Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

8. Yếu tố của cửa hàng và căn bản pháp lý

YẾU TỐ CỦA CỬA HÀNG VÀ CĂN BẢN PHÁP LÝ 

1.Tổng quát:
Cửa hàng theo định nghĩa thông thường là một nơi bán hàng hóa cho những người tiêu thụ. Nhưng định nghĩa này rất thiếu sót vì cửa hàng gồm có chẳng những những yếu tố hữu hình như hàng hóa, dụng cụ, máy móc, mà còn gồm cả yếu tố vô hình như danh hiệu, nhãn hiệu, quyền thuê mướn phố, quyền sở hữu công nghệ, văn nghệ và toàn thể khách hàng cùng mối hàng. Cho đến cuối thể kỷ 19, tất cả các yếu tố trên không hợp thành tài sản pháp lý như theo ý niệm của các luật gia bây giờ. Lúc xưa khi bán cửa hàng, khế ước mua bán được thành lập riêng biệt cho từng loại yếu tố. Lần hồi, quan niệm cửa hàng là một khối duy nhất riêng biệt với các yếu tố của nó và có một quy chế riêng, một giá trị riêng được xuất hiện và phát triển. Quan niệm một khối tài sản riêng biệt được xuất hiện do luật ngày 4-4-1872 điều 7 của Pháp, khi qui định thuế di chuyển khi bán cửa hàng. Kế đó, để cho các thương gia vay mượn dễ dàng, đạo luật ngày 1-3-1898 qui định về thể thức cầm cố “cửa hàng“. Luật này thay thế bằng luật ngày 17-3-1909, gọi là “luật Cordelet”, tên của một thượng nghị sĩ đã dự thảo ra nó. Sau này lau56t ngày 29-6-1935 ban hành để che chở những người mua cửa hàng thương mại bằng cách bó uộc áp dụng khế ước mẫu. Sau cùng qui chế về “sản nghiệp cửa hàng” liên quan đến sự tái tục khế ước mướn cửa hàng, làm cho quy chế về cửa hàng được hiểu dứt khoát theo một quan niệm pháp lý khác xa với quan niệm cửa hàng là một sự thật cụ thể lức xưa. Ở Việt Nam ta quan niệm cửa hàng cũng được xuất hiện tại dụ số 17 ngày 3-6-1953 khi qui định chế độ thuê mướn phố để hành nghề thương mại. với bộ thương luật VN 1972, yếu tố pháp lý của cửa hàng cũng được giữ y tại các điều từ 42 đến 44. Vậy trong một cửa hàng có hai yếu tố: yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình. Yếu tố vô hình gồm: Khách hàng, quyền thuê mướn, danh hiệu, quyền sở hữu, kỹ nghệ, bằng sáng chế, giấy phép, hình vẽ và kiểu mẫu, nhãn hiệu chế tạo…; Yếu tố hữu hình những đồ đạc, bàn ghế, dụng cụ máy móc và hàng hóa để khai thác cửa hàng (điều 42 LTM 1972).
Ta biết rằng tất cả các yếu tố trên không bao giờ hội đủ trong một cửa hàng cụ thể hoặc không có tầm mức quan trọng giống nhau trong mọi cửa hàng. Thí dụ người trọng mãi (le courtier) có thể không có một cửa hàng và máy móc dụng cụ nhưng y có khách hàng. Một doanh nghiệp vận chuyển có cửa hàng và xe cộ máy móc nhưng không có hàng hóa. Như vậy các yếu tố của một cửa hàng không bao giờ đầy đủ và luật pháp trước 1972 không dành một điều nào để định nghĩa cửa hàng. Tuy nhiên, luật có xác định các yếu tố nào hợp thành ưu quyền của người bán cửa hàng, và yếu tố nào thuận tiện cho việc cầm cố cửa hàng. Nhưng ta thử hỏi yếu tố nào là yếu tố quan trọng nếu không có nó thì không thể có cửa hàng?
Theo điều 42 LTM 1972 và án lệ thì khách hàng và sự chiêu khách (la clientèle et l’achalandage: Khách hàng và lượng truy cập) là những yếu tố chính. Thí dụ việc mướn một rạp hát, một trụ sở để làm bệnh viện, một căn phố để làm một xưởng kỹ nghệ không thể gọi là một cửa hàng nếu không có khách hàng đến mua bán. Như vậy sự thuê mướn rạp hát kia, bịnh viện nọ cũng chỉ là những khế ước thuê mướn nhà phố thường mà thôi. Mặt khác, sự bán hoặc góp máy móc vào một công ty để làm một cổ phần chỉ trở thành một phần của công ty khi nó mang theo khách hàng có sẳn của nó(…). Nghịch đảo lại sự ngưng khai thác một cửa hàng trong một thời gian làm cho cửa hàng mất giá trị, vì không còn khách hàng và mối hàng.Tuy vậy, khách hàng hay sự chiêu khách không phải là một yếu tố đầy đủ để cho cửa hàng thành hình. Khách hàng đó phải bị kéo vào cửa hàng bằng những yếu tố quen thuộc khác như cửa tiệm tượng trưng cho quyền thuê mướn, bảng hiệu và dụng cụ máy móc. Như vậy thì yếu tố cần thiết và đầy đủ để làm thành một cửa hàng là yếu tố nào. Câu trả lời tùy theo hoạt động thương mại của cửa hàng. Thí dụ nếu buôn bán lẻ thì cửa hiệu và quyền thuê mướn thường là yếu tố để móc nối khách hàng. Còn sự nhượng quyền thuê hay sự cho mướn một bất động sản có thể trở nên một sự bán hoặc một sự nhượng cửa hàng, nếu khách hàng đi theo cửa hiệu hay là bất động sản đó.
Nhưng rốt cuộc án lệ đã nhìn nhận rằng chỉ coi là một sự nhượng quyền thuê mướn bất động sản thôi, khi không có khách hàng dính liền theo bất động sản đó. Trái lại có thể coi như bán một cửa hàng, măc dù cửa hàng đó không mang theo quyền thuê mướn. Trong trường hợp này khách hàng có thể tin tưởng nơi bảng hiệu hay danh hiệu, hay chiếu cố đến độc quyền khai thác của cửa hàng, như bảng quyền buôn bán một loại rượu hoặc một thứ giải khát có tiếng (như nước ngọt Phương Toàn chẳng hạn). Tuy nhiên, các yếu tố này cũng không luôn luôn cần thiết và đầy đủ. Rốt cuộc lại ta thấy rằng, ngoài yếu tố khách hàng ra không có yếu tố nào tuyệt đối đầy đủ và cần thiết để làm thành một cửa hàng. Cho nên, đối với một loại thương mại nào đó, cần phải tìm xem yếu tố nào đã móc nối được khách hàng. Và khi đó, cửa hàng liên hệ gồm có các loại yếu tố đó. Ngày này cuộc tranh luận này không còn cần thiết nữa vì chính điều 42 LTM 1972 đã xác định rằng khách hàng là yếu tố chính của cửa hàng. đến đây cũng cần nhấn mạnh rằng cửa hàng chỉ thành lập bởi các động sản mà thôi (43 LTM 1972). Chúng ta sẽ thấy ở phần sau rằng, mặc dù một thương gia có rất nhiều bất động sản mà nơi đó y hoạt động, cửa hàng của y không bao gồm các bât động sản đó, hoặc các dụng cụ máy móc được coi như bất động sản vì dụng ích của nó. Thật vậy, theo điều 42 LTM 1972, cửa hàng thương mại gồm toàn thể các tài vật động sản họp thành một khối đem sung dụng vào một hoạt động thương mại. Cửa hàng gồm có khách hàng là yếu tố chính và trừ phi có điều khoản trái lại, tất cả những tài vật khác cần thiết cho sự khai thác cửa hàng như bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn, dụng cụ, khí cụ, hàng hóa, giấy phép, bằng sáng chế, nhãn hiệu chế tạo, hình vẽ và kiểu mẫu, quyền sở hữu văn nghệ và kỹ thuật. Kế đó điều 43 LTM 1972 xác nhận rằng “cửa hàng thương mại có tính cách động sản vô hình”.
