Lẽ ra, tôi đã viết về Kinh Tế Học Ứng Dụng – một chủ đề thiết thực, có lợi cho việc mưu sinh nhưng vì vụ án Konica kéo quá dài nên tôi đành lỡ hẹn. Khi nghe Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang lập luận rằng “Làm sao có thể lừa một cái doanh nhân, một cái người vĩ đại như vậy” thì tôi ngỡ ngàng thốt lên những lời như là nhắc bài cho một cậu học trò lười biếng, đang nói bậy. Về nhà, chủ đề “Phi Đối Xứng Thông Tin” trong đầu tôi lại trỗi dậy. Nó thôi thúc tôi viết bài này để chia sẻ cùng bạn đọc.
Theo tôi thì “Phi đối xứng thông tin” là chủ đề hay nhất, có tính ứng dụng cao nhất của của Kinh tế học. Thấu hiểu vấn đề này sẽ là một lợi thế rất lớn cho cuộc mưu sinh của mỗi cá nhân và cả trên bình diện quốc gia. Sự hùng mạnh của nước Mỹ có sự đóng góp rất lớn, có thể nói là lớn nhất, của các nhà Kinh tế học. Ba học giả kinh tế đã đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của lý luận về phi đối xứng thông tin là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz, đều được trao giải Nobel Kinh tế học vào năm 2001, và đều là người Mỹ.
“Con người đối diện với sự đánh đổi” là nguyên lý số một của kinh tế học. Đổi cái này để lấy cái kia, chọn cái này chứ không chọn cái kia là bắt buộc phải chọn chứ không thể chối từ. Vấn đề lớn nhất của trao đổi hoặc chọn lựa là vấn đề thông tin. Nhưng thông tin thì thường là bất đối xứng đối với mỗi người trong cuộc đánh đổi. Nếu bạn thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch về người mà bạn dự định chọn để kết hôn thì có thể bạn sẽ phải li dị ngay sau đêm tân hôn. Nếu bạn có thông tin sớm về qui hoạch, về chính sách thì bạn có thể làm giàu nhanh. Nếu bạn là luật sư – cựu thẩm phán thì bạn sẽ có được quan hệ với đồng nghiệp cũ, khai thác được thông tin để lèo lái vụ án, từ đó dễ dàng làm giá với thân chủ. Đó là lý do giải thích tại sao một số công ty luật thường săn đón các luật sư – cựu thẩm phán đầu quân. Thậm chí, chỉ cần đăng ký tên chứ không trực tiếp tham gia tố tụng cũng có thể được lãnh lương hàng tháng. Làm giàu nhờ có thông tin, nhờ khai thác thông tin bất đối xứng đã diễn ra từ hàng mấy ngàn năm trước. “Phi thương bất phú” thì chủ yếu cũng là khai thác thông tin để làm giàu. Người đi buôn sẽ biết mua ở đâu giá rẻ, bán ở đâu giá cao. Người mua thế nào, người bán thế nào, trên đường vận chuyển có vấn đề gì thì chỉ có anh đi buôn mới rành. Gốc rễ của lợi nhuận thương mại chủ yếu đến từ thông tin bất đối xứng. Sự giàu có của một số công chức, mà có khi chỉ là công chức cấp thấp, là nhờ khai thác thông tin độc quyền của nhà nước. Thông tin là một mỏ vàng vô tận, ai biết khai thác thì sẽ giàu.
Trên bình diện quốc gia, người ta cũng khai thác thông tin bất đối xứng để quyết định một cuộc chiến tranh. Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam với Mỹ thì thông tin tình báo đã làm phá sản các cuộc hành quân của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Giai đoạn đầu mở cửa của Việt Nam, mấy anh buôn chuyến đến từ Đài Loan cũng hốt được một mớ của nhờ “mua đi bán lại” trước sự ngu ngơ của người Việt Nam vừa thoát bao cấp. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay thì Việt Nam cũng phải đối đầu với nạn thiếu thông tin. Ngoài yếu tố tham nhũng thì thiếu thông tin cũng gây ra những hệ lụy khủng khiếp đối với quốc gia. Thái độ phản ứng của ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y Tế Quảng Nam, trước kết luận Thanh tra trong vụ mua máy xét nghiệm Covid – 19 cũng đã cho thấy là ông bị che mắt bởi các phiếu báo giá – đấu thầu cuội chứ không tham nhũng. Vụ đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể có tham nhũng nhưng hậu quả lớn cho đến hôm nay chủ yếu là do dốt, do thiếu thông tin, do chủ quan.
Trong vụ mua máy C1100 thì tôi bị thiếu thông tin. Tôi đã rất cố gắng gặp một số người đã từng sử dụng máy in kỹ thuật số để hỏi, để tìm hiểu nhưng không moi được thông tin vì họ giữ “bí mật hợp đồng”. Tôi chỉ còn dựa vào sự “phát tín hiệu thị trường” mà tôi đã được nghiên cứu trong kinh tế học. Đó là “máy mới, hiện đại được sản xuất tại Nhật Bản năm 2014, mới xuất qua thị trường châu Âu và Bắc Mỹ 9 chiếc, qua châu Á hai chiếc, là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nơi một chiếc. Nếu tôi mua thì đây sẽ là chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại nhất Đông Nam Á, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Anh là người đầu tiên mua máy này nên sẽ được giảm giá đặc biệt 20%”. Tín hiệu phát ra từ Konica Minolta Việt Nam, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, giống như một cô gái đẹp, lẳng lơ mời gọi thì tôi đâu còn gì phải sợ mà không lấy đà chạy đến với họ. Trong vụ mua bán máy in này thì họ hiểu chiếc máy in của họ hơn tôi, còn tôi thì hiểu tôi hơn họ. Cho nên, tôi đã bị mất tiền, còn họ thì bị dính chưởng suốt 6 năm qua. Tôi bị lừa là do tôi thiếu thông tin về máy in kỹ thuật số chứ không phải do vĩ đại. Họ đi lừa người khác quen rồi nhưng họ không biết tôi có thể xuất chưởng nên họ lừa tôi và bị dính chưởng.
Bây giờ, đến cuộc đấu tranh tại tòa. Họ có tiền, thuê các công ty luật, có các luật sư – cựu thẩm phán tòa kinh tế thì thông tin về đường lối giải quyết của vụ án, có thể họ nắm rõ hơn tôi. Họ cũng biết rõ tiền bạc và quan hệ của họ hơn tôi. Còn tôi thì biết rõ “chiêu và chước” của tôi hơn họ. Tôi biết tôi sẽ làm gì tiếp theo với những tình huống khác nhau. Thông tin bất đối xứng như thế nên cuộc chiến này mới còn dai dẵng./.
Bình luận