Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

9. Cú Lừa Printing Shop.

Từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi đâu biết Pờ-rin-ting-sốp là gì. Lần đầu tiên, tôi nghe mấy từ này phát ra từ miệng của ông Trần Minh Nhật, Phó giám đốc Công ty Sao Nam. Tôi phải tra google mới biết nó là Printing Shop hay Print Shop, dịch ra tiếng Việt là Cửa Hàng In.
Sau khi ký hợp đồng mua máy C1070P, tôi cho dọn dẹp tầng lửng – khu vực trưng bày những tựa sách bán chạy để làm nơi đặt máy in kỹ thuật số. Tôi chi 300 triệu đồng để sửa chữa tầng lửng này làm khu thiết kế – nhận hàng in, và là nơi đặt chiếc máy in kỹ thuật số đầu tiên – C1070P. Như người cha háo hức đón đứa con đầu lòng mới chào đời, ngày nào tôi cũng đến đây để ngắm nhìn, tìm hiểu kỹ thuật và khích lệ nhân viên học hỏi để tiếp thu công nghệ mới. Tôi tuyển một trưởng phòng thiết kế, có kinh nghiệm sử dụng máy in kỹ thuật số để điều hành công việc mới này. Tôi tìm cách kết thân, hỏi han những bạn đã làm qua lĩnh vực này. Tôi có thói quen đã thành tật, khi đã theo việc gì thì tôi theo rất say đắm. Tôi bớt giao lưu với các bạn làng sách, giành thời gian giao lưu với các bạn làng in, nhất là làng in kỹ luật số. Sau một ngày làm việc bận rộn, cuối giờ chiều, tôi thường mời người của Sao Nam, khi người này mai người khác, từ nhân viên kỹ thuật cho đến lãnh đạo công ty, đến nhà hàng Cánh Buồm hoặc Hương Rừng để chiêu đãi. Tranh thủ lúc ăn tối vui vẻ, tôi hỏi han công việc, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến in kỹ thuật số. “Cho lượng vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”. Tôi coi họ vừa là đối tác, vừa là ân nhân của mình. Tôi không tiếc tiền chi phí cho những bữa ăn thịnh soạn.
Một hôm, Trần Minh Nhật nói với tôi: “Em thấy chỗ anh đẹp quá, thích hợp làm Pờ-rin-ting sốp, một mô hình đang thịnh hành ở châu Âu và Bắc Mỹ. Mô hình này mới du nhập vào Đông Nam Á, đang mở rộng ở Indonesia và Singapore. Em có thể giới thiệu anh với hãng Konica Minolta để họ giúp anh. Anh nên đi Nhật một chuyến để tìm hiểu mô hình này. Chi phí do tập đoàn Konica Minolta tài trợ mà”. “Được lời như cởi tấm lòng”(*), tôi chộp nói ngay:
– Được thế thì tốt quá. Em giúp anh – anh không quên ơn em.
Thế rồi, ông Trần Minh Nhật đưa ông Đỗ Giang Khánh – trưởng bộ phận tiếp thị quảng cáo của Konica Minolta tại Việt Nam-đến gặp tôi. Lúc này, tôi cứ tưởng Konica Minolta mới chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, không có quyền trực tiếp bán hàng nên tôi không đặt vấn đề mua bán với Konica Minolta mà chỉ trao đổi về vấn đề chính sách tài trợ cho quảng cáo của tập đoàn. Tôi đặt vấn đề muốn được Konica Minolta giúp đỡ để xây dựng một Printing Shop đầu tiền của Việt Nam tại trụ sở đắc địa này. Đổi lại, tôi cho Konica Minolta đặt bảng hiệu quảng cáo mà không mất tiền. Ông Đỗ Giang Khánh đồng ý và nói thêm, ông sẽ đề xuất với Konica Minolta dùng kinh phí quảng cáo để tài trợ để giảm giá máy, giá mực vật tư rẻ hơn thị trường để tôi thuận lợi trong việc kinh doanh và quảng bá thương hiệu Konica Minolta tại Việt Nam.
Tôi được mời đến trụ sở của Công ty Konica Minolta Việt Nam tại lầu 8, tòa nhà Bitexco, số 2 đường Hải Triều. Tại đây, tôi gặp được ông Trần Vũ – General Manager và ông Đào Việt Linh – trưởng phòng kinh doanh. Ông Đỗ Giang Khánh cùng tiếp tôi. Chúng tôi đạt được thỏa thuận, Konica Minolta Việt Nam sẽ giảm cho tôi 20% giá máy móc thiết bị và vật tư tiêu hao, so với thị trường. Đổi lại, tôi cho Konica Minolta treo bảng hiệu quảng cáo tại trụ sở mà không thu phí. Tôi cũng đặt vấn đề mua sắm máy móc thiết bị mới, hiện đại nhất của Konica Minolta để xứng tầm với vị trí đắc địa của tôi.
Ngay hôm ấy, có mặt ông Trần VũĐào Việt Linh, ông Đỗ Giang Khánh đã giới thiệu để tôi mua chiếc máy in C1100 giá 180 ngàn đô la Mỹ, mà theo các ông thì đây là chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại nhất, được sản xuất năm 2014 tại Nhật Bản, mới chỉ bán qua thị trường châu Âu và Bắc Mỹ 9 chiếc, bán qua thị trường châu Á 2 chiếc, là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nơi một chiếc. Nếu mua chiếc máy này thì tôi sẽ sở hũu chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại nhất Đông Nam Á, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Konica Minolta sẽ tặng chúng tôi bộ tích điện UPS để bảo đảm ổn định dòng diện.
Sau đó, ông Trần VũĐào Việt Linh đến thăm Saigonbook, khảo sát địa điểm và bàn kế hoạch giúp đỡ xây dựng Printing Shop. Lúc này, tôi đã biết Công ty Konica Minolta được quyền trực tiếp bán hàng tại Việt Nam nên tôi đề nghị Công ty Konica Minolta Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với chúng tôi, không qua đại lý Sao Nam. Nhưng ông Đào Việt Linh và ông Trần Vũ cho rằng, phải để công ty Sao Nam ký hợp đồng bán máy C1100, vì tôi đã là mối của Sao Nam từ khi mua chiếc máy đầu tiên. Còn phần dịch vụ click charge sẻ do Konica Minolta Việt Nam đảm nhận, vì chỉ có Konica Minolta mới đủ khả năng giải quyết bán giảm giá cho tôi 20%. Ông Đào Việt Linh còn nói thêm là dù Sao Nam bán hay Konica Minolta bán thì cũng bảo đảm rẻ hơn 20% so với các khách hàng khác.
Ngày 14/10/2014, ông Trần Kim Chung gửi đến tôi bảng chào giá số 128/CVT/14, giá máy là 3.873.990.185 đồng, trong đó ghi rõ là “Giảm giá đặc biệt 20% = 774.798.037đ”, đúng với thỏa thuận của Konica Minolta với chúng tôi. Tôi đồng ý và bảo Sao Nam soạn thảo hợp đồng. Ngày 20/10/2014, chúng tôi đã ký hợp đồng số 038 do Sao Nam soạn thảo. Tôi chuyển ngay cho Sao Nam số tiền đợt 1 là 511 triệu đồng để làm tiền đặt cọc.
Theo hợp đồng thì mất chừng 10 tuần nữa, hàng mới nhập khẩu về đến Việt Nam. Để có chỗ cho chiếc máy in kỹ thuật số này đi vào hoạt động, tôi quyết định tháo dỡ kệ sách để sửa chữa thành Printing Shop. Tôi thuê người đo vẽ mặt bằng hiện trạng, gửi cho ông Trần Minh Nhật và ông Đỗ Giang Khánh để các ông gửi cho Konica Minolta Singapore thiết kế cho tôi một Printing Shop đúng với kích thước của tôi. Sau nhiều hồi thúc giục, tôi nhận được một mô hình Printing Shop trớt quớt, không liên quan gì đến hiện trạng nhà sách của tôi. Nhưng nhờ mô hình này, tôi thuê người khác thiết kế một Printing Shop có màu xanh đặc trưng cho thương hiệu của Konica Minolta.
Tôi chi hết 2,6 tỉ đồng để tháo dỡ Trung Tâm Sách Sài Gòn rồi sửa chữa thành Printing Shop. Ông Đỗ Giang Khánh cũng thuê công ty Huê Phong đến thi công bảng hiệu quảng cáo, mà theo ông Khánh thì Konica Minolta đã chi 99 triệu đồng cho các bảng hiệu này.
Trung Tâm Sách Sài Gòn đã thành Printing Shop rất đẹp để chờ đón chiếc máy mới hiện đại nhất Đông Nam Á, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Tôi khoe. Tôi mời người của Konica Minolta và Sao Nam đến tham quan Printing Shop của tôi để họ tin tưởng hơn trong quá trình hợp tác. Tôi có đón tiếp một số người Nhật đến thăm nhưng tôi không nhớ hết. Tôi chỉ nhớ rất rõ về lần đón tiếp Makito Nakamura – Quản lý cấp cao của tập đoàn Konica Minolta tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lần đi này, có cô Nguyễn Thị Huyền Vi – giám đốc chi nhánh Konica Minolta tại Hà Nội. Tôi cho nhân viên mặc đồng phục màu xanh, trên ngực áo có logo Konica Minolta và dòng chữ “KIM LUONG AND KONICA MINOLTA BETTER TOGETHER – Kim Luong đồng hành cùng Konica Minolta”. Trưa hôm ấy, tôi chiêu đãi đoàn ở nhà hàng Hương Rừng. Không chỉ người Nhật, mà người Việt Nam đang làm việc cho Konica Minolta cũng được tôi đón tiếp nồng hậu. Tôi thường nói với bạn bè rằng, mình được làm ăn với Konica Minolta là như được đi bên con hổ thì còn gì vui bằng. Vì thế, tôi rất giữ uy tín thanh toán tiền cho Konica Minolta và Sao Nam.
Ngày 09/12/2014, tôi nhận được thông báo trả tiền đợt 2 để nhận máy C1100. Số tiền phải thanh toán đợt 2 là 1.875.011.160 đồng. Do số tiền dành để mua máy đã dùng vào việc sửa chữa Printing Shop nên tôi thiếu tiền thanh toán đợt 2. Tôi năn nỉ anh Trần Kim Chung cho tôi thanh toán trước 1 tỉ và nhận máy để đưa vào hoạt động, tạo việc làm cho nhân viên. Số còn lại hơn 800 triệu đồng, tôi sẽ xoay để trả trong khoảng một tháng. Anh Chung không chịu.
Để giữ vững uy tín thanh toán với Konica Minolta, tôi phải đi vay. Lúc này, hôn nhân của tôi đang trên bờ vực đổ vỡ nên tôi không thể thế chấp nhà để vay ngân hàng, vì vợ tôi không ký. Tôi phải nhờ Công ty cho thuê tài chính ngân hàng Á Châu (ACBL) cho vay theo thủ tục cho thuê tài chính. Sẵn dịp, tôi vay luôn 2,64 tỉ, sau khi trả đợt 2 còn dôi ra để thanh toán cho đợt 3.
Tôi đưa máy C1100 vào hoạt động. Tạm thời Sao Nam cung cấp mục vật tư và dịch vụ kỹ thuât trong thời gian chưa nghiệm thu. Tôi nhanh chóng ký nghiệm thu và trả tiền đợt 3 cho Sao Nam để ký hợp đồng dịch vụ click charge từ Công ty Konica Minolta Việt Nam. Chỉ khi nào mua được dịch vụ click charge từ Konica Minolta Việt Nam, tôi mới được hưởng chính sách giảm giá 20% so với thị trường. Nhưng rồi, một tình huống lạ lùng là ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh gửi cho tôi bảng báo giá trang in của Konica Minolta cao hơn cả giá trang in của Sao Nam. Tôi loay hoay tìm hiểu và không ký được hợp đồng click charge với Konica Minolta. Tôi mua mực, vật tư tiêu hao và dịch vụ kỹ thuật của Sao Nam theo từng hóa đơn như người ăn đong, lo sợ có ngày họ cắt cầu, phải dừng máy.
Rồi, tôi nghe khách hàng phàn nàn giá trang in của tôi quá cao. Một số xầm xì “ông Kim bị lừa, máy C1100 là cái con cặt gì mà hiện đại nhất Đông Nam Á? In Hồ Gươm mua 1,7 tỉ mà ông Kim mua đến 3,4 tỉ. Bị tổ trác rồi”.
Ban đầu, tôi không tin lời người ta nói, vì Konica Minolta quảng bá thương hiệu ở đây. Tôi mà phá sản thì Konica Minolta cũng chết thương hiệu. Tôi sợ oan người ta nên tôi đã âm thầm điều tra thu thập chứng cứ. Đặc biệt, tôi chỉ đạo tập trung thu thập chứng cứ liên quan đến máy C1100. Cầm các bảng báo giá cuội, tôi giận tím người. Tôi bèn đặt cọc 100 triệu để mua chiếc máy C1100 làm đối chứng, rồi mới gọi điện cho ông Đào Việt LinhTrần Kim Chung để hẹn nói chuyện hòa bình.
Vấn đề không chỉ là cái máy mà vấn đề là cả mô hình Printing Shop và sự nghiệp của một doanh nhân gầy dựng trong 20 năm, đã sụp đổ tan tành.
(Trích từ “Kế Hoạch Bắt Đền 10 Triệu USD”, còn tiếp)
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar