CHƯƠNG IV
NGUỒN GỐC CỦA PHÁP LUẬT QUỐC NỘI
Trong một quốc gia, nền pháp luật không phải chỉ phát xuất ở các đạo luật đã được ban hành. Các nguồn gốc của pháp luật quốc nội phức tạp hơn nhiều và thường được chia làm hai loại:
1) Các nguồn gốc lập pháp (sources legislatives – nguồn lập pháp) hay trực tiếp (sources directes).
2) Nguồn gốc giải thích (sources interpretatives) hay gián tiếp (sources indirectes).
Đặc biệt, ở Việt Nam vì tình trạng pháp luật hiện tại vẫn còn thiếu sót, nên còn một nguồn gốc thứ ba thường được gọi là lý trí thành văn (raison écrite – lý do được viết ra).
TIẾT I
Các nguồn gốc lập pháp hay trực tiếp trong pháp luật quốc nội
Các nguồn gốc luật pháp hay trực tiếp là những nguồn gốc đặt ra một cách hiển nhiên, những qui tắc pháp luật. Các nguồn gốc này gồm có hai loại:
1. Luật.
2. Tục lệ.
ĐOẠN THỨ NHẤT
LUẬT
Luật là nguồn gốc chính yếu của nền pháp luật quốc nội. Trong các quốc gia dân chủ, do nguyên tắc phân quyền, quyền làm luật thuộc về quyền lập pháp, nghĩa là Quốc hội. Tùy theo Hiến pháp của mỗi quốc gia, Quốc hội có thể gồm một Viện hay Lưỡng viện. Dầu sao, Quốc hội được đảm nhận trách nhiệm làm luật vì đại diện cho quốc dân. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng nêu nhiều vấn đề tế nhị. Sau đây là ba vấn đề chính:
1_ Quốc hội được soạn thảo luật trong giới hạn nào? Đây là vấn đề hoạch định lãnh vực của các đạo luật.
2._ Trong công việc lập pháp, mặc dầu quyền hành pháp không có quyền biểu quyết, nhưng cũng có quyền phúc nghị. Do đó cũng được tham gia gián tiếp vào công cuộc làm luật.
3._ Một đạo luật không thể trái ngược với hiến pháp. Đây là vấn để kiểm soát hợp hiến tính của các đạo luật do quyền tư pháp phụ trách.
PHÂN ĐOẠN I
LÃNH VỰC CỦA LUẬT
Trên nguyên tắc, chỉ có quốc hội mới có quyền làm luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mà hiến pháp đã minh thị dự liệu, quyền hành pháp, _ (nghĩa là Tổng thống), cũng có quyền ban hành các săc luật (decret-loi) có giá trị như luật. Lần lượt, chúng ta sẽ bàn đến luật và sắc luật.
A._ Luật. Một quy tắc được Quốc hội biểu quyết và quyền hành pháp ban hành được mệnh danh là luật (Loi). Không đi sâu vào thủ tục biểu quyết một đạo luật, (vấn đề này không thuộc luật hiến pháp), chúng ta chỉ cần biết rằng, theo hiến pháp đệ nhị cộng hòa 1967 (điều 43) trong trường hợp Thượng Nghị viện không đồng quan điểm với Hạ nghị viện, Hà Nghị viện có quyền chung quyết dự luật với đa số hai phần ba tổng số dân biểu. Nếu đa số này không hội đủ, quan điểm của Thượng nghị viện dẽ được coi là chung quyết. Tuy nhiên, trong công việc soạn thảo các đạo luật, quốc hội có bị ràng buộc bởi giới hạn nào không? Tại một số quốc gia, Hiến pháp minh thị quy định lãnh vực lập pháp của quốc hội. Thí dụ điển hình là Hiến pháp ngày 4-10-1958 của nước Pháp hiện thời. Điều 34 của Hiến pháp này đã liệt kê các vấn đề thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Phạm vi này boa gồm hầu hết các vấn đề trọng đại trong dân luật: “Quốc hội của nước Pháp có quyền ấn định các qui tắc liên hệ đến thân trạng, năng lực con người; đến chế độ hôn sản; đến các vấn đề thừa kế và tặng dữ. Song đối với các vấn đề tài sản hay nghĩa vụ, bất luận nghĩa vụ có tính cách dân sự hay thương sự, Quốc hội của nước Pháp chỉ có quyền ấn định những nguyên tắc căn bản mà thôi“. (Hay). Ngoài phạm vi dành cho quyền lập pháp, các vấn đề khác được qui định bằng những văn bản lập qui (les reglements) do quyền hành pháp ban hành, mệnh danh là các văn bản lập qui biệt lập (les règlements autonomes) để phân biệt với các bản văn lập qui thi hành (les règlements d’exécution) , trong đó quyền hành pháp qui định các chi tiết thi hành các đạo luật đã được Quốc hội biểu quyết.
Trong hai bản Hiến pháp của nước ta (1956 và 1967), không có một điều khoản nào giới hạn lãnh vực lập pháp của Quốc hội giống như điều 24 trong bản Hiến pháp của nước Pháp. Nhận xét như vậy có đưa ta đến chỗ kết luận rằng, quốc hội có toàn quyền tự do biểu quyết về phương diện lập pháp không? Vấn đề này là vấn đề tế nhị và phức tạp, không thể thâm cứu trong một quyền sách nhập môn luật học. Song thiết tưởng cũng nên chú trọng vào những nét đại cương. Mặt dầu không đề cập đến những điều kiện liên quan đến nội dung của đạo luật, cũng cần nhấn mạnh vào hai đặc điểm liên hệ đến bản chất trường cửu của đạo luật. Những đặc điểm ấy cũng là sự hạn chế đương nhiên đối với quyền lập pháp của Quốc hội:
– Đặc tính thứ nhất là tính tổng quát. Một đạo luật phải được áp dụng một cách bao quát cho mọi người. Thiếu tính cách này, một văn kiện mặc dầu có quốc hội biểu quyết cũng chỉ là một văn kiện quốc hội (un acte parlementaire) hay một văn kiện lập pháp (un acte legislatif), nhưng không thể gọi là một đạo luật được (une loi). Thí dụ: một quyết định của Quốc hội dành cho một nhân vật nào một danh dự đặc biệt như danh vị anh hùng dân tộc hay chấp nhận cho một các nhân nào một đặc biệt khai thác một nguồn lợi đều chỉ là các văn kiện quốc hội chứ không phải là luật.
– Đặc tính thứ hai cũng là một hệ luận của đặc tính thứ nhất: Tính cách hằng cửu của các đạo luật. Một đạo luật không thể được biểu quyết để chỉ áp dụng cho trường hợp cá biệt. Một khi đã được biểu quyết, đạo luật phải được áp dụng luôn luôn cho tất cả các trường hợp cho đến khi bãi bỏ. Do đó, nhà làm luật không nên đi sâu vào những chi tiết thi hành một nguyên tắc, vì những chi tiết này phải thay đổi với tình trạng kinh tế, xã hội v.v… của mỗi giai đoạn. Những chi tiết này phải để cho quyền hành pháp ấn định theo những đại cương mà Quốc hội đã vạch ra. Ngay tại Pháp, nhiều khi nhà lập pháp, hoặc vì không nhận định rõ điểm này, hoặc vì chịu ảnh hưởng của các cử tri, đã biểu quyết nhiều đạo luật về chi tiết đáng lẽ thuộc thẩm quyền của hành pháp. Do đó, giáo sư G. Ripert đã than phiền về sự suy đồi của luật pháp (le déclin du droit – sự suy thoái của luật pháp).
Sự thực, hai đặc tính tổng quát và hằng cửu nói trên, ngay trong cổ luật Đông phương, nhà làm luật cũng đã ý thức được các sắc thái này bằng cách phân biệt các “luật” và các “lệ”. Luật là những điều qui định có tính cách hằng cửu, gần như bất biến; còn lệ là những điều qui định cá biệt, tùy thoe những tình trạng để thay đổi của mỗi thời kỳ trong xã hội. Tuy vậy, các bộ luật cổ Đông Phương lại bị mắc vào một khuyết điểm hay thái cực khác. Vì quá câu nệ với quan niệm tồn cổ, và muốn tôn trọng công trình của tiền nhân, các bộ luật cổ của Trung Hoa cũng như của Việt Nam, thường chép lại, từ đời này sang đời khác, nhiều điều luật đã lỗi thời mất hẳn tính cách thực tế và không còn phù hợp với khung cảnh xã hội đương thời nữa.
Dầu sao, ngày nay, hai tiêu chuẩn nói trên cũng giới hạn lãnh vực làm luật của quốc hội.
B. Sắc luật (decrei – loi): Ngoài quyền lập pháp của quốc hội, Tổng thống được quyền ban hành các sắc luật. Theo điều 61 hiến pháp 1967, “trong các trường hợp đặc biệt, Tổng thống có thể ký sắc luật tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm hay khẩn trương trên một phần hay toàn lãnh thổ” (điều 64 khoản 1). Tuy nhiên, mặc dầu vì lý do an ninh đặc biệt, quyền hành pháp có thể ký các sắc luật nói trên, nhưng quốc hội cũng có quyền kiểm soát. “Quốc hội phải được triệu tập chậm nhất mười hai ngày kể từ ngày ban sắc luật để phê chuẩn, sửa đổi hiệu lực” (điều 61 khoản 3).
Ngoài quyền ban hành sắc luật trong những trường hợp đặc biệt, quyền hành pháp còn quyền yêu cầu Quốc hội phúc nghị một dự luật đã được Quốc hội biểu quyết. Và như vậy, quyền hành pháp cũng tham dự gián tiếp vào công cuộc soạn thảo các đạo luật.
PHÂN ĐOẠN II
QUYỀN PHÚC NGHỊ CỦA QUYỀN HÀNH PHÁP
Mặc dầu không có quyền biểu quyết các đạo luật; song theo Hiến pháp 1967, Hành pháp cũng có quyền yêu cầu Quốc hội phúc nghị về các dự thảo luật đã được Quốc hội chung quyết (điều 45 đoạn 1). Trong thời gian ban hành 15 ngày kể từ ngày Tổng thống nhận được dự luật nói trên, Tổng thống có quyền gửi thông điệp có viện dẫn lý do yêu cầu quốc hội phúc nghị một hay nhiều điều khoản trong dự luật. Gặp trường hợp này, Quốc hội họp phiên khoáng đại lưỡng viện. Nếu Quốc hội chung quyết bác bỏ lời yêu cầu của Tổng thống với đa số quá bán tổng số Dân biểu và Nghị sỹ thì dự luật đương nhiên thành luật và chuyển sang Tổng thống để ban hành (điều 45 khoản 2). Tuy nhiên về quyền yêu cầu phúc nghị của Tổng thống, có nhiều khó khăn đã xảy ra trong thực tế, liên hệ đến sự giải thích điều 45 nói trên.
1. Tổng thống có quyền yêu cầu phúc nghị luật ngân sách không? Theo ý kiến của một số nghị sỹ, luật ngân sách là một luật đặc biệt được qui định trong điều 46 Hiến pháp, nghĩa là không thuộc phạm vi của quyền phúc nghị được qui định trong điều 45.
2. Hơn nữa, trong trường hợp Quốc hội bác bỏ đề nghị của Hành pháp. Trong bản phúc nghị nhưng không hội đủ đa số quá bán tổng số các nghị sĩ và dân biểu, Tổng thống có quyền đương nhiên ban hành các đề nghị torng bản phúc nghị của hành pháp như một đạo luật không?
… 96…
Bình luận