Cuối phần trình bày tranh luận tại phiên tòa ngày 26/5/2021, Siêu Luật sư châu Á, tiến sĩ Châu Huy Quang nói: “Xin cảm ơn HĐXX và trước khi kết thúc thì tôi cũng xin, theo đề đạt của ông Tổng giám đốc của KMV thì ông là người đại diện pháp luật của KMV tham gia vụ việc này rất lâu, cho nên là giờ ổng là người nước ngoài, thành ra ổng cũng có muốn là HĐXX dành cho ổng 2-3 phút để ổng xin phát biểu bổ sung, xin cảm ơn”. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, Chủ tọa phiên tòa, đã bác bỏ cái “tôi cũng xin” quái lạ này của Siêu Luật sư châu Á, tiến sĩ Châu Huy Quang nhưng lý do thì quá gọn, cần phải phân tích thêm.
Ông Tetsuya Tokuda, Tổng Giám đốc KMV, không được phát biểu tại phiên tòa như mong muốn của ông ta là lỗi của Công ty Luật LCT mà đứng đầu là Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang. Bởi lẽ, ông Tổng giám đốc Tetsuya Tokuda là người đại diện theo pháp luật của KMV thì tât nhiên ông phải được quyền đại diện cho KMV tham gia tố tụng với tư cách là “Người có quyền, nghĩa vụ liên quan”. Nhưng vấn đề là Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang đã không làm cho ông thủ tục tham gia tố tụng cùng với các đại diện do ông ta ủy quyền. Mặc dù theo suốt các phiên tòa nhưng ông Tetsuya Tokuda, ngồi ghế người tham dự ‘không tên không tuổi”. Thậm chí, vì phòng chống dịch covid-19, không cho người tham dự phiên tòa, cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh đã yêu cầu ông Tetsuya Tokuda và ông Trần Kim Chung ra khỏi phòng xét xử. Nhưng sau đó, cô thư ký báo cho hội đồng xét xử, xin cho hai ông được ngồi tham dự. Tất nhiên đã là người tham dự thì không được phát biểu. Điều đó quá dễ hiểu đối với hầu hết người dân, kể cả những người không học luật.
Trước hết,
nói về những người THAM DỰ phiên tòa.
Theo qui định tại điều 15.2 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 (BLTTDS) thì “Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”. Vụ án này không thuộc “trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật” nên mọi người đều có thể tham dự phiên tòa, nếu tòa án có đủ điều kiện bố trí chỗ ngồi hoặc truyền hình trực tiếp để nhân dân giám sát theo điều 13.1 BLTTDS.
Phiên tòa diễn ra ngày 20/4/2021 và ngày 22/4/2021 đã có khá đông người tham dự vì lúc đó, tuy có phòng chống dịch nhưng chưa nghiêm ngặt. Nhưng đến ngày 26/5/2021 thì không thể vào phòng xử với tư cách người tham dự. Chỉ có ông Tetsuya Tokuda – Tổng Giám đốc KMV và ông Trần Kim Chung được ưu ái cho tham dự nhưng phải ngồi giãn cách ở góc phòng xét xử.
Sau nữa,
nói về những người THAM GIA phiên tòa.
Những người tham gia phiên tòa hôm đó bao gồm hai thành phần:
1. Người tiến hành tố tụng gồm: Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán là ông Ngô Thanh Nhàn, ông Lê Thọ Viên, bà Hoàng Thị Bích Thảo; Thư ký phiên tòa là bà Hồ Thị Kim Oanh; Kiểm sát viên là ông Trần Anh Tuấn. Những người này có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Người tham gia tố tụng: gồm các đương sự và người bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tức là đại diện theo pháp luật của Saigonbook, đại diện theo ủy quyền của Sao Nam, đại diện theo ủy quyền của KMV và các luật sư của các bên. Những người này có tên trong giấy triệu tập và phải được tòa án tống đạt triệu tập hợp lệ.
Những người tiến hành tố tụng được qui định tại Chương V và những người tham gia tố tụng được qui định tại Chương VI của BLTTDS là những người phải thỏa những điều kiện đã được pháp luật qui định thì mới được tham gia phiên tòa. Thủ tục kiểm tra tư cách người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã phải diễn ra suốt quá trình thụ lý vụ án cho đến ngày khai mạc phiên tòa. Ngay sau khi tuyên bố khai mạc phiên tòa, lại phải kiểm tra tư cách người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng một lần nữa. Sai tư cách tham gia tố tụng thì chắc chắn bản án phải bị hủy mà không cần xem xét về mặt nội dung. Ông Tổng giám đốc Tetsuya Tokuda đã không làm thủ tục tham gia tố tụng thì không thể phát biểu tại phiên tòa. Hơn nữa, ông Tổng giám đốc Tetsuya Tokuda là người Nhật Bản, phát biểu phải có người phiên dịch, thì người phiên dịch này cũng phải làm thủ tục tham gia tố tụng theo qui định tại các điều 81, 82, 83, 84 BLTTDS.
Tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà công ty luật LCT, tự xưng là đội mạnh, dưới sự dẫn dắt của Siêu Luật sư châu Á mà lại không biết đấu tranh giành quyền cho ông Tetsuya Tokuda được phát biểu tại phiên tòa để thỏa cái “ổng cũng có muốn là HĐXX dành cho ổng 2-3 phút để ổng xin phát biểu bổ sung”? Trong khi đó, tôi đã làm thủ tục cho người đại diện theo ủy quyền của tôi, chỉ với một mục đích là được ngồi bên tôi, tham gia trong suốt các phiên tòa, nếu cần thì có quyền phát biểu ý kiến mà không cần phải xin xỏ gì cả. Thủ tục này rất đơn giản.
“Tham gia” và “tham dự” là hai hình thức “tham” khác nhau, diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tùy theo mô hình tổ chức mà người ta qui định quyền, nghĩa vụ của người tham gia và người tham dự. Những người tham dự đại hội đảng sẽ không được tham gia thảo luận, không được bỏ phiếu, không được biểu quyết. Trong tố tụng dân sự thì người tham gia và người tham dự được qui định rất rõ ràng, chặt chẽ và không thể lẫn lộn. Làm Luật sư mà lẫn lộn tư cách tố tụng, xin xỏ không có căn cứ pháp luật, để đến nỗi bị bác như Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang là một hiện tượng SIÊU LẠ mà tôi chưa từng gặp./.
Bình luận