Vài Lời Phi Lộ!
Cũng như Luật sư Đoàn Khắc Độ và Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, Luật sư Phùng Thanh Sơn ngồi ở cái bàn dành riêng cho luật sư, xa cái Iphone của tôi, mà lại phải nói qua lớp khẩu trang phòng chống dịch, nên âm ghi không rõ. Tôi đề nghị Luật sư Phùng Thanh Sơn, dựa trên băng ghi âm, chuyển lại cho tôi nội dung phát biểu tranh luận mà Luật sư đã phát biểu 9 phút tại tòa. Luật sư Phùng Thanh Sơn là người phát biểu thứ ba, sau Luật sư Đoàn Khắc Độ, và là phát biểu ngắn nhất trong số các phát biểu của 5 Luật sư.
Tôi chưa thể liên hệ được với Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng nên có thể sẽ không “full” được cả 5 tranh luận của 5 luật sư lên trang fb này theo yêu cầu của các bạn. Nếu một ngày nào đó, tôi có được nội dung phát biểu tranh luận của Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng thì tôi cũng “full” để những người theo dõi vụ án này có đầy đủ thông tin đa chiều. Trước mắt, tôi đưa tiếp phát biểu tranh luận lượt đi (không có lượt về) của Luật sư Phùng Thanh Sơn cho đủ 4 tranh luận mà tôi đang có. Dưới đây là phát biểu tranh luận của Luật sư Phùng Thanh Sơn:
* “Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Phùng Thanh Sơn, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Saigonbook.
Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý lời trình bày của Luật sư Đoàn Khắc Độ cũng như của đại diện Saigonbook.
Để tránh mất thời gian của Hội đồng xét xử cũng như dành thời gian cho các Luật sư khác của Konica và Sao Nam, thì phần trình bày của tôi gồm hai phần:
1. Một là, toàn bộ phần nhận định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM nêu trong Quyết định giám đốc thẩm. Nếu phía bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng phần nhận định đó có chỗ nào sai, cần tranh luận lại thì tôi sẽ tranh luận lại;
2. Hai là, tôi bổ sung những điểm mà Hội đồng giám đốc thẩm chưa đề cập trong Quyết định giám đốc thẩm và đại diện của Saigonbook và Luật sư Độ cũng chưa trình bày:
– Thứ nhất, về tư cách của Konica. Theo quan điểm của chúng tôi, ngoài tư cách bên ủy quyền, Konica trong vụ án này là tư cách chính. Điều đó thể hiện ở chỗ, KONICA và Saigonbook làm việc trực tiếp với nhau. Saigonbook mua máy C1100 để làm Printing Shop. Tại phiên tòa ngày hôm nay, phía Sao Nam thừa nhận các email trao đổi qua lại giữa KONICA, Saigonbook, Sao Nam về việc thiết kế, phương án hợp tác dự án Printing Shop. Sao Nam không phủ nhận các email đó. Thực tế là Saigonbook cũng đã lập vi bằng chứng minh rõ là có Printing Shop. Điều đó chứng tỏ những gì mà đại diện của Saigonbook trình bày là đúng sự thật, những gì mà Sao Nam cũng như Konica trình bày là không có cơ sở. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xác định Konica là chủ thể chính trong các giao dịch này chứ không phải là Sao Nam.
– Thứ hai, về luận điểm lừa xuất xứ. Trong bản án sơ thẩm cho rằng có sự nhầm lẫn trong đánh máy, đỗ lỗi cho công ty cho thuê tài chính ABCL soạn hợp đồng và tự đưa xuất xứ Nhật Bản vào hợp đồng 03.
Theo tôi, án sơ thẩm cho rằng nhầm lẫn do đánh máy là không có cơ sở. Bởi lẽ vì sao? Thứ nhất, hợp đồng 029 và hợp đồng 032 do Sao Nam soạn, và là hợp đồng mẫu của Sao Nam. Hai hợp đồng này đều có mục xuất xứ và ghi rõ xuất xứ Trung Quốc nhưng đến khi soạn Hợp đồng 038 cho Saigonbook, Sao Nam cố ý xóa bỏ mục xuất xứ Trung Quốc. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Sao Nam xóa mục xuất xứ Trung Quốc, và xóa nhằm mục đích gì?
Trong suốt các phiên tòa đã diễn ra, cho thấy ý chí của Saigonbook là mua máy Nhật, hiện đại nhất. Và không thể nào có sự nhầm lẫn đến 04 lần:
(i) Trong bản chào giá thì không ghi xuất xứ. Trong hợp đồng cho thuê tài chính, bút lụt 109, ghi xuất Nhật Bản;
(ii) Hợp đồng mua bán tài sản ba bên, tại Bút lụt số 133, cũng ghi xuất xứ Nhật Bản; và
(iii) Phụ lục, đặc biệt là tại Phụ Lục hợp đồng mua bán tài sản ba bên ngày 27 tháng 12 năm 2014, bút lụt số 134. Phụ lục này chỉ nhằm để sửa đổi thông tin về đối tượng mua bán, đối tượng của Hợp đồng mua bán tài sản ba bên. Phụ lục chỉ có một trang mà tại sao Sao Nam không phát hiện ra Phụ Lục ghi xuất xứ Nhật Bản để yêu cầu sửa lại xuất xứ Trung Quốc cho chính xác?
(iv) Biên bản bàn giao máy, bút lụt 539, cũng ghi xuất xứ Nhật Bản…
Điều này chứng tỏ, Sao Nam và Konica biết rõ ý chí và mong muốn của Saigonbook là mua máy xuất xứ Nhật. Để Saigonbook đồng ý ký hợp đồng thì không thể nào để vào hợp đồng xuất xứ Trung Quốc. Và khi xuất xứ Nhật Bản xuất hiện trong các tài liệu, tại các bút lụt 109, 133, 134 và 539, thì mặc dù thấy rõ ghi xuất xứ Nhật Bản nhưng Sao Nam không đính chính. Điều đó chứng tỏ đây là hành vi cố ý lừa dối chứ không phải là nhầm lẫn. Nhầm lẫn thì không thể nhầm lẫn đến 04 lần, khi ký biên bản bàn giao máy, ký phụ lục sửa đổi thông tin hàng hóa mà Sao Nam không sửa đổi thông tin xuất xứ Nhật Bản thành xuất xứ Trung Quốc. Trên thực tế, theo xác nhận của Konica Nhật Bản thì máy C1100 không có sản xuất ngoài Trung Quốc.
Với thông tin về nhà sản xuất ghi trong hợp đồng là công ty Konica, có trụ sở tại Nhật Bản. Địa điểm ký kết hợp đồng tại Việt Nam. Với bối cảnh đó thì không ai nghĩ rằng xuất xứ của quốc gia nào khác ngoài Nhật Bản!
Hợp đồng 038 không thể hiện xuất xứ. Theo quy định khoản 5 Điều 409 Bộ luật dân sự 2005 thì khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết. Khi bổ sung điều khoản hợp đồng, với bối cảnh người Việt Nam thích dùng hàng Nhật, trước giờ Saigonbook chỉ mua máy in xuất xứ Nhật Bản, Saigonbook làm việc với công ty Konica của Nhật Bản, làm việc với người Nhật thì không thể nào nói Saigonbook mua bán máy có xuất xứ Trung Quốc.
Và khoản 8 Điều 409 của Bộ luật dân sự 2005 quy định bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi Hợp đồng 038 và báo giá ghi tên nhà sản xuất là KONICA, có trụ sở tại Nhật Bản, không ghi rõ xuất xứ Nhật Bản thì phải giải thích xuất xứ là xuất xứ Nhật Bản thì mới phù hợp với quy định về giải thích hợp đồng tại điều 409.
Và trong thực tế, Sao Nam và Konica biết rõ rằng máy C1100 không có sản xuất ngoài Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Sao Nam và KONICA có ý định lừa dối Saigonbook ngay từ bảng chào giá số 128.
– Thứ ba, về lừa giá. Trong bản án sơ thẩm cũng như trong các bản ý kiến thì Sao Nam và Konica trình bày các báo giá được thu thập ở hai thời điểm cách nhau quá lâu nên không thể căn cứ vào các báo giá mà Saigon Book thu thập sau này cho rằng Sao Nam lừa giá được.
Theo Hợp đồng phân phối, cơ chế điều chỉnh giá là mỗi năm một lần. Máy C1100 lần đầu tiên nhập về Việt Nam là 01 tháng 12 năm 2014. Do đó, giá mà KONICA và Sao Nam bán cho Saigonbook phải được áp dụng đến hết ngày 01 tháng 12 năm 2015. Trong khi đó, bản chào giá máy C1100 vào tháng 7 năm 2015 của KONICA cho khách hàng khác đã có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, không thể nói rằng giá ở các thời điểm khác nhau thì không thể so sánh giá để nói rằng không có lừa giá. Lập luận đó của Sao Nam và Konica là không có cơ sở. Ngoài ra, theo Hợp đồng phân phối, việc điều chỉnh giá chỉ được thực hiện khi có sự biến động về tỷ giá. Tại các phiên tòa vừa qua và phiên tòa hôm nay, phía bị đơn cũng như KONICA không chứng minh được có sự biến động lớn về tỷ giá cũng như biến động lớn về công nghệ để dẫn đến chênh lệch giá như thế.
– Ngoài ra, KONICA còn vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Theo quy định Nghị định 89/2006/NDD-CP về ghi nhãn hàng hóa thì hàng hóa nhập khẩu phải được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trên thực tế, KONICA Việt Nam không thực hiện việc dán nhãn phụ. Việc này làm cho Saigonbook không phát hiện sớm máy C1100 có xuất xứ Trung Quốc mà phải đợi đến khi tranh chấp xảy ra thì Saigonbook mới phát hiện.
Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của của Saigon Book. Dạ, xin hết./.”
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp)
* Luật sư Phùng Thanh Sơn. Ảnh lấy từ trang fb của ông:
Bình luận