn đề này thì cần phải có ý kiến của một cơ quan chuyên môn về kỹ thuật, về click charge. Hội đồng xét xử, bây giờ có đi xuống dưới, nhìn cái máy in thì cũng không biết được là không có Click Charge thì nó có hoạt động được hay không. Cho nên riêng vấn đề này thì đề nghị các đương sự chứng minh bằng các phương pháp là giấy xác nhận của đơn vị kỹ thuật. Đối với nguyên đơn thì cần phải lấy xác nhận là không có Click Charge thì máy không chạy. Đối với bị đơn thì phải lấy giấy xác nhận là không có Click Charge thì máy vẫn chạy.
– Thưa hội đồng xét xử thì chúng tôi sẽ xem xét lại việc đó. Nhưng mà vấn đề này là, theo quan điểm của tôi thì nó không phải là vấn đề về kỹ thuật. Ông Quách Vũ Ân Khoa trả lời.
– Không. Đây chỉ là ví dụ thôi. …
Chủ tọa vừa dứt lời thì tôi lên tiếng:
– Thưa hội đồng xét xử ! Vấn đề Click Charge là vấn đề chuyên môn sâu. Như chủ tọa phiên tòa đã vừa nói là hoàn toàn chính xác, rất khó hiểu và phải là người trong nghề mới hiểu. Click Charge là thế này, thực ra cái máy nó không hoạt động. Có Sao Nam thì nó hoạt động, không có Sao Nam thì nó không hoạt động. Tên gọi không quan trọng mà quan trọng là có người bán máy này, họ làm với mình, họ với mình còn thuận thảo thì nó hoạt động mà hễ không có họ thì nó không thể hoạt động.
– Nghĩa vụ của nguyên đơn là chứng minh cho điều đó. Có cơ quan chuyên môn nào xác nhận điều đó không?
– Thưa hội đồng xét xử là có thể hỏi ngay họ. Bây giờ không có Sao Nam thì ai sẽ là người giúp Saigonbook đưa máy vào hoạt động.? Trên thị trường hiện nay, ai là người có thể đưa máy vào hoạt động?
– Cái mà nguyên đơn đang nói có phải là thiếu Click Charge hay không?
Click Charge đó. Đúng rồi. Bây giờ cái máy đó, không có Sao Nam hoặc Konica hay là một đại lý do Konica chỉ định thì bây giờ trên đất nước Việt Nam này tìm đâu ra người đưa máy vào hoạt động.? Đó. Bây giờ chỉ hỏi Sao Nam. Vì trước hội đồng xét xử và trước mọi người rất đông, và sớm hay muộn thì câu chuyện này cũng lan ra cả nước Việt Nam. Hãy trả lời là ai, ngoài Konica và Sao Nam hoặc một đại lý do Koncia ủy quyền thì ai để tôi đi kiếm họ thương lượng đưa máy vào hoạt động?
Đến đây thì ông Quách Vũ Đăng Khoa – đại diện Sao Nam lên tiếng:
– Thưa hội đồng xét xử! Chính vì lý do này nên chúng tôi yêu cầu giám định ngay từ đầu. Bởi vì bản chất phía nguyên đơn cáo buộc chúng tôi là, vì chúng tôi kiểm soát nên máy không hoạt động được. Chúng tôi thích thì máy hoạt động, chúng tôi không thích thì máy không hoạt động được, có thể hiểu nôm na là như vậy. Nhưng mà bản thân họ không chứng minh được là tại sao không có chúng tôi thì máy không hoạt động được. Chúng tôi đâu có kiểm soát gì, chúng tôi đâu có đặt mật khẩu hay chúng tôi đâu có ngăn cấm họ không hoạt động. Bằng chứng là họ đã in hơn 200 ngàn trang, kể cả tại thời điểm …
– Thôi được rồi. Vấn đề này, tôi nhắc lại lần nữa là Hội đồng xét xử không phải là người có chuyên môn về vấn đề này, cho nên đề nghị các đương sự bổ sung chứng cứ chứng minh.
Đến đây chủ tọa chuyển sang hỏi đại diện KMV:
– Mời KMV. KMV cho biết Click Charge được hiểu như thế nào?
– Thưa hội đồng xét xử! Một lần nữa Konica xin giải thích cũng không có gì khác hơn giải thích của Sao Nam. Click Charge là một giải pháp kinh tế chứ hoàn toàn không phải là giải pháp kỹ thuật. Cho nên có hay không có thì máy vẫn hoạt động được như Luật sư của Sao Nam đã nói từ phiên tòa trước. Hợp đồng kinh tế ở đây là do người sử dụng họ cân nhắc …
– Thôi được rồi. Quan trọng là chứng cứ gì để chứng minh cho những điều vừa nói? – Chủ tọa cắt lời .
– Chứng cứ ở đây là cũng có rất nhiều khách hàng của Konica không sử dụng Click Charge nhưng họ vẫn xài máy được.
– Cụ thể là khách hàng nào? Có chứng minh được không?
– Bên Konica sẽ cung cấp. (im lặng một lúc). Hãy cho Konica giải thích một xíu để mọi người ở đây biết Click Charge là gì được không ạ?
– Vấn đề này đã được giải thích rồi.
– Nhưng mà, nhưng mà bên phía đương sự, bên phía nguyên đơn giải thích không đúng sự thật. Cho nên Konica Minolta xin được giải thích.
– Thật ra vấn đề này ở đây không ai xác định được sự thật vì không ai hiểu về kỹ thuật cả. Cho nên phải tìm chứng cứ.
– Dạ.
– Nếu máy không có Click Charge thì có hoạt động bình thường không?
– Dạ, chắc chắn 100% là được.
– Có chứng minh được điều này được không?
– Dạ có.
– Chứng minh như thế nào?
– Konica có thể cung cấp những khách hàng không ký hợp đồng Click Charge. Một trong những khách hàng mà ông Kim đã từng nêu ra là Công ty in Sáng Tạo Trẻ, là bạn thân của ông Kim, có ký hợp đồng mua máy nhưng không mua Click Charge.
– Rồi. Nhớ là những gì vừa rồi … thì đề nghị cung cấp nhé.
– Dạ.
Đến đây thì chủ tọa phiên tòa chuyển sang hỏi về bảo hành. Sau khi Thẩm phán Ngô Thành Nhàn – chủ tọa phiên tòa kết thúc phần hỏi của ông thì Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo nêu một câu hỏi về Click Charge dành cho nguyên đơn. Bà hỏi tôi:
– Tôi hỏi nguyên đơn. Ông cho biết là sau khi nhận máy C1100 về thì bên ông đã sử dụng Click Charge chưa hay thời gian sau rồi mình mới sử dụng Click Charge?
– Thưa hội đồng xét xử! Khi nhận về thì thời gian chờ nghiệm thu 3 tháng đó là Sao NamKMV cung cấp mực, vật tư và dịch vụ kỹ thuật. Thực chất đó là Click Charge nhưng người ta không gọi cái tên. Do họ làm. Tất cả những gì họ làm có tên gọi là Click Charge nhưng vì họ giấu tên gọi đó đi, họ chuyển thành tên gọi là “mực, vật tư và dịch vụ kỹ thuật” mà cộng một dãy này lại thì trên thị trường gọi là Dịch vụ Click Charge. Click Charge là do họ làm nhưng họ không ký hợp đồng.
– Tức là trong vòng 3 tháng đó là chưa ký hợp đồng Click Charge?
– Không ký hợp đồng nhưng họ vẫn làm nghĩa vụ một người làm Click Charge. Mà trả tiền cho họ là trả qua hóa đơn chứ không đếm qua đồng hồ. Tức là thay vì đếm trang in qua đồng hồ. Tức là thay vì đếm đồng hồ thì họ lấy hóa đơn tài chính họ xuất hộp mực, ví dụ trước đây hộp mực chẳng hạn 10 đồng, công chăm sóc máy của họ là 2 đồng, rồi cái gì đó mà họ cộng vào rồi họ thu 18 đồng. Mình trả 18 đồng là trả có cả dịch vụ của họ nữa. Họ ghi là mực, họ bỏ qua công đoạn dịch vụ kỹ thuật nhưng thực chất họ đã tính giá dịch vụ kỹ thuật vào hộp mực. Thưa hội đồng xét xử, vấn đề ở đây còn là thế này: Đây là máy dùng để in nhanh. Click Charge là giải pháp kỹ thuật phục vụ in nhanh. Giả sử hội đồng xét xử cần in gấp 20 bộ tài liệu, hồ sơ phục vụ cho buổi họp tối nay hoặc ngày mai thì máy kỹ thuật số này sẽ đáp ứng. Nếu máy gặp trục trặc thì theo hợp đồng dịch vụ Click charge, mình gọi cho họ trong vòng 30 phút, họ phải có mặt để khắc phục sự cố, đưa máy vào hoạt động.
– Ông cho tôi hỏi thêm phần này câu nữa. Lần trước ông có nói là Password là bên ông có, Sao Nam có và KMV có. Thế thì phần Password đó hiện nay có thể sử dụng mở máy được không?
– Không. Không, không. Tôi đã lập vi bằng rồi. Tức là Password có đặc điểm như thế này, máy kỹ thuật số là mình không biết, họ là người điều khiển. Thường thì những máy này Password có hai tầng. Tầng đầu tiên là tầng của nhân viên tôi sử dụng. Nhân viên tôi thì họ chỉ làm mỗi việc là bỏ giấy vào rồi bấm nút in thôi. Họ in thì đồng hồ nó chạy. Nó chạy giống đồng hồ nước zậy. Password này nè, do bên Sao Nam cài đặt cho mình, họ cho mình một tháng …
– Thôi được rồi. Cám ơn ông.
Phần hỏi về Click Charge đã vào những phút cuối cùng của phiên tòa chiều ngày 22/4/2021. Hội đồng xét xử đã vào phòng hội ý và sau đó quyết định tạm ngừng phiên tòa để “bổ sung thu thập tài liệu chứng cứ”.
Tôi đã dự liệu rằng, đối với hầu hết mọi người thì phần Click Charge là phần khó hiểu nhất. Vì máy in kỹ thuật số công nghiệp mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Trước vụ án của tôi, chưa mấy ai hiểu về Click Charge tường tận, nhất là phần hợp đồng Click Charge phải đồng bộ với hợp đồng mua bán. Nhiều người bị bẫy mua máy nhưng không kèm Click Charge, phải ăn đong Click Charge qua từng hóa đơn mực, vật tư với giá thất thường và cắt cổ. Họ độc quyền. Cái bẫy Click Charge là cái bẫy của công nghệ số, độc quyền và cực kỳ tinh vi.
Sao Nam và Konica cho rằng, không có Click Charge thì máy vẫn hoạt động. Bằng chứng là Saigonbook đã in hơn 200 ngàn bản in và một số khách hàng khác cũng không ký hợp đồng dịch vụ Click Charge. Họ nói đúng nhưng là đúng trong trường hợp các bên tiếp tục hợp tác mà không cần hợp đồng. Điều này, giống như đời sống vợ chồng không có hôn thú. Người đàn ông có thể làm đến 200 ngàn cái mà không cần hôn thú, không cần hợp đồng. Khổ nỗi, khi không còn thuận thảo thì người đàn ông không biết khởi động với ai vì thế giới này chỉ có một người đàn bà là Konica Minolta. Mà người đàn bà này lại không có hôn thú với mình thì không biết kiện bằng cách nào đây. Cấp giám đốc thẩm đã đưa ra nhận định “Click charge là phần thương mại và dịch vụ tiếp diễn sau khi lắp đặt máy” là hoàn toàn chính xác về mặt thuật ngữ. Tiếp diễn hay không tiếp diễn là do sự thỏa thuận của người đàn bà độc nhất trên thế gian này./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar