Ông Trần Kim Chung đã nhận chiếc máy C1070P trong cập rập như bị ma đuổi. Ông cũng đã trả lại cho tôi đủ 1 tỉ 320 triệu đồng mà ông đã nhận của tôi. Ông Chung không đòi được tiền khấu hao máy mà tôi đã sử dụng một năm, vì tôi đòi tính để cấn trừ tiền lãi mà Sao Nam đã chiếm dụng vốn của tôi cũng trong một năm ấy.
Chiếc máy C1100 còn lại là một kịch tính, gắn liền với việc Konica Minolta hứa giúp tôi xây dựng một Printing Shop đầu tiên tại Việt Nam. Vì nó là một kịch tích nên bây giờ nó mới còn nằm đây. Nó là một khúc xương nghẹn ở cổ họng Konica Minolta. Tôi như con kiến dũng mãnh, hàm răng sắc bén, cắn sâu vào màng nhĩ con voi Konica Minolta, buộc con voi này phải giãy giụa, phải bồi thường thiệt hại hoặc là đập đầu tự chết. Tại sao có tình huống đầy kịch tính này? Để tỏ ngọn ngành, tôi phải trình bày từ “Cuộc Gặp Định Mệnh”.
Tôi là một người chuyên nghiệp làm sách và chuyên nghiệp bán sách. Trên bảng hiệu cuả Trung Tâm Sách Sài Gòn có slogan “Chuyên Nghiệp Bán Sách Và Chỉ Có Bán Sách”. Người ta chỉ “chuyên”, còn tôi là “chuyên nghiệp”. Nghĩa là, không chỉ chuyên mà còn là cái nghiệp của tôi. Để khách hàng khỏi mất thời gian gửi xe vào lục tìm các mặt hàng khác nên tôi ghi “Chỉ Có Bán Sách”. Ý nghĩa của cụm từ này, một lần nữa, khẳng định tính chuyên nghiệp của tôi. Thời trước, một nghề chuyên nghiệp như thế phải truyền được đến mấy đời. Vậy thì làm gì có chuyện máy in công nghiệp kỹ thuật số của Konica Minolta chui được vào đây?
Nhưng, thời đại này đã khác. Internet ra đời, dung lượng thị trường sách bị thu hẹp đến mức, các tỉnh không còn nhà sách. Từ năm 2011, tôi đi khảo sát thị trường sách ở môt số nước, tôi thấy nhà sách của họ cũng vắng hoe như mình. Nhà sách Bắc Kinh to như thế cũng ít người mua sách. Thay cho sách, họ trưng bày những mặt hàng khác. Để bảo vệ môi trường, chống phá rừng lấy gỗ làm giấy, Bill Gates tuyên bố, ông dành 10 năm còn lại của cuộc đời mình cho sự phát triển Internet và máy tính bảng, để thay sách báo giấy. Càng ngày, tôi càng âu lo cho nghề sách của mình.
Tôi phải đổi mới doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, tôi phải xoay việc cho nhà in với gần 3.000 mét vuông sàn được đặt tại Quận Bình Thạnh. Tôi phải chuyển hướng sang in bao bì, in catalogue, bao thư, thiệp … Muốn vậy, tôi phải chuyển Trung Tâm Sách Sài Gòn thành nơi thiết kế và nhận hàng in. Đây là nơi đắc địa, gần nhiều trường học, ngân hàng và các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, chỗ của tôi rất gần Ngã Sáu Cộng Hòa, nối vào đường Lý Thái Tổ – nơi có nhiều đơn vị nhỏ, thiết kế và nhận hàng in nhưng không trang bị được máy in cao cấp. Tôi cần máy in kỹ thuật số hiện đại, đặt ở đây, để đáp ứng nhu cầu đòi in nhanh, lấy liền. Với những đơn hàng số lượng lớn thì chúng tôi chuyển về in offset và làm thành phẩm ở Quận Bình Thạnh. Chính vì thế tôi cẩn thận tìm hiểu máy in kỹ thuật số, cả máy cũ và máy mới, để rồi, tôi dính quả chỗ Konica Minolta. Mà dính đậm ngay từ chiếc máy đầu tiên, mua 15/08/2014.
Lúc này, máy in kỹ thuật số chưa phổ biến ở Việt Nam. Môt số đơn vị in nhanh không chia sẻ thông tin, coi máy in kỹ thuật số như vũ khí bí mật để cạnh tranh. Tôi dò hỏi giá cả và thông số kỹ thuật nhưng không ai cung cấp. Tôi chỉ còn một cách duy nhất là hỏi đơn vị bán máy của Konica Minolta, tức là hỏi Công ty Sao Nam.
Vào một buổi chiều đẹp trời của tháng 7/2014, cô Lưu Ngọc Thúy Vân – nhân viên tiếp thị của Công ty Sao Nam đến chỗ tôi. Cùng đi với cô Thúy Vân là một nhân viên của Công ty cho thuê tài chính Chailease – Đài Loan, hình như tên là Lan Anh.
Sau khi xem catalogue, nghe giới thiệu thông số kỹ thuật, giá cả, tôi đồng ý mua máy C7000 với giá chừng hơn 1,1 tỉ đồng. Vì sau đó, cô Thúy Vân đưa máy C1070P để thay thế nên tôi không còn số liệu chính xác chốt giá của máy C7000. Tôi nói với cô Thúy Văn:
– Anh sẽ mua nhiều máy. Chiếc đầu tiên này em bớt cho anh một ít để sau này làm ăn được anh mua thêm.
– Do đợt này đang khuyến mại nên bên em giảm giá. Em bán cho anh giá đó là rẻ nhất rồi. Các đơn vị khác, họ phải mua với giá cao hơn. Nếu anh là công ty cổ phần thì anh cứ kê thêm, bên em sẽ chi, chỉ giữ lại phần thuế 10% theo hóa đơn.
– Không. Anh là cổ phần ma cho oai chứ có ai góp vốn cho anh đâu. Không kê gì cả, em cứ sát giá cho anh.
– Em bán sát giá lắm rồi. Nếu anh khó khăn về vốn thì Lan Anh sẽ làm thủ tục cho anh vay rồi trả dần.
– Không cần. Số tiền này thì anh có sẵn. Sau này mua máy thứ hai với giá cao hơn thì anh mới vay.
– Vậy để em về soạn hợp đồng. Anh đặt cọc rồi em mới làm thủ tục nhập khẩu từ bên Nhật, mất chừng 6 – 8 tuần.
– Anh cần sớm, càng sớm càng tốt. Thôi, em về làm hợp đồng đi. Nhưng nhớ là không được bán cho anh mắc hơn người khác. Anh mà phát hiện ra em bán cho anh mắc hơn người khác là anh trả máy lại cho em đó nghe.
Với nụ cười tươi, giọng ngọt như mía lùi, cô Thúy Vân nói:
– Dạ, em mà bán mắc cho anh là em chết liền! Anh yên tâm. Bên em giữ uy tín để còn làm ăn lâu dài với anh mà.
Tôi không biết giá, không biết thông số kỹ thuật. Tôi chỉ đinh ninh một điều là máy mới thì chỉ có một giá bán ra, nếu cao hơn người khác chứng 5-10% thì cũng có thể chịu đựng được. Hơn nữa, Konica Minolta là hãng lớn của Nhật Bản. Máy sản xuất từ Nhật thì bao giờ cũng tốt. Tôi quyết định mua chiếc máy C7000 đầu tiên để vào nghề in kỹ thuật số. Nhưng sau đó, cô Thúy Vân lừa tôi để tôi đổi mua chiếc máy C1070P, đã qua sử dụng, bị lỗi kỹ thuật, bị khách hàng trả lại, với giá còn cao hơn giá chiếc máy C7000 mà tôi đã quyết định mua ngay từ buổi đàm phán ban đầu.
Tôi cũng không ngờ, lời nói “Anh mà phát hiện ra em bán cho anh mắc hơn người khác là anh trả máy lại cho em đó nghe” của tôi hôm ấy lại linh thiêng lạ lùng. Tôi đã trả máy 1070P cho Sao Nam, lấy lại đủ 1,320 tỉ đồng. Chiếc máy này, công ty STS – một đại lý được ủy quyền khác của Konica Minolta – chỉ chào giá 760 triệu đồng.(*).
Từ cuộc gặp với cô Thúy Vân, dẫn dắt tôi đến gặp gỡ Konica Minolta, bị dẫn dụ phá bỏ Trung Tâm Sách Sài Gòn để xây dựng Printing Shop có màu xanh đặc trưng theo thiết kế của Konica Minolta Singapore. Tôi bị lừa, bị phá sản đến mức phải thù hận, phải “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý”(**). Tôi cho rằng, đây là Cuộc Gặp Định Mệnh.
(Trích từ “Kế Hoạch Bắt Đền 10 Triệu USD”, còn tiếp)
Bình luận