Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

8. Phân loại các khế ước

PHÂN LOẠI CÁC KHẾ ƯỚC

Nội dung của khế ước thay đổi muôn hình vạn trạng theo ý chí của các đương sự. Do vậy, trong thực tế sự khác nhau của các khế ước là vô hạn định. Tuy vậy, người ta có thể phân loại các khế ước về 4 phương diện: Hình thức của khế ước; Điều kiện nội dung của sự kết lập khế ước; Dung lượng của khế ước; Giải thích các khế ước.

  1. Phân loại theo hình thức các khế ước: Căn cứ theo hình thức của khế ước, người ta phân ra: Khế ước hiệp ý, khế ước trọng thể và khế ước giao vật.
    a. Khế ước hiệp ý: Là những khế ước do sự ưng thuận của người kết ước lập thành. Hai bên chỉ cần gặp gỡ nhau và thỏa thuận mà thành chứ không cần ký kết một văn bản. Đây là loại khế ước chủ yếu diễn ra trong đời sống hàng ngày, do sự tiện lợi của chúng, thích hợp đối với các loại giao dịch nhỏ, không đòi hỏi sự long trọng. Tuy nhiên, đối với những giao dịch quan trọng, nhất là liên quan đến người thứ ba, như bất động sản thì người ta không thể tùy tiện dùng khế ước hiệp ý được.
    b. Khế ước trọng thể: Do tính chất quan trọng của các giao dịch, nhà làm luật bắt buộc các khế ước này phải do chưởng khế hoặc công lại có thẩm quyền soạn thảo và ký tên xác nhận hoặc có thể luật bắt buộc phải đưa vào khế ước một số điều khoản quan trọng và lưu ý người kết ước một số điều khoản thiết yếu. Các khế ước do chưởng khế soạn thảo là khế ước giá thú hay hôn khế, quy định chế độ hôn sản của hai vợ chồng, khế ước tặng dữ bất động sản, khế ước để đương. Trong một số trường hợp khác, luật pháp bắt buộc phải ghi một số điều khoản thiết yếu. Ví dụ: Để tránh cho người mua các sản nghiệp thương mại bị lừa hay bị tổn thiệt, Luật ngày 29-6-1935 của Pháp bắt người bán sản nghiệp thương mại phải ghi vào trong chứng thư bán một số điều khoản liên hệ đến giá trị của sản nghiệp trong mấy năm về trước; nếu không thì khế ước sẽ vô hiệu. Phân tích các điều khoản tối thiểu trong sự kết lập các khế ước tối thiểu, chúng ta thấy rắng, trong trường hợp này, nhà lập pháp theo đuổi 4 mục đích: Các hình thức trọng thể, hình thức dẫn chứng, hình thức cấp tư năng và hình thức công bố.
    c. Các khế ước giao vật (contrats réels: Hợp đồng thực): Trong cổ luật La Mã, khi giai đoạn các khế ước trọng thức bắt đầu suy tàn, người ta thấy xuất hiện các khế ước giao vật. Sự kết lập các khế ước này phải tùy thuộc thiết yếu vào sự gioa nạp đồ vật (la tradition: truyền thống)  . Nếu vật chưa giao thì chưa có khế ước giao vật. Trong cổ luật La Mã có 4 khế ước giao vật mà dân luật thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng Hòa cũng còn dùng, đó là:
    c1. Tô tá ứng dụng hay cho vay để dùng (le commodat: anh ấy cho vay; hay prêt à usage: sẵn sàng sử dụng) ;
    c2. Tô tá tiêu dụng hay cho vay để tiêu dùng (le mutuum: khoản vay hay prêt de consommation; vay tiêu dùng);
    c3. Ký thác (le dépôt; tiền đặt cọc);
    c4. Thế chấp hay cầm cố (le gage: các cam kết)
    Ngoài 4 loại khế ước giao vật cổ điển vừa đề cập, còn có một số khế ước giao vật khác.
    – Điều 931 DLP quy định: “Mọi chứng thư tặng cho phải được lập trước công chứng viên, theo hình thức thông thường của hợp đồng và được công chứng viên lưu bản chính. Nếu không tuân thủ các quy định này, chứng thư tặng cho sẽ vô hiệu”. Tuy nhiên, án lệ của Pháp có một quan niệm khoáng đại hơn và coi rằng những sự tặng dữ động sản, tuy không làm bằng chứng thư công chứng, nhưng cũng có giá trị, nếu như người thụ tặng đã chấp hữu thực sự tặng vật. Đây là trường hợp thủ tặng (don manuel). Điều 866 DLB, 976 DLT quy định: “Sự tặng dữ tiền bạc hay động sản không phải theo hình thức nào cả. Sự tặng dữ ấy được thực hiện bằng cách người tặng chủ giao vật cho người thụ tặng“. Như vậy, sự tặng dữ tiền bạc và bất động sản cũng là khế ước giao vật. Ngoài ra, trong các án lệ của Pháp, coi khế ước chuyên chở hàng hóa như là khế ước giao vật, bắt buộc phải bao gồm sự ký thác các hàng hóa được chuyên chở cho người nhận chuyên chở.
    – Cần phải giải thích thêm rằng, sự giao nạp đồ vật trong khế ước giao vật không bắt buộc phải giao nhận giữa hai người kết ước. Chỉ cần người chủ giao nạp thì mất quyền chấp hữu và sự giao nạp có thể giao cho người thứ ba, nếu có sự thỏa thuận với nhau như vậy.
  2. Phân loại theo các điều kiện nội dung của sự kết ước: Về phương diện nội dung, điều kiện thiết yếu cho sự thiết lập các khế ước là ý chí của các người kết ước. Nếu ý chí này không có hoặc ý chí này bị hà tỳ, khế ước sẽ bị vô hiệu tuyệt đối hoặc tương đối. Về nguyên tắc, người ta được tự do thảo luận về tất cả các điểu kiện khế ước, miễn là không xâm phạm đến trật tự công cộng. Nhưng trong thực tế, nhiều khi người ta lại không được tự do thương lượng các điều kiện của khế ước, như trong trường hợp khế ước gia nhập – người mua điện, nước phải chấp nhận toàn bộ nội dung khế ước. Mặt khác, về phương diện nội dung, khế ước chỉ có giá trị đối với những ai tham gia giao kết, tuy nhiên, có một vài biệt lệ là nhiều hiệp ước có tính cách cộng đồng, như thỏa ước lao động, do người đại diện ký.
    a. Khế ước hiệp ý và khế ước gia nhập:
    – Trong khế ước gia nhập, như khế ước mua điện nước, đi máy bay, bên khách hàng đã mất đi sự tự do thương thuyết và phải nhận các điều kiện của đối phương. Vì thế, các luật gia đã ví các khế ước này như những định chế công pháp vì lẽ ý chí của một trong các bên kết ước đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, xét kỹ thì ý chí gia nhập khế ước của đương sự vẫn còn giữ vai trò quan trọng. Không ai bắt đương sự phải ký khế ước gia nhập. Nếu đương sự nhận ký kết, chính là do ý muốn của các đương sự.
    – Sự phân biệt khế ước gia nhập và khế ước hiệp ý có lợi ích về phương diện lập pháp. Về nguyên tắc, nhà lập pháp không can thiệp vào khế ước hiệp ý. Trái lại, đối với các khế ước gia nhập, nhất là trong trường hợp độc quyền pháp định hoặc thực tế nhà làm luật thường can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người kết ước cô độc hoặc suy yếu như trong các khế ước bảo hiểm, khế ước vận chuyển công cộng.
    – Về phương diện thi hành và giải thích hiệp ước, các tòa án thường chú trọng vào việc tìm kiếm ý chí chung của các người kết ước đối với những khế ước hiệp ý. Đối với các khế ước gia nhập, tòa án có xu hướng bảo vệ quyền lợi người kết ước cô độc hay suy yếu bằng cách nghĩ thêm ra các điều khoản có lợi cho bên yếu thế không được ghi trong khế ước.
    b. Các khế ước cá nhân và khế ước cộng đồng: Điển hình như khế ước lao động tập thể, được ký kết giữa chủ doanh nghiệp với đại diện tập thể người lao động.
  3. Phân loại theo dung lượng các khế ước: Dung lượng các khế ước gồm tất cả các nghĩa vụ do khế ước tạo lập ra. Về phương diện này, về phương diện này có thể phân các khế ước ra làm 3 dạng, từng cặp đối lập nhau:
    – Khế ước song phương và khế ước độc phương (đơn phương), tùy theo các nghĩa vụ do các khế ước phát sinh ra có tính cách hỗ tương hay không.
    – Khế ước hữu thường và khế ước vô thường; hay khế ước thực hoán và khế ước kiểu hãnh, tùy theo mục đích của người kết ước.
    – Khế ước tức hành và khế ước liên tiếp, tùy theo sự thi hành các nghĩa vụ được thực hiện trong khoảnh khắc hay kéo dài trong thời gian.
    a. Khế ước song phương và khế ước đơn phương (độc phương):
    a1: Điều 646 DLB, 683 DLT, dựa theo 1106 DLP đã định nghĩa: “Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ có một hoặc nhiều bên có nghĩa vụ với một hoặc nhiều bên khác mà các bên này không có nghĩa vụ ngược lại”. Như vậy là khế ước có tính chất song phương khi người lập ước cam kết tương hỗ (qua lại) với nhau. Khế ước có tính chất đơn phương khi có một hay nhiều người lập ước cam kết với một hay nhiều người khác mà những người  này không cam đoan điều gì tương hỗ ngược lại. Như vậy, trong khế ước song phương, do tính chất tương hỗ của nghĩa vụ, một người vừa là trái chủ, vừa là người phụ trái. Ví dụ trong khế ước mua bán, người mua vừa là người trả tiền, vừa là người có quyền đòi phải giao hàng. Người bán cũng vậy. Trái lại, trong khế ước đơn phương, mỗi người kết ước, chỉ có thể là hoặc là trái chủ hoặc là người phụ trái, chứ không thể có các nghĩa vụ tương hổ được. Thí dụ: Khế ước vay mượn là khế ước đơn phương vì khế ước này chỉ phát sinh ra một nghĩa vụ đối với người đứng vay phải giao hoàn lại đồ vật mình đã vay. Cần phân biệt giữa khế ước đơn phương với hành vi đơn phương. Hành vi đơn phương là một hành vi do ý chí của một người mà có, thí dụ như lập di chúc. Trong khi đó, khế ước đơn phương là một loại khế ước nên đòi hỏi phải có ý chí của hai hay nhiều ý chí. Lưu ý là hành vi pháp lý đơn phương có tính cách đơn phương cả trong kết lập và trong thi hành, còn khế ước đơn phương thì chí có tính cách đơn phương trong thi hành, còn sự kết lập vẫn có tính cách song phương.
    a2: Lợi ích của phân loại: Sự phân biệt khế ước song phương và đơn phương có nhiều lợi ích trong thực tế vì có nhiều quy t8a1c đặc biệt dành riêng cho các song khế:
    – Khước biện đồng bất thi hành: Khi một bên kết ước không thi hành nghĩa vụ của mình thì đối phương cũng có quyền từ chối thi hành nghĩa vụ của mình.
    – Sự giải trừ tư pháp: Khi một người kết ước không chịu thi hành nghĩa vụ của họ, đối phương có thể yêu cầu tòa án giải trừ khế ước ấy, khi đó khế ước coi như không có;
    – Vấn đề rủi ro: Khi một sự kiện bất khả kháng xảy ra, một bên không thể thi hành được nghĩa vụ thì đối phương không còn bị ràng buộc về khế ước nữa.
    Ba quy tắc này do tính cách tương hỗ của nghĩa vụ song khế mà có, vì vậy không thể áp dụng cho các độc khế hay đơn khế. Ngoài ra, các khế ước song phương còn có hai điểm đặc biệt là thể thức song bản (ít nhất phải có hai bản cho hai bên) và thể thức đăng ký trong trường hợp phải đăng ký. Đối với khế ước đơn phương thì hầu hết không phải đăng ký, trừ một số trường hợp đặc biệt.
    b. Khế ước vô thường và khế ước hữu thường:
    b1: Điều 647 DLB: “Hiệp ước hoặc là hữu thường hay vô thường. Hiệp ước hữu thường hay hữu lợi là khi mỗi bên chịu thiệt để làm lợi cho bên kia hay cho một người ngoài. Hiệp ước vô thường hay hảo tâm là khi một bên nhận một khoản lợi của bên kia mà không phải bồi thường lại“. Điều 683 DLT: “Hiệp ước có cái có tốn của, có cái không tốn của. Hiệp ước có tốn của hay là hiệp ước có lợi nghĩa là bên nào cũng có chịu thiệt để làm lợi cho bên kia hay cho một người ngoài. Hiệp ước không tốn của tức là hiệp ước do hảo tâm, nghĩa là một bên hận một khoản lợi của bên kia mà không pah3i đưa lại cho bên kia chút  lợi gì”. Điều 656 BDL 1972: “Khế ước có thể chia ra khế ước hữu thường và khế ước vô thường. Khế ước có tính cách hữu thường khi nào mỗi bên cùng phải mất một quyền lợi gì cho bên kia, hay cho một người đệ tạm. Khế ước có tính cách vô thường khi nào chỉ làm lợi cho một trong hai người kết ước”.
    Trong các loại khế ước vô thường, có thể kể các sự tặng dữ (les donations: quyên góp, donations), các khế ước hảo tâm (les contrats de bienfaisance: Hợp đồng từ thiện: charitable contracts), và các khế ước vô tư (contrats désintéressés: Hợp đồng vộ tư: selfless contracts). Trong các khế ước hảo tâm và vô tư, không có sự chuyển nhượng tài sản mà chỉ có một sự giúp đỡ, ví dụ như khế ước ký thác không lấy tiền, khế ước cho vay không lấy lãi. Một vài khế ước, có thể có thì có hình thức hữu thường, có khi thì có hình thức vô thường, ví dụ: Khế ước ký thác hoặc cho vay có thể trù liệu tiền công cho người thụ thác và tiền lãi phải trả cho chủ nợ, tùy theo thời hạn và điều kiện.
    b2: Ích lợi của sự phân loại:
    – Sự tặng dữ là những hành vi quan trọng nhiều khi làm tiêu tán sản nghiệp của con nợ, vì vậy nhà làm luật quy định rất chặt chẽ về hành vi sử phân này. Trái lại trong lĩnh vực khế ước hữu thường, các đương sự có nhiều tự do hơn.
    – Các khế ước vô thường được kết lập vì những mối quan tâm đặc biệt của người kết ước đến người cộng ước, mà nếu lầm lẫn về người thì là một nguyên nhân vô hiệu. Trái lại, đối với hợp đồng hữu thường, như hợp đồng mua bán, nếu có lầm lẫn về người đối ước thì không phải là nguyên nhân vô hiệu.
    – Khi một con nợ làm một hành vi pháp lý có hậu quả là tiêu tán sản nghiệp của họ và do đó làm thiệt hại đến quyền của chủ nợ, thì chủ nợ có quyền xin triệt bãi hành vi ấy (tố quyền tà diện). Tuy nhiên, nếu hành vi này là một khế ước hữu thường, người chủ nợ phải dẫn chứng sự thông đồng với người đệ tam; trái lại, nếu hành vi vô thường thì sự dẫn chứng này là không cần thiết.
    – Về phương diện trách nhiệm: Tòa án thường quy trách nhiệm cho người kết ước theo một quan điểm chặt chẽ hơn khi khế ước có tính cách hữu thường. Một người thụ thác có lương sẽ chịu một trách nhiệm nặng hơn người thụ thác không hưởng thù lao. Ngoài các quy tắc đặc biệt trên của dân luật, còn phải kể đến hai đặc điểm liên quan đến ngành luật khác. Về thuế vụ, các khế ước vô thường như tặng dữ bao giờ cũng phải trả thuế cao hơn các khế ước hữu thường. Về luật thương mại: Luật thương mại là luật chi phối các hành vi của thương nhân – là những hành vi hữu thường = có mục đích là lợi nhuận. Do vậy, không một quy tắc nào của luật thương mại bất luận là về nội dung hay hình thức có thể áp dụng được cho hành vi vô thường.
    c. Khế ước thực hoán và khế ước kiểu hãnh:
    c1: Trong loại các khế ước hữu thường, có thể phân chia ra các khế ước thực hoán và các khế ước kiểu hãnh. Điều 649 DLB gọi là hiệp ước nhất định và hiệp ước không nhất định: “Hiệp ước hoặc là nhất định hoặc là không nhất định. Hiệp ước nhất định là khi mọi bên hòa hợp rồi thì ước thành và có hiệu quả chắc chắn. Hiệp ước không nhất định là khi còn phải tùy một sự ngẫu nhiên thì ước mới thành và có hiệu quả”. Điều 685 DLT: “Hiệp ước hoặc là nhất định hoặc là không nhất định. Hiệp ước nhất định là khi hiệp ước lập thành thời ước thành và có hiệu quả chắc chắn. Hiệp ước không nhất định là khi còn phải tùy một sự ngẫu nhiên thời ước mới thành và có hiệu quả“. Điều 658 BDL 1972 gọi là khế ước chắn chắn và khế ước may rủi: “Khế ước có thể chia ra khế ước chắc chắn và khế ước may rủi. Khế ước chắc chắn là khế ước mà sự thực hiện và hậu quả, nhất định thế nào cũng có, một khi hai bên đã thỏa thuận. Khế ước may rủi là khế ước mà sự thực hiện và hậu quả tùy thuộc vào một sự việc không chắc có xảy đến hay không“.
    c2: rong khế ước kiểu hãnh (khế ước may rủi) thì sự rủi ro có tính cách song phương, vì sự rủi ro của bên này là một điều lợi đối với bên kia. Thí dụ khế ước lập niên kim chung thân (hưu trí), nếu người được hưởng niên kim sống lâu thì người ấy được lợi thì lợi đó trái lại là một sự thua thiệt cho người trả tiền niên kim (hưu trí).
    c3: Lợi ích của phân loại:
    – Đối với khế ước kiểu hãnh, DLB, DLT và DLP đã ban hành một số quy tắc đặc biệt: 1168-1171 DLB; 1175-1395 DLT; 1365-1367 DLP quy định từ chối không cho người trái chủ rong khế ước cờ bạc hay cá cược được kiện để đòi nợ nếu người thua kiện không trả nợ. Tuy nhiên, “Trong mọi trường hợp, người thua không được đòi lại số tiền mình đã tự nguyện trả, trừ khi người thắng đã lừa dối, gian lận hoặc lừa đảo” (Điều 1967 DLP). Như vậy, người thua bạc chỉ chịu nghĩa vụ thiên nhiên hay tự nhiên, chứ không chịu nghĩa vụ dân sự.
    – Trong DLP thì khế ước thục hoán (khế ước nhất định) trong mua bán bất động sản và phân chia tài sản, nhà lập pháp quan niệm rằng, các khế ước này phải quân bình giữa các cung khoản; vì vậy các khế ước này có thể bị tiêu hủy vì quá thiệt thòi. Trong DLB và DLT, sự thiệt tiêu chỉ dành cho khế ước mua bán bất động sản. Trái lại, đối với các khế ước kiểu hãnh (khế ước may rủi) vấn đề thiệt thòi không nêu lên được.
    d. Khế ước tức hành và khế ước liên tiếp: Khế ước tức hành (contrats instantanes), hay còn gọi là khế ước ngay lập tức, là những khế ước có thể thi hành ngay trong khoảnh khắc, thí dụ mua bán trả tiền ngay; trái lại các khế ước liên tiếp (contrats successifs), là những khế ước mà sự thi hành kéo dài trong thời gian, như khế ước thuê nhà.
    * Lợi ích của sự phân loại này:
    – Sự tiêu hủy hay giải trừ một khế ước có hiệu lực hồi tố, nghĩa là có hiệu lực xóa hẳn khế ước trong cả quá khứ. Tuy nhiên, đối với các khế ước liên tiếp, ý niệm pháp lý này vấp phải một trở lực thực tế.  Thí dụ: Đối với khế ước thuê nhà, trong thực tế, không thể nào nói rằng người thuê nhà đã không chiếm cứ nhà ấy. Vì vậy án lệ đã phải định rằng, đối với thời kỳ đã chiếm cứ, mặc dù người thuê không phải trả tiền thuê nhà vì khế ước thuê nhà bị tiêu hủy, nhưng họ cũng phải trả một khoản tiền bồi thường chiếm cứ, tương đương với thời gian đã ở trong cái nhà ấy.
    – Trên nguyên tắc, các bên kết ước không thể tự ý tiêu hủy hay giải trừ khế ước đã ký kết. Tuy nhiên, đối với một vài khế ước liên tiếp như các khế ước đã được thiết lập cho một thời gian vô hạn định, nguyên tắc này không thi hành. Thí dụ: Khế ước cho thuê nhà không thời hạn, khế ước lao công không thời hạn đều cho phép một bên chấm dứt sau khi đã báo cho bên kia biết trong một thời hạn hợp lý, gọi là thời hạn bãi ước. Tuy nhiên, sự bãi ước không có lý do chính đáng thì bên bị bãi ước có thể đòi bồi thường.
  4. Phân loại về phương diện giải thích khế ước:
    a. Về phương diện giải thích
    : Có thể phân biệt các khế ước hữu danh (contrats nommés), tức là hợp đồng có tên gọi, và các khế ước vô danh (contrats innommes), tức là hợp đồng không tên. Đối với một số khế ước như khế ước mua bán, khế ước cho thuê, cho vay, lập hội, bảo hiểm, nhà lập pháp đã quy định một số quy tắc. Những quy tắc này thường có tính cách giải thích ý chí của đương sự như trường hợp mua bán, cho thuê, lập hội; nhưng đôi khi cũng có tính cách cưỡng hành như sự quy định về cho vay nặng lãi hoặc khế ước bảo hiểm. Các khế ước này là các khế ước hữu danh. Các khế ước vô danh hay khế ước đặc thù là những khế ước mà các điều kiện đều do ý chí của các người kết ước đặc ra.
    b. Lợi ích của sự phân biệt:
    – Đối với các khế ước hữu danh, nếu trong khế ước không trù liệu đầy đủ các điều khoản của khế ước thì tòa án, khi giải quyết vụ tranh chấp phải căn cứ vào quy định của luật pháp, quy định cho loại khế ước hữu danh ấy. Vì thế, khi giải quyết vụ tranh chấp, tòa án phải định danh khế ước.
    – Đối với khế ước vô danh, sự giải thích khó khăn hơn vì phải căn cứ vào khế ước và giải thích theo ý chí của đương sự. Một khi gặp một khế ước vô danh là sự kết hợp của nhiều khế ước hữu danh khác thì tòa án phải phân tích để định danh từng phần của khế ước. Ví dụ như khế ước thuê khách sạn thì vừa là khế ước thuê nhà, vừa là khế ước bán đồ ăn. Khế ước mua vé xe lửa có giường nằm, có thể được phân tích thành khế ước vận chuyển và khế ước thuê khách sạn. Điều đó cho thấy sự giải thích khế ước vô danh là rất phức tạp./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar