Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

9. Những hậu quả của khế ước lập hội (1284-1297)

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA KHẾ ƯỚC LẬP HỘI 

1284._ Khế ước lập hội là khế ước mà sự thi hành có tính cách liên tục, kéo dài trong thời gian, từ lúc lập hội cho đến khi hội giải tán. Nói riêng về từng trường hợp cá nhân mỗi hội viên, thì khế ước lập hội tạo ra cho họ quyền lợi trên sản nghiệp của hội và quyền được tham dự vào việc quản trị. Nói chung về cả hội thì khế ước tạo ra cho hội  một sản nghiệp mà chủ nhân chính là hội, một pháp nhân cũng do khế ước lập hội tạo ra; sự hiện hữu của pháp nhân này làm cho quyền lợi của hội viên trên sản nghiệp của hội có một sắc thái đặc biệt. Đằng khác, sự tham dự vào việc quản trị sẽ làm phát sinh nhưng tương quan đặc biệt giữa các hội viên . Vậy hai vấn đề mà ta phải nghiên cứu là quyền lợi của mỗi hội viên trên sản nghiệp của hội và những tương quan giữa các hội viên.
1285._ Những hậu quả vừa phân tích ở trên là những hậu quả chung của khế ước lập hội. Ngoài ra, mỗi thứ thương hội còn có những quy tắc riêng về quyền lợi của hội viên cũng như về công việc quản trị, sau này ta sẽ lần lượt nói đến trong phần dánh cho mỗi thứ thương hội. Những điều giải thích dưới đây ứng dụng cho công ty đối nhân nhiều hơn là công ty đối vốn.
1. Quyền lợi của hội viên:
1286._ Do sự góp vốn vào hội, mỗi hội viên có một phần trong hội. Phần này, trong các công ty đối nhân, ta sẽ gọi là một phần lợi, và, trong các công ty đối vốn, ta sẽ gọi là một cổ phần. Trong ngôn ngữ thông thường, người ta hay dùng danh từ cổ phần để chỉ sự hùn vốn của mình, nhưng trong ngôn ngữ luật lý, ta cần phân biệt rõ ràng: Không thể nói được là tôi có cổ phần trong một công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ có thể nói được rằng tôi có cổ phần trong một công ty nặc danh hay một công ty “hợp tư cổ phần” mà thôi. Phần hội trong công ty đối nhân có tính cách trừu tượng: người có phần được cấp một biên lai chứng nhận, hoặc có một bản sao khế ước lập hội, chứng tỏ quyền lợi của mình; chủ nhân không thể đem nhượng phần cho người ngoài, trừ phi được các hội viên ưng thuận. Trái lại, cổ phần trong công ty đối vốn được thể hiện bằng một chứng thư gọi là chứng khoán hay cổ phiếu (259 LTM 1972), và người có cổ phần, nếu là chứng khoán vô danh, có quyền tự do bán lại cho người khác (104 TMTP).
1287._ Tính chất pháp lý quyền lợi của hội viên: Dù là phần lợi hay một cổ phần, quyền lợi của hội viên trong hội cũng là một động sản, dẫu rằng hội có bất động sản trong sản nghiệp. Điều 529 DLP, điều 469 DLT đều định rõ như vậy. Ta đã thấy rằng án lệ đã dựa vào điều luật này để ý thức hội là một pháp nhân (1193). Xem điều 372 DLVN 1972. Ta cũng biết rằng quan niệm cổ truyền coi việc lập hội chỉ là một khế ước thuần túy trong đó, mọi sự đều do các hội viên thỏa thuận trong phạm vi quyền tự do kết ước. Với quan niệm ấy, quyền lợi của hội viên trong công ty đối nhân là trái quyền, không phải là quyền sở hữu, vì sản nghiệp hội thuộc quyền sở hữu của hội. Thực ra, mặc dù không phải là quyền đối vật, quyền lợi của hội viên trên sản nghiệp của hội còn có một cái gì đặc biệt khác nữa, không hẳn là một quyền đối nhân (trái quyền). Nếu đó là một trái quyền thì phải có một người là con nợ, nhưng các hội viên không phải là chủ nợ lẫn nhau, mà hội, với tư cách một pháp nhân, cũng không phải là con nợ của hội viên, vì chính các hội viên đã tạo ra pháp nhân này bằng một khế ước lập hội. Rốt cuộc tuy chấp nhận quyền lợi của hội viên là một trái quyền, nhưng nếu phân tích đến cùng, ta đành chịu, không tìm được ai là con nợ. Bởi thế có tác giả cho rằng quyền lợi của hội viên là một quyền vô hình, vô thể tương tự như quyền lợi của một thừa kế trong một di sản chưa chia. Về công ty đối vốn, sau này ta sẽ thấy rằng cổ phần của cổ đông viên thuốc quyền sở hữu của người này. Mỗi cổ phần, như trên đã nói, được thể hiện bằng một chứng khoán. Cầm một chứng khoán là có một tài sản có thể đem sử dụng được, vì chứng khoán có giá trị tượng trưng cho quyền lợi của hội viên trong hội. Do đó mà trong ngôn ngữ thông thường, một cổ đông viên thường nói rằng mình là sở hữu chủ bao nhiêu cổ phần của công ty nặc danh này, công ty nặc danh kia.
1288._ Di nhượng phần lợi: Trong công ty đối nhân, việc lập hội, như ta đã nhận xét nhiều lần, căn cứ vào sự tin cậy giữa các hội viên, cho nên hội viên không thể tự tiện đem quyền lợi của mình nhượng lại cho người khác làm cho người này đương nhiên trở thành hội viên. Sự cấm di nhượng nhằm ngăn cản một người đệ tam, không hề được các hội viên khác chấp thuận, chen lấn vào trong hội. Sự cấm di nhượng còn nhằm giữ hội viên trong thành phần hội, vì thế, dầu di nhượng phần hội của mình cho một đồng hội viên khác cũng là bất hợp lệ, trái với khế ước. Chỉ có thể di nhượng một phân số phần hội ấy, vì với sự di nhượng này, hội viên vẫn còn ở trong hội, chỉ có sự xê dịch quyền lợi giữa các hội viên chủ nhượng và h65i viên đặc nhượng, và đối với người đệ tam chủ nợ, quyền lợi của người này cũng không bị thiệt hại. Cũng vì lý do trên, nếu một hội viên lập gia đình, phần lợi trong hội trở thành của chung của hai vợ chồng: nhưng, vẫn chỉ có hội viên cũ là có chân trong hội. Nếu hội viên này là người chồng thì tình trạng không có gì thay đổi. Nếu là người vợ  thì người này vẫn là hội viên, nhưng sự quản trị quyền lợi của người vợ trong hội, sẽ thuộc về người chồng với tư cách quản trị viên tài sản cộng đồng, theo điều 56 sắc luật 15 ngày 23-7-1964.
1289._ Sự thỏa thuận của các hội viên về việc di nhượng: Sự di nhượng phần lợi của hội viên, được phép hay bị cấm, chỉ là một vấn đề thỏa thuận giữa các hội viên. Do đó có 4 giả thuyết có thể xảy ra: a) nếu khế ước lập hội không định khác, sự di nhượng chỉ có giá trị với điều kiện toàn thề hội viên ưng thuận vì lẽ việc di nhượng có hậu quả sửa đổi khế ước, thay thế một hội viên cũ bằng một hội viên mới; b) Thay vì phải được toàn thể hội viên ưng thuận, khế ước lập hội có thể chỉ buộc sự di nhượng được đa số hội viên ưng thuận. Trong trường hợp này, thiểu số phục tùng đa số; bản chất khế ước lập hội đã bị giảm suy, vì có một thiểu số phải chấp nhận một việc mà mình không đồng ý; c) Khế ước lập hội có thể chỉ định trước người đắc nhượng: hội viên sẽ được tùy nghi di nhượng phần hội của mình cho người này; d) Hội viên tự tiện nhượng phần hội của mình cho người khác: trong trường hợp này, sự di nhượng sẽ không đối kháng được với hội (1861 DLP; 1462 DLT). Nhưng có thể là hội viên thỏa thuận riêng với người đệ tam để người này được hưởng lãi, chịu lỗ về công việc làm ăn của hội, trong khi, chính thức, mình vẫn giữ tư cách hội viên (1275 DLVN 1972). Trong ba trường hợp a,b,c việc nhượng phần hội được làm theo thể thức di nhượng trái quyền mà ta đã biết.
1290._ Cầm cố và sai áp phần lợi: Theo học lý Pháp, phần lợi của hội viên có thể đem cầm cố, thí dụ để bảo đảm khoản nợ vay, lý do là vì chủ nợ không được quyền hành xử hội quyền của hội viên, như vậy, không có sự thay đổi gì về  khế ước lập hội(?). Nhưng sự khó khăn là làm thế nào để thực hiện được việc cầm cố, vì muốn cầm cố một vật gì làm tin, con nợ phải tự tước đồ vật mình có trong tay để trao vật ấy cho chủ nợ. Hội viên không có vật gì tượng trưng cho quyền lợi của mình (như cố phần trong công ty đối vốn) để trao cho chủ nợ. Để thay thế việc tự tước vật cầm và trao cho chủ nợ, án lệ Pháp định rằng, hội viên sẽ tống đạt một việc di nhượng trái quyền (Civ 27-12-1904, D 1906-1-145). Luật Việt Nam, trái lại, cấm hẳn việc cầm cố phẩn lợi cũng như việc di nhượng: cả hai việc này, theo điều 1462 đã dẫn trên, đều phải được toàn thể hội viên ưng thuận. DLVN 1972 không minh thị cấm việc cầm cố phần lợi này.
1291._ Theo học lý của Pháp, phần lợi của hội viên ty bất đắc di nhượng, nhưng có thể bị sai áp, và thủ tục sai áp là thủ tục sai áp chế chỉ, ít ra là giai đoạn đầu, nghĩa là chủ nợ sẽ tống đạt việc sai áp cho hội viên và cho người có trách nhiệm điều khiển hội. Nhưng sau đó, thủ tục sẽ không xúc tiến như thủ tục sai áp chế chỉ thường lệ: Chủ nợ không thể xin tòa công nhận hiệu lực việc sai áp để làm chủ trái quyền bị sai áp, vì nếu như thế, chủ nợ sẽ trở thành hội viên, trái với nguyên tắc cá nhân chọn lọc trong hội đối nhân. Vậy thủ tục sẽ tiếp diễn như thế nào? Nếu hội viên bi sai áp có tư cách là thương gia trong hội (thí dụ hội viên một hội hợp danh) thì sẽ bị tuyên bố khánh tận, làm cho hội bị giải tán. Nếu hội viên không có tư cách thương gia, thí dụ hội viên trong một công ty TNHH, thì sẽ phải giải tán hội để phát mại phần hội của hội viên bị sai áp, trừ phi các hội viên khác chấp nhận người chủ nợ làm hội viên mới.
1292._ Di truyền phần lợi: Sự di nhượng nghiên cứu ở trên là do ý chí của hội viên trong lúc sinh thời của người này. Sự di truyền là truyền lại cho thừa kế sau khi chủ nhân của phần lợi đã mệnh một. Trong công ty đối vốn, nếu cổ đông viên qua đời, cổ phần của người ấy truyền lại cho các thừa kế theo luật di sản, công ty vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường, vì trong công ty đối vốn, cá nhân của hội viên không phải là yếu tố quan trọng. Trái lại, trong công ty đối nhân, hội viên, như ta đã biết, là người hợp tác được lựa chọn do tín nhiệm, bởi thế sự mệnh một của hội viên sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của hội. Ba giả thiết có thể xảy ra: a) Nếu khế ước không định khác, hội sẽ bị giải tán, theo điều 1467 DLT, 1865 DLP, 1289 DLVN 1972, các thừa kế không có quyền tự mình đòi thay thế người quá cố để trở thành hội viên. b) Khế ước có thể dự liệu rằng trong trường hợp một hội viên qua đời, hội sẽ tiếp tục với những hội viên còn sống; c) Khế ước cũng có thể dự liệu rằng, hội sẽ tiếp tục với cả những thừa kế của hội viên mệnh một. Theo luật Việt Nam, các thừa kế trực hệ không có quyền khước từ di sản nhưng họ sẽ thành hội viên nếu họ ưng thuận. Trong mọi trường hợp, các thừa kế, dĩ nhiên, vẫn có quyền thừa hưởng phần lợi trong hội của hội viên mệnh một.
2. Tương quan giữa các hội viên: Trong tương quan giữa các hội viên, nguyên tắc thiết yếu là nguyên tắc bình đẳng. Nguyên tắc này chi phối việc phân chia lỗ lãi giữa các hội viên và việc quản trị công ty thương mại.
1293._ Việc phân chia lỗ lãi: Các hội viên được bình đẳng trong việc phân chia lỗ lãi, người nào cũng có trách vụ gánh chịu tiền lỗ và có quyền được hưởng tiền lãi. Thuở xưa, thời luật La Mã, nguyên tắc này được áp dụng một cách triệt để. Ngày nay, các hội viên được chia lời và phải chịu lỗ trên phần hùn của mỗi hội viên (1460DLT, 1853 DLP). Tuy nhiên, điều khoản này không có tính cách bó buộc, khế ước lập hội có thể ấn định sự phân phối theo một tỷ lệ khác, miễn là không dành cả số tiền lời cho một vài hội viên hay buộc riêng một vài hội viên phải chịu cả số tiền lỗ (1430 DLT; 1855 DLP). Về việc gánh chịu lỗ, điều 1430 đoạn 2 DLT, đặt ra một trường hợp ngoại lệ, cho phép khế ước được miễn cho những hội viên chỉ góp phần công lao vào hội, không phải gánh chịu tiền lỗ. Nên nhận xét rằng, bản tiếng Việt bộ DLT đã dùng danh từ kỹ nghệ trong điều 1430 đoạn 2, nhưng danh từ này phải hiểu theo nghĩa la tinh và có nghĩa là việc làm. Như vậy, một hội viên đem góp vào hội một xưởng kỹ nghệ thì không phải là ở vào trường hợp điều 1430 đoạn 2; hội viên này không thể được miễn tiền lỗ, vì xưởng kỹ nghệ là phần hùn bằng hiện vật, không phải là phần hùn bằng công lao việc làm. Theo điều 1430 DLT, hội viên góp phần hùn bằng công lao, việc làm, có thể được miễn khỏi phải chịu phần lỗ, nhưng không thể bị tước quyền chia lãi. Ngoại lệ này không còn với DLVN 1972.
1294._ Sự vi phạm điều 1430 DLT, 1276 DLVN 1972 dưới mọi hình thức (tậm thu tiền lãi cho một vài hội viên; tước bỏ tiền lại của một vài hội viên, miễn tiền lỗ cho một vài hội viên, đều bị chê tài bằng sự vô hiệu. Nếu điều khoản phạm luật được ghi hẳn vào chính văn khế thì toàn thể khế ước sẽ bị vô hiệu; nếu điều khoản phạm luật được làm sau, thì chỉ riêng điều khoản đó vô hiệu (1271). Án lệ Pháp cũng theo chiều hướng ấy.
1295._ Sự phân chia lỗ lãi giữa các hội viên có thể được thực hiện theo nhiều phương thức. Các phương thức sau đây được án lệ coi là hợp pháp, không trái với tinh thần bình đẳng giữa các hội viên: a) Phân chia tiền lãi không theo tỷ lệ phần hùn của các hội viên; b) Phân chia tiền lãi và tiền lỗ theo hai tỉ lệ khác nhau, mỗi loại theo một tỉ lệ, thay vì áp dụng theo một tỉ lệ duy nhất; c) Giới hạn số tiền lỗ do một hội viên phải chịu, tối ngạch số phần hùn của người này; d) Miển cho hội viên khỏi phải chịu tiền lỗ về một vài biến cố nhất định có thể bất thần xảy ra e) Tước quyền tham dự của một hội viên vào việc phân chia tiền lời vì một vài duyên cớ nhất định với tính cách điều khoản dự phạt; g) Dành riêng tất cả tiền lời và bản vốn của hội cho hội viên sống sót; ví dụ có 4 hội viên mà 3 hội viên đã tử nạn trong một tai nạn máy bay.
1296._ Lời lỗ của hội phải được phân chia vào lúc nào? Theo nguyên tắc, sẽ phân chia vào lúc hội chấm dứt hoạt động. Nhưng các hội buôn mỗi năm có một kỳ tính sổ, nên cuối  năm có thể đem phân chia tiền lãi trừ khi khế ước lập hội đã định rằng chỉ phân chia khi nào tiền lãi quan trọng tới mức nào đó, mà số tiền lãi cuối năm chưa tới mức ấy. Thay vì đem chia, tiền lãi cũng có thể dành lại làm tiền dự trữ, để sau này nếu hội lỗ vốn, sẽ dùng tiền dự trữ ấy bù đắp; nếu không có dự trữ, tiền lỗ phải khấu trừ vào vốn hội. Trong công ty đối nhân, nếu hết vốn, các hội viên phải đem tài sản riêng ra trang trải công nợ của hội, trừ những hội viên xuất tư trong công ty hợp tư đơn thương, và các hội viên trong công ty TNHH, vì họ chỉ phải chịu trách nhiệm tới mức số vốn đã góp vào hội mà thôi.
1297._ Việc quản trị công ty: Trên nguyên tắc, tất cả các hội viên đều có quyền tham gia vào việc quản trị công ty, và việc làm của mỗi hội viên, trong phạm vi hoạt động bình thường của hội, nếu không có gì gian trá, đều có hiệu lực kết buộc các hội viên khác; nhưng nếu có hội viên nào phản kháng thì hành vi dự định phải được đình lại để tất cả các hội viên quyết định theo đa số tuyệt đối (1441 DLT; 1859 DLP; 1283 DLVN 1972). Thực tế, muốn cho sự hoạt động được hữu hiệu, hội  nào cũng cần được tổ chức có trật tự, không thể để cho bất cứ hội viên nào cũng được tự do điều khiển hội. Bởi thế, hội nào cũng có một quản lý viên ahy một ban quản lý có trách nhiệm điều hành hội. Sự quản trị các hội luôn được luật pháp ấn định riêng cho mỗi thứ hội, ta lần lượt đề cập đến sau này, khi nào nghiên cứu riêng biệt cho mỗi thứ hội ấy. Ở đây, ta sẽ nhận xét rằng, Dân luật dùng danh từ Ủy quyền để chỉ nhiệm vụ quản trị hội, nhưng thực ra, người quản trị hay người quản lý không đích hẳn có tính cách một người thụ ủy, vì một đằng, người quản trị, trong phạm vi giới hạn đã định, có quyền tự ý hành động, mặc dù có thể có các hội viên khác phản kháng, và đằng khác, muốn tước quyền của người quản trị hay người quản lý được chỉ định do khế ước lập hội, phải có duyên cớ chính đáng (1446 DLT; 1856 DLP; 1280 DLVN 1972). Chỉ người quản trị hay quản lý được chỉ định sau khi đã có khế ước lập hội mới có thể bị các hội viên khác truất quyền không cần lý do, như một người thụ ủy thường, nghĩa là theo thể lệ của dân luật, trừ trường hợp luật định khác (1354)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar