NGHĨA VỤ HÀNH CHÁNH
111._Đây là yếu tố quan trọng nhất của luật hành chánh, vì ta hy vọng trong tương lai, toàn thể luật hành chánh có thể đặt trên nền tảng nghãi vụ của công quyền, để trở thành “Luật nghĩa vụ của hành chánh”, thay thế cho quan niệm luật công quyền, mà vài luật gia chậm tiến hãy còn muốn phục hồi lại nhân dịp phong trào tìm kiếm nền tảng hiến tính cho luật hành chánh. Trong kiến trúc lý tưởng của ta, cả ba thành phần, luật hành chánh định chế hay hiến định, luật hành chánh tương quan và luật hành chánh tài phán sẽ là ba tầng lầu ăn khớp, xây cất theo kỹ thuật nghĩa vụ hành chánh. Trong khi chờ đợi mô hình kiểu mẫu trở thành kiến trúc hiện thực, chúng ta ý niệm rằng ít nhất học lý nghĩa vụ mà chúng ta chủ trương, cũng là một dụng cụ làm việc, mang tới một ánh sáng mới mẻ, rọi chiếu đối tượng hành chánh, trong phương pháp quan sát và phân tích, về phương diện pháp lý. Và nếu chẳng may, tất cả công trình cần mẫn trong kế hoạc kiên trì của ta sẽ chỉ là “công dã tràng xe cát biển đông”, thì ta cũng tự an ủi là đã góp phần vào công cuộc xây dựng tích cực chung bằng các kết quả tiêu cực, vì thực ra trong mọi khoa học, sự tiến bộ thực tế đã do nơi loại bỏ dần các giả thiết sai lầm mới tiến tới được sự minh xác và chính xác hóa các quy tắc trắc nghiệm còn lại. Học lý nghĩa vụ hành chánh của ta sẽ được phân tích về hai phương diện lý thuyết thuần túy và cố gắng xây dựng kỹ thuật trong hai mục riêng biệt.
MỤC I._ LÝ THUYẾT NGHĨA VỤ HÀNH CHÁNH
112._ Về lý thuyết, quan niệm nghĩa vụ hành chánh là giao điểm và kết điểm của hai khuynh hướng, đó là phong trào giải huyền luật pháp và giải thần quyền thế cùng tiến trình tìm kiếm nền tảng và tiêu chuẩn kỹ thuật cho sự biệt lập của luật hành chánh. Về nền tảng và tiêu chuẩn kỹ thuật của sự biệt lập, trong các chương III và IV, ta đã đề nghị dùng quan niệm công vụ về thực chất làm nền tảng và các kỹ thuật pháp lý hành chánh làm tiêu chuẩn.
113._ Về nền tảng công vụ, c1o một khuynh hướng muốn tổng quát hóa công vụ trong một quan niệm toàn diện là nhiệm vụ hành chánh cho hợp với sự phân nhiệm các quyền hạn trong quốc gia để thay thế nguyên tắc phân quyền lỗi thời. Trong một số niên khóa trước đây, ta đã khai thác quan niệm nhiệm vụ hành chánh và nhận thấy nó là giả thiết làm việc khá hữu hiệu. Và đây là một khía cạnh tác dụng rất đặc biệt của một danh từ trong sự hướng dẫn khảo cứu, danh từ nhiệm vụ đầy đủ ý nghĩa hơn danh từ “fonction” (chức năng), vì nhiệm vụ tiên niệm bổn phận (devoir) hay nghĩa vụ (obligation) một phần nào rồi nên khi dùng quan niệm đó làm nền tảng cho Luật hành chánh, chúng ta liên tưởng ngay tới nghĩa vụ và đã theo ý nghĩa đặc biệt này mà khảo sát, và khi ta quyết định chuyển sang quan niệm nghĩa vụ, đối với ta chỉ là buốc tiến kỹ thuật (còn trong danh từ Pháp quốc thì hai ý niệm fonction (chức năng) và obligation (nghĩa vụ) khác nhau xa vời. Dù sao thì kết điểm của tiến trình tìm kiếm nền tảng cho luật Hành chánh là nghĩa vụ hành chính, và quan niệm của ta cũng còn là kết điểm của một khuynh hướng thứ hai thuộc về sự khoa học hóa phương pháp, đó là phong trào giải huyền luật pháp và giải thần quyền thế mà giả thiết làm việc của ta đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, nên thiêt tưởng cần phân tích trong chương này, sau khi minh chứng sự cần thiết một học lý và các đức tính mà học lý cần phải có mới là một giả thiết làm việc hữu hiệu.
114._
Bình luận