Anh Lâm Nghĩa Hòa vừa góp ý với tôi rằng: “Tôi hiểu tâm trạng của anh. Chính vì anh muốn vấn đề rộng lớn như buộc thẩm phán xử sai phải trả giá, muốn Konica phải trả giá cho việc làm của họ. Vì thế, gây khó cho hội đồng xét xử hiện tại vì họ hiểu anh sẽ dùng bản án đi tìm công lý tiếp. Tôi hiểu tâm trạng của anh, nhưng hiện tại bày tỏ ra thì bất lợi cho mình. Vì người liên quan biết anh sẽ làm bất lợi cho họ, nên họ phải dốc lực thắng cho được phúc thẩm để diệt trừ hậu hoạ. Anh nên đợi có bản án rồi đi tiếp. Tôi nói chân tình, mong anh hiểu”.
Tôi nghĩ rằng lời góp ý trên đây của anh Lâm Nghĩa Hòa là chân thành, rất đáng trân trọng. Đối với một số người thì có thể coi đây là “mưu sâu, kế hiểm” nhưng đối với tôi thì không thể dùng vì nó không đúng với mục tiêu tối thượng của tôi.
Tôi đưa ra ba mục tiêu rất rõ ràng và thực hiện nhất quán ngay từ đầu. Một là, công khai hóa cuộc chiến này bằng truyền thông; hai là, đấu tranh đòi bắt các thẩm phán vì đã cố ý ra bản án trái pháp luật; ba là, đòi bồi thường thiệt hại 10 triệu USD. Tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho mình là “Mục tiêu nào là mục tiêu quan trọng nhất đối với tôi? Tại sao?”.
Giả định, bắt buộc tôi phải từ bỏ bớt một mục tiêu thì tôi sẽ chọn bỏ mục tiêu đòi bồi thường 10 triệu USD. Nếu buộc phải bỏ hai mục tiêu thì tôi sẽ bỏ thêm mục tiêu đòi bắt các thẩm phán đã cố ý ra bản án trái pháp luật. Tôi chỉ giữ quyền “có răng nói rứa” trên truyền thông để người dân Việt Nam, chính phủ Việt Nam biết rõ thực trạng mà người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện. Thất bại của tôi sẽ là bài học quí giá cho nhiều người. Nếu tôi bị gieo bệnh Covid -19 mà im lặng thì bệnh sẽ lan ra, nguy hiểm cho xã hội. Thiệt hại 10 triệu USD và thất bại trên hành trình đòi công lý không là gì cả so với “bệnh gian manh” còn có thể âm ỉ và lan ra trên diện rộng. Thất bại của tôi có thể làm viên gạch lót đường cho những người khác đi về phía trước. Nó chỉ có ý nghĩa khi tôi phổ biến sự thất bại này kèm theo sự tận lực của tôi. Ván bài cần phải được lật ngửa vì mục tiêu của nó.
Tôi đã hỏi một số bạn làm nghề in nhanh. Họ cho biết là từ ngày xảy ra vụ kiện Konica, họ được hưởng lợi. Các tập đoàn bán máy in có sự điều chỉnh chính sách bán hàng và dịch vụ kỹ thuật. Tất cả đều chuyển sang sử dụng hợp đồng Click Charge với giá cả ổn định đầu vào. Nếu tôi không phổ biến vụ lừa Click Charge thì có thể nhiều người còn bị dính bẫy. Rõ ràng, tôi đã góp phần ngăn chặn sự dối trá, làm lợi cho người sử dụng.
Tôi là người kinh doanh. Tôi biết rõ nguyên tắc “trao đổi ngang giá”. Tôi trao cho người khác món hàng có giá thế nào thì tôi cũng sẽ nhận lại giá trị tương đương như thế. Nếu tôi làm lợi cho nhiều người, mỗi người một ít, thì sớm hay muộn, tôi cũng giàu lên. Tiền ở đâu không biết nhưng mà nó có linh hồn, nó sẽ len lỏi đến với tôi khi tôi giữ vững sự tử tế. Kinh nghiệm của tôi là như thế. Nếu tôi không lấy được tiền bồi thường từ Konica thì tiền cũng sẽ đến với tôi theo một lối khác. Suốt hành trình đòi công lý hơn 5 năm qua, tuy có lúc khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ hết tiền tiêu. Mùa Covid-19 này vẫn thế. “Trời thương tôi”- thỉnh thoảng, tôi thốt lên như vậy.
Xác định mục tiêu rồi mới chọn vũ khí, chọn phương pháp. Trên hành trình đòi công lý của vụ án Konica thì mục tiêu tối thượng là làm lợi cho xã hội. Vì thế, tôi ngồi viết nhiều bài, thiết lập cả trang web để lật ngửa ván bài trên truyền thông. Mục tiêu tối thượng đã đạt được và chắc chắn sẽ đạt được. Mục tiêu khác chỉ là chuyện nhỏ./.
Bình luận