2) Yếu tố hữu hình gồm:
Đó là những đồ đạc, bàn ghế, dụng cụ máy móc và hàng hóa để khai thác cửa hàng (điều 42 LTM 1972). Những yếu tố này phần nào cố định. Thí dụ: Các dụng cụ, xe cộ của một nhà chuyên chở, các bàn ghế, giường tủ của một kha1h sạn. Những bất động sản hoặc những máy móc coi như bất động sản vì dụng ích như nói trên không thuộc thành phần của cửa hàng. Đôi khi có Tòa án cho rằng bất động sản ấy có thể mất tích cách bất động sản để thành một động sản do ý muốn của đương sự, vì thành vật phụ thuộc cửa hàng thương mại. Nhưng lý luận này rất mong manh, vì sự phân chia tài sản này làm hai hạng, bất động sản và động sản có tính cách trật tự công cộng nên không thể đảo ngược được. Vả lại theo luật, chỉ có động sản mới mới có thể trở thành bất động sản khi nó đã hội nhập vào bất động sản, như một bức họa đã được gắn hẳn vào tường, một cửa sắt gắn dính vào một cửa hàng rào, còn bất động sản không thể trở thành động sản được. Vấn đề bất động sản không được bao gồm trong cửa hàng được thấy rõ trong các vụ cầm cố cửa hàng, vì cơ tọa (assiette) của việc cầm cố cửa hàng gồm có khách hàng danh hiệu nhãn hiệu, và quyền mướn phố hay cửa hàng. Nếu người thương gia đồng thời là sở hữu chủ của bất động sản nơi khai thác cửa hàng, thì khế ước cầm cố không bao gồm quyền thuê mướn. Do đó giá tiền cầm cố sẽ giảm bớt. Thí dụ: Một thương gia đồng thời là sở hữu chủ của căn phố thương mại, cầm cố cửa hàng cho chủ nợ rồi đem để đương căn phố cho chủ nợ khác. Trường hợp này án lệ xử rằng: căn phố là bất động sản nên làm bảo đảm cho sự để đương: Mặt khác các dụng cụ khai thác như lò rèn, nhà máy cất rượu mặc dù là động sản nhưng đã trở thành bất động sản dụng ích vì được gắn liền với căn phố thương mại nên trở nên bất động sản. Vậy nó không được quyền sai áp của chủ nợ đã cầm cố cửa hàng mà thuộc quyền sai áp của chủ nở đã để đương căn phố. (Pari 5-7-1935; 23-11-1935. DP. 1936, 2-30).
Sự phân biệt cửa hàng với bất động sản cũng được nhận thấy khi bán cửa hàng. thật vậy khi cửa hàng bị đem bán cùng với bất động sản mà nơi đó cửa hàng được khai thác, thì phải làm hai khế ước riêng có điều kiện riêng và hiệu lực riêng. Nếu cửa hàng được bán riêng lẻ thì người chủ bất động sản (chủ căn phố) trong thực tế phải chịu nhận tiếp tục cho người mua, được quyền thuê mướn căn phố thương mại đó. Mặc khác trong trường hợp người thương gia chết đi, thì thừa kế của thương gia có quyền đòi hỏi người thừa kế của chủ căn phố phải cho y  tiếp tục thuê mướn căn phố (…). Ngoài những dụng cụ bàn ghế, máy móc, thì hàng hóa cũng là thành phần hữu hình khác của cửa hàng. hàng hóa có thể là những nguyên liệu dự trữ để chế biến, hoặc những hàng đã chế biến rồi để có thể đem bán ngay. Hàng hóa được phân biệt với dụng cụ không phải do bản chất của nó mà do sự sung dụng của nó (affectation). Thí dụ một máy đánh chữ là một món hàng hóa trong cửa hàng bán máy đánh chữ nhưng nó là dụng cụ làm việc trong một cửa hàng khác. Hàng hóa được người ta mua để bán lại nên không thể xem nó là phần tử thường trực, mặc dù có thể tích trữ nó. Bởi vậy trong một khế ước cầm cố cửa hàng, người ta loại ra ngoài khế ước, yếu tố hàng hóa. Và khi bán cửa hàng, quyền ưu tiên của kẻ bán chỉ có thể có trên các hàng hóa ấy, khi nào có nói rõ trong hợp đồng và có ghi rõ một giá riêng cho hàng hóa đó.
3) Những yếu tố vô hình: Các yếu tố này gồm có:
a) Khách hàng và sự chiêu khách (la clientèle et achalandage: Khách hàng và thiện chí). Hai danh từ này có định nghĩa gần như giống nhau: Khách hàng có nghĩa là những người tới lui mua bán thường trực với cửa hàng. Còn chữ achalandage có nghĩa là một hạng khách hàng khi có dịp thì đến cửa hàng mua một vài món đồ. Sở dĩ họ đến mua vì vị trí cửa hàng thuận tiện cho họ đến đó, như ở gần nhà họ, hoặc ở gần bến xe autobus chẳng hạn. Vậy loại khách hàng thứ hai này giao thiệp với cửa hàng vì vị trí thuận tiện của cửa hàng. Chúng ta đã thấy ở phần trước rằng không thể quan niệm được một cửa hàng mà không có khách hàng, nên quyền lợi về khách hàng là một giá trị tài chánh được luật pháp bảo vệ nếu có cạnh tranh bất chính. Nhưng đối với các cửa hàng có độc quyền sản xuất một món hàng, quyền lợi về khách hàng không còn nữa, và có thể cạnh tranh tự do. Sự tìm kiếm và bảo vệ khách hàng là mục đích chính của thương gia. Bản chất của yếu tố khách hàng khác với bản chất các yếu tố khác. Yếu tố có khách hàng là một việc mơ ước trong tương lai. Theo án lệ, nó chỉ thể hiện được  khi nào cửa hàng khởi sự hoạt động.
b) Thương hiệu (le nom commercial: Tên doanh nghiệp). Đó là tên cửa hàng. Tên này có thể là tên thật của người thương gia, hoặc là một biệt hiệu với điều kiện là đừng gây thiệt hại cho người đệ tam có tên đó. Thí dụ: “Tiệm may Chua”. Người thương gia khi bán cửa hàng có thể nhường lại luôn tên đó cùng với cửa hàng, và người mua có nghĩa vụ ghi thêm hai chữa “kế nghiệp” để tránh lầm lẫn cho khách hàng (…). Sự che chở thương hiệu được quy định tại luật ngày 28-7-1824 (Pháp), để tránh mọi sự cạnh tranh bất chính. Tuy nhiên, sự che chở này không tuyệt đối. Thí dụ một người tên Chua thứ nhì cũng có thể mở một tiệm may và lấy tên y đặc cho cửa tiệm, nhưng nếu trong cùng một nơi thì phải thêm một dấu hiệu gì cho khác với “tiệm may Chua” trước là được. Vậy có thể đặt tên như sau: “Tiệm May Văn Chua” và phải dùng giấy gói, nhãn khác với giấy gói và nhãn của “Tiệm May Chua”.
c) Chiêu bài (enseigne): là tên bịa đặt hoặc một hình thể vẽ treo ở cửa tiệm để khiến cho khách hàng lưu ý nhớ mà mua hàng. Thí dụ hình ‘con cua’ được vẽ kế bên danh hiệu “tiệm trà con cua”. Người nào có sáng kiến trước thì được quyền dùng chiêu bài này trong vùng y mua bán, và chiêu bài có thể cho mướn hoặc bán luôn với cửa hàng. Người thương gia có thể sử dụng tố quyền kiện về cạnh tranh bất chính kẻ nào sử dụng chiêu bài của y, trong vùng của y mua bán. Muốn thế, chiêu bài phải cá thể hóa, nghĩa là đặc biệt chớ không thể là những danh từ phổ thông thông thường.
d) Hợp đồng cho mướn nhà cửa: Đây là một trái quyền của người thuê nhà đối với chủ căn phố, nghĩa là quyền hưởng dụng căn phố để mua bán, quyền này chỉ có khi người thương gia thuê phố. Nếu người thương gia là chủ căn phố, hoặc có quyền hưởng dụng, thu lợi trên căn phố (droit usufruitier) thì quyền thuê mướn phố không bao gồm trong cửa hàng. Thường thường người thương gia chỉ là người thuê căn phố, nên quyền thuê mướn rất quan trọng, nhứt là đối với các cửa hiệu bán lẻ, vì căn phố này là một yếu tố quan trọng do vị trí của nó quyến rõ khách hàng. Cũng như các trái quyền khác, quyền thuê mướn cũng được nhượng lại luôn với cửa hàng. Hợp đồng thuê mướn đôi khi là phần tử chính của cửa hàng. Trong một số trường hợp, vị trí nơi đặt cửa hàng thuận lợi cho khách lui tới, nên vì thế chỉ nhượng lại nơi thuê cũng có thể được coi như một việc nhượng lại cửa hàng rồi. Do tính cách quan trọng của nơi thuê, các thương gia đã được pháp luật công nhận có quyền sở hữu thương mại, nghĩa là, được tái tục hợp đồng cho thuê mướn khi hết hạn.
e) Nhãn hiệu và bằng sáng chế:
Nhãn hiệu là các hình vẽ hay những tên gắn vào sản phẩm để cho khách phân biệt là sản phẩn do cửa hiện nào làm ra. Nhãn hiệu có mục đích để cho khách hàng phân biệt được món hàng này với món hàng khác: Thí dụ dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Nhãn hiệu muốn được che chở phải được lưu trữ tại phòng Lục Sự Tòa án thương mại hoặc Tòa Sơ thẩm. Nhưng sự lưu trữ nhãn hiệu chỉ làm cho người ta phỏng đoán quyền sở hữu của thương gia đã có sáng kiến và đã sử dụng nhãn hiệu đó trước mọi người. Khác với sự ký thác bằng sáng chế, sự ký gửi nhãn hiệu, không cấu thành quyền lợi luật định mà chỉ là một quyền được sử dụng mà thôi. Nhãn hiệu được che chở trong một thời gian là 25 năm, và được tái tục một lần thôi (Luật Pháp quốc năm 1909). Sự ký gửi có thể giữ kín trong vòng 5 năm đầu. Sự bắt chước nhãn hiệu bị phạt về hình và hộ, kể từ ngày mà Tòa đã bố cáo sự ký gửi nhãn hiệu nơi phòng Lục sự. Đạo luật Pháp quốc ngày 12-3-1952 có dự trù chế tài như đóng cửa tiệm của các nhà buôn nào đã nhái các nhãn hiệu của kẻ khác. Tại Việt Nam, các quyền lợi về nhãn hiệu được luật số 13/57 ngày 1/8/1957 che chở. Luật này được sửa đổi bởi sắc luật số 25 TT/SLU ngày 19-12-72 về giá ngạch tiền phạt. Đối với tiệm may y phục thời trang, sự che chở các biểu mẫu y phục được thi hành rât dài trong thời gian, có thể vượt qua các mùa mà y phục được dùng trong mùa đó (…).
Cấp bằng sáng chế:   (…)
h) Các trị khoản và các món nợ (créances et dettes: các khoản phải thu và nợ): Theo nguyên tắc, các trái quyền và các món nợ của người thương gia không gắn liền với cửa hàng. Tuy nhiên, một vài khế ước kết lập bởi người thương gia, theo luật pháp, được chuyển cho người kế quyền của y. Thí dụ: như các khế ước thuê mướn nhân công, các khế ước bảo hiểm đối với cửa hàng, dưới điều kiện là người mới tạo mãi cửa hàng không minh thị nhìn nhận hợp đồng bảo hiểm (luật bảo hiểm ngày 13-7-1930 điều 19). Mặt khác, người ta thường thấy khế ước thuê mướn hoặc bán một cửa hàng, di chuyển tất cả quyền lợi hay nghĩa vụ dự liệu trong các khế ước ký kết với khách hàng hay với các nhà cung cấp, cho các người thuê hay người mua cửa hàng. Thí dụ khế ước thuê bao điện nước. Tuy nhiên, các đương sự có thể bắt bãi ước nếu quyền lợi của họ bị va chạm vì có sự nhượng cửa hàng (luật 11-3-1957, điều 62). Các sự nhương bộ cửa hàng phải tống đạt cho người đệ tam kết ước như điều 1690 DLP đã định. Nhưng vì sự nhượng nợ bao giờ cũng đòi hỏi sự ưng thuận của người trái chủ, nên người bán cửa hàng chưa được giải nhiệm nghĩa vụ thụ động có thể phát sinh từ khế ước di chuyển. Cho nên y vẫn còn nghĩa vụ bên cạnh người mua cửa hàng đối với chủ nợ, cho đến khi người đệ tam chấp nhận sự thay thế (sự gán nợ). Nhưng số nợ phát sinh trước khế ước vẫn do người bán gánh chịu.(…).
4. Bản chất pháp lý của cửa hàng: Tìm bản chất pháp lý của cửa hàng là giải thích tại sao, tất cả các yếu tố hữu hình và vô hình vừa kề, gộp lại thành một khối tài sản riêng biệt, với từng loại yếu tố liệt kê trên, mà mội loại đều giữ quy chế riêng của nó. Đây là một vấn đề mà học thuyết bàn cãi rất gay go.
a. Học thuyết tổng quát tính pháp lý của cửa hàng (Théorie de l’universalité de droit:Lý thuyết về tính phổ quát của pháp luật): Theo học thuyết này, cửa hàng là một khối có một tính tổng quát tính về mặt pháp lý, nghĩa là một khối tài sản sung dụng đặc biệt, có một tích sản (actif) và một tiêu sản (passif) riêng. Tiêu sản này gồm toàn thể món nợ do sự khai thác cửa hàng mà có. Tuy nhiên thuyết tổng quát pháp lý bị chỉ trích như sau:
– Nó không đúng với nguyên tắc duy nhất tính của sản nghiệp; nguyên tắc này muốn cho toàn thể tích sản dùng để bảo đảm cho toàn thể các món nợ của người thương gia không kể nợ dân sự hay nợ thương mại;
– Ngoài ra không có luật lệ nào dự trù một số nợ riêng biệt (unpassif propre) được thanh toán trên tài sản cửa hàng, vì người mua được cửa hàng sau nầy, hoặc người thuê cửa hàng, không có bổn phận phải trả nợ thương mại thay cho người sở hữu chủ trước của cửa hàng;
– Có thể người hùn vốn đã bỏ vào công ty phần hùn và trái chủ của người hùn vốn nầy có thể trở nên trái chủ của công ty, nhưng người trái chủ của cá nhân người góp vốn phải tống đạt án văn sai áp phần hùn này. Lẽ đương nhiên những trái chủ về nợ dân sự cũng đồng quyền với các trái chủ các món nợ thương sự. Vì những lý do trên, cửa hàng thương mại là một tài sản gồm nhiều thành phần nhưng không phải để đài thọ một số nợ riêng biệt nào cả.
b) Học thuyết tài sản vô hình (théorie de la propriété incorporelle: Lý thuyết về tài sản vô hình): Có nhiều học giả cho rằng cửa hàng thương mại bao gồm các quyền sau đây:
– Quyền có khách hàng;
– Độc quyền khai thác;
– Một quyền sở hữu vô hình giống quyền sở hữu văn nghệ.
Tố quyền kiện về cạnh tranh bất chánh che chở cho quyền sở hữu văn nghệ, cũng như tố quyền kiện về giải mạo che chở cho bảng quyền sáng chế. Theo học thuyết này thì cửa hàng thương mại cũng được coi như một quyền sở hữu tinh thần được luật pháp bảo vệ y như các quyền trên.
Biện minh: thật ra, người thương gia không có quyền thực tế nào đối với khách hàng vì thương trường tượng trưng cho sự tự do cạnh tranh. Y chỉ có quyền sử dụng và tổ chức các yếu tố của cửa hàng làm sao để ăn khách. Y chỉ có độc quyền về phương diện này mà thôi. Độc quyền về tổ chức đó giống như một sự sáng tạo về tinh thần trong lĩnh vực văn nghệ, hoặc văn chương nên cũng được luật pháp cho chở. Tuy nhiên, khác với quyền sáng chế hay quyền tác giả, quyền tổ chức của người thương gia phải liên hệ trực tiếp với các yếu tố hữu hình lẫn vô hình của cửa hàng. Do đó duy nhứt tính của của hàng phat sinh từ sự tổ chức và phối hợp các thành phần để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Khách hàng sẽ là cứu cánh mong đạt đến chứ  không phải là một yếu tố của cửa hàng. Khách hàng như là một mối giây liên hệ giữa các yếu tố hữu hình và vô hình và là điểm tựa của cửa hàng, cho nên người ta rất hữu lý khi nói rằng không có cửa hàng nếu không có khách hàng. Do đó, cửa hàng được giải thích như một sản nghiệp riêng biệt với tổng số các yếu tố của nó, tương tự như một chiếc xe hơi đang chạy khác biệt với tổng số các bộ phận cấu tạo chiếc xe đó.  Xuyên qua các lý thuyêt trên, các tác giả đã đồng ý gán cho cửa hàng ba đặc điểm sau đây:
a) Đó là một tài sản duy nhất riêng biệt đối với các thành phần hay yếu tố cầu thành cửa hàng. Tài sản nầy có thể đem bán, hoặc hùn vào một công ty, hoặc đem cho mướn hoặc đem cần cố. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành cửa hàng vẫn còn giữ đặc tính pháp lý riêng lẽ của nó. Mặc khác, duy nhứt tính của cửa hàng chỉ ở trạng thái tinh thần vì nói được sung dụng bởi người thương gia vào các hoạt động của y. Cho nên duy nhứt tính nầy không bền bỉ, nó sẽ mất đi cùng một lúc với khách hàng, nếu cửa hàng không còn được khai thác. Cửa hàng chỉ tồn tại khi nào nó còn được khai thác mà thôi;
b) Cửa hàng là một tài sản vô hình, mặc dù nó gồm các tài sản hữu hình và tục dao pháp lý của điều 2279 DLP là “với động sản, chiếm hữu là sở hữukhông áp dụng với nó. Do đó, đối với hai người mua kế tiếp một cửa hàng, người nào lập chứng thư có ngày tháng xác định trước thì người đó là sở hữu chủ (C.civil art 1141), chứ không phải là người chiếm hữu trước.
c) Cửa hàng là một động sản và những yếu tố vô hình được đồng hóa với động sản. Vậy cửa hàng cũng là một động sản vô hình (điều 43 LTM 1972: “Cửa hàng thương mại có tính chất một động sản vô hình”). Do đó, dưới chế độ cộng đồng động sản và tạo sản của Pháp (régime de communauté de meubles et d’acquêts), cửa hàng trở nên một tài sản cộng đồng giữa vợ chồng, dẫu rằng cửa hàng ấy được khai thác trong một bất động sản của riêng của chồng hay vợ. Nhưng đây là một động sản cố định, vì nó liên hệ với bất động sản, trong đó cửa hàng được khai thác. Do đó, ưu quyền của người bán cửa hàng, cũng như việc cầm cố cửa hàng đều được truyền rao rộng rãi giống như sự truyền rao áp dụng cho các bất động sản được đem bán phát mại hoặc đem để đương. Cũng vì thế mà nơi khai thác cửa hàng trở nên nơi cư trú thương mại của người thương gia (domicile commercial: nhà thương mại), khác hẳn với nơi cư trú dân sự của y (domicile civil: nơi cư trú dân sự). Cũng do đó, người đàn bà làm thương mại được xem như có một nơi cư trú thương mại khác với nơi cư trú hôn nhân.
d) Cửa hàng cũng được tiên niệm là nơi khai thác thương mại, nhưng tất cả người thương gia không cần thiết phải có một cửa hàng. Thí dụ: Một nhà thầu cung cấp nhân công không cần thiết phải có một cửa hàng và khách hàng riêng (…).
Tóm lại, vì cửa hàng là một động sản vô hình riêng biệt với các yếu tố cầu thành nó, nhưng lại không phải sung dụng riêng cho các món nợ thương mại, và đặt riêng biệt đối với nghiệp sản chung của người thương gia, nên nó có ba hậu quả sau đây:
– Chủ nợ của người thương gia về các công việc thương mại không phải bị bó buộc chỉ đòi nợ riêng trên khối tài sản của cửa hàng mà thôi. Y có quyền sai áp phát mại toàn thể tài sản của người thương gia mắc nợ nếu cửa hàng không đủ để thanh toán tổng số nợ.
– Chủ nợ của người thương gia cũng không có quyền ưu tiên lấy nợ trước chủ các món nợ có tính cách hộ đối với cửa hàng đó;
– Trong trường hợp bán cửa hàng, người mua được không có nhiệm vụ phải trả các món nợ cũ của cửa hàng, nhưng cũng không có quyền hưởng những món tiền mà người ta thiếu cửa hàng./. (Rất hay!)./.      

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar