Vào tối 14 tháng 8 năm 1983, tôi đã làm mọi người sửng sốt bằng bài diễn văn mừng Đại hội Quốc khánh thường niên. Với số lượng đông đảo khán giả của cả hai kênh truyền hình trực tiếp buổi lễ, tôi đã phát biểu rằng thật là ngu xuẩn cho những người đàn ông tốt nghiệp đại học thích chọn vợ ít học và ít thông minh hơn nếu như họ muốn con cái cũng thành đạt như họ. Báo chí gọi đó là “Cuộc luận chiến hôn nhân vĩ đại”. Như tôi đã dự kiến, bài diễn văn đã dấy lên một cuộc công kích. Choo, vợ tôi đã cảnh báo tôi rằng số phụ nữ có bằng O (tương đương tốt nghiệp phổ thông trung học) nhiều hơn so với số phụ nữ có bằng đại học. Kết quả, bài diễn văn của tôi đã làm giảm 12% số phiếu dành cho PAP ở cuộc bầu cử kế đó, nhiều hơn so với dự tính của tôi.
Tôi phải mất một khoảng thời gian để nhận ra điều hiển nhiên rằng nhân tài là tài sản quí báu nhất của quốc gia. Đối với một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên như Singapore, với 2 triệu dân ở thời điểm độc lập 1965 thì nhân tài là yếu tố rất quan trọng. Người Hoa ở đây đa phần là những người xuất thân từ những nông dân ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Nhiều người làm những công việc lao động chân tay như khuân vác, bốc xếp hàng hoá và kéo xe lôi. Họ được những người thầu nhân công đưa đến đây để làm công nhân học nghề. Những di dân Ấn trước đây cũng đến làm công nhân học nghề, làm việc trên các đồn điền cao su, xây dựng đường sá, cầu cống. Hầu hết đều xuất thân từ tầng lớp thấp. Cũng có những nhóm nhỏ thương gia và nhân viên văn phòng người Ấn. Những người có khả năng nhất là thương gia người Sindhi và người Hindu Brahmin, đặc biệt là những giáo sĩ. Hậu duệ của họ là những người có tài. Theo lệ thường, người Malay giỏi về nghệ thuật hơn khoa học.
May mắn cho chúng tôi là dưới thời thuộc địa của Anh, Singapore là trung tâm giáo dục trong khu vực với những trường học tốt, là nơi đào tạo các giáo viên như trường đại học Y King Edward VII Medical và đại học Raffles (dạy nghệ thuật và khoa học). Cả hai trường đại học chất lượng cao này về sau được sáp nhập thành Đại học Malaya ở Singapore. Những sinh viên giỏi nhất trong số sinh viên học tiếng Anh ở Malaya và đảo Borneo được vào học tại các học viện Singapore, ở trong các trường nội trú do Hội truyền giáo Công giáo điều hành. Những sinh viên giỏi nhất được đào tạo ở Singapore trở thành các bác sĩ, giáo viên và những nhà quản trị. Họ là tinh hoa của khoảng 6 triệu người Hoa và người Ấn ở Malaya, đảo Borneo và thậm chí ở những vùng Đông Ấn nói tiếng Hà Lan, những vùng đó sau này thuộc Indone- sia. Singapore còn có những trường dạy tiếng Hoa tốt nhất trong khu vực. Các bậc phụ huynh người Hoa thành đạt trong khu vực gửi con họ đến đây học và sau này là đến đại học Nanyang khi đại học này dạy bằng tiếng Hoa. Mãi cho đến khi có sự chiếm đóng của người Nhật cũng như sự xuất hiện của các chính quyền độc lập sau chiến tranh, người Trung Hoa tự do đi lại giữa các quốc gia thuộc Nanyang (vùng Biển Nam hay Đông Nam Á). Nhiều người đã ở lại vì có việc làm tốt hơn và như vậy họ đã bổ sung thêm một lớp nhân tài cho Singapore.
Sau nhiều năm ở trong Chính phủ, tôi nhận ra rằng tôi càng có nhiều nhân tài như những vị Bộ trưởng, các nhà quản trị và những người có chuyên môn cao thì các chính sách của tôi càng có nhiều ảnh hưởng, và kết quả đạt được càng tốt hơn. Tôi chợt nhớ đến Hoàng thân Sihanouk, ông là một người có tài. Khi ông dựng phim, ông phải là tác giả, là người viết kịch bản, là đạo diễn, diễn viên kiêm nhà sản xuất. Campuchia không có đủ nhân tài cũng như những người học hành cao, và số nhân tài ít ỏi này về sau đã bị Pol Pot giết hại. Đó cũng là một nguyên nhân gây ra thảm kịch ở Campuchia.
Điều khiến tôi quyết định thực hiện bài diễn văn gây ra “Cuộc luận chiến hôn nhân vĩ đại” là bản báo cáo trên bàn làm việc của tôi phân tích những con số điều tra dân số năm 80. Bản thống kê cho thấy những phụ nữ thông minh nhất không chịu lấy chồng, và như vậy sẽ không có thế hệ nối dõi. Những ẩn ý thật đáng lo ngại. Những phụ nữ giỏi nhất của chúng tôi không sinh đẻ bởi vì đàn ông có trình độ tương đương không chịu cưới họ làm vợ. Khoảng phân nửa sinh viên tốt nghiệp đại học là nữ, gần 2/3 trong số họ không lập gia đình. Đàn ông châu Á dù là người Hoa, Ấn hay Malaya đều thích cưới vợ có trình độ thấp hơn họ. Năm 1983 chỉ có 38% đàn ông tốt nghiệp đại học cưới vợ cùng trình độ.
Kiểu kết hôn và sinh đẻ không hài hòa này không thể duy trì mà không có sự quan tâm để ý hay kiểm tra. Tôi quyết định làm cho thanh niên nhận ra những định kiến ngu xuẩn, cổ hủ và lạc hậụ của họ. Tôi trích dẫn các nghiên cứu được thực hiện ở Minnesota trong những năm của thập niên 80 về những cặp song sinh giống nhau, nghiên cứu chỉ ra rằng những cặp song sinh này giống nhau ở rất nhiều phương diện.
Mặc dù chúng được dạy dỗ riêng biệt và ở các quốc gia khác nhau, song khoảng 80% số đó có vốn từ ngữ, chỉ số thông minh (IQ), thói quen, sở thích về ăn uống và bạn bè, cũng như những đặc điểm tính cách khác của chúng đều giống nhau. Nói cách khác, gần 80% bản chất của con cái phụ thuộc vào di truyền và 20% còn lại là kết quả của sự nuôi dưỡng.
Khả năng của đa phần con cái đều nằm ở khoảng giữa khả năng của bố mẹ chúng, một số ít trội hoặc kém thông minh hơn họ. Vì vậy, nam giới có trình độ đại học cưới vợ có trình độ thấp hơn thì con cái họ không có nhiều cơ hội ở mức tối đa vào đại học. Tôi khẩn khoản đề nghị họ hãy cưới vợ cùng trình độ và khuyến khích những phụ nữ có trình độ nên sinh hai con trở lên.
Những phụ nữ có trình độ bất bình vì tôi đã đưa ra cảnh ngộ đáng sợ của họ. Còn những phụ nữ không có trình độ và cha mẹ họ giận dữ vì tôi đã khuyên can đàn ông có trình độ đừng cưới họ. Tôi bị phê phán dồn dập và thư từ gửi đến báo giới chỉ trích tôi là kẻ tin vào thuyết giáo dục tinh hoa, bởi tôi tin rằng tư chất thông minh là kế thừa chứ không phải là kết quả của dạy dỗ, nuôi nấng và đào tạo. Có hai vợ chồng có trình độ thách thức giả định mang tính lập luận của tôi rằng những gia đình có thu nhập thấp sẽ cho ra những đức con kém thông minh (tôi không có giọng điệu như vậy) như sau: Hãy nhìn Lee Pan Hon, nghệ sĩ violon. Anh ta xuất thân từ khu ổ chuột phố Tàu, nếu anh ta không được tạo điều kiện, anh ta chẳng bao giờ phát huy được khả năng sáng tạo của mình” (Lee Pan Hon là một đứa trẻ ở khu phố Tàu, do Yehudi Menuhin phát hiện tài năng cho trường của ông ta ở Anh quốc. Về sau, anh ta trở thành nghệ sĩ violon đầu tiên trong Dàn nhạc Manchester). Một phụ nữ viết: “Toàn bộ chuyện này sặc mùi thuyết giáo dục tinh hoa. Tôi là một người chưa lập gia đình, một phụ nữ đỗ đạt ở tuổi 40. Tôi vẫn sống độc thân bởi vì tôi thích sống như vậy. Tôi bị lăng nhục quá đỗi với gợi ý cho rằng một sự khuyến khích về tài chính nào đó sẽ khiến tôi nhảy vào giường với một người đàn ông hấp dẫn đầu tiên mà tôi gặp và sinh ra một đứa trẻ xuất chúng vì sự nghiệp tương lai của Singapore”. Thậm chí cả Toh Chin Chye, khi đó là nghị sĩ Quốc hội của đảng PAP đã chế giễu quan điểm của tôi. Ông ta phát biểu rằng mẹ ông ta chưa từng đi học, bố ông ta là một thư ký chỉ có bằng trung học, nếu ông ta phải phụ thuộc vào trình độ học vấn của bố mẹ thì ông ta sẽ không được như thế này.
Tôi ủng hộ quan điểm của mình bằng cách đưa ra các phân tích thống kê về trình độ học vấn của các phụ huynh trong số 10% học sinh đỗ đầu các kỳ thi ở tuổi 12, 16 và 18 trong vài năm qua. Những con số này gần như xác nhận rằng yếu tố quyết định của một thành tích cao là có một cặp bố mẹ có trình độ cao. Tôi còn cho công bố các phân tích dữ liệu của năm 60 và 70 cho thấy hầu hết những học sinh đỗ đầu giành được học bổng vào các đại học ở nước ngoài đều có bố mẹ học thấp và làm những việc như thủ kho, bán hàng rong, tài xế taxi và công nhân. Tôi so sánh những phân tích này với dữ liệu phân tích của năm 80 và 90 cho thấy trên 50% số học sinh giành được 100 học bổng giỏi nhất có ít nhất bố hoặc mẹ là người có chuyên môn hay làm chủ doanh nghiệp.
Kết luận này là hiển nhiên, vì bố mẹ của những người giành được học bổng trong những năm 60, 70 hẳn cũng đã vào đại học nếu họ sinh ra sau này khi giáo dục được phổ biến và chế độ học bổng, lương và vay tiền học rộng mở cho những sinh viên học giỏi.
Cuộc luận chiến này được giới truyền thông phương Tây tường thuật rộng rãi. Các cây bút và những nhà bình luận phương Tây chế nhạo tôi ngu dốt và định kiến. Song có một học giả đã lên tiếng bênh vực tôi là ông R.H. Herrnstein, giáo sư tâm lý học đại học Harvard. Trong một bài báo với tựa đề “IQ và việc tỷ lệ sinh giảm” đăng trên tờ Atlantic Monthly (Nguyệt san Đại Tây Dương) ra hồi tháng 5 năm 1989, ông viết: “Trong thời đại của chúng ta, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói “Trình độ năng lực sẽ giảm sút, nền kinh tế sẽ xuống dốc, chính quyền chúng ta sẽ gánh chịu và xã hội sẽ suy tàn”, bởi lẽ có quá nhiều nam giới có trình độ không cưới những người vợ có trình độ mà lại cưới vợ học ít hoặc sống độc thân. Nhưng Lý thì ngoại lệ, vì ông là một trong số ít những lãnh tụ chính trị hiện nay dám phát biểu trước công chúng về khía cạnh chất lượng của khả năng sinh đẻ thấp”. Một vài năm sau, Herrnstein là đồng tác giả cuốn The Bell Curve (tạm dịch: “Vòng tràng hoa”) trình bày dữ liệu phân tích cho rằng tư chất thông minh là kế thừa.
Để làm dịu vấn đề phụ nữ có trình độ không lập gia đình, chúng tôi thành lập Cơ quan Phát triển Xã hội (SDU) nhằm làm cho nam nữ có trình độ hòa nhập với nhau dễ dàng hơn. Theo chủ kiến, tôi chọn Tiến sĩ Dr. Eileen Aw, bà là tiến sĩ của Đại học Quốc gia Singapore. Khi sắp bước qua tuổi 50, bà lập gia đình với một bác sĩ và có hai con vào đại học. Bằng cách nói nhẹ nhàng và gần gũi, bà có sở trường làm cho những người trẻ tuổi cảm thấy dễ chịu, bà chính là con người cho công việc này. Ban đầu, SDU bị những người có trình độ ở cả hai giới miệt thị. Báo chí quốc tế lại có cơ hội lên tiếng chế nhạo những nỗ lực mai mối của chúng tôi và các hoạt động của SDU, từ hội nghị chuyên đề, các cuộc hội thảo và các lớp vi tính cho đến các cuộc đi chơi trên biển và những ngày lễ Club Med.
Sự thật là các bậc cha mẹ bị báo động về số lượng con gái có trình độ của họ không chịu lấy chồng đang gia tăng và vô phương giúp đỡ. Vào một tối năm 1985, sau buổi lễ tiếp tân ở Istana, Choo nói với tôi rằng phụ nữ thế hệ cô đang lo lắng cho hoàn cảnh của những cô con gái có trình độ của họ, và họ ái ngại cho nhau. Họ xót xa cho một thời đã qua, thời đó phụ nữ lấy chồng đều do cha mẹ sắp đặt nhờ vào sự mai mối của các bà mối. Thời mà người phụ nữ được nhận một nền giáo dục chính thống ít ỏi, người học giỏi hay học dở đều có cùng cơ hội “được gả bán” như nhau bởi vì không có bằng O hay bằng đại học để xếp loại họ. Hôn nhân do cha mẹ sắp đặt không còn được chấp nhận bởi những phụ nữ có học nữa.
Phần lớn là do lỗi của các bà mẹ có con trai học hành cao cũng như do bản thân các thanh niên đó. Các bà mẹ học không nhiều thích có những cô con dâu học ít, vì những người này ít gây khó khăn cho họ. Thật khó để xóa đi định kiến cho rằng nếu người đàn ông không được xem là trụ cột chính và nắm quyền trong gia đình là điều đáng thương và nhạo báng. Điều này rất phổ biến đối với người Hoa, lại càng phổ biến hơn đối với người Ấn và đa phần người Malay.
Khó khăn tương tự mở sang mọi cấp độ học vấn. Phần đông phụ nữ có bằng A không thể kiếm chồng có bằng đại học hoặc bằng A, huống chi là những phụ nữ có bằng O. Phụ nữ muốn lấy chồng học cao, đàn ông muốn cưới vợ học thấp. Kết quả là những người đàn ông học thấp nhất không thể cưới vợ được, bởi vì những phụ nữ còn độc thân là những người học cao hơn và không muốn lấy họ. Để bổ sung cho SDU, tôi yêu cầu giám đốc điều hành Hiệp hội Quần chúng thành lập Phân khu Phát triển Xã hội (SDS) dành cho những người tốt nghiệp trung học. Số hội viên nhanh chóng mở rộng và vào năm 1995 là 97.000 người. 31% hội viên SDS gặp gỡ nhau thông qua các hoạt động của hội và họ đã lập được gia đình. Kiểu chọn bạn đời truyền thống đã bị đoạn tuyệt bởi nền giáo dục toàn cầu, nhà nước đóng vai trò thay thế các bà mối thời xa xưa trong gia đình.
Những con số điều tra năm 1980 cũng cho thấy rằng các phụ nữ có trình độ đã tăng khó khăn cho chúng tôi qua việc có ít con hơn những người ít học hơn. Phụ nữ học cao nhất có 1,6 con, phụ nữ tốt nghiệp trung học cũng có 1,6 con, phụ nữ chỉ tốt nghiệp tiểu học có 2,3 con và những phụ nữ không học hành có 4,4 con. Để có một thế hệ nối tiếp, các bậc cha mẹ phải có 2,1 con.
Để chuyển đổi xu hướng sinh đẻ này, tôi và Keng Swee lúc bấy giờ là Bộ trưởng giáo dục quyết định cho các bà mẹ có trình độ được quyền ưu tiên chọn trường tốt nhất cho cả ba đứa con nếu họ sinh đứa con thứ ba. Đây là một chính sách giành được nhiều sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, song cũng là một vấn đề nhạy cảm và gây chia rẽ. Những người ủng hộ quyền bình đẳng trong nội các do Raja dẫn đầu bị xúc phạm. Ông ta tranh luận về vấn đề cha mẹ thông minh thì sẽ có những đứa con thông minh, và thậm chí nếu như điều đó đúng – ông ta phản bác lại – tại sao chúng tôi lại làm tổn thương lòng tự trọng của dân chúng? Eddie Barker không vui không phải vì ông ta tán thành Raja, mà vì điều đó xúc phạm các bậc cha mẹ ít học và con cái họ. Các Bộ trưởng trẻ tuổi hơn không thống nhất với các đồng nghiệp đứng tuổi về ba quan điểm này. Keng Swee vốn là người theo quan điểm cứng rắn đã đồng ý với tôi rằng, chúng tôi phải thức tỉnh những người đàn ông học cao để đưa họ ra khỏi định kiến lạc hậu, để họ nhận ra hành động cưới vợ học thấp hơn là điên rồ. Chúng tôi thắng đa số trong nội các.
Tôi và Keng Swee chờ đợi các bà mẹ ít học giận dữ vì họ bị đối xử phân biệt. Nhưng ngược lại, chúng tôi bị bất ngờ khi các bà mẹ có học vấn cao lại phản bác rằng họ không cần đặc quyền. Tuy nhiên, những chàng trai đã thấm thía được thông điệp do chúng tôi gởi đến: ngày càng có nhiều người cưới vợ cùng trình độ mặc dù tiến độ còn chậm. Sau bầu cử, tôi tán thành việc Tony Tan là người thay thế Keng Swee làm Bộ trưởng giáo dục mới thay đổi hoàn toàn quyết định này và hủy bỏ quyền ưu tiên cho các bà mẹ học cao. Tôi đã thức tỉnh người dân của chúng tôi, nhất là những thanh niên có trình độ về tình trạng ảm đạm của chúng tôi. Song, do những phụ nữ học cao cảm thấy bối rối với đặc ân này, tốt nhất nên xóa bỏ đi.
Thay vào đó, tôi đặc biệt giảm thuế thu nhập cho những phụ nữ đã lập gia đình, lần này cho các bà mẹ có trình độ đại học, cao đẳng, bằng A và O, mở rộng nguồn nhân lực và giảm bớt chính sách chuộng chữ nghĩa. Họ có đủ tiêu chuẩn để được giảm đáng kể thuế thu nhập trong khoản thu nhập của họ hoặc của chồng họ nếu họ có đứa con thứ ba hoặc thứ tư. Những nhượng bộ này khuyến khích người ta sinh nhiều đứa con thứ ba và thứ tư hơn.
Nhiều chỉ trích đổ lỗi cho chính phủ là thiếu cân nhắc trong việc thi hành chính sách “ngừng ở hai con” vào những năm của thập niên 60. Điều đó không đúng chăng? Đúng mà cũng không đúng. Nếu không có chính sách đó thì việc kế hoạch hóa gia đình sẽ chẳng bao giờ giảm tỷ lệ tăng dân số, và chúng tôi sẽ không giải quyết được nạn thất nghiệp cũng như khó khăn về trường lớp được. Tuy nhiên, lẽ ra chúng tôi phải biết trước rằng những người học cao sẽ có hai con trở xuống, và những người học thấp sẽ có bốn con hoặc nhiều hơn. Các cây bút về kế hoạch hóa gia đình phương Tây đã không thu hút sự chú ý về tác động dẫu không rõ ràng nhưng quen thuộc này trong những quốc gia lớn mạnh của họ, bởi vì về mặt chính trị thì không thể thực hiện như vậy. Phải chi chúng tôi nhìn nhận được vấn đề sớm hơn, thì chúng tôi đã cải tiến và định hướng cuộc vận động khác đi, khuyến khích những phụ nữ học cao nên có ba con trở lên ngay sau khi bắt đầu phát động kế hoạch hóa gia đình trong những năm 60. Tiếc thay, chúng tôi không nhận ra điều đó để kịp thay đổi chính sách của mình mãi cho đến năm 1983, khi mà cuộc phân tích điều tra dân số của thập niên 80 đã phát hiện ra những mô hình sinh đẻ thuôc các thành phần kinh tế xã hội khác nhau.
Kể từ bài diễn văn năm 1983, tôi đều đặn công bố những phân tích thống kê về trình độ học vấn của các bậc cha mẹ thuộc nhóm 10% học sinh đỗ đầu các cuộc thi tuyển quốc gia. Giờ đây người dân Singapore chấp nhận rằng các bậc cha mẹ càng học cao, thì dường như càng có nhiều con cái đạt được những bằng cấp tương tự. Bài diễn văn của tôi nhằm thức tỉnh các nam nữ thanh niên và cha mẹ họ, bắt họ làm điều gì đó để làm giảm sự nghiêm trọng của tình trạng này. Cuộc luận chiến công khai này đã khuyến khích tạo nên sự mới mẻ. Tuy nhiên, qua chiến thuật gây khích của tôi, Keng Swee (vốn là một chuyên gia thống kê) sau khi nghiên cứu các con số trong hai năm đã buồn rầu báo với tôi rằng chúng tôi không thể giải quyết sớm khó khăn này để kịp cứu vớt đa phần phụ nữ có trình độ cao của chúng tôi khỏi số mệnh của họ. Những con số này mặc dù đang cải thiện, nhưng đã cho thấy rằng phải mất nhiều năm mới đảo ngược được xu hướng này. Những phụ nữ thông minh của chúng tôi phải lãnh chịu và cả Singapore cũng thế. Vào năm 1997, 63% nam giới tốt nghiệp đại học cưới vợ cùng trình độ, so với 32% vàoăm 1982. Ngoài ra, ngày càng có nhiều phụ nữ học cao lập gia đình với những người có trình độ thấp hơn thay vì vẫn duy trì tình trạng độc thân. Thật khó mà gạt bỏ được một định kiến văn hóa đã ăn sâu tận gốc rễ. Về mặt lý trí, tôi đồng ý với Keng Swee rằng việc khắc phục nền văn hóa tụt hậu sẽ là một tiến trình chậm, song về mặt tình cảm tôi không thể chấp nhận rằng chúng tôi không thể thức tỉnh những người đàn ông của chúng tôi thoát khỏi định kiến lạc hậu của họ sớm hơn.
Những khó khăn về nguồn nhân tài trở nên trầm trọng khi các quốc gia phương Tây thay đổi các chính sách về vấn đề nhập cư cho người châu Á. Trong những năm của thập niên 60, khi Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, họ không muốn bị xem như những kẻ bài châu Á, nên họ quyết định chấp nhận những di dân châu Á, đi ngược lại chính sách “chỉ dành cho người da trắng” trong hơn một thế kỷ qua. Canada, Úc và New Zealand là những đất nước rộng lớn có dân số ít chẳng mấy chốc đã đi theo trào lưu này, ngược với trước đây họ ngăn cấm việc nhập cư của người châu Á. Khi họ thay đổi điều luật cho phép người châu Á có trình độ cao nhập cư, chúng tôi đã mất đi một phần lớn nguồn nhân lực người Hoa và người Ấn từ Malaysia. Nhiều người Malaysia gốc Hoa và gốc Ấn có tay nghề thuộc tầng lớp trung lưu đã di dân vĩnh viễn sang Úc, New Zealand và Canada. Ngày càng ít người nước ngoài đến Singapore học hành hơn. Giờ đây họ đã có những trường đại học của riêng họ, và nhiều người có đủ khả năng đi học ở Úc, New Zealand, Anh, Hoa Kỳ và Canada.
Không phải mọi nhà lãnh đạo đều chia sẻ quan điểm với tôi về những hậu quả của việc thay đổi chính sách này. Vào đầu những năm 70, khi tôi nói với thủ tướng Malaysia Tun Razak rằng Malaysia đang gánh chịu nạn chảy máu chất xám và đang để mất đi nhiều người Hoa và người Ấn có trình độ di dân sang Úc và New Zealand, ông ta đáp “Đây không phải là nạn “chảy máu chất xám”, mà là “chảy máu những rắc rối”; nó cuốn khỏi Malaysia những rắc rối”.
Nạn thiếu hụt nhân tài của chúng tôi càng trở nên tồi tệ từ cuối những năm 70, khi mà khoảng 5% những người có trình độ ra đi. Có quá nhiều học sinh giỏi của chúng tôi trở thành tiến sĩ. Có nhiều người di dân vì họ cảm thấy họ không thành đạt với trình độ chuyên môn mà họ có được. Một số sinh viên du học ở Úc, New Zealand và Canada đã nhập cư ở đó bởi vì nghề của họ ở Singapore không thăng tiến được. Không giống người Nhật và người Hàn Quốc, người Singapore giỏi tiếng Anh và đối phó với những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa không mấy khó khăn khi họ định cư ở hải ngoại.
Để có đủ nhân tài cho những công việc mà nền kinh tế đang phát triển của chúng tôi cần, tôi bắt đầu chiến lược thu hút và gìn giữ nhân tài như các nhà doanh nghiệp, giáo sư, nghệ sĩ và những công nhân có tay nghề cao. Vào năm 1980, chúng tôi thành lập hai ủy ban, một có nhiệm vụ giúp họ làm đúng nghề và một kết hợp họ lại thành một xã hội. Với sự giúp đỡ của các nhà tư vấn cho sinh viên trong các đoàn đặc phái ở Anh, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada, một đội ngũ nhân viên đã gặp các sinh viên châu Á có triển vọng ở các trường đại học để thu hút họ về làm việc ở Singapore. Chúng tôi quan tâm đến việc tuyển dụng sinh viên châu Á vì Singapore đưa ra một xã hội châu Á có mức sống cao hơn và chất lượng hơn các quốc gia của họ, và họ có thể hòa nhập dễ dàng vào xã hội của chúng tôi. Việc tìm kiếm nhân tài trên toàn cầu có hệ thống này đã thu hút được vài trăm sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm. Nó bù lại khoản hao mất chừng 5% đến 10% số người có trình độ di dân đến các nước công nghiệp phát triển hằng năm.
Với những người xuất sắc, ủy ban này cố gắng “thu hoạch sớm”, bằng cách đề nghị việc làm ngay trước khi họ tốt nghiệp, dựa trên thành tích học tập của họ trước cuộc thi tốt nghiệp. Vào những năm của thập niên 90, dòng nhân tài chảy vào thông qua việc tích cực tuyển dụng đạt gấp ba lần dòng chảy ra. Chúng tôi bắt đầu đưa ra vài trăm học bổng cho các sinh viên giỏi đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước trong khu vực với hy vọng một số người sẽ ở lại vì những cơ hội việc làm tốt hơn; những người này khi trở về nước vẫn có thể hữu ích cho các công ty của chúng tôi ở nước ngoài.
Chúng tôi còn thành lập hai cơ quan chuyên trách thu hút nhân tài từ Ấn Độ và các nước trong khu vực, và thành công trong lãnh vực thu hút tài năng người Ấn nhiều hơn người Malay. Có quá nhiều đặc quyền dành cho các bumiputra và pribumi (người Malay và người Indonesia bản xứ) ở quê hương để họ xem xét việc ra đi.
Một hiện tượng mới là số người Caucasia cưới vợ Singapore đang tăng lên, nhất là những phụ nữ có trình độ cao. Đàn ông Singapore có trình độ sợ cưới họ, song những người Caucasia có trình độ thì không. Đa phần những phụ nữ này bị buộc phải di dân do luật lệ của chúng tôi chỉ cho phép một công dân nam Singapore đưa một cô dâu nước ngoài nhập cư vào, nhưng ngược lại thì không được. Chúng tôi chỉ chấp nhận nếu người chồng ngoại quốc có nghề nghiệp ổn định. Chúng tôi thay đổi chính sách này vào tháng giêng 1999, đây là chính sách sẽ bổ sung đặc điểm mang tính toàn cầu của Singapore. Hơn nữa, một số đàn ông du học của chúng tôi đã cưới các cô gái người Caucasia, người Nhật và người châu Á khác mà họ gặp ở trường đại học. Con cái của họ là phần bổ sung quí báu vào nguồn nhân tài của chúng tôi. Những rào cản hoàn toàn cổ hủ về hôn nhân dị chủng đã được xoá bỏ nhờ vào sự hoà lẫn sắc tộc khi người ta đến du lịch hoặc làm việc ở những quốc gia không phải quê hương họ. Chúng tôi phải thay đổi thái độ và tận dụng những gì một thời bị xem là tài năng nước ngoài và không thể bị đồng hóa. Chúng tôi không thể cho phép những định kiến cổ hủ này cản trở sự phát triển dưới hình thức trung tâm thương mại, công nghệ và dịch vụ quốc tế của chúng tôi.
Bên cạnh chủ nghĩa bảo thủ tự nhiên, vấn đề khác là nỗi lo sợ về cạnh tranh công việc. Cả những người có chuyên môn lẫn những người có bằng cấp thấp hơn đều chống đối việc thu hút nhân tài. Người Singapore biết rằng càng có nhiều tài năng nước ngoài sẽ càng tạo thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, họ muốn điều này xảy ra ở khu vực nào khác chứ không phải trong lãnh vực họ.
Không có tài năng nước ngoài, chúng tôi đã không làm tốt được đến thế. Trong nội các đầu tiên gồm 10 người của tôi, chỉ có tôi là người duy nhất được sinh ra và học hành ở Singapore. Keng Swee và Chin Chye sinh ở Malaya, Raja ở Ceylon. Yong Pung How, chánh án hiện nay của chúng tôi đến từ Malaysia và tổng chưởng lý Chan Sek Keong cũng vậy. Như thế danh sách này có thể tiếp tục dài dài trong tương lai. Hàng ngàn kỹ sư, nhà quản lý và những người có chuyên môn khác đến từ nước ngoài đã giúp chúng tôi phát triển. Họ chính là những mega- byte bổ sung cho chiếc computer Singapore. Nếu chúng tôi không lấp vào những chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi sẽ không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được.
Bình luận