Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

8. Sự thật là gì?

SỰ THẬT LÀ GÌ ?
Phan Văn Chức
Tiến sĩ Triết

Lới nói đầu

Có sự thật
Nhờ có sự thật
mới có sai lầm,
mới có hoài nghi.
Sai lầm, hoài nghi
minh chứng cho sự thật.

I. ĐỊNH HƯỚNG KHẢI ĐẠO

Khi nào nói chuyện, bàn luận hay tranh luận về những vấn đề hơi “siêu”, hơi “triết” như sự thật, sự hiểu biết, lý trí, khách quan, chủ quan … muốn bàn luận cho chu đáo, muốn lý luận hay lập luận cho vững chắc, sắc bén, quy củ, khi chính mình phải trình bày hay lúc mình muốn nhận xét nơi người kia, chúng ta nên lưu ý đến một số ghi chú căn bản sau đây:
1. Sự hiểu biết của con người bắt đầu với giác quan, cảm giác mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, chân tay sờ mó. Những cảm giác thì vừa chủ quan, vừa khách quan, chủ quan vì là của ta, ở nơi ta, lệ thuộc phần nào vào ta, vào những cơ quan của ta, phần nào “chủ quan”, nhưng cũng phần nào “khách quan”, vì do sự vật ngoại giới khách quan gây nên, và lệ thuộc vào đó. Aristote nói một câu bất hủ: “Cảm giác là tác động chung của kẻ cảm và của vật được cảm” (La sensation est l’acte commun du sentant et du senti: Cảm giác là tác động thông thường của cảm giác và cảm nhận).
2. Sự hiểu biết bắt đầu từ đó, và có tính cách khách quan ngay từ lúc đó, lúc đầu. Và nếu giác quan không bị hư hỏng, thì giác quan sẽ đem đến sự hiểu biết khách quan trung thực. Tuy nhiên giác quan, dù lành mạnh, cũng có giới hạn, chỉ hiểu biết đến mức độ nào đó mà thôi. Nhưng giới hạn đó cũng không làm mất đi tính cách khách quan. Mắt tôi không thấy hết, tai tôi không nghe hết tất cả … nhưng sự vật tôi thấy, sự vật tôi nghe … (nếu tôi có mắt tốt và tai tốt, và nếu tôi tỉnh thức), chắc chắn là có sự vật đó, như đã được mắt thấy, tai nghe, như có tôi.
3. Vấn đề chi tiết, khía cạnh này nọ, lớn bé mầu mè, nặng nhẹ …là chuyện khác. Biết theo nhà khoa học, biết theo lối người bình dân… là một chuyện khác. Ở đây chúng ta chỉ nói đến khía cạnh khách quan, khía cạnh có hay không có sự vật ngoại giới, khách quan, độc lập với tôi, khác tôi. Dù có tôi hay không có tôi, dù tôi có biết hay không biết, sự vật ngoại giới, “khách quan” đó vẫn có, vẫn là nó.
4. Và cái hiểu biết của tôi có giá trị – thật hay sai – thế nào là do cái hiểu biết đó có phù hợp với sự vật ngoại giới, khách quan đó thế nào, đến mức nào. Càng phù hợp với sự vật ngoại giới, khách quan, sự hiểu biết của tôi càng có giá trị, càng khách quan, càng có sự thật. Nói cách khác, sự vật ngoại giới, khách quan là tiêu chuẩn của sự hiểu biết của tôi. Phần tôi, tôi có trách nhiệm là chuẩn bị kỹ càng giác quan tôi, lý trí tôi, tất cả mọi điều kiện để giúp tôi hiểu biết sự vật ngoại giới, khách quan một cách hoàn hảo hơn, thế thôi. Vậy sự vật ngoại giới, khách quan không những là “tiêu chuẩn”, mà còn là mục tiêu, là mục đích của sự hiểu biết của tôi, đồng thời cũng là “mực thước” để đánh giá sự hiểu biết của tôi.
5. Nói chính xác, khách quan là thế. Và như thế, chúng ta sẽ thấy phải hiểu thế nào những câu như: “Con người là mực thước của mọi vật” (Protagoras). Dưới khía cạnh chủ quan, câu này có phần đúng, là con người, chúng ta chỉ hiểu biết một phần nào của sự vật thôi. Vì hiểu biết của con người là có giới hạn, có mực thước, nên sự vật đối với chúng ta bị gò bó vào những giới hạn, những mực thước đó … Nhưng thực ra nghĩ cho cùng, chính sự hiểu biết của chúng ta bị gò bó vào những giới hạn, những mực thước của chúng ta. Chứ sự vật đó, vẫn là nó, trơ như đá, vững như đồng. Nó chẳng bị hiệt hại gì. Thiệt hại là ở nơi chúng ta.
6. Trong lịch sử triết học, có một nhà triết học khoe mình đã làm một cuộc cách mạng đảo lộn quan niệm truyền thống về sự hiểu biết. Xưa kia, con người tưởng sự hiểu biết phải phù hợp với sự vật ngoại giới, khách quan. Nhưng ông dám nói: chính con người chúng ta tạo ra những định luật và đặt những định luật đó trên sự vật. Ông ám chỉ những định luật khoa học mà thời đại ông sống, đã khám phá ra nơi vũ trụ, như những định luật của những nhà bác học Newton, Copernic, Galilee … Ông ta khiêm tốn sánh mình với Copernic. Trước Copernic (thế kỷ 16), nhân loại tưởng mặt trời xoay vần chung quanh trái đất. Copernic nói chính trái đất xoay vần quanh mặt trời. Đó là cuộc cách mạng Copernic.
Kant (1724-1804) chính là nhà triết gia trên, nói: Nhân loại xưa nay tưởng sự hiểu biết phải xoay vần xung quanh sự vật, phù hợp với sự vật, thực ra chính sự vật phải xoay vần chung quanh lý trí, sự hiểu biết của con người, như trái đất xoay vẫn chung quanh mặt trời.
7. Quan niệm của Kant ảnh hưởng sâu xa trên một số trí óc hiện đại, trên tất cả những trí óc hoài nghi, thân với chủ quan chủ nghĩa.
8. Nhưng chúng ta cũng thấy quan niệm này thì “chủ quan” không hơn không kém chủ quan của Protagoras: “con người là mực thước của mọi sự vật“, và cũng sai lầm như thế.
9. Lý trí, sự hiểu biết phải căn cứ trên sự vật ngoại giới, khách quan và giá trị thật sự nhiều hay ít của sự hiểu biết đó, lệ thuộc vào sự phù hợp nhiều hay ít với sự vật ngoại giới, khách quan.
10. Điều này thông qua, chúng ta trở lại sự vật ngoại giới, khách quan.
11. Chúng ta biết, cách này hay cách khác (nhờ giác quan, lý trí, trực giác, lý luận …) có vô vàn sự vật trong vũ trụ, trên trời dưới đất … đủ mọi thứ, mọi loại. Chúng ta tạm gác (trong hai ngoặc) tất cả những đặc tính riêng biệt của mọi vật _ Như khoáng vật, thực vật, động vật, con người, thọ sinh, tạo hóa ;.. _ Và chỉ giữ lại (trong sự hiểu biết) khía cạnh “có” (hay không có). Chúng ta chỉ lưu ý _ nơi muôn vật, kể cả nơi tạo hóa _ đến khía cạnh “có” (hay không có) và tạm gác (trong hai noặc) tính cách riêng biệt như vừa nói trên.
12. Lúc nào đó, chúng ta ý thức được “có” chúng ta, “có” sự vật, “có” muôn vật. Cũng lúc nào đó, chúng ta ý thức “không có” cái gì đó, sự vật nào đó, điều nào đó chúng ta mong đợi … Từ giác quan đến lý trí, chúng ta “biết“, chúng ta ý thức, chúng ta chắc chắn “có” cái có, “không có” cái không có. Bàn rộng ra, chúng ta biết “có” là gì, “không có” là gì. Chúng ta chỉ tất cả những gì “có” bằng chữ “có” (être: tồn tại, hay hiện hữu) và tất cả những gì “không có” bằng chữ “không có” (non-être: không tồn tại, hư vô) và không lưu ý đến các đặc tính, các chi tiết riêng biệt như đã nói trên.
13. Chúng ta biết ngay, dưới khía cạnh “hiện hữu” này, “có là có”, “không có là không có“. Cái biết này vừa là cái biết của chúng ta, vừa dựa trên kinh nghiệm, trực giác sự vật ngoại giới, khách quan, chúng ta cũng thấy, cũng biết, kinh nghiệm này, trực giác này, cái biết này không những có giá trị cho chúng ta, mà còn là phải như thế và không thể không như thế, cho tất cả những ai có khả năng biết, cho tất cả mọi sự vật nữa. “Có là có“, “không có là không có“.
14. Thành thử câu trên đây: “Có là có”, “không có là không có”, nó vừa là một câu nói, một nguyên tắc, một nguyên lý, vừa là một hiểu biết, một  kinh nghiệm, một trực giác, vừa là một định luật tất yếu, hiển nhiên của mọi vật, mọi lý trí, từ khoáng vật, thực vật, động vật, con người, thọ sinh đến ma quỷ, thần thánh, đến Đấng Tạo Hóa, đến Thiến Chúa. Chúng ta, tùy tiện, tùy lúc, sẽ dùng danh từ: Nguyên tắc, nguyên lý, trực giác, định luật … để chỉ câu “có là có”, “không có là không có” hay vắn tắt hơn: “Có là có”, “không là không” (Dưới khía cạnh hiện hữu và hư vô, être và non-être).
15. Bàn rộng ra, tất cả những kinh nghiệm, những trực giác, những hiểu biết, những lý luận … muốn có giá trị sự thật _ khách quan, là bắt nguồn từ khởi điểm đó, cái biết, cái định luật căn bản, sơ khởi:  “Có là có”; “Không là không”. Và sẽ tiếp tục trên cái biết, cái định luật khởi điểm đó, cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp.
16. Câu khô khan, trừu tượng: “Có là có”, “không là không”, được mệnh danh trong triết học là “nguyên lý đồng nhất thuần lý, căn bản, sơ khởi, hiển nhiên, tất yếu, phổ quát: “A là A”.
17. Chúng ta thấy ngay, khi học sinh triết lớp 12, gặp một chuỗi danh từ cao kỳ, trừu tượng như thế … họ phải nhăn mặt mũi, trầm tư mặc tưởng … để tìm hiểu ! ..  Và ngoài học sinh triết, người thường (và đại đa số nhân loại là người thường, không học triết), họ phải nghĩ thế nào về môn triết, về ngôn ngữ triết, về những sách triết, về những triết gia …
18. Nhưng anh chị đã đọc tới đây, chắc đã hiểu đàng hoàng như những nhà triết, nên tôi tiếp tục.
19. “Có là có, không là không”, hay “A là A”. Câu này nếu được trình bày dưới khía cạnh tiêu cực sẽ trở ra câu: “Có không phải là không – không có”; “A không phải là không A”. Nghĩa cũng như câu trên, nhưng được phát biểu dưới hình thức tiêu cực, để tư tưởng được phong phú hơn, để áp dụng vào nhiều phương diện hơn. Nguyên lý trên được mệnh danh là “nguyên lý mâu thuẫn” _ đúng hơn phải nói “nguyên lý không mâu thuẫn”. Một khía cạnh nữa của nguyên lý đồng nhất (A là A) là “Có là có, không là không, và không thể vừa có vừa không” (dưới cùng một khía cạnh). Chẳng hạn, một là có tôi, hai  là không có tôi, chứ không thể vừa có tôi, vừa không có tôi cùng một lúc (như dưới cùng một khía cạnh hiện hữu). Nguyên lý này được mệnh danh là nguyên lý khử tam.
20.  Chúng ta thấy ba nguyên lý nói trên phat biểu dưới ba hình thức khác nhau, nhưng chung quy vẫn phát biểu cái biết, cái trực giác, cái định luật căn bản, tất yếu, hiển nhiên về sự thật. “Có là có, không có là không có”.
21. Nhưng để những nguyên lý căn bản này khỏi biến thành những lý thuyết suông, những câu văn trống rỗng, ngây gô “quá siêu”, mỗi người phải học hỏi, tìm hiểu, khám phá những chân trời mới, theo sát nút thực tế, thời thế, xã hội, con người biến chuyển, tiến bộ không ngừng. Rồi khi phải giải thích, khi phải truyền lại cho kẻ khác, mình phải thích nghi với trình độ, tâm lý họ. Nói cho cụ thể, kể cả màu mè, nôm na, dễ hiểu. Làm thế mới giúp được đời, bằng không thì triết có ích lợi gì?
22. Ngoài nguyên lý đồng nhất và hai nguyên lý bổ túc nói trên, còn một nguyên lý căn bản được kể trong triết chính là “nguyên lý túc lý“. Danh từ hơi cao kỳ, khó hiểu vì là chuyên môn. Như nguyên lý trên, nguyên lý này tóm lược, kết tinh những kinh nghiệm, những trực giác, những cái biết căn bản, thiết yếu, sơ khởi của con người. Luôn luôn chúng ta tìm biết, tìm hiểu, chúng ta sử dụng giác quan, lý trí để quan sát, để giải thích, kiểm soát lại. “Biết” với “hiểu” thì khác nhau chút đỉnh. Hiểu là biết bằng những lý do, những nguyên nhân. Xe tôi bị “panne”, tôi thấy vì hết xăng, vì “bougie” bị dơ … Tôi đã tìm ra nguyên nhân. Tôi đã hiểu tại sao có “panne”. Tôi biết tôi chăm học, để thi đậu, để được hoãn dịch … Tôi đã hiểu nữa vì tôi biết được lý do. Và con người  luôn luôn muốn biết, muốn hiểu … tất cả. Biết, hiểu là sự sống của tinh thần, như hô hấp là sự sống của thể xác, và chúng ta cảm thấy điều gì, và sự vật gì cũng có thể giải thích được, có thể biết được, có nguyên nhân, có lý do. Nếu chúng ta chưa biết được, chưa hiểu được, chúng ta nghĩ, nếu chúng ta tìm, nếu chúng ta hội đủ điều kiện, chúng ta cũng biết được, cũng hiểu được. Nếu có những điều chúng ta không thể biết được, không thể hiểu được, như ngày giờ nào, lối nào, chúng ta được lô độc đắc hay chúng ta sẽ chết …). Chúng ta nghĩ nếu mình không biết, không hiểu thì thế nào cũng có vị thần thánh hay ông Trời, hay Thiên Chúa biết được, hiểu được. Kết tinh và tóm lược tất cả những kinh nghiệm, trực giác, hiểu biết của chúng ta, chúng ta nói: “Tất cả đều có thể hiểu được, giải thích được, cách này hay cách khác, hoặc do ta, hoặc do một vị tối cao nào đó”. Đó là “nguyên lý túc lý”. Tất cả đều có lý do, tất cả đều có nguyên nhân. Danh từ “nguyên nhân” được sử dụng để giải thích những thành quả. Thi đậu là do siêng năng học hành. Xe bị panne là vì hết xăng. Danh từ “nguyên do” hay “lý do” chỉ mục đích, cứu cánh. Tôi siêng năng học tập vì tôi muốn thi đậu, tôi đổ xăng vô xe để xe tiếp tục chạy đến nơi đến chốn.
Những điều mà chúng ta cho là “ngẫu nhiên”, “số phận”, “định mệnh”, thực ra, là vì chúng ta không giải thích nổi, nhưng chúng ta cũng thấy, nếu chúng ta thông minh như ông Trời, như Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể giải thích được. Vì thế, nguyên lý túc lý (tất cả đều có thể giải thích được) có một giá trị chắc chắn, hiển nhiên, tất yếu, khách quan …Như nguyên lý đồng nhất: A là A.
22. “Nguyên lý túc lý” áp dụng vào nguyên nhân, vào thành quả được mệnh danh là “nguyên lý nhân quả“, (tất cả đều có nguyên nhân), áp dụng vào nguyên do, lý do, vào cứu cánh, nó được mệnh danh là “nguyên lý cứu cánh” (tất cả đều hướng về một mục tiêu, mục đích, cứu cánh).
23. Những nguyên lý trên đây, chúng ta nhắc lại, tiên khởi là kết tinh, tóm lược những kinh nghiệm, những trực giác, những hiểu biết của con người là sự thật là thế, khách quan là thế, và không thể khác được, không thể không như thế được, ở nơi ta, ở những điều chúng ta thấy, ở tât cả mọi vật. Mọi vật có thể khác nhau, dưới khía cạnh này nọ, có thể có những định luật riêng biệt về những khía cạnh riêng biệt. Nhưng tât cả mọi vật, giống nhau ở khía cạnh hiện hữu, có hay là không có (être hay non-être). Vì thế, những nguyên lý nói trên, đặc biệt là hai nguyên lý căn bản, nguyên lý đồng nhất và nguyên lý túc lý _ là những hiểu biết, những trực giác, những định luật thiết yếu, tất yếu của hiện hữu, của tất cả mọi hiện hữu và có giá trị tuyệt đối.
Mặc dù được phát biểu dưới một hình thức rất trừu tượng, rât siêu: “Có là có, không có là không có“. A là A … “Tất cả đều có lý do“, nhưng những nguyên lý đó thực ra chỉ phát biểu những trực giác, những hiểu biết, những kinh nghiệm, nhữngđịnh luật căn bản, chắc chắn.
Ghi chú: Một lần nữa, để tránh cho những nguyên lý đó trở nên khô khan, trống rỗng, trừu tượng, chúng ta luôn luôn phải linh động nó bằng trực giác, kinh nghiệm, hiểu biết cụ thể
24. Những nguyên lý căn bản trên đây chính là động lực của tất cả sự hiểu biết, tất cả những trực giác, những kinh nghiệm, những tiến bộ củ đời sống tinh thần con người. Triết gia Leibnilz nói chúng giống như là những “thớ thịt, những gân cốt trong bàn chân khi chúng ta đi đứng”. Mình không nghĩ đến, nhưng chúng đóng vai trò gân cốt và thớ thịt tinh thần. Nói cách khác, nguyên lý đồng nhất (và những nguyên lý phụ thuộc), giúp lý trí đồng nhất, thủy chung với chính mình, giúp sửa sai những mâu thuẫn, những sai lầm, những gì là “bất nhất”. Nguyên lý túc lý (và những nguyên lý phụ thuộc) khích lệ con người luôn luôn tìm hiểu, học hỏi, tiến bộ …
Cả hai nguyên lý trên, giúp con người tìm ra sự thật, duy trì sự thật, kiểm điểm sự thật, và tiến mãi trong sự thật, ở mọi lĩnh vực hiểu biết của con người. Áp dụng trên bình diện đời sống hành động, đạo đức, tôn giáo, những nguyên tắc đó vẫn giữ giá trị tuyệt đối của chúng như trên bình diện hiểu biết, kiến thức. Tuy nhiên mỗi người phải nỗ lực áp dụng, sử dụng những nguyên lý đó cho sáng suốt, khôn khéo, với tất cả khả năng, thiện chí của mình để đạt được thành quả tốt đẹp: Sự thật, chân lý.

II._ MỘT SỐ THÍ ĐIỂM

1. CÓ SỰ THẬT 

1. Tôi chưa đề cập đến những vấn đề cao siêu, ác ôn như đạo đức, triết, như tôn giáo, chính trị, như lịch sử …Tôi chưa noi đến linh hồn, thiên Chúa, đời sau, tư tưởng các triết gia, các đấng sáng lập các tôn giáo, các vị bàn bạc xet đoán về chính trị, về lịch sử …
2. Tôi chỉ nói có sự thật, có một lô sự thật mà hết thảy chúng ta biết chắc, chúng ta thừa biết, chúng ta đã sống, đang sống và không có chúng, chúng ta không thể sống, không thể đặt vấn đề nữa.
3. Chúng ta đâu có thời giờ nói dài dòng. Chắc chắn có anh, có chị, có tôi, có những hàng chữ, những trang sách  này các anh chị đang đọc và chính tôi đã viết lúc nào đó, ở nơi nào đó và có ý định để lúc nào đó, nơi nào đó, anh chị nào đó sẽ đọc, sẽ suy nghĩ, sẽ chấp nhận hay chống đối, dưới khía cạnh nào đó, tất cả hay phần nào đó.
4. Trước khi gặp những dòng chữ này, anh chị đã sinh ra đời, do cha mẹ, đã khóc, đã cười, đã sinh sống, đã lớn lên đã sử dụng thể xác, trí khôn, ngũ quan, tât cả các cơ quan sinh vật, sinh lý, các khả năng lý trí, tình cảm, cảm xúc … đã tiếp xúc với trời đất, vạn vật, tha nhân xa gần, đã hấp thụ văn hóa đến mức nào đó … Và ngay bây giờ và cho đến khi nào nhắm mắt lìa trần, anh chị vẫn tiếp tục những sinh hoạt đó.
5. Đó là những sự thật. Sự thật thật sự. Và anh chị có thể kê khai tràng giang đại hải những sự thật khác nữa mà các anh chị đã biết à đã sống và còn làm cho anh chị vui buồn, sướng khổ, phần khởi, tuyệt vọng … Ngay trên bình diện sự thật, anh chị đã có những kinh nghiệm chứng minh không thể chối cãi được, những thứ chứng minh mạnh hơn cả những chứng minh, mà tôi tạm gọi là “trực tiếp”. Và tôi cũng muốn nói tới những “phản chứng” và những chứng minh mà tôi gọi là “gián tiếp”. Chính là những sai lầm mà tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm. Lầm trong sinh hoạt giác quan: thấy lầm, nghe lầm, nếm lầm, sờ lầm, ngửi lầm … Lầm trong sinh hoạt trí thức: nhớ lầm, hiểu lầm, tính lầm … Lầm trong sinh hoạt tình cảm: yêu lầm, ghét lầm, tin lầm … Lầm trong hoạt động: muốn lầm, làm lầm, định đoạt lầm ...
6. Chúng ta biết lầm là gì, không ai chối cãi được. Nhưng vì sao chúng ta lầm, chính vì chúng ta biết đúng là gì, thật là gì. Và nhờ đã biết đúng là gì, thật là gì, nên nhờ đó, chúng ta biết sai là gì, lầm là gì. Vì chúng ta biết ngày là gì, thức là gì, chúng ta biết đêm là gì, mơ là gì. Dù Trang Tử, một ngày có hứng, viết lên ý tưởng ông không biết mình là Trang Tử hay là con bướm đang lượn trên không, con cá đang lội dưới nước và trái lại bướm hay các là Trang Tử …Tôi phục tài hài hước của Trang Tử. Nhưng tôi chắc chắn như có tôi, có Anh chị, có Trang Tử, có bướm, có cá … chắc chắn là Trang Tử nói lên vì hài hước, để nhủ mình (và nhủ người), đừng mơ mộng quá, nhưng cố gắng tỉnh thức …
7. Tới đây, tôi chỉ muốn lưu ý Anh chị là có sự thật, chắc như có Anh chị, có tôi … Tôi chưa đề cập đến vấn đề sự thật là gì, làm thế nào để đi đến sự thật v.v.. Tôi cũng chưa kê khai hay bàn đến tất cả những thuyết về sự thật, về hoài nghi, về sai lầm. Chúng ta sẽ đi từ từ. Nhưng bước đầu phải chắc chắn. Đường chắc, chân vững, bụng dạ cũng vững chắc. Tôi tạm định nghĩa nôm na sự thật là: Tôi chắc có, cái gì có, không có cái gì không có. Sai lầm là: cho là có cái gì không có, cho là không có cái gì có. Có anh chị, có tôi. Tôi nói có anh chị, có tôi. Tôi nói sự thật. Tôi có sự thật. Tôi chắc chắn có sự thật đó. Trái lại có anh chị, có tôi mà tôi nói không có anh chị, không có tôi. Tôi nói sai, tôi lầm, vô tình hay cố ý. Nhưng vẫn là sai lầm.
8. Nói thế, chúng ta thấy sự thật có hai thành phần, thành phần ngoại giới, “khách quan”, cái đó, sự vật và thành phần nội giới, “chủ quan”, tôi, Anh chị, đúng hơn cái hiểu biết, cái nhận xét nơi chúng ta. Sự vật khách quan, có hay không có và chúng ta hiểu biết, nhận xét là có hay không có, đúng như sự vật khách quan, lúc đó chúng ta có sự thật (hay sai lầm nếu không đúng với sự vật khách quan). Các nhà triết học nói gọn hơn và cao kỳ hơn. Họ nói: “Sự thật là sự phù hợp giữa sự vật khách quan và lý trí nhận xét”. Tôi tạm nêu lên câu đó để gợi ý và chưa đi vào chi tiết.
9. Dù sao, chúng ta đã đi bước đầu, một bước chắn chắn. Chúng ta biết chắc chắn có sự thật, và biết chắc chắn căn bản sự thật là gì. Chúng ta có thể tiến.

Xét lại

1. Chúng ta chắc được những gì trong thực tế? 
2. NHững gì chúng ta không chắc được?
3. Chắc hay không chắc, điều đó, có ảnh hưởng gì đến đời sống thực tế của chúng ta không?

2. TẠI SAO CHÚNG TA ĐẶT VẤN ĐỀ SỰ THẬT 

1. Chính vì chúng ta đã kinh nghiệm về sai lầm, cái lầm mang lại đau khổ, bực tức, thiệt thòi cách nào đó, y như là chúng ta chỉ đặt vấn đề sức khỏe khi nào chúng ta mắc bệnh làm chúng ta đau khổ.
2. Lầm trong thi cử, trong buôn bán, trong tình yêu, trong nghề nghiệp, trong giao tế, trong hy vọng, trong chiến tranh, trong hòa bình … Chúng ta buồn, chúng ta đau khổ, chúng ta thất vọng, Chúng ta suy nghĩ, tìm nguyên nhân, t2im sửa chữa, tìm xây dựng lại, tìm lối đi đúng với thực tế hơn, thực tế sự vật, thực tế con người, nghĩa là tìm gặp sự thật, sống trong sự thật, để khỏi lầm nữa, để khỏi bị đau khổ.
3. Nhưng đời sống có rất nhiều khía cạnh, rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều thứ lầm và cũng từng ấy thứ đau khổ, thứ vui sướng, thứ lợi ích: vật chất, tinh thần, tiền, tài, sức khỏe, danh vọng, tình cảm, văn hóa, kỹ thuật, đạo đức, tôn giáo …
4. Thực ra, trên lý thuyết suông, nghĩa là nếu cái thật, cái lầm nào đó mà không dính dáng gì đến cái khổ hay cái sướng của chúng ta, trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta cũng không lưu ý đến lắm, đến nỗi phải hăng say, sôi nổi … Những chuyện cổ tích xửa xưa, những chuyện trong l5ich sử, cổ kim, thượng cổ, cận đại … có thật hay sai, hay khả nghi đến mức nào đi nữa, cũng không thần vấn đề cho chúng ta, nếu điều đó không nằm trong chương trình thi cử, trong việc xây dựng tiếng tăm, trong những giải thi đua có tiền bạc tưởng thưởng, không ảnh hưởng gì đến đời sống thường nhật của chúng ta thì chúng ta cũng không bận tâm, mất thời giờ để đặt vấn đề.
5. Ngay trong những giả thuyết của các nhà bác học về vũ trụ, về khoa học … đúng sai, đến mức nào … chúng ta nếu là người thường, và nếu muốn hiểu biết phần nào, chúng ta cũng muốn biết để biết vậy thôi, để có dịp nói chuyện, bàn tán v.v…nhưng thực ra nếp sống chúng ta không thay đổi, không cần thay đổi, chúng ta cũng chẳng cần lo âu, bận tâm làm gì.
6. Nhưng lúc nào đó, con người biết suy nghĩ, bắt đầu lưu ý đến ý nghĩa đời sống, cảu đau khổ, cảu cái chết, của những bất công, những vô lý, phi lý v.v…chúng ta bắt đầu băn khoăn … Phải tìm giải đáp thế nào, ở đâu, nơi ai …? Chúng ta nói chuyện, chúng ta bàn bạc, chúng ta học hỏi, chúng ta tiếp xúc với tha nhân, với những ai có ít nhiều kinh nghiệm, kiến thức, thẩm quyền về những vấn đề đó, chúng ta giở sách đọc và suy nghĩ … Cái khổ là chúng ta gặp đủ mọi thứ người, đủ mọi thứ sách, với đủ mọi giá trị, có lẽ không hơn thua nhau về kiến thức, về sâu sắc, về danh tiếng … nhưng thường thường là khác nhau, chống đối nhau, mâu thuẫn nhau!
7. Kẻ cho đời sống là phi lý, là nôn mửa, là hỏa ngục, là bể khổ. Kẻ thì cho sự thật chỉ là ảo ảnh, chế là hết, tất cả chỉ là do ngẫu nhiên. Thần thánh, Trời Phật, Thiên chúa chỉ là thần thoại, một thứ “vong niên” do con người đau khổ bịa đặt ra để tự an ủi trước những lầm than, những bất công trên trần gian.
8. Ai muốn tin gì thì tin, tùy tiện, theo tâm lý, hoàn cảnh, lợi ích mỗi người. Không tin cũng chẳng sao. Đạo đức, tôi giáo, triết học … thì vô kể loại, vô kể thứ. Biết đây là sự thật? Ai cũng cho mình là thật, ít nữa là thật bằng những kẻ khác, những loại khác. Mình chỉ cần thực tế, sống cho yên phận, ăn ngon, ngủ yên, thành công sự nghiệp, êm ấm gia đình, tài chánh phải chăng v.v…
9. Những người này, chúng ta tạm kể họ là những người có vẻ không bận tâm lắm với những vấn đề “triết”. Họ tỏ vẻ hoài nghi, cũng có thể là thất vọng hay tuyệt vọng, cũng có thể vì sợ vất vả mệt nhọc, sợ phải xét lại đời sống, lối sống của mình … Thôi cứ để đó, phải sống đã, sống bao nhiêu vấn đề phức tạp của đời sống! Có dịp hẳn hay!
10. Nói với những người đó, tôi cũng không dám nói gì, không dám viết cho họ những hàng trên đây, không dám đả kích, lên án họ. Tôi kính nể sự tự do của họ và mong dịp nhẫu nhiên nào đó, có thể làm những vấn đề “triết” trở nên thích thú đối với họ …
11. Về phần anh chị, nếu anh chị thấy vấn đề triết cũng hay hay, cũng đáng để các anh chị lưu ý. Hơn nữa, nếu các anh chị mong muốn biết sự thật, mặc dù tất cả những khó khăn, những sai biệt, những mâu thuẫn nơi các triết gia, các tôn giáo, nếu các anh chị cảm thấy sự thật về đời sống con người, về ý nghĩa đời sống, cần thiết cho anh chị, cho đời sống tinh thần của anh chị … Tôi sẽ rất cảm động được gặp những người tôi mong muốn, những người bạn tri kỷ tri âm …
12. Và hạnh phúc nào sánh với hạnh phúc được nói chuyện với những người bạn tri kỷ tri âm?

Xét lại 

1. Nhân dịp nào chúng ta đặt vấn đề sự thật?
2. Đặt lại vấn đề sự thật có ích gì:
a) Cho đời sống thực tế thường nhật;
b) Cho đời sống đạo đức, tinh thần?
3. Chúng ta dễ tin hay khó tin? Vì sao?

3. CẦN Ý THỨC CÓ NHIỀU SỰ THẬT 

Ai đã học đến tú tài, hay đọc sách triết lớp tú tài đều biết có nhiều thứ sự thật: Sự thật về  khoa học thực nghiệm (vê thiên nhiên) như vật lý , hóa học, thiên văn học …, sự thật về khoa học nhân văn, về con người như sử, xã hội học, tâm lý học … Ngoài ra còn có sự thật về đạo đức, về triết, về tôn giáo …
Mỗi thứ sự thật có những phương pháp riêng, có lối học hỏi riêng, có những tiêu chuẩn riêng, những đặc tính riêng … Thành thử mỗi khi đề cập đến sự thật, anh chị cần lưu ý đến những điểm dị biệt trên đây. Tôi xin trình bày vài chi tiết như sau. Tỷ dụ vật lý học. Chúng ta thấy những định luật vật lý là luôn luôn đích xác, thí nghiệm được, đo lường được. Định luật về sự rro7i chẳng hạn của Galiee: S= 1/gt2, khoảng cách rơi tỉ lệ thuận với vận tốc và thời gian bình phương. Bất kỳ chỗ nào, lúc nào, với vật nào rơi, trong điều kiện chân không, vật phải rơi đúng theo định luật đó, dù người làm thí nghiệm có quan niệm nào về triết đi nữa, về tôn giáo, về chính trị hoặc tình cảm. Sự thật về khoa học thực nghiệm, trong thiên nhiên là thế: đích xác, khách quan, quan sát được, thí nghiệm được. Và sự thật đó trên phương diện tình cảm, đạo đức, tôn giáo, triết … cũng không có ảnh hưởng gì, không đòi hỏi phải sửa đổi nếp sống, tình cảm, tính tình, sở thích, xu hướng về thiện, về ác .

Sự thật về những kiến thức về con người, mặc dù tất cả những phương pháp khoa học nhất, cẩn thận nhất, chiếu theo sát nút nhất những phương pháp vật lý học, sự thật đó không thể sánh ngang hàng với sự thật về vật lý học. Xã hội học, tâm lý học, sử học … chỉ cho chúng ta một số “định luật” khá đúng chung chung, khá chắc chắn đến mức nào, giúp ta hiểu khá rõ những ảnh hưởng của xã hội trên con người, tâm lý con người có bộ mặt nào, tính tình nào, xu hướng nào …Những sự kiện về quá khứ, những nhân vật lịch sử đã hành động thế nào, những biến cố nào là quan trọng cho thế giới, cho quốc ga, cho nhân loại, cho văn minh, cho văn hóa …Nhưng tất cả những ai xét xỹ lưỡng lại những “định luật”, những kết quả của những kiến thức đó, đều hiểu là không có tính cách tuyệt đối đích xác như trong vật lý học. Phải rất khôn khéo để sử dụng đúng mức định lý xã hội, về tâm lý, về lịch sử. Vì thế chúng ta biết xã hội, kinh tế, chính trị, giao tế, giáo dục, tình cảm … phần nào thành công, phần nào thất bại … vì những “định luật” ở những lĩnh vực đó đích đích xác. Lý do là vì con người không giống sự vật. Sự vật như sắt đá, nước, điện, nguyên tử … không phải là con người. Con người ngoài những tế bào, những phần tử thể xác, có thể chung quy là vật chất, nhưng còn có cái gì khác sự vật: Nó có tinh thần, có thông minh, có ý chí, có tự do, có tình cảm. Vì thế trước những hoàn cảnh dù có giống nhau, mỗi cá nhân có những phản ứng khác nhau. Việt Nam có câu tục ngữ “Bá người bá tánh“. Mỗi người một tánh. Bao nhiêu người thì bấy nhiêu tánh. Nếu chung chung, chúng ta có thể đoán phản ứng của con người, một tập thể nào đó … nhưng không bao giờ chúng ta chắc chắn được. Ngay những song sinh có giống nhau thế nào đi nữa về thể xác, về tính tình, chúng cũng không thể có những cử chỉ giống hệt như nhau trong mọi hoàn cảnh.

Thành thử muốn hiểu biết về con người, nhất là cá nhân cụ thể nào đó, không những phải học trong sách vở, học lý thuyết nhà trường, phải quan sát, phải tiếp xúc, mà lại còn phải có một thứ trực giác nào đó, để nhìn thẳng vào sự thật, để thấy rõ, thấy khác chắc sự thật. Chúng ta hy vọng nhiều gặp sự thật và gặp thật sự. Nhưng phần nào, ít nữa là còn 1% mình còn có thể sai lầm. Đối với sự thật đặc biệt thuộc lĩnh vực tôn giáo, đạo đức, triết lý, lại có những đặc tính rất riêng biệt, những phương pháp, những tiêu chuẩn, những đeì6u kiện thật tế nhị, thật cao siêu, thật “cá nhân tính” … những trạng thái tâm hồn, những nỗ lực tâm linh chí có mình với mình, ta với ta, mới nhận thấy, mới ý thức được, mới tạo cho mình được …Ở bài sau, chúng ta sẽ bàn rộng hơn.

Xét lại 

1. Tại sao cần phân biệt có nhiều loại sự thật?
2. Lý do nào làm cho chúng ta không gặp sự thật ?
3. Cầu “nhờ sai lầm mà gặp được sự thật” có ý nghĩa gì?

4. SỰ THẬT CON NGƯỜI 

Sự thật con người có một cái gì kỳ diệu. Về thể xác, như mọi vật, hơn mọi vật, con người thay đổi, biến đổi từ lúc ở bào thai, đến khi chào đời chỉ biết oa oa, quơ chân quơ ta, có những sinh hoạt động thực vật, rồi dần dần biết bò, chập chững đi, biết mĩm cười, biết hờn giận, biết bập bẹ, rồi đi đúng chạy nhảy, nói sỏi, lý luận, đi học, sống tập thể, biết phải trái, trời, Phật, Cháu, Bà, biết đời sống đạo đức, tôn giáo, tùy theo mỗi tuổi, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trưởng thành, lão thành … đồng thời sống đời sống tâm lý, sinh lý, gia đình, xã hội, nghề nghiệp, có khi ảnh hưởng mạnh trên đồgn bào, quốc gia, trên cả quốc tế, lịch sử, có khi chỉ được chút tiếng tăm với bạn bè, chòm xóm, có khi chỉ quen biết dăm ba người thân thiện_ Rồi lúc nào đó cũng về cõi thiên thu, sau một ít tuổi đời ngắn ngủi, nhưng với biết bao nhiêu là vất vả, đau khổ, trách nhiệm, tuy nhiên vui vẻ, hạnh phúc cũng có …Ai tả cho xiêt những biến cố, những thay đổi muôn hình vạn trạng của một đời người, của tôi, của anh, của chị, của tât cả nhân loại, qua bao nhiêu là thế hệ, từ cặp tổ tiên nhân loại là ông Adam và bà Eva tới hôm nay, tới ngày nhân loại phải chấm dứt, gọi là ngày tận thế. ..

Ai nói được rõ rệt sự thật của mỗi người, của con người, của nhân loại ! Tất cả các khoa học về con người (chúng ta đã khơi lên trong bài trước vài môn như tâm lý, xã hội, lịch sử..). chỉ mới cho chúng ta hiểu biết vài khía cạnh như tâm lý, xã hội, lịch sử. Các môn khác như đạo đức, triết lý, tôn giáo, nếu chúng ta được học hỏi ít nhiều, chúng ta biết thêm được vài khía cạnh thâm thúy, sâu xa, sắc bén hơn … Nhưng đến lúc nào đó, khi có dịp học hỏi sâu rộng hơn, như ở cấp đại học, ở cấp những người có kiến thức phong phú hơn, có óc phê bình sắc bén, có dịp va chạm và suy tư rất nhiều quan niệm về đạo đức, về triết, về tôn giáo … họ bở ngỡ và tư hỏi: Tại sao có nhiều quan niệm khác nhau, tệ hơn nữa, chống đối nhau, mâu thuẫn với nhau! Lịch sử lại cho biết những chiến tranh, những vụ tàn sát lẫn nhau vì lý do tôn giáo, đạo đức, ý thức hệ …

Thôi chúng ta tạm gác những vấn đề tổng quát, xa xôi. Chúng ta bàn đến những vấn đề rất gần chúng ta, như tình bè bạn, tình người, tình yêu. Ai torng chúng ta, đến tuồi nào đó , mà không có kinh nghiệm về tình bạn, tình người, tình yêu, kinh nghiệm tốt đẹp, vui tươi cũng có, mà đau khổ chua xót cũng có…. Thoạt tiên chúng ta tin tưởng dễ dàng vào sự thật, sự trung thành, sự bền đỗ sắt đá, non sông … chẳng bội lời thề … Thế rồi … lúc nào đó, … mình cảm thấy sinh ra nghi ngờ. Tệ hơn nữa, mình thấy rõ rệt như ánh sáng mặt trời giờ ngọ … người ta phản bội, đã thất trung … Mình chỉ còn là ngậm đắng nuốt cay, hay nổi xung, hay tìm cách trả thù …
Sự thật con người ở đâu? Sự thật con người là gì ? Cái đau lòng còn thấm thía hơn nữa, nếu chính chúng ta cũng đã lỗi với lời thề … Chính chúng ta cũng phản bội tình người, tình bạn, tình yêu, chính chúng ta cũng đổi thay, cũng là nhân tình thế thái …Phải chăng con người chỉ là giả dối? Phải chăng sự thật không thể có được? Phải chăng sự thật con người chỉ là một giấc mộng? Triết gia Nietzsche đã nói một câu thật ác ôn cho sự thật và cho phái đàn bà. Ông nói: “Sự thật là đàn bà” (La vérité est femme: Sự thật là phụ nữ). Theo ông, đàn bà là phái thay đổi. Sự thật cũng thế (Xin mở ngoặc, các bà các chị có đồng ý không? Các anh, các ông có khi nào phản bội không?).
Xưa kia một triết gia Hy lạp cũng đã viết: “Con người là mực thước củ mọi vật” (L’homme est la mesure de toutes choses: Con người là thước đo của mọi thứ). Ông muốn nói những nhận xét, những xét đoán của con người thì rất chủ quan, rất tương đối, mỗi người có một sự thật, và những sự thật đó xung đột với nhau. Nói cách khác, không có gì là khách quan. Bên này màn sắt, màn tre là sự thật, bên kia là sai lầm và trái lại cũng thế. Một lần nữa, tôi không đề cập đến sự thật về khoa học thiên nhiên, khoa học về sự vật. Chúng ta ở đây chỉ nói đến sự thật con người và nhắc lại câu hỏi: Sự thật con người là gì? Có thể có sự thật con người được không? Để cụ thể hóa vấn đề, chúng ta đã khơi lên vài ví dụ, sự thật về tình người, tình bạn, tình yêu. Sự thật này là gì? Có thể có sự thật đó không? Trước khi trả lời trên lý thuyết, chúng ta đã thấy, đã kinh nghiệm ở bản thân, và chung quanh chúng ta, chắc chắn khih có, khi không. Bên nào nhiều hơn là vấn đề khác. Vấn đề ở đây là khi có, khi không. Lịch sử kể lại vô số chuyện mỗi loại. Một bên như Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi; Lưu Bình Dương Lễ; Lê Lợi, Lê Lai Nguyễn Trãi v.v… Một bên như Giuda, như những tên phản vua, phản nước, phản thầy phản bạn. Một bên như Nàng Kiều – Kim Trọng, Tristan và Yseult, Romeo và Juliette, một bên như Sở Khanh, như Don Juan … bên nam và bên nữ, tât cả những cậu, những ông, những cô, những bà ôm cầm sang đò khác …Chúng ta thấy rõ có sự thật con người, sự thật dưới khía cạnh thấm thía, não nùng là tình người, tình bạn, tình yêu, mặc dù sai lầm, dối trá, phản bội cũng có.
Vấn đề này thông qua, chúng ta thắc mắc: Sự thật tình người, tình bạn, tình yêu là gì? Để trả lời vắn tắt, là trung thành với mối tình đó, một lần mình đã hứa, đã thề, mặc dù những vất vả, những hy sinh phải chấp nhận, những lợi lộc thấp hèn mà sự phản bội có thể đem đến. Nói nôm na, sự thật con người là trung thành, nói cao kỳ hơn là nói: phù hợp với lý tưởng của tình người, tình bạn, tình yêu. Lý tưởng là trước sau như một. Thời gian, cám dỗ có xảy đến thế nào đi nữa, nếu không chống lại lý tưởng đó, mình vẫn còn trung thành, còn phải trung thành. Thường thường sự trung thành không phải tự nhiên mà có, hay đã sẵn có, mình chỉ nói lên một lần, quyết định một lần là đủ rồi cứ yên trí nó sẽ tồn tại mãi mãi. 

Thực ra, nói lên, thề nguyền, quyết định một lần chỉ là một bước đầu, trên con đường thiên lý. Một bước là một bước tiến, nhưng rồi cứ phải bước mãi, tiến mãi với thời gian, đến hơi thở cuối cùng, mặc dù những chông gia mệt nhọc, ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, khi mệt nhọc, khi bị ảnh hưởng, chống đối, mình có thể tiến chậm, có thể sa ngã, nhưng nếu mình thống hối, mình trỗi dậy, mình cố gắng với tất cả thiện chí, ý chí … như thế mình vẫn có sự thật, vẫn sống sự thật, vẫn làm sự thật, vẫn thực hiện sự thật với mồ hôi, nước mắt và xương máu, tâm hồn hay thể xác.  Chúng ta tạm kết thúc và nói sự thật về con người, là phù hợp, cố gắng phù hợp, là trung thành, cố gắng trung thành với lý tưởng con người.

Ghi chú: Nếu một lý tưởng cao thượng hơn đòi hỏi phải thay đổi, khi đó, sự thật con người vẫn tồn tại. Chí khác là thay đổi lý tưởng là tạm gác lý tưởng mức dưới, để trung thành với lý tưởng mức trên. Nàng Kiềm phải xa Kim Trọng và không có cách nào khác là để cứu cha, nàng Kiều thực ra không có lỗi với Kim Trọng. Nàng đã trung thành với lý tưởng mà nàng cho là cao cả hơn. Nàng vẫn trung thành với người yêu mặc dù bên ngoài có vẻ bất trung với người yêu đó.

Xét lại

1. Nói đến sự thật con người, chúng ta nghĩ về những gì?
2. Sự thật con người làm chúng ta lạc quan hay bi quan? Vì sao?
3. Làm gì để biết sự thật con người?

5. SỰ THẬT CỦA CHÍNH TRỊ 

Sự thật của chính trị là gì?
Lịch sử cho chúng ta biết nhiều thức hính trị, nhiều kết quả chính trị, tốt có xấu có, thành công có, thất bại cũng có, khi dài hạn, khi ngắn hạn … liên tiếp, liên tục, thay phiên nhau, chồng chất nước mắt, xương máu bằng sông bằng núi, cũng có, đồng thời cũng mang lại vô kể những vinh quan, kiệt tác, thành quả tuyệt vời về đủ mọi lĩnh vực, kinh tế, xã hội, văn hóa, vật chất, tinh thần.
Sự thật chính trị là gì? Phải chăng là chiếm được quyền thế với bất cứ giá nào, bằng mọi phương pháp, tốt xấu, lương thiện hay bất lương, ma giáo, lưu manh, bạo tàn như Machiavel, như (…), như bât kỳ ai lấy câu phương châm làm lý tưởng cứu cánh biện minh cho phương tiện (coi sự thật chính trị là thành công, là lợi lộc bè phái, của cá nhân, của ý định). Nếu họ không tin vào đạo đức, hay đặt chính trị trên đạo đực, dĩ nhiên quan niệm nầy, trong lĩnh vực thuần túy chính trị thì đúng. Nhưng vấn đề phải nêu lên là chính trị có hoàn toàn độc lập với đạo đức, với đạo làm người không? Tuy nhiên, chúng ta không thể bàn luận dài dòng về vấn đề này. Chúng ta chỉ khơi lên một vài nguyên tắc căn bản. Chính trị không thể sử dụng những phương pháp trái với đạo đức chân chính của Trời, của Thiên Chúa. Chúng ta nói đạo đức chân chính chứ không phải tình cảm, một thứ quan niệm hẹp hòi, lệch lạc, mà một số người có thể có. Đạo đức chân chính có thể đi đôi và phải đi đôi với sáng suốt, với cương quyết, với khôn khéo. Dùng biện pháp mạnh, dùng kế Khổng Minh để bảo vệ lẽ phải, cứu dân, cứu nước, để diệt kẻ xấu … là điều tốt. là chính trị sáng giá, chính cống. Còn lầm đạo đức với khờ khạo, với tình cảm, với yếu đuối … thì thực ra chưa hiểu đạo đức là gì, và chính trị là gì. Nói cách khác, chính trị có sự thật nội tại của nó, là thành công, là chiếm được quyền thế. Nhưng dưới khía cạnh khác, chính trị còn lệ thuộc ‘đạo đức” chân chính khi phải sử dụng những phương tiện để chiếm quyền thế và khi phải sử dụng quyền thế_ Làm thế, chính trị mới hoàn toàn phù hợp với sự thật toàn diện. Tuy nhiên lý tưởng nầy khó mà thể hiện hoàn hảo được. Nhưng được chừng nào hay chừng đó. Thân phận con người là thế.

Xét lại

1. Nói đến chính trị, thường thường dư luận đề cập đến những gì?
2. Chính trị và đạo đức xung đột nhau như thế nào?
3. Chúng ta phải nghĩ thế nào về sự xung đột này?

6. SỰ THẬT CỦA GIÁO DỤC

Bình thường chúng ta quan niệm đúng về giáo dục. Giáo dục là giúp con người vươn lên trưởng thành toàn diện, vươn lên khỏe mạnh nhờ tập thể dục, vươn lên văn hóa nhờ trí dục, vươn lên đạo đức nhờ đức dục. Ngoài những đường hướng đại cương trên đây, còn nhiều lĩnh vực khác, như lãnh vực văn nghệ, khả năng thích nghi với đời sống, lãnh vực nghề nghiệp, lãnh vực quốc gia, gai đình, tình cảm, tôn giáo … Nói cách khác, con người có bao nhiêu khía cạnh, giáo dục có bao nhiêu lĩnh vực. Và giáo dục toàn diện, sự thật toàn diện gồm tấc cả mọi khía cạnh. Nhưng trong thực tế, được chừng nào hay chừng đó. Một điều cần lưu ý là những khía cạnh nói trên, những lĩnh vực khác nhau cũng phải được xếp đặt theo một thang giá trị chân chính. Điều nào quan trọng hơn phải đặt trước, phải đi trước. Nếu tiến được trong tất cả mọi khía cạnh thì tốt lắm. Nếu phải tạm gac một số lĩnh vực, phải tạm gác những giá trị mức dưới thì phải duy trì những giá trị mức trên. Vả lại sự thật giáo dục cũng phải có tâm lý, cũng phải có nghệ thuật, nghĩa là, phải áp dụng những nguyên tắc giáo dục, những phương pháp giáo dục đúng theo tâm lý của mỗi con người cụ thể, đúng theo tâm lý nơi đây lúc này của con người đó: khi cương khi nhu, khi khuyến khích, khi xử phạt. Mà con người thì bá nhân bá tánh, lại tính tình con người lại thay đổi liên miên theo thời gian, theo hoàn cảnh. Thành thử giáo dục con người đòi hỏi nhiều khả năng thích nghi để thành công, để đi đến sự thật của giáo dục. Những khía cạnh đặc biệt đáng được lưu ý để thành công trong giáo dục là:
1. Con người cần được nâng đỡ, khuyến khích nhiều hơn là xử phạt rầy la. Kẻ thụ huấn nếu được khuyến khích, nâng đỡ, sẽ tiến mạnh, sẽ có những đức tính mình mong muốn, mà hiện giờ nó chưa có.
2. Lời nói, khuyên lơn hay la rầy, thì có hiệu quả ít hơn là gương sáng nó thấy, lối cư xử của nhà giáo đối với nó, chính ngay con người nhà giáo nó được tiếp xúc, tình người của nhà giáo mà nó cảm nhận được …
3. Giáo dục là đánh thức thông minh kẻ thụ giáo, là cho y dịp để tự phát huy tài cán bản thân của y, đức tính về tinh thần, về đạo đức, khả năng thích nghi với thực tế, với đời sống, về tinh thần trách nhiệm, phục vụ, giúp đời, tạo thời thế, óc sáng kiến, mạo hiểm hơn là chỉ nhồi sọ, chỉ trau dồi một mớ kiến thức từ chương, chỉ giới hạn vào mục tiêu văn bằng, chỉ khơi lên một lý tưởng trưởng giả, học để sướng thân sau này, để có địa vị, để sống nhàn, để làm nở mày nở mặt mẹ cha …
4. Giáo dục lưu ý con người phải đạt đến trưởng thành mai sau, với những kết quả dài hạn, và điều này đòi hỏi thời gian, nên đừng khắt khe qua, nóng lòng quá, nếu kẻ đươc thụ huấn chưa tiến như ta mong mỏi, chưa thành nhân thập toàn ngay. Mình đặt nền móng, cơ cấu, định hướng. Kẻ thụ huấn dấn thân, cố gắng, tập tành với thiện chí, ý chí. Có sai lầm mình nhẫn nại, sửa chữa, tin tưởng. Mình hy vọng được, lạc quan được.
Ghi chú: Giáo dục chỉ nhằm mục tiêu vật chất, kinh tế, (…), dĩ nhiên là sai lầm và tệ hại

Xét lại

1. Trong dư luận thông thường, giáo dục phải đào tạo những con người nào?
2. Trong thực tế, giáo dục như hiện tại đào tạo những con người thế nào?
3. Làm gì để giáo dục thực sự trong sự thật con người?

7. SỰ THẬT CỦA NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG

Nghệ thuật, văn chương, cầy kỳ thi họa, ca kịch nhạc vũ, phim, tiểu thuyết, tác phẩm này nọ, lối xây cất, trình bày tư tưởng … có mục tiêu chính là làm đẹp, biểu dương cái đẹp, gợi cái đẹp cho giác quan, cho tình cảm … M8a5t thấy đẹp, tai nghe hay, tâm hồn rung động vì cái đẹp. Nghệ thuật văn chương đạt đến sự thật của nó khi nó thành công tạo được cái đẹp. Sự thật của cái đẹp không nhất thiết phải phù hợp với sự thật khách quan. Bức họa, bản nhạc, câu thơ, ca, kịch, nhạc, vũ … không phải là bản sao của sự thật. Chúng có thể rất xa với sự thật khách quan, có thể đi ngược lại sự thật khách quan, chúng vẫn có thể đẹp, chúng vẫn có thể đạt mục tiêu của chúng. Truyện Kiều chưa chắc có thật, dù không phải là chuyện thật, Truyện Kiều là tác phẩm văn chương tuyệt đẹp.
Nói thế không phải là cái đẹp luôn luôn không có liên lạc gì với các thật khách quan. Dưới khía cạnh nào đó, Kim Vân Kiều có thể là sự thật, có thể chứa đựng khá nhiều sự thật, sự thật về con người, có thể có những phụ nữ, đã phải, đang phải bán mình để nuôi nấng cha mẹ, con cái; Có thể nàng Kiều tiêu biểu cho tâm trạng Nguyễn Du, vì hoàn cảnh đã phải phục vụ một Chúa khác; Các nhân vật khác có thể tiêu biểu cho đủ mọi hạng người trong quá khứ hay hiện tại, những Hoạn Thư, những Tú Bà, Sở Khanh, Ưng, Khuyển, những nhà chân tu như Tam hợp, Giác Duyên, những anh hùng sa cơ như Từ Hải “râu hùm hàm én mày ngài” … Ai dám bảo là không có trong thực tế.?
Mối liên hệ giữa cái đẹp, sự thực của cái đẹp và sự thực khách quan là thế. Nhưng đó chỉ là mối liên hệ, chứ không phải bản chất sự thực của cái đẹp. Mối liên hệ giữa cái đẹp và đạo đức cũng tương tự. Đẹp có thể đi đôi, có thể không đi đôi hay chống đạo đức nữa. Nhiều sách vở, nhiều phim ảnh rất đẹp, rất mỹ thuật, có thể giúp đạo đức, có thể không giúp gì, có thể chống đối đạo đực nữa. Chúng ta miễn phải dẫn chứng dài dòng. Vấn đề là có được phép làm cái đẹp nếu cái đẹp đó phản đạo đức. Vấn đề về mối liên quan giữa cái đẹp và cái tốt (đạo đức) trong lịch sử đã được đề cập đến rất nhiều, đã gây ra những tranh luận, những bút chiến sôi nổi. Tôi không dám định đoạt ai phải ai trái. Điều này liên quan đến nhân sinh quan, đến lập trường tiên quyết của mỗi người. Đối với ai mà vấn đề đạo đức không quan trọng lắm, câu trả lời sẽ là “cứ làm cái đẹp đã”, thuận hay chống đạo đức, không thành vấn đề. Đối với ai mà vấn đề đạo đức phải được kính nể thì họ nói phải sửa chữa lại cái đẹp, nếu cái đẹp đó phản đạo đức. Tôi xin thêm ý kiến nữa là, nghệ thuật, văn chương … không bắt buộc luôn luôn phải “giảng đạo”, phải có những câu chuyện, mẫu chuyện, đề tài, kết luận đạo đức. Không phải. Nếu đi đôi được với cái đẹp thì hay. Nếu cái đẹp không có gì phản đạo đức thì cũng đủ. Mục tiêu của nghệ thuật của văn chương là tìm cái đẹp. Nếu có chút giới hạn (không được phản đạo đức) là chỉ vì nghệ sĩ, văn hào, tiên khởi phải là con người đã, phải thuận với đạo đức đã, khi làm nghệ thuật, văn chương, tiên khởi họ cũng phải thuận với đạo đức.
Ngoài giới hạn rất dễ hiểu nói trên, văn sĩ, văn hào có tự do mênh mênh để tạo ra các đẹp _ và cái đẹp đó, vì không phản đạo đức, có thể tô điểm thêm một nét đẹp nào thặng dư nữa. Kim Vân Kiều là một dẫn chứng trong khá nhiều dẫn chứng khác: vừa đẹp vừa “đạo đức”.

Xét lại

1. Nghệ thuật văn chưng liên hệ đến sự thật con người thế nào?
2. Nghệ thuật, văn chương khác khoa học, đạo đức thế nào?
3. Mục đích của nghệ thuật văn chương là gì?

