Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

8. Nghĩa vụ đa nguyên

NGHĨA VỤ ĐA NGUYÊN

Có ba loại nghĩa vụ mà sự thi hành phải tuân theo các quy tắc riêng biệt, khác với những quy tắc vừa trình bày trong chương Hai: “Sự chuyển nhượng và biến đổi nghĩa vụ”. Đó là: Nghĩa vụ tự nhiên; Nghĩa vụ có hạn kỳ hay có điều kiện và Nghĩa vụ đa nguyên. Hai loại nghĩa vụ sau còn gọi là nghĩa vụ phức tạp. Tính cách phức tạp của nghĩa vụ có thể hoặc vì nghãi vụ có kèm theo một hạn kỳ hay một điều kiện, hoặc vì nghĩa vụ có nhiều chủ đích hay nhiều chủ thể.

III. NGHĨA VỤ ĐA NGUYÊN. Nghĩa vụ có tính cách đa nguyên khi có nhiều đối tượng hoặc nhiều chủ thể.
III.1: Nghĩa vụ nhiều đối tượngCác nghĩa vụ nhiều đối tượng chi ra làm ba loại: Nghĩa vụ phối hợp, nghĩa vụ luân lưu và nghĩa vụ nhiệm ý.
III.1.1: Nghĩa vụ phối hiệp: nghĩa vụ phối hiệp là nghĩa vụ theo đó con nợ phải thi hành nhiều cung khoản. Nghĩa vụ phối hiệp có khi là một nghĩa vụ duy nhất có nhiều đối tượng, ví dụ như một hãng du lịch có nghĩa vụ phải lo việc chuyển vận, ăn ở, V.v… cho khách hàng; nhưng cũng có khi nhiều nghĩa vụ riêng biệt, ví dụ: Tôi hứa giao cho anh một chiếc xe và một triệu đồng. Người chủ nợ có thể đòi con nợ thi hành ngay một lúc tất cả các cung khoản, nếu nghĩa vụ phối hiệp là nghĩa vụ duy nhất, nhưng không thể đòi hỏi như vậy nếu nghĩa vụ phối hiệp gồm nhiều nghĩa vụ biệt lập, ngoài trừ khi nào có hiệp ước thỏa thuận khác.
III.1.2: Nghĩa vụ luân lưu: Nghĩa vụ luân lưu là nghĩa vụ, theo đó, con nợ được giải trái sau khi đã thi hành một trong các cung khoản dự liệu (764 DLVN). Trong nghĩa vụ này, người ta nhận thấy có nhiều đối tượng, nghĩa vụ có hai cung khoản, nhưng con nợ chỉ thi hành một cung khoản mà thôi. Bởi vậy, nếu một trong số các tài vật phải giao nạp bị tiêu thất, hoặc nếu một trong các cung khoản bị bất hợp pháp, thì các cung khoản kia vẫn phải được con nợ thi hành, nghĩa vụ trở thành đơn thuần (766 DLVN). Gặp trường hợp nghĩa vụ giao nạp đều bị tiêu thất thì nghĩa vụ sẽ mãn kết, nhưng nếu vật ấy bị tiêu thất do lỗi của con nợ, thì người này phải trả cho chủ nợ một số tiền tương đương với giá trị của vật bị tiêu thất sau cùng (767 DLVN). Quyền lựa chọn cung khoản để thi hành hay vật để giao thuộc về con nợ nếu hiệp ước không quy định khác (764DLVN). Ý chí của đương sự về điểm này là mặc nhiên. Nếu quyền lựa chọn được dành cho chủ nợ , trong trường hợp một trong các tài vật bị tiêu thất không do lỗi của con nợ thì người chủ nợ sẽ phải nhận tài vật còn lại, nhưng nếu con nợ có lỗi thì chủ nợ có thể đòi hỏi tài vật còn lại hoặc trả tiề của tài vật đã mất. Nếu tất cả các tài vật đều bị tiêu thất do lỗi của con nợ thì chủ nợ có quyền đòi hỏi giá tiền của một trong các tài vật ấy do chủ nợ tùy ý lựa chọn (768 DLVN). Ngoài ra, tuy trên nguyên tắc, con nợ được quyền lựa chọn tài vật để giao nạp, nhưng người ấy không thể buộc chủ nợ phải nhận MỘT phần tài vật này và một phần tài vật kia (765 DLVN).
III.1.3: Nghĩa vụ nhiệm ý: Nghĩa vụ nhiệm ý là nghĩa vụ theo đó, con nợ phải thi hành một cung khoản, nhưng lại có thể tùy ý thi hành một cung khoản khác nhất định mà cũng được giải trái. Trong nghĩa vụ này, người ta thấy chỉ có một cung khoản, một đối tượng, còn cung khoản thứ nhì được dự liệu chỉ có tính cách nhiệm ý. Bởi thế, nếu tài vật là đối tượng của nghĩa vụ bị tiêu thất bởi trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng, thì nghĩa vụ được mãn kết (770 DLVN). Tuy nhiên, nếu tài vật bị tiêu thất do lỗi của con nợ, thì người này phải trả cho chủ nợ trị giá của tài vật và tiền bồi thường thệt hại, nhưng vẫn có thể xin thi hành cung khoản nhiệm ý (770 k3 DLVN). Nghĩa vụ kèm theo một ước  khoản dự phạt không phải là một nghĩa vụ nhiệm ý: Con nợ không có quyền thay vì thi hành nghĩa vụ lại trả số tiền dự liệu bởi ước khoản dự phạt, bởi vì ước khoản không thể thủ lợi cho con nợ khi người này cố ý không thi hành nghĩa vụ.
III.2: Nghĩa vụ nhiều chủ thể: Cho tới đây, chúng ta mới nghiên cứu nghĩa vụ trong đó chỉ có một chủ nợ và một con nợ, đó là giả thiết thông thường nhất trên thực tế. Nhưng nghĩa vụ có thể có nhiều chủ thể tích cự hay nhiều chủ thể tiêu cực, nói khác đi, nghĩa vụ có thể có nhiều chủ nợ hoặc nhiều con nợ. Khi các chủ thể tích cực và tiêu cực đều giữ một vai trò quan trọng như nhau, tức là ở cùng vị thế ngang nhau, thì nghĩa vụ gọi là nghĩa vụ phức thể. Các nghĩa vụ này gồm có ba loại: Nghĩa vụ cộng đồng, nghĩa vụ liên đới và nghĩa vụ bất khả phân. Nếu các chủ thể tiêu cực của nghĩa vụ không ở cùng một vị thế, người này giữ vai trò chính, người kia giữ vai trò phụ, thì đó là trường hợp bảo lãnh.
III.2.1: Nghĩa vụ cộng đồng: Nghĩa vụ cộng đồng được phân chia giữa các chủ thể tích cực hoặc tiêu cực. Nếu có nhiều chủ nợ thì mỗi người chỉ được đòi hỏi phần của mình mà thôi. Nếu có nhiều con nợ thì mỗi người chỉ phải chi phó phần của mình. Tình trạng này thật giản dị. Sự thật, ở đây chúng ta có nhiều nghĩa vụ biệt lập, mỗi nghĩa vụ tuân theo quy tắc tổng quát về sự thi hành nghĩa vụ. Nghĩa vụ cộng đồng chia thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần là một nghĩa vụ riêng biệt (778 DLVN). Trong văn thức của các phán quyết tư pháp, người ta thường thấy ghi “dạy các bị đơn phải cộng đồng và liên đới …”. Điều đó không có nghĩa lý gì cả, bởi vì nghĩa vụ liên đới trái ngược hẳn với nghĩa vụ cộng đồng. Nghĩa vụ cộng đồng là trường hợp thông thường của các nghĩa vụ phức thể, nhưng trên thực tế rất hiếm. Trong địa hạt khế ước, nếu có nhiều con nợ, chủ nợ bao giờ cũng buộc họ phải cam kết liên đới với nhau. Trên địa hạt thương mại, nghĩa vụ liên đới còn được phỏng đoán. Ngoài ra, án lệ cũng không áp dụng các quy tắc của nghĩa vụ cộng đồng cho các nghĩa vụ dân sự phạm hay bán dân sự phạm. Như vậy, ít khi người ta thấy nghĩa vụ có tính cách cộng đồng ngay từ lúc thành lập. Nhưng một nghĩa vụ có thể trở thành cộng đồng sau khi chủ nợ hoặc con nợ chết đi: Trái khoản hay món nợ được phân chia giữa các người thừa kế và những người này trở thành chủ nợ hay con nợ cộng đồng. Tuy nhiên, bằng một hiệp ước, người ta có thể cam kết với nhau khác đi: Các đương sự có thể thỏa thuận rằng nghĩa vụ là bất khả phân khi nó được chuyển cho các thừa kế của chủ nợ hoặc con nợ.
III.2.2: Nghĩa vụ liên đới: Sự liên đới là một trạng thái của nghĩa vụ, theo đó, các trái quyền và các món nợ là không thể phân chia. Trường hợp thứ nhất gọi là sự liên đới tích cực vì nó xảy ra giữa các chủ nợ và trường hợp thứ hai gọi là liên đới tiêu cực vì nó xảy ra giữa các con nợ. Trong cả hai trường hợp, sự liên đới là một lợi điểm cho chủ nợ, vì nó cho phép người này được lãnh toàn thể món nợ, mặc dù họ không phải là chủ nợ duy nhất, hoặc khiến chủ nợ được đòi tất cả các món nợ một lần, mặc dù con nợ ấy có thể bắt nguồn từ một điều khoản đặc biệt của hiệp ước hoặc do một điều luật mà có.
1. Sự liên đới tích cực: Hiệu  lực chính của sự liên đới tích cực là mỗi người chủ nợ đều có quyền đòi hỏi toàn thể món nợ. Điều đó không có nghĩa là mỗi người chủ nợ được làm chủ món nợ và có quyền sử dụng toàn thể món nợ ấy. Sự thực, mỗi chủ nợ chỉ được hưởng phần của mình trong trái khoản mà thôi, và nếu họ được quyền thâu nhận khoản phụ trội là vì họ được ủy quyền để hành động nhân danh các chủ nợ khác. Tóm lại, có sự đại diện hỗ tương giữa các chủ nợ. Đối với các nghĩa vụ tác động hay bất tác động, và các nghĩa vụ giao nạp, sự liên đới tích cực gần như không có lợi tích gì cả: Tính cách bất khả phân của đối tượng của nghĩa vụ cũng phát sinh hiệu lực tương tự. Điều 800 DLVN nói rằng nghĩa vụ có tính cách bất  khả phân khi đối tượng của nó là một tài vật phải giao nạp cùng  một lúc hoặc một việc phải thi hành cả một lần. Sự liên đới tích cực chỉ có lợi ích trong việc chi phó các món nợ về tiền bạc, nhưng trên thực tế cũng rất hiếm, vì nó có điều nguy hiểm là đặt số phận quyền lợi của hcu3 nợ trong tay mỗi người trong bọn: Khi món nợ đáo hạn, mỗi người đều có quyền nhận lãnh toàn bộ món nợ cho riêng mình hoặc tẩu tán đi. Tuy nhiên, có một trường hợp liên đới tích cực thường thấy trên thực tế, đó là chương muc chung. Hai hay nhiều người mở tại ngân hàng một chương mục tồn khoản, và mỗi người đều có quyền rút ra toàn bộ tiền ký thác. Ngoài ra trong lĩnh vực thương mại, người ta cũng gặp các trường hợp liên đới tích cực. Vì sự liên đới tích cực có hiệu lực khiến cho chủ nợ có quyền thâu nhận toàn thể trái khoán, nên nó chỉ có thể tạo lập bởi hiệp ước hay một chúc thư: Luật pháp không khi nào quy định một sự liên đới tích cực đương nhiên.  Người con nợ đã chi phó cho một trong các chủ nợ toàn bộ trái khoản thì sẽ được giải trái (779 DLVN). Ngoài ra vì mỗi chủ nợ đều có tư cách để nhận sự chi phó, con nợ có thể chọn người chủ nợ nào mà mình muố chi phó. Nhưng quyền lựa chọn của con nợ chỉ có thể hành được nếu họ chưa bị khởi kiện. Một khi người con nợ đã nhận được yêu cầu chi phó của một chủ nợ rồi thì không thể chi phó cho người khác (780 DLVN). Bộ dân luật Đức trái lại trong trường hợp này vẫn cho phép con nợ được quyền lựa chọn (Đ 428).
Về tương quan giữa các chủ nợ với nhau, người ta thấy ở đây ý niệm đại diện: Một người chủ nợ được đại diện cho các người kia để bảo lưu và thâu hồi trái khoản chung, nhưng không được làm điểu gì có thể hại đến quyền lợi của họ. Sự kiện này đưa đến hai hậu quả sau:
a. Từ sự kiện mỗi người chủ nợ được người kia ủy nhiệm để bảo lưu trái khoản chung, người ta suy diễn ra rằng:
– Mỗi người chủ nợ đều có thể nhận toàn bộ món nợ và giải trái cho con nợ;
– Nếu một người chủ nợ đốc thúc con nợ, hiệu lực của sự đốc thúc thủ lợi cho tất cả chủ nợ;
– Tiền lời vì quá hạn, do một người chủ nợ khỏi lưu, thủ lợi cho tất cả các chủ nợ khác;
– Nếu một người bị gián đoạn thời hiệu thì các chủ nợ khác cũng được hưởng (781 DLVN). Nhưng quy tắc này chỉ áp dụng khi sự gián đoạn thời hiệu là do một hành động tích cực của người chủ nợ. Nếu sự gián đoạn thời hiệu vì lý do vị thành niên chẳng hạn, thì sự gián đoạn này chỉ có hiệu lực đối với chủ nợ vị thành niên mà thôi.
b. Từ sự kiện mỗi người chủ nợ chỉ nhận được của các người kia một sự ủy quyền hạn chế, người ta đi đến kết luận rằng:
– Một chủ nợ không thể làm sự thế cải hay một sự miễn trái trên toàn thể món nợ nếu không có sự thỏa thuận của các chủ nợ kia; Mặc dù có thế cải hay miễn trái, trái khoản vẫn nguyên vẹn về phần của các chủ nợ khác. Sự thế cải hay miễn trái chỉ có hiệu lực trên phần của người chủ nợ đã làm những hành vi đó (780 .k 2 DLVN).
– Một người chủ nợ đã thách con nợ đi thề và nếu người này thề rằng không thiếu gì cả, thì lời thề này không thể đối kháng được với những chủ nợ khác (953 DLVN). Người con nợ chỉ được giải trái về phần của người chủ nợ đã thách họ thề mà thôi;
– Về hiệu lực của án văn do một người chủ nợ đi kiện, nếu có lợi cho các chủ nợ khác thì bản án có hiệu lực đối với mọi chủ nợ. Ngược lại án văn không thể làm hại đến quyền lợi của các chủ nợ không phải là tụng phương trong vụ kiện, nhưng về điểm này, học lý và án lệ không thuần nhất. Sau khi một người chủ nợ đã lãnh toàn bộ trái khoản, người đó phải trả lại cho các chủ nợ khác phần của mỗi người trong trái khoản chung, và nếu phần này không được xác định, thì sẽ chia đều nhau.
2. Sự liên đới tiêu cực: Nếu trong dân luật, sự liên đới giữa các chủ nợ trên thực tế không mấy ai biết tới, thì trái lại sự liên đới giữa các con nợ rất thông dụng và có nhiều lợi ích; nó tăng cường bảo đảm cho chủ nợ vì mỗi con nợ phải trả thế cho các người kia: Như vậy, chủ nợ sẽ vẫn lấy được nợ mặc dù một trong số các con nợ bị vô tư lực. Bởi vậy, khi một trái khoản do hai hay nhiều con nợ cam kết, chủ nợ bao giờ cũng buộc họ phải cam kết liên đới. Nhà làm luật cũng dự liệu liên đới trong một số trường hợp.
a. Nguồn gốc của sự liên đới tiêu cực: Sự liên đới tiêu cực đưa lại kết quả là con nợ có tư lực phải gánh chịu món nợ của người vô tư lực, vì thế nên cần phải có sự ưng thuận của họ chấp nhận gánh nặng ấy hoặc là phải có một bản văn luật pháp buộc họ như vậy. Đó là nguyên tắc dự liệu bởi điều 784 DLVN: “Sự liên đới không được suy đoán mà phải được minh thị xác định hay được luật dự định”. Do đó, người ta không thể thêm vào một trường hợp liên đới ngoài các trường hợp luật định, hoặc nếu là một sự liên đới ước định thì sự kiện ấy phải được quy định một cách minh thị. Điều đó không có nghĩa là các người kết ước phải ghi một văn thức trọng thể nào, chỉ cần rằng ý chí của các đương sự được biểu lộ minh bạch; nếu có sự nghi ngờ thì nghĩa vụ coi như cộng đồng. Tòa phá án Việt Nam, do phúc quyết ngày 25-8-1965 (PL 1966-III-4) đã nhắc lại nguyên tắc là sự liên đới không thể phỏng đoán được, mà chỉ có thể được ghi trong khế ước hoặc do luật pháp dự liệu. Do đó, một người thuê lại một căn phòng không thể bị xử liên đới cùng với người thuê chính và các người thuê lại khác, trả tiền thuê cho chủ nhà khi họ không có liên lạc pháp lý nào với chủ nhà, không hề cam kết chịu trách nhiệm liên đới như vậy, và cũng không có điều luật nào buộc họ phải trả liên đới như vậy. Tuy nhiên, cần ghi nhận ở đây là theo điều 1114 DLVN, chủ nhà có một tố quyền trực tiếp đối với người thuê lại để đòi người này phải trả cho mình số tiền thuê mà người ấy đáng lẽ phải trả cho người thuê chính. Như vậy, người thuê chính và người thuê lại là những con nợ cộng đồng đối với chủ nhà, chứ không phải là con nợ liên đới. Tuy nhiên, nguyên tắc trên không áp dụng trong lĩnh vực thương mại (784 k3 DLVN). Theo án lệ của Pháp, ngoại trừ trường hợp có giao ước định khác, sự liên đới được phỏng đoán giữa các người con nợ chung của một nghĩa vụ thương mại (PA. Pháp 17-1-1946 GP 1946-I-92). Các hội viên của công ty hợp danh chịu nghĩa vụ liên đới về các trái khoản của công ty mà không thể giao ước khác được. Theo luật Đức, sự liên đới được phỏng đoán trong dân luật cũng như trong luật thương mại. Sự liên đới do ý chí của các người kết ước có thể xuất phát từ một  khế ước trong đó ý chí của chủ nợ và con nợ được biểu lộ rõ, hoặc do một chúc thư mà có: Người lập chúc có thể buộc các thừa kế phải chịu nghĩa vụ liên đới trong sự chi phó các món nợ của di sản. Sự liên đới nhiều khi do luật định. Nhà làm luật dự liệu sự liên đới giữa các người con nợ nhằm những mục đích khác nhau: Khi thì nhà làm luật phỏng đoán là các người cộng ước đã cam kết liên đới với nhau. Điều 1168 DLVN định rằng nếu nhiều người cùng nhau mượn một vật để dùng thì họ phải liên đới chịu trách nhiệm về vật ấy đối với người cho mượn nếu vật bị thất lạc hay hư hỏng. Trong trường hợp khác, nhà làm luật dự liệu sự liên đới như là một biện pháp chế tài đối với các người đồng phạm một lỗi. Điều 784 k4 DLVN định rằng, các người đồng phạm một tội trạng phải liên đới trả cho nạn nhân các khoản bồi thường thiệt hại.
b. Hiệu lực của sự liên đới nghĩa vụ: Về hiệu lực của sự liên đới tiêu cực (còn gọi là sự liên đới hoàn toàn), người ta cần phải phân biệt một đằng là tương quan giữa chủ nợ và các con nợ, một đằng khác là tương quan giữa các con nợ với nhau.
– b1: Tương quan giữa chủ nợ và các con nợ: Trong bộ dân luật Việt Nam, nhà làm luật quy định khá tỉ mỉ hiệu lực của sự liên đới trong tương quan giữa chủ nợ và các con nợ. Tuy nhiên, để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu xem xác tương quan ấy được xây dựng trên căn bản nào. Lý thuyết cổ điển phân biệt giữa các hiệu lực chính yếu và hiệu lực phụ thuộc của sự liên đới tiêu cực. Theo lý thuyết này, các hiệu lực chính yếu của sự liên đới được căn cứ trên ý niệm: Chỉ có một đối tượng duy nhất trong khi lại có nhiều liên hệ pháp lý. Vì chỉ có một đối tượng duy nhất nên chủ nợ có quyền đòi hỏi một người con nợ phải thanh toán toàn thể món nợ, và sự chi phó bởi một người con nợ sẽ có hiệu lực giải trái cho tất cả các con nợ khác. Vì có nhiều liên hệ pháp lý, mỗi con nợ bị kết buộc với chủ nợ bằng một liên hệ pháp lý riêng biệt, nên nếu con nợ này không hoàn trả được cho chủ nợ toàn thể món nợ, người chủ nợ có quyền đòi hỏi một người con nợ khác phải trả số nợ còn lại. Mặc khác, các khước biện có tính cách hoàn toàn cá nhân mà một người con nợ có thể đối kháng với chủ nợ, không thủ lợi gì cho các con nợ khác. Về các hiệu lực phụ thuộc của sự liên đới, thì lý thuyết cổ điển lại căn cứ trên ý niệm đại diện: các người con nợ liên đới đại diện lẫn cho nhau. Điều sai lầm của lý thuyết cổ điển là đã phân biệt giữa các hiệu lực chính và hiệu lực phụ của sự liên đới, để gán cho các hiệu lực ấy hai căn bản khác nhau một cách độc đoán. Thật ra, tất cả các hiệu lực của sự liên đới, chứ  không phải chỉ có các hiệu lực phụ thuộc thôi, đều căn cứ trên ý niệm các người con nợ đại diện lẫn cho nhau. Người ta đã chỉ trích rằng, ý niệm đại diện chỉ có thể chấp nhận được trong trường hợp sự liên đới bắt nguồn từ khế ước, khi đó các con nợ ủy quyền cho nhau, ý niệm đại diện trái lại không thể là căn bản cho sự liên đới pháp định. Nhưng nói như thế tức là đã quên rằng, sự đại diện không phải bao giờ cũng bắt nguồn từ ý chí của tư nhân. Sự đại diện có thể có tính cách ước định hoặc pháp định, như trường hợp giám hộ: Người giám hộ là người đại diện pháp định của trẻ vị thành niên hay của người bị cấm quyền. Tuy nhiên, sự đại diện hỗ tương giữa các con nợ cũng có giới hạn: Một người con nợ chỉ có thể đại diện cho một trái hộ khác nếu như người trái hộ này cũng là con nợ và chỉ trong giới hạn người ấy là con nợ. Với sự dè dặt này, chúng ta sẽ xét qua hiệu lực của sự liên đới căn cứ trên ý niệm đại diện hổ tương giữa các con nợ. Ý niệm đại diện hổ tương giữa các con nợ chứng minh cho các hiệu lực chính yếu cũng như các hiệu lực phụ thuộc của sự liên đới.
+ Các hiệu lực chính yếu: Lý thuyết cổ điển chứng minh hai hiệu lực chính yếu sau đây của sự liên đới tiêu cực bởi ý niệm đối tượng duy nhất: Chủ nợ được quyền đòi họi một người trong số các con nợ phải trả toàn thể món nợ (785 DLVN). Hiệu lực này thực ra được minh chứng không phải vì người con nợ biện kiện thiếu toàn thể món nợ, nhưng vì người đó đại diện cho các con nợ khác. Trong trường hợp con nợ bị kiện không trả được toàn thể món nợ, chủ nợ được quyền đòi hỏi một người con nợ khác phải trả tiếp, và cứ như thế tới khi nào thâu hồi được toàn thể món nợ (787 DLVN). Sự kiện người chủ nợ có quyền đòi hỏi một người trong số các con nợ phải thanh toán toàn thể món nợ, trên thực tế đem lại nhiều lợi ích quan trọng. Không những chủ nợ được tư do lựa chọn người con nợ nào mà họ cho rằng dễ kiện hơn cả, mà sự lựa chọn đó còn khiến chủ nợ  khoải phải gánh chịu sự vô tư lực của một hay nhiều con nợ: Chủ nợ chỉ cần lựa chọn người con nợ nào có tư lực hơn cả. Các người con nợ có tư lực sẽ phải gánh chịu sự vô tư lực của các người con nợ khác. Đó chính là lợi ích căn bản của nghĩa vụ liên đới so sánh với nghãi vụ cộng đồng: Khác với nghĩa vụ cộng đồng, người chủ nợ trong trường hợp nghĩa vụ liên đới, không phải gánh chịu trái khoản của con nợ vô tư lực. Tuy nhiên, có một trường hợp trong đó trái khoản của chủ nợ có thể bị phân chia: Một con nợ chết đi để lại nhiều thừa kế, thì khi đó chủ nợ không thể đòi hỏi một người thừa kế phải chi phó toàn thể trái khoản. Chủ nợ chỉ có quyền đòi hỏi mỗi người thừa kế chi phó một phần trái khoản tính theo tỉ lệ phần hưởng của mỗi người thừa kế trong di sản. Như vậy, một người thừa kế vô tư lực thì các người kia không phải trả thế. Nhưng chủ nợ có thể tránh hậu quả bất lợi này bằng cách quy định rằng  món nợ vừa có tính cách liên đới, vừa có tính cách bất khả phân. Ngoài ra, điều 786 DLVN còn cho phép người con nợ bị kiện được xin đòi các con nợ liên đới khác dự sự vào vụ tranh tụng để bảo vệ quyền lợi ích chung, hoặc để phân phối kỷ phần mỗi người phải trả trong tương quan giữa họ với nhau. Giải pháp này không có hậu quả khiến con nợ bị kiện chỉ phải chi phó phần của mình trong món nợ, mà người này vẫn phải chi phó toàn thể trái khoản, nếu không, món nợ sẽ mất tính cách liên đới. Tuy nhiên, giải pháp này có nhiều lợi ích: Nếu một người trong số các con nợ có thể đối kháng với chủ nợ một khước biện (hà tì của sự ưng thuận, sự miễn trái, sự hỗn nhập, điề kiện, hạn kỳ …) và nếu khước biện này được chấp nhận thì con nợ bị kiện được khấu trừ phần của người con nợ nêu khước biện trong trái khoản chung, và chỉ còn phải chi phó phần còn lại. Ngoài ra, phần của mỗi con nợ liên đới trong trái khoản chung sẽ được ấn định rõ trong bản án. Do đó, người con nợ chi phó sẽ được dễ dàng khi đòi các người trái hộ khác trả phần của mỗi người trong trái khoản. Sự chi phó bởi một con nợ có hiệu lực giải trái cho các con nợ khác đối với chủ nợ. Sở dĩ như vậy là vì con nợ chi phó đã chi phó thay cho các con nợ k hác với tư cách là một người đại diện.
+ Các hiệu lực phụ thuộc: Lý thuyết cổ điển giái thích các hiệu lực phụ thuộc của sự liên đới bởi ý niệm đại diện; về điểm này, lý thuyết cổ điển đã nhận định đúng. Trong số các hiệu lực phụ thuộc vào sự liên đới, có ba hiệu lực do bộ dân luật quy định, còn hai hiệu lực khác do án lệ đề ra. Các hiệu lực này đều liên quan đến các hành vi do chủ nợ làm chống lại một con nợ. Ba hiệu lực quy định bởi bộ Dân luật là:
– Sự đốc thúc do chủ nợ tống đạt cho một người con nợ có hiệu lực đối với tất cả các con nợ liên đới (788 DNVN). Tuy nhiên, hiệu lực này cũng có một phần nào bị hạn chế. Thực vậy, nếu điều luật nói trên dự liệu rằng kể từ ngày có sự đốc thúc các rủi ro sẽ do tất cả các con nợ phải gánh chịu, tức là những người này phải trả cho chủ nợ giá trị của đồ vật đã bị tiêu thất sau khi có sự đốc thúc, thì bản văn ấy cũng định rằng chủ nợ chỉ có thể đòi bồi thường thiệt hại nơi người con nợ bị đốc thúc và người con nợ đã phạm lỗi khi vật bị tiêu thất. Sự giới hạn này được thúc đẩy bởi một lý do công bằng: Nhà làm luật không muốn rằng các con nợ liên đới phải chịu hậu quả của một sự thi hành chậm trễ trong khi chính họ không bị đốc thúc thi hành.
– Khi chủ nợ khởi kiện một con nợ, sự kiện ấy sẽ làm gián đoạn thời hiệu đối với tất cả các con nợ liên đới (điều 789 DLVN). Hậu quả này được chứng minh bởi sự đại diện hổ tương giữa các con nợ liên đới.
– Khi chủ nợ đã đòi một trong những trái hộ liên đới phải trả tiền lời thì kể từ ngày ấy các trái hộ khác cũng phải chịu tiền lời (790 DLVN).
Ngoài các hiệu lực quy định bởi bộ dân luật, án lệ căn cứ trên ý niệm đại diện tương hổ giữa các con nợ đã suy diễn ra hai hiệu lực khác của sự liên đới:
– Bản án được tuyên xử đối với một người con nợ do đơn kiện của chủ nợ, có hiệu lực đối với tất cả các con nợ khác. Ở đây không có sự vi phạm vào nguyên tắc uy lực quyết tụng tương đối của việc xử rồi, bởi vì trong vụ kiện người con nợ bị kiện đại diện cho tất cả các người kia. Tuy vậy, đối với các con nợ hiện diện trong vụ kiện thì không có vấnđề đại diện nữa, họ đã có mặt thì đâu có cần phải được đại diện; do đó án lệ định rằng, sự kháng cáo hay kháng tố do một người con nợ làm không có giá trị đối với các người con nợ hiện diện trong vụ kiện.
– Sự chuyển nhượng trái quyền được tống đạt cho một người con nợ sẽ có hiệu lực đối kháng với tất cả các con nợ khác.
Qua các hiệu lực vừa trình bày trên đây của sự liện đới, chúng ta có thể nói một cách tổng quát rằng mọi hành vi chống lại một người con nợ đều đối kháng với các con nợ liên đới khác. Nhưng sự đại diện hỗ tương giữa các con nợ liên đới cũng có hai giới hạn sau đây:
Giới hạn 1: Đối với các hành vi do một người con nợ làm, ý niệm đại diện có thể gây nguy hiểm. Khi một người ủy quyền cho một người khác, bao giờ họ cũng xác định rõ giới hạn của sự ủy quyền ấy, và thẩm phán phải giải thích một cách chặt chẽ các điều khoản của khế ước ủy nhiệm. Nhưng trong trường hợp đại diện hỗ tương giữa các con nợ liên đới, vì không có một khế ước, nên người ta khó vạch rõ các giới hạn của sự đại diện ấy. Vấn đề đặt ra là hành vi do một con nợ làm chó thể đối kháng với các con nợ liên đới khác trong giới hạn nào? Một con nợ bị chủ nợ kiện, lại khước từ quyền biện hộ, hoặc thách thức chủ nợ đi thề, hay điều đình với chủ nợ, các hành vi này có hiệu lực đới với các con nợ liên đới khác không? Án lệ về điểm này đã giải quyết khó khăn bằng phương thức sau: “Sự ủy nhiệm theo đó, các con nợ liên đới được coi là đại diện lẫn cho nhau, chỉ có thể cho phép họ làm cho tình trạng chung của họ được cải thiện hơn, chứ không khiến họ có thể làm hại tới tình trạng của một con nợ nào cả“. (PA. Pháp 16-2-1891 D 1893-I-177 S 1893-I-81 ghi chú Tissier).
Giới hạn 2: Một người con nợ chỉ đại diện cho các con nợ liên đới khác với điều kiện là người được đại diện cũng là con nợ và chỉ trong giới hạn họ là con nợ. Sự kiện này đưa  tới nhiều hậu quả:
– Những khước biện có tính cách hoàn toàn cá nhân của một người con nợ, không thể do các con nợ khác nại ra. Đó là sự khước biện về vô tư cách hay vì hà tì của sự ưng thuận. Chỉ có người con nợ vô tư cách hoặc sự ưng thuận bị hà tì mới có quyền nại ra khước biện ấy. Thực vậy, một người con nợ liên đới chỉ có quyền đại diện cho trái hộ khác, nhưng kẻ vô năng cách hoặc người mà sự ưng thuận của họ bị hà tì thì họ không phải là con vì sự cam kết của họ bị vô hiệu. tuy nhiên, theo điều 792 DLVN mặc dù các khước biện bề sự vô năng cách hay về hà tì của sự ưng thuận của một người con nợ chỉ có thể do người này nại ra mà thôi, nhưng một khi khước biện này được chấp nhận thì các chủ nợ khác được quyền khấu trừ điphần của người này trong món nợ chung. Ngoài khước biện vô tư cách và hà tì của sự ưng thuận, khước biện về hạn kỳ và điều kiện của nghĩa vụ cũng phải được coi là có tính cách cá nhân: Chỉ người con nợ nào được hưởng hạn kỳ hay điều kiện mới được quyền nại ra. Tuy nhiên, cũng như các trường hợp trên, một khi khước biện này được chấp nhận sẽ thủ lợi cho các người con nợ liên đới khác. Trái lại, đối với các khước biện chung liên quan đến trái khoản thì mọi con nợ liên đới đều có quyền nại ra. Ví dụ: Khước biện căn cứ trên tính cách bất hợp pháp hay vô luân của nguyên nhân của nghĩa vụ; khước biện về nghĩa vụ không được thành lập hay đã mãn kết (791 DLVN).
Giữa hai loại khước biện cá nhân và khước biện chung, còn có một loại khước biện khác có tính cách hỗn hợp: Khước biện miễn trái và hỗn nhập. Các khước biện này vừa liên quan đến trái khoản, vừa liên quan đến một người con nợ. Sự miễn trái do chủ nợ ưng thuận cho riêng một người con nợ nhưng dành quyền đối với con nợ khác, chỉ có hiệu lực giải trái cho riêng người con nợ ấy mà thôi. Tuy nhiên, các con nợ liên đới khác được quyền trừ đi phần của người con nợ được miễn trái trong trái khoản chung (Đ 848 DLVN). Đó cũng là trường hợp một người con nợ di hưởng tài sản của chủ nợ, khi đó có một sự hỗn nhập: Sự hỗn nhập tư cách chủ nợ và con nợ khiến trái khoản của người con nợ thụ di không còn nữa và các con nợ liên đới khác được quyền trừ đi phần của người ấy trong trái khoản chung (793 DLVN). Khi người chủ nợ chấp thuận cho một con nợ liên đới được trả riêng phần của họ trong món nợ chung, trái khoản sẽ không vì thế mà mất đi tính liên đới. Chủ nợ vẫn duy trì tố quyền liên đới đối với các con nợ khác nhưng các người này được miễn trừ đi phần của người con nợ được miễn trừ sự liên đới trong trái khoản chung (794, 795, 798 DLVN).
– b2: Tương quan giữa các con nợ với nhau:
– Các con nợ liên đới chỉ đại diện lẫn cho nhau trong mối tương quan giữa họ và chủ nợ. Giữa các con nợ với nhau, ý niệm đại diện không áp dụng. Người con nợ liên đới đã chi phó toàn thể trái khoản có toàn quyền đòi các người con nợ kia phải hoàn trả lại phần của mỗi người trong món nợ. Như vậy, giữa các con nợ với nhau, trái khoản không còn tính cách liên đới nữa mà trở thành cộng đồng: Mỗi con nợ chỉ phải trả phần của mình trong món nợ chung. Nếu có một con nợ vô tư lực thì đáng lẽ người con nợ đã chi phó phải gánh chịu, nhưng để tránh hậu quả bất công này, nhà làm luật định rằng trái khoản của con nợ vô tư lực sẽ do các con nợ có tư lực chia nhau chịu mỗi người một một phần theo tỷ lệ trái khoản của mỗi người trong món nợ chung. Trái khoản của mỗi người con nợ liên đới được phỏng đoán là bằng nhau nếu không có điều khoản trái lại (796, 797 DLVN).
– Để hành xử tố quyền cầu hoàn đối với các người trái hộ khác, người con nợ đã chi phó có một tố quyền phát sinh bởi khế ước ủy nhiệm nếu là nghĩa vụ ước định, hoặc tố quyền phát sinh bởi một quản lý sự vụ nếu là nghĩa vụ ngoại khế ước. Nhưng người con nợ đã chi phó có thể có lợi ích để hành xử tố quyền trước đây thuộc về người chủ nợ. Ví dụ: Khi tố quyền ấy có những bảo chứng đối vật (để đương, ưu tiên), sự chi phó do một người con nợ liên đới thực hiện là một trường hợp khế vị pháp định – Người con nợ chi phó được kế vị vào quyền lợi và tố quyền của người chủ nợ. Tuy nhiên, sự kế vị trong trường hợp này không phát sinh tất cả hiệu lực của nó: Trong khi người chủ nợ có thể đòi hỏi một người con nợ liên đới phải chi phó toàn thể trái khoản, thì người con nợ đã chi phó không thể đòi hỏi như vậy, mà chỉ có thể đòi mỗi người trái hộ chi phó phần của họ trong trái khoản chung mà thôi.
3. Nghĩa vụ toàn ngạch: Trong luật La Mã, người ta chấp nhận bên cạnh nghĩa vụ liên đới bắt nguồn ở ý chí của cá nhân, một tình trạng bán liên đới phát xuất từ một lỗi chung: Khi nhiều người cùng phạm lỗi gây ra một sự thiệt hại, họ phải chịu một nghĩa vụ toàn ngạch mỗi khi không thể phân biệt sự thiệt hại do mỗi người gây ra. Điều 55 Bộ Hình luật Pháp, phỏng theo luật La Mã, quy định rằng, các người bị kết phạt về cùng một tội phạm sẽ phải liên đới chịu các khoản ngân hình và tiền bồi thường thiệt hại. Án lệ tại Pháp, để tăng thêm các trường hợp nghĩa vụ liên đới không bắt nguồn từ ý chí của các người không kết ước, lúc đầu đã áp dụng điều 55 bộ Hình luật cho các dân sự phạm và bán dân sự phạm ngay cả trong trường hợp không có một tội phạm về hình sự nào bị kết án phạt cả. Sau đó án lệ chuyển hướng và chấp nhận một nguyên tắc như trong lau65t La Mã là khi nhiều người cùng gây ra một tổn hại mà không thể phân biệt được trong sự tổn hại ấy phần của mỗi người, thì mỗi người bị coi như đã gây ra toàn thể sự tổn hại và phải bồi thường toàn thể sự tổn hại ấy. Tòa phá án Pháp nói rằng “Giữa lỗi của mỗi người và sự tổn hại có một tương quan trực tiếp và cần thiết”. Và “mỗi một lỗi đã tham dự vào việc phát sinh ra toàn thể sự tổn hại”. Ví dụ: Một người bộ hành bị một chiếc xe hơi leo lên lề đường cán phải. Chiếc xe một phần vì chạy quá nhanh, một phần vì phải tránh một chiếc xe đạp đi bên trái đường, nên đã gây tai nạn. Có hai lỗi và một sự tổn hại, tài xế xe hơi và người đi xe đạp, cả hai đều phải bồi thường toàn thể tổn hại đã gây ra cho người khách bộ hành. ….còn nữa

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar