CUỘC ĐẤU TRANH TRƯỚC NGÀY KHỞI KIỆN
Như băng ghi âm ngày 18-8-2015 đã thể hiện: Tôi không thể bán lại máy cho Sao Nam. Tôi luôn khẳng định “tôi chỉ trả lại máy, chứ không bán máy”. Cuộc họp thu hồi máy ngày 18-8-2015 đối với máy C1100 đã bất thành.
Ngày 20-08-2015, bằng email, tôi gửi một tối hậu thư đến tất cả những người có liên quan, kể cả các luật sư của họ. Tôi giao cho nhân viên Saigonbook dịch thư ra tiếng Anh và gửi vào hộp thư của ông Tadasu Ichino, ông Osafumi Kawamura và ông Makito Nakamura. Trong thư, tôi nói rõ là tôi sẽ đợi họ đến 17 giờ ngày 23-08-2015. “Hãy trả lời cho tôi biết là các ông bà có thu hồi máy C1100 này hay không? Nếu không, tôi sẽ bắt đầu mở mặt trận truyền thông”. Họ đã im lặng. Tôi coi sự im lặng của họ là một sự thách thức đối với tôi.
9 giờ 13 phút sáng, thứ Hai, ngày 24-08-2015, tôi gửi thư điện tử đến một số cơ quan báo chí, tố cáo Konica Minolta nâng khống giá máy để lừa dối khách hàng Việt Nam. Kèm theo thư là ảnh chụp hai chiếc máy in C1100, có giá lệch kinh hoàng, đang trưng bày tại Printing Shop của tôi. Đồng thời, tôi cũng gửi thư này đến KMV, Sao Nam và những người có liên quan để họ biết mà chọn chiến tranh hay hòa bình.
Tôi gặp một số phóng viên để nhờ họ đưa tin, viết bài, phản ánh về vụ lệch giá kinh hoàng này. Tôi cũng gọi phóng viên đài truyền hình để nhờ họ làm phóng sự. Tốn mấy tôi cũng chịu, miễn sao vạch trần sự gian dối của Konica Minolta trước công luận. Tôi đợi tin báo chí mà cũng đợi KMV quay đầu vào bờ. Tôi gọi cho ông Đào Việt Linh, khuyên ông ta nên thúc giục ông Trần Kim Chung quay lại lấy máy về. Tôi chưa trực tiếp viết bài mà cũng không thúc giục các phóng viên viết bài, vì tôi đợi KMV thu hồi máy. Tôi cố tránh gây thương tổn cho họ. Thế nhưng, KMV vẫn im lặng. Tôi suy nghĩ rất mông lung. Linh tính báo cho tôi biết là có thể KMV đã dùng quan hệ của họ để ngăn chặn báo chí đưa tin. Quả nhiên, đùng một cái, tôi nhận được vũ khí đánh chặn báo chí của Luật sư tiến sĩ Lê Nết. Luật sư tiến sĩ Lê Nết, thay mặt Công ty Luật TNHH LNT&Thành viên, gửi đến Saigonbook và các cơ quan báo chí một văn bản giải trình, đề ngày 31 tháng 08 năm 2015, mà cho đến giờ này, tôi không hiểu tại sao, cái ông tiến sĩ luật này lại cẩu thả đến mức dại dột như vậy.
Nhận được văn bản của Luật sư tiến sĩ Lê Nết, ban đầu, tôi nghĩ rằng, Luật sư tiến sĩ Lê Nết không phải là người trong cuộc, có thể ông ta không hiểu vụ việc đã xảy ra giữa các bên, nên có những ý kiến phủ nhận sự thật. Vì thế, tôi thiện chí viết văn thư phản hồi. Ngày 07 tháng 09 năm 2015, tôi gửi văn bản số 09/2015 đến Luật sư Lê Nết, ông Tadasu Ichino, các báo, đài truyền hình và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, để giải thích, phản bác bốn nội dung mà Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã gửi đến tôi và báo chí. Sau đó, tôi nhận được văn bản số 026/ADM-15 ngày 07/09/2015, của ông Trần Kim Chung, đòi tôi phải đính chính lại các thông tin mà tôi đã gửi đến các cơ quan truyền thông.
Tôi rất tức giận. Tôi là người trong cuộc, tôi biết rõ quan hệ giữa tôi với KMV và Sao Nam. Như tôi đã trình bày ở bài Cú lừa Printing Shop, thì giữa tôi với KMV và Sao Nam, là cả Printing Shop chứ không chỉ là cái máy C1100. Bây giờ, sau khi mua lại máy C1100 bất thành, ông Tadasu Ichino ủy quyền cho Luật sư tiến sĩ Lê Nết chối bỏ mọi quan hệ. Từ sự tráo trở của ông Tadasu Ichino, các văn bản trả lời của Luật sư tiến sĩ Lê Nết và ông Trần Kim Chung, làm cho tôi phải bỏ bê việc kinh doanh để viết báo, rồi theo họ cho đến hiện nay.
Viết một bài tố cáo một doanh nghiệp trên mặt báo của nhà nước không phải là chuyện dễ. Nếu tố cáo mà không có chứng cứ thì sẽ bị kiện, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống và có thể phải bồi thường thiệt hại cho họ. Do mải mê với công việc kinh doanh, đã lâu không viết báo, nên tôi cũng gặp khó khăn trong việc viết một bài báo sao cho chính xác, ngắn gọn, súc tích. Sau nhiều cố gắng, tôi đã đưa bài “Konica Minolta coi mặt đặt giá” lên các báo, đầu tiên là đăng trên báo Pháp luật Việt Nam. Sau bài báo này, theo lời của ông Trần Minh Nhật thì các luật sư của Konica Minolta đã nhảy dựng khi đọc bài báo này. Việc thu hồi máy C1100 đến đây bị bế tắc.
Sau khi đăng bài “Konica Minolta Coi Mặt Đặt Giá” trên báo pháp luật Viêt Nam, tôi tiếp tục cho đăng nguyên vẹn bài này trên một số báo khác. Đặc biệt, tôi cho đăng trên báo Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao và báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhằm đặt các cơ quan bảo vệ pháp luật này vào tranh chấp, nếu bị Konica Minolta khởi kiện, buộc phải đính chính. Tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến trên mặt trận pháp lý nhưng chưa ra đòn. Tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với KMV và Sao Nam, động viên họ thu hồi máy để tránh một cuộc chiến lan rộng, không biết bao giờ dừng.
Thường thì sau một ngày làm việc bận rộn, tôi mời nhân viên hoặc bạn bè ra quán để uống vài lon bia, xả stress. Nhưng giai đoạn này thì tôi chỉ ngồi riêng với ông Đào Việt Linh hoặc ông Trần Minh Nhật để lắng nghe và bàn cách giải quyết vấn đề. Thỉnh thoảng, tôi cũng ngồi với ông Phan Quang Phú để được nghe ý kiến từ nhiều phía. Trong lúc uống bia, trò chuyện riêng với ông Đào Việt Linh, tôi hỏi:
Bình luận