8. SỰ THẬT CỦA LỊCH SỬ

1. Chắc chắn không một người Việt Nam có chút chữ nghĩa nào mà hồ nghi được những biến cố lịch sử, như cuộc đô hộ Tàu 1.000 năm, Pháp 100 năm, chiến tranh một phần tư thế kỷ, hội nghị Geneve 1954, Chính phủ Ngô Đình Diệm,cuộc đảo chính năm 1963, cuộc đổ bộ ào ạt của Mỹ vào Việt Nam, hội đàm Ba lê, đình chiến, Hội nghị quốc tế Paris 1973 …
2. Về quá khứ gần hay xa, không ai hồ nghi những nhân vật lịch sử như gia Long, Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền … Ngay trước kỷ nguyên Thiên Chúa Giáng Sinh, không ai hiện giờ hồ nghi có Trưng Trắc, Trưng Nhị, Mã Viện Triệu Đà…
3. Nếu chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta tin chắc chắn những biến cố đó đã xảy ra, những nhân vật đó sinh sống … và căn cứ trên những bằng chứng nào, câu hỏi đó có ý nghĩa gì?
4. Thực ra ít khi chúng ta đặt vấn đề này. Cả dân tộc Việt Nam tin điều đó, từ thế hệ này sang thế hệ khác, sách vở báo chí nhắc đi nhắc lại như là những điều hiển nhiên mỗi lần phải nung đúc lòng ái quốc, chí khí quật cường, mỗi lần phải giáo dục dân chúng, chúng ta phải nêu lên gương sáng bất diệt đó. Lịch sử Việt Nam là đời sống của dân Việt, là vấn đề sống chết của dân Việt, đã khai sinh, đã tăng trưởng bằng xương máu núi sông và vẫn phải dinh dưỡng, duy trì, khai phóng bằng hy sinh, vất vả, và xương máu nữa
5. Nếu chúng ta theo phương pháp khoa học của lịch sử, nếu chúng ta mời các sử gia chứng minh _ môt cách khoa học, sự thật lịch sử của Hai Bà Trưng chẳng hạn, họ sẽ trình bày thế nào?
6. Họ sẽ nói, chứng minh một cách khoa học thì thật là khó. Sử gia phải dựa trên những tài liệu, những di tích, những sách vở bên Ta, bên Tàu, từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi phải phê bình những tài liệu, di tích, sách vở đó, về nội dung, về tác giả. Nội dung hư thực thế nào, đến mức nào, nhờ tiêu chuẩn nào, các tác giả những tài liệu đó đã khách quan, đích xác, trung thực đến mức nào, nhờ những tiêu chuẩn nào mà sử gia phê bình họ, rồi ngay nơi sử gia hiện tại phê bình về quá khứ, chúng ta lại phải phê bình ngay nơi họ với những câu hỏi trên … Rồi nếu chúng ta cứ theo đà đó để phê bình ngay phương pháp phê bình của chúng ta …
7. Anh chị nói: thôi thôi ! tiếp tục như thế là điên rồ và mình trở nên điên hết trước khi chứng minh xong ! Vả lại mấy ai làm được công việc của một sử gia?
8. Rốt cuộc, dù sử gia có tài ba lỗi lạc, hay vụng về thiếu sót, dù chính chúng ta không kiểm điểm được những tài liệu, di tích … chúng ta vẫn tin và không có chút hồ nghi nào về những biến cố, những nhân vật l5ich sử nói trên. C1o lẽ đây đó, chúng ta nghĩ có vài chi tiết, vài mẫu chuyện có vẻ thần thoại, nhưng những gì là căn bản, là thiết yếu thì không khi nào gợi nơi lòng trí chúng ta một thắc mắc. Chúng ta tin, chúng ta nói, chúng ta viết, chúng ta lý luận như là dựa trên những sự thật hiển nhiên, không cần đặt vấn đề, không nghĩ đến phải đặt vấn đề, y như là ch1ung ta thở, chúng ta nhìn sự vật, và không lưu ý đến dưỡng khí, đến ánh sáng và tuy nhiên không đặt vấn đề có hay không có dưỡng khí, ánh sáng, phổi, mắt, sự thật …
9. Nói vậy không phải chúng ta không biết đâu là sử, đâu là huyền thoại, đâu là sự thật chắc chắn, đâu là bịa đặt, đâu là còn phải đặt vấn đề, còn phải dè dặt … Nhưng lương tri, nhưng trí khôn cảm thấy phải biết điều, đừng ngoan cố, đừng ngụy biện, đừng quá “duy khoa học“, đừng lý sự, lý sự bướng, lý sự cùn, đừng gàn !
10. Trong thực tế, những biến cố lịch sử, những nhân vật lịch sử … mà không gây nên xích mích tư lợi, tranh giành ảnh hưởng, ganh tị tự ái, bè phái, đất đai, danh vọng, tiền tài … thì không đặt vấn đề.
11. Những biến cố, những nhân vật lịch sử không có ảnh hưởng xa gần đến tâm can bản thân chúng ta, chỉ thuộc về lịch sử, về văn hóa, về bên ngoài … cũng không đặt vấn đề, nga2oi bình diện sách vở, văn hóa, hàn lâm viện …
12. Những giả thử một kẻ nào có ác ý hay vì một thứ khôi hài ác ôn muốn xỉ vả dân tộc Việt Nam, muốn nói dân tộc Việt là ngoan cố, lưu manh để biện hộ cho sự chiếm đoạt đất đai hình chữ S, nên đã tạo ra những chuyện Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung v.v… Ác ôn hơn nữa, họ bắt chúng ta hay sử gia phải trưng bày những bằng chứng “khoa học”…
13. TRong thực tế, trường hợp giả thuyết này, sẽ không có, tôi chắc chắn như thế. Dù có đi nữa, chúng ta cũng không bối rối lắm. Chúng ta sẽ bình tĩnh trả lời: Vậy anh hãy chứng minh những chuyện đó là bịa đặt, một cách “khoa học” như anh đòi hỏi chúng tôi. Tôi không biết anh chàng đó sẽ trả lời thế nào. Chúng ta nói tiếp: Tất cả một dân tộc, từ hồi Hai Bà Trưng đến giờ, không ai nghi ngờ, lịch sử Hai Bà Trưng đi vào lịch sử dân tộc Việt nam như xương máu của dân Việt, làm cho dân Việt sống, tiếp tục sống vui vẻ, anh dũng và hy sinh nếu cần, sống đời sống tinh thần, văn hóa, chính trị, Ái quốc … Chứng minh nào mạnh hơn chứng minh đời sống liên tục, toàn diện, và ngày càng sống động hơn mãi?
14. Anh chàng ác ô, ngụy biện … chỉ còn lõi, (nếu y có chút biết điều) là xin lỗi và rút lui trong trật tự …
15. Tóm tắt lại, sự thật lịch sử là sự thật có thật. Tài liệu, di tích, sách vở, văn hóa, đời sống liên tục … chứng minh rõ rệt, vững chắc. Sử gia chỉ cần xếp đặt tài liệu, di tích, ý kiến cho mạch lạc, khách quan. Chúng ta không đòi hỏi phải chứng minh như khi phải trình bày sự thật về khoa học, vật lý, hóa học… Khoa học thực nghiệm về vật chất cần thí nghiệm, quan sát vì vật chấ là đối tượng. Với sử, với quá khứ, lối chứng minh lại khác. Lịch sử dựa trên tài liệu, di tích, minh chứng của con người, đời sống của dân tộc, văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Sau khi những sử gia đứng đắn đã nhận xét, sau khi cả dân tộc có trí khôn, có trí xét đoán, nhận xét, mà vẫn tiếp tục tin, tiếp tục cho là chắc chắn, người biết điều cứ vững tâm tin. Lịch sử đó là thật. Nếu có xét lại đó là vì nhu cầu tranh luận, vì nhu cầu xác định lại, vì nhu cầu thanh luyện sự thật khỏi những sai lầm … hầu lịch sử giúp ta thấy rõ sự thật hơn và giúp chúng ta sống sự thật đó hoàn hảo hơn.
Sự thật của lịch sử là thế.

Xét lại

1. Khi nào chúng ta tin lịch sử?
2. Khi nào lịch sử làm chúng ta nghi ngờ?
3. Nên hay không nên tin lịch sử? Vì sao?

9. SỰ THẬT VỀ LƯƠNG TÂM

Anh chị có lương tâm. Tôi cũng có lương tâm. Tất cả mọi người đều có. Ở đây, chúng ta cố gắng giữ bình tĩnh, cố gắng lắng tai nghe, mở mắt hay nhắm mắt để nhìn, nghe rõ, nhìn rõ, lương âm nói sao mình nghe vậy, xuất hiện thế nào mình thấy như thế. Bình tĩnh, tỉnh táo, can đảm, nhẫn nại. Không xao xuyến, không lo bào chữa. Nếu có gì thắc mắc, mình sẽ tính sau.
Lương tâm nói gì, bảo gì? Nói tôi phải ăn ngay ở lành, tử tế với tất cả mọi người, công bằng bác ái với tât cả, thương người như thể thương thân, cái gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình thì mình đừng làm cho kẻ khác, điều gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình làm cho kẻ khác …Nói tắt, thường xuyên lương tâm tôi nói tôi phải làm thiện, sống thiện, tránh ác, tránh xấu, mặc dù xã hội bên ngoài, kẻ quen người lạ, kể cả áp lực kẻ mạnh, áp lực mọi phía, tôi phải làm thiện, _ dù có vất vả, dù có phải hy sinh lợi lộc hạ tầng, dù có phải hy sinh cả đời sống.
Nghe lương tâm, tôi cảm thấy vui sướng, có hạnh phúc tâm hồn, mặc dù thường thường, lương tâm đòi hỏi tôi phải cố gắng, phải hy sinh, phải vất vả. Không nghe lương tâm, dù tôi có trưng bày đủ mọi cớ, tôi đã cảm thấy đã lỗi với lương tâm, lỗi với tôi, lỗi với cái gì cao siêu, nhạy cảm nhất nơi tôi. Cha mẹ, thầy dạy, các vị lãnh đạo tinh thần nói đó là tiếng nói của Trời, của Thượng đế để giúp con người biết đạo làm người và giữ đạo làm người. Số đông nhân loại tin như thế và không đặt vấn đề. Một số người suy nghĩ sâu xa, kỹ lưỡng, khi xét lại ảnh hưởng của giáo dục, của xã hội, của thời thế đóng góp phần đáng kể vào sự hình thành của lương tâm. Lương tâm thay đổi với thời gian, với lịch sử, với nơi này, nơi kia, với dân tộc, với các thuyết về chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo. Tỷ dụ dâm mọi nào đó để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ già, họ cho lên cây cao, rung cây hay chặt cây để các vị đó lìa trần. (…). Trong thực tế có rất nhiều xét đoán của lương tâm trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau, vậy làm sao mà biết sự thật của lương tâm? Vì thế một số người nói lương tâm như trí khôn con người, là do giáo dục, xã hội uốn nắn, sản xuất. Và giáo dục, xã hội đều thay đổi, biến chuyển, đều là tương đối. Lương tâm cũng thế. Chúng ta sẽ trả lời thế nào?
Phải công nhận có sự sai biệt, có cả mâu thuẫn giữa những nhận xét của lương tâm qua thời gian, qua các dân tộc, các cá nhân khác nhau, ngay cả nơi mỗi cá nhân, tùy theo sự giáo dục, tùy theo sự ảnh hưởng của xã hội. Nhưng xét cho kỹ, những sự sai biệt, những mâu thuẫn xuất hiện trong những áp dụng cụ thể, như lối thảo kính cha mẹ, lối hiểu đâu là sự thật, đâu là thiện đâu là ác. Còn những nguyên tắc chung như phải làm thiện, phải tránh ác, phải công bình, bác ái, phải nói sự thật … Những nguyên tắc này thì không bao giờ sai. Lương tâm nào cũng nói như thế, cũng hiểu như thế, cũng buộc phải làm như thế, nơi người văn minh, cũng như nơi người mọi rợ, nơi những tín hữu các tôn giáo cũng như nơi những người vô thần hay người cộng sản. Đi xa hơn một bước nữa, nếu mỗi người cứ thẳng thắn, ngay thật, mình với mình, bụng với dạ, có thiện chí và có chí làm điều gì mình cho là thiện, người đó đã chu toàn bổn phận đối với lương tâm, đã “làm” sự thật của lương tâm, đã sống sự thật với lương tâm. Sự thật của lương tâm là như thế. Tuy nhiên, mỗi người, tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình, phải học hỏi, t2im tòi làm sao để lương tâm không những có thiện chí, có chí làm thiện mà cái thiện ở đây luôn luôn khách quan, sáng suốt, không sai lầm, và là thiện thập toàn nếu được.
Ở đây có một câu hỏi nữa, sâu xa hơn, được nêu lên. Sự thiện khách quan là gì? Làm sao mà biết sự thiện khách quan đó, tiêu chuẩn tối hậu của thiện là gì? Chúng ta trả lời tóm tắt như sau. Đối với những ai chưa tin hoặc không tin ở Trời, ở Thượng đế, ở Thiên Chúa, sự thiện khách quan chỉ là điều mà lương tâm cho là thiện, tiêu chuẩn sự thiện đó chính là lương tâm của họ. Họ không thể vươn lên cao hơn được nữa. Đối với ai tin có Trời, có Thượng đế, có Thiên Chúa, sự thiện khách quan chỉ có thể là ý  Trời, ý Thượng Đế, ý Thiên Chúa. Điều gì Ngài muốn, điều gì Ngài mong mỏi là điều thiện. Ý ta lòng ta phù hợp với ý Ngài, với lòng Ngài là thiện. Làm ngược lại là ác, là tội. thiên Chúa là tiêu chuẩn tối hậu của thiện. Ngài là thiện. Ngài là hiện diện nơi lương tâm của mỗi người điều Ngài muốn.
Vì thế chúng ta thấy không phải giáo dục, không phải xã hội là mẹ đẻ của lương tâm, vì chính giáo dục, chính xã hội cũng phải nghe lương tâm, phải giáo dục theo lý tưởng của lương tâm. Và giáo dục, xã hội có thể sai lầm, đã sai lầm mỗi lần đi ngược lại với lương tâm. Chúng ta không chứng minh dài dòng. Chúng ta chỉ nhắc lại vài ba thí dụ điển hình. Xã hội Hy Lạp đã lầm khi lên án Socrate. Lương tâm Socrate đã chống đối xã hội và đã được lịch sử ca ngợi. Đức Khổng chu du giảng đạo lý của Ngài, tiếng gọi của lương tâm. Xa4ho65i hồi đó không hưởng ứng. Xã hội đã lầm. Lương tâm của Đức Khổng phù hợp với ý trời chứ không phải lương tâm xã hội. Chúa Jesus bị xã hội lên án và xử tử. Xã ho65id9a4 lầm. Chính Chúa Jesus có lý. Chính Ngài đã giảng, đã sống, đã chết, chiếu theo Thánh ý Thiên Chúa _ Ngài đã giảng đạo, đã sống, đã chết trong sự thiện, trong sự thật. Đó là sự thật của lương tâm.

Xét lại

1. Chúng ta kính nể hay coi thường lương tâm? Vì sao?
2. Lương tâm giúp ta được gì?
3. Giáo dục lương tâm bằng cách nào?

10. SỰ THẬT VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI

1. Chúng ta nghĩ ngay đến chúng ta, anh đến anh, chị đến chị, tôi đến tôi.
2. Thân phận chúng ta là gì? Ra đời đến giờ được bao nhiêu năm, bao nhiêu tuổi, hiện giờ là gì, làm gì, thân xác, dung nhan, y phục, trang sức, dáng điệu, sức khỏe, chữ nghĩa, văn hóa, tài năng, tài chánh, sở hữu địa vị, quyền thế, tiếng tăm thế nào đối với gia đình, bạn hữu, dư luận …vui buồn, sướng khổ, ý định hy vọng, mơ ước, sợ sệt, lo âu thế nào … Khả năng hiểu biết về văn hóa, về khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghề nghiệp, nghệ thuật … về vũ trụ về con người, về Trời, về Thượng Đế … đi tới đâu và có thể đi tới đâu? Khả năng hoạt động, thi hành, tạo tác về đời, về đạo … là thế nào và có thể đạt tới những gì? Bao lâu nữa chúng ta còn sống, sức lực còn sung mãn về tinh thần cũng như về thể xác? Hạnh phúc, đau khổ sẽ đến với mức độ nào? Những gì là hên là xui có thể xẩy ra cho ch1ung ta hôm nay, ngày mia, ngày mốt?

4. Chúng ta sẽ sống mãi sao? Có khi nào chúng ta nghĩ _ thầm thía _ chính chúng ta cũng phải lìa trần, sau ít nhiều năm vui vẻ, vất vả, sung sướng, đau khổ …
5. Chúng ta có khi nào suy nghĩ _ Thấm thía _ đời sống mình có ý nghĩa gì không? Mình sinh ra mà không được hỏi ý kiến. Cha mẹ đặt tên, nuôi nấng, âu yếm, giáo dục, cho ăn học, khuyên lơn, rầy la, ơn nghĩ núi non hải hà có, nhưng cũng có khi lỗi lầm, có khi làm mình bực tức … lớn lên tìm công ăn việc làm, gây dựng cơ nghiệp, lập gia đình, vui vẻ và vất vả với đời sống gia đình, xã hội, vật chất, bổn phận … khi bổng khi trầm … tùy thời, tùy hên xui, tùy khả năng ta2ica1n bản thân … Rồi chung quy sống chết để làm gì, sướng khổ hên xui để làm gì, thiện ác để làm gì?
5. thân phận con người là thế, và còn tât cả những gì mà chúng ta chưa biết, chưa nghĩ đến, ở ngoài chúng ta, ảnh hưởng nhiều ít đến chúng ta. Và ngay thân phận chúng ta, tự nó còn là thắc mắc, một bí ẩn, một mầu nhiệm mà ta cũng không hiểu, hay không hiểu cho đủ, ý nghĩa n1o là gì?
6. Các triết gia, các tôn giáo cố gắng cho chúng ta một vài tia sáng, một vài mặc khải … nhưng chúng ta có biết được không, chúng ta hiểu được đến mức độ nào, sự hiểu biết đó có giúp ích gì cho đời sống chúng ta không, có đem lại một ý nghĩa sáng sủa tốt đẹp nào không? Rồi chúng ta có chút thì giờ để học hỏi, để suy nghĩ, chúng ta so sánh các triết thuyêt, các tôn giáo, chúng ta thấy thế nào, họ có đồng ý với nhau không, ít nữa là trên những điểm căn bản, hay là mỗi triết thuyết, mỗi tôn giáo lại khác biệt có khi mâu thuẫn với các triết thuyết, các tôn giáo khác?
7. Chúng ta có khả năng để đinh đoạt đâu là sự thật không? Có tiêu chuẩn nào để xét đoán hư thực thế nào nơi mỗi triết thuyết, mỗi tôn giáo?
8. Thân phận con người là thế, là lo âu về ý nghĩa ngay về thân phận mình. Biết được ý nghĩa rồi đi nữa, mình còn phải nổ lực, vất vả, có khi phải hy sinh anh dũng để thực thi ý nghĩa đó … Chưa biết ý nghĩa hay chểnh mảng với ý nghãi đó, lại là một đau khổ, một thảm kịch cho thân phận làm người!
9. Trên đây chúng ta nêu lên sự thật về thân phận con người, với tính cách là thắc mắc, là bí ẩn, là nhiệm mầu _ tiếp đến chúng ta tìm xem thắc mắc, bí ẩn, nhiệm mầu này có một trả lời, một ánh sáng, một mạc khải nào không? Trả lời, ánh sáng, mạc khải đó, nếu có, thì giá trị là thế nào? Chúng ta có thể chắc chắn được không?
10. Tôi không kê khai dài dòng các tiết thuyết, các tôn giáo. Tôi không dám nói tất cả các triết thuyết, các tôn giáo, các trả lời sai cả. Nhưng tôi dám tin, dám nói có một tôn giáo đem lại  một câu trả lời rất rõ rệt, dứt khoát, đầy đủ, tuyệt hảo, với một quyền uy cũng tuyệt hảo, và không uy quyền nào có thể so sánh được _ Nó thế, Anh Chị đoán ngay chính là Thiên Chúa Giáo (…11-18 trang 42-43).

Ghi chú:
Sự thật chung chung là sự vật khách quan thế nào thì chúng ta nghĩ đúng như thế. Sự vật khách quan có đủ mọi loại, từ vật chất đến tinh thần, từ thọ sinh đến Thiên Chúa. Mỗi loại có những đặc tính riêng, đặc tính của vật chất khác, đặc tính của tinh thần, đặc tính của thọ sinh, khác đặc tính của Thiên Chúa. Lý trí của chúng ta phải thích nghi với mỗi loại đối tượng, do đó, mỗi loại sự thật lại có những đặc tính riêng biệt, những tiêu chuẩn riêng biệt, những phương pháp riêng biệt. Chúng ta không thể đồng hóa tất cả mọi sự thật, bắt mọi sự thật phải có những đặc tính giống nhau, những phương pháp giống nhau, những tiêu chuẩn giống nhau. Một sai lầm căn bản và là nguyên nhân của mọi sai lầm khác, nhất là trong thế giới hiện tại, là vô tình hay cố ý đồng hóa mọi sự thật với sự thật của khoa học thực nghiệm _ như lý hóa _ và đòi hỏi tất cả mọi sự thật phải có những phương pháp, những tiêu chuẩn chiếu theo phương pháp và tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm. Do đó, có khá nhiều óc, kể cả những óc khoa học, đã sai lầm về những sự thật của sử, triết, đạo đức, tôn giáo. Mặc dù có những phương pháp khác, tiêu chuẩn khác, sử, triết, đạo đức, tôn giáo cũng có thể có và có thực những sự thật cũng chắc chắn như những sự thật của khoa học. Hơn nữa, những sự thật này mang lại cái gì cao thượng quý báu hơn cả những sự thật khác, chính là sự thật về tinh thần, về tâm hồn, về thân phận con người, vừa trần thế vừa siêu trần.
Ngôn ngữ chuyên môn dùng từ ngữ có vẻ cao kỳ, như chân lý, đối tượng, khách quan, tiêu chuẩn. Chân lý là sự phù hợp giữa lý trí và đối tượng khách quan. Tiêu chuẩn của chân lý là hiển nhiên _ đã được kiểm điểm, đối chiếu theo bản chất cảu đối tượng và những phương pháp riêng biệt của loại chân lý đó. (…).

Xét lại

1. Thân phận con người nghĩa là gi?
2. Thân phận làm người là điều sướng hay khổ?
3. Làm gì để giải quyết tốt đẹp thân phận con người?

TẠM BIỆT

Sự thật cao quý nhất là sự thật về thân phận con người./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar